Nguyên bản tiếng Anh: The Raid
Nhà xuất bản: Harper - Row Publishers Tác giả: Benjamin F.Schemmer
Người dịch: Lê Trọng Bình - Lâm Hải Hồ
P2
CHƯƠNG II
MỘT VÙNG BÍ HIỂM TẠI CĂN CỨ FORT BELVOIR, BANG VIRGINIA
Cách xa nhà Nhà Trắng khoảng 20 cây số, trên bờ sông Potomac, ở phía nam dãy núi Virginia, có một khu nhà được bảo vệ vững chắc. Đó là trụ sở của tổ chức tình báo hoạt động trên mặt đất, cơ quan FAG 1127 của không quân Hoa Kỳ tại căn cứ Fort Belvoir, thuộc tiểu bang Virginia.
Nơi ấy ít người được biết đến, bên trong là hàng rào với những vòng xích khóa chặt. Ngôi nhà 1127, ngăn cách với trung tâm kỹ thuật của quân đội. Ở phần phía bắc có một dải đất rộng 9237 héc-ta, bên trong cổng có tấm biển đề: “Đơn vị hoạt động mặt đất của không lực Hoa Kỳ 1127”
Những người bạn của quân nhân Mỹ đến đây làm việc, thường phàn nàn với nhau rằng: “Tại sao chúng ta lại phải dùng đến cái chuồng to như thế này, để nhốt anh chàng kỳ quặc 1127 của không lực?”.
1127 thật sự là một đơn vị kỳ lạ, một kết hợp của những nhóm tình báo đặc biệt, nhằm tiến hành những hoạt động tình báo đặc biệt, nhằm tiến hành những hoạt động trên khắp thế giới, để thu thập tình báo từ những nguồn tin do con người. Người của 1127 là những chuyên viên tin cậy có nhiệm vụ khai thác người Nga đào ngũ, những binh sỹ Bắc Việt bị bắt ở miền Nam Việt Nam, hoặc bất cứ ai có thể khai báo hoặc tiết lộ những bí mật.
Đơn vị 1127 có một bộ phận gọi là giải thoát tù binh. Nó tiến hành thu thập tình hình ở những tù binh Mỹ và phác họa những kế hoạch giúp những phi công bị địch bắn rơi trốn thoát khỏi sự bắt bớ hoặc thoát trại tù. Các thành viên của ngành này là những tù nhân trước đây, họ làm việc rất đắc lực, nhưng cũng bị ruồng rẫy. Theo họ cho biết có trên 462 tù binh Mỹ ở Đông Nam Á – có tới 80% số tù binh này bị giam giữ ở Bắc Việt Nam, mà một nửa là phi công. Nhiều người trong số này cũng có thể là tù binh lúc hành sự. Có tới 970 người Mỹ khác bị mất tích, một vài tù binh đã bị giam trên 2000 ngày, lâu hơn bất cứ người Mỹ nào bị bắt giam trong lịch sử chiến tranh Hoa Kỳ.
Hôm ấy là thứ bảy ngày 9-5-1970, mười hai ngày trước đó, Tổng thống Nixon đã ra lệnh xâm nhập Campuchia. Đó là một ngày không vui, sinh viên lại biểu tình chống chiến tranh, lính bảo vệ quốc gia đã bắn chết 4 người và mười một sinh viên khác bị thương. Ngày hôm sau đã có 75.000 người biểu tình chống chiến tranh trước Nhà Trắng mà Sở An ninh đã quyết định bao vây họ bằng hàng rào xe bus.
Sáng sớm ngày thứ bảy hôm đó Tổng thống Nixon trải qua một đêm không ngủ đã được chở đến đài kỷ niệm Lincoln để tìm hiểu việc sinh viên phản chiến.
Dưới bầu trời âm u, mưa phùn, Tổng thống đã nói chuyện về bóng đá, rồi về chiến tranh. Cuộc đàm thoại kéo dài gần một tiếng. Cuối ngày đó, hai phụ tá của Kissinger cũng phản đối chiến tranh, bằng việc xin từ chức khỏi ban nhân viên Hội đồng an ninh quốc gia.
Cuộc xâm lược Campuchia gây ra chia rẽ nước Mỹ. Cả nước Mỹ đòi hỏi vấn đề tù binh và những người mất tích lúc hành sự. Ai ai cũng muốn cho những người này được trở về, nhưng không có nhiều triển vọng.
Tại Hội đàm Paris đại biểu Bắc Việt cho biết rõ, tù binh Mỹ là những con tin, họ chỉ được trả tự do khi Hoa Kỳ rút hết lực lượng quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam. Chương trình triệt thoái quân đội của Nixon đang xúc tiến, nhưng vẫn còn 428.000 quân Mỹ ở Đông Nam Á. 9.200 người trong số bị chết trước tháng 5; 4.290 người khác bị thương trong khi hành sự, khoảng 2.000 người bị cầm tù, cộng thêm 250 người nữa bị mất tích.
Điều quan tâm nhất của Lầu Năm Góc là tìm kiếm các thông tin về những nơi giam giữ tù binh Mỹ. Đó cũng là nhiệm vụ hàng đầu của tình báo quốc gia.
Cộng đồng tình báo đã thu thập được hàng chồng tin tức từ các nguồn khác nhau, song chưa có những tin tức hữu ích. Một phương pháp sớm được thực hiện trong chiến cuộc là thường xuyên chụp ảnh các mục tiêu trên miền Bắc Việt Nam, nơi có tường rào bao bọc chung quanh. Điều đó tạo ra một danh sách các mục tiêu khá lớn. Vì lẽ ở một đất nước mà hầu hết gia đình đều nuôi lợn gà, họ không muốn để cho số gia cầm này đi sang các gia đình khác, nên phải rào lại. Các trường học cũng đều được xây tường vây kín chung quanh thành khu riêng biệt nên rất khó cho việc nghiên cứu. Lẽ cố nhiên ngoài phương pháp chụp ảnh còn có nhiều nguồn tin khác như sử dụng các tin tức của đài truyền thanh, các cuộc thẩm vấn những người bỏ ngũ, hoặc các tù binh của đối phương bị bắt khai ra. Hoặc những tin tức của những người khách ngoại quốc, của những thành viên trong phong trào phản chiến Mỹ được phép thăm viếng Bắc Việt Nam. Những mẩu tin vụn vặt được góp nhặt lại nhưng lại rất có giá trị. Nguồn tin khác là do thư từ của bản thân tù binh Mỹ, khi họ được phép viết những dòng ngắn ngủi thông báo với gia đình. Khoảng một nửa tù binh được hưởng đặc ân đó, đã tìm mọi cách để thông báo tin tức.
Cuối cùng là những nguồn tin của tù binh thuộc không lực và hải quân Mỹ được Bắc Việt Nam trả tự do. Song đó là những trường hợp ngoại lệ. Cuối năm 1966, nước Mỹ thực sự bắt đầu khai thác các nguồn tin tình báo một cách có hệ thống. Lúc đó riêng không lực Hoa Kỳ đã có 264 người bị bắn rơi ở Bắc Việt Nam. Nhưng chỉ được biết trong số đó có 29 người là tù binh mà thôi, (kể cả một người bị bắn rơi ở biển Nam Hải, Trung Quốc, bị Trung Quốc bắt), 230 người bị mất tích trong lúc hành sự. Người Bắc Việt Nam cho biết rất ít người Mỹ bị bắt. Rõ ràng Việt Nam đã theo kinh nghiệm Triều Tiên không đưa ra những báo cáo có hệ thống về tên tuổi cấp bậc và sự đối xử với tù binh Mỹ.
Tháng 10-1966 trước sự tổn thất nặng nề của không lực, một cuộc họp bất thường của các chuyên viên tình báo và những đại diện của ngành giải thoát tù binh của tất cả các cơ quan được tổ chức. Mục đích của nó là tìm ra những phương pháp mới để thu thập tình hình và đề ra những biện pháp tốt hơn để phân tích nó. Cuộc họp có hai mục tiêu cấp bách. Một là: nhận biết là những ai đã bị tù, việc này nhằm làm cho mối quan tâm và sự lo lắng của gia đình tù nhân được vợi đi phần nào. Hai là: xác định vị trí những trại tù binh, nhằm đưa chúng ra ngoài mục tiêu ném bom, bắn phá của không quân và hải quân Mỹ.
Những cuộc họp như vậy, nhanh chóng trở thành quan trọng và thường xuyên được tổ chức vào sáng thứ 6 hàng tuần tại trung tâm nhân viên không lực của Lầu Năm Góc. Về sau các phiên họp chính thức đều do CIA chủ tọa.
Vào khoảng tháng 8-1967, nhóm họp được đổi tên là IPWIC (Uỷ ban tình báo tù binh liên cơ quan) do Cục Tình báo Bộ Quốc phòng (DIA) cầm đầu. Từ đó những cuộc họp có từ 20 đến 25 người, gồm đại diện các cơ quan như quân sự (đơn vị không lực 1127 của căn cứ Fort Belvoir do hai thành viên thường trực, có khi nhiều hơn), CIA, DIA, Bộ Ngoại giao, FBI (cơ quan điều tra liên bang), cơ quan mật vụ, thậm chí còn có Bộ Tài chính và Sở Bưu điện Hoa Kỳ cũng tham gia khi cần thiết. Thí dụ, Bộ Tài chính được mời họp, khi có một vài người vợ tù binh nhận được thư yêu cầu gửi đô-la để mua trái cây, hoặc mua rau.
Giữa Bắc Việt Nam và Hoa Kỳ là thù địch, nên mọi sự giao dịch về tài chính đều bị cấm đoán. Song Bộ Tài chính và Bưu điện Mỹ, cũng tìm được cách để các bà vợ gửi tiền qua thư tín quốc tế cho các tù binh, sau khi được Quốc hội chấp thuận.
Cơ quan Bưu điện Hoa Kỳ đã hợp tác với các nhà cầm quyền quốc tế trong việc gửi thư từ cho tù binh Mỹ. Song vào giữa năm 1970, gần 3/4 thư từ đến tay tù binh không phải qua hệ thống bưu điện, mà được trao tay qua nhà hoạt động vì hoà bình là bà Cora Weiss kiêm chủ tịch Uỷ ban liên lạc các gia đình quân nhân bị giam giữ ở Bắc Việt Nam. Từ đó trở đi Cora Weiss là đường dây duy nhất để các gia đình tù binh có thể liên lạc.
Dần dần IPWIC đã sử dụng việc đó để thu thập tình báo ưu tiên cho nó và cũng đã phát huy được tác dụng.
Cuối năm 1968, qua tin tức của các tù binh Bắc Việt, của khách viếng thăm Hà Nội và của ba tù binh Mỹ được trả lại tự do, đã cho họ thấy rằng, những tù binh Mỹ bị nhốt ở một căn cứ có tường bao bọc cách Hà Nội khoảng 30 dặm về phía tây. Các thành viên của IPWIC cũng đã hết sức cố gắng để khẳng định nó, nhưng rút cục việc phân tích các tin tức tình báo đều đi vào ngõ cụt. Hàng chồng tin tức tình báo của DIA, CIA gửi đến tại căn cứ Fort Belvoir cũng chưa xác định được vị trí trại tù binh.
Cuối cùng ngày 9 tháng 5 năm 1970, Noru Collinsbell chuyên gia kỹ thuật quả quyết đã khám phá ra điều nóng hổi về trại tù binh phía tây Hà Nội. Ông ta là một chuyên viên kỹ thuật tình báo, một tay già dặn trong nghề, đã làm việc lâu năm ở Lào, trước khi có hoạt động của Mỹ bắt đầu tại đó.
Collinsbell cao gần 1 thước 70, người hơi béo, tóc vàng nhạt, sắp về hưu, nổi tiếng là người kiên nhẫn tìm tòi. Công việc của ông ta giống như một nhà nấu bếp cho một bữa ăn Pháp khá sang trọng. Ông ta cố gắng thu nhặt từ những thứ vụn vặt, để làm ra món ăn ngon. Bám sát việc nghiên cứu, ông ta đã quả quyết: có hai trại tại hướng tây Hà Nội. Một trong hai trại đó là Sơn Tây, cách thủ đô Bắc Việt 30 dặm về phía tây. Với sự so sánh giữa những bức ảnh do máy bay trinh sát chụp được càng thấy điều đó rõ thêm. Collinsbell đã báo cáo cho đại tá George J. Iles, là người cầm đầu bộ phận kế hoạch của 1127, trong đó có phần việc “ngành vượt ngục và trốn thoát”. Bản thân ông ta là một tù binh trong chiến tranh thế giới thứ hai, nên rất quan tâm đến công việc này. Ông ta cũng bị bắn rơi trên đất Italia trên chiếc máy bay P51. Cả Iles và Collinsbell, đều thu thập những mẩu tin vụn vặt rồi tập hợp thành tin tình báo thô và đi đến kết luận gần như cùng một lúc.
Nghiên cứu, chắp nối kết quả đó là một sự phân tích đúng. Collinsbell so sánh ảnh chụp cũ và mới, tại khu có một bức tường mới ở góc phía Tây Bắc và qua ám hiệu kín đáo được xếp thành hình trên mặt đất. Theo vết bùn, mà người trong trại cố ý xếp thành báo cho biết có 55 tù nhân ở trại Sơn Tây, sáu người trong số đó xin được khẩn trương cấp cứu. Iles và Collinsbell thấy cần phải hành động nhanh, phải nghĩ ra một kế hoạch liều lĩnh là tập kích để giải thoát tù binh.
Iles, Collinsbell cùng với đại tá Rudolph C. Koller là một người chỉ huy ở 1127 và thượng sỹ không quân C. Wattkin đã nghỉ hưu trở lại làm việc như một chuyên viên tình báo dân sự trong ngành vượt ngục và trốn thoát. Cả hai đều là thành viên của IPWIC. Wattkin cũng giống như Iles, rất quan tâm đến việc làm của mình. Trước đây anh ta là một tay súng trên chiếc máy bay B.17, bị bắn rơi trong một trận oanh tạc ở Đức và bị tù 15 tháng.
Bên cạnh đó lại có Koller, một sỹ quan cao lớn tóc cắt ngắn, luôn luôn vui vẻ trong công việc của mình. Ông ta rất thông cảm với cảnh ở tù, nên lại càng quan tâm đến những tù binh bị Bắc Việt bắt nhiều hơn là các nhà phân tích của DIA và CIA.
Tháng 12-1972, Watkins đã thuyết trình một công trình gọi là “giam cầm ở Đông Nam Á” tới 364 lần khắp nơi trên thế giới. Sự kiện này được các nhà thương thuyết của Mỹ ở Paris gọi là “nhóm người làm việc phi thường”.
Sau khi đã nhận được kết quả phân tích của Iles, Clinebell, Watkins về khu trại Sơn Tây, và yêu cầu làm nhiệm vụ giải thoát cấp bách, Koller đã gọi điện thoại về Lầu Năm Góc, nói chuyện với trung tướng Rossky, phụ tá tham mưu trưởng không quân để xin thuyết trình.
Clinebell và Watkins phải làm việc thâu đêm để chuẩn bị bản thuyết trình đồng thời làm những sơ đồ về khu trại Sơn Tây.
Sơn Tây nằm bên cạnh sông Cồn chảy ra sông Hồng Hà, lượn vòng ở phía đông khi qua Hà Nội. Để xác định thêm, các chuyên gia giải thoát sử dụng nguồn tin của một người lính Bắc Việt bị bắt ở khu phi quân sự đã cho biết: tiểu đoàn của anh ta đã cắm trại một đêm gần nơi đó, trước lúc lên đường vào Nam. Khi anh ta đi lấy nước về cho tiểu đội nhìn thấy bên ngoài khu trại tù có một cái giếng, anh ta đã trông thấy nhiều tù binh Mỹ làm việc ngoài sân khi cửa mở. Iles và
Clinebell đưa ra các ảnh chụp của máy bay trinh sát về nơi xây cất mới ở trại Sơn Tây và những ảnh tù binh đi làm việc ngoài khu trại. Mặc dầu có nhiều ảnh được nhận biết tù binh ở bên trong, nhưng Watkins còn đưa ra những ảnh chụp quần áo của tù binh phơi trong trại đã cố ý sắp xếp thành chữ SAR (tìm và giải thoát), ngoài ra một vài tù nhân còn tìm cách đổ đất mới đào lên thành chữ K ở một góc khu trại (K có nghĩa là đến cứu chúng tôi).
Clinebell còn nhận ra được ở thư tín tù binh gửi về bằng những tín hiệu mật, thậm chí họ còn gợi ý địa điểm đáp máy bay, địa điểm thông tin liên lạc.
Rossky đã quả quyết rằng nhóm tình báo hoạt động mặt đất đã khám phá ra kết quả mới. Những ảnh chụp và những kiểu phơi quần áo, cách đổ đất mới, là những ám hiệu yêu cầu cấp cứu tù nhân và ông ta đã phải thốt lên rằng: “Lạy Chúa! Ngài có biết không! Đã lâu chúng con đang chờ đợi điều ấy!”. Sau đó ông ta cho gọi thêm chuyên viên đến, và ông không thể tưởng tượng được các tù nhân lại vẽ cho Lầu Năm Góc một bản đồ thực sự để nhận biết vị trí và có kế hoạch cứu thoát họ. Đáng chú ý là ám hiệu bằng một mũi tên chỉ về hướng tây và con số 8, có thể là tù nhân yêu cầu được bốc ra hướng tại Ba Vì.
Sau khi phân tích, Rossky đã quả quyết rằng kế hoạch giải thoát phải được thi hành và ông ta bảo Koller gọi điện thoại tới trạm Arlington, trụ sở của DIA cách Lầu Năm Góc ba dặm, đồng thời gọi một vài chuyên viên về tù binh đến để nghe bản thuyết trình.
Harris cầm đầu tổ chức IPWIC của lực lượng hải quân và Koller được giao chức phó làm kế hoạch giải thoát.
Sau khi nghe thuyết trình, Harris đưa người của ông ta với một số ảnh chụp về Lầu Năm Góc. Được nhiều người xem xét và công nhận là khu trại có 55 tù binh Mỹ từ đó một cuộc tranh luận nổ ra trong không lực.
Họ quan tâm đến các tù binh ở trại này, và cũng từ đó rất nhiều câu hỏi đặt ra. Tại sao người Bắc Việt lại nhốt tù binh trong một trại hẻo lánh như vậy? Tại sao không để ở Hà Nội? Tại sao tù nhân phần đông lại bị thương? Phải chăng người Bắc Việt muốn đưa họ đi khỏi Hà Nội để không cho các phái đoàn hoà bình trông thấy?… Rossky nghĩ rằng: Ramsey Clark, Jane Fonda, Cora Weiss được trông thấy những tù binh dùng để “triển lãm” đã bị chế ngự tư tưởng hoặc tù binh đã hợp tác với Bắc Việt v.v… Vì người Bắc Việt còn muốn đi xa hơn nữa trong việc tận dụng đám tù binh Mỹ.
Song tìm kiếm tù binh là nhiệm vụ của Rossky, còn giải thoát cho họ là nhiệm vụ người khác và ông ta đã quyết định giao việc giải thoát cho phòng 4D 1062 của thiếu tướng James Allen, phó giám đốc kế hoạch và chính sách. Allen quá xúc động về việc làm hữu hiệu của nhóm 1127 và cho rằng phát hiện trại tù Sơn Tây là sự thật. Allen đã cho nhóm này từ căn cứ Fort Belvoir về văn phòng Lầu Năm Góc và phân ra một nhóm chuyên viên phác họa sơ đồ và một số người có khả năng giải thoát.
Allen người cao gầy, nghiêm nghị không quan liêu, mặt dài có vẻ hóm hỉnh, kín đáo, là người ưa hoạt động. Ông ta thích bắt tay ngay vào việc, nhưng việc giải thoát tù binh ở Sơn Tây lại vượt ra ngoài quyền lực của ông ta. Vì vậy nên phải đưa Koller, Iles đến văn phòng của chủ tịch tham mưu trưởng, một văn phòng ít người được biết đến ở Lầu Năm Góc. Nó nằm sâu dưới nền đất gọi là Phòng IE 962. Hôm đó là thứ hai ngày 25 tháng 5 năm 1970.
PHỤ TÁ ĐẶC BIỆT CHỐNG PHIẾN LOẠN VÀ HOẠT ĐỘNG ĐẶC BIỆT (VIẾT TẮT LÀ SACSA)
Trong số 27.840 nhân viên làm việc ở Lầu Năm Góc năm 1970, cũng còn ít người hiểu được cái nghĩa SACSA là gì. Nhiều người còn nghi ngờ không hiểu họ làm gì mà tổng hành dinh của họ lại đồ sộ, nằm ngay dưới văn phòng của chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng hỗn hợp.
Tại điện Capitol, trong vòng thành Lầu Năm Góc.
Một văn phòng nằm giữa khoảng trống. Trong hệ thống quân sự, đây là cơ quan SACSA - như vậy SACSA ở gần chóp bu Lầu Năm Góc.
Donald Blackburn thiếu tướng bộ binh, người phụ tá đặc biệt chống phiến loạn và hoạt động đặc biệt của chủ tịch các tham mưu trưởng hỗn hợp. Ông ta khoảng 53 tuổi, cao 1 thước 70, nặng 180 cân Anh, tóc màu vàng.
Sáng thứ 2 ngày 25-5-1970, sau khi vào chào hỏi Koller và Iles, Allen gọi điện thoại cho đại tá Mayer, chuyên viên điện tín bí mật của quân chủng bộ binh. Ông ta là một người cao khỏe, quê ở miền bắc bang Dakota, thái độ có vẻ ôn hòa, dịu dàng như một trại chủ đồn điền miền Tây.
Mayer cầm đầu một toán nhỏ của SACSA gọi là phân bộ hoạt động đặc biệt. Việc làm của ông ta không dễ gì được báo chí nhắc đến vì giá trị của nó còn cao hơn mức tối mật.
Năm người ngồi quanh bàn họp. Allen bảo Iles, Wattkin thuyết trình những tài liệu mà nhóm 1127 đã nhận biết được khu trại tù Sơn Tây, và đã cùng nhau yêu cầu khẩn cấp để giải thoát tù nhân bị giam giữ ở đó.
Allen đã nhấn mạnh, những người tù ở đó phải được giải thoát, ông ta đã đề nghị Blackburn có thể bố trí cho một điệp viên đến vùng Sơn Tây được hay không? Blackburn suy nghĩ một lát rồi nói: “Phần đông các điệp viên trên Bắc Việt Nam là thuộc quân sự, chứ không thuộc CIA, và sứ mệnh của họ được SACSA xếp đặt và kiểm soát…
Trong những năm đầu thập kỷ 60, Tổng thống Johnson đã hạn chế hoạt động của CIA trên phần miền Tây của Bắc Việt Nam trong vòng 20 cây số ở biên giới Lào. CIA có một số căn cứ hoạt động ở đó và một ít trên Bắc Việt Nam, nhưng tổ chức để giải thoát tù binh thì thuộc trách nhiệm to lớn của SACSA…”.
Ngắt lời của Blackburn, Allen đề xuất một kế hoạch là đưa những trực thăng đi giải thoát với một toán nhỏ lực lượng đặc biệt phải đóng cách Sơn Tây 110 cây số tại một trong những trạm của CIA ở biên giới Bắc Lào.
Trong khi đó người của SACSA xâm nhập vùng chung quanh núi Ba Vì, tìm biết lúc nào nhóm tù nhân ở Sơn Tây ra làm việc ở đấy, tìm hiểu bằng cách nào mà tù nhân đến được núi Ba Vì. Trong lúc đó có điều kiện thuận lợi thì gọi đội giải thoát đến, có thể báo cho đội giải thoát bằng các máy vô tuyến nhỏ để người Bắc Việt khó phát hiện. Những tín hiệu phải được quy định như “bíp bíp” có nghĩa là “đến bốc chúng tôi, chúng tôi đang ở đây”, còn một tiếng: “bíp” là “không có ở đây”.
Allen nói tiếp: “Nếu điệp viên gọi trực thăng đến để chở một ít tù nhân đi thì cuộc hành quân phải được thực hiện rất nhanh, khoảng nửa tiếng những tù nhân sẽ được ở trong vòng tay thân mật của những người người đi giải thoát và phải đưa đến một căn cứ của Mỹ ở Thái Lan”. Nhiều yếu tố hình như ủng hộ cuộc hành quân. Người Bắc Việt có thể phát hiện những trực thăng từ phía Lào vào, nhưng dễ gì hệ thống phòng không đó đã kịp phản ứng. Núi Ba Vì ở tại một vùng xa xôi của đất nước, ngoài phạm vi của sự bố phòng dày đặc. Chỉ còn một mối đe dọa cho các tù binh và các lực lượng giải thoát là những tay súng bảo vệ tù binh trong lúc đi làm. Nhưng điều đó điệp viên có thể giúp đỡ chỉ chỗ cho trực thăng đỗ xuống và giúp đỡ cho những tù nhân chiến đấu chống những người bảo vệ. Nhưng liệu hoạt động của điệp viên có thể thoát khỏi mạng lưới của Bắc Việt hay không, mà lâu nay CIA đã không đặt được chân lên miền Bắc như nhiều quan chức CIA đã từng nói.
Allen và Blackburn thảo luận thêm về chi tiết những ý kiến đó. Nếu thành công thì sáu tù binh có thể được mang về Hoa Kỳ trong vòng một hoặc hai tuần. Ngoài việc cứu sáu tù binh Mỹ, rõ ràng là cần gấp sự giúp đỡ của các lực lượng tham gia trong cuộc chiến. Cuộc giải thoát tù binh còn có nhiều tác dụng khác trong tình hình chiến cuộc của Mỹ đang nguy ngập. Cuộc hội đàm ở Paris đang bế tắc thì tù binh đang thành món hàng mặc cả mạnh mẽ nhất của Bắc Việt. Người Mỹ đặt nhiều hy vọng vào việc giải thoát được một ít tù binh thì sẽ tập trung được sự chú ý mạnh mẽ của thế giới. Công chúng Mỹ thấy được tầm quan trọng của tù binh và những người mất tích trong lúc hành sự. Điều đó sẽ làm áp lực thúc đẩy cuộc thương thuyết ở Paris được nghiêm túc hơn.
Blackburn và Mayer thông cảm với nhiệt tình của Allen về sự giải thoát, nhưng tại sao lại chỉ thực hiện giải thoát cho sáu tù binh mà không tìm cách vào trại tù Sơn Tây để bốc đi tất cả.
Blackburn xem lại một lần nữa các ảnh chụp cả hai trại, mà nhóm 1127 đã đưa đến và nhận rõ cả hai trại đều ở vào những địa điểm hẻo lánh của Bắc Việt và được coi như có nhiều sơ hở nhất trong các trại tù được xác định từ trước đến nay, và có thể vào cả hai trại Sơn Tây bằng một trận tập kích.
Allen không dám nghĩ đến một hành động giải thoát lớn lao như vậy, và cho dù Blackburn có thể làm được một trận tập kích thì đó cũng là ngoài quyền hạn của ông ta, việc đó phải có sự quyết định của vị chủ tịch tham mưu trưởng hỗn hợp.
Nếu trong chiến tranh thế giới thứ 2, cách đây 29 năm về trước, thì một người chỉ huy trung đoàn hay sư đoàn, có thể chấp nhận ngay về một sứ mệnh như vậy. Nhưng đây là một cuộc chiến ở Việt Nam, quyết định giải thoát tù nhân Mỹ ở Việt Nam, phải được giải quyết tại Văn phòng hình bầu dục Ở Nhà Trắng, cách trận mạc gần 10.000 cây số. Blackburn hứa hẹn với Allen sẽ đích thân trình với chủ tịch tham mưu trưởng hỗn hợp, và sẽ trở lại gặp Allen chậm nhất là vào sáng hôm sau.
Những người của 1127 cùng đi thấy vậy tỏ ý chán nản, nhưng họ muốn đưa được nhiều tù binh trở về. Có nhiều vấn đề liên quan đến kế hoạch giải thoát tù binh mà Blackburn và Mayer không thể nói đến. Vấn đề chủ yếu trong đó là những hậu quả của lệnh ngừng ném bom Bắc Việt Nam. Năm 1968, giới quân sự không có quyền phát động những cuộc hành quân đặc biệt hoặc đưa điệp viên xâm nhập. Tổng thống Johnson cũng cấm đoán mọi công việc tiếp tế cho các toán điệp viên (CAS) hoạt động ở Bắc Việt lúc bấy giờ. Số đó gồm có 9 đội - 45 người Việt Nam được huấn luyện kỹ, đã bị bỏ rơi một cách nhẹ nhàng. Trong nhiều tháng những người này được biết qua thư tín, qua điện đài rằng, họ cố chờ sẽ có tiếp tế, nhưng đó chỉ là hy vọng. Đấy cũng là tấn thảm kịch lớn nhất trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Những phi vụ trinh sát thả truyền đơn vẫn được thực hiện đều đặn trên Bắc Việt, song những người của CAS vẫn không được tiếp tế. Trong thời gian đó một số bị bắt, một số ra đầu hàng, số còn lại bị chết hoặc bị đói lả. Mỉa mai thay một trong những toán CAS cuối cùng lại thiết lập được cơ sở an toàn ở Lào. Đây là một trong nhiều mỏm đồi đã được thông báo cho các đội phi hành, để có thể tìm đường lẩn trốn nếu họ bị bắn rơi. Khoảng hai tháng trước khi Allen đến thăm thì SACSA lại bị mất liên lạc với toán EAS ở đó.
Còn tiếp
Không có nhận xét nào