Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến có cuộc hội đàm tại Bali trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G20 do Indonesia đăng cai tổ chức vào ngày 15-16/11/2022. (Nguồn: CM)
Phải chăng các đường cong đang đảo ngược? Tại hội nghị thượng đỉnh các nước ASEAN, bắt đầu vào hôm thứ Năm ngày 10 tháng 11 ở Phnom Penh và bế mạc vào hôm Chủ nhật tuần này ngày 13 tháng 11, cũng như tại hội nghị G20 được tổ chức ở Bali vào thứ Ba ngày 15 tháng 11 và thứ Tư ngày 16 tháng 11, Trung Quốc đang cố đánh bóng lại một hình ảnh bị hoen ố ít nhiều trên trường quốc tế. Về phía Hoa Kỳ, do Tổng thống Joe Biden đại diện, người đã phấn chấn lên sau kết quả các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, khá tích cực cho ông, Hoa Kỳ có ý định củng cố sự hiện diện của họ ở châu Á.
Nhận định đầu tiên đối với mười nước thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á là Trung Quốc không còn là động lực tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Nhiều nước, lần đầu tiên sau một thời gian rất dài, đã đạt được những kết quả rõ ràng tốt hơn đáng kể. Một nhận định nặng trĩu những hậu quả đối với Trung Quốc, vì điều đó sẽ làm giảm vị thế và vai trò của nước này trên trường thế giới, đặc biệt ở châu Á.
Việc lôi cuốn các nước láng giềng và, nếu cần, khiến họ sợ hãi là một thao tác ngày càng khó khăn đối với Bắc Kinh. Nhưng điều đó sẽ không ngăn Trung Quốc cố gắng xuất hiện dưới một vẻ thuận lợi ở Phnom Penh. Tại Diễn đàn ASEAN lần này, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã ca tụng những thành quả của một nước Trung Quốc luôn luôn năng động. Nhưng sức nặng chính trị của Lý giờ đây là không đáng kể, do ông đã bị loại khỏi Bộ Chính trị của Đảng tại Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ, vừa kết thúc vào ngày 5 tháng 11.
Ngoài ra, nhà cựu lãnh đạo tương lai của chính phủ Trung Quốc sẽ đối mặt với Joe Biden, người sẽ không gặp quá nhiều khó khăn để thuyết phục một số nước ASEAN rằng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực là một sự đảm bảo cho sự ổn định địa chiến lược, nơi mà Trung Quốc đã làm dấy lên nhiều lo ngại về mặt quân sự. Tổng thống Hoa Kỳ cũng sẽ không quên so sánh sự ổn định tương đối của nền dân chủ Mỹ, vốn cuối cùng đã trở lại bình lặng hơn sau các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, so với một chế độ Trung Quốc đã tỏ ra cứng rắn, một cách đáng kể, tại Đại hội vừa qua của ĐCSTQ.
Theo truyền thống và kể từ khi được thành lập vào năm 1967, ASEAN vẫn là một khối không đồng nhất các nước có lợi ích khác nhau, cũng như là một diễn đàn mà các lập trường chính trị là điều khá hiếm. Ngay cả khi các nhà lãnh đạo của khối ASEAN lần đầu tiên quyết định đối thoại với các lực lượng đối lập ở Miến Điện, nơi sự khủng bố đã ngự trị kể từ cuộc đảo chính của giới quân sự, thì cho đến nay họ vẫn rất thận trọng với Trung Quốc. Bởi vì có ít nhất ba nước, Campuchia, Việt Nam và Lào, mà giới lãnh đạo các chế độ chuyên chế này khá có cảm tình, nếu không muốn nói là phụ thuộc hoàn toàn vào chế độ Trung Quốc.
Tuy nhiên, bản đồ địa chính trị trong khu vực đang thay đổi rất nhanh, với một nhịp tăng tốc đáng kể theo cuộc chiến mà Nga đang tiến hành ở Ukraine kể từ ngày 24 tháng 2, nơi mà quân đội Nga thường xuyên bị thất bại. Một cách gián tiếp nhưng không thể phủ nhận, sự rút lui hỗn loạn của quân đội Nga làm tổn hại đến các lợi ích và tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình, người đã ủng hộ Vladimir Putin về mặt chính trị, một cách rõ ràng nhưng không công khai nói ra.
GIẢM PHỤ THUỘC VÀO TRUNG QUỐC
Về mặt kinh tế, tình hình mới đang diễn ra như sau: tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể sẽ không vượt quá 3% vào năm 2022, và sẽ duy trì ở mức này trong những năm kế tiếp. Ngược lại, GDP của Việt Nam, Philippines và Malaysia sẽ đạt hơn 6%, và 5% đối với Indonesia và Campuchia vào năm 2022, ngoài ra còn có một tiềm năng tăng trưởng đáng kể, theo các dự báo của IMF và Ngân hàng Thế giới.
Chỉ riêng thực tế này đã làm thay đổi đáng kể vai trò và sức nặng chính trị của Trung Quốc trong khu vực. Các nước láng giềng Trung Quốc đang dần nhận ra rằng những lợi ích của họ, được hiểu một cách khéo léo, từ nay sẽ có thể hướng về những nước khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, Ấn Độ hoặc Châu Âu. Đồng thời, sự phụ thuộc của họ vào Bắc Kinh, cùng với nỗi lo ngại ăn sâu cho đến giờ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, có lẽ sẽ giảm đi, và như thế khiến họ có thể tự giải thoát một cách dễ hơn.
Lồng vào sự vỡ mộng này là những khó khăn nghiêm trọng của các nước trong khu vực có ký kết chương trình đồ sộ “Các con đường tơ lụa mới” (tổng cộng có 152 nước đã ký kết các thỏa thuận). Một chương trình mà, trong một số trường hợp, đã đẩy họ vào tình trạng phá sản kinh tế, vì một núi nợ không thể trả được cho các ngân hàng Trung Quốc. Có rất nhiều ví dụ, trong đó có những ví dụ gần đây là Lào và Sri Lanka.
Một yếu tố khác đang đè nặng lên thái độ của các nước này đối với Trung Quốc: đất nước của Tập Cận Bình có vẻ như càng cam kết đóng cửa nhiều hơn với thế giới bên ngoài, dựa trên những tuyên bố của nhân vật số một Trung Quốc. Khi đã chiến thắng tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, Tập ngày nay cho thấy hình ảnh của một nhà độc tài cứng rắn, kiên quyết loại bỏ mọi hình thức tranh cãi, để trở thành chủ nhân duy nhất của Trung Quốc. Nhiều nước láng giềng không khỏi lo lắng về giọng điệu mạnh mẽ của Tập trong những tháng gần đây. Chẳng hạn, vào ngày 8 tháng 11, Chủ tịch Trung Quốc đã cổ vũ các lực lượng vũ trang Trung Quốc “đẩy nhanh việc cải thiện khả năng giành chiến thắng” để đáp trả với thực tế cho rằng “tình hình an ninh của Trung Quốc ngày càng bất định”.
Hai tuần sau khi bế mạc Đại hội 20, Tập Cận Bình đã tận dụng chuyến thăm đến trung tâm chỉ huy tác chiến chung của Quân ủy Trung ương do ông làm chủ tịch, để nói thêm rằng mục đích chuyến thăm của ông là để “thể hiện quyết tâm của đội ngũ mới của Quân ủy trong việc củng cố toàn diện công tác huấn luyện [quân sự] và chuẩn bị chiến đấu”. Ông nói thêm: “Những nhiệm vụ trong các cuộc xung đột quân sự sẽ rất gian khổ và khó khăn”, trước khi yêu cầu Quân đội Giải phóng Nhân dân phải “tuyệt đối trung thành”, phải “được huấn luyện chuyên nghiệp để chiến đấu”, và sẵn sàng “với tư thế dám tấn công và có khả năng giành chiến thắng”.
BẮC KINH HAY WASHINGTON?
Như thế, hơn bao giờ hết, sự lựa chọn khó khăn và từ xưa nay mà các nước ASEAN phải đưa ra đang được đặt ra một cách rõ ràng: Trung Quốc hay Hoa Kỳ? Sự lựa chọn theo kiểu Cornelian [lấy từ tên của Corneille, nhà soạn kịch người Pháp, thế kỷ XVII – ND] mà cho đến nay họ vẫn chọn cách trốn tránh. Nhưng với sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc và sự hiếu chiến ngày càng tăng của nước này trong khu vực, sự lựa chọn của nhiều nước nói trên, giờ đây, có vẻ như nghiêng về phía Hoa Kỳ. Chẳng hạn như trường hợp của Indonesia và Philippines, và ở mức độ thấp hơn, là Singapore. Tuy nhiên, việc tách hoàn toàn với nền kinh tế Trung Quốc vẫn là điều khó hình dung, ít nhất là trong tương lai gần, bởi sự tương thuộc mạnh đến mức nào của các nền kinh tế trong khu vực với Trung Quốc, vì một thực tế duy nhất là dân số 1,4 tỷ người của nước này, chưa nói đến vị thế cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới.
Jayant Menon
Trung Quốc là ứng cử viên tham gia Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, CPTPP) quy tụ 11 nước. Nhưng việc Trung Quốc gia nhập hiệp định này vẫn chưa chắc chắn, vì Nhật Bản và Australia phản đối. Ngược lại, Singapore thì ủng hộ. Song song đó, Bắc Kinh đã tiến hành đàm phán trong nhiều năm qua với các đối tác châu Á về việc thành lập một “Khu vực thương mại tự do ASEAN/Trung Quốc”, một công thức 3.0 cải tiến. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đến Phnom Penh để cố gắng thúc đẩy các cuộc đàm phán này. Tuy thế, các cuộc đàm phán này không nhận được sự nhiệt tình của một số nước, vì lẽ có các áp lực ngoại giao của Mỹ đằng sau hậu trường để ngăn chặn điều đó, theo các nguồn tin châu Á được nhật báo Nikkei Asia của Nhật Bản trích dẫn.
Jayant Menon, một chuyên gia của chương trình nghiên cứu kinh tế khu vực của ISEAS-Yusof thuộc Viện Ishak có trụ sở đặt tại Singapore, đã nhấn mạnh: “Ngày nay, mọi thứ đều mang tính chiến lược nhiều hơn, và bất kỳ thông báo nào về thương mại đều gắn liền nhiều với địa chính trị hơn là với bản thân các cuộc giao thương”. Ngoài quốc gia-thành phố, ASEAN quy tụ Singapore, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Miến Điện, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, và đại diện cho một dân số 685 triệu người. Kim ngạch giao thương với Trung Quốc đã lên tới 878,2 tỷ US$ vào năm 2021.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRÁNH CÁC PHƯƠNG PHÁP “CƯỠNG BỨC" CỦA TRUNG QUỐC?
Về phần Hoa Kỳ, họ đã thành lập Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) vào tháng 5 năm ngoái. Cho đến nay, IPEF tập hợp 14 nước trong khu vực, tôn trọng quy tắc thương mại “công bằng” cũng như tôn trọng một số chuẩn mực về chuỗi cung ứng, thương mại tự do và tôn trọng môi trường. Trung Quốc bị loại trừ. Phần quan trọng nhất của IPEF là cam kết của các nước ký kết không bao giờ sử dụng các biện pháp cưỡng chế đối với một hoặc nhiều nước thành viên khác.
Rena Sasaki
Đối với Hoa Kỳ, thỏa thuận này là công cụ chính trị chính để làm rõ nét sự hiện diện của họ ở châu Á. Đối với các nước châu Á ký kết thỏa thuận, đây là một “sự đảm bảo cho an ninh kinh tế trong một thời kỳ cạnh tranh khốc liệt hơn giữa các cường quốc với một ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc”, theo giải thích của bà Rena Sasaki trong mục bình luận của báo Nhật Bản Nikkei Asia, số phát hành ngày 11 tháng 11.
Thế mà, phần chống cưỡng chế của thỏa thuận này có mục tiêu chính là chống lại bất kỳ sự can thiệp nào của một nước thứ ba đối với các lựa chọn có chủ quyền của các nước thành viên. “Thực tế phũ phàng là hầu hết các nước này đều không có khả năng chống lại và đáp trả sự cưỡng chế của Trung Quốc,” vị nữ chuyên gia này nói thêm, bà là thành viên của Sáng kiến US-Japan Next Generation Leaders Initiative [Lãnh đạo Thế hệ Kế tiếp Hoa Kỳ-Nhật Bản], người làm việc cho Diễn đàn Thái Bình Dương có trụ sở đặt tại Honolulu.
PUTIN Vắng Mặt Ở G20, BẮC KINH BỚT ĐAU ĐẦU?
G20 được tổ chức tại Bali, từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 11, sẽ là một bài tập thậm chí còn phức tạp hơn đối với Tập Cận Bình vì sự tham dự của rất nhiều cường quốc lớn của phương Tây tại diễn đàn này. Tập sẽ gặp trực tiếp người đồng cấp Mỹ Joe Biden vào thứ Hai, lần đầu tiên sau ba năm. Nhưng, chủ tịch Trung Quốc đã giải thích, ngay từ đầu, rằng ông không có ý định nhượng bộ bất cứ điều gì. Được thành lập vào năm 1999 sau một thập kỷ khủng hoảng tài chính, Nhóm G20 (G20) là một diễn đàn liên chính phủ, bao gồm mười chín nước có nền kinh tế phát triển lớn nhất và Liên minh châu Âu, nơi mà những nguyên thủ quốc gia, những người đứng đầu chính phủ, các bộ trưởng tài chính và người đứng đầu các ngân hàng trung ương gặp nhau hàng năm.
Mặc dù được Tổng thống Indonesia Joko Widodo mời, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tới Bali, theo thông báo của Điện Kremlin vào hôm thứ Năm (ngày 10 tháng 11). Đây có lẽ không phải là một tin xấu đối với Bắc Kinh: việc quân đội Nga thất bại lặp đi lặp lại trên chiến trường ở Ukraine đã đặt Trung Quốc vào một tình thế hiểm nghèo, buộc nước này phải giữ khoảng cách với chủ nhân Điện Kremlin.
Thế nên, trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây của Thủ tướng Đức Olaf Sholz, Tập Cận Bình đã tuyên bố phản đối việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, dù chỉ là vũ khí chiến thuật, ở Ukraine. Tập chưa bao giờ nói điều đó cho đến tận bây giờ. Rõ ràng, đây là một sự nhượng bộ phương Tây, khi sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga ngày càng đe dọa cô lập nước này trên trường quốc tế.
các cuộc BẦU CỬ giữa nhiệm kỳ KHÔNG LÀM THAY ĐỔI CHÍNH SÁCH CỦA HOA KỲ đối với ĐÀI LOAN
Tổng thống Mỹ, vào hôm Thứ tư ngày 9 tháng 11, đã bày tỏ mong muốn thảo luận với Tập Cận Bình về các phương thức ngăn chặn xung đột: “Điều tôi muốn làm với ông ấy [Tập Cận Bình], khi chúng tôi nói chuyện với nhau, là xác định kiểu lằn ranh đỏ mà chúng tôi phải tôn trọng,” theo tuyên bố của tổng thống Mỹ. Joe Biden cho biết ông muốn nghiên cứu sự tồn tại một cuộc xung đột có thể xảy ra giữa “những gì [Tập Cận Bình] coi là lợi ích quốc gia then chốt của Trung Quốc [và] những gì tôi biết là lợi ích quốc gia then chốt của Hoa Kỳ”.
Chủ nhân Nhà Trắng cho biết sẵn sàng làm việc để Hoa Kỳ và Trung Quốc tìm ra những cơ chế đối thoại nhằm tránh leo thang căng thẳng, khi các mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington không ngừng xấu đi kể từ khi Joe Biden lên nắm quyền vào đầu năm 2021. Đặc biệt về hồ sơ Đài Loan. Vị tổng thống thuộc đảng Dân chủ cũng đã xác nhận, vào hôm thứ Tư, rằng ông sẽ nêu vấn đề rất nhạy cảm này với Tập Cận Bình. “Học thuyết về Đài Loan không hề thay đổi gì hết,” Joe Biden nói, tránh lặp lại những diễn ngôn đã được đưa ra trước đây trước báo chí, khi bốn lần đề cập đến việc quân đội Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo này bị quân đội Trung Quốc tấn công. Các tuyên bố này đã chọc giận chế độ Trung Quốc, nhưng phản ánh tâm trạng của chính quyền Biden: từ giờ trở đi, nước Mỹ quyết tâm can dự tích cực cùng với Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc cố tình xâm lược [Đài Loan].
Về phần bà Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn [Tsai Ing-wen], vào hôm thứ Bảy (ngày 12 tháng 11), bà đã tuyên bố, trước hàng nghìn cư dân Đài Bắc trong khuôn khổ chiến dịch các cuộc bầu cử cấp đô thị và địa phương đang diễn ra, rằng sự tồn tại của Đài Loan và chế độ dân chủ không gây ra mối đe dọa nào cho bất cứ nước nào. “Với tư cách là tổng thống, tôi kêu gọi thực hiện mọi nỗ lực để đảm bảo Đài Loan vẫn là Đài Loan của người dân Đài Loan,” bà nói thêm, được hãng BBC trích dẫn, trong những phát biểu được đưa ra sau những lời đe dọa của Tập Cận Bình tại Đại hội 20 về tính tất yếu của việc “thống nhất” Đài Loan với đại lục. Các cuộc bầu cử địa phương ở Đài Loan sẽ diễn ra trong hai tuần nữa: đó sẽ là một thử nghiệm trước cuộc bầu cử tổng thống vào đầu năm 2024. Bà Thái sẽ phải nhường chỗ cho một ứng cử viên khác thuộc Đảng Tiến bộ Tự do (DPP) của bà, vì bà đang hoàn thành nhiệm kỳ [tổng thống] thứ hai và không thể ứng cử một nhiệm kỳ thứ ba.
Ron DeSantis (1978-)
Mối lo ngại của các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực là một thất bại nặng nề của đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Tuy thế, có vẻ như ngày hôm nay, nếu họ có thể sẽ mất thế đa số tại Hạ viện, thì họ có thể giữ thế đa số tại Thượng viện. Ngược lại, Donald Trump cảm thấy đang gặp khó khăn lớn trong nội bộ đảng bảo thủ, và phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng với Ron DeSantis, người có thể tranh cử chống lại ông trong cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp. “Điều này có nghĩa là chừng nào đảng Cộng hòa còn đấu đá lẫn nhau, thì Tổng thống Joe Biden có thể sẽ có toàn quyền tự do để tiến hành chính sách đối ngoại” theo cách của ông, theo lời của Michael Hirsch trong mục bình luận của tạp chí Mỹ Foreign Policy, số phát hành ngày 9 tháng 11.
Hãy nhớ rằng không giống như Donald Trump, người có chính sách đối ngoại, kể cả ở châu Á, là thu mình về lại lục địa Hoa Kỳ còn chính sách đối ngoại của Joe Biden là giành lại ảnh hưởng của Mỹ trên toàn thế giới, đặc biệt trên sân khấu châu Á. Cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng, Jake Sullivan, đã tuyên bố trước báo chí rằng chính quyền của ông sẽ có các cuộc nói chuyện với chính quyền Đài Loan để giải thích về những hệ quả của các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, để chính quyền này cảm thấy “an toàn và yên tâm” về sự hỗ trợ mà Hoa Kỳ đang dành cho họ.
Thông tin về tác giả
Pierre-Antoine Donnet (1953-)
Pierre-Antoine Donnet, cựu nhà báo của AFP, là tác giả khoảng mười lăm cuốn sách viết về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của châu Á. Năm 2020, người cựu phóng viên tại Bắc Kinh này đã xuất bản cuốn “Le leadership mondial en question, L’affrontement entre la Chine et les États-Unis [Đặt lại vấn đề lãnh đạo thế giới, Cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ]”, NXB Editions de l’Aube. Ông cũng là tác giả cuốn “Tibet mort ou vif [Tây Tạng chết hay sống]”, NXB Gallimard vào năm 1990 và tái bản vào năm 2019 trong một ấn bản được cập nhật và bổ sung. Cuốn sách mới nhất của ông là “Chine, le grand prédateur [Trung Quốc, nước săn mồi vĩ đại]”, NXB Éditions de l’Aube vào năm 2021.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Không có nhận xét nào