Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ ba 06 tháng 12 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Tin tặc Trung Quốc bị tố ăn cắp nhiều triệu đô tiền cứu trợ COVID của Mỹ 

    06/12/2022 

    Reuters 

    Hình ảnh tin tặc Trung Quốc bị Hoa Kỳ truy tố vào năm 2014.

    Hình ảnh tin tặc Trung Quốc bị Hoa Kỳ truy tố vào năm 2014. 

    Các tin tặc Trung Quốc ăn cắp hàng chục triệu đô la tiền cứu trợ COVID tại Mỹ kể từ năm 2020, Cơ quan Mật vụ tiết lộ hôm 5/12.

    Cơ quan Mật vụ từ chối cung cấp bất kỳ chi tiết bổ sung nào, nhưng xác nhận một bản tin của NBC News cho biết nhóm tin tặc Trung Quốc chịu trách nhiệm được biết đến trong cộng đồng nghiên cứu an ninh là APT41 hoặc Winnti.

    Theo các chuyên gia, APT41 là một nhóm tội phạm lớn đã tiến hành kết hợp các vụ xâm nhập mạng do chính phủ hậu thuẫn và các vụ vi phạm dữ liệu có động cơ tài chính.

    Một số thành viên của nhóm tin tặc đã bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ truy tố vào năm 2019 và 2020 vì tội do thám hơn 100 công ty, bao gồm các công ty phát triển phần mềm, nhà cung cấp viễn thông, các công ty truyền thông xã hội và các nhà phát triển trò chơi điện tử.

    “Đáng tiếc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chọn một con đường khác để làm cho Trung Quốc an toàn đối với tội phạm mạng miễn là chúng tấn công các máy tính bên ngoài Trung Quốc và ăn cắp tài sản trí tuệ hữu ích cho Trung Quốc”, cựu Thứ trưởng Tư pháp Jeffrey Rosen cho biết vào thời điểm đó.

    Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington chưa hồi đáp yêu cầu bình luận.

    Anh sửa vương miện cho lễ đăng quang của Vua Charles III

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/crown-vuong-mien.png

    Điện Buckingham ngày 3/12 cho biết, vương miện Thánh Edward đã được di dời khỏi Tháp London để sửa chữa, chuẩn bị cho lễ đăng quang của Vua Charles vào tháng 5/2023. Địa điểm hiện tại của vương miện chưa được tiết lộ.

    Vương miện Thánh Edward đã được sử dụng kể từ lễ đăng quang của Vua Charles II vào năm 1661. Vương miện này được chế tác thay thế một phiên bản thời trung cổ có từ thế kỷ XI bị nấu chảy năm 1649.

    Vương miện được chế tạo từ khung bằng vàng nguyên khối đính hồng ngọc, thạch anh tím, ngọc bích, hồng ngọc, đá topaz và đá tourmaline với phần mũ  nhung và viền lông.

    Thông thường, vương miện được trưng bày tại Tháp London và là tâm điểm trong các lễ đăng quang của quốc vương Anh hàng trăm năm qua.

    Theo kế hoạch, Vua Charles III sẽ đăng quang tại một buổi lễ tổ chức long trọng ở Tu viện Westminster vào ngày 6/5/2023. Vua Charles III kế vị ngai vàng sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời hôm 8/9.

    Sau khi Vua Charles lên ngôi, con trai cả của ông, Hoàng tử William, công tước xứ Wales, trở thành người đầu tiên trong danh sách kế vị. Sau Hoàng tử William, vương miện sẽ được truyền lại lần lượt cho ba người con là Hoàng tử George, tiếp theo là Công chúa Charlotte và Hoàng tử Louis.

    Lực lượng Vũ trang Ukraine giương cao quốc kỳ đầu tiên ở tả ngạn vùng Kherson bị Nga chiếm đóng

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/ukrain-flag.jpeg

    Theo radiosvoboda.org, đơn vị đặc biệt “Karlson” đưa tin trên Facebook rằng, các binh sĩ của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã giương cao lá cờ đầu tiên của Ukraine ở tả ngạn vùng Kherson.

    Thông điệp viết: “Lá cờ này được giương cao bởi các chiến binh của “Karlson” – đơn vị sẽ trở thành lực lượng tiên phong cho việc giải phóng tả ngạn vùng Kherson. Chiến dịch đã thành công nhờ sự phối hợp chính xác và kỹ năng tấn công tuyệt vời của các chàng trai. Mọi thứ sẽ lại thuộc về Ukraine!”.

    Trong đoạn video công bố, quốc kỳ Ukraine được cắm trên một cần cẩu tại một cảng sông và từ khắp nơi có thể nhìn thấy lá cờ tung bay phấp phới.

    Các diễn biến đáng chú ý khác về cuộc chiến:

    Theo số liệu do Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine công bố ngày 3/12, Mátxcơva đã mất thêm 510 binh sĩ trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lính Nga thiệt mạng kể từ đầu chiến sự lên 90.600 người. Các lực lượng Kyiv cũng tuyên bố bắn hạ thêm 8 máy bay không người lái và loại bỏ một xe tăng Nga trong ngày.

    Bộ Quốc phòng Anh đánh giá, quân Nga đang tập trung hầu hết sức mạnh để chiếm thị trấn Bakhmut ở Donetsk, miền đông Ukraine. Điện Kremlin chưa lên tiếng bình luận về nhận định này.

    Lầu Năm Góc : Đối đầu Mỹ và Trung Quốc trước thời điểm “then chốt”

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/defense-ministỏ-840x480.png

    Hơn bao giờ hết Washington cần tăng cường sức mạnh quân sự để bảo vệ những giá trị của Hoa Kỳ. Giữa hai cường quốc hạt nhân là Nga và Trung Quốc thì Bắc Kinh là « mối đe dọa lớn hơn cả ». Kết thúc Diễn Đàn Quốc Phòng Quốc Gia Reagan, tại Simi Valley, California, hôm 03/12/2022, bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin tuyên bố như trên.

    Theo hãng tin Mỹ AP, một lần nữa Trung Quốc là trọng tâm bài diễn văn của lãnh đạo Lầu Năm Góc. Tướng Austin nhấn mạnh : Hoa Kỳ đang ở vào thời điểm « then chốt » trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Mỹ cần tăng cường sức mạnh quân sự vào lúc mà Bắc Kinh đang muốn áp đặt những chuẩn mực của Trung Quốc cho thế kỷ 21. Trung Quốc là quốc gia « duy nhất có quyết tâm và khả năng càng lúc càng lớn để thiết lập một trật tự mới trong khu vực và với toàn thế giới » theo những giá trị của nước này. Nhưng Washington « sẽ không để điều đó xảy ra ».

    Đành rằng điểm nóng hiện nay là chiến tranh Ukraina, nhưng Mỹ sẽ không để bị lôi kéo vào cuộc chiến mà ông Vladimir Putin đã tiến hành. Washington ý thức được rằng « những năm sắp tới đây mang tính quyết định trong cuộc đọ sức giữa Hoa Kỳ và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ». Theo bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, an ninh của châu Âu, thế giới sẽ được sống trong tự do và rộng mở hay dưới áp lực của « sức mạnh và nỗi sợ hãi », điều đó « tùy thuộc » vào cuộc đọ sức này. Do vậy, tướng Lloyd Austin cho rằng, Mỹ cần tăng cường ngân sách quân sự để đối mặt với thách thức mà Trung Quốc đang đặt ra. Trong một thế giới không hoàn hảo, « sức mạnh là một khả năng răn đe ».

    AP nhắc lại, báo cáo của Lầu Năm Góc công bố hôm 28/11/2022 thẩm định Trung Quốc nắm giữ khoảng 1.500 đầu đạn hạt nhân từ nay cho đến khoảng năm 2035. Cách nay hai ngày, Washington cho ra mắt công chúng B-21 Raider, máy bay ném bom chiến lược tàng hình thế hệ mới nhất với dụng ý răn đe các đối thủ của Hoa Kỳ, đứng đầu là Nga và Trung Quốc.

    Pháp tăng viện trợ vũ khí cho Ukraina

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/ukraine-solder-840x480.png

    Trả lời đài truyền hình tư nhân của Pháp TF1 trong chương trình được trình chiếu hôm 03/12/2022, tổng thống Emmanuel Macron cho biết Paris và Washington cùng theo đuổi một mục tiêu : đòi Nga đàm phán, chấm dứt chiến tranh Ukraina. Để đạt được mục tiêu này, Pháp cho rằng phương Tây cần đề xuất với Nga một số « bảo đảm » về mặt an ninh.

    Tổng thống Pháp nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần vừa tránh để chiến tranh Ukraina « leo thang » vừa cần hỗ trợ Kiev về mặt quận sự để Ukraina « kháng cự » trong cuộc xung đột đang diễn ra trên lãnh thổ nước này.

    Khi được hỏi về quyết tâm của Pháp hỗ trợ Ukraina, không đi sâu vào chi tiết, tổng thống Macron thông báo trong một vài tuần lễ nữa Pháp viện trợ thêm trang thiết bị quân sự cho Ukraina, tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa các khoản trợ giúp chính quyền Kiev nhưng sẽ « tránh vượt qua các lằn ranh đỏ ». Paris « không bao giờ cung cấp vũ khí để có thể đẩy nước Pháp vào tình thế của một bên tham chiến ».

    Song bên cạnh đó, Emmanuel Macron nói thêm : trong trường hợp tổng thống Nga Vladimir Putin chấp nhận đàm phán để chấm dứt chiến tranh thì phương Tây cũng cần đề xuất một số « bảo đảm cho cơ chế an ninh quốc tế trong tương lai ». Matxcơva luôn lo ngại Liên Minh Bắc Đại Tây Dương tiến đến gần sát biên giới Nga và triển khai vũ khí ngay sát quốc gia này.

    Nhìn từ Washington, một quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ bà Victoria Nuland trong cuộc tiếp xúc với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm 03/12/2022 đánh giá Vladimir Putin « không thành thật » và « chưa sẵn sàng » khi tuyên bố về ý định đàm phán với Kiev. Bằng chứng là Matxcơva chỉ đồng ý ngồi vào bàn thương thuyết với điều kiện Washington « công nhận tuyên bố về chủ quyền của nước Nga tại bốn vùng đất trên lãnh thổ Ukraina vừa sáp nhập vào Liên Bang Nga ».

    Ấn Độ đề cao cảnh giác hoạt động của tầu quân sự và khảo cứu Trung Quốc

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/chien-ham-trung-quoc-840x480.png

    Ngày 03/12/2022, tư lệnh Hải Quân Ấn Độ, đô đốc R. Hari Kumar, cho biết Trung Quốc điều rất nhiều chiến hạm và tầu khảo cứu đến vùng Ấn Độ Dương từ năm 2008. Chính quyền New Delhi phải « theo dõi sát sao hoạt động của những tầu này vì lo ngại ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương ».

    Phát biểu tại buổi họp báo trước ngày thành lập Hải Quân Ấn Độ, đô đốc Kumar cho biết hải quân Trung Quốc viện cớ « chống hải tặc » để thường xuyên điều rất nhiều tầu xâm nhập Ấn Độ Dương từ năm 2008. New Delhi buộc phải nâng cao cảnh giác để những hoạt động đó không gây tổn hại lợi ích của Ấn Độ, nhất là trong bối cảnh « hải quân Trung Quốc có lập trường quyết đoán ở Biển Đông và đang thách thức sự thống trị của Ấn Độ trong khu vực », theo đô đốc Kumar.

    Bắc Kinh luôn khẳng định tầu ngầm Trung Quốc chỉ được điều đến khu vực trong khuôn khổ các chiến dịch chống hải tặc. Tuy nhiên, đối với New Delhi, đây là một mối đe dọa rõ ràng ở Ấn Độ Dương, cho nên Hải quân Ấn Độ « phải đánh giá thường xuyên mối đe dọa từ tầu ngầm » Trung Quốc.

    Tháng 07/2022, Hải quân Ấn Độ được bàn giao tầu sân bay INS Vikran. Đây là tầu sân bay đầu tiên được sản xuất ở trong nước theo thiết kế của bộ Quốc Phòng Ấn Độ. « Một sự kiện mang tính bước ngoặt » được đô đốc Kumar đánh giá sẽ giúp « Hải quân Ấn Độ tự chủ từ nay đến năm 2047 ».

    Trang The Telegraphe của Ấn Độ nhắc lại là quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh vẫn căng thẳng do xung đột ở Ladakh, thuộc bang Jammu và Kashmir, từ tháng 05/2020. Trung Quốc bị cáo buộc chiếm gần 1.000 km2 lãnh thổ mà Ấn Độ đòi chủ quyền.

    Kim Jong-un xử tử công khai 3 học sinh vì xem chương trình Làn sóng Hàn Quốc

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/Kim-young-un.jpeg

    Đài Á châu Tự do ngày 3/12 đưa tin, ba học sinh cấp hai ở thành phố Huệ Giang, tỉnh Ryanggang, Triều Tiên đã bị hành quyết công khai vào tháng 10 vì tội xem và phát tán các chương trình Làn sóng Hàn Quốc.

    Các quan chức Mỹ cho biết, địa điểm hành quyết các em học sinh là tại sân bay của Bộ Tư lệnh Liên hợp Quân đội Nhân dân Triều Tiên số 82, một đám đông đã được triệu tập trước khi vụ hành quyết xảy ra. Ba em học sinh được xử với tội danh phát tán các chương trình Làn sóng Hàn Quốc, một trong những hành động chống lại chủ nghĩa xã hội.

    Các quan chức Mỹ chỉ ra rằng, “buổi trình diễn tàn bạo” này là một trong những chiến thuật khủng bố quần chúng thông thường của ông Kim Jong-un.

    Số liệu của Intermedia, một nhóm nghiên cứu sự phát triển toàn cầu cho biết có khoảng một nửa những người chạy trốn từ Triều Tiên được phỏng vấn năm 2010 nói rằng họ Triều Tiêni khi còn ở trong nước, và khoảng 25% từng dò sóng xem các kênh truyền thông nước ngoài trên tivi hoặc đài.

    Mặc dù là một quốc gia có chế độ kiểm duyệt vào hàng khắt khe nhất nhì thế giới, nhưng người dân Triều Tiên vẫn có thể dễ dàng mua một chiếc đài dò sóng hay một đầu đĩa DVD Trung Quốc rẻ tiền. Máy nghe nhạc Mp3 rất phổ biến với giới trẻ tại đây, và họ hay trao đổi các bài hát K-Pop của Hàn Quốc với nhau tại trường học.

    Bất ổn ở Trịnh Châu khiến Apple chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/apple-iphone14.jpeg

    Tờ ‘Wall Street Journal’ hôm 4 tháng 12 đưa tin, gã khổng lồ công nghệ Apple, đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc sau khi xảy ra bất ổn ở Trịnh Châu.

    Tin cho biết, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp lên kế hoạch lắp ráp các sản phẩm của Apple ở những nơi khác châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Việt Nam, đồng thời tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nhà lắp ráp Foxconn của Đài Loan.

    Trịnh Châu, được mệnh danh là ‘Thành phố iPhone’. Nơi đây từng có tới 300.000 công nhân làm việc tại nhà máy Foxconn, nơi lắp ráp iPhone và các sản phẩm khác của Apple. Nhà máy sản xuất các thiết bị của Apple bao gồm iPhone 14 Pro và Pro Max, chiếm 70% lượng iPhone xuất xưởng trên toàn cầu.

    Vào cuối tháng 11, nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu đã bị chấn động bởi các cuộc biểu tình. Trong các video được đăng trực tuyến, người ta có thể thấy các công nhân bức xúc về tiền lương và các hạn chế của COVID-19 của chính phủ, họ ném đồ vật và hét lên “Hãy đứng lên bảo vệ quyền lợi của bạn!” Cảnh sát chống bạo động sau đó đã có mặt dập tắt biểu tình. Các báo cáo sau đó cho biết nhiều công nhân đã bỏ trốn khỏi nhà máy vì không chịu đựng được các hạn chế nghiêm ngặt, thiếu thực phẩm.

    Các nhà phân tích và những người liên quan đến chuỗi cung ứng của Apple chỉ ra rằng nhiều tình huống xảy ra trong năm qua đã làm suy yếu vị thế trung tâm sản xuất ổn định của Trung Quốc. Và giờ đây Apple buộc phải suy nghĩ lại chiến lược của họ để tránh bị phụ thuộc.

    EU chưa hết đau đầu với Hungary

    Suốt mười năm qua EU luôn đau đầu với chính phủ ngày càng chuyên quyền, tham nhũng, và bất tuân luật lệ của Viktor Orban ở Hungary. Giờ là cơ hội cho họ làm điều gì đó. Tuần trước Ủy ban châu Âu đã khuyến nghị rằng khoản viện trợ trị giá 13,3 tỷ euro (14 tỷ USD) cho Hungary sẽ chỉ được tiếp tục nếu nước này tiến hành cải cách. Vào thứ ba, hội đồng các bộ trưởng tài chính của các nước EU, được gọi là Ecofin, sẽ bỏ phiếu về quyết định này.

    Các bộ trưởng dự kiến cho phép tiếp tục khoản tài trợ 5,8 tỷ euro từ quỹ phục hồi covid của EU, với điều kiện Hungary phải thực hiện 27 cải cách chống tham nhũng. Nhưng thủ tướng Hungary có thể có đủ đồng minh để ngăn Ecofin đóng băng khoản tiền 7,5 tỷ euro trong ngân sách thường xuyên của EU được dành cho nước ông. Ngoài ra ông cũng chống trả bằng cách ngăn chặn một gói viện trợ chung cho Ukraine và một đề xuất thuế tối thiểu lên các công ty đa quốc gia. Vì vậy, bất chấp nhiều năm đe doạ, EU cuối cùng sẽ không thể làm được gì Hungary.

    Mỹ mở đấu giá các lô điện gió ngoài khơi

    Vào thứ Ba, chính quyền Biden sẽ tổ chức phiên đấu giá cho thuê đầu tiên để phát triển điện gió ngoài khơi bờ biển phía tây nước Mỹ. Năm lô này, nằm dọc theo đường bờ biển California, có thể giúp đưa nước Mỹ tiến gần hơn đến mục tiêu 30 gigawatt điện gió ngoài khơi của Joe Biden vào năm 2030. Vì các địa điểm này nằm ở vùng nước sâu, chúng cũng sẽ là nơi đặt các tua-bin nổi đầu tiên của Mỹ.

    Song nhà đầu tư tiếp tục gặp khó khăn. Đạo luật Giảm Lạm phát, bộ luật khí hậu tham vọng nhất trong lịch sử nước Mỹ, có các điều khoản giảm thuế cho các công nghệ năng lượng sạch. Nhưng quy trình cấp phép phức tạp và rất dễ dẫn đến kiện tụng khiến các cơ quan chính phủ có thể mất tới 5 năm để phê duyệt một trang trại năng lượng mặt trời. Các dự án điện gió và đường dây tải điện lại thường mất nhiều thời gian hơn. Cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa đều đồng ý rằng quy trình phê duyệt quá chậm chạp, nhưng các nhà lập pháp đã bác bỏ dự luật cải cách do thượng nghị sĩ Joe Manchin của bang Tây Virginia đưa ra. Nếu Quốc hội không chung tay hành động, ước mơ xanh của Mỹ sẽ khó đi xa.

    Vòng hai cuộc đua Thượng viện ở bang Georgia

    Không như phần lớn nước Mỹ, ngày mai các cử tri bang Georgia sẽ đi bỏ phiếu vòng hai sau khi cả hai ứng viên Thượng viện của họ đều không giành được đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử tháng 11. Còn nhớ hồi tháng 1 năm 2021, cả nước Mỹ đã nín thở theo dõi cuộc đua của Georgia vì nó quyết định quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ.

    Năm nay, cuộc đua của Georgia sẽ một lần nữa khép lại cuộc chiến tại Thượng viện. Nhưng lần này có ít áp lực hơn vì đảng Dân chủ đã kiểm soát được Thượng viện. Dù thế họ vẫn sẽ rất vui nếu có thêm một ghế nữa. Hai ứng viên là Raphael Warnock, người đương nhiệm của đảng Dân chủ và là người dẫn trước trong vòng đầu với cách biệt một điểm phần trăm, và Herschel Walker, ứng viên Cộng hòa thường hay bị hớ hênh trong phát ngôn.

    Các đảng viên Cộng hòa khác ra tranh cử ở Georgia, chẳng hạn như thống đốc Brian Kemp, đều giành chiến thắng dễ dàng vào tháng trước. Nhưng ông Walker, một cựu ngôi sao bóng bầu dục, người đã không vượt qua được những bê bối cá nhân của mình, có thể thất bại khi đảng Cộng hòa đã không còn hy vọng chiếm lại Thượng viện. Thăm dò đang cho thấy ông Warnock dẫn trước.

    Ấn Độ tranh cãi về đạo luật quyền công dân

    Ba năm trước, quốc hội Ấn Độ đã thông qua Đạo luật Sửa đổi Quyền Công dân (CAA), theo đó giúp những người di cư đến từ các nước láng giềng và theo một số tôn giáo nhất định có thể nhập tịch Ấn Độ dễ dàng hơn. Việc người Hồi giáo không có trong danh sách này đã gây ra biểu tình chết người suốt nhiều tháng. Khi ấy biểu tình đã phải dừng lại vì lệnh phong tỏa trong đại dịch, nhưng đã thành công trong việc ngăn Đảng Bharatiya Janata theo chủ nghĩa dân tộc Hindu thực thi luật.

    Nhưng giờ đây luật này lại trở thành tâm điểm tranh cãi. Hồi đầu năm, bộ trưởng nội vụ Amit Shah đã nhấn mạnh “CAA đang và sẽ trở thành hiện thực.” Cho tới nay tòa tối cao của Ấn Độ vẫn chưa làm gì. Sau nhiều tháng trì hoãn, vào thứ Ba họ sẽ bắt đầu xét xử hơn 200 đơn kiện thách thức CAA, nhiều trong số đó cho rằng CAA vi phạm hiến pháp phi tôn giáo của đất nước. Người Hồi giáo ở Ấn Độ, những người cho rằng luật này sẽ mở đường cho các bước đe doạ đến quyền công dân của chính họ, sẽ không ngồi chờ tòa án. Những năm gần đây các thẩm phán thường có xu hướng ngả theo chính phủ Ấn Độ.

    Giá trần đối với dầu thô của Nga: Những điều cần biết 

    06/12/2022 

    Reuters 

    Một tàu dầu khổng lồ của Nga neo đậu tại bến tàu Neka cách Tehran 300 km về phía đông bắc.

    Một tàu dầu khổng lồ của Nga neo đậu tại bến tàu Neka cách Tehran 300 km về phía đông bắc. 

    Khối Bảy quốc gia G7, Úc, và 27 nước thuộc Liên hiệp Châu Âu ngày 5/12 áp đặt giá trần đối với dầu thô của Nga được vận chuyển bằng tàu, nhằm giảm khả năng tài trợ của Moscow cho cuộc chiến ở Ukraine và bảo toàn ổn định trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

    Giới hạn giá được áp đặt thêm vào lệnh cấm vận của EU đối với việc mua dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga như một biện pháp chủ yếu nhằm cung cấp cho các nước thứ ba một sự chọn lựa để vẫn mua được, nếu giao dịch bằng hoặc thấp hơn mức giá trần.

    Dưới đây là các yếu tố chính về cách hoạt động của giới hạn giá:

    Giá trần

    Giá trần được đặt ra ở mức 60 đô la một thùng.

    Điều chỉnh giá trần

    Mức này sẽ được xem xét hai tháng một lần, bắt đầu từ giữa tháng 1, để đảm bảo rằng thấp hơn ít nhất 5% so với giá trung bình do Cơ quan Năng lượng Quốc tế quyết định đối với dầu thô của Nga. Mỗi sự thay đổi về giá trần này sẽ được tất cả 27 quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu và sau đó là G7 nhất trí.

    Sau mỗi lần thay đổi, sẽ có thời gian ân huệ 90 ngày để đảm bảo không có con tàu nào bị bắt trên biển với lô hàng có giá không còn hợp lệ.

    Điều gì bị cấm?

    Các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm của G7 và Liên hiệp Châu Âu cung cấp dịch vụ cho các tàu chở dầu thô của Nga, cũng như các định chế tài trợ cho các giao dịch dầu thô của Nga, sẽ không được phép xử lý những lô hàng đó trừ khi dầu được mua ở mức giá trần hoặc thấp hơn.

    Các công ty vận chuyển sẽ không được phép cung cấp tàu chở dầu để vận chuyển dầu thô của Nga trừ khi dầu được bán ở mức giá trần 60 đô la hoặc thấp hơn.

    Những gì được phép

    Cung cấp dịch vụ tài chính và vận chuyển dầu thô của Nga được cho phép nếu giá mua bằng hoặc thấp hơn giá trần cũng như trong trường hợp khẩn cấp. Các dự án cụ thể cần thiết cho an ninh năng lượng của một số quốc gia bên thứ ba nhất định có thể được miễn giá trần.

    Có hiệu lực

    Giá trần có hiệu lực vào ngày 5/12, nhưng có một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 45 ngày cho phép các tàu đã chất hàng trước ngày đó chở hàng và dỡ hàng trước ngày 19/1 mà không phải chịu bất kỳ hậu quả nào.

    Phạt 

    Nếu một tàu mang cờ quốc gia thứ ba cố ý chở dầu của Nga vượt quá giá trần, các công ty vận hành EU sẽ bị cấm bảo hiểm, cấm tài trợ và cấm bảo dưỡng tàu này trong 90 ngày sau khi hàng hóa đã được dỡ xuống.

    Các tàu treo cờ EU sẽ phải chịu hình phạt theo luật pháp quốc gia, nhưng EU đã đưa ra mức phạt 5% doanh thu toàn cầu đối với các công ty vi phạm lệnh trừng phạt của EU.


    Không có nhận xét nào