Thu Hằng /RFI
Ảnh minh họa: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 04/11/2021. AP - Lewis Joly
Tại diễn đàn APEC ở Bangkok (Thái Lan) vào trung tuần tháng 11/2022, nơi ông Emmanuel Macron là tổng thống châu Âu duy nhất được mời tham dự, nguyên thủ Pháp đã quảng bá chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp. Trước đó, ông Macron đã gặp rất nhiều nhà lãnh đạo trong vùng bên lề thượng đỉnh G20. Sau đó, đến lượt bộ trưởng Quốc Phòng Pháp đến Indonesia.
Có thể thấy hàng loạt hoạt động ngoại giao của Paris trong thời gian gần đây cho thấy khu vực Đông Nam Á giữ vị trí quan trọng trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương được Paris công bố năm 2018. Việc lần đầu tiên, một tổng thống Pháp và cũng là nguyên thủ châu Âu đầu tiên được mời dự thượng đỉnh APEC là một thành công của ngành ngoại giao Pháp trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, hiện trở thành « một ưu tiên đối với Pháp ».
Trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt ngày 01/12/2022, giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud, Đại học Paul-Valéry Montpellier, đánh giá những hoạt động ngoại giao cấp cao gần đây ở Đông Nam Á cho thấy « sự liên tục trong chính sách của Pháp » đối với một khu vực « ngày càng có vị trí trung tâm trong nền kinh tế, trong các vấn đề chiến lược của thế giới đương đại ». Liệu Việt Nam sẽ có vai trò nào đó trong chiến lược của Pháp không ? Việt Nam có lợi ích gì từ chiến lược này ?
RFI : Tổng thống Emmanuel Macron gặp đồng nhiệm Indonesia, nước chủ tịch luân phiên G20 tại Bali. Sau đó, bộ trưởng Quốc Phòng Pháp đến Jakarta họp với đồng nhiệm Indonesia. Dường như Paris hiện nhấn mạnh đến « sự gắn bó chiến lược đang được hình thành giữa Pháp và Indonesia », đối tác quân sự quan trọng nhất của Paris ở trong vùng ?
GS. Pierre Journoud : Đúng, Indonesia là một đối tác quan trọng, có thể là quan trọng nhất, không chỉ riêng trong lĩnh vực quân sự, mà có lẽ còn do trọng lượng của nước này : đông dân nhất khu vực với 276 triệu dân, là quần đảo lớn nhất thế giới. Indonesia có chính sách đối ngoại tương đối cân bằng từ trước đến giờ. Đây là nước duy nhất tham gia G20, do đó hai tổng thống Pháp và Indonesia đã gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20 ở Bali.
Indonesia là một quốc gia quan trọng, then chốt, từ lâu đã có ảnh hưởng lớn trên thế giới, cụ thể là từ Hội nghị Bandung năm 1955, khởi nguồn cho phong trào không liên kết 1961 cho đến Hội nghị Paris chấm dứt cuộc xung đột giữa Việt Nam và chế độ Khmer đỏ Cam Bốt - ở Pháp gọi là « chiến tranh Đông Dương lần thứ 3 » - trong đó Indonesia đóng vai trò quan trọng. Vì thế, đối với Pháp, phát triển mối quan hệ với một đất nước lớn ở Đông Nam Á không phải là điều gì mới, trong khi nước này cũng muốn giữ vai trò ngoại giao lớn hơn. Indonesia và Pháp cũng kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Indonesia cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Pháp năm 2011, tăng cường quan hệ trong nhiều lĩnh vực, từ quốc phòng đến kinh tế và văn hóa. Sau đó, Pháp ký thỏa thuận tương tự với Singapore năm 2012 và với Việt Nam năm 2013.
RFI : Việt Nam có thể có vai trò nào đó trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp không ?
GS. Pierre Journoud : Về câu hỏi này, có thể thấy hai thực trạng. Trước tiên là những điểm yếu. Không thể phủ nhận là hai nước chúng ta không hẳn phát triển được một số lĩnh vực, như kinh tế, thương mại. Đây là điểm yếu chính trong mối quan hệ giữa hai nước và cần phải được nhìn thẳng, cải thiện theo thời gian. Dù trao đổi đã tăng, Pháp vẫn chưa chiếm thị phần lớn ở Việt Nam và ngược lại. Cho nên, hai nước còn có rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp. Có thể họ chưa biết rõ Việt Nam, nên cần khuyến khích họ đầu tư và phát triển trao đổi, quan hệ với các đối tác Việt Nam.
Ngược lại, hai quốc gia có mối quan hệ chính trị rất tốt vì thường xuyên có những chuyến thăm cấp cao, thậm chí là cấp Nhà nước, dĩ nhiên trừ giai đoạn dịch bệnh. Hợp tác tác phi tập trung, giữa các vùng, tỉnh, đô thị của hai nước cũng rất quan trọng, đa dạng và có từ lâu. Đây là một lợi thế không thể phủ nhận. Ngoài ra còn phải kể đến mối quan hệ văn hóa song phương có từ rất lâu, rất mạnh, nhưng cũng cần được cải thiện, đặc biệt trong lĩnh vực ngôn ngữ.
Từ những ưu điểm nói trên, dù hiện chưa phải là ưu tiên của tổng thống Pháp, nhưng tôi hy vọng rằng mối quan hệ đó đủ vững mạnh để ông đến Việt Nam trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương năm 2023. Chúng tôi đang chuẩn bị một số sự kiện văn hóa, học thuật… cho sự kiện này. Ông Macron được mời thăm Trung Quốc, và nếu ông đi, cũng có thể hy vọng là ông sẽ đến Việt Nam vào dịp này. Nếu không, cũng hy vọng là ông công du Việt Nam trước khi hết nhiệm kỳ để cho thấy rằng Việt Nam là một quốc gia quan trọng, không chỉ trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp với những lý do tôi nêu ở trên, mà còn vì cả Pháp và Việt Nam đều có lợi khi phát triển mối quan hệ song phương tốt đẹp, cho dù vẫn còn nhiều điểm yếu cần cải thiện.
RFI : Việt Nam có thể bị rơi vào thế tế nhị khi nghiêng thêm về phía Pháp, nhất là về mặt quân sự ?
GS. Pierre Journoud : Tôi không tin điều đó lắm, vì chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp không thể so sánh được với chiến lược của Mỹ. Thứ nhất, cả hai nước không có phương tiện như nhau. Một bên là một siêu cường quốc tế, bên kia có thể nói là một cường quốc cấp vùng muốn có vai trò trên thế giới.
Điều có vẻ trấn an là chiến lược hiện nay của Paris trung thành về mặt lịch sử với những chiến lược được các tổng thống Pháp phát triển trước đó, trong những bối cảnh khác nhau. Ví dụ tướng De Gaulle đối mặt với « Chiến tranh Việt Nam » và ông đã cố giữ vai trò ngoại giao để tạo điều kiện thoát khỏi khủng hoảng. Tôi nghiên cứu về chủ đề này trong nhiều năm và điều làm tôi ngạc nhiên là sự năng động của ngành ngoại giao Pháp, có thể là do còn bị ám ảnh, đã giúp các bên xung đột để tìm ra các giải pháp ngoại giao hoặc chính trị-quân sự để thoát khỏi cuộc chiến.
Tôi nghĩ tổng thống Macron hiện nay hoàn toàn trung thành với khái niệm truyền thống này của ngành ngoại giao Pháp. Ngoại giao Pháp không đi theo hướng xung đột giữa các khối mà đề xuất « con đường thứ ba », cụm từ cũng thường được ông Macron sử dụng. Có thể đây là khái niệm thứ hai về một « cường quốc tầm trung ». Nếu như Pháp có tham vọng trở thành một cường quốc tầm trung và có thể mở ra « con đường thứ ba » cùng với những nước khác, thì Việt Nam yên tâm.
Chúng ta vẫn biết là Việt Nam không thể cắt đứt với Trung Quốc, mà ngược lại, rất gần gũi với nước láng giềng phương Bắc. Hai nước hiểu rõ nhau, có mối quan hệ trong mọi lĩnh vực và Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tôi nghĩ là Pháp không thể và không có ý định tách rời hai nước này mà ngược lại, có thể sẽ tìm được cách hành động để đóng vai trò cân bằng và tránh rơi vào kịch bản gần như kiểu Chiến tranh lạnh. Điều đó sẽ dẫn đến đối đầu hoặc cạnh tranh, như tình hình rất căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngoài ra, chúng ta cũng thấy Biển Đông là khu vực có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam và những nước khác trong vùng, trong khi Trung Quốc lại có những đòi hỏi, hoạt động hàng hải và hải quân nhiều lần đặt Việt Nam và các nước lân cận như Philippines, Indonesia vào thế vô cùng khó xử. Do đó, tôi hy vọng châu Âu, đặc biệt là Pháp, có thể đóng vai trò hữu ích trên phương diện ngoại giao, cũng như về kinh tế và văn hóa để tránh cho một đất nước, như Việt Nam, bị cuốn theo cuộc đối đầu Mỹ-Trung, và rơi vào thế trở thành con tin.
Có thể thấy sự năng động của tổng thống Pháp hiện nay, dù ông không phải là người đầu tiên đề xuất, nhưng ông có vẻ kiên định với đường lối ngoại giao này. Tôi cho rằng những phát biểu của ông Macron khiến một nước như Việt Nam yên tâm. Tôi không nghĩ là Việt Nam có thể bị rơi vào thế tế nhị khi kết hợp mật thiết hơn với Pháp bởi vì Paris không theo hướng đối đầu, dù là với Trung Quốc hay Hoa Kỳ, một đồng minh truyền thống của Pháp.
RFI : Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp, cũng như chiến lược của Mỹ, nhằm mục đích khống chế sức mạnh và sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong vùng ?
GS. Pierre Journoud : Có và không. Như vừa nói ở trên là chiến lược của Pháp không phải chỉ nhắm vào mỗi Trung Quốc nhưng có thể đó là một ưu tiên. Mỹ và các nước phương Tây khác đều bận tâm, không chỉ về sức trỗi dậy của Trung Quốc mà còn về một số bất đồng giữa Bắc Kinh và phương Tây nói chung (Trung Quốc ủng hộ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraina, bất đồng về số phận của người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tận Cương bị « truy bức » và chính sách ngoại giao « chiến lang »…). Có thể thấy căng thẳng vẫn tái diễn phần nào nhưng Pháp không theo đường lối của Mỹ - hiện giờ là như vậy. Paris muốn khác, như tôi vừa nói là Pháp không có đủ điều kiện về quân sự và tài chính như Hoa Kỳ.
Ngoài ra, cần lưu ý là Pháp cũng có lợi ích riêng ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Chiến lược đó của Pháp nhằm kiềm chế một chút « nhiệt huyết » của Trung Quốc ở trong vùng nhưng cũng nhằm bảo vệ tốt hơn những lợi ích kinh tế, văn hóa và người dân Pháp vì Pháp có nhiều vùng lãnh thổ trong vùng, như Polynésie, Nouvelle Calédonie, Wallis và Futuna ở Thái Bình Dương. Cũng cần nhắc lại rằng Pháp cũng là láng giềng của Trung Quốc, thông qua các vùng đặc quyền kinh tế vì Pháp đứng thứ hai thế giới về diện tích các vùng đặc quyền kinh tế.
Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương được tổng thống Macron công bố năm 2018. Chúng ta biết rõ trong quan hệ quốc tế, cần có thời gian để thấy được hiệu quả của một chiến lược. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Pháp có phương tiện nào về nguồn lực, tài chính, kinh tế và quân sự có thể tác động đến khu vực rộng lớn này. Đây chính là điểm mà tôi thắc mắc vì khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương rất rất lớn về mặt địa lý : Liệu có hơi quá tham vọng với một nước như Pháp trong khi không có nhiều khả năng tài chính như Mỹ hay Trung Quốc ? Theo tôi, chiến lược này dù sao vẫn thích đáng nếu bao trùm được cả về chính trị, quân sự và đặc biệt là về kinh tế, văn hóa.
Tôi cũng cho rằng Pháp có khả năng đáng kể về vai trò ngoại giao trong việc giải quyết một số xung đột trong vùng. Ví dụ trường hợp Biển Đông, tôi ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu và Pháp đóng vai trò lớn hơn, không phải về quân sự, bởi vì châu Âu có một chính sách ngoại giao quốc phòng khá tích cực nhưng theo tôi, có vẻ vẫn chưa đủ. Do đó, cần phải gia tăng, tăng cường vai trò của ngành ngoại giao châu Âu về khả năng giải quyết các cuộc xung đột phức tạp, từ lâu và có thể xấu đi, đặc biệt là ở Biển Đông hay Đài Loan.
Nhìn từ quan điểm đó, tôi nghĩ rằng ngành ngoại giao có thể làm tốt hơn nữa, phối hợp nhiều hơn với các tác nhân, không hẳn là ngoại giao, mà ví dụ như với các chuyên gia, giảng viên đại học hoặc đại diện xã hội dân sự để cùng cố tìm ra được giải pháp cho những xung đột có thể xấu đi hoặc cản trở nền kinh tế, quan hệ chính trị giữa các nước trong vùng. Hy vọng sẽ thấy được vai trò lớn hơn của ngành ngoại giao Pháp trong những lĩnh vực này.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud, Đại học Paul-Valéry Montpellier, Pháp.
Giáo sư Pierre Journoud vừa cho xuất bản tập nghiên cứu của nhiều tác giả La Mer de Chine méridionale au prisme du soft power (Nouvelles approches franco-vietnamiennes d'un vieux conflit maritime) (tạm dịch : Biển Đông qua lăng kính quyền lực mềm (Những cách tiếp cận Pháp-Việt mới đối với một cuộc xung đột hàng hải cũ), NXB L'Harmattan.
Không có nhận xét nào