Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ hai 21 tháng 11 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Thủ tướng Anh Rishi Sunak đến thăm Ukraine, viện trợ quân sự gần 60 triệu USD

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/11/ntdvn_1-1199.jpeg

    Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã gặp nhau tại thủ đô Kyiv của Ukraine vào ngày 19/11/2022. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Anh Rishi Sunak tới đất nước đang bị bao vây kể từ khi nhậm chức vào tháng trước. (Ảnh: Getty Images) 

    Hôm thứ Bảy (19/11), Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã công bố gói viện trợ quốc phòng trị giá 50 triệu bảng Anh (59 triệu USD) cho Ukraine trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới Kyiv kể từ khi trở thành nhà lãnh đạo của Vương quốc Anh.

    Gói này bao gồm 125 khẩu súng phòng không và công nghệ để đối phó với máy bay không người lái do Iran cung cấp, cùng hàng chục radar và vũ khí điện tử chống máy bay không người lái, văn phòng Thủ tướng Anh cho biết

    Bên cạnh đó, Vương quốc Anh sẽ cử các chuyên gia y tế và kỹ sư quân đội đến các khu vực có cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraine bị tên lửa Nga tấn công để tiến hành hỗ trợ đặc biệt.

    Gói viện trợ trị giá 59 triệu USD của Anh

    Ông Sunak cũng xác nhận các gói viện trợ khác, bao gồm hàng chục nghìn bộ thiết bị chuyên dành cho mùa đông cho quân đội Ukraine; 12 triệu bảng Anh (14 triệu USD) dành cho việc ứng phó của Chương trình Lương thực Thế giới (World Food Programme’s) và 4 triệu bảng Anh (4,8 triệu USD) cho Tổ chức Di cư Quốc tế (International Organisation for Migration – IOM) để giúp cung cấp các máy phát điện, địa điểm trú ẩn, sửa chữa nước, và phòng khám y tế di động.

    Theo Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh, tính đến hôm 16/11, Vương quốc Anh đã cung cấp viện trợ quân sự trị giá hơn 2,3 tỷ bảng Anh (2,7 tỷ USD) cho Ukraine, bao gồm hàng trăm xe bọc thép, hàng nghìn vũ khí chống tăng và Hệ thống tên lửa phóng loạt (Multiple-Launch Rocket Systems).

    Chuyến thăm của ông Sunak đến Ukraine diễn ra sau một tuần đầy ​​căng thẳng giữa phương Tây và Nga. Hôm 15/11, một tên lửa đã đánh trúng ngôi làng Ba Lan gần biên giới Ukraine, làm dấy lên lo ngại về khả năng Nga đứng sau vụ tấn công một quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

    Tuy nhiên, sau đó giới chức phương Tây đã kết luận rằng tên lửa này được phóng từ Ukraine, không phải từ Nga. Điều này đã phần nào xoa dịu căng thẳng giữa Moscow và phương Tây, nhưng các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào Ukraine vẫn không có dấu hiệu giảm nhiệt.

    Theo Downing Street, các lực lượng Ukraine cho biết Nga đã tiến hành hơn 148 cuộc tấn công bằng tên lửa vào cơ sở hạ tầng trọng yếu ở Ukraine vào tuần trước, khiến khoảng 10 triệu người hứng chịu cảnh mất điện.

    Ông Sunak cũng đặt vòng hoa tưởng niệm những nạn nhân thiệt mạng vì chiến tranh và thắp nến tại đài tưởng niệm các nạn nhân của nạn đói Holodomor vào những năm 1930 trước khi gặp các nhân viên bộ phận khẩn cấp tại một trạm cứu hỏa. Ông cũng được xem máy bay không người lái do Iran sản xuất được sử dụng để nhắm mục tiêu và đánh bom dân thường ở những tháng gần đây, theo văn phòng Thủ tướng Anh.

    Thủ tướng Sunak cho biết, ông “cảm thấy vô cùng nhỏ bé” khi đứng tại thủ đô của Ukraine và có cơ hội để gặp những người dân “đang phải trả một giá đắt, để bảo vệ những giá trị của chủ quyền và dân chủ”.

    Thủ tướng Anh tuyên bố: “Tôi tự hào về cách mà nước Anh đã kề vai sát cánh với Ukraine ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến. Và tôi hiện diện tại đây để nói rằng, Vương quốc Anh và các đồng minh của chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với Ukraine, khi Kyiv chiến đấu để chấm dứt cuộc chiến tranh man rợ này và mang lại một nền hòa bình chính nghĩa”.

    “Trong khi quân đội Ukraine thành công trong việc đẩy lùi quân Nga trên mặt đất, thì thường dân lại phải hứng chịu các trận ném bom tàn bạo. Chúng tôi hôm nay cung cấp vũ khí phòng không mới, bao gồm súng bắn máy bay, thiết bị radar và kháng drone, tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho mùa đông lạnh lẽo và khó khăn phía trước”, ông nhấn mạnh. 

    Ngoại trưởng Anh chỉ trích Iran

    Hôm 19/11, Ngoại trưởng Anh James Cleverly nói rằng, chương trình hạt nhân của Iran hiện “tiên tiến hơn bao giờ hết” và chế độ này đã “bán cho Nga những máy bay không người lái được vũ trang hiện để sát hại dân thường ở Ukraine”.

    Phát biểu tại Đối thoại Manama thường niên ở Bahrain ngày 19/11, Ngoại trưởng Anh James Cleverly nhấn mạnh: “Vũ khí do Iran cung cấp de dọa toàn khu vực. Tehran tiếp tục hoạt động bán máy bay không người lái (UAV) có vũ trang cho Nga sử dụng tại Ukraine.”

    Ông khẳng định Anh sẽ “phối hợp với những người bạn để đối phó mối đe dọa đến từ Iran”.

    Ông Cleverly nhấn mạnh rằng, trong năm nay, một tàu khu trục nhỏ của Hải quân Hoàng gia đã hai lần chặn “các tàu cao tốc chở đầy tên lửa đất đối không và động cơ cho tên lửa hành trình” ở vùng biển phía nam Iran.

    Ông cho biết, Vương quốc Anh “quyết tâm” hợp tác với các đồng minh của Anh để “chống lại mối đe dọa từ Iran, ngăn chặn việc buôn lậu vũ khí thông thường và ngăn chế độ này đạt được năng lực vũ khí hạt nhân”.

    Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Cleverly đã cáo buộc Nga đe dọa an ninh toàn cầu: “Không quốc gia nào miễn nhiễm với sự hỗn loạn mà ông Putin gây ra cho thị trường thế giới hay thiệt hại mà ông ta gây ra cho an ninh lương thực toàn cầu”.

    Huyền Anh

    Nga lại bị lên án tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Bangkok

    Đỗ Kim Thêm

    21-11-2022

    Thailand's Prime Minister Prayuth Chan-ocha welcomes U.S. Vice President Kamala Harris to the APEC Summit 2022 in Bangkok, Thailand November 18, 2022. APEC 2022 Thailand/Handout via REUTERS

    Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2022 ở Bangkok kết thúc, 21 quốc gia thành viên đã đồng thuận đưa ra một Bản Tuyên bố chung với nội dung lên án Nga về cuộc chiến tranh xâm lược ở Ukraine. Tuy nhiên, Bản Tuyên bố có nêu rõ giới hạn dè dặt là nhìn chung vẫn còn có “những quan điểm và đánh giá khác nhau về tình hình và các biện pháp trừng phạt”.

    Với tư cách là quốc gia đăng cai tổ chức, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã đưa ra Bản Tuyên bố này.

    Đại diện cho Tổng thống Vladimir Putin tại Hội nghị là Phó Thủ tướng Andrei Belousov. Trước đó, người đứng đầu điện Kremlin cũng đã vắng mặt tại hai Hội nghị Thượng đỉnh được tổ chức ở Đông Nam Á là ASEAN ở Campuchia và G20 ở Indonesia.

    Nhân dịp này, Thủ tướng Thái Prayut cũng cho biết, 21 quốc gia APEC đã đề ra một khái niệm mới được gọi chung là “mục tiêu Bangkok” để nhắm tới một nền kinh tế tuần hoàn xanh. Đây là chủ trương quan trọng của chính phủ Thái Lan, cũng như của khối APEC nhằm theo đuổi một chính sách phục hồi tăng trưởng kinh tế bền vững sau đại dịch Corona. Những chính khách tham gia hội nghị cũng lên tiếng ủng hộ một nền thương mại tự do và công bằng cho khu vực.

    APEC là diễn đàn kinh tế khu vực được thành lập năm 1989 nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế. APEC chiếm 38% dân số toàn cầu, 62% GDP và 48% dung lượng thương mại. Trước thềm hội nghị APEC, các quốc gia muốn đặt ra một mục tiêu toàn diện cho các vấn đề môi trường và khí hậu.

    Ông Prayut cho biết, trong năm tới, Hoa Kỳ sẽ đảm nhận vai trò chủ tịch hội nghị APEC. Ông đã chuyển giao quyền lãnh đạo tổ chức này cho Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, người đã thay mặt Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự cuộc họp. Bà Harris thông báo, Hội nghị APEC lần tới sẽ được tổ chức tại San Francisco, California kể từ ngày 12 tháng 11 năm 2023.

    Đặc biệt, dù Pháp không phải là thành viên của khối APEC, nhưng đây là lần đầu tiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã được mời làm khách danh dự tại Hội nghị.

    Trong bài phát biểu trước Hội nghị, Tổng thống Pháp đã kêu gọi các quốc gia trong khu vực nên gia tăng sự đồng thuận để chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine vì “Cuộc chiến này cũng là vấn đề của các bạn. Ưu tiên hàng đầu của Pháp là đóng góp cho hòa bình ở Ukraine và cố gắng phát triển một động lực toàn cầu để gây áp lực lên Nga”.

    Pháp lên tiếng muốn hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, Ấn Độ và toàn bộ khu vực. Cho đến nay, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Campuchia vẫn chưa tỏ ra ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga.

    Lên tiếng tại Hội nghị, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã hứa, Mỹ sẽ “cam kết về mặt kinh tế trong lâu dài tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Cụ thể, Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài và tự do di chuyển vốn tư bản và thương mại với khu vực.

    Trong phần phát biểu của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nhà nước và lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã kêu gọi các nước láng giềng nên áp dụng một hệ thống an ninh hợp tác và cảnh báo, Trung Quốc sẽ chống lại “sự can thiệp vào công việc nội bộ. Các mối quan tâm an ninh chính đáng của từng quốc gia cũng cần được thực hiện nghiêm túc. Vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước cũng phải được tôn trọng”.

    Nhưng ông Tập không nêu lên chi tiết về các yêu sách đang gây nhiều tranh cãi của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông và Đài Loan.

    Trong phần chính sách kinh tế, ông Tập phàn nàn rằng, chủ nghĩa bảo hộ đang ngày gia tăng và chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu áp lực, đặc biệt nhất là các vấn đề lạm phát và an ninh lương thực đang tạo ra nhiều thách thức mới.

    Bên lề hội nghị, hôm thứ Bảy, bà Harris đã gặp ông Tập Cận Bình. Ông Tập bày tỏ hy vọng rằng“Trung Quốc sẽ có mối quan hệ tốt hơn với Mỹ, cả hai bên sẽ thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, giảm bớt những hiểu lầm và tính toán sai lầm, đồng thời hợp tác để đưa quan hệ Mỹ-Trung vào một hướng đi lành mạnh và ổn định”.


    Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo sẵn sàng gặp Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh về an ninh khu vực ở Campuchia trong tuần này. Cuộc gặp giữa bộ trưởng quốc phòng Mỹ Austin Lloyd và người đồng cấp của ông, Nguỵ Phượng Hoà, sẽ là cuộc đàm phán quân sự cấp cao đầu tiên kể từ khi Trung Quốc dừng các kênh liên lạc quân sự để phản đối chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi tháng 8.

    Những tháng ngày bất định sắp tới của Evergrande

    Thứ Hai này khu đất vốn được lên kế hoạch làm trụ sở mới của Evergrande ở Thâm Quyến sẽ được đem ra bán đấu giá. Những khó khăn gần đây đã khiến tập đoàn phải loại bỏ kế hoạch xây dựng văn phòng mới. Công ty đang bị trễ nhiều tháng trong việc tái cấu trúc các khoản nợ khổng lồ của mình. Được biết Evergrande nợ tới 300 tỷ đô la, và là biểu tượng cho giai đoạn khó khăn hiện tại của ngành bất động sản Trung Quốc. Công ty vỡ nợ vào tháng 12, và đã cam kết sẽ đưa ra kế hoạch tái cấu trúc nợ trong vòng sáu tháng. Nhưng tới nay vẫn chưa có thông tin gì.

    Chính phủ Trung Quốc gần đây đã công bố các biện pháp hỗ trợ cho ngành bất động sản. Nợ ngân hàng của một số công ty đáo hạn trong sáu tháng tới giờ có thể được gia hạn. Nhưng không rõ điều này sẽ giúp ích bao nhiêu cho Evergrande, vốn đang bị buộc phải bán tài sản, chẳng hạn như đất đai ở Thâm Quyến, để tránh sụp đổ.

    COP27 khép lại với không nhiều đột phá

    Sau khi COP27 bế mạc, nhà đàm phán chính của EU, Frans Timmermans, ngay lập tức nói với các đại biểu rằng “Ngày mai… chúng ta bắt đầu chuẩn bị cho COP28.” Như nhiều người khác, ông Timmermans thất vọng vì hội nghị thượng đỉnh ở Ai Cập không thể đi xa hơn trong cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Ông cũng nhấn mạnh các nước cần phải chắc chắn đưa ra cam kết giảm dùng nhiên liệu hoá thạch tại hội nghị tiếp theo — sẽ được tổ chức tại Dubai vào tháng 11 năm 2023.

    Nhưng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên là xương sống kinh tế của chủ nhà UAE. Cùng với các quốc gia dầu mỏ khác, UAE đã tìm cách hạn chế thảo luận về nhiên liệu hóa thạch ở Sharm el-Sheikh. Và mặc dù bước đột phá lớn nhất tại COP27 là thỏa thuận thành lập quỹ “tổn thất và thiệt hại” để giúp các quốc gia dễ bị tổn thương phục hồi sau thảm họa, các bên vẫn còn phải thống nhất cách thức hoạt động của quỹ.

    Nhiều nhân viên Twitter xin nghỉ

    Ngay sau khi trở thành chủ sở hữu, giám đốc điều hành, và thành viên hội đồng quản trị duy nhất của Twitter vào ngày 27 tháng 10, Elon Musk đã ra lệnh cho nhân viên ngừng làm việc tại nhà và quay lại văn phòng. Thứ Năm tuần trước, họ nhận được một email thông báo rằng trụ sở chính của công ty ở San Francisco đã đóng cửa mà không có lý do. Văn phòng sẽ mở lại từ thứ Hai. Nhưng câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu nhân viên sẽ trở lại.

    Nếu ba tuần nắm quyền của ông Musk trông có vẻ hỗn loạn từ bên ngoài (chẳng hạn như việc khôi phục tài khoản của Donald Trump bằng một cuộc thăm dò trực tuyến), thì từ bên trong mọi chuyện còn rối hơn. Ông cho sa thải một nửa số nhân viên trong tuần đầu tiên và sau đó sa thải luôn các nhà thầu kiểm duyệt nội dung. Vào tuần trước ông đã ra lệnh cho các nhân viên còn lại cam kết làm việc “cực kỳ chăm chỉ” hoặc nghỉ việc. Kết quả là nhiều người đã bỏ việc.

    So với các công ty cùng ngành, Twitter đúng là có quá nhiều nhân viên. Nhưng quy mô và tốc độ nghỉ việc đang gây bất ổn. Không như lời cảnh báo của ông Musk, Twitter có thể sẽ hết người trước khi hết tiền.

    Serbia và Kosovo lại cãi vã

    Thủ tướng Kosovo Albin Kurti và tổng thống Serbia Aleksandar Vucic sẽ gặp nhau tại Brussels vào thứ Hai trong bối cảnh EU tìm cách xoa dịu căng thẳng giữa hai nước láng giềng Balkan. Cuộc họp trùng với thời hạn do Kosovo đặt ra yêu cầu những người lái xe ở các khu vực đông người Serb phải bỏ biển số Serbia để không bị phạt ở Kosovo.

    Kosovo, nơi đa số người dân là người Albania, tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008. Tới nay có 117 nước công nhận quốc gia này, còn Serbia thì không. Cuộc tranh cãi mới nhất, vốn khiến người Serbia ở Kosovo rời bỏ một số tổ chức của đất nước, đang làm gia tăng căng thẳng.

    Ngay cả khi Kurti và Vucic có thể cùng nhau đạt được một thỏa thuận về biển số, thì điều cần thiết hơn vẫn là một thỏa thuận về các vấn đề lớn như đề xuất thành lập một “liên hiệp” các thành phố tự trị của người Serb ở Kosovo. Nhưng điều này tạo ra các rủi ro chính trị lớn cho hai nhà lãnh đạo.

    Colorado Springs: Thảm sát ở hộp đêm LGBTQ vì thù ghét?

    Phạm Vũ
    20 tháng 11, 2022

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/287938607_5881303691884863_8084313190187786088_n.jpeg

    Một vụ xả súng ở Club Q – hộp đêm của giới LGBTQ vào rạng sáng ngày Chủ nhật 20 Tháng Mười Một làm ít nhất năm người chết và 18 người bị thương, trong đó có nghi can nổ súng, Anderson Lee Aldrich, 22 tuổi.

    Trong cuộc họp báo sáng Chủ nhật, Trung uý Pamela Castro, phát ngôn viên sở cảnh sát Colorado Springs cho biết nghi can bước vào hộp đêm và ngay lập tức nổ súng bằng khẩu súng trường. “Nguyên nhân vụ nổ súng đang được tiến hành điều tra. Con số thương vong này có thể sẽ thay đổi trong lúc diễn ra cuộc điều tra,” bà Pamela nhấn mạnh.

    Cũng tại buổi họp báo, Cảnh sát trưởng Colorado Springs Adrian Vasquez nói có ít nhất hai người bên trong hộp đêm đã can đảm chiến đấu để ngăn chặn tay súng. “Họ đã cứu mạng được nhiều người,” Thị trưởng John Suthers, thuộc đảng Cộng hòa, nói thêm sau đó, theo NBCNews.

    Các nạn nhân được đưa đến ba bệnh viện khác nhau để chữa trị. Tại hiện trường, cảnh sát tìm thấy ít nhất hai khẩu súng ngắn và đang điều tra để xác minh nguồn gốc. Tuy nhiên, cảnh sát Vasquez xác định nghi can đã sử dụng một khẩu súng trường để thực hiện vụ tấn công.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/Club-Q-DJ.jpeg

    Trang mạng xã hội Facebook của Club Q thông báo trước đó về một đêm nhạc DJ có tên “Drag Divas” vào ngày Thứ Bảy, 19 Tháng Mười Một. Theo cảnh sát trưởng Vasquez, đây là “một thiên đường an toàn cho cộng đồng LGBTQ.”

    Giữa lúc nguyên nhân thật sự của vụ nổ súng còn đang được điều tra, giới chức sở cảnh sát Colorado đặt câu hỏi liệu đây có phải là một vụ “hate crime” hay không? Vào đầu năm nay, Tổng thống Joe Biden đã lên tiếng về “tội thù ghét và bạo lực gia tăng” đối với cộng đồng LGBTQ.

    Thống đốc Colorado Jared Polis, cũng là người đồng giới đầu tiên được bầu vào chức thống đốc ở Mỹ năm 2018, gọi vụ nổ súng là điều “bệnh hoạn.”

    Năm 2016, một vụ thảm sát đã xảy ra tại hộp đêm Pulse, hộp đêm dành cho người đồng giới ở Orlando, Florida, khiến 49 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

    Ngay sau vụ thảm sát xảy ra ở Club Q, Kelley Robinson, tân Chủ tịch của Human Rights Campaign, Kelley Robinson, tuyên bố vào sáng Chủ Nhật: “Chúng ta phải chống lại sự thù ghét bằng những biện pháp mạnh mẽ nhất có thể, chúng ta phải sát cánh cùng nhau trong tình đoàn kết và tình yêu thương với cộng đồng LGBTQ+ của ở Colorado Springs và yêu cầu chấm dứt tệ nạn bạo lực súng đạn này.”

    “Từ Pulse đến Colorado Springs cho đến rất nhiều sinh mạng khác đã bị tước đoạt, sự việc này đã xảy ra quá lâu,” bà Kelley Robinson nói.

    Vụ thảm sát ở hộp đêm Club Q xảy ra sau cuộc bầu cử giữa kỳ 2022 với nhiều chiến thắng ở các tiểu bang khắp nước Mỹ thuộc về những người đồng giới.

    Tổng thống Biden kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80, cân nhắc tái tranh cử vào Nhà Trắng

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/11/TT-biden-80-mtuoi.jpg

    Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Official White House Photo by Erin Scott) 

    Lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, có một người thọ 80 tuổi trong Phòng Bầu dục.

    Tổng thống Joe Biden đã bước sang tuổi 80 vào Chủ nhật (20/11), đồng thời cân nhắc triển vọng tái tranh cử trong bối cảnh đảng Dân chủ đạt được nhiều thắng lợi hơn mong đợi ​​trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

    Nếu ông Biden tranh cử thành công nhiệm kỳ thứ hai, ông sẽ 86 tuổi vào cuối nhiệm kỳ đó. 

    Trong một bài đăng lãng mạn vào chiều Chủ nhật, Đệ nhất phu nhân Jill Biden đã tweet: “Em không muốn khiêu vũ với ai khác ngoài anh,” tuyên bố tình yêu của mình bằng một cặp biểu tượng cảm xúc trái tim.

    Vị tổng tư lệnh cao tuổi đã tìm cách xua tan những lo ngại về sức khỏe tinh thần và thể chất liên quan đến tuổi tác, dù ông thừa nhận tuổi cao của mình là mối quan tâm “chính đáng” đối với cử tri.

    “Và tôi nghĩ cách tốt nhất để đưa ra đánh giá là quan sát tôi. Có phải tôi đang chậm lại? Có phải tôi không còn bắt kịp?” ông đã hỏi các cử tri trong một cuộc phỏng vấn MSNBC vào tháng trước.

    Gần đây, ông còn cho biết ông “cảm thấy như mới 50”, và khẳng định rằng ông tự tin có thể đánh bại cựu Tổng thống Donald Trump một lần nữa vào năm 2024.

    Ông Trump, 76 tuổi, đã chính thức xác nhận sẽ chạy đua lần 3 vào Nhà Trắng hồi tuần trước. 

    Sự tự tin của ông Biden trong trận tái đấu đã được củng cố bởi việc đảng Cộng hòa có những thất bại trong ngày bầu cử giữa kỳ vừa qua. Tuy vậy, ông Biden vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức.

    Một số chiến lược gia của đảng Dân chủ lo ngại rằng việc trì hoãn thông báo cho đến năm sau sẽ gây bất lợi cho đảng. Hiện không có đảng viên Đảng Dân chủ nổi bật tiềm năng nào bày tỏ sự quan tâm đến việc chạy đua Tổng thống.  

    Một cuộc thăm dò vào tháng 10 cho thấy 64% người Mỹ “lo lắng” về sức khỏe tâm thần của ông Biden, tăng từ 59% vào tháng 8, trong đó hơn một nửa số đảng viên Đảng Dân chủ được khảo sát bày tỏ lo ngại về tuổi tác của ông.

    Một cuộc thăm dò của CNN vào tháng 6 cho thấy 75% đảng viên Đảng Dân chủ muốn Tổng thống đứng ngoài trong mùa tranh cử tiếp theo.

    Lê Vy (theo NY Post)

    Philippines cáo buộc tàu TQ cưỡng đoạt vật thể nghi là mảnh vỡ tên lửa ở Biển Đông

    Tác giả, Yvette Tan

    Vai trò, BBC News

    Getty Images

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Một tàu tuần duyên Trung Quốc (hình tư liệu)

    Một tàu tuần duyên của Trung Quốc bị cáo buộc "cưỡng đoạt" một vật thể trôi nổi, được cho là mảnh vỡ tên lửa, khỏi tàu của Philippines trên Biển Đông.

    Phó Đô đốc Alberto Carlos của Hải quân Philippines nói tàu Trung Quốc đã chặn đường họ hai lần, và cuối cùng vớt lấy vật thể này.

    Các quan chức Trung Quốc chưa đưa ra phản hồi gì về cáo buộc.

    Vụ việc diễn ra vào lúc Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đang thăm Philippines.

    Mảnh vỡ được phát hiện lần đầu tiên vào hôm Chủ Nhật, lúc 06:45 giờ địa phương (22:45 GMT thứ Bảy), gần Đảo Pagasa (Việt Nam gọi là đảo Thị Tứ) hiện do Philippines kiểm soát, Phó Đô đốc Carlos nói.

    Ông nói thêm rằng các sĩ quan đã tiến hành đến hiện trường và tìm thấy một vật thể "kim loại" trôi nổi không xác định.

    Khi họ đang kéo vật thể về thì tàu tuần duyên Trung Quốc mang số hiệu 5203 đã tiếp cận vị trí của họ và "sau đó chặn đường dự kiến của họ hai lần".

    Ông cho biết thuyền Trung Quốc sau đó đã "cưỡng đoạt" vật thể bằng cách cắt dây kéo gắn với xuồng cao su của Philippines. Không ai bị thương trong vụ việc, ông nói thêm.

    Người phát ngôn Cheryl Tindog cho biết các thủy thủ đã không chiến đấu với vụ cưỡng đoạt này vì đó "không phải là vấn đề sống chết".

    Bộ Ngoại giao Philippines cho biết họ đã biết tin và sẽ tiến hành xem xét.

    Hồi đầu tháng, các mảnh vỡ kim loại cũng được tìm thấy tương tự ngoài khơi đảo Busuanga thuộc tỉnh Palawan ở phía tây và ở thị trấn Calintaan thuộc tỉnh Occidental Mindoro.

    Các quan chức nói họ tin rằng các mảnh này có khả năng là các bộ phận của tên lửa Long March 5B của Trung Quốc, được phóng đi hồi đầu tháng 11 từ Trung tâm Phóng vũ trụ Văn Xương trên đảo Hải Nam.

    Đảo Hải Nam cách nơi vật thể mới nhất được tìm thấy hơn 1.000 km.

    Cơ quan vũ trụ Hoa Kỳ Nasa trước đây đã kêu gọi Trung Quốc thiết kế tên lửa có thể rã thành nhiều mảnh nhỏ hơn khi quay trở lại Trái Đất, theo tiêu chuẩn quốc tế.

    Vụ việc diễn ra khi Phó Tổng thống Mỹ đang chuẩn bị tới thăm tới đảo Palawan của Philippines, nằm dọc theo vùng biển có tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông.

    Bà Harris là quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr lên nắm quyền, và chuyến thăm nhiều khả năng nhằm khôi phục quan hệ với Manila.

    Biển Đông là một trong những khu vực có nhiều tranh chấp nhất trên thế giới - với một số quốc gia tuyên bố quyền sở hữu các đảo nhỏ và rạn san hô và quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên ở vùng biển này.

    Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết liệt đối với khu vực tranh chấp này và đã nhanh chóng tăng cường hiện diện quân sự để hỗ trợ những tuyên bố đó.

    Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam phản đối việc Trung Quốc ra yêu sách đối với gần như toàn bộ Biển Đông.

    Phó Tổng thống Hoa Kỳ Harris khẳng định cam kết quốc phòng với Philippines

    Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Kamala Harris, sẽ tái khẳng định các cam kết của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ Philippines khi bà gặp Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. tại Manila vào thứ Hai, một quan chức cấp cao của chính quyền Hoa Kỳ cho biết, theo Reuters.

    REUTERS/Eloisa Lopez

    Nguồn hình ảnh, REUTERS/Eloisa Lopez

    Chụp lại hình ảnh, 

    Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris và chồng Doug Emhoff đến Sân bay Quốc tế Ninoy Aquino, ở Metro Manila, Philippines, ngày 20 tháng 11 năm 2022 

    Bà Harris sẽ có chuyến công du kéo dài ba ngày tới Philippines với một trong các điểm dừng chân là trên quần đảo Palawan nằm giáp ranh Biển Đông. 

    Theo đó, Hoa Kỳ sẽ tái khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với phán quyết của Tòa án quốc tế năm 2016, có ý nghĩa vô hiệu hóa yêu sách bành trướng của Trung Quốc trong vùng biển đang tranh chấp.

    “Phó Tổng thống sẽ nhấn mạnh cam kết của Mỹ grong việc ủng hộ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế vì chúng tôi nhận ra tác động của điều đó đối với cuộc sống và kế sinh nhai của người dân Philippines”, quan chức Mỹ cho biết.

    Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với một số vùng lãnh thổ ở vùng biển ngoài khơi Palawan và phần lớn Biển Đông, viện dẫn các bản đồ lịch sử của chính Trung Quốc. Tuy nhiên, phán quyết năm 2016 của tòa trọng tài ở The Hague cho rằng, các yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, mang chiến thắng về cho Manila.

    Nhưng Philippines đã không thể thực thi phán quyết và kể từ đó đã đệ trình hàng trăm cuộc phản đối về điều mà họ gọi là sự xâm phạm và mạt sát của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc và đội tàu đánh cá khổng lồ của nước này.

    Chuyến thăm của Harris sẽ là chuyến đi cấp cao nhất tới Philippines của một quan chức trong chính quyền Biden và đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quan hệ hai nước, vốn căng thẳng do cựu Tổng thống Rodrigo Duterte có thái độ thù địch với Washington và cảm tình ủng hộ của ông đối với Bắc Kinh.

    "Phó tổng thống sẽ nói với Tổng thống Marcos rằng chúng tôi rất vui khi thấy mối quan hệ an ninh của đôi bên ở vị trí vững chắc như vậy", quan chức Mỹ cho biết.

    Washington và Philippines đã tiến tới một Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) có từ thời chính quyền Obama và bị suy yếu dưới thời Duterte.

    EDCA cho phép Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện quân sự, nhưng không phải là sự hiện diện lâu dài, tại thuộc địa cũ của mình thông qua việc luân chuyển tàu và máy bay cho các hoạt động an ninh hàng hải và nhân đạo tại các căn cứ của Philippines đã được hai bên thống nhất.

    Hoa Kỳ đã đề xuất bổ sung thêm nhiều căn cứ EDCA vào năm địa điểm hiện tại "để tăng cường hợp tác cùng nhau", quan chức Hoa Kỳ cho biết, đồng thời thông tin thêm rằng Washington đã phân bố 82 triệu USD để hoàn thành 21 dự án trên năm địa điểm hiện có.

    Tuần trước, Tham mưu trưởng quân đội Philippines, Trung tướng Bartolome Vicente Bacarro cho biết, Hoa Kỳ đã đề xuất đưa thêm năm căn cứ vào EDCA, trong đó có một căn cứ ở Palawan.

    Vào thứ ba, bà Harris dự kiến sẽ gặp các quan chức tuần duyên, tham quan một tàu tuần duyên ở Palawan và nói về "các nguyên tắc về chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và tự do hàng hải", quan chức Mỹ cho biết.

    Ngoài hợp tác an ninh, chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ đối tác của Washington với Philippines trong nhiều vấn đề, bao gồm hành động chống biến đổi khí hậu, hợp tác hạt nhân và an ninh lương thực, nền kinh tế kỹ thuật số, hợp tác y tế và hàng hải, quan chức này cho biết.


    Không có nhận xét nào