Ý niệm Nhân Quyền: Một thuật ngữ sinh ra để tồn tại
CHƯƠNG I
Nhân quyền là những quyền mà đã là con người ai cũng có. Nhân quyền cần thiết để con người có một cuộc sống đúng với nhân cách và nhân phẩm. Nhân quyền có một lịch sử lâu dài nhưng mãi đến thế kỷ 18 mới được phổ biến rộng rãi nhờ hai cuộc cách mạng nổ ra tại Hoa Kỳ và Pháp.
Trong một thời gian khá lâu, nhân quyền chỉ được đóng khung trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia, trước khi được công nhận trên phạm vi toàn cầu nhờ một đạo luật quốc tế ban hành vào năm 1945, sau khi Thế Chiến II kết thúc. Văn bản luật pháp quốc tế đó là Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (LHQ)
Vào năm 1948 bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1) ra đời, với sự chấp thuận của tất cả các thành viên LHQ. Ít lâu sau, Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị cùng với Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Kinh Tế, Xã Hội Và Văn Hóa cũng được tất cả các thành viên LHQ ký kết. Đây là bộ luật quốc tế đầu tiên của nhân loại được LHQ chuẩn nhận với tỷ số 140/185 quốc gia trên thế giới.
Tại địa phương, các định chế nhân quyền cũng thi nhau mọc lên như nấm. Bắt đầu bằng Hội Đồng Âu Châu (Council Of Europe) với một tòa án để xử phạt các vụ vi phạm. Sau đó, hệ thống tòa án nhân quyền cũng được thiết lập tại Tây Bán Cầu. Năm 1993 Đại Hội Đồng LHQ thiết lập chức vụ Cao Ủy Nhân Quyền (High Commissioner For Human Rights).
Giữa thập kỷ 1990 Hội Đồng Bảo An LHQ cho ra đời những toà án hình sự để xử phạt những cá nhân vi phạm luật chiến tranh, tội diệt chủng, tội chống nhân loại tại Yugoslavia và Rwanda. Những tòa án này tiếp tục công việc và truyền thống của các tòa án Nuremberg và Tokyo vào thập kỷ 1940. Tới năm 1988, Hội Nghị Roma chuẩn y việc thiết lập một tòa án hình sự quốc tế thường trực.
Với những định chế nói trên, rõ ràng là vấn đề nhân quyền đã vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia để trở thành quan tâm chung của nhân loại. Trên nguyên tắc, ngày nay trong sinh hoạt bình thường, các quốc gia phải có trách nhiệm đối xử đúng bổn phận với con dân nước mình trước cộng đồng quốc tế. Quan hệ quốc tế giờ đây, không chỉ chú trọng đến các vấn đề chiến tranh và mậu dịch mà còn chú trọng đến cả vấn đề nhân quyền nữa.
Lương tâm nhân loại đã thức tỉnh vào thời gian giữa các năm 1958-1962 là những năm mà trên lục địa Trung Hoa đã có 30 triệu người bị Mao Trạch Đông làm chết đói. Đây là một vụ giết người hàng loạt kinh khủng và tệ hại hơn cả dưới thời Hitler và Stalin bên Âu Châu. Tính chung, các chế độ cộng sản đã giết hại con dân của họ với một con số lên tới từ 150 đến 170 triệu sinh linh.
Trước những bằng chứng không thể chối cãi như vậy, điều đáng ngạc nhiên là hiện nay trong phái thực dụng (realist), người ta vẫn còn thấy những nhân vật như H. Kissinger, cho rằng vấn đề nhân quyền quốc tế chỉ là một ảo tưởng. Những người lạc quan hơn thì tin tưởng rằng vấn đề nhân quyền sẽ phát triến thuận lợi trong hế kỷ 21.
Nhân quyền phải chăng là một sự kết thúc của lịch sử ?
Trong bang giao quốc tế hiện nay, liên minh mạnh nhất là liên minh các quốc gia tự do. Tổ chức Hợp Tác Kinh Tế Và Phát Triển (Organizaton For Economic Cooperation And Development: OECD) không chỉ là một nhóm lợi ích mà là một quyền lực kinh tế, quân sự và ngoại giao. Tổ chức này là động cơ của một tiến trình được mệnh danh là tiến trình Tây Phương hoá các quan hệ ngoại giao. Trong tiến trình này các quốc gia tự do và các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã du nhập vấn đề nhân quyền vào các công việc của thế giới kể từ năm 1945.
Thử tưởng tượng, nếu trong Thế Chiến II phe Trục hoặc phe Cộng Sản đã thắng thì tình trạng bang giao quốc tế ngày nay sẽ ra sao ? Số phận của nhân quyền ngày nay sẽ ra sao ? Hay nếu trong mấy thập kỷ vừa qua, những thành phần bảo thủ của Hồi Giáo nắm đầu thế giới, thì nhân quyền có thể ngóc đầu dậy được không ?
Dù sao cũng phải nhìn nhận rằng trong Chiến Tranh Lạnh, thời gian va chạm giữa các nền văn minh, một số cường quốc trong OECD đã ảnh hưởng nặng nề và để lại dấu ấn của họ trong bang giao quốc tế. Những quốc gia tự do đó đã có công làm thăng tiến ý niệm công bằng giữa con người và sự tôn trọng nhân phẩm của cá nhân. Nếu chẳng may, rồi đây Trung Quốc sẽ lãnh đạo thế giới thì nhất định số phận nhân quyền sẽ thay đổi. Cho nên nếu ta hướng tầm nhìn vào tương lại gần thì ta sẽ thấy gì ? Ta sẽ thấy OECD vẫn tiếp tục là một quyền uy đáng tin cậy và áp lực của tổ chức này sẽ còn tiếp tục thuận lợi cho sự phát triển của nhân quyền.
Đành rằng sức nặng của các định chế quốc tế về nhân quyền và áp lực của các cường quốc tự do đang tác động thuận lợi nhưng chúng ta không nên quên rằng còn một yếu tố thứ ba cũng ảnh hưởng không kém: Francis Fukuyama (2) cho rằng tiến trình phát triển của lịch sử đang đưa nhân loại đến chỗ công nhận nhân quyền vì lý tưởng nhân quyền là đóng góp thiết thực nhất và hoàn hảo nhất cho nhân phẩm.
F. Fukuyama lý luận tiếp: các quốc gia tự do bao giờ cũng chủ trương là quyền lực phải được hành xử trung thuận với dân quyền và quyền chính trị của cá nhân, nên họ có chính danh và có sức lôi cuốn hấp dẫn. Với sự sụp đổ của Liên Xô, hình thái dân chủ tự do đã lên ngôi và ý tưởng nhân quyền đã được coi như lý tưởng chính trị tốt đẹp nhất. Cho nên không cần phải đi xa hơn nữa. Ông coi như lịch sử đã kết thúc và nếu quảng diễn thì cũng có thể coi như lịch sử phát triển của nhân quyền cũng đã kết thúc.
Trái ngược với cách nhìn của Fukuyama, thế giới Hồi Giáo và Á Châu coi nhận định của Fukuyama về vấn đề nhân quyền là không thể chấp nhận được vì nó mang tính cá nhân quá nặng, làm thiệt hại đến cộng đồng và trật tự thế giới. Nhiều phản biện cho rằng Tây Phương đả quá chú trọng đến các quyền dân sự và chính trị và không quan tâm đầy đủ đến quyền kinh tế. Những đầu óc suy nghĩ theo trường phái Tân Tự Do (Neo-Liberals) cho rằng nhân quyền chỉ là một phương cách trong nhiều phương cách khác để thực hiện nhân phẩm của con người.
Nghĩ cho cùng thì thấy Fukuyama cũng có lý khi ông chỉ ra rằng vào cuối thập kỷ 1920 không có một chế độ chính trị nào, trong số các chế độ của Trung Quốc, của Iran, của Sudan, của Lybia, của Cuba hay của các chế độ độc tài phi dân chủ khác, đã có sức quyến rũ và lôi cuốn đối với loài người như các chế độ chính trị mà các nước trong tổ chức OECD đã có.
Nhân quyền trong luật cứng và luật mềm (hard law and soft law)
Luật cứng là luật thành văn viết rõ ràng trên giấy trắng mực đen trong các hiến chương quốc tế hay trong các hiến pháp quốc gia và có hiệu lực cưỡng bách. Luật mềm là luật dung tục đến từ truyền thống, từ thói quen sử dụng hoặc từ các hiệp ước ngoại giao không có hiệu lực cưỡng chế.
Trong công cuộc đấu tranh cho nhân quyền hiện nay, người ta nhận thấy đôi khi luật mềm lại có hiệu lực cao và dễ áp dụng hơn luật cứng. Hiện tượng này thường xảy ra trong lãnh vực ngoại giao giữa các nước hay do hành động và ảnh hưởng của các tổ chức phi chính phủ, chẳng hạn như Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế. So các quyết định của tòa án quốc tế với hiệu quả can thiệp của các tổ chức này thì trong nhiều trường hợp ta còn thấy nhanh hơn và thuận lợi hơn.
Thật vậy, chế độ phân biệt chủng tộc tại Nam Phi đã không chấm dứt vì một án lệnh của toà. Chế độ cộng sản cũng không chấm dứt vì một quyết định của cơ quan tài phán Âu Châu. Chế độ tra tấn ở Iran cũng vậy. Các đợt xử bắn tại El Salvador cũng thế. Tất cả những trường hợp chấm dứt và bãi bỏ đó đã là một bước quan trọng trong lãnh vực thực thi nhân quyền của nhân loại, không do bất cứ một án lệnh nào của tòa án.
Nhìn chung trên thế giới hiện nay, ta thấy nhiều quan điểm và nhiều cách tiếp cận khác nhau trong việc đấu tranh cho nhân quyền: môn phái cổ điển (classical liberals) chủ trương sử dụng luật cứng; môn phái tân tự do (neo-liberals) nhấn mạnh vào việc phải sử dụng cả luật cứng lẫn luật mềm; phe thực dụng (realists) thì lúc nào cũng quan tâm và đặt vấn đề lợi ích quốc gia lên trên nhu cần đấu tranh cho các quyền của con người.
Nhân quyền và các tổ chức phi chính phủ (NGO)
Hệ thống chính trị của thế giới hiện nay vẫn còn bị nguyên tắc chủ quyền của hiệp ước hòa bình Westphalia (1648) (3) chi phối. Theo nguyên tắc này thì chỉ có quốc gia mới là đối tượng chính yếu trong cuộc chơi chính trị của cộng đồng nhân loại. Nói khác, trong cuộc chơi này cá nhân không có quyền tham dự.
Luật quốc tế được xây dựng trên cơ sỡ “đồng thuận” của các quốc gia. Sự đồng thuận minh thị được ghi nhận bằng các hiệp ước quốc tể. Sự đồng thuận mặc thị được biểu hiện qua sự tôn trọng và áp dụng luật truyền thống. Đó là một vài nét đại cương về sự sinh hoạt trong cộng đồng quốc tế của mấy thế kỷ về trước.
Ngày nay thì còn phải kể đến cả sinh hoạt của những tổ chức phi chính phủ (non-governmental organizations: NGO). Đặc biệt về vấn đề nhân quyền thì phải nói rằng các NGO này đã đạt được những thành tích không thua kém gì thành tích của các quốc gia trong sinh hoạt quốc tế của họ.
Nhiều học giả đã nhận định chính xác rằng các NGO trong thời gian qua đã thực sự là động cơ thúc đẩy guồng máy phát triển nhân quyền chuyển động. Trong danh sách các NGO xuyên quốc gia đã được vinh danh phải kể: Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), Tổ Chức Quan Theo Dõ Nhân Quyền (Human Rights Watch), Ủy Hội Luật Gia Quốc Tế (International Commission Of Jurists), Liên Hội Quốc Tế Ủng Hộ Nhân Quyền (International Federation For Human Rights).
Trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền, các NGO nói trên không hoạt động riêng lẻ. Họ cũng không hoạt động đơn độc như một loại đặc biệt, mà họ luôn luôn hoạt động phối hợp với nhiều tổ chức khác cùng loại. Tất cả các tổ chức này họp lại thành mạng lưới nhân quyền của thế giới. Trong mạng lưới này phải kể thêm báo chí và truyền thông quốc tế, Nhà Thờ Gia Tô Giáo, Ủy Hội Nhân Quyền Liên Mỹ (International Commission For Human Rights) hoạt động cho Tây Bán Cầu.
Như vậy cũng chưa hết. Trong thực tế còn phải kể cả những tổ chức vụ lợi nữa. Ta nhớ rằng, cách đây không lâu, Pepsicola đã từ chối đầu tư tại Miến Điện vì tập đoàn lãnh đạo quân phiệt của xứ này đã không kể gì đến nhân quyền. Levi Strauss đã từ chối đầu tư may quần jeans tại Trung Quốc để phản đối việc sử dụng nhân công trẻ em. Nike và Redbook cũng đã đưa ra điều kiện không sử dụng trẻ em trong lao động trước khi thỏa thuận đầu tư tại Pakistan.
Nhìn chung trong trận tuyến quốc tế đấu tranh cho nhân quyền không phải chỉ có các quốc gia và các NGO mà còn có nhiều bàn tay khác. Ảnh hương tích lũy của tất cả các thành phần này, trong mấy thập kỷ qua, thật sự đã thay đổi bộ mặt nhân quyền của thế giới rất nhiều và đã giúp nhân loại hội nhập ngày càng đông đảo hơn vào nền văn minh hiện tại. /.
CHÚ THÍCH
(1) Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Sau Thế Chiến II nhân loại ý thức rằng việc thừa nhận quyền của con người là điều kiện thiết yếu để duy trì hòa bình thế giới. Mùa Xuân 1945, 50 quốc gia họp hội nghị ở San Francisco Hoa Kỳ để thành lập Liên Hiệp Quốc. Khi gia nhập Liên Hiệp Quốc các quốc gia hội viên xác nhận nhân quyền từ nay không còn đơn thuần là công việc nội bộ của các quốc gia mà là một vấn đề quốc tế. Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời ngày 12/10/1048.
(2) Francis Fukuyama, sinh năm 1952, người Mỹ gốc Nhật, giáo sư chính trị học và kinh tế học tại các đại học John Hopkins và Stanford. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó cuốn The End Of History (Sự Kết Thúc Của Kịch Sử) (1992) làm ông nổi tiếng.
(3) Westphalia là tên một vùng đất của nước Đức, nơi đã ký kết các hiệp ước hòa bình chấm dứt cuộc Chiến TRanh 30 Năm (1618-1648) tàn phá Âu Châu. Chiến Tranh có nguyên nhân chính yếu là sự kình địch giữa hai phe: phe tôn giáo Tin Lành +Công giáo và phe đế quốc Áo.
Nguyên tắc chủ quyền áp dụng trong quan hệ ngoại giao giữa các nước, phát xuất từ các hiệp ước hòa bình này, ngày nay vẫn còn được ưa chuộng mặc dầu không còn được tuyệt đối tôn trọng. Nguyên tắc này dựa trên sự bình đẳng giữa các quốc gia không phân biệt lớn nhỏ và sự cấm kỵ không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Thuyết này đang bị thuyết “toàn cầu hóa” cạnh tranh.
Không có nhận xét nào