Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ hai 14 tháng 11 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Thượng đỉnh Mỹ - Trung : Joe Biden vạch lằn ranh đỏ với Tập Cận Bình về Đài Loan

    14/11/2022

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nhau tại Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022. AFP - SAUL LOEB 

    Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày hôm nay, 14/11/2022, bên lề thượng đỉnh G20, tại Bali, Indonesia. Đài Loan, Bắc Triều Tiên, Ukraina và Công nghệ là những chủ đề được lãnh đạo hai bên đề cập tới. 

    Theo AFP, đây là cuộc gặp trực diện Mỹ - Trung đầu tiên kể từ khi Joe Biden bước chân vào Nhà Trắng cách nay gần hai năm. Cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh cả hai nguyên thủ vừa củng cố được quyền lực : đảng Dân Chủ của tổng thống Biden vẫn giữ được quyền kiểm soát Thượng Viện trong kỳ bầu cử giữa kỳ ; ông Tập Cận Bình tiếp tục làm tổng bí thư nhiệm kỳ ba, sau Đại Hội 20 của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

    Quan hệ Mỹ - Trung xuống cấp nghiêm trọng ngay từ thời tổng thống Donald Trump. Trước cuộc gặp hôm nay, tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố muốn « xác định những lằn ranh đỏ » với Trung Quốc. Chủ nhân Nhà Trắng giải thích thêm rằng « Hoa Kỳ sẵn sàng cho một cuộc cạnh tranh dữ dội với Trung Quốc nhưng không tìm cách đối đầu ».

    Về phần mình, Trung Quốc thông qua phát biểu từ bộ Ngoại Giao hôm nay cũng bày tỏ mong muốn tái lập mối quan hệ song phương « theo đúng hướng ».  

    Từ Bali, Indonesia, đặc phái viên Mounia Daoudi điểm lại những hồ sơ mà nguyên thủ hai nước đề cập tới: 

    « Đây là lần đầu tiên cả hai nguyên thủ gặp nhau kể từ khi Joe Biden bước chân vào Nhà Trắng cách nay gần hai năm. Mối quan hệ giữa hai nước, vốn dĩ đã bị suy yếu dưới thời tổng thống Trump, đã xuống cấp nghiêm trọng hơn kể từ đó. Và cuộc gặp đầu tiên này sẽ là dịp để san bằng các bất đồng. 

    Hơn nữa trước khi đến Bali, Joe Biden đã tuyên bố muốn vạch ra những lằn ranh đỏ với Trung Quốc. Lẽ dĩ nhiên, người ta nghĩ đến Đài Loan. Tổng thống Mỹ nhắc lại tầm quan trọng của hòa bình và tự do lưu thông hàng hải tại eo biển Đài Loan và vùng Biển Đông. 

    Về hồ sơ Bắc Triều Tiên và những hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, Joe Biden lại sẽ nhắc rằng nếu chế độ này vẫn kiên quyết giữ thái độ hiếu chiến, Mỹ sẽ không còn chọn lựa nào khác là củng cố sự hiện diện quân sự trong vùng, đó cũng là điều Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ. 

    Cuộc chiến tại Ukraina và những hệ quả của chúng đối với nền kinh tế thế giới cũng được đề cập đến, tuy ít ồn ào trên báo chí hơn, nhưng cũng rất quan trọng. Rồi chiến tranh thương mại mà cả hai bên đều tiến hành.  

    Và hồ sơ cuối cùng là lệnh cấm xuất khẩu các chip điện tử cao cấp và các công nghệ dùng để sản xuất những con chip này của Washington. Một quyết định gây ra những hậu quả tai hại cho lĩnh vực công nghệ Trung Quốc. » 

    Tổng thống Mỹ thảo luận về Hiệp ước An ninh và Eo biển Đài Loan với Thủ tướng Úc

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/11/ntdvn_1-78.jpeg

    Tổng thống Mỹ Joe Biden (ở giữa) gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (trái) bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Phnom Penh, Campuchia, hôm 13/11/2022. (Ảnh: Saul Loeb/AFP/Getty Images) 

    Hôm Chủ nhật (13/11), Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp Thủ tướng Úc Anthony Albanese và thảo luận về hiệp ước an ninh giữa hai quốc gia cũng như các vấn đề xung quanh eo biển Đài Loan.

    Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên (AUKUS) giữa Mỹ, Vương quốc Anh và Úc được coi là nỗ lực của phương Tây nhằm đẩy lùi sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt là hoạt động xây dựng quân sự nhằm gây áp lực lên Đài Loan và hoạt động trên Biển Đông đang tranh chấp.

    Trọng tâm của thỏa thuận AUKUS là kế hoạch cung cấp cho Úc công nghệ và khả năng triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, được vũ trang thông thường.

    Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Campuchia và cũng thảo luận về cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố.

    Nhà Trắng cho biết: “Các nhà lãnh đạo công nhận sự cấp thiết của việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”.

    Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tăng cường các cuộc tập trận xung quanh và tại eo biển Đài Loan vào tháng 8, sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Bắc. Kể từ đó, Bắc Kinh duy trì các hoạt động quân sự ở khu vực này, bao gồm máy bay chiến đấu gần như hàng ngày băng qua đường trung tuyến nhạy cảm ở eo biển Đài Loan.

    Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã căng thẳng trong những năm gần đây vì các vấn đề như thuế quan, Đài Loan, sở hữu trí tuệ, an ninh mạng, việc loại bỏ quyền tự trị của Hong Kong và nguồn gốc của đại dịch Covid-19 và nhiều vấn đề khác.

    Mối quan hệ của Úc với Trung Quốc cũng trở nên xấu đi. Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Australia và phản ứng giận dữ trước lời kêu gọi của Canberra về một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

    Thủ tướng Albanese cũng đã có cuộc đối thoại ngắn gọn với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Campuchia vào hôm 13/11, trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh chính thức với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ được tổ chức.

    Cùng ngày, Tổng thống Biden nói với các nhà lãnh đạo châu Á rằng, các đường dây liên lạc của Mỹ với Trung Quốc sẽ luôn mở để ngăn chặn xung đột. Đồng thời, ông khẳng định rằng Mỹ sẽ vừa “cạnh tranh mạnh mẽ” với Bắc Kinh trong khi vẫn “đảm bảo cạnh tranh không trở thành xung đột”.

    Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức vào ngày 14/11, khi quan hệ song phương đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng, cuộc họp có thể kéo dài “vài giờ”.

    Bên cạnh đó, Tổng thống Biden cũng có cuộc đối thoại với những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc, nhấn mạnh rằng ba nước đang “đoàn kết hơn bao giờ hết” về vấn đề Triều Tiên.

    Huyền Anh

    Trung Quốc ‘giúp’ Campuchia nâng cấp căn cứ hải quân 

    14/11/2022 

    Reuters 

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh. 

    Hôm 14/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết Trung Quốc đang giúp Campuchia nâng cấp căn cứ hải quân, theo Reuters.

    Bà Mao nói tại một cuộc họp báo thường kỳ: “Đó là một cuộc trao đổi bình thường”.

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm 12/11 nêu quan ngại với Thủ tướng Campuchia Hun Sen về hoạt động của Trung Quốc tại Căn cứ Hải quân Ream, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự minh bạch đầy đủ, Nhà Trắng cho biết.

    TT Biden nói Mỹ, Nhật, Hàn 'đồng lòng hơn bao giờ hết' về Triều Tiên 

    14/11/2022 

    Reuters 

    Các bức ảnh của chính phủ Bắc Triều Tiên cho thấy những gì họ nói là hoạt động quân sự từ ngày 2-5 tháng 11 năm 2022 ở Bắc Triều Tiên.

    Các bức ảnh của chính phủ Bắc Triều Tiên cho thấy những gì họ nói là hoạt động quân sự từ ngày 2-5 tháng 11 năm 2022 ở Bắc Triều Tiên. 

    Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc "đồng lòng hơn bao giờ hết" đối với "hành vi khiêu khích" của Triều Tiên, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói hôm Chủ nhật 13/11, trong lúc cố vấn an ninh quốc gia của ông hứa sẽ có phản ứng chung nếu Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ bảy.

    Phát biểu tại Campuchia sau cuộc gặp ba bên với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, ông Biden gọi họ là "đồng minh quan trọng" có chung mối quan ngại với Hoa Kỳ về các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.

    Ba nhà lãnh đạo ra một tuyên bố chung ca ngợi "mức độ phối hợp ba bên chưa từng có" mà họ đã đạt được, đồng thời cam kết thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh. Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh cam kết "sắt đá" của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ hai đồng minh, tuyên bố cho biết.

    Tổng thống Yoon cho biết những hành động khiêu khích gần đây của Triều Tiên cho thấy "bản chất chống lại chủ nghĩa nhân đạo" của chế độ, trong khi Thủ tướng Kishida nói rằng hành động của Bình Nhưỡng là "chưa từng có."

    "Hội nghị thượng đỉnh ba bên này diễn ra đúng lúc vì chúng tôi đang dự kiến những hành động khiêu khích tiếp theo của Bình Nhưỡng," Thủ tướng Kishida nói trong phát biểu khai mạc cuộc gặp ba bên.

    Ông nói thêm: “Tôi mong muốn tăng cường phối hợp giữa Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản để đáp trả một cách kiên quyết.”

    Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói với các phóng viên trên Máy bay Air Force One rằng ba nhà lãnh đạo đã lên kế hoạch phối hợp phản ứng nếu Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ bảy, nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết.

    "Quý vị có thể thấy một phản ứng ba bên, được phối hợp tốt giữa ba quốc gia", ông Sullivan nói và cho biết thêm rằng nó có thể bao gồm các thành phần an ninh, kinh tế và ngoại giao.

    Trong tuyên bố chung, ba nhà lãnh đạo lên án mạnh mẽ các vụ phóng tên lửa đạn đạo với số lượng chưa từng có của Triều Tiên trong năm nay và cho rằng chúng gây ra "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với hòa bình và an ninh trong khu vực.

    Họ cho biết một vụ thử hạt nhân của Triều Tiên "sẽ gặp phải phản ứng kiên quyết và mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế," đồng thời cho biết thêm rằng Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ sẽ phối hợp các biện pháp trừng phạt và cùng nhau thu hẹp các lỗ hổng trong cơ chế trừng phạt quốc tế.

    Các nhà lãnh đạo cho biết họ dự định chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa của Triều Tiên trong thời gian thực để cải thiện khả năng của mỗi quốc gia trong việc phát hiện và đánh giá mối đe dọa do tên lửa bay tới gây ra, một bước quan trọng để răn đe nhằm duy trì hòa bình và ổn định.

    Vào tháng 10, Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo đi xa hơn bao giờ hết, bay vọt qua bên trên Nhật Bản lần đầu tiên.

    Từ tháng 5, Hoa Kỳ đã nói rằng Triều Tiên đang chuẩn bị nối lại vụ thử hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017, nhưng vẫn chưa rõ khi nào nước này có thể tiến hành một vụ thử như vậy.

    Từ lâu, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã cấm Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo, và đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng trong những năm qua nhằm tìm cách cắt nguồn tài trợ cho các chương trình đó.

    Tổng thống Biden cho biết ông cũng đã thảo luận với Tổng thống Yoon và Thủ tướng Kishida về việc mở rộng hỗ trợ phối hợp cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga, duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, đồng thời hướng tới "các mục tiêu chung về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở."

    (Theo Reuters)

    Thủ tướng Đức Scholz thăm Việt Nam khi các doanh nghiệp tìm nơi chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc 

    14/11/2022 

    Reuters 

    Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự cuộc họp báo chung tại Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2022.

    Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự cuộc họp báo chung tại Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2022. 

    Thủ tướng Đức Olaf Scholz thảo luận về năng lượng và thương mại với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Hà Nội hôm Chủ nhật 13/11. Đấy là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một nhà lãnh đạo Đức trong hơn một thập kỷ.

    Việc Thủ tướng Scholz dừng chân tại Việt Nam trên đường tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 ở Indonesia nhấn mạnh vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi nhiều công ty Đức cân nhắc việc đa dạng hóa hoạt động sản xuất bằng cách mở rộng sự hiện diện ra ngoài Trung Quốc, vốn là trung tâm sản xuất chính của họ ở châu Á.

    Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Chính, ông Scholz cho biết Berlin muốn có quan hệ thương mại sâu sắc hơn với Việt Nam và sẽ hỗ trợ đất nước chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh hơn, bao gồm cả việc mở rộng hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Hà Nội.

    Chuyến thăm Hà Nội tiếp sau chuyến thăm của Thủ tướng Scholz đến Trung Quốc vào tuần trước -- chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo phương Tây trong ba năm kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Ông Scholz tiếp đến sẽ thăm Singapore trước khi đến dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia vào ngày 15-16 / 11.

    Việt Nam và Singapore là hai quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Do đó, hai nước này là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khu vực.

    Theo công ty luật Dezan Shira, Đức là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong số các nước EU sau Hà Lan, với giá trị trao đổi trị giá 7,8 tỷ USD vào năm ngoái – so ra ít hơn nhiều so với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

    Theo Phòng Thương mại Đức tại Việt Nam, có khoảng 500 công ty Đức đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có khoảng 80 công ty có nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Trong số đó có công ty kỹ thuật khổng lồ Bosch, công ty năng lượng Messer và một số công ty nhỏ hơn trong chuỗi cung ứng ô tô toàn cầu.

    (Theo Reuters)

    Các thử thách đặt ra cho ngân hàng trung ương Ấn Độ

    Lúc này là khoảng thời gian vô cùng bận rộn cho Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI). Khi đồng rupee xuống mức thấp kỷ lục so với đô la trong tháng 10, ngân hàng trung ương đã can thiệp bằng cách bán ra 112 tỷ đô la dự trữ ngoại hối. Ngoài ra họ cũng đang thử nghiệm đồng rupee kỹ thuật số, một loại tiền tệ kỹ thuật số quốc gia.

    Tuy nhiên, nhiệm vụ lớn nhất của RBI vẫn là giải quyết lạm phát. Dữ liệu tháng 10, được công bố vào thứ Hai, nhiều khả năng sẽ cho thấy lạm phát năm lên 6,7%. Con số này khá hơn mức 7,4% của tháng 9, nhưng vẫn cao hơn nhiều phạm vi mục tiêu 2-6%.

    Chi phí thực phẩm là thủ phạm chính, vì nó chiếm tới gần một nửa chỉ số giá tiêu dùng của Ấn Độ. Nhưng áp lực lạm phát có thể đang trên đà giảm nhờ lạm phát lương thực toàn cầu chậm đi. Thống đốc Shaktikanta Das tỏ ra lạc quan khi cho rằng các chỉ số kinh tế cơ bản của Ấn Độ vẫn ổn định và chính sách tăng lãi suất của ngân hàng trung ương — tăng 1,9 điểm phần trăm kể từ tháng 4 và dự kiến tăng tiếp vào tháng 12 — đang chứng minh hiệu quả.

    COP27 bước vào giai đoạn đàm phán thực chất

    Vào sáng thứ Hai, các đại biểu sẽ trở lại trung tâm hội nghị khổng lồ ở Sharm el-Sheikh để bắt đầu tuần thứ hai của COP27, hội nghị khí hậu thường niên của Liên Hợp Quốc. Các nhà lãnh đạo thế giới đã rời Ai Cập. Giờ đây đến lượt đoàn đàm phán của các nước phải xác định họ sẵn sàng làm gì để chống biến đổi khí hậu.

    Sự kiện năm nay đã nói nhiều về việc các nước nghèo muốn được tài trợ “tổn thất và thiệt hại” của biến đổi khí hậu. Dù được chính thức đưa ra tranh luận, nhưng sự phản kháng từ các nước giàu khiến khả năng thành lập một cơ chế như vậy là rất khó.

    Một cam kết về khí hậu thực chất nhất trong thời gian COP27 họp có thể sẽ không được đưa ra ở Ai Cập. Cuối tuần này, các nhà lãnh đạo G20 họp tại Bali dự kiến sẽ công bố một quỹ trị giá 15 tỷ USD để giúp Indonesia loại bỏ nền kinh tế thâm dụng than đá, mô phỏng lại thỏa thuận 8,5 tỷ USD với Nam Phi tại COP26 năm ngoái.

    Sàn tiền điện tử FTX phá sản

    Năm nay là một năm tồi tệ đối với tiền điện tử. Cho đến đầu tháng 11, các điều kiện tài chính thắt chặt đã quét sạch một nửa vốn hóa thị trường của thế giới tiền điện tử. Tuần qua đã xảy ra một vụ còn nghiêm trọng hơn.

    Hôm thứ Sáu, sàn giao dịch tiền điện tử FTX và công ty giao dịch Alameda Research của Sam Bankman-Fried đồng loạt nộp đơn xin phá sản. Bằng chứng cho thấy FTX đã “cho Alameda vay” 10 tỷ đô la tiền của khách hàng. Cơ quan quản lý ở cả Mỹ và Bahamas đều đang điều tra FTX. Vẫn chưa rõ liệu khách hàng có được lấy lại tiền hay không.

    Vụ việc sẽ để lại hậu quả lâu dài. FTX có liên hệ sâu sắc với phần còn lại của thế giới tiền điện tử, đặc biệt vì đã đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và từng cứu các công ty tiền điện tử gặp khó khăn như Voyager hay BlockFi. Sự không chắc chắn về việc liệu các công ty như vậy có tìm được những người ủng hộ mới hay không đã góp phần khiến giá trị tiền điện tử giảm gần 20% trong tuần qua. Và dù cuộc khủng hoảng không lan sang các thị trường tài chính khác, chính phủ Mỹ nói tiền điện tử cần được giám sát nhiều hơn. Mặc dù quy định có thể giúp khôi phục niềm tin vào các doanh nghiệp tiền điện tử hợp pháp, nó cũng sẽ đặt dấu chấm hết cho một số mảng khác.


    Không có nhận xét nào