"Hôm kia, hôm kìa, điện thoại ting ting tin nhắn từ Tổng đài Mặt trận “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”"... Hình minh họa.
"Tại sao cứ đến cuối năm là thủ đô lát đá vỉa hè? Không hiểu được!"...
Trân Văn
Tuần này, World Cup 2022 diễn ra ở Qatar là chủ đề chính trên mạng xã hội Việt ngữ. Thiên hạ bàn luận sôi nổi về những vấn đề có liên quan đến quốc gia đăng cai, về các đội tuyển tham gia World Cup 2022, về kết quả một số trận cầu nằm ngoài dự đoán, về cá độ và chuyện thắng cuộc - thua cuộc...
Tuy cuộc sống không chỉ có World Cup nhưng vì thu hút được sự chú ý của nhiều người, nhiều giới, World Cup đã làm nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, dân sinh trở thành nhạt nhòa. Chẳng hạn rất ít người bận tâm đến những chuyện như Bệnh viện K Trung ương chỉ còn 4/7 máy xạ trị.
Vì có 3/7 máy xạ trị bị hư, dù đội ngũ nhân viên y tế của Bệnh viện K Trung ương làm việc cật lực với cường độ 24/7 nhưng vẫn còn hàng ngàn bệnh nhân ung thư không được xạ trị đúng theo phác đồ điều trị. Chuyện này đồng nghĩa với hiệu quả điều trị ung thư giảm. Họ sẽ đau đớn nhiều hơn và chết sớm hơn.
Muốn khắc phục tình trạng đó, Bệnh viện K Trung ương cần được cung cấp thêm khoảng mười máy xạ trị nữa. Mỗi máy chừng 170 tỉ nhưng không viên chức hữu trách nào nghĩ đến chuyện cần phải đáp ứng nhu cầu này (1). Bệnh viện K Trung ương ở Hà Nội và cũng tại Hà Nội, chính quyền thủ đô đang cho cậy đá lát vỉa hè lên để làm lại.
World Cup khiến rất ít người để ý và thắc mắc như Đào Tuấn: Tại sao cứ đến cuối năm là thủ đô lát đá vỉa hè? Không hiểu được! 255 tuyến phố lát đá của thủ đô cứ đến cuối năm là lát lại, không phố này thì phố kia. Nguyên do là đá vĩnh cửu, có độ bền 70 năm nhưng được bảy bảy bốn chín ngày thì nát be bét. Đoàn Kiểm tra của Sở Xây dựng vừa phát hiện động trời là đá lát vỉa hè hóa ra là giả đá, giá thành rẻ hơn đá tự nhiên 1/5 lần. Còn lớp vữa, có nơi mỏng như tờ giấy. Nếu có ai đó hỏi về mùa thu Hà Nội, anh sẽ nói thủ đô không chỉ có Xuân - Hạ - Thu - Đông mà còn có mùa lát đá vỉa hè nữa. Mùa đó trùng với mùa “thu” (2).
Trở lại với chuyện Bệnh viện K Trung ương thiếu máy xạ trị nên hàng ngàn bệnh nhân coi như... xong, đa số công chúng dường như không bận tâm đến việc, hôm nay chưa phải vào bệnh viện thì cũng sẽ phải vào đó ở một ngày trong tương lai để chính mình hoặc thân nhân được khám và chữa bệnh. Ngay cả khi nơi đến không phải là Bệnh viện K Trung ương thì cũng sẽ là các bệnh viện khác vốn cũng đang trong tình trạng thiếu đủ thứ (dược phẩm, vật dụng y tế, thiết bị y tế,...) như Bệnh viện K Trung ương. World Cup rõ ràng là thú vị nhưng nếu không bận tâm, chẳng lẽ sẽ có đội tuyển nào đó giúp giải quyết những trận đấu không có trọng tài kiểu như Bệnh viện K với đá lát vỉa hè?
***
Tuần trước, hàng chục ngàn người từ nhiều nơi ở Việt Nam tìm đến Bình Dương làm công nhân đã dắt díu nhau về quê vì mất việc. Hàng trăm ngàn người khác chưa mất việc nhưng không đủ giờ làm, thu nhập tụt giảm vì công ty nơi họ làm việc không tìm được đơn đặt hàng. Tuần này, con số công nhân mất việc hoặc bị cắt giờ làm việc ở những nơi khác trên toàn quốc đã xấp xỉ cả triệu người. Một vài cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức bắt đầu kể những câu chuyện tuy là của một số công nhân nhưng cũng là thực trạng của hàng triệu công nhân – hàng triệu gia đình khác, không được trợ giúp nên phải cầm cự bằng cách chỉ ăn mỗi ngày một bữa (3)...
Tin xấu vẫn còn tiếp tục đổ xuống dồn dập như mưa rào mùa hạ: Thêm 20.000 công nhân của PouYuen (một doanh nghiệp có nhà máy tọa lạc tại quận Bình Tân, TP.HCM) sẽ phải nghỉ luân phiên từ đầu tháng 12 năm nay đến cuối tháng 2 năm tới (4). Làm sao hàng triệu con người – hàng triệu gia đình có thể cầm cự khi mất việc làm, mất thu nhập, giảm thu nhập nhưng chính sách hỗ trợ chỉ có trên TV. Đợt dịch COVID-19 vừa qua, riêng tại TP.HCM có 133.000 công nhân thuộc diện đương nhiên được hỗ trợ nhưng đến giờ này, chưa ai được nhận đồng nào từ gói hỗ trợ trị giá 26.000 tỉ đồng (6). Vài triệu con người của hàng triệu gia đình trong nhóm này sẽ sống ra sao?
Rất nhiều người chỉ chú ý đến những trái bóng đang lăn ở World Cup, rất ít người bận tâm đến điều vừa đề cập dù nó sẽ tạo ra tác động hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đến chính họ. Không có nhiều người nhận ra và so sánh như Lê Huyền Ái Mỹ: Hôm kia, hôm kìa, điện thoại ting ting tin nhắn từ Tổng đài Mặt trận “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” như mọi năm, mọi nơi “kêu gọi các tổ chức, cá nhân hãy chung tay ủng hộ giúp đỡ người nghèo bằng cách chuyển khoản…”. Nói gì thì mọi năm, đằng sau “mặt trận” của toàn dân chim sẻ đóng góp gọi là thì chính yếu vẫn từ nguồn vận động các doanh nghiệp đại bàng. Đủ cả, Vờ Tờ Pờ, Nô Va, Hát Đê…, hàng chục tỷ, trăm tỷ, nguồn ấy phân bổ cho cao, trung xuống đến cơ sở, cũng giúp thiệt cho dân nghèo thật. Nay, te tua từ tổ chức đến cá nhân, người khó, người ngặt, người nghèo riết thành ngang hàng, chẳng ai còn phải bị “bỏ lại phía sau”. Rồi lấy ai giúp ai, ai chuyển khoản cho ai? Khó quá, bỏ qua (7)!..
Chú thích
(3) https://vnexpress.net/cuoc-song-chat-vat-cua-cong-nhan-bi-cat-giam-cuoi-nam-4536263.html
(6) https://vnexpress.net/133-000-lao-dong-cho-tien-ho-tro-ngung-viec-4538579.html
Không có nhận xét nào