Võ Thái Hà tổng hợp
Tổng thống Ukraine V. Zelenskyy thăm Mỹ
Bình Phương
20 tháng 12, 2022
Tổng thống Ukraine V. Zelenskyy đến thăm “điểm nóng” là thành phố Bakhmut – nơi quân Nga và quân Ukraine đang đánh nhau ác liệt – hôm 20 tháng Mười Hai, ngay trước khi lên đường đi thăm Hoa Kỳ. Ảnh Ukrainian Presidency / Handout/Anadolu Agency via Getty Images
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sẽ đến thăm thủ đô Washington vào ngày mai thứ Tư 21 tháng Mười Hai 2022 trong chuyến đi đầu tiên của ông ra ngoài nước kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu hồi tháng Hai.
Hãng tin AP dẫn nguồn từ hai thành viên Quốc hội và một người quen thuộc với vấn đề này cho biết như trên nhưng đồng thời khẳng định chuyến thăm của ông Zelenskyy, vẫn có thể bị hủy vào phút chót do những lo ngại về an ninh.
Chuyến thăm Washington của ông Zelenskyy dự kiến sẽ bao gồm một bài phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ và một cuộc gặp Tổng thống Joe Biden.
Chuyến thăm diễn ra khi các nhà lập pháp Mỹ đang chuẩn bị bỏ phiếu về gói chi tiêu cuối năm, trong đó có khoản chi $45 tỷ hỗ trợ khẩn cấp cho Ukraine. và khi Mỹ chuẩn bị gửi tên lửa đất đối không Patriot đến Ukraine để giúp ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga.
Đợt tài trợ $45 tỷ mới nhất sẽ là khoản viện trợ lớn nhất của Mỹ cho Ukraine, thậm chí vượt yêu cầu khẩn cấp trị giá $37 tỷ mà chính quyền Biden đưa ra.
Trong thư gửi các đồng viện hôm nay thứ Ba 20 tháng Mười Hai, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khuyến khích các nhà lập pháp có mặt trong phiên họp tối mai thứ Tư.
Ông Zelenskyy đã phát biểu gần như hàng ngày trước quốc hội các nước và các tổ chức quốc tế khác nhau qua video và ông đã cử đệ nhất phu nhân Ukraine đi đến các thủ đô nước ngoài để kêu gọi hỗ trợ.
Hôm thứ Ba, ông Zelenskyy đã thực hiện một chuyến đi táo bạo và nguy hiểm tới thành phố Bakhmut thuộc tỉnh Donetsk, điểm nóng nhất trên tiền tuyến dài 1,300 km (800 dặm) của cuộc chiến Nga-Ukraine. Trong một video do văn phòng của ông công bố về chuyến thăm Bakhmut, ông Zelenskyy đã được trao một lá cờ Ukraine với đề nghị chuyển nó cho các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ.
“Các chiến binh đã trao cho tôi lá cờ Ukraine tuyệt đẹp cùng với chữ ký của họ để chúng tôi chuyển đi. Chúng ta đang trong một tình thế không dễ dàng. Kẻ thù đang gia tăng quân đội. Nhân dân ta dũng cảm hơn và cần nhiều vũ khí mạnh hơn. Chúng tôi sẽ chuyển nó từ các chiến binh đến Quốc hội, đến Tổng thống Hoa Kỳ. Chúng tôi rất biết ơn sự hỗ trợ của họ, nhưng sự hỗ trợ đó là chưa đủ. Đó là một gợi ý – nó không đủ”, ông Zelenskyy nói trong video.
Mỹ đã cam kết hỗ trợ gần $20 tỷ cho Ukraine từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng Hai 2022, theo số liệu của Bộ Quốc phòng. Mỹ cũng đang cung cấp thông tin tình báo cho các lực lượng Ukraine và giúp Ukraine chống lại các cuộc tấn công mạng cũng như các nỗ lực phá hoại của Nga.
Chuyến thăm của ông Zelenskyy diễn ra vào một thời điểm quan trọng khi Tòa Bạch Ốc chuẩn bị đối mặt với sự thay đổi quyền kiểm soát Hạ Viện. Đảng Cộng hòa, chiếm vị thế đa số của Hạ Viện trong ngày đầu năm tới, đã báo hiệu rằng họ sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn việc viện trợ cho Ukraine. Lãnh đạo Cộng hòa Kevin McCarthy – người có tham vọng làm Chủ tịch Hạ Viện thay bà Pelosi của đảng Dân chủ – đã nói rằng đảng ông sẽ không viết một “tấm séc khống chỉ” cho Ukraine.
Hai ông Biden và Zelenskyy thường xuyên điện đàm để phối hợp công bố các đợt hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine. Các cuộc trò chuyện chủ yếu diễn ra nồng nhiệt, trong đó ông Biden ca ngợi Ukraine đã kiên định chống lại người Nga còn ông Zelenskyy cảm ơn sự hỗ trợ của tổng thống Hoa Kỳ.
Đầu tháng này, một số quan chức Ukraine, bao gồm Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Maria Mezentseva và các thành viên quốc hội Olena Khomenko và Lesia Zaburanna – đã tới Washington gặp các nhà lập pháp Hoa Kỳ để cảm ơn vì sự hỗ trợ của Mỹ.
Hồi tháng Ba ông Zelenskyy đã phát biểu trước Quốc hội Mỹ qua video. Mặc chiếc áo thun màu xanh quân đội có cờ Ukraine phía sau, ông nói rằng Hoa Kỳ và Ukraine có chung ước mơ và mục tiêu. “Dân chủ, độc lập, tự do và quan tâm đến mọi người, vì mọi người, vì mọi người làm ăn cần mẫn, sống lương thiện, thượng tôn pháp luật. Chúng tôi ở Ukraine cũng muốn điều tương tự cho người dân của mình. Tất cả những điều đó là một phần bình thường trong cuộc sống của bạn,” ông Zelenskyy nói.
Úc và Trung Quốc khởi động lại quan hệ song phương
21/12/2022
Nữ ngoại trưởng Úc Penny Wong bắt tay đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 21/12/2022. AP - Sarah Friend
Thanh Hà /RFI
Trong khuôn khổ Đối Thoại Ngoại Giao và Chiến Lược giữa Canberra và Bắc Kinh lần thứ 6, hôm nay, 21/12/2022 ngoại trưởng Úc Penny Wong và đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã đề cập đến các hồ sơ nhằm khởi động lại bang giao sau nhiều tháng bị đóng băng.
Reuters ghi nhận: Trước khi khai mạc cuộc họp, ngoại trưởng Úc Penny Wong cho biết bà sẽ nêu lên một loạt vấn đề từ thương mại đến nhân quyền và kể cả các « chuẩn mực quốc tế » hàm ý bao gồm luôn cả vế an ninh.
Về phía chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã gửi đến thủ tướng Úc Anthony Albanese một thông điệp nhấn mạnh : Phát triển quan hệ giữa Trung Quốc và Úc mang ý nghĩa « rất quan trọng ». Bắc Kinh mong muốn « cùng với Úc » củng cố bang giao theo hướng này và đi đến « một quan hệ lành mạnh có lợi cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung trong khu vực cũng như cho toàn thế giới ».
Úc và Trung Quốc là những đối tác thương mại quan trọng của nhau, thủ tướng Albanese trong cuộc họp báo tại Sydney hôm nay cũng đánh giá đôi bên « cần cải thiện quan hệ thương mại trong tương lai ».
Cuộc họp lần này tại Bắc Kinh giữa ngoại trưởng Penny Wong và đồng cấp Vương Nghị diễn ra đúng vào lúc hai nước kỷ niệm 50 thiết lập bang giao. Tuy nhiên quan hệ song phương đã xấu đi đáng kể từ khi Úc dưới thời thủ tướng Scott Morrison đòi mở điều tra độc lập về nguồn gốc dịch Covid xuất phát từ Vũ Hán, và về trách nhiệm của Bắc Kinh không ngăn chận kịp thời để dịch lan ra toàn thế giới. Để trả đũa, Trung Quốc đã ban hành một loạt biện pháp trừng phạt thương mại nhắm vào hàng của Úc xuất khẩu sang Hoa Lục.
Biển Đông : Philippines quan ngại việc Trung Quốc cải tạo bốn thực thể ở Trường Sa
21/12/2022
Ảnh vệ tinh chụp Đá Én Đất ( Eldad Reef ), quần đảo Trường Sa, Biển Đông, ngày 04/11/2022. © AFP - SATELLITE IMAGE ©2022 MAXAR TECHNOLOGIES
Thu Hằng /RFI
Hôm nay, 21/12/2022, Philippines cho biết « vô cùng quan ngại » về một báo cáo mới cho thấy Trung Quốc đã cải tạo ít nhất 4 thực thể ở Biển Đông. Hôm qua, hãng tin Mỹ Bloomberg đưa tin Trung Quốc đang tìm cách lập nguyên trạng mới khi bồi đắp nhiều đảo nhân tạo quanh quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp, dù chưa rõ Bắc Kinh có tìm cách quân sự hóa các đảo đó hay không.
Theo một số chuyên gia được Bloomberg trích dẫn, lực lượng tầu dân quân, dưới sự chỉ đạo của chính quyền Bắc Kinh, đã tiến hành hoạt động xây dựng tại bốn thực thể không có người ở tại quần đảo Trường Sa trong một thập niên qua. Một số khu vực đã được mở rộng diện tích gấp 10 lần trong những năm gần đây.
Tại khu vực Đá Én Đất (Eldad Reef, phía bắc quần đảo Trường Sa), nhiều khối đất mới đã xuất hiện. Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy nhiều lỗ lớn, các đống đất đá và dấu vết của máy xúc thủy lực, được cho là hoạt động từ năm 2014 ở khu vực này. Trung Quốc cũng tiến hành những hoạt động tương tự ở bãi Anh Nhơn (Lankiam Cay), nơi một thực thể đã được gia cố với một bức tường rào mới chỉ trong vài tháng. Một số hình ảnh khác cho thấy những thay đổi rõ ràng ở Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) và Đá Hoài Ân (Sandy Cay), hai khu vực trước đây thường xuyên chìm dưới nước khi thủy triều lên.
Trong thông cáo ngày 20/12, bộ Ngoại Giao Philippines bày tỏ « quan ngại sâu sắc vì những hoạt động như vậy đi ngược lại với cam kết kềm chế trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông và Phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye năm 2016 », đồng thời yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền khác điều tra thêm. Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila hôm nay khẳng định những thông tin của Bloomberg là « sai sự thật ».
Philippines "không từ bỏ một cm2 lãnh thổ"
Theo AFP, sự kiện này diễn ra chỉ một tuần sau khi bộ Quốc Phòng Philippines bày tỏ quan ngại về việc nhiều tầu Trung Quốc xuất hiện ở Đá Khúc Giác (Iroquois Reef) và Bãi Sa Bin (Sabina Shoal), hai khu vực mà Manila đều khẳng định chủ quyền. Lúc đó, quyền bộ trưởng Quốc Phòng Jose Faustino khẳng định, « chỉ thị » của tổng thống Marcos Jr « rất rõ »: « Chúng tôi sẽ không từ bỏ một cm2 lãnh thổ nào của Philippines ». Dù thừa nhận có « bất đồng » với Manila, nhưng đại sứ quán Trung Quốc không đề cập trực tiếp đến hoạt động của số tầu trên.
Trước đó, bộ Ngoại Giao Philippines đã gửi công hàm ngoại giao đến Bắc Kinh để phản đối tầu của hải cảnh Trung Quốc vào tháng 11/2022 « dùng vũ lực » để thu giữ các mảnh vỡ từ một tên lửa Trung Quốc và được tầu Philippines vớt lên. Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila đã bác bỏ cáo buộc « sử dụng vũ lực », khẳng định chỉ thu hồi các mãnh vỡ nói trên sau khi « tham vấn hữu nghị ».
Sau hai sự cố đó, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ của Washington với Manila và kêu gọi Bắc Kinh « tôn trọng luật pháp quốc tế ». Trung Quốc thì cáo buộc Hoa Kỳ sử dụng tranh chấp ở Biển Đông để « gây rắc rối ».
Mỹ và Trung Quốc đấu khẩu về Biển Đông
21/12/2022
Tàu tuần duyên Trung Quốc tại Biển Đông, ngoài khơi Philippines, (ảnh chụp ngày 5/4/2017)
Tòa đại sứ Trung Quốc tại Manila ngày 20/12 cáo buộc Hoa Kỳ gây chia rẽ giữa Philippines với Bắc Kinh, lên án “những cáo buộc vô căn cứ” của Washington mà Bắc Kinh cho là tìm cách khuấy động rắc rối ở Biển Đông.
Biển Đông đã trở thành một trong nhiều điểm nóng trong mối quan hệ đầy thử thách giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, với việc Washington bác bỏ điều mà họ gọi là yêu sách lãnh thổ phi pháp của Bắc Kinh ở vùng biển giàu tài nguyên này.
Phát biểu của sứ quán Trung Quốc tại Manila là phản hồi trước tuyên bố hôm 19/12 của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price bày tỏ lo ngại về “những leo thang mạnh mẽ” được báo cáo của các tàu Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp và một sự cố liên quan đến một mảnh tên lửa nổi trên biển.
Ông Price nói các hành động của Trung Quốc “phản ánh việc tiếp tục coi thường các bên tranh chấp khác ở Biển Đông và các quốc gia hoạt động hợp pháp trong khu vực.” Ông nhắc lại rằng Hoa Kỳ sát cánh cùng Philippines trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Trong một tuyên bố, tòa đại sứ Trung Quốc tại Manila nói “các nước láng giềng có sự khác biệt là điều tự nhiên”, nhưng nói thêm rằng: “Mỹ tiếp tục can thiệp vào các tranh chấp ở Biển Đông và cố gắng chia rẽ các nước trong khu vực, tạo ra căng thẳng và làm tổn hại đến hòa bình và ổn định của khu vực.”
“Những gì Hoa Kỳ đã làm không phải để giúp đỡ bất cứ ai mà để phục vụ lợi ích địa chính trị của chính mình,” tòa đại sứ Trung Quốc nói.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với những vùng rộng lớn ở Biển Đông chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia và Philippines. Hàng nghìn tỷ đô la thương mại chảy qua tuyến đường thủy này hàng năm, nơi cũng có các ngư trường và mỏ khí đốt phong phú.
Philippines tuần trước đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc “các tàu Trung Quốc được cho là tập trung đông đảo” tại một rạn san hô và bãi cạn bên trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Điều đó xảy ra vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao gửi công hàm phản đối về việc một tàu tuần duyên Trung Quốc mà quân đội Philippines cho rằng đã sử dụng vũ lực để lấy một mảnh tên lửa trôi nổi trên biển mà một tàu Philippines đang lai dắt ở Biển Đông.
Trung Quốc đã phủ nhận việc họ dùng vũ lực để giành lấy mảnh vật thể mà hồi tháng trước họ nói là mảnh vỡ từ vỏ bảo vệ phần mũi của một con tàu vũ trụ do Bắc Kinh phóng.
Hoa Kỳ: Thẩm phán chấp thuận khoản dàn xếp 10 triệu USD cho các nhân viên y tế bị sa thải vì quy định chích ngừa
Tác giả Zachary Stieber
21/12/2022
Nhân viên y tế phản đối quy định bắt buộc chích ngừa của Hệ thống Y tế Đại học NorthShore bên ngoài Bệnh viện Evanston ở Evanston, Illinois, vào ngày 12/10/2021. (Ảnh: Cara Ding/The Epoch Times)
Hôm 19/12, một thẩm phán Hoa Kỳ đã chấp thuận khoản bồi thường trị giá hàng triệu USD cho các nhân viên bị sa thải tại một hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Illinois vì từ chối chích vaccine COVID-19.
Khoảng 500 nhân viên đã bị chấm dứt hợp đồng, hoặc đã chích vaccine COVID-19 sau khi chứng kiến đơn xin miễn chích ngừa của họ bị từ chối, sẽ nhận được tiền bồi thường như một phần của thỏa thuận dàn xếp trị giá 10.3 triệu USD. Phiên bản sơ bộ của thỏa thuận này được công bố lần đầu tiên hồi tháng Bảy.
Thẩm phán Địa hạt Liên bang John Kness, một người được ông Trump bổ nhiệm hiện đang giám sát vụ kiện do các nhân viên này đưa ra, đã chấp thuận bằng lời cho thỏa thuận dàn xếp này trong một phiên điều trần, luật sư của tổ chức pháp lý Liberty Counsel và Hệ thống Y tế Đại học NorthShore cho biết. Thẩm phán Kness dự định sẽ ra phán quyết bằng văn bản trong tuần tới (26/12-01/01).
Trong một tuyên bố ngắn gửi qua thư điện tử cho The Epoch Times sau khi ông Kness có lời chấp thuận, NorthShore viết: “Chúng tôi hài lòng với việc Tòa án chấp thuận một giải pháp hỗ trợ cho vấn đề này và tiếp tục ưu tiên sức khỏe và sự an toàn của bệnh nhân và các thành viên trong nhóm của chúng tôi.”
Ông Harry Mihet, phó chủ tịch đặc trách các vấn đề pháp lý của Liberty Counsel, cho biết trong một tuyên bố rằng nhóm “rất vui khi cuối cùng đã nhận được sự chấp thuận cuối cùng của tòa án đối với thỏa thuận dàn xếp tập thể này dành cho những nhân viên y tế đã bị phân biệt đối xử một cách bất hợp pháp và bị từ chối miễn chích ngừa vì lý do tôn giáo đối với quy định bắt buộc chích ngừa COVID.”
Ông nói: “Vụ kiện này nên trở thành một tiền lệ cho những người sử dụng lao động khác, những người đã vi phạm luật bằng cách từ chối miễn chích ngừa vì lý do tôn giáo cho nhân viên của họ.”
Liberty Counsel, một nhóm pháp lý chuyên làm việc về các vụ kiện được cho là bị phân biệt đối xử về niềm tin tôn giáo, đại diện cho 13 nguyên đơn có tên trong vụ kiện này. Nhóm đã thành công có được chứng nhận tập thể dành cho tất cả những nhân viên bị từ chối miễn chích ngừa vì lý do tôn giáo, một nhóm ban đầu được cho là có 499 nhân viên cũ và nhân viên hiện tại nhưng sau thỏa thuận dàn xếp sơ bộ đã tăng lên ít nhất là 519 người.
Tính đến hôm 12/12, 493 thành viên của nhóm đã gửi yêu cầu nhận một phần của số tiền bồi thường này.
Mỗi nhân viên bị sa thải sẽ nhận được 24,225 USD. Mỗi nhân viên ở lại công ty sẽ nhận được 3,725 USD.
Các nguyên đơn được nêu tên sẽ nhận thêm 20,000 USD. Các khoản thanh toán đó, được mô tả là phần thưởng dịch vụ, sẽ cung cấp thù lao cho các nguyên đơn giúp tư vấn về hồ sơ tòa án, thu thập tài liệu, và đóng vai trò là nguyên đơn chính “trong một vụ án nhạy cảm liên quan đến các lựa chọn sức khỏe cá nhân và niềm tin tôn giáo trong một vấn đề gây tranh luận gay gắt trong công chúng, ngay cả khi không chắc liệu họ có phải tiết lộ danh tính của mình cho công chúng hay không,” theo một hồ sơ gần đây.
Có ba nhân viên đã phản đối thỏa thuận dàn xếp này, nhưng cả hai bên đều kêu gọi thẩm phán bỏ qua những phản đối này, vì các phản đối đa phần dựa trên phần tiền lương mà bộ ba cảm thấy họ vẫn còn bị nợ sau khi bị sa thải.
Cô Marzena Novak, một trong những người phản đối, cho biết thiệt hại thực tế của cô do bị sa thải và mất lương lên tới 140,000 USD.
Cô Novak viết, “Mặc dù khoản tiền tạm tính 25,000 USD này là hữu ích và sẽ được đón nhận, nhưng nó không tương ứng với mức thiệt hại thực tế mà những người mà họ đã đối xử tệ bạc phải gánh chịu.”
Quy định chích ngừa bắt buộc
Giống như nhiều hệ thống chăm sóc sức khỏe, NorthShore áp đặt quy định bắt buộc chích ngừa cho nhân viên trong năm 2021.
NorthShore nói với nhân viên rằng họ có thể gửi đơn xin miễn chích ngừa vì lý do tôn giáo bằng cách sử dụng một biểu mẫu. Biểu mẫu này yêu cầu nhân viên được đề cập cung cấp “một mô tả về nguyên tắc hoặc thực hành tôn giáo mà tôi chân thành theo đuổi đã dẫn đến việc tôi phản đối chích ngừa bắt buộc.” Northshore đã hướng dẫn rõ ràng những người nộp đơn không điền vào các câu trả lời dài dòng.
NorthShore ban đầu chấp thuận một số yêu cầu miễn trừ nhưng sau đó đảo ngược các quyết định này và từ chối “tất cả hoặc hầu như tất cả mọi yêu cầu,” theo đơn đệ trình của các nguyên đơn. Các quan chức cho biết các nhân viên không đáp ứng tiêu chuẩn miễn chích ngừa vì lý do tôn giáo.
Những nhân viên muốn được xét duyệt lại lần thứ hai được yêu cầu nộp một đơn kháng nghị kèm theo lịch sử chích ngừa của họ kể từ khi họ 18 tuổi. NorthShore sau đó nói rằng bất kỳ phản đối tôn giáo nào dựa trên “dòng tế bào thai nhi bị phá bỏ, tế bào gốc, mô, hoặc vật liệu phái sinh” sẽ dẫn đến việc bị từ chối vì những thành phần đó “không có trong các loại vaccine mà NorthShore chích ngừa” [cho nhân viên]. Tất cả các loại vaccine COVID-19 hiện có ở Hoa Kỳ đều có liên quan đến các dòng tế bào thai nhi bị phá bỏ.
Tại một thời điểm, một trong những nguyên đơn cho biết, người quản lý của cô đã nói rằng “chúng tôi sẽ không chấp thuận cho bất kỳ ai” được miễn trừ, mặc dù ít nhất là một vài người đã được chấp thuận.
“Thay vì khiến các Nguyên đơn tham gia một cách thiện chí, NorthShore đã từ chối hàng loạt yêu cầu miễn chích ngừa vì lý do tôn giáo của các Nguyên đơn, không cung cấp gì hơn là sao chép và dán các câu trả lời, thông báo cho họ rằng họ thiếu ‘các tiêu chí dựa trên bằng chứng,’ bất kể điều đó có nghĩa là gì,” một hồ sơ viết. “Do không thể khiến bất kỳ Nguyên đơn cũng như nhiều nhân viên phản đối vì lý do tôn giáo của mình tham gia một cách thiện chí, NorthShore không thể nào biết liệu một phương án điều chỉnh [theo niềm tin tôn giáo] thỏa đáng là có phù hợp hay không. Câu trả lời duy nhất mà các Nguyên đơn và nhân viên của NorthShore nhận được là những lời từ chối chung chung.”
Các nguyên đơn cho biết cách đối xử này đã vi phạm Đạo luật Dân quyền, đạo luật này yêu cầu người sử dụng lao động phải đối xử tương đương giữa những người lao động với nhau cũng như vi phạm Đạo luật Quyền Chăm sóc Sức khỏe theo Lương tâm của Illinois, đạo luật cấm phân biệt đối xử dựa trên cơ sở “quyền lương tâm” (quyền được từ chối dịch vụ chăm sóc sức khỏe vì lý do tôn giáo của các nhân viên y tế).
NorthShore liên tục phủ nhận việc họ vi phạm đạo luật này.
Hệ thống y tế này cũng tuyên bố rằng việc để nhân viên chưa chích ngừa làm việc tại NorthShore thực sự là “một thử thách cam go” và rằng “ban đầu họ đã từ chối nhiều đơn yêu cầu miễn chích ngừa và khi nhận được đơn kháng nghị, họ đã xem xét lại một số quyết định và quyết định không phản đối rằng các yêu cầu đó được đưa ra dựa trên việc theo đuổi tín ngưỡng tôn giáo chân thành.”
Không có nhận xét nào