Võ Thái Hà tổng hợp
Covid-19: Mỹ siết chặt kiểm soát dịch tễ với khách Trung Quốc
28/12/2022
Ảnh minh họa : Hành khách tại sân bay quốc tế Denver, bang Colorado, Hoa Kỳ, ngày 24/12/2021. AP - David Zalubowski
Trọng Thành /RFI
Hoa Kỳ lo ngại về làn sóng khách Trung Quốc sau khi Bắc Kinh hủy chính sách Zero-Covid, dỡ bỏ quy định cách ly bắt buộc với người nhập cảnh. Hôm qua, 28/12/2022, chính quyền Mỹ cho biết xem xét siết chặt kiểm soát dịch tễ đối với khách từ Trung Quốc, để tránh bùng phát một đợt dịch mới tại Mỹ. Giới chuyên gia Hoa Kỳ, châu Âu và nhiều nơi khác lo ngại từ Trung Quốc sẽ xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, nhất là vì Bắc Kinh che giấu thông tin về dịch.
Hãng tin Pháp AFP dẫn lời một số giới chức Hoa Kỳ xin ẩn danh, nhấn mạnh là ‘‘cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về các làn sóng dịch Covid-19 tại Trung Quốc, và việc chính quyền Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa thiếu minh bạch dữ liệu, đặc biệt là các dữ liệu về giải trình tự gien virus’’. Các giới chức Mỹ dẫn lại các lo ngại của Tổ chức Y tế Thế giới, đồng thời cho biết là Mỹ có thể áp dụng các biện pháp tương tự như Nhật Bản, Ấn Độ và Malaysia, cụ thể là buộc khách Trung Quốc phải xét nghiệm PCR khi nhập cảnh.
Ngay sau quyết định của Bắc Kinh tối thứ Hai 26/12 giảm nhẹ tối đa các biện pháp phòng dịch đối với người nhập cảnh kể từ ngày 08/01/2023, số người Trung Quốc mua vé bay ra nước ngoài tăng vọt. Quyết định của Bắc Kinh gây phấn chấn tại Trung Quốc sau 3 năm giao thông hàng không với bên ngoài gần như tê liệt.
Schengen cần lập lại kiểm soát dịch tễ với khách Trung Quốc
Ngoài Hoa Kỳ và các nước châu Á nêu trên, nhiều chuyên gia ở châu Âu ủng hộ kiểm soát dịch tễ đối với khách đến từ Trung Quốc. Theo nhà dịch tễ học Antoine Flahault, đại học Genève, Thụy Sĩ, ‘‘toàn bộ không gian đi lại tự do Schengen cần thiết lập nhanh chóng trở lại việc kiểm soát dịch tễ, với việc xét nghiệm và giải trình tự gien virus’’. Nhà dịch tễ học Thụy Sĩ lưu ý : ‘‘Chỉ có như vậy mới có thể ghi nhận được kịp thời sự xuất hiện của các biến thể mới mà chúng ta đang lo ngại. Và điều này cho phép chuẩn bị sớm và tốt hơn các biện pháp đối phó.’’
Đài France 24 cũng dẫn lời chuyên gia dịch tễ học Pháp Mircea Sofonea, Đại học Montpellier, cho biết rõ hiểm họa đáng sợ là ‘‘việc xuất hiện của một biến chủng mới, khác xa với biến chủng Omicron phổ biến hiện nay, sẽ vô hiệu hóa cơ chế miễn dịch thông qua vac-xin và con đường miễn dịch tự nhiên’’. Việc dịch bệnh bùng phát mạnh tạo cơ hội cho virus dễ dàng đột biến. Nhà dịch tễ học Antoine Flahault nhấn mạnh : ‘‘Nguy cơ này là hiển nhiên khi virus lan truyền tại một đất nước 1,4 tỷ dân, và trong một cộng đồng dân cư còn rất ít được miễn dịch.’’
Nga đưa ra tối hậu thư cho Ukraine: Hoặc là thực thi đề xuất của Nga hoặc là Nga sẽ tự quyết
Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Lavrov phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tại Trụ sở Liên Hợp Quốc để thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine vào ngày 22/9/2022 tại New York. (Ảnh: Michael M. Santiago/Getty Images)
Chỉ một ngày sau khi đưa ra thông điệp có thể đàm phán với Ukraine và nối lại nguồn cung khí đốt cho EU trong mùa đông băng giá kỷ lục, Nga đã đưa tối hậu thư cho Ukraine trong việc yêu cầu nước này phải thực thi các đề xuất của Nga hoặc là Nga sẽ tự quyết. Hy vọng mong manh về kết thúc chiến tranh như ngọn đèn dầu trước gió đông và bão tuyết.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đưa ra tối hậu thư cho Ukraine vào thứ Hai, yêu cầu Ukraine thực hiện các đề xuất của Moscow, bao gồm cả việc giao nộp lãnh thổ mà Nga kiểm soát, nếu không quân đội của họ sẽ tự quyết định vấn đề.
Tối hậu thư Nga gửi cho Ukraine chỉ một sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Ukraine.
Theo Reuters, Kyiv và các đồng minh phương Tây đã từ chối lời đề nghị đàm phán của ông Putin. Phía Ukraine không thể nào chấp nhận đề xuất của Nga đối với 1/5 lãnh thổ Nga chiếm giữ bằng cuộc khi xâm lược vũ trang vào một đất nước có chủ quyền.
Hãng thông tấn TASS, trích lời của Bộ trưởng Lavrov:
“Kẻ thù [Ukraine] biết rõ các đề xuất của chúng tôi [Nga] về việc phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa các vùng lãnh thổ do chế độ [Kiev] kiểm soát. [Chỉ bằng cách này mới] loại bỏ các mối đe dọa đối với an ninh của Nga đến từ đó. [Việc phi quân sự hoá và phi hạt nhân hoá] bao gồm các vùng lãnh thổ mới của chúng tôi [DPR, LPR, Kherson và Zaporozhye]”.
“Vấn đề rất đơn giản, [Kyiv] chấp nhận những đề xuất này một cách thân thiện. Nếu không, Quân đội Nga sẽ giải quyết vấn đề này”, ông Lavrov tuyên bố.
“Quyết định việc cuộc xung đột có chấm dứt hay kéo dài thuộc về phía chính quyền Kiev, Washington và các lực lượng đứng đằng sau nó. Họ có thể chấm dứt sự kháng cự vô nghĩa này bất cứ lúc nào”, Ngoại trưởng Nga nói thêm.
Quân đội Nga đã tràn vào xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022, gọi đây là một “chiến dịch đặc biệt” nhằm “phi hạt nhân hóa” và “phi quân sự hóa Ukraine”, mà ông Putin cho là mối đe dọa đối với Nga.
Hãng truyền thông của Nhà nước Nga cũng đặc biệt nhắc lại rằng:
Từ ngày 23/9 đến ngày 27/9, “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Lugansk”(theo cách gọi của Nga) cũng như Vùng Kherson và Vùng Zaporozhye đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, và “đa số cử tri đã chọn gia nhập Nga”.
Ukraine với sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây đã và đang nỗ lực giành lại các phần lãnh thổ đã mất này.
Cuộc chiến hiện tại đã bước sang tháng thứ 11, ngày một khốc liệt với cả hai chiến tuyến. Nga đã bắt đầu phá huỷ nguồn cung điện, năng lượng trên khắp Ukraine. Theo Tổng thống Ukraine, 9 triệu người dân nước này không có điện, năng lượng sưởi ấm trong mùa đông. Quang cảnh những chiếc xe đang bốc cháy sau khi Nga pháo kích vào thành phố Kherson của Ukraine vào ngày 24/12/2022. (Ảnh của Cơ quan Báo chí Tổng thống Ukraine/Handout/Cơ quan Anadolu/Getty Images)
Các lực lượng Nga đã tham gia giao tranh ác liệt trong nhiều tháng ở phía đông và nam Ukraine, để bảo vệ các vùng đất mà Moscow tuyên bố sáp nhập vào tháng 9 và tạo nên khu vực công nghiệp Donbas rộng lớn hơn của Ukraine.
Theo tin từ Reuters, Bộ chỉ huy quân sự hàng đầu của Ukraine cho biết hôm thứ Hai rằng các lực lượng Nga đã thực hiện 19 cuộc tấn công trong khu vực trong ngày hôm qua.
Trong thông điệp video hàng đêm hôm thứ Hai (26/12), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy gọi tình hình dọc tiền tuyến ở Donbas là “khó khăn và đau đớn”.
“Bakhmut, Kreminna và các khu vực khác ở Donbas… đòi hỏi sức mạnh và sự tập trung tối đa”, ông Zelenskiy nói.
Oleh Zhdanov, một nhà phân tích quân sự ở Kyiv, cho biết giao tranh ác liệt đang diễn ra xung quanh các khu vực trên cao gần Kreminna ở khu vực Luhansk, theo Reuters.
Quang Nhật
Đức: 60% hiệp hội doanh nghiệp bi quan về năm 2023
Hơi nước và khí thải bốc lên từ các công ty khác nhau vào một ngày mùa đông lạnh giá tại Oberhausen, Đức, 06/01/2017. (Lukas Schulze / Getty Images)
Lạm phát cao và giá năng lượng kỷ lục đang làm kiệt quệ các công ty Đức: 80% số hiệp hội doanh nghiệp tại quốc gia này cho biết tình hình kinh tế của họ đang tồi tệ hơn một năm trước, và 60% dự đoán hoạt động kinh doanh sẽ xấu đi vào năm 2023.
“Tình hình đã thực sự xấu đi và nó đã xấu đi trên toàn bộ nền kinh tế”, Michael Hüther, Giám đốc Viện Kinh tế Đức (IW), cho biết.
IW đã khảo sát 49 hiệp hội doanh nghiệp tại Đức từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12/2022. Trong đó, 39 hiệp hội (hoặc 80%) cho biết tình hình kinh tế của mình đã xấu đi hơn một năm trước, kết quả khảo sát được IW công bố vào ngày 27/12/2022 cho thấy.
30 trong số 49 hiệp hội (hoặc 60%) cho biết họ dự đoán hoạt động kinh doanh sẽ xấu đi, và cho rằng các thành viên của hiệp hội mình sẽ sản xuất ít hơn trong năm 2023, trong khi chỉ 13 hiệp hội (hoặc 27%) cho biết họ kỳ vọng ngành nghề mình sẽ sản xuất nhiều hơn.
Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng nói riêng đang gặp khó khăn đặc biệt do cuộc khủng hoảng giá năng lượng, theo báo cáo khảo sát từ IW cho hay.
“Các doanh nghiệp không cho rằng giá năng lượng cao sẽ trở lại mức trước khủng hoảng trong tương lai gần”, Michael Grömling, chuyên gia kinh tế của IW, cho biết. “Điều đó làm tầm nhìn năm tới đen tối đi rất nhiều”.
Chỉ một năm trước, không có hiệp hội nào được IW khảo sát đã tỏ ra bi quan về hoạt động kinh doanh trong năm 2022.
Lạm phát và giá năng lượng kỷ lục đã đẩy tâm lý người tiêu dùng ở Đức xuống mức thấp nhất mọi thời đại, khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, theo IW cho hay. Ngoài ra, việc Trung Quốc và Mỹ đang đối mặt với nền kinh tế suy yếu cũng đã làm chậm đà phát triển toàn cầu và làm giảm triển vọng của ngành xuất khẩu Đức.
Cuộc khảo sát này tương đồng với kết quả báo cáo mới đây của S&P Global về Chỉ số quản lý sức mua (PMI) trong ngành sản xuất của Đức, trong đó cho thấy các nhà sản xuất Đức tiếp tục bi quan về triển vọng sản lượng trong năm tới, do lo ngại về an ninh năng lượng, lạm phát cao, điều kiện tài chính thắt chặt, và triển vọng tăng trưởng cả trong và ngoài nước.
Cao Dương
Kính thiên văn James Webb hứa hẹn tiết lộ nhiều khám phá mới về vũ trụ
Hình ảnh được công bố hôm 16/11 vừa qua từ kính thiên văn James Webb, trong đó chụp một tiền sao trong L1527, đám mây khí có hình giống đồng hồ cát. (Ảnh: NASA và ESA)
Năm 2022, Kính thiên văn không gian James Webb đã chụp được rất nhiều bức ảnh về vũ trụ, qua đó mở ra kỷ nguyên mới của thiên văn học và rất nhiều những tiết lộ về vũ trụ trong những năm tới, theo tờ AFP.
Được biết, đài quan sát khoa học không gian mạnh nhất thế giới này đã được đưa vào không gian sau thành công của kính viễn vọng Hubble và bắt đầu truyền về những hình ảnh vũ trụ đầu tiên từ tháng 7.
Người đứng đầu Văn phòng sứ mệnh James Webb thuộc Viện Khoa học viễn vọng không gian tại Blatimore, ông Massimo Stiavelli cho biết: “Kính viễn vọng không gian James Webb đã vận hành tốt hơn dự kiến về mọi mặt. Các công cụ hiệu quả hơn, mắt kính tinh nhạy hơn và ổn định hơn. Chúng ta tích được nhiều nhiên liệu hơn và sử dụng ít nhiên liệu hơn. Sự ổn định đóng vai trò quan trọng để tạo ra sự trong sáng của hình ảnh. Yêu cầu của chúng tôi đặt ra tương tự như đối với Hubble về độ chính xác. Và cuối cùng chúng tôi đã có độ chính xác gấp 7 lần”.
Công chúng đã được chiêm ngưỡng những hình ảnh màu sắc sống động từ không gian. Ánh sáng từ các dải ngân hà xa xôi nhất trải dài từ quang phổ thấy được (tức là có thể nhìn bằng mắt thường) cho đến quang phổ hồng ngoại, nhờ kính James Webb được trang bị để có thể quan sát thấy hình ảnh có độ phân giải cao chưa từng thấy. Điều này cho phép kính phát hiện những tia sáng mong manh nhất từ vũ trụ xa với độ phân giải cao chưa từng thấy, cho phép nhìn xuyên thấu các đám mây bụi thường che khuất các ngôi sao, các hành tinh và các thiên hà xa xôi, và cho phép phân tích khí quyển của các hành tinh ngoài hệ Mặt trời.
Giáo sư trợ giảng về thiên văn học của Đại học Cornell, bà Lisa Kaltenegger cho hay: “Năm đầu tiên trong quá trình quan sát là cách để thử nghiệm công cụ của chúng ta với các hành tinh đá nhỏ hơn tại vùng có thể sinh sống như Trái Đất. Các bài kiểm tra đều rất đẹp, rất ngoạn mục”.
Kính viễn vọng không gian Webb đã được tên lửa Arian 5 đưa lên quỹ đạo vào cuối năm 2021, trong khuôn khổ dự án kéo dài 30 năm tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Kính James Webb hiện đang quay quanh quỹ đạo Mặt Trời cách Trái Đất 1,6 triệu km. Dự án đã tiêu tốn 10 tỷ USD để đưa đài quan sát nặng 6,2 tấn này vào không gian. Ngày 12/7, các hình ảnh đầu tiên cho thấy các khả năng của kính chụp được hàng nghìn dải ngân hà, có ngân hà đã ra đời từ gần thời điểm vũ trụ khai sinh.
Các nhà khoa học cho rằng các hình ảnh từ kính viễn vọng không gian James Webb khiến họ phải xem lại các mô hình về sự hình thành các ngôi sao. Các nhà nghiên cứu sử dụng đài quan sát mới này đã phát hiện các ngân hà xa xôi nhất từng quan sát được.
Một điều ngạc nhiên khác là trong khi kính Hubble quan sát các ngân hà định hình định kỳ, độ chính xác của kính James Webb cho thấy những ngân hà xoáy ốc tuyệt đẹp tương tự như thiên hà của chúng ta. Kính viễn vọng không gian James Webb cũng mở ra vô số các cụm sao chứa hàng triệu ngôi sao, có thể là điều đang còn thiếu giữa những ngôi sao đầu tiên và những ngân hà đầu tiên.
Phan Anh
Phát ngôn viên: Ông Mike Pence đã không nộp hồ sơ tranh cử tổng thống
Cựu Phó Tổng thống Mike Pence ra hiệu khi trình bày trong một cuộc họp thường niên của Liên minh Do Thái Đảng Cộng Hòa ở Las Vegas, Nevada, hôm 19/11/2022. (Ảnh: Wade Vandervort/AFP qua Getty Images)
Hôm thứ Hai (26/12), một phát ngôn viên thông báo rõ rằng cựu Phó Tổng thống Mike Pence đã không nộp hồ sơ lên Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC) để tuyên bố ứng cử tổng thống vào năm 2024.
Hôm thứ Hai, một hồ sơ FEC tuyên bố rằng ông “Mike Richard Pence” thuộc Đảng Cộng Hòa đang ra ứng cử tổng thống đã xuất hiện. Hồ sơ này đã khiến một số hãng thông tấn đưa tin rằng ông Pence đã tuyên bố tranh cử tổng thống.
Nhưng tính hợp pháp của hồ sơ trên đã bị ông Devin O’Malley phủ định. Ông O’Malley từng là tham vụ báo chí của ông Pence thời ông còn là phó tổng thống.
“Cựu Phó Tổng thống Mike Pence đã không nộp đơn tranh cử Tổng thống ngày hôm nay,” ông O’Malley viết trên Twitter.
Tài liệu này xuất hiện trên trang web của FEC dưới dạng hồ sơ “thô” mà ủy ban này vẫn chưa giải quyết.
The Epoch Times đã liên lạc với FEC để yêu cầu bình luận.
Hồ sơ của FEC đã chỉ định “Mike Pence for President” (tạm dịch: “Hãy Bầu Ông Mike Pence Làm Tổng Thống”) là ủy ban chiến dịch chính của ứng viên này. Nhưng không rõ ai là người đã nộp hồ sơ.
Ông O’Malley đã chỉ ra trên Twitter rằng hồ sơ này có thể là một trò đùa.
Hồi năm 2016, một hồ sơ do FEC giải quyết nêu tên ông Pence là ứng cử viên đồng hành cho chức phó tổng thống của ứng cử viên đương thời Donald Trump đã ghi danh ông Pence dưới tên “Michael R. Pence.”
Tranh cử năm 2024
Ông Pence vẫn chưa công bố liệu ông có ý định tranh cử tổng thống vào năm 2024 hay không, và đã không trả lời câu hỏi của khán giả về vấn đề đó trong buổi hỏi đáp ở Las Vegas trong chuyến công tác giới thiệu sách của ông hồi tháng Mười Một.
Ông đã ám chỉ rằng ông có khả năng sẽ ra tranh cử, bằng cách nói với những người ủng hộ hồi tháng Mười Một rằng ông sẽ dành cho quyết định này một sự “cân nhắc đầy thành kính.”
“Tôi nghĩ chúng ta sẽ có những lựa chọn tốt hơn trong tương lai. Đối với tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ suy nghĩ về vai trò của mình trong đó,” ông nói với chương trình “World News Tonight” của ABC.
Trước khi tuyên bố tranh cử tổng thống năm 2024 sau cuộc bầu cử giữa kỳ, ông Trump đã cho biết hồi tháng Mười rằng bất kỳ cựu quan chức nào từng phụng sự dưới thời chính phủ ông mà tiến hành tranh cử vào Tòa Bạch Ốc đều “rất bất trung.”
Các nhân vật chủ chốt khác của Đảng Cộng Hòa dự kiến sẽ tranh cử tổng thống vào năm 2024 bao gồm cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo và cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley.
“Nhiều người trong số họ đã nói rằng sẽ không bao giờ ra tranh cử nếu tôi tranh cử, vì vậy chúng ta sẽ xem liệu điều đó có trở thành sự thật hay không,” ông Trump nói với Fox News hôm 20/10. “Tôi nghĩ sẽ rất bất trung nếu những người này làm như vậy,” ông cho biết thêm.
Ông Pence đã giữ khoảng cách với ông Trump kể từ khi ông chứng nhận kết quả bầu cử năm 2020, điều mà ông Trump đã phản đối.
Caden Pearson
Nhã Đan biên dịch
Ukraine làm thay đổi tính toán của các bên ở Đài Loan
Khi cuộc nội chiến Trung Quốc kết thúc vào năm 1949, chế độ Quốc dân Đảng đã bị phe Cộng sản của Mao Trạch Đông đuổi chạy đến Đài Loan. Kể từ đó, mọi nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản đều tuyên bố sẽ thống nhất Đài Loan với đại lục, nhưng chưa ai quyết liệt như Tập Cận Bình, chủ tịch hiện tại của Trung Quốc. Một số tướng lĩnh Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ xâm lược trong thập niên tới, hoặc thậm chí là vài năm tới. Căng thẳng đã bùng lên trong năm 2022 khi chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm hòn đảo. Tổng thống Joe Biden hứa sẽ hỗ trợ nếu Đài Loan bị tấn công. Và đến ngày 27 tháng 12 vừa qua, Đài Loan tuyên bố tăng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc từ bốn tháng lên một năm.
Nhưng cuộc chiến ở Ukraine có thể ảnh hưởng đến tính toán của tất cả các bên. Mỹ hy vọng cuộc xung đột sẽ thuyết phục Đài Loan sẵn sàng tự trang bị. Các khó khăn của Nga ở Ukraine cũng sẽ khiến các lãnh đạo Trung Quốc phải ngần ngại. Nếu cuộc xâm lược Đài Loan biến thành một vũng lầy tương tự, nó sẽ gây ra hậu quả vô cùng tai hại cho Đảng Cộng sản.
Liệu Hàn Quốc và Đài Loan có vượt qua được các khó khăn kinh tế trước mắt?
Tại hai thủ đô của Hàn Quốc và Đài Loan, giá nhà trung bình hiện cao gấp 19 lần và 16 lần thu nhập của người dân địa phương. Các con số như vậy thậm chí còn cao hơn những nơi đắt đỏ nhất ở phương Tây. Nhưng các động lực gây ra bùng nổ nhà đất ở Đông Á – lãi suất toàn cầu thấp kỷ lục và tốc độ tăng trưởng mạnh của Trung Quốc – đang nhanh chóng qua đi. Và cũng như ở Mỹ, cả lạm phát lẫn lãi suất đều đang tăng.
Ngoài ra là các vấn đề khác. Giá năng lượng tăng cao đã loại bỏ thặng dư tài khoản vãng lai lành mạnh trước đây của Hàn Quốc và Đài Loan. Thâm hụt hiện nay khiến cho họ phụ thuộc nhiều hơn vào dòng vốn quốc tế, vốn rất khó đoán. Dòng vốn tháo chạy cũng có thể khiến giá bất động sản lao dốc.
Nhật Bản là một ví dụ đáng lo ngại. Giá bất động ở nước này bắt đầu giảm từ 1989-90. Tình trạng này khiến cả các tập đoàn lẫn người tiêu dùng Nhật thắt chặt chi tiêu, từ đó kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Điều đáng lo ngại là các nước láng giềng của Nhật đang ghi nhận những điểm rất tương đồng.
Có phải sức mạnh của Trung Quốc đã đạt đỉnh?
Tại đại hội 5 năm một lần của Đảng Cộng sản hồi tháng 10, Tập Cận Bình đã giành được nhiệm kỳ thứ ba trên cương vị tổng bí thư. Ông cũng cảnh báo 2.300 đại biểu về “những cơn bão nguy hiểm” phía trước.
Nhưng vì ông Tập, Trung Quốc đang đối mặt nhiều vấn đề. Ví dụ, ông đã không chuẩn bị cho công chúng sống chung với covid-19 bằng cách dự trữ thuốc và mở rộng tiêm vắc-xin. Để rồi đến tháng này, ông đột ngột bỏ hầu hết các biện pháp kiểm soát covid, tạo ra một làn sóng ca nhiễm có nguy cơ làm quá tải hệ thống y tế.
Một nền kinh tế sa sút và những thách thức nhân khẩu học cũng khiến đảng này lo lắng. Trong nhiều năm qua tỷ lệ người già đã tăng lên, trong khi lực lượng lao động co lại. Một số người cho rằng tất cả những điều này cho thấy Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn thoái trào quyền lực. Một Trung Quốc tăng trưởng chậm đi sẽ có ít nguồn lực hơn để thách thức phương Tây. Nhưng một Trung Quốc yếu còn nguy hiểm hơn. Nếu họ vẫn muốn định hình lại thế giới — hoặc chiếm giữ Đài Loan — một số nhà quan sát lo ngại họ sẽ làm ngay khi còn có thể.
Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất trong năm 2023
Trong năm 2023 (khoảng ngày 14 tháng 4, theo dự đoán của Liên Hợp Quốc) Ấn Độ sẽ soán ngôi Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Ngôi vị này không có nhiều giá trị, nhưng nó mang những tín hiệu quan trọng. Dân số Trung Quốc sắp giảm; trong khi dân số Ấn Độ tiếp tục tăng trong nhiều thập niên tới.
Gia tăng dân số trong độ tuổi lao động có thể giúp Ấn Độ thu hẹp khoảng cách kinh tế với Trung Quốc, vốn lớn hơn nền kinh tế Ấn Độ 6 lần. Nhưng để tận dụng tối đa lợi thế nhân khẩu học của mình, Ấn Độ sẽ phải tăng năng suất của những người trẻ tuổi. Chưa đến một nửa số người Ấn Độ trưởng thành tham gia lực lượng lao động, so với 2/3 ở Trung Quốc. Người Trung Quốc từ 25 tuổi trở lên có thời gian đi học trung bình nhiều hơn 1,5 năm so với người Ấn Độ cùng độ tuổi. Dĩ nhiên Trung Quốc sẽ không trở thành cường quốc hạng hai. Nhưng họ sẽ phải cạnh tranh vị thế siêu cường tiềm năng với Ấn Độ ngay trước cửa nhà mình.
Đa số dân Đài Loan ủng hộ kéo dài thời gian nghĩa vụ quân sự
28/12/2022
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn thông báo quyết định kéo dài thời gian nghĩa vụ quân sự tại Đài Bắc, Đài Loan, ngày 27/12/2022. AP - Huizhong Wu
Thu Hằng /RFI
Ngày 27/12/2022, ngay sau khi tổng thống Đài Loan thông báo kéo dài thời gian nghĩa vụ quân sự từ 4 tháng lên thành 1 năm, khoảng 65% người dân hòn đảo ủng hộ biện
Thông tín viên RFI Adrien Simorre tại Đài Bắc đã gặp một số sinh viên Đại học Quốc gia Đài Loan :
« Trong ký túc xá sinh viên Đại học Quốc gia Đài Loan, tất cả đều chú ý theo dõi thông báo của tổng thống Thái Anh Văn. Sau khi tốt nghiệp, những chàng trai này sẽ phải đi nghĩa vụ quân sự, như trường hợp Kevin, sinh viên ngành quản trị.
Anh nói : « Tôi thấy mình là người Đài Loan, chứ không phải Trung Quốc. Nếu Trung Quốc xâm lược chúng tôi, dĩ nhiên là tôi sẽ đi chiến đấu. Tôi hy vọng có thể học thêm nhiều hơn về cách sử dụng vũ khí, vì như thế tôi sẽ biết tự vệ và bảo vệ đất nước của mình ».
Cuộc xâm lược do Nga phát động ở Ukraina đã gây chấn động ở Đài Loan. Theo những cuộc thăm dò mới đây, 65% người dân ủng hộ cải cách nói trên.
Alex, một sinh viên ngành nhân chủng học, 21 tuổi, cho biết : « Tôi nghĩ là ngoài thời gian, vấn đề trọng tâm là nội dung huấn luyện. Cho tới giờ, mọi người vẫn nói là nghĩa vụ quân sự chẳng để làm gì, chỉ mất thời gian đi quét dọn doanh trại và chẳng học được gì cả. Chính phủ đã nói là nội dung sẽ được thay đổi. Tôi nghĩ đó là một điều tốt ».
Mục tiêu trước hết của chính phủ Đài Loan là ngăn Trung Quốc tấn công. Như nhiều phụ nữ Đài Loan trẻ khác, Wendy, 19 tuổi sẽ không phải đi nghĩa vụ quân sự, nhưng em trai cô 17 tuổi thì có. Cô cho biết : « Trước mặt chúng tôi có đến 1,4 tỉ dân. Đài Loan chỉ có 3 triệu quân dự bị, dù chúng tôi có chuẩn bị tốt nhất thì cũng sẽ không đủ. Tôi nghĩ là nếu chiến tranh xảy ra, Đài Loan sẽ phải trông cậy trước tiên vào hỗ trợ của nước ngoài ».
Hoa Kỳ, đối tác chính của Đài Loan, đã hoan nghênh biện pháp này. Bây giờ phải chờ xem hiệu quả của biện pháp sẽ như thế nào. Tổng thống Đài Loan đã hứa đích thân theo dõi việc áp dụng ».
Không có nhận xét nào