Võ Thái Hà tổng hợp
Châu Âu chia rẽ về dự thảo nghị quyết lên án Nga
Ảnh minh họa: Phiên họp toàn thể Nghị Viện Châu Âu, tại Strasbourg, Pháp, ngày 05/04/2017. REUTERS/Vincent Kessler
Hôm nay, 23/11/2022, Nghị Viện Châu Âu bỏ phiếu một nghị quyết lên án Nga là một Nhà nước tài trợ cho khủng bố. Theo nhóm các nghị sĩ thuộc PPE, đảng Nhân dân châu Âu, bên đề xuất nghị quyết, quân đội Nga có chủ ý tấn công các mục tiêu dân sự, như oanh kích các cơ sở hạ tầng năng lượng, bệnh viện, trung tâm y tế, trường học hay những nơi trú ẩn, đi ngược với luật lệ quốc tế và nhân quyền.
Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết này gây chia rẽ tại nghị trường, thậm chí cả trong nội bộ các nhóm nghị sĩ.
Từ Strasbourg, đặc phái viên đài RFI Romain Lemaresquier tường thuật :
« Đây là một chủ đề làm dấy lên nhiều tranh luận tại Strasbourg. Nếu như các đại biểu châu Âu thông qua văn bản do nhóm nghị sĩ cánh hữu châu Âu đề nghị, Nga có thể bị coi là một Nhà nước tài trợ cho khủng bố trong nhãn quan của Liên Hiệp Châu Âu.
Nhưng văn bản này đang gây chia rẽ. Nếu như một số dân biểu cho rằng châu Âu không có hệ thống luật lệ như là Mỹ và do vậy, nên để cho luật pháp quốc tế tiến hành các vụ truy tố, thì số khác lại nghĩ rằng, khi bỏ phiếu cho dự thảo này, họ sẽ khép lại cánh cửa cơ may đàm phán với Matxcơva. Những lập luận này đã bị ông Raphael Glucksmann, nghị sĩ châu Âu, thành viên nhóm các đảng Xã hội và Dân chủ, vốn dĩ ủng hộ nghị quyết, bác bỏ.
Ông nói : Đây không phải là một sự chọn lựa. Đó không phải là chuyện hoặc quý vị bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết về khủng bố, hoặc quý vị đồng tình về việc lập một tòa án về tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh. Không phải như vậy. Ở đây cần cả hai. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên chính là, một mặt, có những người giải thích với quý vị là hãy cẩn trọng, nếu quý vị bỏ phiếu ủng hộ dự thảo, thì sẽ không còn khả năng đàm phán, đấy sẽ làm một thảm họa, một hành động hết sức nghiêm trọng. Mặt khác, có những người giải thích với quý vị là, cuối cùng, văn bản này là vô ích vì chẳng có hệ quả pháp lý gì. Thế nên, hoặc là vô ích, hoặc là cực kỳ nghiêm trọng, nhưng không thể là cả hai cùng một lúc.Nếu nghị quyết không có tác động gì, thì đành chấp nhận là không có tác động gì. Còn nếu nghị quyết có tác động mạnh như xẩy ra Đệ Tam Thế Chiến, vậy thì hãy chấp nhận hệ quả là như vậy. Ở đây có một kiểu mâu thuẫn trong hai lập luận mà những người phản đối văn bản đã sử dụng.
Sáng thứ Tư này, các nghị sĩ sẽ phải bỏ phiếu. Hiện chưa có một dấu hiệu hướng dẫn nào được đưa ra, ngoại trừ trong nội bộ nhóm đảng Nhân dân châu Âu (PPE). Và nếu tình cờ, văn bản này không được thông qua, đây sẽ là nghị quyết đầu tiên liên quan đến Nga bị bác bỏ kể từ đầu xung đột tại Ukraina. »
Đội tuyển Iran từ chối hát quốc ca ở World Cup, ủng hộ phản kháng ở Iran
Cổ động viên Iran tại Qatar, ngày 21/11/2022.
Các cầu thủ đội tuyển bóng đá Iran từ chối hát quốc ca trước trận đấu mở màn với Anh hôm 21/11 sau khi nhiều người hâm mộ ở nước họ cáo buộc đội tuyển quốc gia đứng về phía nhà nước vốn đã đàn áp tàn bạo người biểu tình trong tình hình bất ổn kéo dài trong thời gian qua tại nước này, theo Reuters.
Các cuộc biểu tình đòi lật đổ chế độ thần quyền của người Hồi giáo Shia đã lan rộng khắp Iran kể từ sau cái chết của cô gái trẻ Mahsa Amini cách đây hai tháng sau khi cô bị bắt vì vi phạm quy định nghiêm ngặt về trang phục của người Hồi giáo.
Mây mươi nhân vật nổi tiếng, vận động viên và nghệ sĩ Iran đã thể hiện tình đoàn kết với những người biểu tình - nhưng không phải với đội tuyển bóng đá quốc gia, cho đến trận đấu hôm 21/11 khi tất cả các thành viên của đội tuyển im lặng khi quốc thiều Iran được máy phóng thanh phát lên trên sân vận động.
Truyền hình nhà nước Iran không chiếu cảnh các cầu thủ xếp hàng khi quốc ca Iran được máy phát lên trước khi trận đấu diễn ra ở Qatar.
Trước trận đấu, không có cầu thủ Iran nào lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình của đồng bào của họ thuộc mọi tầng lớp xã hội, một trong những thách thức dai dẳng nhất đối với giới giáo sĩ kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
“Tất cả chúng tôi đều buồn vì người dân của chúng tôi đang bị giết ở Iran nhưng tất cả chúng tôi đều tự hào về đội của mình vì họ đã không hát quốc ca - bởi vì đó không phải là quốc ca của chúng tôi, nó chỉ dành cho chế độ”, một cổ động viên Iran dự World Cup yêu cầu không nêu tên, nói.
Trong quá khứ, đội tuyển bóng đá Iran là niềm tự hào dân tộc cháy bỏng trong cả nước. Bây giờ, với các cuộc biểu tình rầm rộ, nhiều người muốn đội này rút khỏi World Cup.
Trước khi đến Doha, đội đã gặp Tổng thống Iran có đường lối cứng rắn Ebrahim Raisi. Hình ảnh các cầu thủ với ông Raisi, một trong số họ cúi đầu trước ông, đã lan truyền nhanh chóng trong khi tình trạng bất ổn trên đường phố diễn ra, gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trên mạng xã hội.
“Tôi có nhiều cảm xúc lẫn lộn. Tôi yêu bóng đá nhưng với việc tất cả trẻ em, phụ nữ và đàn ông bị giết ở Iran, tôi nghĩ đội tuyển quốc gia không nên thi đấu”, sinh viên đại học Elmira, 24 tuổi, nói qua điện thoại từ Tehran trước trận đấu.
“Đó không phải là đội của Iran, đó là đội của Cộng hòa Hồi giáo”, sinh viên này cho biết thêm.
Hãng thông tấn HRANA của các nhà hoạt động cho biết 410 người biểu tình thiệt mạng trong tình trạng bất ổn tính đến ngày 19/11, trong đó có 58 trẻ vị thành niên.
HRANA cho biết khoảng 54 thành viên của lực lượng an ninh cũng đã thiệt mạng, với ít nhất 17.251 người bị bắt giữ.
Một số cổ động viên Iran đến Qatar dự World Cup không giấu giếm sự đoàn kết của họ với những người biểu tình phản kháng.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể lại điều quân vào Syria
Recep Tayyip Erdogan tuyên bố hôm thứ Ba: “Chúng ta đã hạ gục những kẻ khủng bố trong mấy ngày qua bằng máy bay, đại bác và súng.” Ngoài ra ông còn cho biết là sẽ điều thêm xe tăng và binh lính. Ông Erdogan đã đe dọa trong nhiều tháng về một chiến dịch quân sự ở miền bắc Syria. Năm ngoái, quốc hội đã gia hạn thêm hai năm một mệnh lệnh cho phép chính phủ đưa quân vào Iraq và Syria. Nhưng ông Erdogan ngày càng mạnh miệng về một cuộc tấn công kể từ ngày 13 tháng 11, khi một vụ đánh bom ở Istanbul khai mào cho một cuộc ăn miếng trả miếng giữa hai bên.
Thổ Nhĩ Kỳ đổ lỗi vụ đánh bom cho Đảng Công nhân người Kurd, một nhóm nổi dậy đấu tranh cho quyền tự trị của người Kurd ở nước này. Nhóm đã bác bỏ tuyên bố đó. Hôm Chủ nhật, Thổ Nhĩ Kỳ bắn tên lửa vào các chiến binh người Kurd ở Iraq và Syria; cuộc tấn công trả đũa một ngày sau đó giết chết hai công dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Gaziantep, một tỉnh giáp với Syria. Mặc dù căng thẳng gia tăng, phương Tây vẫn không lên tiếng, có thể là vì ông Erdogan đã trở thành trung gian hữu ích trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Toà Tối cao Anh xem xét yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý của Scotland
Phán quyết của tòa tối cao Anh vào thứ Tư có thể sẽ quyết định tương lai của Vương quốc Anh. Các thẩm phán sẽ quyết định liệu nghị viện Scotland ở Edinburgh có thể thông qua luật kêu gọi trưng cầu dân ý về độc lập mà không cần được chính phủ Anh chấp thuận hay không.
Trong cuộc bỏ phiếu năm 2014, vốn được tổ chức với sự chấp thuận của chính phủ David Cameron, người Scotland từ chối độc lập với tỉ lệ 55%-45%. Nhưng Brexit, mà người Scotland đã bỏ phiếu chống, cùng với niềm tin giảm sút đối với chính phủ Anh, có thể đã khiến họ muốn tuyên bố độc lập.
Nếu tòa án cho phép, thủ hiến Nicola Sturgeon sẽ đề xuất trưng cầu dân ý vào ngày 19 tháng 10 năm 2023. Nhưng hầu hết các học giả pháp lý không cho rằng toà sẽ phán quyết có lợi cho Đảng Quốc gia Scotland của bà. Thay vào đó, các thẩm phán có thể phán quyết định rằng cuộc trưng cầu dân ý cần được chính phủ Anh chấp thuận, hoặc tuyên bố rằng vấn đề này vẫn chỉ là giả thuyết cho đến khi luật trưng cầu dân ý được đề xuất, qua đó kéo dài tình trạng lấp lửng hiến pháp của Scotland.
Giai đoạn ảm đạm của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể
Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một liên minh quân sự giữa Nga và năm nước Liên Xô cũ—Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan—bắt đầu năm nay bằng một màn phô trương sức mạnh. Hồi tháng 1, tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã viện dẫn điều khoản an ninh tập thể của tổ chức để đối phó với các cuộc biểu tình chống chính phủ. Chỉ trong vòng vài giờ quân đội Nga đã đến trợ giúp ông. Nhưng khi các nhà lãnh đạo CSTO họp tại Armenia vào thứ Tư tuần này, tinh thần chung của họ sẽ không còn như trước.
Nga, quốc gia đang duy trì quân đội ở các nước CSTO như một phần của hiệp ước an ninh, đang bị căng sức vì cuộc chiến ở Ukraine. Ngoài ra là các căng thẳng nội bộ. Chỉ mới tháng trước cuộc tập trận quân sự chung mang tên “Tình anh em không thể phá hủy-2022” đã bị hủy bỏ, trong bối cảnh xung đột biên giới giữa Tajikistan và Kyrgyzstan. Trước đó nữa vào tháng 9, Armenia đã yêu cầu tổ chức cung cấp vũ khí để chống lại cuộc tấn công từ Azerbaijan, nhưng CSTO chỉ có thể gửi đến một đội điều tra thực tế. Đó có lẽ là tất cả những gì nhóm có thể làm.
PTT Harris lên án Trung Quốc, cam kết hỗ trợ Philippines
Bình Phương
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Manila hôm 20-11-2022 trong chuyến thăm ba ngày tại Philippines. Ảnh Dante Diosina Jr/Anadolu Agency via Getty Images
Trong chuyến thăm chính thức tới Philippines, hôm thứ Ba 22 tháng Mười Một, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã tố cáo Trung Quốc “đe dọa và cưỡng ép” trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và cam kết Hoa Kỳ sẽ sát cánh cùng Philippines.
Chính quyền Biden đang tìm cách chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực và chuyến đi của bà Harris là một phần trong nỗ lực đó.
Theo tin từ New York Times, bà Harris đã phát biểu trước các thành viên của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines ở tỉnh Palawan, địa phương gần nhất với quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, và là nơi nhiều năm qua Philippines liên tiếp cáo buộc Trung Quốc quấy rối tàu đánh cá và tàu hải quân của họ. Bà Harris đã đến thăm một làng chài Palawan.
“Những cộng đồng như thế này phải gánh chịu hậu quả khi tàu nước ngoài xâm nhập vùng biển Philippines và làm cạn kiệt nguồn cá một cách bất hợp pháp, khi họ quấy rối và đe dọa ngư dân địa phương, khi họ gây ô nhiễm đại dương và phá hủy hệ sinh thái biển,” bà Harris nói mà không gọi đích danh Trung Quốc.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, phớt lờ phán quyết của tòa án quốc tế bác bỏ yêu sách của họ. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tích cực mở rộng sự hiện diện trên biển Đông, nơi phần lớn hoạt động vận chuyển hàng hải của thế giới đi qua. Trung Quốc đã xây dựng và củng cố các đảo nhân tạo, triển khai các đội tàu để xua đuổi tàu của các quốc gia nhỏ hơn, như Philippines, ra khỏi các khu vực tranh chấp.
Tại Philippines, nhiều người coi chuyến thăm hai ngày của bà Harris là dấu hiệu cho thấy nước này có tầm quan trọng ngày càng tăng đối với chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden khi ông củng cố mạng lưới đối tác và đồng minh chống lại Trung Quốc. Mối quan hệ Mỹ-Philippines đã phần nào trở nên xấu đi dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald J. Trump và Tổng thống mới mãn nhiệm Rodrigo Duterte, nhà lãnh đạo Philippines thường lên tiếng chống Mỹ và ngả về phía Trung Quốc từ năm 2016 đến đầu năm nay.
Vào Chủ Nhật, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết Hoa Kỳ và Philippines đang đàm phán về việc mở rộng một chương trình theo đó quân nhân Mỹ sẽ đóng quân tạm thời tại các căn cứ quân sự của Philippines. Hiện tại, đã có năm căn cứ trên toàn quốc được sử dụng cho chương trình. Quan chức này không nói rõ có bao nhiêu địa điểm mới đang được thảo luận nhưng cho biết hai bên đang xem xét nhiều địa điểm cụ thể.
Các nhóm phiến quân (militants) chống chính phủ Manila, thân Trung Quốc, tổ chức biểu tình phản đối chuyến thăm của bà Phó Tổng thống Kamala Harris và sự mở rộng hợp tác quân sự giữa hai nước. Ảnh Dante Diosina Jr./Anadolu Agency via Getty Images
Hai ngày trước bài phát biểu của bà Harris đã xảy ra một cuộc chạm trán giữa các tàu Trung Quốc và Philippines ở Trường Sa trong lúc tàu Philippines thu hồi một mảnh vỡ mà các quan chức Philippines tin là từ một hỏa tiễn Trung Quốc. Phó đô đốc Alberto Carlos của Hải quân Philippines cho biết mảnh vỡ được phát hiện vào Chủ Nhật, trôi nổi cách đảo Thị Tứ mà người Phi gọi là đảo Pag-Asa ở Trường Sa khoảng nửa dặm và một chiếc tàu đã được cử ra vớt nó. Phó Đô đốc Carlos cho biết khi tàu quay trở lại, kéo theo mảnh vỡ thì một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã hai lần chặn đường nó và “dùng vũ lực thu hồi” mảnh vỡ, cắt dây thừng mà tàu Philippines đang dùng để kéo nó.
Đại sứ quán Trung Quốc đã bác bỏ thông tin đó vào tối thứ Hai, nói rằng thủy thủ Philippines đã bàn giao mảnh vỡ “sau khi bàn bạc thân thiện”.
Cơ quan Vũ trụ Philippines cho biết “rất có khả năng” mảnh vỡ là từ hỏa tiễn Trường Chinh 5B đã rơi tự do xuống Trái đất sau một vụ phóng phi thuyền của Trung Quốc vào đầu tháng này. Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã chỉ trích cơ quan vũ trụ của Trung Quốc đã không sử dụng công nghệ hướng dẫn các bộ phận hỏa tiễn như vậy được rơi an toàn xuống các khu vực không có dân cư.
Vụ đụng độ vì mảnh vỡ hỏa tiễn cho thấy va chạm thường xuyên xảy ra trong khu vực này.
Hôm thứ Hai, bà Harris đã gặp Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. tại Manila; bà nhắc lại rằng Hoa Kỳ có “cam kết vững chắc” bảo vệ Philippines nếu tàu hoặc máy bay của họ bị tấn công ở Biển Đông, theo một hiệp ước phòng thủ chung có từ năm 1951. Ông Marcos, người kế nhiệm ông Duterte vào năm nay, đã tỏ ra cởi mở trong việc hàn gắn mối quan hệ Mỹ-Philippines.
Giáo sư Aries Arugay, chủ nhiệm khoa khoa học chính trị của Đại học Philippines, nhận xét bài phát biểu của bà Harris – quan chức cấp cao nhất của Mỹ từng đến thăm Palawan – chủ yếu là “xã giao”. Nhưng ông nói ông không ngạc nhiên với việc mở rộng hợp tác quân sự Mỹ – Philippines “vì chúng tôi ở gần Đài Loan,” hòn đảo tự trị mà Trung Quốc quyết thâu tóm, có thể bằng vũ lực. “Eo biển Đài Loan rất quan trọng,” giáo sư Arugay nói và cho biết thêm rằng đảo Okinawa của Nhật, nơi có các căn cứ quân sự của Mỹ, thì “quá xa”.
Không có nhận xét nào