Võ Thái Hà tổng hợp
Điện Kremlin: Nga sẽ đồng ý đàm phán chấm dứt chiến tranh với một số điều kiện
Russia Would Agree to Talks to End Ukraine War on These Conditions: Kremlin
Nguồn: https://www.newsweek.com/russia-would-agree-talks-end-ukraine-war-these-conditions-kremlin-1755642
Son Hahong lược dịch
01/11/2022
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát đi tín hiệu cho biết Điện Kremlin có thể sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt chiến tranh với Ukraine, trong điều kiện phương Tây đáp ứng một số điều kiện nhất định.
Thông điệp trên được đưa ra sau khoảng 8 tháng kể từ khi Moscow mang quân đội vào lãnh thổ Ukraine với cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” hôm 24/2.
Mặc dù Nga ban đầu hy vọng chiến thắng nhanh chóng, nhưng cuộc xâm lược đã bộc lộ những điểm yếu trong quân đội của họ, đồng thời làm tổn thất lợi ích của Điện Kremlin.
Ở chiều ngược lại, Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ từ phương Tây, tăng cường các nỗ lực quốc phòng và cho phép quân đội của họ phát động một cuộc phản công mạnh mẽ để giành lại lãnh thổ bị chiếm đóng.
Khi giao tranh nổ ra, các cuộc đàm phán giữa hai quốc gia Đông Âu đã bị đình trệ. Ukraine là quốc gia đã chứng kiến nỗ lực đáng ngạc nhiên khi mong muốn tiếp tục chiến đấu cho đến khi Nga bị lật đổ hoàn toàn khỏi lãnh thổ của mình.
Trong khi đó, Nga tỏ ra không mấy quan tâm đến việc chấm dứt chiến tranh, mặc dù phải đối mặt với những tổn thất ngày càng tăng, cả về kinh tế lẫn ảnh hưởng trong khu vực.
Tuy nhiên, ông Lavrov đã thảo luận về khả năng đàm phán giữa Nga và phương Tây trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước Nga, hãng truyền thông nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin hôm thứ Bảy.
Ngoại trưởng Nga nói rằng Nga “luôn sẵn sàng lắng nghe những người đồng cấp phương Tây nếu họ đưa ra yêu cầu để tổ chức một cuộc đối thoại”.
Ông Lavrov nêu ra hai điều kiện mà phương Tây sẽ cần phải đồng ý để các cuộc đàm phán thành công.
Một là phương Tây sẽ cần phải “tính đến đầy đủ lợi ích của Liên bang Nga và an ninh của nước này”. Trong nhiều năm, Nga đã nêu lên mối lo ngại về việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà Điện Kremlin coi là mối đe dọa đối với lợi ích an ninh của mình.
Tổng thống Putin có thể sẽ yêu cầu Ukraine trung lập trong suốt các cuộc đàm phán. Trong cuộc xung đột, nhiều quốc gia Đông Âu bao gồm Phần Lan (quốc gia có chung biên giới với Nga) đã nỗ lực gia nhập NATO, củng cố tổ chức và giáng một đòn mạnh vào phạm vi ảnh hưởng của Nga.
Mỹ đã phát đi tín hiệu miễn cưỡng cho phép Ukraine trở thành thành viên trong điều kiện hiện tại.
Thứ hai, phương Tây sẽ phải “cung cấp cho Nga một số cách tiếp cận nghiêm túc sẽ giúp xoa dịu căng thẳng”, ông Lavrov nói.
Ông không đưa ra chi tiết cụ thể về cách chính xác phương Tây có thể làm như vậy, mặc dù trước đây Nga đã cáo buộc phương Tây làm sâu sắc thêm căng thẳng thông qua sự ủng hộ của họ đối với Ukraine và các lệnh trừng phạt đã làm suy yếu nền kinh tế của Moscow.
“Nếu Nga được tiếp cận với các đề xuất thực tế dựa trên các nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lợi ích lẫn nhau, nhằm tìm kiếm sự thỏa hiệp và cân bằng lợi ích của tất cả các quốc gia trong khu vực này, chúng ta sẽ không như vậy, như mọi khi trong quá khứ”, ông Lavrov nói.
Người phát ngôn của Tổng thống Putin – Dmitry Peskov cũng cho biết hôm thứ Bảy rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào để chấm dứt cuộc chiến Ukraine trước tiên sẽ cần phải được tổ chức với Mỹ, mà theo ông có một “cuộc bỏ phiếu quyết định”, theo TASS.
“Kyiv có một tổng thống, một tổng thống hợp pháp của Ukraine, ông Zelensky, và về mặt lý thuyết có thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào với ông ấy, nhưng, ghi nhớ kinh nghiệm tháng Ba, những thỏa thuận này không có ý nghĩa gì vì chúng có thể bị hủy bỏ ngay lập tức theo một sự độc đoán đến từ bên ngoài”, ông nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã đưa ra các yêu cầu của mình để ngồi lại với các nhà lãnh đạo Nga để chấm dứt cuộc chiến đang tàn phá đất nước của ông.
Ông Zelensky nói vào tháng 9 rằng các điều kiện của ông đòi hỏi các nước phải trừng phạt Nga. Ông cho biết điều này sẽ bao gồm nhiều biện pháp trừng phạt hơn và loại bỏ Nga khỏi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Đồng thời, bảo vệ cuộc sống của người dân Ukraine, công nhận biên giới Ukraine và đảm bảo an ninh mới cho Ukraine.
Chính quyền Biden đã nói rằng lợi ích của Ukraine nên là trung tâm của bất kỳ cuộc đàm phán nào để chấm dứt chiến tranh. Trong một bức thư vào đầu tháng 10, ông Biden và các nhà lãnh đạo thế giới khác đã tái khẳng định cam kết của họ trong việc “cung cấp sự hỗ trợ mà Ukraine cần để duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình”.
“Với quan điểm về một giải pháp hòa bình khả thi sau chiến tranh, chúng tôi vẫn sẵn sàng đạt được các thỏa thuận cùng với các quốc gia, tổ chức quan tâm và Ukraine về an ninh bền vững, cùng với các cam kết khác để giúp Ukraine tự vệ, đảm bảo tương lai tự do và dân chủ, đồng thời ngăn chặn sự xâm lược của Nga trong tương lai”, bức thư nêu và cũng được ký bởi các nhà lãnh đạo của Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu.
Theo Newsweek
http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2022/10
Triều Tiên ‘không thể dung chấp’ các cuộc tập trận Mỹ-Hàn nữa
02/11/2022
Ông Pak Jong Chon, Bí thư Ủy ban Trung ương đảng Lao động cầm quyền Triều Tiên.
Triều Tiên ngày 1/11 một lần nữa yêu cầu Hoa Kỳ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận chung, nói rằng “không thể nào dung chấp được nữa sự liều lĩnh và khiêu khích”, trong khi Tòa Bạch Ốc nói rằng mối quan ngại vẫn còn cao về khả năng xảy ra một vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã bắt đầu một trong những cuộc tập trận không quân kết hợp lớn nhất vào ngày 31/10, với sự tham gia của hàng trăm máy bay chiến đấu của cả hai bên, thực hiện các cuộc tấn công giả định 24 giờ một ngày trong hầu hết một tuần.
Lên án các cuộc tập trận trong một tuyên bố được hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên loan tin, ông Pak Jong Chon, Bí thư Ủy ban Trung ương đảng Lao động cầm quyền Triều Tiên, cảnh báo Hoa Kỳ và Hàn Quốc chớ có bất kỳ nỗ lực tấn công nào.
“Nếu Mỹ và Hàn Quốc cố gắng sử dụng các lực lượng vũ trang chống lại CHDCND Triều Tiên mà không hề sợ hãi, các phương tiện đặc biệt của lực lượng vũ trang CHDCND Triều Tiên sẽ thực hiện nhiệm vụ chiến lược không chậm trễ và Mỹ và Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với một tình huống khủng khiếp và phải trả giá khủng khiếp nhất trong lịch sử”.
Triều Tiên yêu cầu Washington và Seoul “dừng các ‘cuộc tập trận điên cuồng’ và những phát biểu khiêu khích.”
Tuyên bố nói: “Trong tình hình hiện nay, thật là một sai lầm lớn nếu chỉ coi đây là một lời cảnh báo đe dọa.” “Sự liều lĩnh và khiêu khích quân sự như thế không thể dung chấp được nữa”.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 31/10 yêu cầu chấm dứt các cuộc tập trận Mỹ-Hàn, nói rằng các cuộc tập trận này có thể đưa tới “các biện pháp tiếp nối mạnh mẽ hơn” từ Bình Nhưỡng.
Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn đang chiến tranh sau khi cuộc xung đột 1950-1953 của họ kết thúc bằng một hiệp định đình chiến chứ không phải là một hiệp định hòa bình.
Washington và Seoul tin rằng Triều Tiên có thể sắp tiếp tục thử bom hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017 và đã áp dụng chiến lược “răn đe” Bình Nhưỡng thông qua các cuộc tập trận lớn mà một số quan chức đương nhiệm và tiền nhiệm cho rằng có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng.
Phát ngôn viên an ninh Tòa Bạch Ốc John Kirby trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 1/11 được hỏi rằng liệu có lo ngại Triều Tiên có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân khi G20 nhóm họp ở Bali vào giữa tháng này hay không.
“Nhìn chung, quan ngại của chúng tôi vẫn ở mức cao,” ông Kirby nói.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ đến Campuchia từ ngày 12 đến 13 tháng 11 để tham gia hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á trước khi tới Indonesia từ ngày 13 đến 16 tháng 11 để dự hội nghị G20.
Việt Nam,Trung Quốc cam kết sẽ “xử lý thỏa đáng” tranh chấp chủ quyền Biển Đông
02/11/2022
Cơ sở hạ tầng và đường bay được Trung Quốc xây dựng trên đã Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông, ngày 20/03/2022. AP - Aaron Favila
Thanh Phương
Hôm qua, 01/11/2022, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Hai bên đã ra một Tuyên bố chung, trong đó Hà Nội và Bắc Kinh cam kết sẽ “xử lý thỏa đáng” các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Trong chuyến đi Trung Quốc bắt đầu từ ngày 30/10/2022, ông Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với ông Tập Cận Bình, vừa tái đắc cử tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc nhiệm kỳ thứ 3, và gặp các lãnh đạo cao cấp khác của chính quyền Bắc Kinh, trong đó có thủ tướng Lý Khắc Cường.
Theo bản Tuyên bố chung mà phía Việt Nam công bố, trong cuộc gặp giữa ông Nguyễn Phú Trọng với các lãnh đạo Trung Quốc, hai bên đã trao đổi ý kiến “chân thành, thẳng thắn” về vấn đề trên biển, đồng thời đã “nhất trí xử lý ổn thỏa” vấn đề trên biển để “duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.
Hai bên cũng cam kết sẽ “sử dụng hiệu quả” cơ chế đàm phán biên giới cấp Chính phủ Việt Nam-Trung Quốc, kiên trì, đàm phán về “các biện pháp giải quyết mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường, chủ trương của mỗi bên, tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được.”
Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình đã tỏ ra hung hăng hơn trong việc xác quyết chủ quyền ở Biển Đông, thể hiện qua việc xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo này, cũng như tăng cường tuần tra trên vùng biển này và sách nhiễu các tàu cá của những nước khác, đặc biệt là của Việt Nam.
Không công nhận chủ quyền mà Bắc Kinh tự áp đặt lên phần lớn Biển Đông, Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác thường xuyên đưa chiến hạm đến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực này, bất chấp phản đối của Trung Quốc.
Tuy vẫn thường xuyên gặp căng thẳng do tranh chấp chủ quyền Biển Đông, trong chuyến đi thăm vừa qua của ông Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã tuyên bố sẽ “ tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc”.
Không những thế, theo bản Tuyên bố chung, Hà Nội và Bắc Kinh cho biết sẽ “tích cực thúc đẩy” kết nối chiến lược phát triển hai nước, đẩy nhanh trao đổi, ký kết Kế hoạch hợp tác giữa chính phủ hai nước về thúc đẩy kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” do lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng.
Ông Nguyễn Phú Trọng như vậy là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Tập Cận Bình sau khi ông đắc cử tổng bí thư nhiệm kỳ 3 trong kỳ Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20, trở thành lãnh đạo có thế lực nhất ở nước này kể từ thời Mao Trạch Đông.
Fed dự kiến tiếp tục tăng lãi suất
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 0.75 điểm phần trăm vào thứ Tư, lần thứ tư liên tiếp ngân hàng làm như vậy. Với động thái này, Fed coi như hoàn thành nâng lãi suất ngắn hạn từ mức sàn 0% hồi tháng 3 lên 3,75% chỉ trong vòng 7 tháng, đánh dấu chính sách thắt chặt khốc liệt nhất kể từ đầu những năm 1980 nhằm kiềm chế lạm phát đang ở trên mức 8%.
Thị trường đã đoán sẵn Fed sẽ tăng lãi suất, do đó điều quan trọng là chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ nói gì trong họp báo sau cuộc họp chính sách. Giới quan sát rất muốn xem liệu ông có nhẹ tay hơn trong tương lai, có thể là chỉ tăng nửa điểm vào cuộc họp tháng 12. Nhưng ông chắc chắn sẽ nói quyết định trong tương lai còn phụ thuộc vào dữ liệu mới, qua đó giúp Fed có không gian chính sách để tăng lãi suất nếu lạm phát vẫn cao.
Châu Phi cần năng lượng sạch lẫn tăng trưởng kinh tế
Tuần này, các đại biểu, những người vận động hành lang cùng các trợ lý của họ sẽ bắt đầu đổ về Sharm El-Sheikh, ở Ai Cập, để dự COP27, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hàng năm của Liên Hợp Quốc. Sự kiện này, sẽ chính thức bắt đầu vào Chủ nhật, đang được quảng cáo là “COP của Châu Phi” với trọng tâm chính là lục địa này.
Khi các đại biểu mặc cả về cách giảm lượng khí thải toàn cầu, họ nên nhớ rằng châu Phi dùng rất ít năng lượng. Cụ thể, một người dân bình thường ở hạ Sahara (không tính Nam Phi) chỉ dùng 180kWh một năm, thấp hơn cả một chiếc tủ lạnh ở Mỹ.
Để trở nên giàu có hơn, châu Phi cần tăng tiêu thụ năng lượng. Năng lượng tái tạo là điều cần thiết, nhưng châu Phi không thể chỉ dựa vào nó. Nhiều khí đốt hơn, dù có ô nhiễm nhưng vẫn sạch hơn than đá, là khá cần thiết. Nhưng, mặc dù vui vẻ nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, các chính phủ phương Tây giờ đây hầu hết từ chối tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch mới ở châu Phi hoặc các nước nghèo khác. Các đại biểu COP27 nên nhận thấy rằng tăng trưởng xanh trong khu vực là một mục tiêu đáng quý – nhưng châu Phi cũng cần được phát triển.
Châu Âu điều tra bê bối hack điện thoại của Hy Lạp
Các quan chức của Nghị viện châu Âu đang ở Hy Lạp vào thứ Tư để điều tra xem liệu đảng cầm quyền nước này có sử dụng phần mềm gián điệp để theo dõi bất hợp pháp các chính trị gia và một nhà báo hay không. Chính phủ của thủ tướng Kyriakos Mitsotakis đã phủ nhận việc họ mua phần mềm Predator do Israel sản xuất (vốn có tính năng tương tự như phần mềm gián điệp Pegasus được dùng bởi các chính phủ Mexico và Ả Rập Saudi). Nhưng việc các quan chức miễn cưỡng gặp các nhà điều tra làm dấy lên lo ngại đảng Dân chủ Mới của ông thực sự có dính líu đến vụ hack điện thoại riêng của lãnh đạo đảng Pasok-Kinal đối lập, Nikos Androulakis.
Cuộc điều tra trong nội bộ quốc hội Hy Lạp đã đột ngột kết thúc vào tháng trước sau khi các nghị sĩ chính phủ chặn trát đòi nhân chứng quan trọng ra trình diện của phe đối lập. Các nhân chứng này bao gồm Intellexa, một công ty Israel có văn phòng ở Athens và là nhà sản xuất Predator, và cháu của ông Mitsotakis, người khi ấy là chánh văn phòng nội các. Để điều tra ra nhẽ là một thử thách không nhỏ cho Ủy ban điều tra của châu Âu. Nhưng nếu họ tìm thấy bằng chứng cho thấy chính phủ đứng đằng sau vụ hack, triển vọng trong cuộc tổng tuyển cử vào mùa xuân tới của ông Mitsotakis coi như tan biến.
Điều tra vụ sập cầu treo ở Ấn Độ
Được đưa vào sử dụng từ năm 1879, “cầu treo” Jhulto Pul là điểm thu hút du khách lớn nhất ở thị trấn Morbi của Gujarati. Giờ đây, nó trở thành thảm họa chết người mới nhất của Ấn Độ. Vào ngày 30 tháng 10, bốn ngày sau khi cây cầu treo dành cho người đi bộ mở cửa trở lại sau bảo trì, dây cáp của nó bị đứt, khiến hàng trăm người rơi xuống sông Machchhu. Bang Gujarat sẽ để tang các nạn nhân một ngày vào thứ Tư.
Oreva, công ty vận hành cây cầu, nói cầu sập vì các nạn nhân lung lay nó. Nhưng nhân viên của công ty này nằm trong số 9 người bị bắt cho đến nay vì vụ sập cầu. Trước cuộc bầu cử bang vào tháng 12, các đảng đối lập đã đặt câu hỏi vì sao Oreva, chủ yếu là một công ty sản xuất đồng hồ, lại được chính quyền Morbi và Gujarat, do Đảng Bharatiya Janata kiểm soát, trao quyền vận hành cầu. Narendra Modi, thủ tướng BJP của Ấn Độ, đã ra lệnh điều tra “chi tiết và sâu rộng.” Tòa Tối cao sẽ mở một cuộc điều tra vào ngày 14 tháng 11. Song người Ấn Độ không mong đợi nhiều. Kinh nghiệm từ các thảm kịch tương tự trước đây cho thấy khó có thể có những thay đổi ý nghĩa.
Mỹ: Tin tặc Nga chiếm hầu hết các vụ tấn công đòi tiền chuộc năm 2021
02/11/2022
Tin tặc Nga Fancy Bears tấn công các vận động viên thể dục thể thao nổi tiếng của Mỹ.
Phần mềm đòi tiền chuộc do tin tặc Nga tạo ra đã được sử dụng trong 3/4 tổng số các âm mưu tấn công mạng đòi tiền chuộc được báo cáo cho cơ quan quản lý tội phạm tài chính Hoa Kỳ trong nửa cuối năm ngoái, một phân tích của Bộ Ngân khố công bố hôm 1/11 cho thấy.
Trong phân tích được đưa ra đáp ứng trước sự gia tăng số lượng và mức độ nghiêm trọng của các cuộc tấn công mạng đòi tiền chuộc nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở Hoa Kỳ kể từ cuối năm 2020, Mạng lưới Thực thi Tội phạm Tài chính Hoa Kỳ (FinCEN) cho biết họ đã nhận được 1.489 hồ sơ liên quan đến tấn công mạng đòi tiền chuộc trị giá gần 1,2 tỷ đô la trong năm ngoái, tăng 188% so với năm trước.
Báo cáo cho biết trong số 793 vụ tấn công mạng đòi tiền chuộc được báo cáo cho FinCEN vào nửa cuối năm 2021, 75% “có mối liên hệ với Nga, các tay chân ủy nhiệm hoặc những người hành động cho họ.”
Tuần này, Washington tổ chức một cuộc họp với các quan chức từ 36 quốc gia và Liên hiệp Châu Âu cùng 13 công ty toàn cầu để giải quyết mối đe dọa tấn công mạng đòi tiền chuộc ngày càng tăng và các tội phạm mạng khác, bao gồm cả việc sử dụng bất hợp pháp tiền điện tử.
“Chúng ta có lẽ tiếp cận thách thức của tấn công mạng đòi tiền chuộc với một lăng kính khác - và trong một số trường hợp, với một bộ công cụ hoàn toàn khác - nhưng tất cả chúng ta có mặt ở đây vì chúng ta biết rằng tấn công mạng đòi tiền chuộc vẫn là một mối đe dọa quan trọng đối với nạn nhân trên toàn cầu và tiếp tục sinh lợi cho những kẻ xấu”, Thứ trưởng Bộ Ngân khố Wally Adeyemo nói với các quan chức.
Phần mềm đòi tiền chuộc hoạt động bằng cách mã hóa dữ liệu của nạn nhân, rồi tin tặc cung cấp cho nạn nhân một chìa khóa mà ngược lại nạn nhân phải chi trả các khoản thanh toán bằng tiền điện tử có thể lên tới hàng triệu đô la.
Một quan chức Bộ Ngân khố Hoa Kỳ ngày 1/11 cho hay tháng trước Bộ đã đẩy lùi các cuộc tấn công mạng của một nhóm tin tặc thân Nga, ngăn chặn sự gián đoạn, một ví dụ mà ông nói về cách tiếp cận mạnh mẽ hơn của Bộ đối với an ninh mạng hệ thống tài chính.
Cuộc chiến chip Mỹ – Trung sẽ trở thành trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh G20?
Huyền Anh
02/11/2022
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong một hội nghị thượng đỉnh ảo từ Phòng Roosevelt của Nhà Trắng ở Washington vào ngày 15/11/2021. (Ảnh: Mandel Ngan/AFP/Getty Images)
Cuối tháng này, Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức tại Bali, Indonesia. Các quan chức Mỹ và Trung Quốc vẫn đang trong quá trình sắp xếp cho một cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, Nhà Trắng cho biết hôm thứ Ba (1/11). Liệu cuộc chiến chip Mỹ – Trung sẽ trở thành trọng tâm của Hội nghị này?
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ được tổ chức tại Bali, Indonesia từ ngày 15/11 đến ngày 16/11. Indonesia đảm nhận chức vụ Chủ tịch luân phiên của hội nghị thượng đỉnh.
Vào ngày 28/10, Nhà Trắng xác nhận rằng ông Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20, còn Trung Quốc vẫn chưa thông báo liệu ông Tập Cận Bình có tham dự sự kiện này hay không. Nhưng Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho hay, cả ông Tập và ông Putin đều có kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh G20.
Phát ngôn viên an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói với các phóng viên hôm 1/11 rằng, các nhân viên Mỹ và Trung Quốc đang sắp xếp một cuộc họp tiềm năng cho các nhà lãnh đạo tại Hội nghị G20
“Chúng tôi có rất nhiều vấn đề cần thảo luận với phía Trung Quốc”, ông Kirby nói vào ngày 30/10 và cho biết thêm rằng, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực để sắp xếp một cuộc gặp cho các nhà lãnh đạo, mặc dù điều này vẫn chưa được xác nhận. Ông Kirby nói: “Một số vấn đề vẫn còn gây tranh cãi, và một số vấn đề cần được hợp tác”.
Cuộc chiến chip Mỹ – Trung có thể trở thành trọng tâm của Hội nghị G20
Trong cuộc họp với các quan chức Bộ Quốc phòng hôm thứ Tư tuần trước (26/10), ông Biden nhấn mạnh rằng Mỹ “không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc”. Vài giờ sau, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, ông Tập Cận Bình nói với các thành viên của Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ – Trung rằng, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ để tìm cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp vì lợi ích của cả hai bên. Đây được coi là tín hiệu hòa giải giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nhưng ngày hôm sau, các quan chức Mỹ và Trung Quốc lại có một cuộc khẩu chiến về các quy định mới mà chính quyền ông Biden công bố vào ngày 7/10 trong việc ngăn cản Trung Quốc tiếp cận một số chip bán dẫn. Ông Wang Hongxia, tham tán công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, nói với các phóng viên rằng: “Mỹ quá chú trọng khái niệm an ninh quốc gia, đàn áp sự phát triển của Trung Quốc, và hợp tác kinh doanh bình thường bị chính trị hóa và vũ khí hóa”.
Ông Alan Estevez, một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Mỹ, sau đó đã nói với một diễn đàn ở Washington rằng, ông sẽ đặt cược vào các biện pháp kiểm soát xuất khẩu bổ sung của Mỹ đối với Trung Quốc.
Tối 30/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị để thảo luận về các vấn đề như quan hệ Mỹ – Trung, chiến tranh Nga – Ukraine và tình hình ở Haiti. Đây là cuộc điện đàm cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ 20. Giới quan sát tin rằng, cuộc điện đàm giữa hai Ngoại trưởng có thể là bước đệm để mở đường cho một cuộc gặp tiềm năng giữa ông Tập và ông Biden vào Hội nghị thượng đỉnh G20 tới.
Sau cuộc điện đàm giữa ông Blinken và ông Vương Nghị, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục đưa ra một tuyên bố hôm thứ Hai (31/10) rằng, Mỹ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với Trung Quốc và hạn chế đầu tư vào Trung Quốc, điều này vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc tự do thương mại và gây tổn hại đến các quyền hợp pháp của Trung Quốc. Tờ Bloomberg đưa tin, cuộc chiến chip Mỹ – Trung có thể là trọng tâm của các cuộc thảo luận trong Hội nghị thượng đỉnh G20 tới đây.
Các quy định sâu rộng mới do Bộ Thương mại Mỹ áp đặt nhằm hạn chế việc xuất khẩu chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chip cho khách hàng Trung Quốc. Theo đó, Washington muốn ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng công nghệ của họ để phát triển khả năng quân sự và kiểm soát người dân Trung Quốc. Động thái này của Mỹ là đòn giáng mạnh mẽ vào tham vọng tự chủ về chip của Trung Quốc và làm suy yếu nỗ lực của Bắc Kinh đối với tham vọng phát triển kinh tế của nước này, bao gồm chất bán dẫn, siêu máy tính, hệ thống giám sát và vũ khí tiên tiến.
Mỹ và Trung Quốc có nhiều khác biệt
Kể từ khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ tháng 1/2021, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Mỹ đã thực hiện 5 cuộc điện đàm. Nếu hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia, đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ kể từ khi ông Biden nhậm chức.
Sau khi kết thúc Đại hội 20, ông Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba của mình với tư cách là Tổng bí thư ĐCSTQ và đối mặt với những khó khăn cả trong và ngoài nước.
Sự củng cố quyền lực của ông Tập Cận Bình diễn ra khi Mỹ cập nhật chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia, nhấn mạnh rằng Trung Quốc hiện là đối thủ kinh tế và quân sự lớn nhất của Mỹ. Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ cũng đã bước vào giai đoạn nước rút, và phản ứng cứng rắn đối với ĐCSTQ là một trong số ít động thái đạt được sự đồng thuận của lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ. Giới quan sát tin rằng, bất kể kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ra sao, nước này vẫn sẽ tiếp tục coi Trung Quốc là đối thủ lớn nhất.
Trên cương vị Tổng thống, ông Biden đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác; đàn áp các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hong Kong; cưỡng ép các hoạt động thương mại; khiêu khích quân sự chống lại Đài Loan và không lên án cuộc chiến của Nga với Ukraine.
Về phần mình, ông Tập Cận Bình đã chỉ trích cách tiếp cận của chính quyền ông Biden đối với Đài Loan, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền và cho biết, họ sẽ thống nhất hòn đảo bằng vũ lực nếu cần thiết. Ông Tập cũng ám chỉ rằng, Washington muốn kìm hãm ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực không ngừng để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại do chính sách phòng chống dịch Zero Covid cực đoan của chính quyền nước này. Bắc Kinh cũng đang phải đối mặt với việc xuất khẩu chậm chạp và giá nhà ở chạm đáy trong tháng 9, đạt mức thấp nhất trong 7 năm qua.
Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), những quốc gia đang đầu tư hàng chục tỷ USD để cạnh tranh trong lĩnh vực bán dẫn và các công nghệ khác. Tất cả những điều này cho thấy một thực tế là GDP của Trung Quốc khó có thể vượt qua Mỹ.
Thanh Hải
Không có nhận xét nào