Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ tư 07 tháng 12 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Đức chuyển tên lửa phòng không Patriot cho Ba Lan

    07/12/2022

    Tên lửa Patriot được trưng bày ở Schewesing, Đức, ngày 17/03/2022. © AP - Axel Heimkendpa - (www.dpa.de). Alle Rechte vorbehalten 

    Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak hôm qua 06/12/2022 cho biết Vacxava sẽ tiếp nhận tên lửa phòng không Patriot của Đức sau khi đã từng kêu gọi Berlin chuyển vũ khí này cho Ukraina. 

    Bộ trưởng Mariusz Blaszczak viết trên Twitter rằng "sau khi thảo luận với đồng nhiệm Đức", ông đã rất thất vọng khi biết tin Đức quyết định từ chối hỗ trợ Ukraina.

    Ông cho biết : "Triển khai tên lửa Patriot ở phía tây Ukraina, đáng lẽ ra có thể tăng cường an ninh cho cả Ba Lan và Ukraina. Giờ đây, chúng tôi thực hiện thỏa thuận triển khai các bệ phóng Patriot trên lãnh thổ Ba Lan."

    Theo AFP, các chi tiết cụ thể như địa điểm triển khai và cơ sở hạ tầng cần thiết hiện đang được thảo luận ở cấp độ kỹ thuật. Một đội trinh sát sẽ được cử đến Ba Lan.

    Cũng hôm qua, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo đã quyết định bán cho Ba Lan thêm 116 chiến xa Abrams cùng với các vũ khí hạng nặng khác với tổng trị giá 3,75 tỷ đô la.

    Ngoài ra, theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và bộ trưởng Quốc Phòng Blaszczak hôm qua, đã nhận xe tăng và lựu pháo từ Hàn Quốc và ca ngợi Seoul thực hiện nhanh chóng thỏa thuận được ký kết vào mùa hè.

    Hai lãnh đạo Ba Lan đã có mặt tại cảng Gdynia của Hải Quân Ba Lan, trên bờ biển Baltic, để nhận 10 xe tăng Black Panther K2 cùng với 24 khẩu pháo Thunder K9, một loại pháo tầm xa, trong khuôn khổ thỏa thuận trị giá 5,8 tỷ đô la ký kết với Seoul.

    Tập Cận Bình công du Ả Rập Xê Út, mở rộng hợp tác dầu lửa và thương mại

    07/12/2022

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay thái tử Ả Rập Xê Út Mohammad ben Salmane, tại Bắc Kinh, ngày 22/02/2019. AP - Liu Weibing 

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Riyad ngày 07/12/2022, để gặp các nhà lãnh đạo trong vùng. Dầu lửa được cho là chủ đề thảo luận chính giữa Trung Quốc và Ả Rập Xê Út, nhà xuất khẩu vàng đen lớn nhất thế giới. 

    Theo lịch trình công du ba ngày, ông Tập Cận Bình làm việc với quốc vương Salmane, hoàng thái tử Mohammed ben Salmane - nhà lãnh đạo trên thực tế của Ả Rập Xê Út. Nội dung cụ thể của chương trình nghị sự không được công bố chính thức. Tuy nhiên, ông Ali Shihabi, một nhà phân tích Ả Rập Xê Út thân cận với chính quyền, cho AFP biết là “nhiều thỏa thuận sẽ được ký kết”.

    Ngoài chủ đề chính là năng lượng, các bên có thể thảo luận về việc các tập đoàn Trung Quốc tham gia vào những dự án đại quy mô được hoàng thái tử ben Salmane ủng hộ. Ví dụ, một thành phố tương lai trị giá 500 tỉ đô la, được gọi là NEOM, sẽ khai thác công nghệ nhận dạng khuôn mặt và những công nghệ giám sát khác, được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc. 

    Tiếp theo, vào thứ Sáu 09/11, chủ tịch Trung Quốc họp thượng đỉnh với sáu quốc gia của Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh và một cuộc họp thượng đỉnh khác với một số nhà lãnh đạo Ả Rập trong vùng. Theo ông Nayef al Hajraf, thư ký Hội Đồng, cuộc họp thượng đỉnh sẽ nhấn mạnh vai trò đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc và khối 6 nước muốn “tăng cường hợp tác” trong các lĩnh vực kinh tế, phát triển, thương mại và nhiều lĩnh vực khác.

    Ông Tập Cận Bình chọn Trung Đông làm điểm đến thứ ba sau thời gian Trung Quốc đóng cửa chống dịch vào lúc tình hình năng lượng thế giới trở nên căng thẳng vì chiến tranh Ukraina. Quyết định áp giá trần đối với dầu lửa xuất khẩu dầu lửa Nga (60 đô la/thùng) của nhóm G7 và Liên Hiệp Châu Âu cũng gây thêm bất trắc cho thị trường năng lượng thế giới. Trong buổi họp hôm 04/12, nhóm OPEC+ giữ nguyên quyết định giảm bớt hai triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 12.

    Vợ chồng Hoàng tử Harry sắp ra phim về góc khuất cuộc sống hoàng gia

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/Harry-megan.png

    “Chúng tôi biết toàn bộ sự thật”, một câu lồng tiếng Hoàng tử Anh Harry xuất hiện trong đoạn video tóm tắt nội dung loạt phim tài liệu về hoàng gia Anh sắp ra mắt của vợ chồng anh.

    Netflix mới đây đã phát hành đoạn trailer loạt phim tài liệu “Hear it from Us” về Hoàng tử Harry và vợ Meghan Markle. Đây là loạt phim gồm 6 tập về góc khuất của cuộc sống bên trong hoàng gia Anh. Tập đầu tiên dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 8/12 tới, tròn 3 tháng sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời. Tập 2 công chiếu ngày 15/12.

    Trong trailer, Harry nói rằng: “Không ai biết toàn bộ sự thật ngoài chúng tôi”.

    Netflix cho biết, loạt phim “chia sẻ khía cạnh khác trong câu chuyện tình yêu nổi tiếng của họ” và khám phá “những thách thức khiến họ cảm thấy buộc phải rút lui khỏi vai trò của mình đối với Hoàng gia Anh”. Ngoài ra, một trong những nội dung được đề cập đến trong loạt phim của vợ chồng Harry là cuộc sống của các nàng dâu hoàng gia.

    Hoàng tử Harry kết hôn với diễn viên người Mỹ gốc Phi Meghan vào năm 2018, kể từ đó, mối quan hệ của anh với các thành viên hoàng gia cũng bắt đầu rạn nứt.

    Đến cuối năm 2019, cặp đôi bất ngờ thông báo ý định từ bỏ các nghĩa vụ hoàng gia và có một cuộc sống độc lập. Cặp đôi chuyển đến sống tại Canada, sau đó đến Mỹ và hiện sinh sống ở bang California (Mỹ). Cặp đôi đã rút khỏi các vai trò hoàng gia và bị tước toàn bộ tước vị và các vai trò bảo trợ hoàng gia.

    Họ đưa ra những lời chỉ trích gay gắt hoàng gia Anh, trong đó có cáo buộc phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử. Năm 2021, vợ chồng Harry từng gây xôn xao dư luận bởi cuộc trả lời phỏng vấn nữ hoàng truyền thông Mỹ Oprah Winfrey, kể những góc khuất trong cuộc sống hoàng gia.

    Ukraine chỉ trích đề xuất của Pháp nhằm ‘đảm bảo an ninh cho Nga’

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/Emmanuel-Macron-840x480.png

    Kyiv đã chỉ trích đề xuất của Pháp về việc ‘đảm bảo an ninh cho Nga‘, nhằm giải quyết những lo ngại bấy lâu nay của nước này trước việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục mở rộng về phía đông.

    Giới chức Ukraine tin rằng, chính Nga, chứ không phải NATO, mới là bên cần phải đưa ra các đảm bảo về an ninh.

    Ông Mykhailo Podolyak, Trợ lý của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, viết trên Twitter hôm 4/12: “[Thế giới] văn minh cần ‘đảm bảo an ninh’ trước tham vọng man rợ của nước Nga thời hậu Putin”.

    Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, Oleksiy Danilov, cũng có bình luận tương tự, đồng thời tuyên bố trên Twitter rằng, một nước Nga “phi hạt nhân hóa và phi quân sự hóa” là sự đảm bảo mạnh mẽ nhất cho hòa bình thế giới.

    Đề xuất gây tranh cãi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được đưa ra nhằm mục đích kéo Moscow trở lại bàn đàm phán.

    Vào ngày 3/12, ông Macron đề xuất mở rộng “bảo đảm an ninh” cho Nga để đổi lấy việc nước này chấm dứt “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, hiện đã bước sang tháng thứ 10.

    “Một trong những vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta phải đối mặt, như [Tổng thống Nga Vladimir] Putin thường cảnh báo, là mối lo ngại rằng, NATO sẽ tiến tới sát biên giới của mình và việc triển khai vũ khí [của NATO] có thể gây nguy hiểm cho Nga”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết.

    Kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, liên minh quân sự phương Tây đã dần dần mở rộng về phía đông và ngày càng tiến sát biên giới của Nga.

    Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Séc đều gia nhập NATO vào năm 1999. Năm năm sau, bảy quốc gia khác, bao gồm ba quốc gia vùng Baltic, cũng gia nhập liên minh quân sự này. Trước sự kinh ngạc của Moscow, thêm bốn quốc gia nữa thuộc vùng Balkan cũng gia nhập liên minh NATO.

    Về phần mình, Moscow từ lâu đã khẳng định rằng, việc kết nạp các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ – chẳng hạn như Ukraine – vào NATO sẽ gây ra mối nguy hiểm trực tiếp đối với an ninh quốc gia của nước này.

    Phát biểu trên kênh truyền hình TF1 của Pháp, ông Macron cho biết: “Chúng tôi cần lên kế hoạch cho những điều chúng tôi sẵn sàng làm, cách chúng tôi bảo vệ các đồng minh và các quốc gia thành viên của mình, cũng như cách đảm bảo với Nga vào ngày nước này quay trở lại bàn đàm phán”.

    Ông Stoltenberg: ‘Cánh cửa của NATO đang mở’
    Vào ngày 8/2, chỉ vài tuần trước khi Nga bắt đầu đưa quân xâm lược Ukraine, Tổng thống Nga Putin đã tổ chức một cuộc họp báo chung với ông Macron, trong đó, ông Putin tái khẳng định các yêu cầu an ninh của Moscow.

    Những yêu cầu đó bao gồm chấm dứt việc mở rộng về phía đông của NATO, không triển khai tên lửa gần biên giới Nga và thu hồi cơ sở hạ tầng quân sự ở châu Âu của NATO.

    Vào thời điểm đó, Washington gọi các yêu cầu của Nga là “không có triển vọng”.

    Moscow cũng phản đối mọi hoạt động quân sự của liên minh phương Tây trong lãnh thổ của các quốc gia có chung đường biên giới với Nga.

    Các quan chức Nga đã nhiều lần cáo buộc NATO điều hành các chương trình vũ khí sinh học bí mật bên trong lãnh thổ Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào cuối tháng Hai. NATO, cùng với các quốc gia thành viên chủ chốt khác, đã kiên quyết bác bỏ cáo buộc này.

    Sau các cuộc trưng cầu dân ý, Moscow chính thức sáp nhập bốn khu vực của Ukraine vào Liên bang Nga vào ngày 30/9. Kể từ đó, Moscow coi cả bốn khu vực này là lãnh thổ của Nga. Ukraine và các đồng minh bác bỏ tính hợp pháp của động thái này, và cáo buộc đây là hành động sáp nhập lãnh thổ bất hợp pháp của Nga.

    Ngay sau động thái gây tranh cãi của Moscow, Kyiv đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO.

    “Chúng tôi đang thực hiện bước đi quyết định của mình bằng cách ký đơn xin gia nhập NATO một cách nhanh chóng”, ông Zelenskyy cho biết vào thời điểm đó.

    Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần trước tuyên bố rằng “cánh cửa đang mở” của liên minh và việc quyết định tư cách thành viên là tùy thuộc vào “các đồng minh NATO và các quốc gia có nguyện vọng”.

    Ông Stoltenberg nói thêm: “Đây cũng là thông điệp gửi tới Ukraine”.

    Vào ngày 5/12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã cảnh báo về “những hậu quả thảm khốc” có thể xảy ra nếu nổ ra xung đột giữa Nga và phương Tây.

    Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời ông Lavrov nói: “Trong bối cảnh phương Tây đang nỗ lực kiềm chế Nga, đường lối của Mỹ và NATO về một cuộc đối đầu quân sự thực sự với Nga đang đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng”.

    Mỹ: ‘Không có đối tác sẵn sàng’ cho các cuộc đàm phán

    Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland đã bác bỏ về một giải pháp thương lượng tiềm năng cho cuộc xung đột đang diễn ra, ít nhất là trong ngắn hạn.

    “Ngoại giao rõ ràng là mục tiêu của tất cả các bên, nhưng quý vị phải có một đối tác sẵn sàng“, bà Nuland cho biết vào ngày 3/12 trong chuyến thăm Kyiv và gặp ông Zelensky cùng các quan chức hàng đầu khác của Ukraine.

    “Rõ ràng là, cho dù đó là [cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine], cho dù đó là lời lẽ của Điện Kremlin hay về thái độ nói chung, thì ông Putin cũng không [đủ] chân thành hoặc không sẵn sàng cho điều đó”, bà tiếp tục.

    Bà Nuland đóng một vai trò quan trọng trong “Cách mạng Maidan” năm 2014. Với sự hậu thuẫn của Washington, cuộc cách mạng này đã lật đổ vị Tổng thống thân Nga, ông Viktor Yanukovych, khỏi chiếc ghế quyền lực.

    Trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Macron vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt điều kiện đàm phán với Moscow về việc Nga rút hoàn toàn khỏi các vùng lãnh thổ bị sáp nhập.

    Điện Kremlin đã phản ứng bằng cách tuyên bố rằng, ông Putin “sẵn sàng đàm phán”, nhưng bác bỏ các điều khoản theo chủ nghĩa tối đa của ông Biden về việc chấm dứt xung đột.

    Theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, Washington “vẫn không công nhận các vùng lãnh thổ mới gia nhập Liên bang Nga”.

    “Điều đó khiến cho việc tìm kiếm các cơ sở đối thoại khả thi trở nên khó khăn hơn nhiều”, ông Peskov cho biết.

    Trong một cuộc phỏng vấn ngày 5/12, ông Macron tuyên bố rằng, “cách duy nhất” để giải quyết xung đột là “thông qua đàm phán”.

    Trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS News, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, “Tôi không nhận thấy có lựa chọn quân sự nào trên thực địa”.

    Ấn Độ không cam kết mức giá trần, ra dấu hiệu sẽ tiếp tục mua dầu từ Nga

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/dau-hoa.png

    Cho đến nay, Ấn Độ vẫn chưa cam kết với mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu của Nga do G7 và EU đặt ra.

    Ấn Độ sẽ ưu tiên nhu cầu năng lượng của mình và tiếp tục mua dầu từ Nga, Ngoại trưởng nước này cho hay, trong bối cảnh các chính phủ phương Tây đang tìm cách thực hiện giá trần để siết chặt thu nhập của Moscow từ xuất khẩu dầu.

    Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Subrahmanyam Jaishankar đã đưa ra các bình luận vào thứ Hai sau khi hội đàm với người đồng cấp Đức Annalena Baerbock đang ở thăm. Ông Jaishankar cho biết việc các nước châu Âu ưu tiên nhu cầu năng lượng của họ nhưng lại còn “yêu cầu Ấn Độ phải làm điều gì đó khác” là không đúng.

    Cho đến nay, Ấn Độ vẫn chưa cam kết với mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu của Nga do Liên minh châu Âu và Nhóm G7 đặt ra. Mức trần có hiệu lực vào thứ Hai, là một nỗ lực của các chính phủ phương Tây nhằm hạn chế thu nhập từ nhiên liệu hóa thạch để hỗ trợ quân đội của Moscow và cuộc xâm lược Ukraine, đồng thời tránh khả năng tăng giá nếu dầu của Nga đột ngột bị loại khỏi thị trường toàn cầu.

    Ông Jaishankar không đề cập trực tiếp đến mức giá trần này, nhưng cho biết EU đang nhập khẩu nhiều nhiên liệu hóa thạch từ Nga hơn Ấn Độ. Các quan chức Ấn Độ đã bảo vệ việc mua dầu từ Nga, nói rằng giá thấp hơn có lợi cho Ấn Độ.

    Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, Ấn Độ đã tăng đều đặn việc mua dầu giảm giá của Nga. Hãng thông tấn Press Trust of India cho biết, lượng nhập khẩu đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 10 và Nga trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu của Ấn Độ tính theo số thùng mỗi ngày, trích dẫn dữ liệu từ công ty theo dõi năng lượng Vortexa.

    Ấn Độ và Nga từ lâu có quan hệ thân thiết, và New Delhi không ủng hộ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow, mặc dù nước này đã nhiều lần thúc giục “chấm dứt bạo lực ngay lập tức” ở Ukraine. Ấn Độ, cũng là thị trường lớn của vũ khí do Nga sản xuất, cho đến nay đã bỏ phiếu trắng về các nghị quyết của Liên hợp quốc chỉ trích cuộc chiến của Moscow.

    Mỹ bí mật sửa đổi hệ thống HIMARS để ngăn Ukraina bắn hoả tiễn tầm xa vào Nga

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/hoa-tien-tam-xa.jpeg

    Hoa Kỳ đã bí mật sửa đổi các bệ phóng hoả tiễn Himars tiên tiến mà họ cung cấp cho Ukraina, để chúng không thể được sử dụng để bắn hoả tiễn tầm xa vào Nga.

    Thông tin được các quan chức Hoa Kỳ cho biết, tờ Wall Street Journal đưa tin hôm 5 tháng 12.

    Các quan chức cho biết, đây là một biện pháp phòng ngừa mà chính quyền Biden cho là cần thiết để giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh rộng lớn hơn với Mátxcơva.

    Kể từ tháng 6, Hoa Kỳ đã cung cấp cho lực lượng Ukraina 20 bệ phóng hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, hay còn gọi là Himars, và một lượng lớn hoả tiễn dẫn đường bằng vệ tinh với tầm bắn gần 50 dặm (khoảng 80km).

    Những hoả tiễn này được Ukraina sử dụng để tấn công các kho đạn dược, nguồn cung cấp hậu cần và trung tâm chỉ huy của Nga trên lãnh thổ Ukraina.

    Các tiết lộ mới cho thấy rõ ràng chính quyền Biden vẫn lo ngại nguy cơ đụng độ quân sự với Nga, nước đang sở hữu kho vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới.

    Bức tranh kinh tế EU khi mùa đông đến gần

    Liệu các đòn đánh của Vladimir Putin vào kinh tế châu Âu có hiệu quả? Số liệu GDP chi tiết của EU, được công bố vào thứ Tư, sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi này. Trong quý 3 năm 2022, GDP toàn EU tăng 0,2% so với quý 2. Dù không quá ấn tượng, nó cũng không phải suy thoái. Nhưng sau một mùa thu tương đối ôn hoà, mùa đông dài sắp tới có thể sẽ khó khăn hơn. Các số liệu sắp tới đây cho thấy nhiều khả năng sẽ có suy thoái. Doanh số bán lẻ giảm trong tháng 10; trong khi các chỉ số niềm tin trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng vẫn thấp. Đáng lo ngại nhất là việc toàn bộ ngành dịch vụ bị suy yếu, với mức giảm tệ nhất kể từ tháng 2 năm 2021.

    Nhưng có một điểm sáng là thị trường lao động. Các doanh nghiệp dự kiến thuê thêm lao động, qua đó giúp duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Điều đó ít nhiều cũng gửi đi một tín hiệu tích cực: kinh tế EU có thể suy yếu, nhưng các doanh nghiệp dường như không cho rằng tình trạng hiện tại sẽ kéo dài.

    Tỉ lệ mắc bệnh của người lao động Anh tăng cao

    Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách Công IPPR, được công bố vào thứ Tư, sẽ khiến người đọc lo lắng. Anh là nước G7 duy nhất có lực lượng lao động chưa quay về mức tiền đại dịch. Khoảng 2,5 triệu trong lực lượng lao động 36 triệu người của Anh đang không hoạt động kinh tế vì bệnh tật. Và những người đang làm việc cũng trở nên ốm yếu hơn: hiện tại xác suất mắc bệnh của người lao động đã cao hơn 13% so với ba năm trước.

    Đây là tin xấu cho nền kinh tế kém hiệu quả kinh niên của Anh: những vùng có tỷ lệ ốm đau cao hơn thường có năng suất thấp hơn. Và người lao động chân tay sẽ phải bỏ lỡ công việc nhiều hơn, qua đó làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế.

    Giải pháp được IPPR khuyến nghị là cải thiện phòng ngừa các bệnh có thể tránh cũng như tăng khả năng tiếp cận bác sĩ và phương pháp điều trị. Nơi làm việc cũng nên phù hợp với những người có sức khỏe kém. Nền kinh tế ốm yếu của Anh sẽ không muốn lực lượng lao động của mình cũng ốm yếu nốt.

    Toà án Tối cao Mỹ xử vụ kiện về luật bầu cử

    Vào thứ Tư, Tòa Tối cao Mỹ sẽ xem xét một ý tưởng mới lạ có thể thay đổi cách thức bầu cử ở nước này. Theo những người ủng hộ “thuyết cơ quan lập pháp bang độc lập” gây tranh cãi, các nhà lập pháp bang nên có thẩm quyền gần như tuyệt đối (chỉ bị giới hạn bởi Quốc hội) trong việc điều hành các cuộc bầu cử liên bang—từ việc vẽ các khu vực bầu cử cho đến ấn định giờ bỏ phiếu. Luật hiện tại cho phép các tòa án bang xem xét và ngăn chặn các quy định như vậy.

    Vụ Moore kiện Harper xuất phát từ cuộc tranh cãi về bản đồ đơn vị bầu cử quốc hội của phe Cộng hòa ở Bắc Carolina vào năm 2021. Khi tòa án cấp cao nhất của bang tuyên bố bản đồ này vi phạm hiến pháp Bắc Carolina, các nhà lập pháp bang thuộc đảng Cộng hòa đã yêu cầu Tòa án Tối cao can thiệp.

    Họ cho rằng hiến pháp liên bang chỉ trao quyền cho cơ quan lập pháp bang trong việc điều chỉnh bầu cử Quốc hội, và tòa án tiểu bang không có quyền gì. Các quan chức Dân chủ của Bắc Carolina cũng như các nhóm ủng hộ quyền bầu cử bác bỏ quan điểm này vì nó “sỉ nhục không thể chấp nhận được” đối với quy tắc liên bang. Họ nói rằng nó “mâu thuẫn không thể hoà giải được với các nguyên tắc cơ bản của nền cộng hòa của chúng ta.”

    Hội nghị đa dạng sinh học toàn cầu khai mạc

    COP15, hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học, sẽ khai mạc tại Montreal vào thứ Tư. Tại đây, hơn 20.000 đại biểu sẽ tranh luận trong hai tuần tới về cách cứu các loài động thực vật trên Trái đất, mà hơn 12% trong số đó có nguy cơ tuyệt chủng.

    Các hệ sinh thái lành mạnh giúp mang lại thực phẩm, vật liệu xây dựng và thuốc men. Thực vật giải phóng oxy và hấp thụ khoảng 11 tỷ tấn carbon dioxide mỗi năm; bên cạnh 10 tỷ nữa từ các đại dương. (Con người thải ra khoảng 50 tỷ tấn.) Ngân hàng Thế giới ước tính suy thoái hệ sinh thái sẽ lấy đi 225 tỷ đô la khỏi GDP toàn cầu vào năm 2030.

    Tất cả các mục tiêu đa dạng sinh học trước đây của Liên Hợp Quốc đều đã bị bỏ lỡ. Hy vọng là COP15 sẽ mang lại một bộ quy tắc ràng buộc về mặt pháp lý và có thể định lượng được, như thỏa thuận Paris đã làm với biến đổi khí hậu. Nhiều nước muốn ban hành cam kết bảo vệ 30% diện tích đất và đại dương của thế giới cho tới năm 2030 (cũng như nguồn ngân sách để thực hiện nó). Nhưng chưa rõ các bước cụ thể— đặc biệt khi Mỹ vẫn là một trong số ít quốc gia chưa phê chuẩn Công ước của COP về Đa dạng Sinh học.


    Không có nhận xét nào