Người dân biểu tình chống biện pháp phòng chống Zero Covid-19 quá khắc nghiệt của nhà cầm quyền Trung Cộng tại thủ đô Bắc Kinh sáng sớm thứ Hai, ngày 28 tháng 11, 2022. Những cuộc xuống đường tương tự đã xảy ra trên toàn quốc cuối tuần qua, được châm ngòi bởi một vụ cháy ở chung cư khiến cho nhiều người bị chết vì biện pháp chống Covid tại Tân Cương
Không gì khích động lòng người bằng những trẻ em bị chết oan. Ở Lan Châu, tỉnh Cam Túc, một em trai ba tuổi qua đời vì không được đưa đi chữa trị, lý do là không ai muốn dính vi phạm lệnh chính phủ cấm di chuyển, để không cho dịch Covid 19 lan tràn. Một bé gái 4 tuổi bị bịnh, người cha gọi nhưng bệnh viện không muốn đáp ứng cũng vì phải theo lệnh ngăn ngừa Covid. Phải năn nỉ mãi họ mới gửi xe cứu thương đến nhưng nhân viên cấp cứu lại từ chối vào nhà, cũng vì sợ vi phạm lệnh cấm Covid. Sau giằng co chờ lệnh khoảng 12 tiếng đồng hồ, cháu bé mới được đưa tới nhà thương, và tắt thở. Ông cha đã kể đầu đuôi câu truyện trên mạng xã hội Weibo khiến cho cả nước TQ bị xúc động. Hai em bé đã chết oan vì những lệnh cấm của nhà nước Bắc Kinh.
Sau hai năm theo đuổi chính sách "Zero Covid" thật khắc nghiêt của ông Tập Cận Bình, dân TQ đã cảm thấy không thể chịu nổi, họ bắt đầu phản kháng vì cảm thấy vô vọng, bất mãn. Số người nhiễm bệnh vẫn tăng lên nhanh trong một tháng qua. Theo tin AP ngày 25 tháng 11, 2022, số dân nhiễm bệnh lên tới 32,695 người trong cả nước; tại Bắc Kinh có 1,860 trường hợp. Một con số còn rất nhỏ so với nước Mỹ; Bắc Kinh có 21 triệu dân, nhưng Đảng CS vẫn quyết liệt giữ các biện pháp ngăn cấm triệt để.
Dân ở nhiều khu vực trong các thành phố bị cấm không được ra ngoài, phải thử test thường xuyên, người nào thấy bị nhiễm bệnh bị đưa đi cách ly ngay. Những trung tâm cách ly được thiết lập tại các phòng tập thể dục, các hội trường và phòng triển lãm, hoặc bất cứ khoảng trống nào có thể sử dụng; phần lớn đều chật chội, thiếu các phương tiện hoặc điều kiện vệ sinh, đèn sáng suốt ngày đêm bất kể những người khó ngủ.
Tiếp tế thực phẩm thật khó khăn hơn trong khi dân nghe ngóng tin đồn. Ai cũng biết vùng thủ đô được chú ý tiếp tế đầy đủ nhất, vì đó là nơi các quan chức lớn cư ngụ và rất đông người ngoại quốc. Nhưng khi nghe tin đồn nơi mình sống có thể bị "cấm cung", các bà nội trợ ở khu Đông Bắc Bắc Kinh chạy đua tới siêu thị mua thức ăn, tới các tiệm bách hóa mua đồ dùng cho đến khi các quầy, kệ bị trống rỗng. Có người sử dụng mạng để mua hàng, nhưng hệ thống bán hàng qua mạng xã hội đã được tận dụng tới mức quá tải; bắt đầu thiếu nhân viên; trong khi số người mua tăng gấp bội. Nhiều nhân viên giao hàng đến địa chỉ người nhận thì cổng bị khóa, hàng rào sắt lại quá cao, gọi không được.
Dân TQ nay phải tập sống dưới các lệnh cấm khắc nghiệt như vậy nhưng họ thấy kết quả cuối cùng là Covid vẫn tung hoành, có lúc lên cao hơn, không biết bao giờ mới ngưng. Chịu sống trong vòng kiểm soát của một đảng độc tài chuyên chế đã quen từ hơn 70 năm, nhưng chưa bao giờ người dân bị ảnh hưởng nặng nề như trong thời bệnh dịch này.
Chế độ CS kiểm soát mọi nguồn dư luận, tất cả những lời than thở, các ý kiến bất bình dù chỉ nói bóng gió đều bị kiểm duyệt ngay sau khi đưa lên mạng. Khi nỗi uất ức căng lên quá độ không thể chịu đựng nổi, người ta phải đổ ra đường biểu tình phản kháng.
Hàng ngàn công nhân ở Hải Châu thuộc thành phố Quảng Châu đã xuống đường phản đối giá thực phẩm lên quá cao, mặc dù cả khu vực được lệnh đóng cửa, cấm lưu hành vì Zero Covid. Đối đầu với công an mặc áo giáp và các nhân viên y tế mặc toàn đồ trắng, các công nhân đã phá những rào cản được dựng lên để cấm lưu thông do lệnh ngăn ngừa Covid, theo một video của Reuters. Theo báo New York Times ngày 24/11, vì nhiều bệnh viện quá chật chội, các trung tâm cách ly cũng hết chỗ, nhân viên y tế có người phải ngủ ngoài đường, hoặc ngủ trong các đường hầm, tại Hải Châu.
Hải Châu là một trong 11 khu đô thị, nằm ở phía Nam của nghĩa trang Hoàng Hoa Cương (nơi đặt ngôi mộ Phạm Hồng Thái), với 1.8 triệu dân và mật độ 20,000 người trên một cây số vuông có thể châm ngòi cho những cuộc biểu tình khác. Dân Tàu bắt đầu đặt câu hỏi về những lệnh cấm của Đảng CS, nhân danh ngăn chận bệnh Covid. Có cần cấm đoán gắt gao như vậy hay không? Các lệnh cấm vì Covid đã cứu được bao nhiêu người và có thể làm bao nhiêu người đã thiệt mạng do chậm trể và không được chữa trị?
Khi dân trong lục địa coi truyền hình những trận đấu Giải Túc Cầu Thế Giới 2022 ở Qatar, họ sẽ có dịp để so sánh. Trên màn ảnh sẽ thấy hàng ngàn người tụ tập, trong bao nhiêu quốc gia, khắp thế giới, hò hét, nhảy múa và cổ võ khi đội banh của nước họ ra sân. Đội bóng đá TQ yếu hơn cả Việt Nam, nhưng nếu họ được đi dự "World Cup" thì chắc người dân TQ cũng không được phép tụ tập để cổ động cho đội nhà! Trên các mạng xã hội đã xuất hiện những lời lẽ chế nhạo các lệnh cấm vì Covid, tỏ ý ganh tỵ với dân chúng các nước đang được tự do tụ họp, vui chơi!
Chưa bao giờ thấy có nhiều cuộc biểu tình đông đảo người chống đối như hiện nay. Tại thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam ở giữa TQ, từ tháng Mười, số người nhiễm Covid đã tăng vọt. Theo tin AFP, hàng ngàn công nhân lo sợ, tự ý nghỉ việc để về làng quê gốc của họ để tránh bệnh. Nhưng trước khi đi, họ biểu tình đòi lương bổng vì hãng xưởng cố tình lờ đi.
Trịnh Châu là trung tâm sản xuất iPhone của hãng Apple; khoảng 200,000 người lắp ráp điện thoại cho công ty Foxconn, do người Đài Loan làm chủ, đại đa số sống trong những cư xá chật chội nên càng lo bị nhiễm bệnh. Khi số người bỏ việc tiếp tục tăng lên, Foxconn đã phải tuyển người vào thay. Công nhân đã tố cáo Foxconn để cho các người thợ mới tuyển phải làm việc bên cạnh những người đã nhiễm bệnh, và phản đối công ty không trả lương đúng hẹn. Họ cũng lên án công ty đánh lừa họ, hứa hẹn trả lương phụ trội ¥3000 (đồng nguyên), dưới 500 đô la, nếu họ chịu làm việc ít nhất 30 ngày trong cơ xưởng, nhưng cuối cùng chỉ trả ¥30 nguyên.
Ngày thứ Ba vừa qua, hàng ngàn công nhân Foxconn đã đánh nhau với công an và các nhân viên y tế. Theo báo New York Times, họ phá các rào cản, bẻ gảy, dùng làm gậy ném vào đội ngũ chống biểu tình. Một người kêu gào, "Chúng nó đánh! Chúng nó đánh người ta! Lương tâm của chúng nó để đâu?" AFP đã thấy hình ảnh một công nhân mặt đầy máu chạy được ra ngoài. Một video chiếu cảnh hàng chục công nhân hô lớn, "Phải bảo vệ quyền lợi chúng ta!" trước mặt đám công an đang gầm gừ.
Cuối cùng, Foxconn đã chịu trả khoảng 1,400 đô la cho mỗi công nhân tự ý nghỉ việc. Nhưng hình ảnh cuộc đàn áp biểu tình ở Trịnh Châu đã khiến cho các công ty quốc tế phải xét lại việc tập trung công tác sản xuất vào một số khu đô thị ở TQ, như mô hình của Apple. Nhiều công ty đã tìm cách để di chuyển chuyện sản xuất ở các nước khác.
Kinh tế TQ bị thoái trào vì các lệnh cấm Covid khắc nghiệt, nhưng thực sự đã bắt đầu đi xuống trong mấy năm nay. Từ đầu năm 2021, theo The Wall Street Journal, chỉ số thị trường của TQMSCI do công ty Morgan Stanley lập ra, đã giảm mất một nửa; tất cả những gì đạt được trong mười năm qua đã biến mất. Khả năng sinh lợi của các công ty ở TQ, tiêu biểu bằng "Lợi Nhuận Cho Mỗi Cổ Phần" (Earnings Per Share) đã đứng yên, không tăng lên được từ năm 2010 đến nay. Trong cùng thời gian đó "Earnings Per Share" của các công ty ở Mỹ tăng lên 9% mỗi năm.
Các công ty tin học ở TQ, đặc biệt trong ngành chế tạo chip, đang bị chính phủ Mỹ cấm vận sẽ khó mà tiến nhanh. Các ngành sản xuất pin điện và xe hơi chạy điện ở TQ tuy còn đang mạnh, nhưng trong nền kinh tế cả thế giới đó là những công nghiệp rất "non trẻ", sẽ còn nhiều phát minh, sáng kiến bất ngờ có thể đảo lộn cả thị trường này trong tương lai.
Chế độ độc tài CS không thuận lợi cho các sáng kiến được nẩy nở, các công ty TQ sẽ đi chậm hàng chục năm so với các nước khác. Tình trạng này càng nghiêm trọng với những chính sách của Tập Cận Bình, muốn kiểm soát tất cả cuộc sống của hơn 1.4 tỷ con người.
(Nguồn: VOA Blog)
Không có nhận xét nào