Header Ads

  • Breaking News

    Thế lưỡng nan của Việt Nam khi muốn đa dạng kho vũ khí ngoài 'nước bạn' Nga



    Nguồn hình ảnh, Getty Images/Chụp lại hình ảnh,

    Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 đã khai mạc vào hôm nay 08/12

    Việt Nam đang có xu hướng giảm mua đáng kể vũ khí từ Nga và tìm nguồn cung thay thế, đặc biệt ở các nước có thể có loại vũ khí và phụ tùng tương thích với Moscow.

    Dựa theo số liệu từ Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI), từ năm 1995 đến 2021, Việt Nam nhập khẩu tổng cộng 9,07 tỷ USD vũ khí, trong đó Nga chiếm 7,4 tỷ USD (81,6%).

    Tuy nhiên xu hướng này đang giảm một cách đáng kể khi Việt Nam đang thực thi chiến lược đa dạng hóa.

    'Xu hướng giảm'

    Thời điểm Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất vũ khí từ Nga là 1 tỷ USD (2014), nhưng sau đó giảm đáng kể, chỉ còn 9 triệu USD (2020) một phần ảnh hưởng từ Covid và 72 triệu USD (2021), theo SIPRI.

    Theo sau cuộc chiến tranh tại Ukraine, Việt Nam dường như đang tăng tốc đa dạng hóa kho vũ khí của mình ngoài Nga, thông qua mua vũ khí từ Mỹ, Israel, Hà Lan và Hàn Quốc.

    Reuters ngày 06/12, dẫn nhận định từ các chuyên gia cho thấy Ấn Độ, Israel và các quốc gia Đông Âu đang được xem là các nhà cung cấp thay thế Nga đối với Việt Nam trong những năm gần đây.

    Trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Hunter Marston, Nghiên cứu sinh tiến sĩ từ Đại học Quốc gia Australia cho rằng Việt Nam đã bắt đầu chiến lược đa dạng hóa kho vũ khí của mình cách đây vài năm và tính tương thích trong vũ khí sẽ là một vấn đề lớn.

    "Số tiền Việt Nam nhập khẩu vũ khí từ Nga đã sụt giảm từ hơn 1 tỷ USD vào năm 2014 xuống chỉ còn 72 triệu USD vào năm 2021. Không rõ là sự chuyển biến này bền vững như thế nào hay Việt Nam muốn thay thế nguồn vũ khí từ Nga đến mức độ nào. Nhưng tính tương thích của vũ khí là một vấn đề lớn."

    "Ví dụ, các hệ thống của Mỹ không được thiết kế để vận hành chung với các hệ thống của Nga hoặc Trung Quốc. Vì thế, các thiết bị của Hàn Quốc và Ấn Độ rất quan trọng cho sự chuyển đổi này nhưng sẽ phải thực hiện theo một cách khác, không rõ là Hà Nội có sẵn sàng để Mỹ bước vào với một tư cách quan trọng hay là không."


    Nguồn hình ảnh, Reuters/Chụp lại hình ảnh,

    Thời điểm Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất vũ khí từ Nga là 1 tỷ USD (2014), nhưng sau đó giảm đáng kể, chỉ còn 9 triệu USD (2020) một phần ảnh hưởng từ Covid và 72 triệu USD (2021), theo SIPRI

    Tiến sĩ Ian Storey, từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) có trụ sở tại Singapore, hôm 08/12 nói với BBC News Tiếng Việt.

    "Cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine sẽ mang đến động lực để Việt Nam đa dạng hóa việc nhập khẩu vũ khí ngoài nước Nga. Việt Nam sẽ ngày càng hướng về các công ty sản xuất vũ khí của châu Âu và Hàn Quốc."

    "Tuy nhiên, với số lượng lớn vũ khí quân sự được sản xuất tại Nga, Việt Nam sẽ phụ thuộc vào Nga về đạn dược, nâng cấp vũ và các phần phụ tùng trong nhiều năm tiếp theo."

    'Thế lưỡng nan'

    Reuters dẫn lời của Nghiên cứu sinh tiến sĩ Nguyễn Thế Phương từ Đại học New South Wales (Úc) cho thấy đã có các cuộc thảo luận nội bộ tại Việt Nam về việc liệu quốc gia này có nên bán vũ khí cho Nga hay là không, mặc dù không thấy sẽ có một quyết định như vậy.

    Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản hồi trước yêu cầu bình luận từ Reuters.

    Nghiên cứu sinh Hunter Marston nhận định khả năng tương thích của vũ khí Việt Nam với Nga:

    "Khoảng 80% kho vũ khí của Việt Nam là nhập khẩu từ Nga vì vậy các thiết bị do Việt Nam sản xuất có thể sẽ phần lớn tương thích với [phía Nga]."

    Theo Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI) vào ngày 05/12 thì trong 100 công ty hàng đầu về buôn bán vũ khí trên thế giới thì có sáu công ty của Nga, với tổng doanh thu là 17,8 tỷ USD, tăng chỉ 0.4% so với năm 2020.

    "Hiện có dấu hiệu trì trệ lan rộng trên khắp ngành công nghiệp vũ khí của Nga", bao cáo của SIPRI đề cập.

    Theo SIPRI thì các công ty Nga đang gia tăng tốc độ sản xuất vì cuộc chiến tranh Ukraine, nhưng lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn chip bán dẫn, đồng thời chịu tác động từ các lệnh trừng phạt của Phương Tây như không thể nhận được phần thanh toán.


    Nguồn hình ảnh, Reuters/Chụp lại hình ảnh,

    Hồi đầu tháng này, vũ khí Việt Nam được báo chí trong nước đề cập "Các loại vũ khí bộ binh của Việt Nam hoàn toàn có thể chen vai thích cánh với các "ông lớn" trên thị trường thế giới."

    Tiến sĩ Ian Storey nói về thế lưỡng nan của Việt Nam đối với Nga, quốc gia mà Việt Nam luôn tuyên bố có "tình hữu nghị thủy chung, sâu sắc".

    "Việt Nam đang đối mặt với thế lưỡng nan. Nga là người bạn lâu năm. Nhưng bởi vì Việt Nam lo lắng về việc Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông nên Việt Nam đang theo đuổi các mối quan hệ gần hơn với Mỹ."

    "Nếu Việt Nam bán thiết bị quân sự cho Nga thì gặp rủi ro trở thành mục tiêu đối với các lệnh trừng phạt. Hà Nội có thể giữ lập trường trung lập và không thể bán vũ khí cho Nga hoặc Ukraine."

    Khách hàng nào cho vũ khí 'Made in Vietnam'?

    Hôm nay, Việt Nam đã khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022, "quảng bá, tuyên truyền năng lực, tiềm lực công nghệ, vũ khí trang bị do công nghiệp quốc phòng Việt Nam sản xuất đến bạn bè quốc tế, nhân dân trong nước", theo truyền thông Việt Nam.

    Triển lãm có sự tham gia của các tập đoàn sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ như Lockheed Martin hay Nexter của Pháp, Nga có Rosoboronexport.

    Hồi đầu tháng này, vũ khí Việt Nam được báo chí trong nước"Các loại vũ khí bộ binh của Việt Nam hoàn toàn có thể chen vai thích cánh với các "ông lớn" trên thị trường thế giới."

    "Ngoài ra, vì một số vũ khí trang bị do Việt Nam sản xuất nhưng chưa được nội địa hóa 100% hoặc còn phụ thuộc vào bên thứ 3 (tức bên chuyển giao công nghệ) nên muốn xuất khẩu ta sẽ phải được sự đồng ý của những đối tác này."

    Tiến sĩ Ian Storey cho rằng "Ngành kinh doanh vũ khí toàn cầu cực kỳ mang tính cạnh tranh và sẽ khó khăn cho một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể tạo được sự tác động đáng chú ý."

    Nghiên cứu sinh Hunter Marston nhận định khách hàng mua vũ khí của Việt Nam do sản xuất có thể là Lào và Campuchia.

    "Xét về sự tập trung súng trường, súng máy và súng lục, thì Việt Nam có thể bán một số loại vũ khí này cho Lào và Campuchina, nhưng tôi không thấy có nhu cầu này nhiều xa hơn thế. Các loại drone của Việt Nam sẽ có thể được tìm kiếm trước sự nở rộ drone trong các hoạt động tác chiến những năm gần đây, như cuộc chiến Ukraine đã cho thấy."

    "Xét về sự phụ thuộc vũ khí vào Nga, tôi nghĩ Việt Nam đang tiếp tục kiên trì trong việc đa dạng hóa nguồn vũ khí nhập khẩu của mình. Dĩ nhiên nếu có sự thay đổi chính trị liên quan đến kết quả cuộc chiến tranh Ukraine và khi các lệnh trừng phạt của Phương Tây kết thúc. Có thể Việt Nam trở lại với nguồn cung vũ khí từ Nga, nhưng kịch bản này khó mà xảy ra."


    Nguồn hình ảnh, Getty Images/Chụp lại hình ảnh,

    Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 có sự tham gia của các tập đoàn sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ như Lockheed Martin hay Nexter của Pháp, Nga có Rosoboronexport.

    Phân tích của Reuters ngày 06/12 dẫn lời nhà nghiên cứu cấp cao từ SIPRI, Siemon Wezeman cho biết năng lực sản xuất vũ khí quân sự của Việt Nam rất hạn chế, và chỉ một số ích các drone trinh thám được giao hàng trong một thập kỷ vừa qua, mặc dù phía Việt Nam đã tăng cường năng lực lắp ráp radar, tên lửa và tàu do phía đối tác nước ngoài thiết kế.

    Các công ty mua loại vũ khí nhỏ từ Việt Nam có thể là Lào và những nước châu Phi, vì Việt Nam có thể đưa ra giá cả mang tính cạnh tranh, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp từ ISEAS-Yusof Ishak Institute nói với Reuters.

    Còn Nghiên cứu sinh Thế Phương nhận định các quốc gia Mỹ Latin và những nước Đông Nam Á có thể là khách hàng tiềm năng.

    Không có nhận xét nào