Từ trái sang phải: Đại diện đối lập Venezuela Gerardo Blyde Pérez, ngoại trưởng nước chủ nhà Mêhicô Marcelo Ebrard, nhà ngoại giao Na Uy Dag Nylander và chủ tịch Quốc Hội Venezuela, Jorge Rodriguez, Mêhicô, ngày 26/11/2022. AP - Fernando Llano
Ngày 26/11/2022, tại Mêhicô, chính quyền Venezuela và phe đối lập đã ký « một thỏa thuận bán phần thứ hai về mặt bảo trợ xã hội ». Đây là một bước tiến mới trong khuôn khổ các cuộc đàm phán tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kéo dài tại Venezuela, khiến hơn 7 triệu người phải bỏ ra nước ngoài.
Theo AFP, Colombia và Hoa Kỳ, hai trong số các nước theo dõi tiến trình đàm phán (cùng với Pháp, Tây Ban Nha, Na Uy, Mêhicô) đã vận động để chính phủ và đối lập Venezuela ngồi lại vào bàn đàm phán sau 15 tháng đình chỉ.
Ngoại trưởng Mêhicô, nước tổ chức cuộc họp, hoan nghênh thỏa thuận là « một hy vọng cho toàn châu Mỹ Latinh » và là « chiến thắng của chính trị ». Một quan chức cấp cao Hoa Kỳ đánh giá đây là « một bước đi đúng hướng quan trọng » và « hoan nghênh (hai bên) nối lại đàm phán ».
Thông tín viên RFI Gwendolina Duval tường trình từ Mêhicô :
« Thỏa thuận giữa chính phủ Venezuela và phe đối lập đã chính thức nối lại phần nào các cuộc đàm phán. Rất nhiều khúc mắc về tương lai đất nước vẫn bị bỏ ngỏ, nhưng đối với ông Dag Nylander, nhà ngoại giao Na Uy phụ trách tiến hành đàm phán, đây là một bước mang tính lịch sử.
Ông phát biểu : « Chúng tôi không những ghi nhận việc nối lại đàm phán, mà còn hoan nghênh việc ký kết một thỏa thuận bán phần, sẽ thúc đẩy những tiến bộ quan trọng cho việc bảo trợ xã hội người dân Venezuela ».
Thỏa thuận dự kiến giải ngân 3.000 triệu đô la. Ông Jorge Rodriguez, đại diện cho chính quyền Venezuela, cho biết khoản tiền Nhà nước này sẽ dành cho các lĩnh vực năng lượng, giáo dục và sức khỏe. Trong khi phe đối lập yêu cầu bầu cử tự do, ông Rodriguez khẳng định chính phủ của tổng thống Maduro sẽ duy trì đối thoại cởi mở trong những tháng tới.
Ông nói : « Người ta không thể thương lượng hoặc thúc đẩy dân chủ khi bị súng chĩa vào đầu. Venezuela đang phải bị 763 khẩu súng như vậy dưới hình thức trừng phạt. Tất cả những biện pháp này phải được dỡ bỏ trong khuôn khổ thỏa thuận với phe đối lập Venezuela ».
Từ ba năm nay, các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Venezuela đã được tăng cường vì quốc gia này thiếu tôn trọng nhân quyền ».
Mỹ nới lỏng cấm vận nhưng có điều kiện
Ngay khi có thông báo việc việc chính phủ của tổng thống Nicolas Maduro và phe đối lập đạt được một « một phần thỏa thuận », Hoa Kỳ hôm qua, 26/11/2022, đã lên tiếng hoan nghênh, đồng thời thông báo dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận. Theo đó, tập đoàn dầu khí Chevron của Mỹ được phép nối lại các hoạt động khai thác dầu khí ở Venezuela với một số điều kiện.
Thông tín viên Loubna Anaki tại New York giải thích :
« Đối với Washington, đây là một cử chỉ thiện chí dành cho chính phủ Nicolas Maduro, "một bước đi quan trọng đúng hướng". Sau thỏa thuận ký kết được giữa chính phủ Caracas và phe đối lập, Washington đã cho phép tập đoàn dầu khí Chevron nối lại một phần các hoạt động khai thác dầu ở Venezuela, qua hợp tác với công ty quốc gia Venezuela.
Tập đoàn lớn California bày tỏ hoan nghênh tin mới này. Do các lệnh trừng phạt áp đặt trong nhiều năm qua, hãng Chevron chỉ có thể thực hiện các hoạt động bảo trì cơ sở vật chất của mình.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ nêu rõ, việc mở lại các hoạt động bao hàm một số điều kiện nhất định. Công ty Venezuela sẽ không nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ việc bán dầu do Chevron thực hiện. Nguồn thu sẽ được dùng để trả nợ cho công ty Mỹ.
Washington còn cảnh báo rằng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt này vẫn chỉ là một phần và phần còn lại sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác của chính phủ Nicolas Maduro và tiến trình đàm phán với phe đối lập. »
Không có nhận xét nào