Header Ads

  • Breaking News

    VietTuSaiGon - Nâng lương để giữ người tài, nghe có hợp lý?


    Trong phiên họp Quốc hội gần đây nhất (sáng 5 tháng 11), cùng tham gia trả lời chất vấn tại Quốc hội về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập,

    Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60 năm 2021 về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Ông đưa ra quan điểm về việc nâng lương cơ bản để giữ nhân tài. Ý kiến của ông tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều. Nhưng, vấn đề cần đặt ra nghiêm túc ở đây là việc tăng lương có thực sự ý nghĩa trong cơ chế này? Và tăng lương có phải là cách để giữ nhân tài?

    Sở dĩ phải đặt ra câu hỏi như vậy bởi sau rất nhiều đợt tăng lương, nhân tài (nếu có) vẫn cứ bỏ cơ quan nhà nước mà ra đi và “nhân tài” từ bên ngoài vẫn xông vào cơ quan nhà nước như cá gặp nước lên, có thay đổi được thứ gì đâu! Và vấn đề tăng lương có thực sự là cách giữ nhân tài, hay đó chỉ là ngộ nhận?

    Tại phiên chất vấn, ông Phớc khẳng định: "Có quan điểm cho rằng cán bộ công chức, viên chức phục vụ công cũng như phục vụ tư miễn là có đóng góp, cống hiến cho xã hội. Nhưng tôi xin thưa, theo nhận thức của tôi và tôi cũng đã tìm hiểu các nước xung quanh chúng ta như Singapore, thì họ trả lương công chức cao hơn nhiều so với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đây là cách để giữ người giỏi trong khu vực nhà nước để hoạch định chính sách, đề ra chiến lược, quản lý nhà nước một cách tốt nhất, thúc đẩy và làm nền tảng cho sự phát triển".

    Trong lời khẳng định này có hai luận điểm khá rõ ràng: Phân biệt rõ nét giữa cán bộ phục vụ công và cán bộ phục vụ tư; Dùng Singapore làm luận chứng cho luận điểm muốn giữ nhân tài trong hệ thống nhà nước thì phải tăng lương.

    Nhưng, chỉ mới đọc thoáng qua thôi, người ta không khỏi buồn cười. Bởi vì thử nhìn lại cán bộ nhà nước, có ai dùng tiền lương để chi tiêu chính trong gia đình hoặc xem tiền lương là nguồn thu nhập chính? Nếu tiền lương là nguồn thu nhập, là động cơ để người ta chạy đến các đích mới hơn trong cuộc đời, thì tu bảy kiếp, chờ đợi thêm bảy kiếp nữa, cán bộ cấp cao của đảng Cộng sản cũng không đủ tiền cho con du lịch nước ngoài nếu dựa vào tiền lương, chứ đừng nói tới chuyện cho con đi du học.

    Và, có một vấn đề hết sức tế nhị là phần lớn cán bộ khoa học, trong đó có các trí thức như giảng viên, giáo viên, y tá, bác sĩ, kĩ sư… có năng lực, dựa vào thực tài đều bỏ nhà nước mà ra ngoài tìm việc làm. Và quyết định của họ luôn được đền đáp hậu hỉ, mức lương của họ cao hơn rất nhiều so với lương nhà nước. Nhưng, cũng đừng quên rằng hầu hết những người ra làm bên ngoài là những người tuy có thực lực nhưng lại không có thế lực nên việc kéo dài đời sống công chức chỉ làm cho họ chán chường và bế tắc, tìm đến môi trường tư nhân là một cách giải phóng chính họ. Bù vào đó, những kẻ cố gắng trụ lại nhà nước, có thể vẫn có nhiều người giỏi, nếu không muốn nói là rất giỏi, nhưng họ làm được gì với cơ chế ràng buộc đến khó hiểu mà họ đang phục vụ.

    Và để tồn tại, họ không còn cách nào khác là chấp nhận luật chơi (cũng có khi họ chấp nhận và ưa luật chơi ngay từ trứng nước!), chấp nhận chung chi, đạp dưới đội trên, thậm chí ngậm máu phun người để ám hại đối thủ, có khi đòn họ ra còn nặng hơn cả đòn ở chốn giang hồ để hạ sát nhau, giữ ghế quyền lực. Và để có tài chính cho việc này, họ không làm gì khác ngoài thụt két nhà nước, ăn cắp của nhân dân và ra sức vắt cạn nhân dân, vặt nhân dân như thể vặt lông gà. Thử nghĩ, nếu cộng hết các tháng lương của một đời làm công chức nhà nước, liệu cán bộ có thể mua nổi một phần tư căn nhà họ đang ở? Khoan bàn đến tiền cho con du học, bồ nhí mua nhà, cho vợ, rồi gia đình vợ các loại từ nhà tới đất, xe, siêu xe… Lấy đâu ra nếu không phải tham ô, hối lộ, thụt két nhà nước, toa rập với kẻ giết người không dao như Việt Á chẳng hạn để làm giàu.

    Và nếu chỉ vì lương cao mà cán bộ giỏi ở lại với nhà nước thì chuyện này đừng nằm mơ. Bởi người ta thoát ra khỏi hệ thống nhà nước là tự giải phóng mình, người ta chậm, phân vân, lưỡng lự có nên đi hay không là vì người ta tiếc các khoản đầu tư trước đây, chưa hốt lại được hoặc người ta thấy mình mệt mỏi, không muốn thay đổi, nhắm mắt đưa chân… Chứ thực ra, có nơi nào béo bở, dễ kiếm ăn hơn cái nhãn cán bộ nhà nước? Và có nơi nào tham nhũng, hối lộ, biển thủ, tham ô dễ dàng hơn chốn công quyền. Nói cho cùng, tiền lương cán bộ nhà nước chỉ là thứ để người ta rởm đời chứ chẳng ra tấm ra mẻ gì với đời sống của họ, ngay cả giáo viên, nếu không dạy thêm được thì tiền lương làm sao họ sống, thực ra, lương chỉ là cái cớ, bởi hệ thống này từ lâu đã nhịp nhàng chạy theo một quĩ đạo khác, vượt ngoài đạo đức và lương tri.

    Và với một hệ thống như vậy, kẻ có lương tri và lòng tự trọng sẽ tìm cách tự giải phóng cho bản thân, kẻ cơ hội thì bám lấy. Và việc đề xuất tăng lương cũng giống như tăng cái cớ để người ta tham nhũng, sống xa hoa hơn, hoặc giả tăng mấy đồng cà phê, nước nôi, rượu chè, cho em út ăn hạt dưa, không hơn không kém!

    Hay, nói thẳng vào bản chất, uy tín của cán bộ nhà nước hiện nay quá thấp, nhất là khi nhắc đến lĩnh vực năng lực, việc tăng lương cho cán bộ nhà nước cao ngang ngửa hoặc cao hơn nhóm bên ngoài chỉ nhằm mục đích làm đẹp mặt cho nhóm còn bấu chân nhà nước chứ không bao giờ giải quyết được vấn đề đi hay ở lại của cán bộ “tinh hoa” gì đó. Bởi, việc đi hay ở lại tùy thuộc vào căn cơ của cán bộ đó có phù hợp với hệ thống hay không. Hoặc nói ngược lại, hệ thống mà người ta đang làm việc có phù hợp với nguyện vọng của người ta hay không. Mà nguyện vọng thể hiện tư tưởng, căn tính con người.

    Hiện tại, muốn thiết lập hệ thống nhà nước hoạt động hiệu quả, trong sạch (trong chừng mực có thể) và có thực lực, thì e rằng đề xuất tăng lương là vô nghĩa. Bởi việc tăng lương góp phần không nhỏ vào tình trạng thị trường lạm phát, đồng tiền mất giá, trong khi đó, bình ổn thị trường và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phi nhà nước hoạt động để đảm bảo cung - cầu trên thị trường không bị hỏng hóc. Ngay hiện tại, nếu hệ thống xăng dầu tư nhân phát triển mạnh cộng với hệ thống quản lý nhà nước không đến nỗi quá bẩn thỉu thì có lẽ không đến nỗi người dân Sài Gòn và Hà Nội phải rồng rắn xếp hàng chờ đổ xăng.

    Bởi ngay từ đầu, việc đào tạo nhân tài, nhân lực và hoạch định chính sách quốc gia đã quá phụ thuộc vào tư duy vật dục, nên sinh ra cớ sự như đang thấy và người ta lại tiếp tục theo đuổi vật dục để điều chỉnh một cách mệt mỏi, tuyệt vọng và không lối thoát!

    https://www.rfavietnam.com/node/7408

    Không có nhận xét nào