Header Ads

  • Breaking News

    Năm 2022, Khí đốt của Mỹ đổ bộ vào châu Âu




    Tại trạm khí hóa lỏng ở Wilhelmshaven, Đức. Ảnh chụp ngày 17/12/2022. AP - Michael Sohn

    Chiến tranh Ukraina làm thay đổi cục diện thị trường năng lượng thế giới, đói kém đe dọa một phần nhân loại, lạm phát tăng cao. Kinh tế Nga hứng đòn trừng phạt của Âu Mỹ với những tác động tới nay vẫn là một ẩn số. Tại châu Á, vì Covid, Trung Quốc không còn là đầu tàu tăng trưởng của thế giới, nền công nghệ cao của nước này tiếp tục lãnh đòn của Washington.

    Bất chấp những cam kết giảm khí thải carbon, thế giới vẫn lệ thuộc nhiều vào năng lượng hóa thạch. Châu Âu điêu đứng vì mất 155 tỷ mét khối khí đốt của Nga một năm, tương đương với 40 % nhu cầu tiêu thụ của toàn khối. Đường ống Nord Stream 2 « chết yểu » khi vừa hoàn tất. Nord Stream 1 chỉ còn hoạt động cầm chừng. Hậu quả kèm theo là từ đầu năm đến nay, từ chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đến chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, từ tổng thống Pháp đến thủ tướng Ý, Đức liên tục viếng thăm các quốc gia sản xuất dầu hỏa và khí đốt như Qatar, Ả Rập Xê Út, Algérie hay Azerbaijan…

    Mỹ thắng lớn

    Na Uy đã nhanh chóng trở thành « nguồn cung cấp khí đốt số 1 » cho Lục Địa Già. Trong chưa đầy 10 tháng, một mình Oslo bảo đảm đến gần ¼ nhu cầu tiêu thụ của 27 nước trong Liên Hiệp Châu Âu. Algérie cũng được coi là một nhà sản xuất hưởng lợi nhiều dưới tác động địa chính trị do chiến tranh Ukraina gây nên. Nhờ có dầu khí, một số căng thẳng chính trị giữa Alger với Paris đã dễ dàng được giải tỏa.

    Azerbaijan chiếm thế thượng phong nhờ hệ thống đường ống dẫn khí đốt SGC mới được khánh thành cuối 2020, đưa khí đốt từ mỏ Shah Deniz trong vùng biển Caspi đến tận nam Âu, giải tỏa bớt áp lực về năng lượng cho Ý và Hy Lạp. Kim ngạch xuất khẩu năng lượng của Bakou sang Liên Hiệp Châu Âu tăng 31 % so với 2021. Đổi lại, Liên Âu kín tiếng trong xung đột vũ trang giữa Azerbaijan và Armenia ở vùng Thượng Karabakh.

    Nhưng bên thắng lớn là Hoa Kỳ, chủ yếu là với khí hóa lỏng LNG. Tính đến tháng 9/2022, xuất khẩu của Mỹ sang châu Âu tăng 60 % và gần ¾ sản xuất của Mỹ là để bán cho Liên Hiệp Châu Âu.

    Trả lời RFI Việt ngữ, Philippe Sébille Lopez, chuyên gia về năng lượng và địa chính trị, thuộc cơ quan tư vấn Géopolia, Pháp, nhìn nhận chiến tranh Ukraina là một cơ hội bằng vàng cho các nhà sản xuất ở Mỹ :

    Philippe Sébille Lopez : « Hoa Kỳ luôn có tiềm năng khai thác khí đốt rất lớn, mà chủ yếu là khí đá phiến. Tuy nhiên, để phát triển mảng công nghiệp này, các nhà sản xuất Mỹ cần được bảo đảm họ phải có một thị trường rộng lớn. Khủng hoảng Ukraina là một cơ hội. Châu Âu quay lưng lại với Nga và phải cần đến khí đốt của Mỹ, bỗng chốc trở thành một thị trường vô cùng to lớn và đang phát triển thêm nữa theo chiều hướng này. Mỹ đang nhòm ngó để thay thế vào chỗ trống của Nga, bởi từ khi chiến tranh Ukraina bùng nổ, Matxcơva không còn muốn bán khí đốt cho châu Âu, mà bản thân Bruxelles cũng không muốn để Matxcơva dùng dầu khí như một vũ khí để bắt chẹt Liên Âu ».

    RFI : Thế nhưng cả bên cung lẫn bên cầu đều đang gặp nhiều giới hạn.

    Philippe Sébille Lopez : « Khả năng sản xuất tại Hoa Kỳ tiếp tục tăng thêm. Vấn đề đặt ra là các nhà sản xuất tư nhân của Mỹ cần được bảo đảm là họ sẽ cung cấp khí đốt cho châu Âu trong một thời gian dài. Chẳng hạn đấy phải là những hợp đồng trên 15 năm, bởi vì khai thác khí hóa lỏng đòi hỏi nhiều đầu tư vào công nghệ mới. Trong khi đó, với chính sách chuyển đổi năng lượng, Liên Hiệp Châu Âu đề ra mục tiêu giảm bớt mức độ lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch vào ngưỡng 2035. Điều đó có nghĩa là châu Âu ký hợp đồng với Mỹ trong giai đoạn từ 10 đến 12 năm mà thôi. Do vậy Liên Âu tiến thoái lưỡng nan : Bruxelles muốn từ bỏ một phần năng lượng hóa thạch để thay thế bằng các loại năng lượng tái tạo. Nhưng trước mắt Liên Âu lại chưa thể trông cậy vào khí đá phiến của Mỹ, bởi vì các nhà sản xuất ở bên kia Bắc Đại tây Dương muốn được bảo đảm rằng họ phải ký được những hợp đồng dài hạn với châu Âu. Nói cách khác, cả bên cung lẫn bên cầu đều lâm vào thế kẹt ».

    RFI : Nhưng trong mọi trường hợp, Liên Hiệp Châu Âu vẫn lệ thuộc vào các nguồn cung cấp năng lượng « bên ngoài », thay đổi duy nhất trong năm là chuyển từ quỹ đạo của Nga để ngả về phía các nhà cung cấp Mỹ.

    Philippe Sébille Lopez : « Liên Hiệp Châu Âu luôn và vẫn sẽ phải phụ thuộc vào các nguồn cung cấp nước ngoài về năng lượng hóa thạch, bởi trên châu lục này gần như không còn dầu khí, ngoại trừ ở vùng Biển Bắc. Ngay cả tại đây, thật ra thời kỳ vàng son đã qua, những năm tháng phồn thịnh nhất đã thuộc về quá khứ. Dầu và khí đốt ở Biển Bắc đang cạn dần. Đó chính là lý do khiến Liên Âu đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo và chuyển hướng về hydrogen. Nhưng đừng quên rằng, để có hydrogen, chúng ta cũng cần có điện vậy ! Năng lượng gió hay Mặt trời không phải là những giải pháp lý tưởng, vì đây không phải là những nguồn năng lượng mà mức sản xuất có thể điều chỉnh tùy theo nhu cầu tiêu thụ trên thị trường. Liên Âu càng lúc càng phải phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, mặc dù có thể thay thế nguồn cung cấp của Nga bằng các tập đoàn của Mỹ. Vấn đề đối với Liên Hiệp Châu Âu vẫn nguyên vẹn: Châu lục này càng lúc càng cần nhiều phương tiện để cung cấp điện lực cho thị trường nội địa, nhưng kết quả thì lại không có gì là chắc chắn trong những điều kiện nghiên cứu hiện nay ».

    Nga trước những đợt trừng phạt liên tiếp của phương Tây

    Tính đến ngày 15/12/2022 sau gần 10 tháng chiến tranh Ukraina, Liên Hiệp Châu Âu ban hành tổng cộng 9 đợt trừng phạt Nga. Ngay từ khi Vladimir Putin đưa quân xâm chiếm nước láng giềng sát cạnh, Hoa Kỳ và Liên Âu đã ban hành nhiều biện pháp mạnh với mục đích duy nhất : cắt nguồn thu nhập của Matxcơva qua đó ngăn cản Nga tài trợ cỗ máy chiến tranh. Phương Tây đã khai trừ Nga ra khỏi hệ thống SWIFT, phong tỏa dự trữ ngoại tệ của Ngân Hàng Trung ương Nga ; cấm vận than đá, dầu hỏa của Nga, cấm xuất khẩu cho Nga công nghệ cao và trang thiết bị có thể phục vụ các mục tiêu quân sự …

    Hậu quả đối với kinh tế Nga từ tháng 2 đến giờ ra sao ? Thứ nhất, Nga vẫn có được một điểm tựa khá tốt là Trung Quốc và trong một chừng mực nào đó là Ấn Độ. Hai quốc gia châu Á này đã phần nào thay thế vào chỗ trống của châu Âu để mua dầu khí của Nga với giá rẻ và thậm chí là một phần trong số ấy đã được dành để bán lại cho châu Âu. Thứ hai, theo phân tích của Serguei Alexachenko, cựu phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Nga, sau đợt trừng phạt đầu tiên hồi tháng 3/2022, lạm phát đã tăng gần 20 % nhưng rồi ba tháng sau đó đã rơi xuống còn 10 %. Mãi lực của dân Nga có giảm mạnh (-10 %), nhưng tiền vẫn đều đặn được chuyển vào công quỹ của nước Nga để điện Kremlin tùy nghi sử dụng. Theo nghiên cứu của trung tâm về năng lượng CREA, kể từ khi xâm lược Ukraina, nhờ gây nên một cơn sốt dầu khí trên thị trường quốc tế, Matxcơva đã thu về 250 tỷ đô la. Chỉ một mình Liên Hiệp Châu Âu đã rót cho Liên Bang Nga 125 tỷ. CREA kết luận : Các biện pháp trừng phạt Âu Mỹ ban hành không làm cạn kiệt nguồn thu nhập của nước Nga, ít ra là trong ngắn hạn.

    Kinh tế Trung Quốc bên bờ vực thẳm ?

    Với tỷ lệ chưa đến 3 % được dự báo, liệu Trung Quốc có còn là đầu máy tăng trưởng của thế giới nữa hay không ? Năm 2022 là một năm đầy biến động trên thị trường bất động sản : Evergrande, Shimao hay Sunak là 3 trong số 6 đại công ty bất động sản Trung Quốc bị khai trừ khỏi bảng nêm yết giá trên sàn chứng khoán Hồng Kông. Các tập đoàn tên tuổi trong ngành lần lượt tuyên bố vỡ nợ. Hàng trăm ngàn người làm cuộc cách mạng, ngừng đóng tiền cho các chủ nợ cho tới khi nào được trao nhà. Cuối tháng 11/2022, Bắc Kinh ra lệnh cho các ngân hàng bơm thêm hơn 160 tỷ đô la hỗ trợ ngành địa ốc. Tại một quốc gia mà 70 % tài sản của các hộ gia đình là căn nhà, hơn nữa ngành xây dựng và các chi nhánh liên quan (vật liệu xây dựng …) và giao dịch địa ốc, trang trí nội thất …. chiếm đến gần 30 % GDP, hiện tượng thị trường bất động sản « đổ giàn » như ở Hoa Kỳ hồi 2007-2008 sẽ là một tai họa.

    Không chỉ có thế. Sau gần đúng ba năm xuất hiện tại Vũ Hán, siêu vi SARS-Cov-2 vẫn chưa buông tha Trung Quốc. Một số nghiên cứu gần đây nhất dự phóng sẽ có từ 1 đến 1 triệu rưỡi người tử vong và khủng hoảng y tế sẽ kéo dài ít nhất là đến tháng 3-4/2023. Nhật báo tài chính Asia Nikkei hôm 07/12/2022 báo động nợ công của Trung Quốc hiện cao hơn gấp ba lần so với GDP của nền kinh tế thứ hai toàn cầu. Một phần lớn trong số đó là nợ của các chính quyền địa phương : Ba năm qua số này đã mất đi nguồn thu nhập lớn do các dự án xây dựng bị đóng băng, cùng lúc thì các chính quyền địa phương đã phải đài thọ các phí tổn về thuốc men và nhất là các chiến dịch xét nghiệm hầu như hàng ngày cho hàng chục triệu dân. Tính ra từ cuối 2019, Trung Quốc đã chi ra một số tiền tương đương với ngân sách quốc phòng của cả nước chỉ để thực hiện các đợt xét nghiệm Covid trên diện rộng.

    Chủ nợ của những nước nghèo

    Những khó khăn chồng chất vừa nêu không cấm cản Trung Quốc tiếp tục là chủ nợ của thế giới và nhất là các nước nghèo càng lúc càng mang nợ Bắc Kinh. Ngân Hàng Thế Giới báo động : trong chưa đầy 10 năm, nợ của các nước nghèo đã « tăng lên gần gấp ba lần ». Chủ nợ chính là Trung Quốc. Năm 2010, Bắc Kinh nắm giữ 18 % nợ của các nước nghèo. Tỷ lệ đó vọt lên tới 49 % vào năm 2021. Chỉ riêng trong năm 2022, các nước nghèo đã phải thanh toán 17 tỷ đô la cho Trung Quốc, với 66 % trong số đó là tiền lãi.

    Vẫn căng trên mặt trận thương mại với Mỹ

    Về đối ngoại, trong hai năm qua, quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington không mấy được cải thiện. Mãi đến thượng đỉnh APEC đầu tháng 11/2022, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden mới trực tiếp bắt tay nhau lần đầu từ khi ông Biden bước vào Nhà Trắng. Tương tự như người tiền nhiệm Donald Trump, ông Biden vẫn duy trì các biện pháp bảo hộ nhắm vào Trung Quốc. Cuộc đọ sức về công nghệ cao giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này có khuynh hướng gia tăng cường độ. Ngày 07/10/2022, Phòng Công Nghiệp và An Ninh (BIS), thuộc bộ Thương Mại Mỹ, đã công bố danh sách được cập nhật các biện pháp nhằm « kiểm soát các hoạt động xuất khẩu » có liên hệ trực tiếp đến an ninh quốc gia và quyền lợi của Hoa Kỳ. Gần đây hơn, hôm 15/12/2022, bộ Thương Mại đang chuẩn bị đưa thêm hơn 30 công ty của Trung Quốc vào « sổ đen » để ngăn cản những con chim đầu đàn trong ngành công nghệ bán dẫn hay trí thông minh nhân tạo của Trung Quốc tiếp cận với công nghệ sử dụng thiết bị của Mỹ.

    Không có nhận xét nào