Võ Thái Hà tổng hợp
TT Putin yêu cầu cơ quan an ninh truy tìm ‘những kẻ phản bội và gián điệp’
Tổng thống Nga cũng ra lệnh tăng cường biên giới Nga và đảm bảo an toàn cho cư dân ở các khu vực sáp nhập của Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh củng cố biên giới của Nga và chỉ thị cho các cơ quan an ninh duy trì sự kiểm soát xã hội tốt hơn và loại bỏ tận gốc “những kẻ phản bội, gián điệp và những kẻ phá hoại”, các hãng thông tấn của nước này đưa tin, theo Al Jazeera.
Phát biểu nhân Ngày Dịch vụ An ninh Nga, ông Putin hôm thứ Hai đã chỉ thị cho các quan chức an ninh của mình bảo vệ biên giới, tăng cường kiểm soát xã hội và tối đa hóa “việc sử dụng tiềm năng hoạt động, kỹ thuật và nhân sự” để ngăn chặn rủi ro đến từ nước ngoài và những kẻ phản bội nội bộ.
Hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời ông Putin cho biết: “Các cơ quan phản gián, bao gồm cả tình báo quân sự, hiện cần phải có sự điềm tĩnh tối đa, tập trung lực lượng.”
TASS cho biết: “Cần phải trấn áp nghiêm khắc hành động của các cơ quan đặc nhiệm nước ngoài, nhanh chóng xác định những kẻ phản bội, gián điệp và những kẻ phá hoại”.
Ông nói, biên giới của Nga cũng phải được củng cố.
“Công việc phải được tăng cường thông qua các dịch vụ biên giới và Cơ quan An ninh Liên bang [FSB],” hãng thông tấn RIA thuộc sở hữu nhà nước của Nga dẫn lời ông Putin cho biết hôm thứ Hai.
“Và nó [biên giới] phải được bảo vệ chắc chắn. Bất kỳ nỗ lực xâm nhập nào phải bị ngăn chặn một cách nhanh chóng và hiệu quả bằng cách sử dụng bất kỳ lực lượng và phương tiện nào chúng ta có sẵn, bao gồm cả các đơn vị hành động cơ động và lực lượng đặc biệt,” ông nói.
Ông Putin cũng nói rằng nhiệm vụ của các cơ quan an ninh đặc biệt là đảm bảo an toàn cho người dân sống ở các khu vực tại Ukraine mà Moscow tuyên bố sáp nhập vào Nga hồi tháng 9. Kyiv và các đồng minh phương Tây đã coi các động thái này là sự thôn tính bất hợp pháp.
“Mọi người có nhiệm vụ làm mọi thứ cần thiết để đảm bảo an ninh tối đa cho họ, tôn trọng các quyền và tự do của họ”, ông Putin nói, đồng thời hứa hẹn với họ nhiều “thiết bị và vũ khí hiện đại hơn”.
Bình luận của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào Ukraine ngày càng gia tăng và cuộc chiến của Nga với Ukraine hiện đã bước sang tháng thứ 10 và chưa có hồi kết.
Phát biểu trước các nhà lãnh đạo của một số quốc gia NATO thông qua liên kết video hôm thứ Hai, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục thúc giục các đồng minh Ukraine cung cấp thêm vũ khí cho quân đội của họ.
Trước đó, ông Zelensky cho biết trong một bài phát biểu vào đêm khuya Chủ nhật rằng khoảng 9 triệu trong số 40 triệu người Ukraine ước tính đã được khôi phục điện sau cuộc tấn công tên lửa của Nga vào tuần trước.
Cũng trong ngày thứ Hai, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc ông Zelensky “thiếu hiểu biết về mức độ nghiêm trọng của thời điểm này và thiếu quan tâm đến người dân của mình”.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Belarus 1 ở Minsk, ông Lavrov cũng công kích mạnh mẽ phương Tây, mô tả họ “phản ứng cuồng loạn” đối với tình hình ở Ukraine.
TASS dẫn lời Ngoại trưởng Nga cho biết, việc Moscow xâm lược Ukraine đã phá hủy “trò chơi địa chính trị của phương Tây” vốn muốn biến Ukraine thành mối đe dọa thường trực đối với Nga.
Xuân Lan (theo Al Jazeera)
Vụ Capitol: Ủy ban đặc biệt Hạ Viện Mỹ đề nghị điều tra hình sự Trump
20/12/2022
Hình ảnh cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trên màn hình tại phiên điều trần về vụ bạo loạn điện Capitol ngày 06/01/2021. Ảnh chụp ngày 19/12/2022 ở Washington, Hoa Kỳ. Getty Images via AFP - POOL
Trọng Thành / RFI
Ủy ban đặc biệt của Hạ Viện Mỹ, phụ trách điều tra về vụ bạo loạn ngày 06/01/2021 tại Quốc Hội Mỹ, hôm qua, 19/12/2022, đã chính thức khuyến nghị khởi tố vụ án hình sự nhắm vào cựu tổng thống Donald Trump. Ủy ban nêu ra 4 tội danh nghiêm trọng, trong đó có tội ‘‘kích động bạo loạn’’. Đây lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, một cựu tổng thống bị đề nghị khởi tố hình sự.
Thông tín viên Guillaume Naudin tường trình từ Washington :
‘‘Cản trở tiến trình chuyển giao quyền lực, thông đồng nhằm lừa đảo chính quyền liên bang, thông đồng nhằm đưa ra tuyên bố sai sự thật và kích động bạo loạn. Trên đây là các tội danh mà ủy ban đặc biệt của Hạ Viện Mỹ nêu ra để khuyến nghị cơ quan tư pháp tiến hành điều tra cựu tổng thống Trump. Một báo cáo đầy đủ về các lý do, dẫn đến các tội danh nghiêm trọng nói trên, sẽ được công bố ngày mai 21/12.
Ủy ban đặc biệt của Hạ Viện Mỹ đã điều tra trong nhiều tháng, xem xét hàng nghìn trang tài liệu, thẩm vấn hàng chục nhân chứng, trong đó có nhiều cuộc điều trần quan trọng. Kết luận của Ủy ban là cựu tổng thống Donald Trump đã biết không thể giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống 2020, tuy nhiên ông vẫn lập một kế hoạch nhằm đảo ngược kết quả, gây áp lực với các nhân viên bầu cử, các quan chức địa phương, các giới chức bộ Tư Pháp, trước khi kích động những người ủng hộ tham gia vào cuộc bạo loạn ngày 6 tháng Giêng 2021 nhằm ngăn cản việc xác nhận kết quả bầu cử tại Quốc Hội Mỹ.
Đối với 9 thành viên của Ủy ban, trong đó có hai nghị sĩ Cộng Hòa, không thể để cho vụ việc này trôi qua. Đây là một khuyến nghị có ý nghĩa biểu tượng, được đưa ra trước khi Ủy ban giải tán, do phe Dân Chủ nay không còn đa số tại Hạ Viện. Các khuyến nghị của Ủy ban điều tra về vụ bạo loạn ngày 6 tháng Giêng không có tính chất bắt buộc.
Bộ Tư Pháp Mỹ sẽ quyết định mở điều tra hình sự hay không. Công tố viên đặc biệt Jack Smith, đang tiến hành một cuộc điều tra riêng về cựu tổng thống Trump, sẽ có tiếng nói quan trọng trong việc này. Chắc chắn ông sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng bản báo cáo cuối cùng của Ủy ban đặc biệt của Hạ Viện’’.
Giữa tháng 11/2022 vừa qua, bộ Tư Pháp Mỹ đã giao công tố viên đặc biệt Jack Smith phụ trách một cuộc điều tra riêng về cựu tổng thống Trump trong vụ bạo loạn đồi Capitol ngày 06/01/2021.
Về phía Donald Trump, theo AFP, hôm qua, cựu tổng thống đã lên án các cáo buộc ‘‘chắp vá’’, ược đưa ra chỉ với mục tiêu duy nhất là ngăn cản ông trở lại Nhà Trắng.
World Bank hạ dự báo tăng trưởng của TQ do COVID và khủng hoảng bất động sản
(Ảnh minh họa: Shutterstock)
Ngân hàng Thế giới (WB) hôm thứ Ba (20/12) đã hạ thấp dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm vừa qua, do đại dịch COVID và những yếu kém trong lĩnh vực bất động sản đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cụ thể, Ngân hàng Thế giới đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ mức dự đoán 4,3% hồi tháng 6 xuống còn 2,7%. Tổ chức này cũng điều chỉnh mức dự báo cho năm tới từ 8,1% xuống 4,3%.
Cả hai con số này đều thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5% của Bắc Kinh trong năm nay, con số mà nhiều nhà phân tích đều nhận định là không thể đạt được.
Ngân hàng Thế giới cho biết: “Hoạt động kinh tế ở Trung Quốc tiếp tục diễn biến theo những thăng trầm của đại dịch – sự bùng phát và suy giảm tăng trưởng kéo theo sự phục hồi không đồng đều”.
“Tăng trưởng GDP thực tế được dự đoán sẽ đạt 2,7% trong năm nay, trước khi phục hồi lên 4,3% vào năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa trở lại.”
Sau một vài năm liên tục phong tỏa đóng cửa, tiến hành xét nghiệm hàng loạt, cách ly kéo dài và hạn chế đi lại, đến tháng 12 vừa qua Trung Quốc đã dần từ bỏ chính sách zero-COVID.
Tuy nhiên, sự gián đoạn đối với các doanh nghiệp tiếp tục diễn ra khi các ca bệnh gia tăng và một số hạn chế vẫn được áp dụng.
Các cơ quan y tế phải thừa nhận rằng, số liệu chính thức không còn phản ánh bức tranh đầy đủ về các ca nhiễm bệnh trong nước khi các yêu cầu xét nghiệm hàng loạt đã bị loại bỏ.
Bà Mara Warwick, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc, Mông Cổ và Hàn Quốc nhận xét: “Việc tiếp tục điều chỉnh chính sách COVID-19 của Trung Quốc rất quan trọng, vừa để giảm thiểu rủi ro sức khỏe cộng đồng vừa để giảm thiểu sự gián đoạn kinh tế hơn nữa.”
Tuần trước, IMF đã cảnh báo, họ cũng có thể sẽ hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc một lần nữa, nguyên nhân chủ yếu là do số ca nhiễm COVID được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng.
Quỹ này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong tháng 10 xuống còn 3,2% trong năm nay – mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ – trong khi kỳ vọng tăng trưởng sẽ lên đến 4,4% trong năm tới.
Nhưng “rất có thể, chúng tôi sẽ hạ dự báo tăng trưởng của mình đối với Trung Quốc, cho cả năm 2022 và 2023,” Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh với AFP.
Đáng quan ngại, kinh tế Trung Quốc còn phải chịu áp lực trên các lĩnh vực khác.
“Căng thẳng dai dẳng” trong lĩnh vực bất động sản – chiếm khoảng 1/4 GDP hàng năm – có thể gây ra những tác động tài chính và kinh tế vĩ mô rộng lớn hơn, Ngân hàng Thế giới lưu ý.
Ngoài ra, tình trạng thất nghiệp của thanh niên, rủi ro từ thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra và suy thoái toàn cầu trên diện rộng cũng đe dọa tăng trưởng của Trung Quốc.
Thêm vào đó là việc kinh tế thế giới đang bị tác động bởi lãi suất tăng cao nhằm chống lại lạm phát phi mã do cuộc chiến của Nga ở Ukraine gây ra, cũng như sự đình trệ của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện tại, Bắc Kinh đã tìm cách cải thiện mức tăng trưởng thấp bằng một loạt biện pháp nới lỏng để hỗ trợ, cắt giảm lãi suất cơ bản và bơm tiền vào hệ thống ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc Elitza Mileva cho hay: “Việc hướng các nguồn tài chính vào chi tiêu xã hội và đầu tư xanh sẽ không chỉ hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn mà còn góp phần vào tăng trưởng toàn diện và bền vững hơn trong trung hạn.”
Minh Ngọc (Theo AFP)
Thêm hai tiểu bang tại Mỹ áp đặt lệnh cấm TikTok
Hôm 19/12 vừa qua, Louisiana và West Virginia đã trở thành những tiểu bang mới nhất tại Mỹ áp đặt lệnh cấm TikTok trên các thiết bị thuộc sự quản lý của các cơ quan Chính phủ Mỹ, theo hãng tin Reuters.
Như vậy, tính đến nay, có khoảng 19 trong số 50 tiểu bang tại Mỹ đã áp đặt lệnh cấm TikTok (một phần hoặc hoàn toàn) do lo ngại rằng dữ liệu người dùng do TikTok, thuộc công ty Byte Dance (có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc), thu thập có thể bị lạm dụng. Hầu hết các lệnh hạn chế này được đưa ra trong vòng 2 tuần qua. Tuần trước, một số thành viên của Quốc hội Mỹ thậm chí đã đề xuất một lệnh cấm trên toàn quốc, tương tự như điều mà một số quốc gia khác (như Ấn Độ…) đang thực hiện.
Jamf Holding Corp, công ty cung cấp phần mềm bảo mật trên các thiết bị của Apple, cho biết các cơ quan chính phủ là khách hàng của công ty này đã tăng cường chặn quyền truy cập TikTok kể từ giữa năm nay. Số liệu của Jamf Holding Corp chỉ ra rằng trong tháng này khoảng 65% nỗ lực kết nối với TikTok đã bị chặn lại trên các thiết bị thuộc khu vực công do công ty này quản lý trên toàn thế giới, tăng so với mức 10% ghi nhận hồi tháng 6 vừa qua.
Trước những diễn biến này, ngày 19/12, TikTok bày tỏ thất vọng về “những chính sách được ban hành dựa trên những lập luận vô căn cứ về TikTok, trong khi những điều này sẽ không giúp ích gì cho việc tăng cường an ninh quốc gia của Mỹ”.
Hôm 14/12, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm các nhân viên liên bang tải xuống hoặc sử dụng ứng dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ vì lý do an ninh quốc gia, theo hãng tin Reuters.
Dự luật cấm TikTok cũng sẽ phải được Hạ viện thông qua trước khi Tổng thống Biden ký thành luật. Các quan chức chính phủ và nghị sĩ thuộc cả 2 đảng ở Mỹ đã bày tỏ quan ngại về ứng dụng TikTok của Trung Quốc và nhận định rằng đây là một rủi ro an ninh lớn.
Phan Anh
Cắt giảm nhân sự, nhiều kỹ sư công nghệ mất việc làm trước dịp Năm mới
(Ảnh minh họa: rafapress/Shutterstock)
Tình trạng cắt giảm nhân sự trong lĩnh vực công nghệ vẫn diễn ra ngay cả khi nền kinh tế của Mỹ chưa có dấu hiệu suy thoái, theo tờ The Guardian.
Cụ thể, nhiều kỹ sư tại Mỹ đang vật lộn với khó khăn khi đột ngột bị sa thải trước dịp Năm mới. Sau khi nhiều gã khổng lồ công nghệ phàn nàn về tình trạng thiếu hụt lao động trong năm 2021 và đầu năm 2022, một số công ty trong ngành đã sa thải công nhân hàng loạt trước khi kết thúc năm.
Tình trạng cắt giảm việc làm ở Mỹ đã trở nên tồi tệ trong năm nay, với mức tăng 6% trong 11 tháng của năm 2022 so với năm ngoái. Trong năm 2021, số lượng người lao động bị sa thải được ước tính vào khoảng 320,173 người, dù số lượng việc làm bị cắt giảm trong 2 năm qua thấp hơn so với nhiều thập kỷ trước đó.
Được biết, công nghệ là lĩnh vực dẫn đến sự cắt giảm việc làm gay gắt nhất khi nhiều hãng công nghệ lớn, bao gồm Meta, Twitter và Amazon thông báo sa thải hàng loạt nhân sự trong những tuần gần đây.
Trong năm 2008, các hãng công nghệ đã sa thải khoảng 65.000 nhân viên. Trong khi đó, 965 công ty công nghệ đã đuổi việc hơn 150.000 nhân viên trên toàn cầu trong năm 2022, vượt qua con số trong thời gian đại suy thoái 2008 – 2009.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc sa thải là hành động có phần “nặng tay” của các công ty trước mùa nghỉ lễ lớn nhất trong năm. “Những công ty này đều đang kiếm tiền. Họ phải làm điều đó bởi vì các công ty khác cũng làm điều tương tự”, Giáo sư Jeffrey Pfeffer của Trường Kinh doanh Stanford cho hay.
Phan Anh
Covid bùng phát ở Trung Quốc: Khó biết quy mô thật
Bình Phương
19/12/2022
Sau khi Trung Quốc bãi bỏ không chính thức chính sách zero-Covid vào tuần trước, người dân Bắc Kinh đã bắt đầu đi thăm các di tích lịch sử và thắng cảnh. Tuy vậy việc mở cửa có nguy cơ kéo theo số người nhiễm Covid tăng vọt. Ảnh CFOTO/Future Publishing via Getty Images
Trung Quốc thừa nhận có ca tử vong đầu tiên do Covid-19 kể từ khi nước này chấm dứt các chính sách kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt gọi là “zero-Covid”. Nhưng quy mô thực sự của đợt bùng phát bị Bắc Kinh che đậy, không cung cấp đủ dữ liệu và quy định không rõ ràng, theo ghi nhận của báo Wall Street Journal.
Hôm thứ Hai 19 tháng Mười Hai 2022, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo có hai trường hợp tử vong được ghi nhận tại Bắc Kinh, và cho biết đây là những trường hợp tử vong đầu tiên do Covid-19 ở thủ đô kể từ tháng Mười Một.
Số liệu chính thức về các ca lây nhiễm đã giảm so với tháng trước sau khi chính phủ Trung Quốc bỏ các yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt, bỏ việc kiểm đếm các trường hợp nhiễm Covid mà không có triệu chứng. Điều đó trái ngược hẳn với dự đoán của các chuyên gia y tế rằng việc bãi bỏ đột ngột các biện pháp kiểm soát sẽ làm số ca nhiễm Covid tăng mạnh, cũng trái hẳn với báo cáo của người dân Bắc Kinh và các thành phố khác rằng họ đã chứng kiến sự gia tăng mạnh các ca nhiễm Covid trong các tòa nhà chung cư và trong thân nhân bạn bè của họ.
Nhân viên của một lò hỏa táng ở Bắc Kinh được chỉ định để xử lý các trường hợp nhiễm Covid cho biết nhu cầu hỏa táng và các dịch vụ khác đã gia tăng rất nhanh, số lượng xác chết tăng lên trong những ngày gần đây. Một số doanh nghiệp, bao gồm cả dịch vụ giao hàng, đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân sự do lái xe bị nhiễm Covid.
Bắc Kinh là một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt bùng phát mới. Chính quyền thủ đô đã cam kết giúp các doanh nghiệp mở cửa trở lại và giúp các nhà máy duy trì sản xuất thông qua nhiều biện pháp để hỗ trợ tài chính và khuyến khích. Nhà chức trách cho biết thêm, những nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid vẫn được quay lại làm việc sau bảy ngày cách ly nếu họ đáp ứng một số điều kiện nhất định mà không cần thực hiện xét nghiệm Covid lần nữa.
Trong cuộc họp báo chiều nay thứ Hai 19 tháng Mười Hai, các quan chức Bắc Kinh cũng cho biết họ đang làm việc để đảm bảo hệ thống phân phối tiếp tục hoạt động trơn tru, bằng cách cấp cho nhân viên giao hàng các bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh và vaccine. Khoảng 90% nhân viên giao hàng hiện đã trở lại làm việc, các quan chức cho biết.
Tại Trùng Khánh, một trong bốn thành phố lớn nhất Trung Quốc, chính quyền địa phương hôm Chủ nhật cho biết những người mắc bệnh Covid nhẹ vẫn có thể đi làm và không cần phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính bên ngoài một số nơi làm việc như trường học và nhà dưỡng lão. Trong khi một số cư dân Trùng Khánh nói trên mạng xã hội rằng họ cảm thấy nhẹ nhõm khi nhà cầm quyền chỉ thực hiện cách ly bắt buộc đối với người có kết quả xét nghiệm dương tính, thì những người khác lo ngại chính sách mới sẽ dẫn đến sự gia tăng mạnh các ca nhiễm bệnh.
***
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết hôm thứ Sáu rằng các quan chức nên tập trung vào việc khôi phục động lực kinh tế để đạt được mức tăng trưởng hợp lý cho năm tới. Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc kéo dài hai ngày đã kết thúc với lời kêu gọi tập trung vào việc kích thích nhu cầu trong nước, cam kết hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản và khuyến khích sự phát triển của khu vực tư nhân.
Việc chính phủ nhanh chóng xoay trục từ chính sách “zero-Covid” sang chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã khiến các nhà đầu tư vui mừng. Morgan Stanley và Goldman Sachs nằm trong số các ngân hàng gần đây đã nâng cấp dự báo về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.
Tuy nhiên sự thay đổi chính sách của Bắc Kinh sẽ có ý nghĩa gì đối với sinh mạng của người dân thì phải xem lại. Trung Quốc, nơi Covid xuất hiện đầu tiên cách đây ba năm, đã cố gắng ngăn chặn đại dịch tồi tệ nhất bằng một chính sách ngăn chặn nghiêm ngặt, bao gồm phong tỏa quy mô lớn, theo dõi vị trí (truy vết) và tổ chức xét nghiệm trên diện rộng. Bắc Kinh báo cáp chỉ có 5,237 trường hợp tử vong do Covid, rất thấp so với so với 1.1 triệu người chết ở Hoa Kỳ.
Gần 90% số người chết chính thức của Trung Quốc xảy ra trong thời gian đầu của đại dịch, dù trong năm nay số ca nhiễm cao kỷ lục mà không có người chết. Chính phủ Trung Quốc nói với dân rằng các chủng Omicron mới lây lan mạnh hiện nay ít nguy hiểm hơn nhiều, nên Trung Quốc sẽ không bị tác động nặng nề tới các doanh nghiệp và hệ thống y tế công cộng như khi Hoa Kỳ và châu Âu nới lỏng kiểm soát virus.
Tuy vậy, các chuyên gia y tế công cộng cảnh báo rằng số người chết ở Trung Quốc sẽ tăng vọt trong những tháng tới khi Covid truyền nhiễm vào khối dân số trước đây ít tiếp xúc với virus và không có năng lực miễn dịch cộng đồng. Số người chết cuối cùng là bao nhiêu thì mỗi chuyên gia dự đoán một con số khác nhau và phụ thuộc vào các biện pháp chính sách mà chính phủ thực hiện.
Trung Quốc cho biết họ sẽ thực hiện một đợt tiêm chủng cho người già, những người có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn so với toàn bộ dân số, với mục tiêu ít nhất 90% những người từ 80 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một mũi vào cuối tháng Giêng 2023. Tuần trước các quan chức y tế Trung Quốc nói 66% số người trong độ tuổi đó đã được tiêm phòng đầy đủ và hơn 40% đã được tiêm nhắc lại, so với tỷ lệ 70% ở nhóm người từ 60 tuổi trở lên.
Nghiên cứu được Đại học Hồng Kông công bố vào tuần trước cho thấy việc mở cửa trở lại ở Trung Quốc sẽ dẫn đến 684 ca tử vong trong một triệu người. Điều đó nghĩa là sẽ có gần một triệu người chết ở đất nước hơn 1.4 tỷ dân. Các tác giả nghiên cứu cho biết một số bước sẽ giúp giảm tỷ lệ đó, bao gồm chiến dịch tiêm liều nhắc lại thứ tư và sử dụng các phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus trên quy mô lớn.
Từ Mỹ, Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe tại Đại học Washington cho biết hôm thứ Sáu rằng họ dự đoán số ca tử vong do Covid ở Trung Quốc sẽ vượt qua 310,000 vào ngày 1 tháng Tư 2023. Hôm Chủ nhật, Trung Quốc báo cáo có 1,918 trường hợp lây nhiễm tại địa phương, so với ước tính của Viện Washington là hơn 640,000 ca nhiễm.
Mỹ: Thiệt hại COVID tại Trung Quốc là mối quan tâm của thế giới
20/12/2022
Nhân viên một lò hỏa táng ở Bắc Kinh chuyển quan tài ra khỏi xe.
Mỹ hy vọng Trung Quốc có thể xử lý đợt bùng phát COVID hiện nay trong lúc thiệt hại do virus gây ra là mối quan tâm toàn cầu do kích cỡ của nền kinh tế Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price tuyên bố ngày 19/12.
Ông Price nói Trung Quốc chế ngự được COVID thì không chỉ tốt cho Trung Quốc mà còn cho cả thế giới.
Vẫn theo lời ông, bất cứ khi nào virus lây lan nó đều có khả năng biến chủng và đề ra mối đe dọa cho khắp nơi.
Sau nhiều tuần lễ, Trung Quốc ngày 19/12 báo cáo các ca tử vong đầu tiên liên quan tới COVID giữa những nghi ngại ngày càng tăng rằng liệu con số chính thức có phản ánh đúng hay không thiệt hại đầy đủ của căn bệnh đang lan tỏa khắp các thành phố sau khi chính quyền nới lỏng các biện pháp kiểm soát gắt gao.
Hai ca tử vong loan báo hôm 19/12 là hai ca đầu tiên mà nhà chức trách Trung Quốc báo cáo kể từ ngày 3/12 trước khi Bắc Kinh thông báo dỡ bỏ các hạn chế vốn đã kiềm chế COVID trong ba năm nhưng khơi ra các cuộc biểu tình lan rộng hồi tháng trước.
Con số tử vong thấp kể từ khi các quy định nghiêm ngặt được nới lỏng hôm 7/12 không tương ứng với kinh nghiệm của các nước khác có cùng động thái.
Theo số loan báo chính thức, tính luôn hai ca tử vong mới báo cáo này, Trung Quốc ghi nhận 5.237 ca tử vong liên quan tới COVID trong đại dịch, nghĩa là chiếm một phần rất nhỏ trong dân số 1,4 tỷ dân của nước này.
Không có nhận xét nào