Một số rất đông nông dân làm thuê ở các khu đô thị, và hễ có biến động, họ lại bỏ chạy về quê.
Các cuộc biểu tình “giấy trắng” ở Hoa lục biến mất, phần bị đàn áp, phần không còn lý do để biểu tình nữa vì chính quyền (Đảng Cộng sản Trung Quốc) đã xả xú báp, gần nhưng bỏ hoàn toàn các biện pháp gắt gao của cái gọi là chính sách zero Covid.
Các cuộc biểu tình bùng lên sau vụ hỏa hoạn ở Urumqi (Tân Cương) làm 10 người thiệt mạng, mà dân chúng cho là nạn nhân không chạy được ra khỏi các tòa nhà đóng cửa để chống Covid, cũng như lính cứu hỏa không tiếp cận nhanh được tới đám cháy.
Các cuộc biểu tình chống phong tỏa, chống zero Covid, dẫn đến cả những đòi hỏi chính trị là đòi Đảng Cộng sản Trung Quốc thoái vị, đòi chủ tịch Tập Cận Bình từ chức.
Dư luận khắp thế giới sửng sốt vì sự táo bạo chính trị đó của người biểu tình, làm tốn nhiều bút mực các nhà phân tích khắp thế giới. Một số đi sâu hơn, cho rằng các cuộc biểu tình “giấy trắng” là quả bom nổ chậm âm ỉ đã lâu trong xã hội Trung Quốc, nay bị kích động bởi sự ngặt nghèo của chính sách zero Covid.
Phân tích này theo tôi là hữu lý, tuy nhiên sự âm ỉ này có tầm mức như thế nào để thách thức quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc là một điều tôi nghi ngờ. Theo tôi thì trong ngắn hạn, thậm chí trung hạn sẽ vẫn không có gì đổi thay, không có cách mạng. Cách mạng “giấy trắng” sẽ vẫn hoàn toàn trắng.
Khoảng 15 năm sau vụ đàn áp đẫm máu Thiên An Môn (1989) tôi có dịp đi khá nhiều nơi ở Trung Quốc, đặc biệt là một chuyến đi dài ngày ngược sông Hoàng Hà, cho đến Tây An.
Đối nghịch với các tủ kính hào nhoáng ở Vương Phủ Tĩnh, Triều Dương, ở thủ đô Bắc Kinh, là đồng không mông quạnh ảm đạm của châu thổ Hoàng Hà, cái nôi của văn minh Trung Hoa. Những dòng sông cạn nước, những ngôi nhà bằng đất nghèo xơ xác,… vắng tanh. Những người nông dân Trung Quốc đi đâu cả?
Họ về Bắc Kinh, Thẩm Quyến, Thượng Hải,… làm thuê trong các nhà máy, hoặc buôn gánh bán bưng trên đường phố, bồi bàn trong các tiệm ăn sầm uất,… Và cứ mỗi lần tết nguyên đán, lại nghe thấy tin kẹt xe, tàu lửa bị trễ,… vì hàng triệu người về quê.
Cảnh này không khác bao nhiêu những đoàn xe Honda mỗi độ xuân về lũ lượt kéo nhau từ Sài Gòn về Tây Nam bộ.
Hai quốc gia có cùng cấu trúc xã hội đang chuyển đổi, chỉ khác là Bắc Kinh sớm hơn Hà Nội, và trên một qui mô to lớn hơn nhiều lần.
Bẳng đi gần 20 năm, cứ tưởng rằng Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn phát triển công nghiệp mới, với một tầng lớp công nhân ổn định ở đô thị. Các tường thuật tại chỗ từ Trịnh Châu (nơi có cuộc biểu tình bạo động của công nhân nhà máy sản xuất iphone), hay các khu công nhân ở Thẩm Quyến, cho thấy rằng hãy còn một số rất đông nông dân làm thuê ở các khu đô thị, và hễ có biến động, họ lại bỏ chạy về quê.
Và chính những người này là một tấm đệm an toàn, hấp thụ những xung động xã hội nếu có dưới quyền lực của đảng cộng sản.
Tại Việt Nam, bức tranh này càng rõ rệt hơn, như ta đã thấy hơn một triệu công nhân bỏ chạy về quê sau khi các biện pháp cách ly Covid của Hà Nội bị thất bại.
Những nông dân này không đòi hỏi gì nhiều cho cuộc sống vật chất của họ, càng ít hơn cho cuộc sống tinh thần. Những chuyện như là quyền bỏ phiếu, quyền tự do ngôn luận,… đối với họ vẫn hãy còn xa xỉ.
Người ta có thể nói rằng các cuộc biểu tình vừa qua là một thất bại của sự cai trị hà khắc của ông Tập Cận Bình, nhưng nếu từ đó để đưa đến việc làm lung lay quyền lực của ông ta thì hãy còn xa. Sau đại hội 20 vừa qua, ông Tập đã củng cố quyền lực bằng cách đưa nhóm Triết Giang thân tín nắm hết mọi guồng máy cai trị ở thượng tầng.
Thế còn ở hạ tầng thì sao?
Xã hội Trung Quốc truyền thống, cũng như Việt Nam, vốn bị cai trị bởi các lãnh chúa địa phương. Các lãnh chúa này rất ít khi thách thức quyền lực của nhà vua, của “trung ương”, của… “ở trên”.
Còn sức chịu đựng của nông dân Trung Quốc, hay Việt Nam sẽ vẫn kéo dài mặc cho “ở trên” có mưa móc quyền tự do ngôn luận hay đầu phiếu hay không. Họ vẫn chờ cơ hội bỏ làng lên phố, hay tìm cách trốn chui trốn nhủi qua trời Tây, mà có khi đưa đến những cái chết thê thảm như 39 “thùng nhân” Việt Nam ở Anh.
Chính sức chịu đựng này đã làm người ta bất ngờ. Người ta không ngờ rằng ở thế kỷ 21 mà người ta có thể hàn kín các cửa sắt để phong tỏa sự đi lại, một hành động thách thức suy nghĩ bình thường của bất kỳ người bình thường nào, thách thức bất cứ suy nghĩ duy lý giản đơn nhất về sự an toàn. Mà đó cũng là bất ngờ đến từ một chế độ toàn trị. Từ sự bất ngờ đó dẫn đến sự bất ngờ khi ta thấy nổ ra các cuộc biểu tình sau Urumqi.
Phải công nhận một điều là đã có những cố gắng để cải cách nông thôn của hai đảng cộng sản, Trung Quốc và Việt Nam, như là cho phép dân chúng bầu lên người của mình, nhưng “sự cố” Ô Khảm (Quảng Châu) thách thức quyền lực “trung ương” làm cho Bắc Kinh chùn bước, mặc dù các đại diện được dân bầu ở đó vẫn là đảng viên cộng sản. Không rõ có phải sự kiện Ô Khảm đã làm các nhà lãnh đạo Hà Nội bỏ dở luôn dự án “dân chủ hóa cơ sở” của họ hay không, nhưng một “sự cố” tương tự là Đồng Tâm, chắc chắn làm cho Hà Nội giữ chặc móng tay của mình trên tầng lớp nông dân.
Nghĩ cho cùng thì Mao đã đúng khi chủ trương “lấy nông thôn bao vây thành thị”. Các cuộc chiến “cách mạng” tại Hoa Lục và Việt Nam đều thành công dựa trên công thức này. Và hiện nay, nông thôn vẫn là nơi cứu rỗi cuối cùng của hai đảng cộng sản.
Thế còn cư dân đô thị thì sao? Chưa bao giờ đảng cộng sản Trung Quốc cũng như Việt Nam chinh phục được hoàn toàn trái tim của tầng lớp mà họ gọi là “tiểu tư sản” ở đô thị, nhưng mặc khác, tầng lớp này cũng chưa bao giờ là một lực lượng đối trọng được với các đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam. Cuộc cải cách kinh tế làm xuất hiện một lớp trung lưu mới, nhưng lớp này gắn chặt quyền lợi của họ với đảng cầm quyền. Lớp còn lại hài lòng với vị trí của họ (so với nông dân), hoặc nếu có ao ước gì cao xa thì sẽ đi tìm kiếm ở… phương Tây.
Sẽ có ý kiến phản biện cho rằng đã từng có những phong trào đối kháng lại chế độ cộng sản cả ở Hà Nội lẫn Bắc Kinh. Điều đó đúng nhưng hãy nhìn kỹ lại các phong trào đó. Những nhà cách mạng triệt để nhất có lẽ là thế hệ Thiên An Môn. Nhưng một lần nữa thế hệ Thiên An Môn đã thất bại trước chiến thuật lấy nông thôn bao vây thành thị của Mao. Các sư đoàn giải phóng quân từ tỉnh xa kéo về đàn áp, các nông dân cầm súng bắn chết các sinh viên cầm bút.
Cái bóng ma Thiên An Môn không chỉ ám ảnh Trung Nam Hải mà ám ảnh cả thế hệ cư dân đô thị sau Thiên An Môn. Các đám đông biểu tình bên bờ sông Lương Mã ở thủ đô Bắc Kinh chứng tỏ nỗi ám ảnh đó. Họ rụt rè phản kháng trong vài giờ đồng hồ trong một đêm sau vụ Urumqi, rồi giải tán.
Các phong trào dân chủ Trung Quốc lẫn Việt Nam cũng chưa bao giờ có tổ chức, lãnh đạo mạnh mẽ. Các nhân vật như là Lưu Hiểu Ba, Ái Vị Vị, Phạm Đoan Trang,… không phải là những nhà tổ chức, những nhà chính trị mà chỉ là những người có tư tưởng phản kháng. Bên cạnh đó sự ghê gớm của chế độ toàn trị còn ở chỗ họ có thể thao túng cả tầng lớp phản kháng, với những nhân vật có hành tung mờ ám, nhưng chắc chắn gắn rất chặt với chế độ như Quách Văn Quý (đang sống ở Mỹ), Trương Duy Nhất (đang ở tù ở Việt Nam).
Nếu tôi nhớ không lầm thì biểu tình với tấm giấy trắng xuất phát từ nước Nga, một quốc gia có truyền thống toàn trị xa xưa khá gần với Trung Quốc, Việt Nam.
Các tấm giấy trắng chưa lan xuống đường phố Việt Nam, nhưng nó đã có mặt trên không gian mạng tiếng Việt, để tỏ cảm tình với sự phản kháng của dân chúng đô thị Hoa Lục.
Và nó có thể chỉ dừng lại trên không gian mạng Việt Nam, một cách lãng mạn, nhưng hãy còn rất xa để đi đến một điểm tới hạn của xã hội, một khi mà đồng bào nông thôn của họ vẫn chưa còn cần đến giấy trắng.
Nguồn: viet-studies
Không có nhận xét nào