Quê Hương tổng hợp
Reuters: ‘Việt Nam nằm trong số các chế độ kiểm soát chặt chẽ truyền thông xã hội nhất thể giới’
30/12/2022
Việt Nam gần đây thắt chặt các quy định xử lý nội dung mà chính quyền nói là “sai sự thật” trên các nền tảng truyền thông xã hội, bắt giữ và phạt tù nhiều nhà báo, blogger và những người chia sẻ thông tin đi ngược với ý muốn của chính quyền.
Tình trạng siết chặt kiểm soát internet, cùng với việc nhà chức trách bắt giữ hàng chục nhà báo và blogger, thậm chí cả một người bán phở có tiếng, với tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN” đang biến Việt Nam trở thành một trong những chế độ kiểm soát chặt chẽ nhất thế giới về truyền thông, ngôn luận và đối với các công ty truyền thông xã hội.
Dẫn câu chuyện của blogger Bùi Văn Thuận, người đã lên tiếng chỉ trích nhà nước Việt Nam về mô hình “bộ đội đi chợ” khi chính quyền giao cho quân đội đảm nhận việc cung ứng thực phẩm cho người dân trong thời gian bị phong toả vì đại dịch, và ông Thuận mới đây bị bị kết án 8 năm tù và 5 năm quản chế vì tội tuyên truyền, hãng tin Reuters trích lời các nhóm nhân quyền nói đây là một cáo buộc được Việt Nam ngày càng gia tăng áp dụng cho nội dung trực tuyến trong lúc nhà nước kiểm soát internet nhiều hơn.
“Chính phủ Việt Nam từ lâu đã kiểm soát các phương tiện truyền thông truyền thống trong nước. Giờ đây họ đang cố gắng kiểm soát không gian trực tuyến”, ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói với Reuters.
Ông Robertson cho rằng Việt Nam đã thông qua một loạt luật để đạt được mục đích đó và đang triển khai bộ máy nhà nước để theo dõi mọi người trên mạng, ép buộc các nền tảng trực tuyến phải kiểm duyệt và xóa nhiều nội dung, kiểm soát truy cập internet…
Trong vài năm gần đây, bằng cáo buộc tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền”, nhà chức trách Việt Nam đã bắt giữ hàng chục nhà báo và blogger, những người chia sẻ thông tin đi ngược với ý muốn của chính quyền.
Theo Reuteurs, với việc thắt chặt các quy định xử lý nội dung mà chính quyền nói là “sai sự thật” trên các nền tảng truyền thông xã hội, trong đó có quy định buộc phải gỡ xuống trong vòng 24 giờ, đã khiến quốc gia Đông Nam Á trở thành một trong những chế độ kiểm soát chặt chẽ nhất thế giới đối với các công ty truyền thông xã hội.
Bộ Ngoại giao VN xác nhận tin nữ du học sinh Việt bị lừa bán dâm tại Đài Loan
RFA
30/12/2022
Ảnh minh họa: Tướng Công an Lương Tam Quang (trái), một nhóm người Việt lao động bất hợp pháp tại Đài Loan bị bắt hồi năm 2020 (phải)
CGA/RFA edited
Phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng vào ngày 29/12 cho biết đại diện Hà Nội tại Đài Bắc đã có những biện pháp bảo hộ cho ba lao động nữ bị lừa bán dâm rồi bị bắt ở đảo quốc này.
Thông tin vừa nêu được bà Phạm Thu Hằng đưa ra khi báo giới nêu câu hỏi về vụ việc mà Taiwan News loan đi ngày 21/12 vừa qua.
Tin cho biết vào ngày 5/12 Cảnh sát Đài Bắc phát hiện ba phụ nữ Việt cư trú bất hợp pháp. Họ thuộc nhóm 12 sinh viên nữ Việt Nam được nhà trường nơi họ theo học báo mất tích đột ngột.
Cơ quan chức năng sau đó giải cứu được ba người khi phát hiện họ đang hành nghề mại dâm tai một căn hộ ở quận Trung Sơn, Thành phố Đài Bắc. Số chín người còn lại vẫn chưa rõ tung tích.
Phó Phát ngôn nhân Pham Thu Hằng cho biết Văn phòng Kinh tế, Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết”.
Biển Đông: Chiến đấu cơ Trung Quốc áp sát máy bay Hoa Kỳ chỉ 6 mét
RFA
30/12/2022
Ảnh minh họa: Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc tại một triển lãm về hàng không ở tỉnh Quảng Đông hôm 11/11/2018
Reuters
Một chiến đấu cơ J-11 của Hải quân Trung Quốc vào tuần qua bay sát một máy bay RC-135 của Không lực Hoa Kỳ tại khu vực Biển Đông.
Reuters dẫn thông báo của Quân đội Hoa Kỳ đưa ra ngày 29/12 về vụ việc vừa nêu. Động thái của chiến đấu cơ Trung Quốc buộc máy bay Mỹ phải bay né để không xảy ra va chạm tại không phận quốc tế. Cụ thể chiến đấu cơ Trung Quốc bay cách cánh của máy bay Hoa Kỳ trong vòng 6 mét và cách mũi chừng 12 mét.
Đây là vụ mới nhất của phía Trung Quốc mà Quân đội Hoa Kỳ gọi là xu hướng ngày càng tăng hành vi nguy hiểm từ phía các máy bay của Hoa Lục trong thời gian gần đây.
Trong thông cáo, Quân đội Hoa Kỳ đưa ra kêu gọi các nước tại khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương hãy sử dụng không phận quốc tế một các an toàn và phù hợp luật pháp quốc tế.
Reuters có yêu cầu Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington DC. bình luận về thông cáo mà Quân đội Mỹ đưa ra nhưng chưa được trả lời.
Hàng loạt sai phạm của NXB Giáo Dục liên quan đến Bộ GD&ĐT được ‘moi’ ra
Lê Thiệt
29/12/2022
TTCP phát hiện nhiều sai phạm trong việc biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa – Ảnh: Người Lao Động
Từ nhiều năm nay, những sai phạm của NXB Giáo Dục liên quan đến sách giáo khoa “to bằng con voi” được dư luận chỉ ra, nhưng chẳng cơ quan chức năng nào để mắt tới.
Người ta cho rằng cũng vì tầm ảnh hưởng của ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lúc đó là Phùng Xuân Nhạ quá lớn, che phủ cả vùng trời giáo dục, khiến chẳng ai dám đụng vào, kể cả khi ông Nhạ đạt số tín nhiệm thấp nhất trong số 48 chức danh do Quốc hội bầu (28.87%) vào năm 2018.
Mãi cho đến khi ông Nhạ bị “kích” ra khỏi BCH.TƯ ĐCSVN khóa XIII năm 2021, sau đó bị “phế truất ngai vua giáo dục”, mọi sai phạm liên quan đến ông mới bắt đầu được “moi” ra.
Sai phạm đầu tiên liên quan đến sách giáo khoa của NXB Giáo Dục.
Cơ quan thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm gây lãng phí cho phụ huynh học sinh và xã hội hàng ngàn tỷ đồng. Nhiều sai phạm cho thấy Bộ GD-ĐT cấu kết với NBX đánh lừa học sinh phải mua những bộ sách không bắt buộc như một phần trách nhiệm, đồng thời tăng giá vô tội vạ các đầu sách này.
Việc chọn nhà thầu cung cấp giấy in cũng có vấn đề, khi Công ty Cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng được lựa chọn cung cấp chiếm 83.1% số lượng giấy của NXB, tương ứng số tiền hơn 1,890 tỉ đồng. Kiểm tra xác suất một hợp đồng giấy in cho thấy giá giấy in của công ty này bán cho NXB cao bình quân gấp khoảng 1.7 lần giá giấy công ty này nhập khẩu trực tiếp, tương ứng số tiền chênh lệch hơn 210 tỉ đồng.
“Thành tích” của ông Nhạ “ngọng”
Qua thanh tra cho thấy NXB Giáo Dục có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh; xây dựng giá để đăng ký sai so với hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có dấu hiệu vi phạm quy định về đăng ký giá SGK.
Căn cứ kết quả thanh tra, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chuyển thông tin hai nội dung sang Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định.
Thứ nhất, nội dung hướng dẫn sử dụng sách bài tập, sách tham khảo có dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước với Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.
Thứ hai, nội dung lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất SGK theo phương thức chào hàng cạnh tranh của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có nhiều dấu hiệu bất thường, chưa bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Ngoài ra, dù không chỉ đích danh ông Phùng Xuân Nhạ, TTCP đề nghị làm rõ vai trò của ông cựu bộ trưởng Bộ GD-ĐT trước những sai phạm mang tính hệ thống trong nhiệm kỳ của ông ta.
Du khách Nga ‘bỏ’ Việt Nam sang Thái, du lịch Việt gặp khó năm 2022
29/12/2022
Du khách Nga sang Việt Nam năm 2022 giảm gần 94% so với trước khi xảy ra đại dịch vào năm 2019.
Du khách Nga, một trong những thị trường du khách tiềm năng của ngành du lịch Việt Nam, trong năm qua đã tránh điểm đến Việt Nam và đổ sang các điểm đến khác trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc Việt Nam ngừng các chuyến bay trực tiếp đến Nga giữa bối cảnh chiến tranh Nga – Ukraine và sự hấp dẫn của các điểm đến đối thủ trong khu vực, theo Reuters.
Dữ liệu chính thức công bố của Việt Nam hôm 29/12 cho thấy chưa đến 40.000 người Nga đến Việt Nam vào năm 2022, giảm gần 94% so với khoảng 650.000 người trước khi xảy ra đại dịch vào năm 2019. Con số này chưa bằng một nửa số du khách Nga đến Thái Lan chỉ trong tháng 11, với 108.985 lượt khách Nga, gấp đôi so với tháng 10 và gấp 7 lần so với tháng 9.
Ngành du lịch Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn trong năm nay, với chỉ 3,6 triệu lượt khách so với 18 triệu lượt vào năm 2019, chủ yếu do nhu cầu du lịch toàn cầu thấp hơn và chính sách nhập cảnh của Việt Nam bị cho là hạn chế hơn so với các nước láng giềng.
Trong năm 2019, ngành du lịch đã giúp Việt Nam thu vào khoảng 12 tỷ đô la.
Ngoài thị trường Trung Quốc, nơi du lịch sụt giảm do các quy định hạn chế đại dịch, thị trường khách Nga bị giảm đi nhiều nhất trong số các thị trường du lịch chính của Việt Nam vào năm 2022.
Reuters dẫn nguồn từ một trong những công ty lữ hành lớn nhất của Việt Nam đối với thị trường Nga cho biết công ty này ngừng tập trung vào Nga “do giai đoạn nhạy cảm” và vì nhu cầu sụt giảm.
Theo dữ liệu năm 2019 từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, mặc dù du khách Nga không phải là khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất, nhưng nhóm du khách này lại chi tiêu nhiều hơn so với du khách từ các quốc gia khác, trung bình khoảng 1.830 USD/lượt/người. Con số này cao hơn gấp đôi so với chi tiêu của người Nhật và cao hơn mức trung bình 1.021 đô la từ du khách Trung Quốc.
Nga và Việt Nam có mối quan hệ lâu đời từ thời Liên Xô, nhưng tác động của chiến tranh Ukraine và việc thiếu các chuyến bay trực tiếp từ Moscow, cộng với thị thực nhập cảnh chỉ giới hạn 15 ngày, là những yếu tố được coi là cản trở du khách Nga.
Hãng hàng không nhà nước Vietnam Airlines hồi tháng 3 đã đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Nga với lý do bảo hiểm máy bay và để “tránh các rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra” giữa bối cảnh chiến tranh Nga - Ukraine.
Đầu năm nay, Việt Nam đã nối lại đường bay thẳng đến Hoa Kỳ, Anh, Australia và một số thị trường lớn khác.
Ngày 21/12, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức một hội nghị nhằm thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Tại hội nghị này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp du lịch đề xuất các giải pháp để giải quyết những khó khăn trước mắt, nhanh chóng thu hút khách quốc tế trong mùa cao điểm năm nay, nhằm tránh tình trạng “đi trước về sau” trong lĩnh vực du lịch.
Anh và UNICEF hỗ trợ trang thiết bị y tế cho Việt Nam
29/12/2022
Một văn phòng của UNICEF.
Đại sứ quán Anh hôm 29/12 cho biết rằng cơ quan ngoại giao này và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) mới đây đã trao tặng trang thiết bị y tế trị giá 500.000 bảng Anh cho Bộ Y tế Việt Nam nhằm hỗ trợ phục hồi hệ thống y tế.
Theo Đại sứ quán Anh, trang thiết bị bao gồm 500 máy theo dõi bệnh nhân và 500 bơm tiêm điện tự động mà Bộ Y tế sẽ “sớm phân bổ” đến các bệnh viện và cơ sở y tế có nhu cầu trên cả nước.
Đại sứ quán Anh nói rằng sự hỗ trợ này “thể hiện tình hữu nghị”, đồng thời hy vọng “góp một phần nhỏ” vào công cuộc phục hồi sau đại dịch của Việt Nam.
Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Iain Frew, bày tỏ hy vọng rằng “những trang thiết bị y tế này thể hiện được sự hỗ trợ lâu dài, vừa thiết thực, vừa mang giá trị tinh thần của Vương quốc Anh dành cho các bệnh nhân và y bác sĩ Việt Nam tại những khu vực dễ bị tổn thương nhất nhằm vượt qua khó khăn, đặc biệt là về y tế”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế Việt Nam để củng cố và hỗ trợ phục hồi hệ thống và dịch vụ y tế tại Việt Nam”, ông nói thêm, theo Đại sứ quán Anh.
Trong khi đó, Quyền Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam, ông Ziad Nabulsi, nói rằng “các thiết bị do chính phủ Anh hỗ trợ sẽ góp phần to lớn vào nỗ lực không ngừng giữ cho Việt Nam an toàn trước sự bùng phát của COVID-19 cũng như củng cố hệ thống y tế hậu COVID”.
“Mặc dù hệ thống y tế của Việt Nam đã dần được cải thiện, thể hiện rõ qua khả năng ứng phó mạnh mẽ với COVID-19, nhưng Việt Nam vẫn cần sự hỗ trợ từ các đối tác – đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa và vùng khó tiếp cận. UNICEF cùng với các đối tác sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ củng cố hệ thống y tế của Việt Nam”, ông Nabulsi nói, theo Đại sứ quán Anh.
Trong khi xảy ra đại dịch COVID-19, tin cho hay, Anh là một trong những quốc gia đi đầu trong việc viện trợ vắc-xin cho Việt Nam, với hơn 2 triệu liều vắc-xin Oxford/AstraZeneca COVID19.
Theo Đại sứ quán Anh, hợp tác y tế Việt Nam - Vương quốc Anh “còn trải rộng” trên các lĩnh vực về kháng kháng sinh, bệnh không truyền nhiễm, giáo dục y khoa và y tế số.
Cháy sòng bạc ở Campuchia, ít nhất 19 người chết, nhiều người mất tích
29/12/2022
Lính cứu hỏa và nhân viên cứu hộ tại hiện trường vụ cháy khách sạn-sòng bạc Grand Diamond City ở Poipet, Campuchia, ngày 29/12/2022. (Ảnh AFP)
Ít nhất 19 người thiệt mạng và 30 người mất tích sau khi một đám cháy lớn thiêu rụi khu phức hợp khách sạn-sòng bạc ở một thị trấn Campuchia giáp biên giới Thái Lan, giới hữu trách cho biết hôm thứ Năm 29/12.
Khoảng 400 nhân viên và khách đang ở trong khách sạn-sòng bạc Grand Diamond City ở thị trấn Poipet khi ngọn lửa bùng phát vào khoảng nửa đêm và có tới 30 người vẫn mất tích.
"Số người chết có thể lên tới hơn 20," Sek Sokhom, người đứng đầu sở thông tin tỉnh Banteay Meanchey cho biết, và nói rằng ít nhất 60 người đã bị thương.
Một đoạn video cho thấy ngọn lửa được khống chế vào chiều thứ Năm và một nhóm nhân viên ở cầu thang thoát hiểm của tòa nhà đeo mặt nạ phòng độc và mũ chống cháy trước khi bước vào hành lang đầy khói.
Khieu Sopheak, phát ngôn viên của Bộ Nội vụ, trước đó cho biết không rõ có bao nhiêu người vẫn còn bên trong tòa nhà đã cháy thành than.
Một phần quan trọng trong ngành du lịch của Campuchia, vốn là ngành quan trọng đối với nền kinh tế của nước này, các casino ở thủ đô Phnom Penh và ở biên giới với Việt Nam và Thái Lan là nhưng điểm thu hút du khách từ các quốc gia châu Á cấm đánh bạc.
Các sòng bạc ở Poipet đặc biệt phổ biến với du khách Thái Lan, vì đánh bạc là bất hợp pháp chỉ có các sòng bạc không có giấy phép hoạt động chui ở Thái Lan.
Nhà chức trách Thái cho biết ít nhất 25 người đang được điều trị tại các bệnh viện ở tỉnh biên giới Sa Kaeo của Thái Lan.
Chính quyền tỉnh cho biết một người Thái đã qua đời trong bệnh viện và 70% các nạn nhân nhập viện có triệu chứng ngạt khói.
(Theo Reuters)
Thân nhân bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn nói không rõ bà này đang trốn ở đâu
RFA
29/12/2022
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC
AIC Group/KH&ĐS
Luật sư đại diện cho Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang trốn truy nã vào ngày 29/12 trình bày trước tòa rằng thân nhân bà này không rõ hiện bà đang ở đâu.
Tuy nhiên gia đình cũng đã gửi cho Tòa các bằng khen, huy chương do các bộ, ban ngành thưởng cho bản thân bà Nhàn, cũng như các huân chương, huy chương kháng chiến của cha mẹ bà Nhàn.
Truyền thông Nhà nước loan tin cho biết thêm gia đình bà Nhàn đề nghị Tòa áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Vụ án thông thầu giữa lãnh đạo Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) của chủ tịch đang trốn truy nã Nguyễn Thị Thanh Nhàn và lãnh đạo Đồng Nai tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh được bắt đầu xét xử tại Tòa Hà Nội ngày 21/12 theo như kế hoạch đề ra.
Dù có nhiều kêu gọi ra đầu thú nhưng chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Nhàn và bảy người trong cùng vụ đang trốn truy nã không có mặt tại phiên xử. Những người trốn truy nã khác gồm Trần Mạnh Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty AIC; Đỗ Văn Sơn, cựu kế toán trưởng Công ty AIC; Nguyễn Thị Sen, cựu giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế và Môi trường; Nguyễn Thị Tích, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mopha; Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH kinh doanh trang thiết bị y nha khoa Việt Tiên; Nguyễn Đăng Thuyết, cựu giám đốc Công ty TNHH Thành An Hà Nội; Đỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quốc tế Cát Vân Sa.
Không có nhận xét nào