Chủ tịch TQ Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị G20 ở Bali Indonesia tuần trước. Ảnh Ju Peng/Xinhua via Getty Images
Nhật báo The Wall Street Journal (WSJ) của giới kinh doanh Mỹ vừa có bài tường thuật độc quyền cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cử một phái đoàn cố vấn chính sách cấp cao và giám đốc điều hành doanh nghiệp đến New York để vận động hành lang nhằm cải thiện mối quan hệ song phương Mỹ-Trung trong khi chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh gay gắt hơn giữa hai cường quốc.
Phái đoàn Trung Quốc đến Mỹ vận động chỉ vài ngày trước khi diễn ra cuộc gặp mặt trực tiếp giữa ông Tập và Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) ở Bali, Indonesia, và chỉ vài tuần sau khi ông Tập giành được nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba tại đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc.
Phái đoàn Trung Quốc sang Mỹ họp với một nhóm các nhà kinh doanh điều hành các tập đoàn lớn và cựu quan chức chính phủ, do ông Maurice “Hank” Greenberg, CEO của tập đoàn đầu tư và bảo hiểm C.V. Starr & Co. lập ra.
Báo WSJ cho rằng, các nhà tài phiệt trên thị trường tài chính Wall Street từ lâu đã có một vị trí đặc biệt trong hành lang quyền lực ở Bắc Kinh; lần này Trung Quốc nhờ ông Greenberg đứng ra làm cầu nối thương lượng với chính phủ Mỹ.
Ông Greenberg, 97 tuổi – cựu chiến binh Thế Chiến thứ Hai, một nhà tài trợ lớn cho đảng Cộng Hòa, cựu giám đốc điều hành tập đoàn bảo hiểm AIG, là một trong những nhà kinh doanh Mỹ thành công nhất ở thị trường Trung Quốc – là người được Bắc Kinh ưu ái và tin cậy. Ngay từ đầu thập niên 1990, ông Greenberg đã rất tích cực vận động chính phủ Bill Clinton chấp nhận cho Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 và năm 2018 ông Greenberg được Bắc Kinh tặng Huân chương Hữu nghị Trung Quốc – trở thành một trong 10 người ngoại quốc được Bắc Kinh tuyên dương.
Từ đầu năm nay, khi mối căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington càng lúc càng gay gắt, ông Greenberg đã lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ gắn bó nhiều hơn, thay vì “tách rời” (decoupling) Trung Quốc. Ông đã viết một bài ý kiến trên báo WSJ cổ xúy cho quan điểm đó và lập ra một nhóm tư vấn gồm các nhà điều hành cấp cao của các tập đoàn, các nhà hoạch định chính sách để “giúp tái lập một cuộc đối thoại song phương có tính xây dựng”.
Tần Cương (Qin Gang), đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, đã trình ý kiến đó lên các nhà lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc và ông Tập Cận Bình bật đèn xanh cho thành lập một nhóm tư vấn tương tự nhóm của ông Greenberg – cũng gồm các cựu quan chức cao cấp và các nhà điều hành doanh nghiệp. Viện Đối ngoại Nhân dân Trung Quốc – một think-tank thuộc Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh – đã lập ra một nhóm như vậy, trong đó có ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), cựu đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Trần Đức Minh (Chen Deming), cựu thứ trưởng Bộ Thương mại và Ninh Cát Triết (Ning Jizhe), cựu phó chủ tịch Ủy ban Kế hoạch và Cải cách Trung Quốc.
Nhà tài phiệt Maurice Hank Greenberg (trái) và cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại một sự kiện vinh danh David Rockefeller ở New York City. Hai ông Greenberg và Kissinger là những người vận động tích cực cho Bắc Kinh trong chính giới Mỹ. Ảnh Duffy-Marie Arnoult/WireImage/Getty Images
Phái đoàn Trung Quốc đã họp với nhóm tư vấn của ông Greenberg tại trụ sở tập đoàn C.V. Starr ở New York trong hai ngày 10 và 11 tháng Mười Một. Mỗi bên có 13 thành viên. Phía Mỹ ngoài ông Greenberg còn có ông Paul Fribourg, CEO của tập đoàn nông nghiệp Conti Group Cos; cựu thượng nghị sĩ liên bang Joe Lieberman, hai cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus thuộc đảng Dân Chủ và Terry Branstad thuộc đảng Cộng Hòa. Báo WSJ cho biết trước khi cuộc họp diễn ra, phía Mỹ đã thông báo cho Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) về kế hoạch của họ nhưng NSC từ chối trả lời yêu cầu bình luận.
Bối cảnh diễn ra cuộc họp là quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức lạnh giá, được coi là đang ở điểm thấp nhất trong nhiều thập niên. Bắc Kinh và Washington liên tục đối chọi nhau ở rất nhiều vấn đề, từ nguồn gốc của đại dịch COVID, thành tích nhân quyền tồi tệ của Trung Quốc và áp lực kinh tế-ngoại giao đối với đảo quốc Đài Loan. Quan hệ giữa hai bên đặc biệt tồi tệ sau chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi hồi đầu tháng Tám 2022 và Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách cắt đứt mọi đường dây liên lạc thông tin, đóng băng mọi hoạt động hợp tác giữa hai bên.
Sau khi củng cố địa vị độc tôn trong đảng Cộng sản Trung Quốc và thừa nhận môi trường quốc tế không thuận lợi cho việc thực thi Giấc mộng Trung Hoa, ông Tập đã lẳng lặng chuyển mối quan tâm sang việc điều chỉnh các chính sách đã làm cho Trung Quốc bị cô lập, tìm cách nối lại quan hệ với phương Tây, chủ yếu là với Hoa Kỳ. Tổng thống Biden, đối mặt với cuộc chiến tranh của ông Vladimir Putin ở Ukraine, cũng cố giữ cho quan hệ Trung-Mỹ không xấu hơn nữa.
Tại cuộc gặp ở Indonesia tuần trước, cả hai ông Biden và Tập đều cam kết tái lập sự hợp tác trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu và nối lại các kênh liên lạc cấp cao. Tuy vậy, hai bên vẫn nghi ngờ nhau sâu sắc, vẫn căng thẳng chung quanh vấn đề Đài Loan, vấn đề Mỹ kiểm soát công nghệ bán dẫn… cho nên cả chính phủ Mỹ và Trung Quốc đều đưa ra những chính sách phản ứng đối với sức mạnh và ảnh hưởng của phía bên kia.
Đô đốc hồi hưu Mike Mullen, một người tham dự cuộc họp, nói ông và các thành viên khác trong đoàn Mỹ rất lo ngại về “xu thế đi xuống” của mối quan hệ Mỹ-Trung và mối lo đó được các thành viên phía Trung Quốc chia sẻ. “Chúng ta đang ở một thời điểm nguy hiểm. Là hai cường quốc của thời đại, chúng ta cần đảo ngược xu thế đó,” đô đốc Mullen nói với báo WSJ.
Bằng việc cử một phái đoàn cao cấp nhưng “không chính thức” sang Mỹ vận động, ông Tập dường như bắn tín hiệu cho Washington rằng ông ta sẽ cố tránh làm cho quan hệ Mỹ-Trung bị trật đường rầy và sẽ gia tăng các hoạt động liên lạc giữa hai nước. Nhiều quan chức cao cấp Trung Quốc bắt đầu nhận ra rằng hoạt động đối thoại giữa các tổ chức nghiên cứu, các nhóm doanh nghiệp của hai bên – thường gọi là kênh ngoại giao phía sau (backchannel diplomacy) – có những hiệu quả mà các cuộc tiếp xúc chính thức chưa chắc đã đạt được.
Trong cuộc họp kéo dài một ngày rưỡi ở New York, hai bên đã thảo luận về những bất đồng chung quanh vấn đề Đài Loan và những lĩnh vực mà hai chính phủ có thể hợp tác được. Theo những người dự họp, phía Mỹ nhấn mạnh tới nhu cầu hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, còn phía Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thống nhất Đài Loan với Hoa Lục. Đoàn Trung Quốc cũng cho biết Bắc Kinh mong muốn làm việc với Washington về những vấn đề địa chính trị liên quan tới cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine và chương trình vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc dường như muốn đặt điều kiện: muốn Bắc Kinh hợp tác thì Washington phải tôn trọng cái mà Trung Quốc gọi là những lợi ích cốt lõi như vấn đề Đài Loan và bãi bỏ chính sách hạn chế xuất cảng các công nghệ cao cho các công ty Trung Quốc.
Các phụ tá cao cấp của ông Greenberg nói rằng chính phủ Biden đã được báo cáo về các nội dung trao đổi giữa phái đoàn Trung Quốc và nhóm tư vấn Mỹ. Vào cuối cuộc họp, trưởng đoàn Trung Quốc Vương Siêu (Wang Chao) – cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao và hiện là giám đốc Viện Đối Ngoại – đề nghị hai nhóm sẽ gặp lại tại một cuộc họp tương tự ở Bắc Kinh trong năm tới.
Không có nhận xét nào