Võ Thái Hà tổng hợp
TT Zelensky cảnh báo Nga tấn công ồ ạt trở lại cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina
Ảnh minh họa: Một người dân vùng Kiev đun nấu ngoài trời, ngày 02/04/2022. Người dân thủ đô Ukraina chuẩn bị khả năng phải di tản vì hệ thống điện nước sinh hoạt bị phá hủy. AP - Vadim Ghirda
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tối Chủ Nhật 06/11/2022 cho rằng Nga sẽ lại tiếp tục tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina.
Trong video thường nhật hôm qua, nguyên thủ Ukraina nhấn mạnh, Nga đang tập trung, xin trích, « lực lượng và phương tiện để có thể lặp lại các vụ tấn công ồ ạt vào cơ sở hạ tầng của chúng ta, trước hết là cơ sở hạ tầng năng lượng ». Hết lời dẫn.
Trước đó, Mykhailo Podolyak, cố vấn của tổng thống Ukraina, cho biết trên Twitter rằng Ukraina sẽ « đứng vững » bất chấp các vụ tấn công của Nga, bằng cách bố trí lực lượng phòng không, bảo vệ cơ sở hạ tầng và tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng.
Hôm nay, lãnh đạo một công ty cung cấp năng lượng lớn cho thủ đô, dự báo Ukraina thiếu hụt 32% nguồn cung năng lượng. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại Kiev.
Chủ Nhật 06/11/2022, báo Mỹ New York Times, trích dẫn một nguồn tin trong chính quyền thành phố Kiev, cho biết đời sống của dân chúng mỗi ngày một khó khăn do khan hiếm điện, kèm theo đó là những ảnh hưởng đối với hệ thống cấp thoát nước, buộc chính quyền thành phố phải tính tới tản cư dân nếu tình hình thêm xấu đi.
Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan gửi về bài tường trình :
Sơ tán hơn 3 triệu người dân chỉ trong vài giờ, đây là một kịch bản khủng khiếp mà chính quyền thành phố Kiev đang phải chuẩn bị, trong trường hợp tình hình năng lượng xấu đi đột ngột.
Theo một nguồn tin nói với báo Mỹ New York Times, nếu các vụ oanh kích khiến toàn bộ mạng lưới điện bị cắt, thì nhà chức trách sẽ có khoảng thời gian 12 tiếng đồng hồ để yêu cầu cư dân rời khỏi thành phố.
Hiện tại, 40% cơ sở hạ tầng điện đã bị hư hại, và các nhà khai thác mạng lưới điện đã tiến hành các đợt cắt điện diện rộng, mỗi lần nhiều giờ đồng hồ tại nhiều khu vực khác nhau, để giữ mạng lưới điện ổn định.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay đang làm gián đoạn nguồn cung cấp nước sạch cũng như việc thoát nước thải qua hệ thống cống, có nguy cơ làm cho vấn đề vệ sinh tồi tệ hơn.
Hôm thứ Bảy, công ty khai thác năng lượng Nhà nước UkrEnergo thông báo thêm nhiều biện pháp hạn chế và chính quyền thành phố Kiev đang chuẩn bị 1.000 nơi trú ẩn có hệ thống sưởi ấm, có thể dùng làm hầm phòng không cho thường dân.
Lần đầu tiên Kherson mất điện nước diện rộng
Tại Kherson, miền nam Ukraina, sau hai vụ oanh kích mà cả Nga và Ukraine đều đổ lỗi cho nhau, thành phố Kherson hiện đang do quân Nga nắm quyền kiểm soát, hôm qua 06/11 cũng mất cả điện và nước. Theo AFP, một số khu vực trong vùng cũng chịu cảnh tương tự như thủ phủ Kherson. Đây là lần đầu tiên Kherson bị mất điện nước diện rộng kể từ khi nổ ra chiến tranh. Đập thủy điện ở Kakhovka, Kherson, cũng bị hư hại do các vụ oanh kích.
Trung Quốc phản đối việc Bộ trưởng Anh sắp thăm Đài Loan
07/11/2022
Ông Greg Hands, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh.
Hôm 7/11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Anh phải ngừng mọi hình thức trao đổi chính thức với Đài Loan, sau việc một bộ trưởng Anh có kế hoạch tới thăm hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, theo Reuters.
Ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng chính quyền Đài Loan cần phải ngừng thông đồng với các lực lượng nước ngoài.
Ông Greg Hands, Bộ trưởng Thương mại của Anh, sẽ thăm Đài Loan trong tuần này để đàm phán thương mại và gặp Tổng thống Thái Anh Văn, văn phòng của ông cho biết hôm 7/11.
Ông Hands, đồng thời là một nghị viên Quốc hội Anh, sẽ gặp bà Thái và đồng tổ chức Cuộc đàm phán Thương mại Anh-Đài Loan thường niên lần thứ 25 trong chuyến thăm hai ngày.
Văn phòng của ông Hands cho biết trong một tuyên bố: “Đến thăm Đài Loan trực tiếp là một tín hiệu rõ ràng về cam kết của Vương quốc Anh trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Anh và Đài Loan. Giống như Vương quốc Anh, Đài Loan là một nhà vô địch của thương mại tự do và công bằng được củng cố bởi một hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên quy tắc”.
Quốc vụ khanh thương mại Anh thăm Đài Loan, bất chấp phản đối từ Trung Quốc
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chụp lại hình ảnh,
Ông Greg Hands hiện là Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại và Năng lượng của Vương quốc Anh
Hôm 07/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản đối chuyến thăm dự kiến tới Đài Loan tuần này của Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại và Năng lượng Greg Hands.
Ông Hands sẽ là quan chức cao cấp nhất của chính phủ Anh đương nhiệm thăm Đài Loan và hội kiến Tổng thống Thái Anh Văn, theo truyền thông Anh.
Trang web của chính phủ Anh cho hay ông Greg Hands sẽ cùng chủ trì Hội thảo Thương mại chung với chính phủ Đài Loan để tăng trao đổi song phương.
Sự kiện có tên là “UK-Taiwan 25th annual Trade Talks” (Hội nghị Thương mại Anh-Đài thường niên lần thứ 25) nhằm đảm bảo để hai bên tăng cường “trao đổi mậu dịch, hợp tác vì thương mại xanh và xử lý các vấn đề của chuỗi cung ứng”, trang web cho hay.
Anh Quốc ghi nhận kinh tế Đài Loan này có GDP “trên 770 tỷ USD, có nền công nghệ cao cấp, và tăng trưởng trung bình 4%/năm trong hơn 30 năm qua”, và Đài Loan là một đối tác thương mại quan trọng của Anh.
Ông Hands cũng viết ông “đã từng thăm Đài Loan 31 năm trước và nay là dịp tuyệt vời để chứng kiến sự tăng trưởng của nền kinh tế năng động này”.
Phía Anh cũng khen ngợi Đài Loan là “một quán quân, như Anh, về thương mại tự do, công bằng, và có bảo đảm của hệ thống mậu dịch dựa trên pháp luật của thế giới”.
Anh Quốc ghi nhận trao đổi thương mại song phương nay đạt 8 tỷ USD/năm, và tiềm năng của quan hệ này còn rất lớn.
Tuy thế, các báo Anh đầu tuần đều nói đến bối cảnh ông Greg Hands thăm Đài Loan.
Tờ The Independent hôm 07/11 viết “các nhà lập pháp phương Tây thăm Đài Loan giữa lúc Trung Quốc liên tiếp đẩy mạnh các hoạt động quân sự quanh hòn đảo”.
Đặc biệt, chuyến thăm của bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện Mỹ hồi tháng 8 đã gây ra phản ứng hết sức giận giữ từ Trung Quốc, thể hiện bằng một cuộc tập trận ở eo biển Đài Loan của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA).
Tờ báo Anh cũng nhắc các chính khách phương Tây thăm Đài Loan đều bị Trung Quốc trừng phạt cá nhân, gồm biện pháp cấm visa.
Tại Anh, hiện có câu hỏi liệu một số cam kết tranh cử về Trung Quốc của thủ tướng Rishi Sunak trước khi lên làm người lãnh đạo chính phủ Anh sẽ có biến thành chính sách hay không.
Khi còn là ứng viên đảng Bảo thủ ra tranh chức thủ tướng, ông Sunak nói “ông sẽ cấm mọi hoạt động của Viện Khổng tử ở Anh và coi Trung Quốc là “mối đe dọa” (threat).
Tuy vậy, cũng có ý kiến ở Anh nói việc chính phủ Bảo thủ hô hào “chống Trung Quốc” là không khôn ngoan, khi mà Hoa Kỳ cũng mới chỉ coi Trung Quốc là “đối thủ”, chứ không phải kẻ thù.
Thủ tướng Kishida cam kết tăng cường năng lực quốc phòng Nhật Bản
Thủ tướng Fumio Kishida (Reuteurs)
Thủ tướng Fumio Kishida hôm Chủ nhật (6/11) cam kết sẽ tăng cường năng lực hải quân và quân sự của Nhật Bản, đồng thời cảnh báo rằng các quốc gia phải chuẩn bị đối mặt với những kẻ xâm lược.
Ông Kishida cũng lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine và phản đối các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên, mà một trong số đó đã bay qua Nhật Bản lần đầu tiên kể từ năm 2017, khiến Nhật phải đưa ra cảnh báo sơ tán.
Ông Kishida nói: “Chúng ta phải chuẩn bị cho một kỷ nguyên khi các bên trở nên bất tuân các quy tắc và sử dụng vũ lực hoặc đe dọa để phá hủy hòa bình và an toàn của các quốc gia khác”, theo AFP.
Phát biểu của nhà lãnh đạo được đưa ra khi Tokyo đang soạn thảo các kế hoạch an ninh, dự kiến có thể tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong vòng 5 năm tới. Đây sẽ là một sự thay đổi lớn ở Nhật Bản, nơi Hiến pháp hạn chế năng lực quân sự của nước này.
“Chúng tôi sẽ đẩy nhanh các cuộc thảo luận thực tế về những gì cần thiết để bảo vệ người dân của chúng ta bằng cách xem xét tất cả các lựa chọn”, ông Kishida nói.
Ông nói: “Việc nâng cao (năng lực hải quân của Nhật Bản) là không thể chờ được nữa, bao gồm cả việc đóng các tàu hải quân mới, nâng cao năng lực phòng thủ tên lửa của chúng ta và cải thiện điều kiện làm việc và mức thù lao cho các nhân viên (quân đội) của chúng ta.”
Ông không nêu đích danh Trung Quốc nhưng nói rằng “môi trường an ninh quốc gia xung quanh đất nước chúng ta đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, bao gồm Biển Hoa Đông và Biển Đông”.
Ông Kishida nói thêm rằng Nhật Bản sẽ đảm bảo tính minh bạch trong chi tiêu quân sự của mình.
Ông nói: “Nhật Bản sẽ duy trì đường lối của chúng ta với tư cách là một quốc gia theo chủ nghĩa hòa bình như chúng ta đã làm kể từ khi kết thúc (Thế chiến II).”
Ngân Hà (theo AFP)
Một ngày nữa là đến bầu cử giữa kỳ ở Mỹ
Cứ hai năm một lần người Mỹ lại đi bỏ phiếu chọn dân biểu và thượng nghị sĩ. Nhưng cuộc bầu cử năm nay, diễn ra vào thứ Ba, có tầm ảnh hưởng vượt ra khỏi phòng họp quốc hội. Có tên trên lá phiếu còn là ứng viên cho các cơ quan lập pháp bang, nơi quyết định hầu hết các chính sách ở Mỹ. Người dân sẽ bầu thị trưởng, thống đốc và thẩm phán — với các hệ thống bỏ phiếu rất đa dạng theo từng địa phương. Năm nay các vấn đề trọng tâm sẽ là quyền phá thai và quyền bầu cử, bên cạnh nhiều vấn đề khác. Bầu cử giữa kỳ luôn là một cuộc thực thi dân chủ rất lớn.
Nhưng nền dân chủ Mỹ đang bị một số đảng viên Cộng hòa đặt câu hỏi. Năm nay có rất nhiều ứng viên cho rằng cuộc bầu cử tổng thống 2020 là gian lận và Donald Trump mới là tổng thống hợp pháp. Nhiều trong số họ đang tranh cử cho các chức vụ địa phương, chẳng hạn như thư ký bang vốn có nhiệm vụ giám sát bầu cử. Chiến thắng của họ ở các bang chiến trường như Arizona và Michigan do đó sẽ quyết định trực tiếp tiến trình bầu cử trong tương lai. Dù còn hai năm nữa nhưng bầu cử tổng thống 2024 đã phủ bóng lên chính trị Mỹ.
Triển vọng thương mại toàn cầu theo WTO
Vào thứ Hai Tổ chức Thương mại Thế giới sẽ công bố báo cáo thường niên của họ về thương mại toàn cầu, trong đó phần lớn được thực hiện thông qua hệ thống được WTO giám sát. Đây là một thời điểm rất đáng quan ngại. Thương mại hàng hóa toàn cầu đã tăng bật trở lại sau suy thoái 2020 dù vẫn còn nhiều vấn đề về chuỗi cung ứng. Năm 2021, tỉ trọng của thương mại trên GDP toàn cầu thậm chí lên mức cao nhất kể từ năm 2014 và tiếp tục tăng trong năm 2022, theo ước tính hiện tại của WTO.
Nhưng có nhiều rắc rối phía trước. Trong năm tới tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại đáng kể; với Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đều có nguy cơ suy thoái. Chủ nghĩa bảo hộ cũng ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, Trung Quốc và phương Tây đang tìm cách giảm phụ thuộc lẫn nhau về tài nguyên và công nghệ quan trọng. Và chính sách công nghiệp mới của Mỹ — bao gồm các quy tắc “Mua hàng Mỹ” được viết trong luật khí hậu mới — đã khiến nhiều đối tác thương mại cả Âu và Á lo lắng. Có lẽ cú phục hồi ngoạn mục sau đại dịch cũng sẽ là lần ăn mừng cuối cùng.
Ukraine nhận nhiều vũ khí phòng không từ phương Tây
Trong những ngày tới, Ukraine sẽ nhận được hai hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS do Kongsberg, một công ty hàng không vũ trụ Na Uy, và tập đoàn Raytheon của Mỹ đồng phát triển. Tháng trước, Ukraine đã nhận một hệ thống phòng không IRIS-T tiên tiến từ Đức, đi kèm lời hứa viện trợ thêm ba hệ thống nữa. Slovakia cũng đã cung cấp một dàn tên lửa từ nhiều tháng trước.
Những vũ khí như vậy đang giúp Ukraine phòng thủ hiệu quả. Tại thời điểm ngày 10 tháng 10, gần một nửa số tên lửa và máy bay không người lái của Nga đi qua được hệ thống phòng thủ của Ukraine; giờ đây nước này tuyên bố bắn hạ hơn 80% số tên lửa và máy bay không người lái. Dù vậy, trong tháng qua các cuộc tấn công của Nga đã phá hủy hoặc làm hư hại tới 40% cơ sở hạ tầng năng lượng của đất nước, gây mất điện trên diện rộng. (Ukraine thậm chí có kế hoạch sơ tán thủ đô Kyiv trong trường hợp mất điện kéo dài.) Hiện Mỹ muốn tăng tốc độ bàn giao thêm sáu hệ thống NASAM. Người Ukraine sẽ đếm từng ngày đến ngày bàn giao.
BioNTech sắp công bố kết quả quý
BioNTech, công ty công nghệ sinh học Đức có sản phẩm vắc-xin covid-19 hợp tác với Pfizer, sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 3 vào thứ Hai. Các con số của công ty sẽ cho thấy tương lai của các hãng vắc-xin một khi đại dịch qua đi. Tập đoàn Mỹ Pfizer đã đánh bại kỳ vọng vào tuần trước khi báo cáo doanh thu quý 3 lên tới 22,6 tỷ USD. CEO của Pfizer Albert Bourla cho biết: “Chúng tôi tin rằng mảng dược phẩm covid-19 sẽ vẫn tạo ra doanh thu hàng tỷ đô la cho công ty trong tương lai gần.” Tuy nhiên, hãng dược Moderna của Mỹ lại có kết quả kém với lý do các vấn đề sản xuất phức tạp, và đã phải loại bỏ 333 triệu đô la hàng tồn kho hết hạn.
Moderna, Pfizer và BioNTech đã tăng giá các sản phẩm covid-19 để bù đắp nhu cầu giảm trong tương lai, và đang đứng dưới áp lực phải đa dạng hóa danh mục thuốc. BioNTech cũng kỳ vọng thúc đẩy doanh số bán hàng với liều tiêm nhắc covid mới, vốn đã chứng tỏ hiệu quả hơn trước biến thể omicron so với phiên bản nghiên cứu cùng Pfizer. Nhưng khi coronavirus không còn dẫn đầu chương trình nghị sự của các chính phủ, vắc-xin covid sẽ không thể tạo ra lợi nhuận trong trong thời gian dài.
Giá dầu quốc tế giảm khi Trung Quốc kiên trì chính sách COVID hà khắc
Kho bồn chứa hóa chất lọc hóa dầu tại kho chứa dầu. (Nguồn: Avigator Fortuner/ Shutterstock)
Giá dầu giảm hơn 1 đô la/thùng vào thứ Hai (7/11) khi quan chức Trung Quốc cuối tuần qua tái khẳng định kiên trì chính sách zero-COVID nghiêm ngặt của mình, làm tan biến hy vọng rằng quốc gia này, cũng là khách hàng hàng đầu về dầu thô, sẽ phục hồi lượng nhập khẩu.
Dầu thô Brent giảm 1,20 đô la (1,2%), xuống 97,37 đô la/thùng vào lúc 2:27 GMT, sau khi chạm mức thấp nhất 96,50 đô la trước đó. Dầu thô West Texas Intermediate (WTI) rớt từ 91,24 đô la/thùng, giảm 1,37 đô la (1,5%), trở thành thấp nhất trong phiên là 90,40 đô la/thùng.
Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets nhận định: “Lý do giá dầu giảm mạnh là vì quan chức Trung Quốc tuyên bố kiên trì chính sách zero-COVID trước tình hình số ca nhiễm gia tăng ở Trung Quốc. Điều đó dẫn đến xiết chặt kiểm soát xuất nhập khẩu, làm ảnh hưởng nhu cầu nhập khẩu.”
Dầu Brent và WTI đã tăng trong tuần trước, lần lượt 2,9% và 5,4%, khi có tin đồn gỡ bỏ đóng cửa do COVID ở Trung Quốc. Mặc dù bấy giờ không có bất kỳ công bố nào về thay đổi chính sách COVID ở quốc gia này.
Tuy nhiên trong một họp báo thứ Bảy cuối tuần qua, các quan chức y tế tái khẳng định họ tiếp tục kiên trì lối tiếp cận “làm sạch động” đối với ca nhiễm COVID mỗi khi chúng xuất hiện. Số liệu thương mại vào cuối thứ Hai hôm nay được dự đoán xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ giảm nhiệt, nhất là khi chiều hướng nhu cầu toàn cầu vẫn đang nguội dần.
“Thị trường vẫn đang phải đối phó trước những dấu hiệu suy yếu về nhu cầu dầu do giá vốn đã cao và bối cảnh kinh tế yếu ở các thị trường phát triển”, phân tích từ ANZ cho biết như vậy trong một lưu ý, đồng thời nhắc nhở thêm rằng nhu cầu ở châu Âu và Hoa Kỳ đã giảm trở lại mức của năm 2019.
“Hiện nay chúng tôi dự tính nhu cầu toàn cầu quý 4 năm 2022 chỉ tăng 0,6 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái để đạt mức trung bình của năm tới.”
Nền tảng của giá dầu còn được tính trên cơ sở dự kiến nguồn cung bị thắt chặt hơn do lệnh cấm vận của EU đối với xuất khẩu dầu thô qua đường biển của Nga sẽ bắt đầu vào ngày 5/12, đồng thời các nhà máy lọc dầu toàn thế giới đang tăng công suất để đáp ứng nhu cầu dầu diesel mạnh mẽ.
Các hãng lọc dầu của Mỹ tại quý này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của vận hành những nhà máy của họ tới gần hoặc cao hơn 90% công suất, trong khi nhà máy lọc dầu tư nhân lớn nhất Trung Quốc Hãng Dầu khí và Hóa chất Triết giang (ZPC) đang tăng sản lượng dầu diesel.
Hãng Dầu khí Tích hợp của Kuwait (KIPIC) hôm Chủ Nhật (6/11) cho biết giai đoạn đầu tiên của nhà máy lọc dầu Al-Zour đã bắt đầu hoạt động thương mại, theo tin từ Hãng Thông tấn Nhà nước (KUNA).
Thiên Đức, theo Reuters
Mùa đông sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức chiến đấu của quân đội Ukraine?
BBC News
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chỉ còn chưa đến một tháng nữa, Ukraine sẽ bước vào mùa đông và điều này có thể cản bước lực lượng vũ trang Ukraine trong nỗ lực chiếm lại các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng.
Nga có thể cố gắng làm dân thường Ukraine chịu giá lạnh bằng cách nhắm đến các nhà máy điện và kho nhiên liệu.
Mùa đông tại Ukraine lạnh đến mức nào?
Giữa tháng 12 và tháng Ba, nhiệt độ trung bình tại Ukraine rớt xuống khoảng từ -4,8 độ C và 2 độ C.
Trung bình thì tuyết rơi trong 14 ngày, 17 ngày vào tháng Một và 15 ngày vào tháng Hai. Vào mỗi tháng này thì tuyết rơi dày hơn 1,5 m.
Tuy nhiên, mùa đông ở miền nam, dọc vùng Biển Đen thì không khắc nghiệt như miền bắc.
Mùa đông sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc chiến Ukraine?
Tại Kyiv, ở miền bắc, nhiệt độ đang rớt xuống mức đóng băng. Vào tháng Một, nhiệt độ trung bình là -3,8 độ C và vào ban đêm, nhiệt độ rơi xuống trung bình thấp nhất là -6,1 độ C.
Tuy nhiên, ở vùng Kherson ở miền nam thì nhiệt độ trung bình vào tháng Một cao hơn đang kể: -0,9 độ C. Nhiệt độ tối thiểu trung bình là -3,7 độ C.
Điều này đồng nghĩa là tại các mặt trận ở vùng đông bắc Ukraine, nhiệt độ có thể rớt xuống mức thấp đủ để mặt đất đóng băng cứng.
Tuy nhiên, tại các mặt trận gần vùng Kherson, tuyết rơi mùa đông và mưa thay vào đó có thể biến mặt đất thành bùn.
Mùa đông có ý nghĩa gì với binh sĩ tác chiến?
Mặt đất đầy bùn và tuyết rơi dày có thể khiến binh sĩ và xe quân sự khó di chuyển nhanh chóng hơn.
Điều này sẽ là sự bất lợi cho quân đội Ukraine, ông Forbes Mackenzie, giám đốc Cơ quan Tình báo Mackenzie cho biết, bởi vì điều này sẽ cản trở họ thực hiện các bước tiến công nhanh.
"Quân đội Ukraine sẽ muốn một mùa đông lạnh lẽo, khắc nghiệt với mặt đất cứng để họ có thể tiến công nhanh chóng và dàn quân để tấn công vào mạng sườn của quân đội Nga," ông cho biết.
"Tuy nhiên, quân Nga sẽ muốn một mùa đông ấm và ẩm ướt để kiềm chân Ukraine."
Các chiến dịch của Ukraine xung quanh Kherson đã bị cản trở vì mưa lớn hồi tháng Mười.
Một vấn đề quan trọng cho cả Ukraine và Nga sẽ là cung ứng cho quân đội.
"Các binh sĩ sẽ cần thêm thực phẩm trong mùa đông, và họ sẽ cần thêm nhiên liệu để sưởi ấm," Ben Barry, chuyên gia nghiên cứu cấp cao từ Viện International Institute for Strategic Studies nhận định.
"Tuy nhiên, cả hai phía đều đã quen với thời tiết lạnh và trang thiết bị của họ đã được thiết kế cho thời tiết lạnh, vì vậy mùa đông sẽ không ngăn cản việc chiến đấu giữa các binh sĩ," ông Ben Barry nói.
Mùa đông sẽ ảnh hưởng đến cuộc chiến thế nào?
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng trong suốt mùa đông, cả quân đội Nga và Ukraine sẽ tập trung vào tấn công pháo kích hơn là tấn công trên mặt đất.
"Vào mùa đông, việc cung cấp vũ khí khó khăn hơn và binh sĩ dễ bị tình trạng thiếu hụt," Marina Miron, chuyên gia nghiên cứu về quốc phòng từ Đại học King's College London nói.
"Cả hai phía sẽ sử dụng pháo và drone tầm xa để nhắm vào các tuyến cung cấp và kho cung cấp, để làm suy kiệt nguồn lực của kẻ thù."
Tuy nhiên, sương mù và bão tuyết có thể ảnh hưởng đến khả năng của mỗi bên trong việc xác định mục tiêu pháo kích - nếu họ không sử dụng các thiết bị chụp ảnh tia hồng ngoại.
Cả lực lượng quân đội Ukraine và Nga đều phụ thuộc rất lớn vào drone và nhiều thiết bị chỉ phục vụ tức thời, tích hợp với các loại camera căn bản.
Mùa đông năm nay, cả hai phía có thể tập trung gây thiệt hại cho các tuyến cung cấp bằng pháo kích
Nga sẽ nhắm vào dân thường Ukraine trong mùa đông?
Nga đã tăng cường một số cuộc tấn công nhằm vào các khu nhà ở của dân thường và các cơ sở hạ tầng như nhà máy điện và nước.
Orysia Lutsevych, người đứng đầu Ukraine Forum tại cơ quan nghiên cứu Chatham House cho rằng Nga có thể tiếp tục chiến lược này trong suốt mùa đông.
"Người dân thường đang cho rằng các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn nhằm vào cơ sở hạ tầng, hầu hết để khiến họ không được sưởi ấm," bà Orysia Lutsevych nói.
"Giờ đây thì người dân đang trữ nhiên liệu như gỗ, mua lò sưởi và lò than. Những nơi như bệnh viện thì tự mua máy phát điện."
Chiến lược của Nga giờ nằm trong tay Tướng Sergei Surovikin, Tổng chỉ huy các lực lượng Nga tham chiến ở Ukraine mới được bổ nhiệm.
Ông được biết với tên gọi "General Armageddon" (tạm dịch "Tướng không khoan nhượng") bởi vì các chiến thuật mạnh tay khi chỉ huy các chiến dịch tại Syria và những nơi khác.
Mục tiêu của ông ấy có lẽ là gây nên sự sụp đổ về nhuệ khí trong những người dân Ukraine, theo bà Miron nhận định.
"Nga nghĩ nếu người dân bị lạnh cóng và tuyệt vọng, thì họ có thể nổi dậy chống chính phủ," bà cho biết.
Tuy nhiên, theo bà Lutsevych thì Ukraine tương đối chuẩn bị tốt cho mùa đông.
"Các cơ sở trữ khí đốt thì đầy ắp và họ cũng có nguồn cung cấp nhiên liệu lớn như diesel," bà nói.
"Mọi người nhận ra rằng Nga đang không chiến thắng trong cuộc chiến tranh này và rằng nếu họ [Ukraine] có thể vượt qua mùa đông thì họ có thể có thêm thành công trong việc chống Nga vào mùa xuân.
Không có nhận xét nào