Saturday, January 4.

Header Ads

banner_Vietnam-4
  • Breaking News

    Cát Tường – Việt Nam: Giấc mơ độc lập… chính trị

    VNTB

    30/12/2022

    .com/

    Thẩm phán buộc phải trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng sản Việt Nam.

    Độc Đảng dẫn đến độc tôn nên tư pháp khó thể độc lập

    Ở Việt Nam chỉ có một đảng cầm quyền, vậy thì độc lập chính trị được hiểu ra sao và sẽ phải như thế nào để vẫn giữ vai trò độc tôn Hiến định của Đảng Cộng sản Việt Nam?

    Lý thuyết trên giảng đường trường luật cho biết, ngành tư pháp không có thế lực của tiền tài cũng như của vũ khí. Ngành tư pháp không thể điều động quân đội hay cảnh sát để thi hành các điều lệnh của mình, và cũng không có quyền phong tỏa ngân sách của các ngành kia.

    Tất cả những gì mà ngành tư pháp có thể làm được là chứng tỏ mình độc lập về chính trị, và muốn bảo vệ quyền công dân tới mức mà cả các nhà chính trị lẫn dân chúng đều tự cảm thấy là phải tuân theo phán xét của ngành tư pháp.

    Như vậy, muốn cho ngành tư pháp có thể có tiếng nói không thiên vị, không sợ hãi, muốn cho ngành tư pháp được thực sự độc lập thì nó phải được thành lập ngoài quyền kiểm soát của hai ngành kia. Vì vậy nên mới có quy định việc thành lập toà tối cao.

    Nhìn từ bài học tư pháp độc lập xứ Cờ Hoa

    Ghi nhận từ Hoa Kỳ cho biết Hiến pháp xứ này giao cho Quốc hội nhiệm vụ thành lập các tòa liên bang cấp dưới; thẩm phán của các tòa này do tổng thống bổ nhiệm với sự chấp thuận của Thượng viện.

    Quốc hội đầu tiên đã thiết lập hệ thống tư pháp liên bang đó, bao gồm các tòa xử án và các tòa kháng cáo cấp trung gian; trên hết là tòa tối cao tức là tòa phúc thẩm cấp cao nhất.

    Thẩm phán tại tòa liên bang các cấp đều được bổ nhiệm suốt đời (và theo luật thì không được giảm tiền lương của thẩm phán). Vì vậy các tư pháp không sợ bị bãi nhiệm nếu họ đưa ra một phán xét mà mọi người không ưa thích.

    Một vị thẩm phán có thể tự ý ra khỏi ngành tư pháp để làm việc khác hay từ chức thẩm phán để ra tranh cử (tuy nhiên việc này ít xảy ra). Một thẩm phán ở tòa liên bang cấp dưới có thể mong muốn được bổ nhiệm vào tòa ở cấp cao hơn. Nhưng một thẩm phán cũng có thể đưa ra các phán quyết và luôn luôn biết chắc là dù phán quyết đó có thể làm cho các nhà chính trị hay dân chúng phẫn nộ như thế nào chăng nữa thì chức vụ của họ vẫn được bảo đảm suốt đời.

    Nói như trên thì có vẻ nghịch lý.

    Một mặt thì các thẩm phán được bổ nhiệm để bảo đảm là ý muốn của nhân dân, thể hiện trong Hiến pháp, là trên hết. Mặt khác, khi được bổ nhiệm suốt đời lại có nghĩa là thẩm phán có thể đưa ra các phán quyết mà nhân dân cho là sai và đi ngược lại ý muốn của quần chúng. Hơn nữa, nếu thẩm phán lại do tổng thống và cơ quan lập pháp bổ nhiệm thì phán quyết của thẩm phán có thể phản ánh ý thích của đảng phái nhiều hơn là ý nguyện của đa số hay các điều chỉ đạo của hiến pháp chăng?

    Hỏi như trên tức là đặt ra vấn đề xem việc bổ nhiệm thẩm phán trên thực tế thực hiện như thế nào?

    Năm 1953, khi tổng thống Hoa Kỳ Dwight Eisenhower bổ nhiệm Earl Warren làm chánh thẩm tòa tối cao, tổng thống biết là ông Warren trước kia, khi là bộ trưởng tư pháp tại California, chính là người đã chủ trì việc đưa các người Mỹ gốc Nhật tại bang này vào trại tập trung trong Thế chiến 2; ông cũng là một công tố viên và một thống đốc rất cứng rắn đối với vấn đề phạm tội và các tội phạm.

    Nhưng khi làm chánh thẩm tòa tối cao ông Warren đã giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tòa tối cao nhất trí chấp thuận quyết định tuyên bố việc cách ly chủng tộc trong các trường công là trái hiến pháp. Và trong những năm 1960, phần lớn cũng do ảnh hưởng của ông Warren mà tòa tối cao đã giải thích hiến pháp theo nghĩa bắt buộc phải có hệ thống để bảo vệ các người bị truy tố chặt chẽ hơn thường lệ khi các người này được đưa ra xét xử bởi hệ thống tư pháp hình sự.

    Khi tòa tối cao dưới thời ông Warren bác bỏ cái truyền thống cho dân trong vùng nông thôn có ảnh hưởng hơn dân thành thị trong các cuộc bầu cử đại diện các viện lập pháp, có người nói rằng điều này đã làm tổng thống Eisenhower tức giận đến nỗi ông nói rằng nếu biết như vậy thì ông đã chẳng bao giờ đề cử Warren làm chánh thẩm.

    Lý do khiến cho ông Warren đưa ra những phán quyết như vậy một phần cũng là do tính của ông, nhưng sự kiện hình như ông đã thay đổi triết lý cai trị cũng phản ánh một hiện tượng người ta thấy rõ trong cuộc đời sự nghiệp của nhiều vị thẩm phán tòa tối cao.

    Có nhiều vị đã từng làm việc trong các chức vụ dân cử; tại các chức vụ này vì phải làm hài lòng cử tri và vì phải tái tranh cử nên họ đã phải tập trung vào các vấn đề chính trị địa phương. Đó là điều mà các nhà soạn thảo hiến pháp muốn tránh bằng cách đặt ra chức vụ thẩm phán bổ nhiệm trọn đời.

    Các vị thẩm phán khác thì đã làm thẩm phán tại tòa tiểu bang, là nơi không cần phải giải thích hiến pháp liên bang, hay tại tòa liên bang cấp dưới, là nơi mà họ biết chắc rằng nếu họ hiểu sai hiến pháp thì đã có tòa tối cao sửa lại.

    Tuy nhiên, khi đã lên tới tòa tối cao thì các thẩm phán không còn phải chiều theo ý thích nhất thời của quần chúng hay của một đảng phái chính trị nào nữa. Các vị thẩm phán ý thức được ngay rằng họ là những người trọng tài tối hậu của đạo luật cơ bản của quốc gia – không còn có tòa nào cao hơn để sửa lại những lỗi lầm của họ – do đó họ thường suy nghĩ theo đường hướng mới về những lời cao xa trong Hiến pháp để suy ra ý nghĩa và đường lối hành động được gọi là bao hàm trong Hiến pháp.

    Quyền lực của Bí thư Đảng đã cản trở “tư pháp độc lập”

    Ở Việt Nam, để được bổ nhiệm là thẩm phán, yêu cầu mang tính mặc định đó là phần tiêu chuẩn chính trị buộc phải trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng sản Việt Nam.

    Theo điều 4 của Hiến pháp thì Đảng Cộng sản Việt Nam là toàn quyền lãnh đạo mọi mặt, từ lập pháp đến hành pháp và cả tư pháp. Như vậy, vị thẩm phán buộc phải nghe theo lời Bí thư chi bộ Đảng cấp cơ sở cho đến cấp ngành, và dĩ nhiên là theo khuôn phép cao nhất của Đảng cấp trên nhất là Bộ Chính trị.

    Với những điều tóm tắt như trên về quyền lực của thẩm phán trong ngành tư pháp ở Việt Nam, thử hỏi làm sao có được sự độc lập dù là tương đối khi mà trong một số xét xử, về mặt thủ tục thường yêu cầu “thỉnh thị án” từ những quan chức cấp vừa đến cao trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

    Ban Nội chính Trung ương là một đơn cử cho quyền lực nhân danh Bộ Chính trị đối với các vấn đề liên quan “tư pháp độc lập” đang là giấc mơ cổ tích tiếp tục bước sang năm mới 2013.

    https://vietnamthoibao.org


    Không có nhận xét nào