Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ hai 28 tháng 11 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Mỹ đặt sở chỉ huy Lực lượng Không gian tại Hàn Quốc

    27/11/2022


    Phù hiệu của Lực lượng Không gian Mỹ © freesvg.org 

    Hoa Kỳ tăng cường Lực lượng Không gian tại châu Á - Thái Bình Dương để sẵn sàng đối phó với các đe dọa tên lửa từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Theo tin từ Seoul, sở chỉ huy thứ hai của Binh chủng Không gian của Mỹ ở nước ngoài sẽ được bố trí tại Hàn Quốc.   

    Hãng tin Hàn Quốc Yonhap dẫn một số nguồn tin cao cấp trong chính phủ Hàn Quốc hôm qua, 26/11/2022, cho hay bộ Quốc Phòng Mỹ dự kiến lập một sở chỉ huy của Binh chủng Không gian đặt dưới quyền của tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ đóng tại Hàn Quốc USFK. Kế hoạch dự kiến sẽ được triển khác trước cuối năm nay.  

    Việc lập sở chỉ huy Binh chủng Không gian Mỹ tại Hàn Quốc cho phép phát hiện và theo dõi kịp thời các phương tiện hoạt động ở tầng trên cùng của khí quyển, trước hết là các tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Sở chỉ huy Binh chủng Không gian ở Hàn Quốc trong tương lai sẽ kết nối với bộ Chỉ Huy Binh chủng Không gian tại Mỹ, và các lực lượng Không gian Mỹ thuộc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương thông qua mạng quân sự mang mã số C4i, nhằm ‘‘chia sẻ các thông tin trong thời gian thực liên quan đến các hoạt động hạt nhân và tên lửa’’ của Bình Nhưỡng.  

    Kim Jong Un : Bắc Triều Tiên sẽ có lực lượng hạt nhân ‘‘mạnh nhất thế giới’’ 

    Về phía Bình Nhưỡng, Reuters dẫn thông tin của hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA, hôm nay, 27/11, theo đó lãnh đạo Kim Jong Un thông báo Bắc Triều Tiên có kế hoạch xây dựng lực lượng hạt nhân “mạnh nhất thế giới’’ trong thế kỷ này. Tuyên bố của Kim Jong Un được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng vừa loan báo đã bắn thử một tên lửa liên lục địa mới hôm 18/11.  

    Tên lửa Hwaseong-17, về lý thuyết, có khả năng tấn công nước Mỹ, theo KCNA. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Bắc Triều Tiên vẫn chưa chứng minh được là đã làm chủ được công nghệ đặt đầu đạn hạt nhân trong tên lửa đạn đạo tầm xa, có khả năng vượt qua an toàn bầu khí quyển khi trở lại Trái đất.  

    Cũng trong tháng này, bộ Quốc Phòng Mỹ đã lập sở chỉ huy đầu tiên thuộc Binh Chủng Không gian ở nước ngoài tại quần đảo Hawaii. Sở chỉ huy Lực lượng Không gian chính thức ra mắt tại căn cứ H. M. Smith, ngày 22/11. Mạng Space News, dẫn lời tướng David Thompson, phó tư lệnh Binh chủng Không gian Mỹ cùng ngày, nhấn mạnh là quyết định thành lập sở chỉ huy Lực lượng Không gian của Mỹ tại khu vực này nhằm đối phó với sức mạnh gia tăng của Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng dự kiến lập thêm một sở chỉ huy thuộc Binh chủng Không gian tại vùng Trung Đông trước cuối năm nay. 

    Canada công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tập trung vào Trung Quốc

    Thủ tướng Canada Justin Trudeau thăm các binh sĩ Canada tại căn cứ quân sự Adazi ở Latvia vào ngày 08/03 năm nay

    Nguồn hình ảnh, Reuters/Chụp lại hình ảnh, 

    Thủ tướng Canada Justin Trudeau thăm các binh sĩ Canada tại căn cứ quân sự Adazi ở Latvia vào ngày 08/03 năm nay

    Ngày 27/11, Canada đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vốn được chờ đợi đã lâu, trong đó có bao gồm cam kết đối phó với một Trung Quốc "gây vấn đề".

    Chiến lược phác thảo số tiền 2,3 tỷ đôla Canada (tương đương 1,7 tỷ USD) trong mức chi tiêu nhằm tăng cường an ninh mạng và quân sự trong khu vực, và cam kết đối phó với một Trung Quốc "gây vấn đề", bên cạnh cùng làm việc với Bắc Kinh đối với các vấn đề biến đổi khí hậu và thương mại. 

    Bản kế hoạch được nêu chi tiết trong tài liệu dài 26 trang, có nội dung Canada sẽ siết chặt các điều luật đầu tư nước ngoài để bảo vệ tài sản trí tuệ và ngăn chặn các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thu gom ồ ạt nguồn khoáng sản quan trọng. 

    Canada đang tìm cách làm sâu sắc thêm mối quan hệ với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gồm 40 quốc gia, chiếm gần 50 ngàn tỷ đôla Canada trong hoạt động kinh tế. Nhưng mối tập trung là Trung Quốc, được đề cập đến hơn 50 lần, vào thời điểm mà mối quan hệ song phương đang trở nên nguội lạnh. 

    Bốn bộ trưởng nội các Canada trong cuộc họp báo tại Vancouver đã luân phiên nêu chi tiết của kế hoạch mới, và cho biết chiến lược này rất quan trọng đối với nền an ninh và khí hậu của Canada cũng như các mục tiêu kinh tế.

    "Chúng tôi sẽ có sự tham gia về mặt ngoại giao vì ngoại giao là sức mạnh, cùng lúc đó, chúng tôi sẽ kiên định và đó là lý do chúng tôi hiện có một kế hoạch rất rõ ràng để tham gia cùng Trung Quốc," Ngoại trưởng Canada Melanie Joly nói. 

    Chính quyền do Đảng Tự do của Thủ tướng Canada Justin Trudeau muốn đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại và kinh tế, vốn rất phụ thuộc vào Mỹ. Các số liệu chính thức vào tháng 9 cho thấy thương mại song phương với Trung Quốc chiếm chưa đến 7%, so với mức 68% đối với Mỹ. 

    Việc Canada tiếp cận các đồng minh châu Á diễn ra trong bối cảnh Washington cũng có cho thấy các dấu hiệu ngày càng ngờ vực về thương mại tự do trong những năm gần đây. 

    Tài liệu này cũng nhấn mạnh đến thế tiến thoái lưỡng nan của Canada trong việc thắt chặt các mối quan hệ với Trung Quốc, vốn mang lại những cơ hội đáng kể cho các nhà xuất khẩu Canada, thậm chí khi Bắc Kinh đang hướng đến việc định hình một trật tự quốc tế để hướng đến "một môi trường dễ chấp nhận hơn đối với các lợi ích và giá trị ngày càng khác biệt so với của chúng ta", theo nội dung nêu trong chiến lược.

    'Thách thức Trung Quốc'

    Tàu frigate HMCS Vancouver của Canada

    Nguồn hình ảnh, Getty Images/Chụp lại hình ảnh, 

    Tàu frigate HMCS Vancouver của Canada

    Mặc dù vậy, tài liệu cũng cho biết sự hợp tác với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là cần thiết để giải quyết một số "áp lực hiện hữu của thế giới", bao gồm biến đổi khí hậu, y tế toàn cầu và phổ biến vũ khí hạt nhân. 

    "Trung Quốc đang ngày càng trở thành một cường quốc toàn cầu gây vấn đề," chiến lược này cho biết. "Cách tiếp cận của chúng ta... được định hình bằng sự phân tích thực tế và rõ ràng về Trung Quốc của ngày nay. Trong các khu vực có bất đồng sâu sắc, chúng ta sẽ thách thức Trung Quốc." 

    Căng thẳng giữa Canada và Trung Quốc dâng cao hồi cuối năm 2018 khi Canada bắt giữ Giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ Huawei, Mạnh Vãn Châu và Bắc Kinh bắt giữ hai công dân Canada với cáo buộc gián điệp. Tất cả ba người này đều sau đó đã được trả tự do nhưng cho đến nay mối quan hệ hai bên vẫn còn nguội lạnh. 

    Canada hồi đầu tháng này đã yêu cầu ba công ty Trung Quốc bán các khoản đầu tư vào thị trường khoáng sản quan trọng của Canada, viện dẫn lý do an ninh quốc gia. 

    Tài liệu này, trong phần đề cập đến Trung Quốc, có nói Ottawa sẽ xem xét và cập nhật điều luật, cho phép Canada có thể hành động "quyết đoán khi các khoản đầu tư từ những doanh nghiệp nhà nước và các thực thể nước ngoài khác đe dọa đến nền an ninh quốc gia, bao gồm chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng của chúng ta." 

    "Bởi vì khu vực [Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương] đều to lớn và đa dạng, một kích cỡ không thể phù hợp tất cả," Chủ tịch Phòng Thương mại Canada Perrin Beatty nêu trong một tuyên bố, nói thêm các ưu tiên của Canada sẽ cần phải hơi khác biệt giữa hoặc bên trong các quốc gia. 

    Tài liệu cũng cho biết Canada sẽ tăng cường sự hiện diện hải quân trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và "tăng cường năng lực tham gia quân sự và tình báo cũng như các phương tiện để giảm thái độ mang tính cưỡng ép và những đe dọa đến nền an ninh trong khu vực." 

    Điều này sẽ bao gồm việc huy động thường niên ba tàu frigate đến khu vực, từ hiện tại hai tàu, cũng như sự tham gia của các phi công và binh lính Canada trong các cuộc tập trận quân sự của khu vực, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand phát biểu trong một cuộc họp báo riêng. 

    Canada thuộc nhóm G7, vốn muốn có các biện pháp đáng kể hơn nhằm đáp trả trước các vụ thử tên lửa của Bắc Hàn. 

    Tài liệu này cũng cho biết Ottawa đang tham gia trong khu vực cùng các đối tác như Mỹ và Liên minh châu Âu. 

    Theo chiến lược này thì Canada cần trao đổi với các quốc gia có những bất đồng mang tính nền tảng, nhưng không nêu tên quốc gia nào.

    Ukraine và Nga trao đổi tù binh chiến tranh 

    28/11/2022 

    Reuters 

    Ông Andriy Yermak.

    Ông Andriy Yermak. 

    12 tù binh chiến tranh Ukraine đã được trả tự do trong khuôn khổ cuộc trao đổi tù binh hôm thứ Bảy, theo người đứng đầu văn phòng của tổng thống Ukraine.

    Ông Andriy Yermak đã công bố một video đoạn vào thứ Bảy, cho thấy các tù binh được trả tự do.

    “Thêm một cuộc trao đổi tù binh chiến tranh. Chúng tôi nỗ lực để 12 người của chúng tôi được thả”, ông Yermak cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội.

    “Trong số đó có bốn quân nhân Hải quân, hai Vệ binh Quốc gia, lính biên phòng, một người từ Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ, cũng như ba dân thường,” ông Yermak cho biết thêm.

    Ông nói thêm rằng các chiến binh bảo vệ Mariupol, nhà máy điện hạt nhân Chornobyl và Đảo Rắn sắp trở về nhà.

    Chín tù binh chiến tranh Nga đã được trả tự do trong cuộc trao đổi tù nhân với Ukraine hôm thứ Bảy, các hãng thông tấn Nga đưa tin, trích dẫn Bộ Quốc phòng Nga.

    Doanh số bán hàng trực tuyến ở Mỹ dịp Black Friday đạt hơn 9 tỷ đôla 

    27/11/2022 

    Reuters 

    Một cửa hàng giảm giá dịp Black Friday ở Miami.

    Một cửa hàng giảm giá dịp Black Friday ở Miami. 

    Một báo cáo hôm thứ Bảy cho biết rằng bất chấp lạm phát tăng cao, người dân Hoa Kỳ đã chi một khoản kỷ lục là 9,12 tỷ đôla để mua sắm trực tuyến dịp Black Friday, cho các mặt hàng giảm giá mạnh từ điện thoại thông minh cho tới đồ chơi.

    Chi tiêu trực tuyến đã tăng 2,3% dịp Black Friday nhờ người tiêu dùng chờ giảm giá cho đến những ngày mua sắm lớn theo truyền thống, mặc dù có các mặt hàng giảm giá từ đầu tháng Mười, Adobe Analytics, bộ phận dữ liệu và thông tin của công ty Adobe cho biết.

    Adobe Analytics, vốn đo lường thương mại điện tử bằng cách phân tích các giao dịch trên các trang web, có thể tiếp cận dữ liệu bao gồm các vụ mua sắm tại 85% trong số 100 nhà bán lẻ hàng đầu trên Internet tại Hoa Kỳ.

    Trước đó, Adobe Analytics dự báo doanh số bán hàng dịp Black Friday tăng khiêm tốn 1%.

    Adobe dự báo rằng ngày gọi là Cyber Monday vào thứ Hai sẽ lại trở thành ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm, thúc đẩy chi tiêu 11,2 tỷ đôla.

    Người tiêu dùng từng được kỳ vọng đổ xô đến các cửa hàng sau khi đại dịch làm giảm hoạt động mua sắm tại cửa hàng trong hai năm qua, nhưng buổi sáng ngày Black Friday, với việc mưa rải rác tại một số vùng của Hoa Kỳ, các cửa hàng thu hút ít khách hơn bình thường.

    Người Mỹ chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh để mua hàng trong dịp lễ và dữ liệu từ Adobe cho thấy hoạt động mua sắm trên thiết bị di động chiếm 48% tổng doanh số bán hàng trên mạng ngày Black Friday.

    Bùng phát biểu tình chống phong tỏa ở Trung Quốc

    Người dân Trung Quốc sẽ quay lại làm việc vào thứ Hai sau một ngày cuối tuần biểu tình lan rộng phản đối chiến lược zero-covid hà khắc. Bất mãn chất chứa sau nhiều tháng phong tỏa đã bùng lên sau vụ hỏa hoạn khiến 10 người chết hôm thứ Năm ở Urumqi, Tân Cương. Nhiều người cho rằng các hạn chế chống dịch covid đã cản trở lính cứu hỏa và các nạn nhân.

    Vào tối thứ Bảy, người biểu tình ở Thượng Hải thậm chí hô khẩu hiệu kêu gọi chủ tịch Tập Cận Bình từ chức – một hành động thách thức cực kỳ hiếm thấy. Đến tối Chủ nhật tại Bắc Kinh, người biểu tình đã hát bài “Quốc tế ca” và tưởng niệm những người thiệt mạng ở Tân Cương. Sinh viên tại một số trường đại học thì giơ giấy trắng để ngụ ý việc Trung Quốc thiếu tự do ngôn luận.

    Các lãnh đạo Trung Quốc ghét bất ổn. Nhưng họ ở trong một thế khó. Đất nước đang đối mặt đợt bùng dịch covid lớn nhất từ ​​trước đến nay, trong đó người cao tuổi dễ bị tổn thương hơn do tỷ lệ tiêm chủng thấp. Nhiều người Trung Quốc rõ ràng không hài lòng với các quy định y tế công hiện tại. Do đó việc áp dụng lại các hạn chế sẽ chỉ gây ra thêm bất ổn.

    Thế đa số cho phép đảng Dân chủ tự do bổ nhiệm các thẩm phán liên bang

    Thứ Hai này Thượng viện Hoa Kỳ sẽ họp trở lại sau Lễ Tạ ơn để tranh luận về Đạo luật Tôn trọng Hôn nhân, một dự luật nhằm chính thức ghi quyền hôn nhân đồng giới vào luật. Họ cũng sẽ xem xét khoảng hơn hai chục ứng viên thẩm phán tại các tòa liên bang, và có thể tổ chức bỏ phiếu về hai ứng viên tòa án quận.

    Cả hai đều là phụ nữ: Camille Vélez-Rivé ở Puerto Rico và Anne Nardacci ở New York. Điều này phù hợp với chiến lược của tổng thống Joe Biden: trong số 85 thẩm phán mà ông đã bổ nhiệm cho đến nay, bao gồm cả Ketanji Brown Jackson tại Tòa Tối cao, chỉ có 21 người là nam. Gần một phần tư là người Mỹ gốc Phi và hai phần ba không phải người da trắng.

    Thế đa số mỏng manh của đảng Dân chủ tại Thượng viện đã cho phép ông Biden nhanh chóng bổ nhiệm thẩm phán. Nếu Raphael Warnock đánh bại Herschel Walker của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử vòng hai của Georgia vào ngày 6 tháng 12, phe Dân chủ sẽ có 51 ghế so với 49 của đảng Cộng hòa (tức là không còn cần đến phó tổng thống Kamala Harris để phá vỡ thế 50-50 nữa). Tiến độ ở Thượng viện do đó có thể sẽ nhanh chóng hơn — và khuyến khích ông Biden mạnh dạn giới thiệu các ứng viên tiến bộ.

    Chicago sắp bầu thị trưởng

    Thứ Hai là hạn chót cho các ứng viên nộp đơn tranh cử vị trí thị trưởng Chicago — được người dân địa phương mệnh danh là “cuộc bầu cử thật” sau bầu cử giữa kỳ. Thị trưởng đương nhiệm Lori Lightfoot được cho là sẽ đợi đến phút cuối mới nộp đơn. Để tham gia, các ứng viên phải có ít nhất 12.500 chữ ký từ các cử tri đã đăng ký. Từ trước đến nay những người chiến thắng luôn có nhiều chữ ký hơn mức đó. Vào những năm 1960, Richard J Daley, thường được gọi là thị trưởng quyền lực nhất nước Mỹ, có tới 500.000 người ký tên.

    Bà Lightfoot tự nhận là người kế vị Harold Washington, thị trưởng da đen đầu tiên của thành phố. Nhưng chiến dịch tái tranh cử sắp tới hứa hẹn khó khăn, nhất là sau khi bà bị chỉ trích về các chính sách về tội phạm và cảnh sát, cũng như việc bà bỏ bê khu trung tâm thành phố. Cạnh tranh với bà là ít nhất sáu ứng viên khác, bao gồm cả Jesús “Chuy” Garcia, một nghị sĩ người Mỹ gốc Mexico hiếu chiến. Chicago từng nổi tiếng với “chính trị cỗ máy,” nhưng các chính trị gia lâu đời không còn có thể tự động thu hút được nhiều lô phiếu bầu như trước nữa. Bầu cử hiện đại là vô cùng khó đoán.

    Tòa Trọng tài Thường trực khai trương văn phòng đại diện tại Việt Nam 

    25/11/2022 

    VOA Tiếng Việt 



    Tổng thư ký PCA Marcin Czepelak (thứ 3, bên phải) và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (thứ 3, bên trái) cắt băng khai trương Văn phòng đại diện của PCA tại Hà Nội vào ngày 24/11/2022.

    Tổng thư ký PCA Marcin Czepelak (thứ 3, bên phải) và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (thứ 3, bên trái) cắt băng khai trương Văn phòng đại diện của PCA tại Hà Nội vào ngày 24/11/2022. 

    Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) vừa khai trương văn phòng đại diện mới ở Hà Nội vào ngày 24/11, dưới sự chủ trì của Tổng thư ký PCA Marcin Czepelak và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn. Đây là văn phòng thứ tư của PCA ngoài trụ sở chính ở La Haye và các văn phòng ở Mauritius, Buenos Aires (Argentina), Singapore, và Vienna (Áo).

    PCA được thành lập vào năm 1899, là một tổ chức liên chính phủ cung cấp các dịch vụ giải quyết tranh chấp liên quan đến các quốc gia, pháp nhân nhà nước, tổ chức quốc tế cũng như các pháp nhân tư nhân. Các dịch vụ của PCA chủ yếu được sử dụng ở châu Âu và châu Á. Trong các vụ việc được xử lý vào năm 2021, khoảng 47% các bên tranh chấp đến từ khu vực Tây Âu và các nước khác thuộc Nhóm khu vực của Liên Hiệp Quốc và 40% đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

    Phần lớn các tranh chấp do PCA giải quyết là tranh chấp liên quan đến nhà nước. Tuy nhiên, phạm vi giải quyết của PCA cũng được mở rộng sang khu vực tư nhân.

    Trong số những vụ nổi tiếng mà PCA giải quyết có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lợi ích của Việt Nam bao gồm phán quyết năm 2016 của PCA về vụ kiện Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines. Trong đó, PCA tuyên bố “không có cơ sở pháp lý” đối với đòi hỏi “quyền lịch sử” của Trung Quốc về những tài nguyên tại các vùng biển nằm trong bản đồ “đường 9 đoạn” ở Biển Đông mà nước này tuyên bố và đưa ra yêu sách đòi toàn bộ chủ quyền Biển Đông, gây tranh chấp với các nước Brunei, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

    Một số nhà đầu tư cũng đã chọn tòa này làm nơi để giải quyết tranh chấp trong các vụ kiện chống lại chính phủ Việt Nam như vụ kiện của doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình, Đặng Thị Hoàng Yến (Maya Dangelas)…

    Văn phòng mới của PCA tại Hà Nội có nhiệm vụ điều hành các phiên xét xử và các cuộc họp của PCA, đồng thời cung cấp các dịch vụ hành chính để hỗ trợ các bên và trọng tài viên tiến hành tố tụng trọng tài dưới sự bảo trợ của PCA, nơi đóng vai trò là kênh liên lạc chính thức và đảm bảo lưu giữ tài liệu an toàn.

    Việc mở văn phòng đại diện của PCA được xem là một bước tiến tới hiện thực hóa các cam kết giữa Việt Nam và PCA trong Nghị định thư được ký kết vào năm 2021, đồng thời phục vụ nhu cầu giải quyết tranh chấp đang phát triển của các quốc gia và các tổ chức khác trong những năm tới.

    Việt Nam đã tham gia PCA vào năm 2012 bằng việc ký kết Công ước La Haye 1907 về Giải quyết Tranh chấp Quốc tế ở Thái Bình Dương.

    Phía Việt Nam cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi và xúc tiến các hoạt động với PCA về việc mở cơ quan đại diện từ năm 2014. Hai bên đã ký Thỏa thuận nước chủ nhà năm 2014 và tiến đến ký kết Nghị định thư vào năm 2021.

    Châu Âu cáo buộc Mỹ trục lợi từ chiến tranh Nga – Ukraine

    Huyền Anh

    Châu Âu cáo buộc Mỹ trục lợi từ chiến tranh Nga - Ukraine

    Cờ Châu Âu trước tòa nhà Berlaymont tại Brussels, Bỉ, 05/08/2020. Berlaymont là nơi đặt trụ sở Ủy ban Châu Âu — cơ quan điều hành Liên minh Châu Âu (EU). (Ảnh: Laurie Dieffembacq/Belga Mag/AFP/Getty Images) 

    Trong những ngày đầu của cuộc chiến Nga – Ukraine, các nước phương Tây đã cung cấp một lượng lớn viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng cho đến nay, chính những nước EU đang phải gánh chịu tác động tiêu cực của cuộc chiến. Các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu cảm thấy không hài lòng với Mỹ và cáo buộc Hoa Kỳ trục lợi từ chiến tranh trong khi khiến châu Âu phải gánh chịu hậu quả.

    Tờ Politico dẫn lời một trong những quan chức cấp cao của EU nói rằng, Hoa Kỳ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​cuộc chiến này. Họ bán khí đốt với giá cao ngất ngưởng và cũng kiếm bộn tiền từ việc buôn bán vũ khí. Ngoài ra, chính sách trợ cấp trong “Đạo luật giảm lạm phát” của Mỹ cũng đe dọa đến sự tồn vong của nền công nghiệp châu Âu.

    Các quan chức từ nhiều quốc gia châu Âu khác nhau được tờ Politico phỏng vấn cũng đồng ý với quan điểm này.

    Một trong những quan chức cấp cao của EU nói với tờ Politico rằng, “Chúng ta đã đến một thời khắc lịch sử. Hoa Kỳ cần phải nhận ra rằng, dư luận ở nhiều nước EU đang thay đổi”.

    Hoa Kỳ đã nhanh chóng bác bỏ tuyên bố của EU.

    Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho rằng, giá năng lượng tăng cao ở châu Âu là do cuộc chiến của Nga – Ukraine và cuộc chiến năng lượng ở châu Âu. Thay vào đó, việc nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Hoa Kỳ sẽ cho phép EU tránh phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng do Nga cung cấp.

    Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, Josep Borrell, cũng bày tỏ sự hoài nghi về động thái “Đoàn kết vì Ukraine” của Mỹ. Ông nói với tờ Politico rằng, quyết định do Mỹ đưa ra đã có tác động kinh tế không nhỏ đối với EU.

    Cuộc xung đột Nga – Ukraine đang đẩy các nền kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái và lạm phát tăng vọt. Hơn nữa, việc siết chặt nguồn cung năng lượng cũng đang có nguy cơ khiến nhiều quốc gia EU phải đối mặt với tình trạng mất điện trong mùa đông năm nay.

    Ông Thierry Breton, Ủy viên phụ trách thị trường nội bộ của EU, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Pháp rằng, Hoa Kỳ tất nhiên là đồng minh của EU, nhưng khi có vấn đề nảy sinh giữa các đồng minh, họ cũng cần phải lên tiếng.

    Một nhà ngoại giao khác của EU cho biết, việc chính quyền ông Biden phân bổ 369 tỷ USD trợ cấp công nghiệp theo “Đạo luật giảm lạm phát” để hỗ trợ các ngành công nghiệp xanh đã khiến chính phủ của các quốc gia thành viên EU rất lo lắng.

    Ông nói: “Đạo luật Giảm lạm phát đã thay đổi mọi thứ. Washington có còn là đồng minh của chúng ta hay không?”.

    EU bàn giải pháp chống ‘Giảm lạm phát’

    Trong những tuần gần đây, mối quan hệ giữa Mỹ và EU đang trở nên căng thẳng xung quanh các khoản trợ cấp và chính sách thuế xanh của chính quyền ông Biden.

    Bỉ cho rằng, chính sách này thiếu công bằng và có nguy cơ phá hủy các ngành công nghiệp châu Âu. Tuy nhiên, Washington đến nay vẫn chưa có dấu hiệu lùi bước, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ châu Âu.

    Tại cuộc họp gần đây của các Bộ trưởng thương mại EU, Brussels muốn Berlin có lập trường rõ ràng đối với việc sẵn sàng phá vỡ điều cấm kỵ về trợ cấp.

    Pháp từ lâu đã ủng hộ việc trả đũa Washington bằng cách rót tiền của nhà nước vào ngành công nghiệp châu Âu để hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên lục địa. Ý tưởng này hiện cũng đang thu hút sự chú ý ở Berlin.

    Trong buổi họp báo chung hôm 22/11, ông Robert Habeck, Phó Thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Hành động Khí hậu cùng Bộ trưởng Kinh tế Pháp, Bruno Le Maire, đã đưa ra một tuyên bố chung thúc giục EU xây dựng một chính sách công nghiệp.

    Theo đó, chính sách này sẽ “cho phép ngành công nghiệp EU phát triển mạnh mẽ trong cạnh tranh thương mại”, đặc biệt thông qua năng lực công nghệ vượt trội.

    “Chúng tôi muốn phối hợp chặt chẽ phản ứng của châu Âu đối với những thách thức mà EU đang phải đối mặt, chẳng hạn như ‘Đạo luật Giảm lạm phát’ của Hoa Kỳ”.

    Theo một quan chức EU, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng sẽ tranh luận về vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh Tây Balkan vào ngày 6/12 và tại Hội đồng châu Âu vào giữa tháng 12.

    Huyền Anh


    Không có nhận xét nào