Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ ba 22 tháng 11 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Bắc Kinh nhắc lại với Mỹ: Đài Loan là ''lợi ích cốt lõi của Trung Quốc''

    22/11/2022

    Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, tướng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) rời cuộc họp với bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd J. Austin III, Siem Reap, Cam Bốt, ngày 22/11/2022. AP - Heng Sinith 

    Đài Loan và một số bất đồng về quân sự là chủ đề trọng tâm trong cuộc đàm giữa hai bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc và Mỹ tại Cam Bốt ngày 22/11/2022. Một lần nữa, ông Ngụy Phượng Hòa nhấn mạnh Đài Loan là « lợi ích cốt lõi của Trung Quốc » và đây là « lằn ranh đỏ » không được vượt qua. 

    Hai quan chức Mỹ và Trung Quốc có  « cuộc trao đổi dài » bên lề Hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng ở Siem Reap, Cam Bốt, nhằm kiềm chế những căng thẳng song phương. Đây là lần thứ hai trong năm 2022, ông Lloyd Austin và ông Ngụy Phượng Hòa gặp nhau, và là lần đầu tiên kể từ chuyến công du Đài Bắc của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi vào tháng 08, khiến Bắc Kinh giận dữ.

    Theo phát biểu với báo giới của một quan chức quốc phòng Mỹ, được AFP trích dẫn, « hai bên nhất trí rằng điều quan trọng là cả hai nước chúng ta (Mỹ và Trung Quốc) cùng phối hợp, tránh để sự cạnh tranh trở thành xung đột ». Cả Mỹ và Trung Quốc đánh giá cuộc họp của hai bộ trưởng Quốc Phòng « mang tính xây dựng », « chân thành » và « chuyên nghiệp ». Hai bên cũng « nhất trí về việc phải tái lập một số cơ chế đặc biệt đã được thảo luận trước đó ».

    Tuy nhiên, bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa lưu ý với đồng nhiệm Mỹ : « Trung Quốc chú trọng đến phát triển quan hệ quân sự song phương, nhưng Mỹ phải tôn trọng những lợi ích cơ bản của Trung Quốc ». Lợi ích cơ bản này là Đài Loan. Ông Ngụy Phượng Hòa cảnh báo : « Đài Loan là của Trung Quốc. Đó là một vấn đề mà chỉ mình dân tộc Trung Quốc giải quyết, không một thế lực nước ngoài nào có quyền can thiệp ».

    Vấn đề Đài Loan sẽ tiếp tục là chủ đề gây bất đồng vì bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tái khẳng định Washington « sẽ tiếp tục tôn trọng những cam kết của mình theo luật về quan hệ với Đài Loan », trong đó có việc cung cấp vũ khí phòng vệ cho Đài Loan.

    Trong những năm gần đây, Bắc Kinh gia tăng sức ép quân sự đối với Đài Loan. Theo thống kê của Đài Bắc, máy bay Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan khoảng 970 lần trong năm 2021, tăng hơn gấp đôi so với năm 2020. Sau chuyến thăm Đài Bắc vào tháng 08/2022 của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi, quân đội Trung Quốc rầm rộ tập trận bao vây hòn đảo trong vòng nhiều ngày.

    Chiến tranh Ukraina: Nga ồ ạt pháo kích thành phố Kherson

    22/11/2022

    Mạng lưới điện tại làng Novooleksandrivka, vùng Kherson, Ukraina, bị Nga pháo kích ngày 09/11/2022. REUTERS - VALENTYN OGIRENKO 

    Khoảng mươi ngày sau khi quân Nga rút khỏi Kherson, cư dân thành phố chiến lược miền nam Ukraina lại phải hứng chịu các đợt pháo kích của Nga. Sau 8 tháng chiếm đóng Kherson, rồi phải rút lui qua bên kia sông, quân đội Nga dường như đang trả thù. 

    Từ Kherson, thông tín viên Maurine Mercier ngày 22/11/2022 gửi về bài phóng sự :

    « Cô Tatiana, khoảng 30 tuổi, mặc chiếc áo khoác màu trắng. Bất chấp những đợt pháo kích, cô vẫn bình tĩnh đứng ở thềm nhà. Sau nhiều tháng Kherson bị quân Nga chiếm đóng, cuối cùng thì cô Tatiana, hiệu trưởng một trường học, cũng đã được thấy lại trường của cô và các đồng nghiệp.

    Đối với cô Tatiana, sẽ không có gì có thể làm hỏng ngày này, ngay cả những vụ pháo kích ngày càng dồn dập. Mỗi khi có tiếng nổ, nền nhà trường mẫu giáo lại rung chuyển, nhưng cô Tatiana vẫn mỉm cười. Cô ấy đã giành được chiến thắng quan trọng hơn nhiều : Đó là « Tự do », cô nói, cho dù từ mùa xuân đến nay, thành phố mới phải hứng những đợt pháo kích như vậy.

    Cô nói tiếp : « Tôi hạnh phúc » và giải thích là khi quân Nga chiếm đóng thành phố Kherson, họ đã muốn ép cô dạy theo chương trình giáo dục của Nga, nhưng cô đã từ chối hợp tác. Vì thế, cô phải ẩn trốn trong suốt nhiều tháng : « Quân Nga truy lùng tôi khắp nơi. Tôi đã phải ẩn trốn trong thành phố và thường xuyên phải thay đổi nơi ẩn náu ».

    Các vụ pháo kích làm cửa kính của các phòng học rung lên. Nhưng cô Tatiana nói : « Ít nhất thì bây giờ, không ai gây sức ép đối với chúng tôi. Không ai bắt chúng tôi phục tùng ». Tatiana đã vượt qua được giai đoạn khó khăn sau khi Kherson được giải phóng. Khi quân Nga rút khỏi Kherson, cô đã quyết định sẽ không bao giờ sợ hãi nữa ».

    Trước tình hình Kherson bị pháo kích dồn dập, phó thủ tướng Ukraina tối hôm qua 21/11 trên mạng Telegram lại kêu gọi thường dân tại vùng Kherson di tản đến những nơi an toàn hơn.

    Cũng vào hôm qua, chính quyền Kiev thông báo phát hiện được « 4 địa điểm tra tấn » của quân Nga tại Kherson. Trong khi đó, theo báo Le Monde, chính quyền Washington tố cáo quân Nga đã « phạm các tội ác chiến tranh mang tính hệ thống » tại khắp mọi nơi mà Nga triển khai quân ở Ukraina. Ông Beth van Schaack, phụ trách bộ phận tư pháp hình sự quốc tế của bộ Ngoại Giao Mỹ, nói đến các vụ hành quyết không qua xét xử, tra tấn và đối xử vô nhân tính của quân Nga.

    Kamala Harris thăm Philippines sau thượng đỉnh APEC

    Phó tổng thống Mỹ đang thăm Philippines. Sau cuộc gặp vào thứ Hai với tổng thống Ferdinand Marcos Jr, vào thứ Ba Kamala Harris sẽ đến thăm Palawan, một hòn đảo nằm trên tiền tuyến của cuộc đấu địa chính trị nhằm giành quyền thống trị trên biển. Chính ở phía tây và phía bắc của Palawan là nơi hải quân Mỹ tiến hành các nhiệm vụ tuần tra “tự do hàng hải” xung quanh Biển Đông, mà phần lớn đang bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc và Philippines cũng tranh cãi về quyền đánh cá và dầu khí trong “vùng đặc quyền kinh tế” 200 hải lý của Philippines.

    Để đối phó với hải quân, cảnh sát biển và đội tàu đánh cá của Trung Quốc mà không chọc giận họ, Philippines cho triển khai lực lượng bảo vệ bờ biển dân sự thay vì hải quân chính quy (vốn không quá ấn tượng). Thông tin cho thấy bà Harris sẽ lên thăm một con tàu như vậy của Philippines, mặc dù ở bên ngoài vùng biển bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Động thái này là nhằm nói rõ Mỹ sẵn sàng giúp Philippines tự vệ. Trung Quốc có thể sẽ tìm cách thể hiện sự phản đối.

    Triển vọng kinh tế EU: bức tranh hỗn hợp

    Các nền kinh tế EU đang có một vài ngày lạc quan. Số liệu GDP quý được công bố vào tuần trước không tệ như dự đoán trong khi dữ liệu việc làm tiếp tục tăng, và quan trọng là giá năng lượng trên thị trường bán buôn đã giảm từ mức cao hồi mùa hè. Vào thứ ba, OECD sẽ bổ sung đánh giá về triển vọng kinh tế Châu Âu.

    Nhưng có lẽ còn quá sớm để ăn mừng. Tuy có giảm, giá năng lượng vẫn ở mức cao, gây áp lực lên các doanh nghiệp vốn chỉ đang trụ vững nhờ phục hồi kinh tế sau đại dịch. Các hợp đồng ký trước với các nhà cung cấp khí đốt và điện có giúp giảm phần nào tác động trong năm nay — nhưng tác động đầy đủ sẽ được cảm nhận trong năm 2023.

    Mối lo thứ hai là thu nhập của các hộ gia đình châu Âu bị suy giảm. Tiết kiệm tăng lên sau đại dịch đã giúp củng cố tiêu dùng, trong khi nguy cơ thất nghiệp hiện tại vẫn thấp. Nhưng không có gì đảm bảo nó sẽ kéo dài. Hàng tỷ euro được các chính phủ châu Âu phân phát cho các công ty và hộ gia đình có thể sẽ không ngăn được châu lục này rơi vào suy thoái.

    Iran tiếp tục chìm trong biểu tình

    Tình trạng bất ổn hiện tại ở Iran bắt đầu từ giữa tháng 9 khi Mahsa Amini, một phụ nữ trẻ bị cảnh sát đạo đức giam giữ, được phát hiện tử vong trong tù. Kể từ đó, bất cứ khi nào biểu tình dường như lắng xuống lại có thêm nhiều vụ đàn áp chết người khiến người dân lại xuống đường. Đó chính xác là diễn tiến của những ngày gần đây, sau khi cậu bé chín tuổi Kian Pirfalak bị lực lượng an ninh bắn chết. Đám tang của em đã thu hút rất đông người đến viếng.

    Chế độ thần quyền Iran đã bắt giữ hàng ngàn người và đưa ra một số bản án tử hình. Tuần trước họ cho bắt giữ hai nữ diễn viên cố tình bỏ khăn trùm đầu ở nơi công cộng. Nhưng chế độ đã không thể ngăn được phong trào biểu tình hiện tại, vốn diễn ra rải rác, không có người lãnh đạo. Đã có những cuộc đình công định kỳ trên khắp đất nước, kể cả ở khu chợ nổi tiếng của Tehran. Trước trận khai mạc World Cup với Anh vào thứ Hai, đội tuyển Iran đã từ chối hát quốc ca. Đội trưởng Ehsan Hajsafi nói anh “đồng cảm” với người biểu tình — một hành động thách thức ngay trên sân khấu thể thao lớn nhất hành tinh.

    Tổng thống Nam Phi thăm Anh

    Thứ Ba này Vua Charles III sẽ đón tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thăm nước Anh. Đây là vị khách đầu tiên được ông đón chính thức trên cương vị quốc vương, và chuyến thăm sẽ giúp ông Ramaphosa có vài ngày tạm lánh khỏi chính trị ở quê nhà.

    Vào thứ Ba ông Ramaphosa sẽ biết ông nhận được bao nhiêu đề cử để tiếp tục lãnh đạo đảng Đại hội Dân tộc Phi cầm quyền (ANC) của Nam Phi, ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu tại hội nghị toàn quốc của đảng vào tháng tới. Mặc dù ông được dự đoán sẽ dẫn trước an toàn, đảng ANC vẫn thường có thói quen “thay ngựa giữa đường.”

    Ông Ramaphosa có thể sẽ thích thảo luận với nhà vua về những mối quan tâm chung như động vật hoang dã hay môi trường. Nhưng cuộc gặp của ông với thủ tướng Rishi Sunak vào thứ Tư sẽ nghiêm túc hơn. Nước Anh không hài lòng với việc Nam Phi từ chối lên án Nga xâm lược Ukraine. Ngược lại, ông Ramaphosa dự kiến ​​sẽ gây sức ép để Anh và các đồng minh dỡ bỏ trừng phạt lên Zimbabwe, đồng thời đẩy mạnh viện trợ và đầu tư để giúp châu Phi đối phó với biến đổi khí hậu.

    Phong trào biểu tình của phụ nữ Iran tại World Cup 

    22/11/2022 

    AP 

    Cổ động viên Iran dâng cao quốc kỳ có dòng chữ "Phụ nữ" trên khán đài Sân vận động Quốc tế Khalifa ở Doha trong trận đấu vòng bảng đầu tiên tại World Cup, đang diễn ra ở Qatar, với đội tuyển Anh hôm 21/11.

    Cổ động viên Iran dâng cao quốc kỳ có dòng chữ "Phụ nữ" trên khán đài Sân vận động Quốc tế Khalifa ở Doha trong trận đấu vòng bảng đầu tiên tại World Cup, đang diễn ra ở Qatar, với đội tuyển Anh hôm 21/11. 

    Các cầu thủ Iran đã không hát quốc ca của họ và không ăn mừng bàn thắng của họ. Trên khán đài, nhiều cổ động viên Iran thể hiện sự đoàn kết với phong trào biểu tình đã gây náo loạn cả nước trong nhiều tháng qua.

    Trận mở màn World Cup của Iran hôm 21/11 trước Anh không chỉ là về bóng đá, mà còn là những cuộc đấu tranh chính trị đang diễn ra khắp nước Cộng hòa Hồi giáo. Và đối với một số phụ nữ Iran bị cấm tham dự các trận đấu bóng đá nam ở trong nước, đây là cơ hội quý giá đầu tiên để được xem trực tiếp đội tuyển quốc gia của họ.

    "Bạn có biết cảm giác đau đớn như thế nào khi là người hâm mộ bóng đá lớn nhất mà không bao giờ tham dự một trận đấu trong 34 năm qua không?" cô Afsani, một người nuôi ong 34 tuổi đến từ Tehran lần đầu tiên đến Qatar để xem đội tuyển nam thi đấu, cho biết. Cô nói rằng cô đã khóc khi bước vào Sân vận động Quốc tế Khalifa.

    Giống như những người hâm mộ Iran khác, cô Afsani từ chối cho biết họ của mình vì sợ bị chính phủ trả đũa.

    Iran đã thua 6-2 trước đội tuyển Anh vượt trội hơn, nhưng kết quả không phải là điều quan trọng nhất đối với cô Mayram, một cư dân Tehran 35 tuổi cũng đã lần đầu tiên trong đời được xem trực tiếp một trận đấu bóng đá. Cô thấy thất vọng vì các cầu thủ đã không thể hiện sự đoàn kết công khai hơn với các cuộc biểu tình trong nước.

    “Có những cô gái bị giết chết trên đường phố,” cô Mayram nói. “Thật khó để nói nhưng đây không phải là một dịp vui. Nó thực sự rất đáng buồn.”

    Iran đang tranh tài ở World Cup trong bối cảnh một cuộc đàn áp bạo lực đối với phong trào biểu tình lớn của phụ nữ dẫn đến cái chết của ít nhất 419 người, theo thống kê của các nhà Hoạt động Nhân quyền ở Iran, một nhóm theo dõi các cuộc biểu tình.

    Tình trạng bất ổn được thúc đẩy bởi cái chết của cô gái 22 tuổi, Mahsa Amini, hôm 16/9 khi đang bị cảnh sát đạo đức của Iran giam giữ. Đầu tiên, tình trạng này chỉ tập trung vào khăn trùm đầu, được gọi là jihab, mà phụ nữ Iran bị buộc phải đội theo lệnh của nhà nước, nhưng sau đó đã biến thành một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nước Cộng hòa Hồi giáo kể từ những năm hỗn loạn sau khi thành lập.

    Nhiều người hâm mộ Iran ở Doha đã mặc áo phông và giương cao khẩu hiệu của cuộc nổi dậy – “Phụ nữ, Cuộc sống, Tự do”. Những người khác mặc áo có tên của những người biểu tình nữ bị lực lượng an ninh Iran giết hại trong những tuần gần đây.

    Vào phút thứ 22 của trận đấu – tức số tuổi của Amini khi cô qua đời – một số người hâm mộ đã hô vang tên cô, mặc dù điệp khúc nhanh chóng tắt đi và được thay thế bằng "Iran".

    Những người hâm mộ khác mặc áo đen bảo thủ và khăn trùm đầu màu cờ Iran cổ vũ rất lớn cho đội tuyển quốc gia của họ. Nhiều người trong số họ từ chối bình luận về tình hình chính trị, nói rằng nó không liên quan đến họ.

    Trước các trận đấu quốc tế, các cầu thủ Iran thường hát quốc ca với bàn tay phải đặt trên trái tim. Nhưng vào hôm 21/11, họ đứng im lặng, cánh tay khoác lên vai nhau, khiến đài truyền hình nhà nước của Iran phải cắt các đoạn cận cảnh khuôn mặt của các cầu thủ và chuyển sang một cảnh quay rộng trên sân. Trong suốt trận đấu, các cầu thủ đã không ăn mừng hai bàn thắng của họ, một điều đã trở nên phổ biến trong các trận đấu của giải Vô địch Quốc gia Iran kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu.

    Câu hỏi về việc có nên cổ vũ cho đội tuyển quốc gia hay không đã chia rẽ người Iran. Nhiều người hiện coi sự ủng hộ dành cho đội tuyển Iran là sự phản bội đối với những phụ nữ và nam giới trẻ tuổi đã liều mạng trên đường phố.

    “Phong trào phản đối đã làm lu mờ bóng đá,” Kamran, một giáo sư ngôn ngữ học sống ở tỉnh Mazandaran, miền bắc Iran, cho biết. "Tôi muốn Iran thua ba trận (vòng bảng) này."

    Những người khác khẳng định đội tuyển quốc gia, bao gồm các cầu thủ đã lên tiếng trên mạng xã hội để thể hiện tình đoàn kết với các cuộc biểu tình, là đại diện cho người dân đất nước chứ không phải các giáo sĩ Shiite cầm quyền. Tiền đạo ngôi sao của đội, Sardar Azmoun, đã lên tiếng trên mạng về các cuộc biểu tình. Tiền đạo này bị ngồi ghế dự bị trong suốt trận đấu hôm 21/11, trước sự thất vọng của những người hâm mộ, những người nói rằng họ đã mong thấy anh ấy thực hiện một cử chỉ phản đối trên sân. Hai cựu ngôi sao bóng đá Iran thậm chí đã bị bắt vì ủng hộ phong trào này.

    Ali Jassim, một cổ động viên 14 tuổi của Iran, nói cậu chắc chắn rằng cuộc khủng hoảng chính trị đang ảnh hưởng đến thành tích của đội, khi đội tuyển Anh vượt lên dẫn trước 3-0 trong hiệp một.

    “Tôi không biết làm thế nào họ có thể tập trung trong một sân vận động có rất nhiều người muốn họ thất bại,” Jassim nói.

    Chính phủ Iran đã tìm cách khuyến khích người dân ủng hộ đội của họ chống lại kẻ thù truyền thống của Iran. Đội Iran sẽ đấu với đội Mỹ vào ngày 29/11 – một màn đấu gây tranh cãi mà trước đây đã diễn ra lần cuối tại World Cup 1998 ở Pháp.

    Các nhà quan sát cho rằng các cầu thủ Iran có khả năng phải đối mặt với áp lực của chính phủ để không đứng về phía các cuộc biểu tình. Hiện tại, các vận động viên Iran đang chịu sự giám sát rất lớn.

    Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã thúc giục chính phủ của ông chuẩn bị cho các vấn đề tiềm ẩn. Iran International, kênh tin tức tiếng Farsi do Ả Rập Xê-út tài trợ thường đưa tin về phe đối lập Iran, cho biết rằng chính quyền Qatar đã cấm các phóng viên của họ tham dự World Cup dưới áp lực của Iran.

    Khi vận động viên leo núi người Iran Elnaz Rekabi thi đấu ở Hàn Quốc mà không đeo khăn trùm đầu bắt buộc theo lệnh của nhà nước, cô ấy đã trở thành một điểm sáng của phong trào phản đối.

    "Cuối cùng thì, tôi muốn các cầu thủ đạt được ước mơ của họ," Mariam, một người hâm mộ thể thao 27 tuổi và là sinh viên ngành quan hệ quốc tế đến Doha từ Tehran để xem trực tiếp trận đấu bóng đá nam đầu tiên trong đời của cô, nói. "Không phải lỗi của họ mà là xã hội của chúng tôi quá phân cực."

    Mariam cho biết một thành quả lớn đối với những người phụ nữ biểu tình ở trong nước sẽ là có được sự lựa chọn có đeo khăn trùm đầu hay không.

    “Nhưng sau đó, phụ nữ sẽ chiến đấu cho quyền được có mặt ở các sân vận động,” cô nói.

    https://www.voatiengviet.com/a/phong-trao-bieu-tinh-cua-phu-nu-iran-tai-world-cup/6844341.html


    Không có nhận xét nào