Võ Thái Hà tổng hợp
Ukraina ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với ASEAN
Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba (T) và đồng nhiệm Cam Bốt Prak Sokhonn tại Phnom Penh, Cam Bốt ngày 10/11/2022. AP - Vincent Thian
Giữa lúc chiến tranh với Nga vẫn diễn ra ác liệt, hôm nay, 10/11/2022, tại Phnom Penh, bên lề các cuộc họp thượng đỉnh ASEAN, Ukraina đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Đông Nam Á.
Từ Phnom Penh, đặc phái viên Thanh Phương tường trình :
Đại diện cho Ukraina ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Đông Nam Á là ngoại trưởng Dmytro Kuleba, đã đến Phnom Penh từ hôm thứ Ba. Trước khi ký Hiệp ước hôm nay, ông Kuleba đã hội kiến thủ tướng Cam Bốt Hun Sen hôm qua. Theo lời ngoại trưởng Ukraina, trong cuộc gặp này, hai bên đã bàn về quan hệ song phương và về an ninh lương thực toàn cầu.
Cho tới nay tổng cộng đã có 50 quốc gia hoặc khối các quốc gia ký kết hiệp ước này, tiền đề cho việc thiết lập quan hệ đối tác chính thức với ASEAN. Trong số này có Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga và Liên Hiệp Châu Âu.
Các nguyên tắc chính của Hiệp ước là tôn trọng độc lập và chủ quyền lãnh thổ của nhau, giải quyết các tranh chấp bằng những phương tiện hòa bình và từ bỏ việc đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực.
Việc Ukraina ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Đông Nam là sự kiện đáng chú ý vì được coi là biểu hiện cho sự ủng hộ của ASEAN đối với Kiev, mặc dù các nước trong khối Đông Nam Á không có quan điểm đồng nhất về chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraina. Trong khi Singapore đã ban hành các trừng phạt đối với Nga, những nước như Việt Nam hay Lào, vốn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp vũ khí của Nga, thì tránh trực tiếp chỉ trích Matxcơva.
Tuy nhiên, theo báo chí Cam Bốt, các nước lại chưa đạt được đồng thuận về việc để cho tổng thống Ukraina phát biểu qua video tại thượng đỉnh ASEAN. Đây là yêu cầu mà ông Zelensky đã đưa ra khi nói chuyện qua điện thoại với thủ tướng Hun Sen ngày 1/11 và phía Cam Bốt đã ủng hộ đề nghị đó.
Trong cuộc điện đàm đó, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý là Cam Bốt và Ukraina sẽ thiết lập bang giao chính thức và hai nước sẽ bổ nhiệm các đại sứ.
Khủng hoảng Miến Điện: ASEAN đối đầu với áp lực gia tăng
10/11/2022
Các nhà lãnh đạo ASEAN tham gia hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Phnom Penh, Cam Bốt ngày 10/11/2022. REUTERS - CINDY LIU
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 40 và 41 của ASEAN khai mạc tại Phnom Penh hôm nay, 10/11/2022, trong lúc áp lực gia tăng với các lãnh đạo Đông Nam Á trên vấn đề Miến Điện, một trong những chủ đề bao trùm thượng đỉnh lần này.
Từ Phnom Penh, đặc phái viên Thanh Phương tường trình:
Áp lực đặc biệt đến từ các tổ chức phi chính phủ. Chẳng hạn như trong một thông cáo đưa ra ngày 01/11/2022, tổ chức Human Rights Watch đã kêu gọi các chính phủ dự thượng đỉnh ASEAN hãy ủng hộ việc ban hành các trừng phạt nặng nề hơn và các biện pháp khác để chặn đứng những vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng của tập đoàn quân sự Miến Điện.
Vài ngày trước khi khai mạc thượng đỉnh ASEAN, tổ chức Công lý cho Miến Điện (Justice For Myanmar) tố cáo việc ASEAN bổ nhiệm tư lệnh không quân Miến Điện làm Chủ tịch Hội nghị Tư lệnh Không quân các nước ASEAN năm 2023, trong khi tập đoàn quân sự gia tăng sử dụng không quân để “phạm các tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh” đối với người dân nước họ. Không những thế ASEAN còn tiếp tục để cho tập đoàn quân sự Miến Điện kiểm soát trang web về chống khủng bố của ASEAN, sử dụng trang web này như một công cụ tuyên truyền. Tổ chức Công lý cho Miến Điện yêu cầu ASEAN rút lại quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội nghị Tư lệnh Không quân các nước ASEAN và loại Miến Điện ra khỏi mọi cuộc họp và hoạt động của khối này.
Đáp lại những lời kêu gọi đó, tại Phnom Penh hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cam Bốt đã đề nghị nên chờ kết quả các cuộc họp thượng đỉnh về một giải pháp cho khủng hoảng Miến Điện. Ông Chum Sounry nhấn mạnh đến “vai trò mang tính xây dựng” của ASEAN, cũng như “những nỗ lực của Cam Bốt” trong cương vị chủ tịch luân phiên của ASEAN để cố giúp Miến Điện trở lại như trước đây, thông qua việc thực hiện Bản Đồng thuận 5 điểm mà tập đoàn quân sự và ASEAN đã đạt được vào tháng 4 năm ngoái.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cam Bốt cho biết để bảo đảm việc tôn trọng đầy đủ và thật sự Bản đồng thuận 5 điểm và để nhanh chóng giải quyết khủng hoảng Miến Điện, trong một cuộc họp gần đây tại Jakarta, các ngoại trưởng ASEAN đã thông qua những khuyến nghị sẽ được đệ trình lên các lãnh đạo Đông Nam Á để xem xét trong thượng đỉnh lần này.
Một trong những khuyến nghị đó là trừ phi tập đoàn quân sự có những tiến bộ trong việc thực hiện bản đồng thuận 5 điểm, ASEAN sẽ hạn chế hơn nữa sự tham gia của Miến Điện vào các cuộc họp của khối này. Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy các lãnh đạo ASEAN sẽ có những biện pháp triệt để hơn trên vấn đề Miến Điện.
Tổng thống Nga Putin sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia vào tuần tới, một quan chức chính phủ Indonesia cho biết hôm thứ Năm, khi Điện Kremlin tìm cách bảo vệ Tổng thống khỏi những căng thẳng cấp cao liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine, Bloomberg đưa tin hôm 9/11.
Ông Jodi Mahardi, người phát ngôn của Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư, cho biết phía Nga sẽ có sự hiện diện của Ngoại trưởng Sergey Lavrov. Tổng thống Nga sẽ có thể tham gia một trong các cuộc họp trực tuyến, ông nói thêm.
Việc không tham dự trực tiếp G20 của ông Putin sẽ giúp ông tránh được các cuộc đối đầu với các nhà lãnh đạo thế giới khác, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã gán cho Tổng thống Nga là “tội phạm chiến tranh”.
Điện Kremlin cũng nhìn thấy nguy cơ ông Putin bị các nhà lãnh đạo châu Âu xa lánh tại Hội nghị thượng đỉnh ngày 15-16/11 tới đây.
Vào tháng 3, ông Biden nói rằng Nga nên bị loại khỏi G20 vì xâm lược Ukraine, gây ra cuộc xung đột lớn nhất của châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai và làm gia tăng lo ngại về leo thang hạt nhân.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã từ chối rút lời mời đối với ông Putin vì đất nước của ông, nước giữ chức chủ tịch luân phiên của G20, tìm cách duy trì quan điểm trung lập. Thay vào đó, ông Widodo cũng mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới hội nghị thượng đỉnh với tư cách khách mời.
Ông Zelensky đã nói chuyện với ông Widodo qua điện thoại vào thứ Năm tuần trước về việc chuẩn bị cho G20 và sau đó nói với các phóng viên rằng ông sẽ không tham gia Hội nghị thượng đỉnh nếu ông Putin tham dự.
Vào tháng 8, ông Widodo nói rằng ông Putin đã xác nhận rằng ông sẽ tham gia, mặc dù Điện Kremlin chưa bao giờ công khai việc nhà lãnh đạo Nga sẽ đến Bali hay tham gia họp trực tuyến.
Các quan chức Nga hy vọng Hội nghị thượng đỉnh sẽ cho phép ông Putin tiếp xúc không chính thức với những người đồng cấp Mỹ và châu Âu, nhưng rõ ràng điều này sẽ không xảy ra, theo Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga do Điện Kremlin thành lập.
“Mục tiêu là để ông Putin và ông Biden gặp nhau, nhưng ông Biden dường như chưa sẵn sàng cho việc này,” ông nói.
Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ không gặp ông Putin ở Bali để thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine và chỉ sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán về việc trả tự do cho các công dân Mỹ bị bỏ tù ở Nga, bao gồm ngôi sao WNBA Brittney Griner.
Ông Putin đã phải đối mặt với những lời chỉ trích dữ dội từ các nhà lãnh đạo phương Tây tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Australia vào năm 2014, diễn ra ngay sau khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine và làm gia tăng bạo lực ly khai ở miền đông nước này. Ông đã rời cuộc họp sớm.
Nhật Minh (theo Bloomberg, Reuters)
Triều Tiên phóng phi đạn: Không có dấu hiệu thiếu tài trợ hay vật liệu bất chấp các chế tài
10/11/2022
Triều Tiên phóng phi đạn tại một địa điểm không được tiết lộ. Ảnh do Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên công bố ngày 10/10/2022.
Năm kỷ lục phóng phi đạn của Triều Tiên 2022 cho thấy họ sẵn sàng đổ nguồn lực vào sản xuất và triển khai nhiều vũ khí hơn bao giờ hết, một phần được hỗ trợ bởi các mạng lưới cung cấp tài chính và vật chất ở nước ngoài, các nhà phân tích nói.
Tuần trước, nước này đã bắn hơn 80 phi đạn, bao gồm phi đạn đạn đạo tầm ngắn (SRBM) mới nhất và một biến thể mới của phi đạn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Tính đến nay, tuần rồi là tuần lễ mà Triều Tiên phóng nhiều phi đạn nhất.
Mặc dù chi phí vũ khí của Triều Tiên không được tiết lộ, nhưng ICBM ở các nước khác có thể lên tới hàng chục triệu đô la, và SRBM như Iskander của Nga lên tới 3 triệu đô.
Các nhà phân tích cho rằng việc Bình Nhưỡng sẵn sàng bắn các thiết bị đắt tiền như vậy xuống biển cho thấy chương trình phi đạn của đất nước nghèo khó gặp ít trở ngại mặc dù bị cấm bởi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Ông Mason Richey thuộc Đại học Ngoại giao Hankuk của Seoul cho biết Triều Tiên phải có đủ nhiên liệu và phi đạn, bao gồm cả máy móc phức tạp như động cơ và hệ thống dẫn đường, khả năng sản xuất vũ khí mới nhanh chóng hoặc khả năng mua những gì họ cần từ nước ngoài.
Ông nói: “Nhìn từ cách nào đi nữa thì đều thấy rằng các biện pháp trừng phạt đã và sẽ kém hiệu quả như thế nào.”
Nhiều vụ phóng phi đạn trong vài tuần qua là SRBM, một số trong số đó dường như đã được chuyển giao cho các đơn vị tác chiến. Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho thấy các phi đạn loại SCUD cũ hơn cũng đã được bắn.
Ông Markus Schiller, một chuyên gia về phi đạn ở châu Âu, cho biết: “Các vụ phóng cho thấy họ có nhiều phi đạn đó trong kho.”
Ông nói, ngay cả những SRBM mới nhất thì cũng đã vài năm tuổi, điều đó có nghĩa là Triều Tiên có thể có một kho dự trữ, ngay cả khi nước này chỉ có thể xây dựng chúng với tốc độ chậm. Ông nói thêm rằng một số, chẳng hạn như KN-25 SRBM, “chắc chắn được thiết kế để sản xuất với số lượng cao hơn.”
Mạng lưới nước ngoài
Phạm vi hỗ trợ của nước ngoài cho chương trình phi đạn của Triều Tiên đang được tranh luận sôi nổi.
Hàn Quốc có thể phát hiện ra manh mối mới về cách thức chế tạo phi đạn của Triều Tiên khi nước này phân tích các mảnh vỡ thu hồi được từ một SRBM rơi ngoài khơi vào tuần trước.
Khi Hàn Quốc thu thập mảnh vỡ của các rốc-két Unha của Triều Tiên vào năm 2012, họ cho biết đã tìm thấy các bộ phận từ Anh, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Liên Xô cũ.
Các nhà phân tích và chuyên gia chế tài cho rằng Triều Tiên tiếp tục dựa vào nguyên liệu và các đầu vào khác từ nước ngoài.
Ông Hugh Griffiths, cựu điều phối viên của một nhóm chuyên gia của Liên hiệp quốc theo dõi các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên và hiện là một nhà tư vấn trừng phạt độc lập cho biết: “Nga và Trung Quốc là nơi đặt trụ sở của hầu hết các đại lý mua sắm phi đạn đạn đạo ở nước ngoài của Triều Tiên.”
Hôm thứ Ba, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã trừng phạt hai người Triều Tiên làm việc cho Air Koryo, hãng hàng không hàng đầu của nước này.
Họ bị cáo buộc mua sắm và vận chuyển vật liệu quân sự, bao gồm cả các bộ phận điện tử, từ Trung Quốc thay mặt cho Bộ Công nghiệp Phi đạn của Triều Tiên và cơ quan tình báo chính của nước này, là Tổng cục Trinh sát.
Một loan báo của chính phủ Mỹ cho biết trong số các công nghệ và vật liệu mà Triều Tiên tìm kiếm nhiều nhất là các xe hạng nặng nhiều trục để vận chuyển và phóng phi đạn đạn đạo; thép, nhôm và các vật liệu đặc biệt có chứa titan; sợi carbon và ống cuốn để chế tạo rốc-két nhẹ; và chất đẩy rắn, bao gồm bột nhôm và amoni peclorat.
“Để có được những thành phần này, Triều Tiên sử dụng một mạng lưới đại lý mua sắm rộng khắp ở nước ngoài, bao gồm các quan chức hoạt động từ các cơ quan ngoại giao hoặc văn phòng thương mại của Triều Tiên, cũng như các công dân nước thứ ba và các công ty nước ngoài”, loan báo nói.
Triều Tiên muốn nhập khẩu khoảng 100 tấn thuốc phóng ở dạng rắn vào năm 2030, vẫn theo loan báo vừa kể. Ông Griffiths cho biết các vật liệu khác nhỏ, không có gì đặc biệt và dễ buôn lậu.
Ông nói: “Trong một số trường hợp, chúng có thể được vận chuyển bằng cách sử dụng các nhà chuyển vận hàng hóa nhanh như DHL.”
Năm nay, Hoa Kỳ đã trừng phạt cái mà họ gọi là “một mạng lưới các cá nhân và thực thể có trụ sở tại Nga đồng lõa trong việc giúp CHDCND Triều Tiên mua sắm các bộ phận cho các hệ thống phi đạn đạn đạo bất hợp pháp của mình,” trong đó có một nhà ngoại giao Triều Tiên ở Moscow.
Mỹ cũng nêu đích danh các mạng lưới của Triều Tiên và các công ty có trụ sở tại Belarus và Trung Quốc.
Nga cho biết họ không có bất kỳ thông tin nào liên quan tới các cáo buộc về việc làm bất hợp pháp. Trung Quốc cho biết họ đã điều tra các tuyên bố và không tìm thấy bằng chứng.
Cả hai nước đều nói họ thực thi các chế tài của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Sơ bộ tác động của bầu cử giữa kỳ Mỹ
Trong khi các thùng phiếu tiếp tục được kiểm, đảng Cộng hòa gần như chắc chắn sẽ thắng sát nút ở Hạ viện, còn quyền kiểm soát Thượng viện sẽ được quyết định trong những tuần tới. Nhìn chung kết quả sít sao hơn so với dự đoán. Nhưng ngoài ra có một số điểm nổi bật.
Một Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ ít làm luật hơn và tổ chức nhiều phiên điều trần được truyền hình hơn. Trừ khi đảng Dân chủ nâng trần nợ công trong hai tháng tới, đảng Cộng hòa có thể sẽ dùng xếp hạng tín nhiệm của Mỹ (và nền kinh tế toàn cầu) để buộc phe Dân chủ phải cắt giảm chi tiêu. Ngoài ra nó cũng sẽ mang lại quyền lực cho phe cực hữu của đảng, tạo ra nhiều cơn đau đầu cho Kevin McCarthy, tân chủ tịch Hạ viện.
Song kết quả cho thấy đảng Cộng hòa nên kiềm chế luận điệu chống phá thai, sau khi cử tri trừng phạt họ để bảo vệ quyền sinh sản. Cuối cùng, kết quả cho thấy bầu cử tổng thống 2024 sẽ nhiều tính cạnh tranh từ trong nội bộ của chính đảng Cộng hòa. Hôm qua rõ ràng là một đêm tồi tệ của Donald Trump khi một số ứng viên nổi bật do ông đưa lên không thể hiện được như mong đợi. Nhưng nó lại là đêm tốt lành cho đối thủ nổi bật nhất của ông, Ron DeSantis, người đã được bầu lại làm thống đốc Florida với cách biệt lớn hơn nhiều so với dự đoán.
… và hàm ý cho môi trường kinh doanh
Doanh nghiệp Mỹ thích hai đảng có kết quả ngang ngửa nhau. Do đó cho dù Đảng Cộng hòa có kết quả tệ hơn dự kiến trong cuộc bầu cử giữa kỳ, và giả dụ họ giành được Hạ viện, các chủ doanh nghiệp cũng sẽ không bối rối. Chính phủ chia rẽ đồng nghĩa sẽ không có thuế doanh nghiệp mới hoặc các khoản thuế thu nhập đột biến từ chính quyền Biden. Nó cũng có nghĩa là ít chi tiêu công hơn. Điều này có thể giúp kiềm chế lạm phát — mà dữ liệu vào thứ Năm sẽ cho thấy vẫn ở mức cao, khoảng 8% theo năm trong tháng 10. May cho một số ngành khi các dự luật chi tiêu lớn cho cơ sở hạ tầng, chất bán dẫn và khí hậu đã được kí thành luật.
Nhưng nó không có nghĩa là các doanh nghiệp Mỹ không bị ảnh hưởng. Đảng Cộng hòa sẽ thiếu sức mạnh trong Quốc hội để cản trở Nhà Trắng đẩy các quy định theo hướng tả khuynh. Và trong khi Washington bị tê liệt về mặt lập pháp, chính quyền các bang sẽ có thời cơ phát huy sức mạnh. Đây là những thành trì ý thức hệ đang ngày càng trở nên hống hách hơn với các công ty. Các bang Cộng hòa chỉ trích văn hóa “wokeness” (tiến bộ) của giới doanh nghiệp trong khi các bang Dân chủ liên tục yêu cầu bảo vệ môi trường.
Bangladesh và IMF đạt được thỏa thuận cho vay
Chính phủ Bangladesh đang thở phào nhẹ nhõm sau khi các quan chức IMF đồng ý tạm thời, vào thứ Tư, về khoản vay 4,5 tỷ đô la. Tương đương 1% GDP, số tiền này không nhiều, nhưng cần thiết.
Nền kinh tế Bangladesh đang trì trệ theo môi trường toàn cầu. Không như Sri Lanka và Pakistan, hai nước khác cũng được IMF đồng ý cho vay trong năm nay, Bangladesh không có thảm họa kinh tế. Trong thập niên qua, nước này là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới. Nợ nước ngoài của họ ở mức thấp và chính sách luôn tỏ ra thận trọng. Nhưng giá năng lượng và lương thực tăng cùng với suy thoái ở phương Tây, khách hàng chính của quần áo xuất khẩu Bangladesh, đang gây ra nhiều tác động đau đớn. Kiều hối từ 8 triệu người lao động ở nước ngoài cũng chậm đi.
Đối với thủ tướng Sheikh Hasina, người có một cuộc bầu cử vào năm tới, an ninh lương thực cho 169 triệu dân là ưu tiên hàng đầu. Điều kiện IMF đặt ra là tiến tới thả nổi tỷ giá hối đoái và loại bỏ các biện pháp kiểm soát lãi suất.
Mùa đông bất ổn ở Anh
Vào thứ Năm, nhiều người ở London sẽ lại phải vật lộn để đến được chỗ làm. Nhân viên công ty tàu điện ngầm của London có kế hoạch đình công để phản đối lương thấp và điều kiện làm việc. Nhiều ngành khác trên khắp nước Anh cũng có kế hoạch đình công.
Hôm thứ Tư, Liên đoàn Điều dưỡng Hoàng gia thông báo 300.000 thành viên của họ đã bỏ phiếu cho cuộc đình công toàn quốc đầu tiên trong lịch sử của tổ chức. Nhân viên của 150 trường đại học cũng sẽ đình công vào cuối tháng 11. Giáo viên, hộ sinh và nhân viên cứu thương đều đang cân nhắc các biện pháp tương tự. Một số cuộc đình công của ngành đường sắt đã bị đình chỉ trong tuần này, nhưng nếu đàm phán của công đoàn với giới chủ thất bại, họ có thể quay lại.
Yêu cầu chính của các công đoàn là tăng lương để bù đắp cho lạm phát, vốn đã lên mức cao nhất 40 năm qua, 10%, trong tháng 9. Vì đang bận rộn thu xếp tài chính của mình, chính phủ dường như sẽ không chấp nhận. Mùa đông năm nay ở nước Anh hứa hẹn đầy bất ổn.
Hoa Kỳ: Nhiều người trẻ, thu nhập cao không còn ‘mê’ New York, California
Mai Khuê
Nhiều người trẻ bỏ New York mà đi vì giá nhà thuê quá cao. (minh họa: Unsplash)
Ngày càng có nhiều người trẻ ở New York, California và Illinois đã chuyển đến Texas, Florida sinh sống, nơi có giá nhà không cao, mức sống thấp hơn.
Công ty công nghệ tài chính SmartAsset thực hiện một cuộc khảo sát với những người dưới 35 tuổi, thu nhập từ $100,000 mỗi năm bằng cách thu thập dữ liệu của cơ quan thuế qua các tờ khai thuế từ năm 2019 và 2020. Theo New York Times. Theo đó, New York là nơi “mất” nhiều chuyên gia trẻ nhất, gần 16,000 người. Nguyên nhân khiến làn sóng người lao động rời khỏi New York là vì giá thuê nhà ở đây quá đắt đỏ, cùng chi phí sinh hoạt cao.
Ở New York, giá nhà thuê trung bình hàng tháng lên mức cao kỷ lục $1,940 hồi Tháng Ba, tăng 17% so với năm 2021, các khoản thanh toán vay thế chấp mua nhà trung bình tháng tăng 34%, nhưng tiền lương thực tế lại giảm 9% sau khi điều chỉnh theo lạm phát.
Ở California cũng chứng kiến sự sụt giảm của người trẻ thu nhập cao. Trong 2019 và 2020, có hơn 20,000 người chuyển đến tiểu bang vàng này, nhưng lại có tới gần 29,000 người rời đi. Còn ở Illinois cũng mất dần những lao động dưới 35 tuổi: Gần 10,000 người chuyển đi, nhưng chỉ hơn 6,500 người chuyển đến. Một số công ty lớn gần đây thông báo sẽ chuyển trụ sở chính ra khỏi Chicago vì tỷ lệ tội phạm tăng cao. Tương tự ở Washington DC, Massachusetts cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Những người này chuyển đi đâu? Theo SmartAsset, trong hai năm 2019 và 2020, có hơn 15,000 người trẻ giàu có chuyển đến Texas. “Ngôi sao cô đơn” (cách gọi của Texas) là tiểu bang được nhiều người giàu có thuộc Gen Y (sinh năm 1981 đến năm 1996) chọn làm nơi ở mới.
Các tiểu bang nằm ở vùng Nam và Tây Nam như North Carolina, South Carolina, Tennessee, Georgia và Alabama cũng là “điểm đến” mới của nhiều người trẻ, dời đi theo dạng “di cư tích cực”.
Các nhà phân tích cho rằng, làn sóng di cư khỏi thành phố để đến vùng ngoại ô hơn, được giải thích là do hậu COVID-19, các công ty đóng cửa hoặc cho phép nhân viên làm việc từ xa, khiến nhiều nhân viên tìm kiếm nơi ở có chi phí thấp, mà vẫn giữ được công việc nếu làm việc tại nhà.
Những phát hiện từ nghiên cứu của SmartAsset phù hợp với cuộc khảo sát tương tự thực hiện vào đầu năm nay của Viện Brookings. Theo đó, các tiểu bang này đã tạo thêm 341,000 việc làm trong hai năm rưỡi qua.
Việt Nam yêu cầu Mỹ phối hợp truy bắt tội phạm kinh tế lẩn trốn tại Hoa Kỳ
10/11/2022
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper và Bộ trưởng Công an Tô Lâm, ngày 9/11/2022. Photo VNA.
Bộ trưởng Công an Việt Nam hối thúc Mỹ sớm ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự và phối hợp truy bắt tội phạm kinh tế, những người “lợi dụng Hoa Kỳ làm địa bàn lẩn trốn”.
Tại buổi tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper hôm 9/11, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị chính phủ Hoa Kỳ thúc đẩy việc sớm ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự, Hiệp định Dẫn độ, Hiệp định Chuyển giao người bị kết án phạt tù nhằm tạo khuôn khổ pháp lý góp phần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thực thi pháp luật giữa hai bên, cổng thông tin Bộ Công an cho biết.
“Tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác điều tra, truy bắt, bàn giao tội phạm phục vụ cho công tác truy tố, xét xử của mỗi nước trên nguyên tắc phù hợp với luật pháp hiện hành của mỗi nước và các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, không để các đối tượng phạm tội, đặc biệt là tội phạm về kinh tế, lợi dụng Hoa Kỳ làm địa bàn lẩn trốn”, Bộ này dẫn lời ông Lâm cho biết thêm.
Đại sứ Knapper bày tỏ sự tin tưởng rằng trong thời gian tới, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan hữu quan Hoa Kỳ với Bộ Công an Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần tăng cường sự hợp tác giữa hai quốc gia, vẫn theo Bộ Công an.
Ông Lâm đưa ra yêu cầu này giữa lúc Bộ Công an bắt bớ hàng loạt các chủ doanh nghiệp lớn trên khắp đất nước, bao gồm những người có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam, trong nỗ lực của Bộ Chính trị về bài trừ tham nhũng và phanh phui những “đại án” kinh tế.
Vào tháng trước, khi tiếp ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, ông Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cũng đưa ra đề nghị tương tự.
Ông Hùng nói rằng hai bên cần trao đổi thông tin, hợp tác điều tra, truy bắt, bàn giao tội phạm phục vụ cho công tác truy tố, xét xử của mỗi nước trên nguyên tắc có đi có lại, phù hợp với luật pháp hiện hành của mỗi nước, và các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, “tránh để các đối tượng phạm tội, đặc biệt là tội phạm về kinh tế, lợi dụng Hoa Kỳ làm địa bàn lẩn trốn”.
Một trong những đối tượng bị truy nã quốc tế của Việt Nam là ông Phạm Văn Sáng, cựu Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Đồng Nai, được báo chí trong nước loan tin là đang sinh sống tại Mỹ. Ông Sáng bị cáo buộc “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” thất thoát ngân sách Việt Nam hơn 27 tỷ đồng.
Đầu tháng 5/2022, cơ quan điều tra Bộ Công an phát lệnh truy nã với doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn vì “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, sau khi bà này đã bỏ trốn từ ngày 19/6/2021. Bà Nhàn được cho là “nhân vật quan trọng” trong việc thúc đẩy và môi giới các hợp đồng vũ khí giữa Israel và Việt Nam trong thập niên qua. Nhà chức trách và truyền thông Việt Nam không tiết lộ quốc gia mà Nhàn hiện đang lẩn trốn.
Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết trong vài năm qua, các cán bộ thực thi pháp luật Hoa Kỳ và Việt Nam đã nhiều lần cộng tác đưa các tội phạm bỏ trốn có quốc tịch Việt Nam và Hoa Kỳ trở về đúng quốc gia.
Khi tiếp đại sứ Mỹ, ông Tô Lâm cũng tái khẳng định rằng Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Không có nhận xét nào