Thủ tướng Đức Olaf Sholz đã có chuyến thăm chớp nhoáng tới Bắc Kinh vào hôm thứ Sáu (ngày 4 tháng 11), trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của nhóm G7 đến thăm Trung Quốc kể từ ba năm qua. Chuyến thăm của ông đã dấy lên những chỉ trích gay gắt ở châu Âu và ngay cả ở nước Đức, khi rạn nứt giữa Trung Quốc và phương Tây ngày càng gia tăng.
Chuyến thăm chỉ kéo dài 11 giờ, nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hoan nghênh chuyến công du của Thủ tướng Đức. Chủ tịch Trung Quốc đã kêu gọi Đức tăng cường quan hệ với Trung Quốc, trong khi Olaf Sholtz đã ca ngợi ngành công nghiệp Đức và cho biết chuyến thăm của ông sẽ giúp “phát triển hơn nữa” quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Nếu Olaf Sholtz đã nói với báo chí nước ngoài rằng ông đã yêu cầu Chủ tịch Tập Cận Bình sử dụng “ảnh hưởng của mình” để Nga chấm dứt “cuộc chiến tranh xâm lược” chống lại Ukraine, thì người đối thoại ông đã đáp lại: “Trung Quốc và Đức cần phải tôn trọng lẫn nhau” và “cùng nhau chống lại các cuộc can thiệp” vào mối quan hệ của họ, theo lời tường thuật của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV.
Những lời được cho là của Tập Cận Bình đang nhắm đến Hoa Kỳ, mà không nói ra một cách rõ ràng. Thực vậy, chủ tịch Trung Quốc từ lâu đã hy vọng sử dụng mối quan hệ của Trung Quốc với Liên minh châu Âu để làm đối trọng với người Mỹ, khi những căng thẳng với Hoa Kỳ không ngừng gia tăng.
Song những tiếng nói với hàm ý phê phán đã nhân lên ở châu Âu và ở các nước khác đối với chuyến thăm đã bị chỉ trích bởi các đồng minh châu Âu của Đức, cũng như từ ngay trong chính liên minh cầm quyền của thủ tướng Đức. Nhiều bộ trưởng Đức đã thúc giục Olaf Scholz bớt ngây thơ hơn đối với Bắc Kinh. Đó là trường hợp của Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu, trong khi bà Annalena Baerbock, Bộ trưởng Ngoại giao, về phần bà, đã cảnh báo nguy cơ phụ thuộc vào Trung Quốc, như trường hợp phụ thuộc vào Nga về khí đốt. Đối với nhà bảo vệ môi trường Đức, Berlin “không nên phụ thuộc vào một nước, vốn không chia sẻ các giá trị của chúng ta” để không trở thành nạn nhân “dễ bị áp lực về mặt chính trị”, và không mắc phải những “sai lầm” tương tự như trong trường hợp với Nga về khí đốt.
Nhưng Olaf Sholtz đã phớt lờ những lời chỉ trích đó và đơn thân độc mã ở châu Âu khi công du tới Bắc Kinh chỉ hai tuần sau khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX kết thúc, mà ở đại hội đó Tập Cận Bình đã được tái bổ nhiệm lên nắm quyền cao nhất. Chuyến thăm này, do đó, cho thấy một hình ảnh của sự biết ơn nhà độc tài Trung Quốc, người bước ra từ đại hội lần này với tư thế mạnh hơn bao giờ hết, sau khi đã lần lượt loại bỏ tất cả những đối thủ công khai hay không công khai của ông.
Hãng AFP đã dẫn lời bình luận của nhà khoa học chính trị Trung Quốc, Thời Ân Hoàng (Shi Yinhong), thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh: “Bất chấp sự phẫn nộ và áp lực chống lại các chính sách công nghiệp của Trung Quốc, [Olaf Scholz] có vẻ như đã quyết tâm phớt lờ điều đó vào lúc này. [Nhưng] Trung Quốc, trong bối cảnh tình hình quốc gia và quốc tế hiện nay, cần đến chuyến thăm của ông.” Một cách để nói rằng chuyến thăm này phục vụ một cách khéo léo các lợi ích chiến lược của Trung Quốc.
Hẳn là, người ta có thể biện minh cho quyết tâm của Thủ tướng Đức qua thực tế là Trung Quốc đã là đối tác thương mại hàng đầu của Đức trong sáu năm qua. Năm 2021, Trung Quốc là nhà cung ứng đứng thứ nhất và là thị trường xuất khẩu đứng thứ hai, sau Hoa Kỳ. Ở Outre-Rhin [bên kia sông Rhin, kiểu nói của người Pháp ám chỉ nước Đức, nơi có con sông Rhin đánh dấu biên giới giữa Pháp và Đức – ND], một triệu việc làm phụ thuộc trực tiếp vào xuất khẩu sang Bắc Kinh. Hơn 5.000 công ty Đức có lợi ích kinh tế ở Trung Quốc, trong đó có các nhà sản xuất ô tô chính, xuất khẩu tới 40% sản lượng ở đó, chẳng hạn như Volkswagen. Còn có rất nhiều lĩnh vực có liên quan khác, cho dù đó là tập đoàn hóa chất khổng lồ Siemens của Đức hay tập đoàn hóa chất BASF.
Dấu hiệu của thời đại cho thấy chỉ có mười hai quan chức đại diện cho giới kinh tế Đức đã tháp tùng Thủ tướng trong số hàng trăm ứng viên, thua xa so với các phái đoàn đông người dưới thời bà Merkel. Trong số các quan chức đó có, Martin Brudermüller, ông chủ của BASF, cũng như Oliver Blume, nhà lãnh đạo mới của Volkswagen, Roland Busch của Siemens, Christian Sewing của Deutsche Bank, giới chức lãnh đạo của BMW, Bayer, Adidas và Merck, hoặc một đại diện của phòng thí nghiệm BioNTech. Tuy nhiên, như tờ Le Monde đã nhấn mạnh, “điều đáng ngạc nhiên hơn là danh sách những người đã từ chối lời mời: các nhà sản xuất Mercedes và Daimler Truck, các nhà chế tạo thiết bị Bosch, Continental và Schaeffler, và thậm chí là Bundesverband der Deutschen Industrie (BDI), liên đoàn có sức ảnh hưởng lớn của giới công nghiệp.”
“TRÁNH LẶP LẠI NHỮNG SAI LẦM CỦA QUÁ KHỨ”
“Chính sách của Đức về Trung Quốc chỉ có thể thành công nếu hoà nhập với chính sách của châu Âu về Trung Quốc”, theo lời của Sébastien Maillard, giám đốc Viện Jacques Delors, được tờ Le Figaro trích dẫn. Angela Merkel chưa bao giờ bị buộc phải làm điều này.”
Trong giới thân cận của Josep Borrell, Đại diện Cấp cao về Chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu, người ta nhấn mạnh rằng “giới lãnh đạo Liên minh Châu Âu có quyền có lập trường riêng đối với Trung Quốc, nếu điều đó tương thích với lập trường của Liên minh Châu Âu”. Đối với Thierry Breton, Ủy viên châu Âu về thị trường nội bộ, thì sự việc rất đơn giản: “Sau sự phụ thuộc của chúng ta vào khí đốt Nga, châu Âu phải tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ” với Trung Quốc. Thế mà, sự phụ thuộc của châu Âu vào Trung Quốc đã không ngừng gia tăng trong hai mươi năm qua, cho dù trong lĩnh vực dược phẩm, đất hiếm hay các chuỗi giá trị.
Vào hôm Thứ Năm, ngày 3 tháng 11, bà Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Catherine Colonna đã trả lời câu hỏi về chuyến thăm Bắc Kinh của Scholz bằng những lời sau đây: “Tôi không có gì phải bình luận về chuyến đi của Thủ tướng Đức đến Bắc Kinh, Bắc Kinh đã mời đích thân Tổng thống nước Cộng hòa Pháp đến thăm Trung Quốc, và tôi không nghi ngờ việc ông ấy sẽ đến thăm Trung Quốc trong vài tuần hoặc vài tháng tới. Nhưng tôi muốn nhắc lại lập trường nhất quán của Liên minh châu Âu đối với Trung Quốc: Trung Quốc vừa là đối tác, và thực tế đã chứng minh điều đó trong lĩnh vực khí hậu, đa dạng sinh học và chăm sóc y tế. Trung Quốc cũng vừa là đối thủ cạnh tranh, đặc biệt trên bình diện thương mại, và là một đối thủ cạnh tranh đặc biệt hiệu quả. Đồng thời Trung Quốc cũng là một đối thủ chiến lược và là một đối thủ mà ‘sự quyết đoán’, như chúng ta nói trong tiếng Pháp tồi, đang tự khẳng định ngày này qua ngày khác.”
Có một lúc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nghĩ đến việc đi cùng Olaf Sholtz tới Bắc Kinh. Nhưng chuyến thăm chung này, vốn đã được giới truyền thông chính thức của Trung Quốc thông báo, đã không thành hiện thực và chuyến thăm này không nằm trong chương trình nghị sự trong tương lai gần. Bởi vì trong giới cầm quyền Pháp cũng vậy, đã có những lời kêu gọi ngày càng gia tăng về một cách tiếp cận ít ngây thơ hơn, theo các nguồn thạo tin. Về phía Pháp, những lời chúc mừng chính thức hoặc không chính thức gửi đến Tập Cận Bình khi ông được tái bổ nhiệm làm người đứng đầu Trung Quốc đã trở nên rất hiếm. Trong số đó, và không có gì ngạc nhiên, là lời chúc mừng của cựu Thủ tướng Jean-Pierre Raffarin, một nhân vật gây nhiều tranh cãi, bản thân cũng hứng chịu nhiều chỉ trích vì các lập trường công khai ủng hộ Trung Quốc trong hơn mười lăm năm qua.
THUẬT CHIA ĐỂ TRỊ
Thêm vào bức tranh này là thương vụ gần đây nhượng lại các lợi ích cho Trung Quốc lên đến 24,9% vốn của cảng chiến lược Hamburg, cảng lớn nhất của Đức. Theo lời của một nhà ngoại giao được tờ Spiegel trích dẫn, “Ngay sau Đại hội ĐCSTQ, ngay sau khi được Berlin bật đèn xanh cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của tập đoàn Trung Quốc Cosco vào vốn của một trong những ga cuối ở cảng Hamburg và việc nhượng lại cho người Trung Quốc một công ty của Đức chế tạo các bộ vi xử lý […] sự phối hợp trong tổng thể làm dấy lên sự tò mò. Có một sự tương phản với đường lối của châu Âu, mà mục tiêu, ngược lại, là bảo vệ các cơ sở hạ tầng then chốt và giảm bớt sự phụ thuộc chiến lược. Điều này đã gây ra sự khó chịu trong nhóm Hai Mươi Bảy [nước thành viên của Liên minh châu Âu].” Georg Fahrion, phóng viên của tờ Spiegel tại Bắc Kinh, mỉa mai, “Đây là một món quà thú vị từ một nước chư hầu, giống như thời đế chế. Bộ máy tuyên truyền Trung Quốc sẽ rất thích!” Thế mà khẩu hiệu của Hamburg là “Das Tor zur Welt” (“cánh cửa mở ra thế giới”). Thành phố này cũng là nơi mà thủ tướng Đức từng là thị trưởng trong một thập kỷ, và là nơi triệu tập hàng năm của tất cả các giới vì lợi ích kinh tế của hai nước.
Chuyến thăm Bắc Kinh lần này của Thủ tướng Đức tạo ra một cảnh tượng càng kỳ lạ hơn khi vào tháng 10 năm ngoái, tại hội nghị thượng đỉnh sau chót, nhóm Hai Mươi Bảy đã trao đổi trong ba giờ về cách ứng xử trước Bắc Kinh. Lúc đó, giọng điệu của châu Âu nói chung rõ ràng đã cứng rắn hơn trước, và các nước Baltic nói riêng, thật sự là những đồng minh không thể lay chuyển của Hoa Kỳ, đã thúc giục Liên minh châu Âu, từ nay, phải thể hiện sự thận trọng lớn nhất trước Trung Quốc.
Philippe Le Corre, nhà nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Havard, được tờ Le Monde trích dẫn, nhấn mạnh: “Người Trung Quốc là bậc thầy trong quá khứ về thuật chia để trị. Tùy vào mối quan hệ của Trung Quốc với một nước đối tác nào đó, họ có thể hướng luồng giao thông hàng hải đến những nước nào phục vụ tốt nhất lợi ích của họ.”
Rõ ràng, mục tiêu của chế độ Trung Quốc là chia rẽ châu Âu và, rộng hơn, là phe phương Tây. Chuyến thăm lần này [của Thủ tướng Đức] giúp Bắc Kinh cho Hoa Kỳ thấy rằng Trung Quốc vẫn có khả năng giao thương với Lục địa già, và rằng đồng minh châu Âu ít chống lại họ hơn so với việc chống lại Nga. Từ quan điểm này, Olaf Scholz đang làm lợi cho Tập Cận Bình.
CÁC ĐƠN VỊ CÔNG AN TRÁ HÌNH VÀ CÁC ĐIỆP VIÊN TRUNG QUỐC
Chuyến thăm này cũng diễn ra trong bối cảnh tình hình bất ổn và cảnh giác ngày càng tăng ở phương Tây trước các hành động giấu mặt của Trung Quốc. Những tiết lộ gần đây ở châu Âu đã nêu bật sự tồn tại của các tổ chức bí mật Trung Quốc, với nhiệm vụ giám sát cộng đồng người Hoa ở nước ngoài và đưa họ vào khuôn phép nếu cần. Những đồn cảnh sát kiểu đó đã được phát hiện ở Vương quốc Anh, Pháp và nhiều nước châu Âu khác trong những tuần gần đây. Theo tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders [Che chở người cần được bảo vệ], Trung Quốc đã xây dựng khoảng năm mươi đồn cảnh sát bí mật kiểu này. Bắc Kinh đã thừa nhận sự tồn tại của các đồn cảnh sát đó, nhưng phủ nhận việc săn lùng những người bất đồng chính kiến. Theo báo cáo của tổ chức phi chính phủ này, đã có 230.000 người Trung Quốc, bị cáo buộc phạm tội ác, bị đưa về Trung Quốc trong một năm qua. Mục tiêu của chính quyền Trung Quốc thông qua các tổ chức bí mật nói trên: truy tìm những quan chức tham nhũng, những người bất đồng chính kiến, và thậm chí tổ chức các vụ bắt cóc như đã từng xảy ra ở Thái Lan, nơi mà người Trung Quốc đã bị cưỡng bức đưa về nước.
Nhìn chung, các vụ án hoạt động gián điệp được quy kết cho Trung Quốc và được công chúng biết đến đã tăng lên trong những năm gần đây, đặc biệt là trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Chẳng hạn như, vào ngày 24 tháng 10 vừa qua, mười ba nhân viên tình báo Trung Quốc đã bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ buộc tội hoạt động gián điệp. Trong một cuộc họp báo do Tổng chưởng lý Hoa Kỳ và giám đốc FBI tổ chức, giám đốc FBI đã chỉ ra việc các nghi phạm bị buộc tội hoạt động gián điệp trong ba vụ án kết hợp với tội danh gây sức ép, nỗ lực cản trở một cuộc điều tra liên bang và nỗ lực đưa hối lộ.
Trong một trong các nhiệm vụ này, bốn điệp viên Trung Quốc, trong số các điệp viên khác, được cho là đã tiến hành một chiến dịch tuyển mộ, trong dài hạn, ở New Jersey từ năm 2008 đến năm 2018, trong nỗ lực mua chuộc các giáo sư đại học Mỹ, những người tiếp cận được các thông tin hạn chế và chiến lược cho Bắc Kinh. Dưới vỏ bọc một trung tâm đại học được thành lập phục vụ cho hoạt động này (Viện Nghiên cứu Quốc tế), các điệp viên Trung Quốc được cho là đã tiến hành mua chuộc một cựu đặc vụ liên bang Mỹ, bằng cách đề nghị anh ta đi du lịch miễn phí đến Trung Quốc, để đổi lấy các thông tin công nghệ, và một sự hỗ trợ quy mô lớn để chống lại các cuộc biểu tình bài Trung Quốc. Vụ án này chỉ là một trong vụ án thứ n của một chiến lược kéo dài mười năm và đặc trưng từ phía Bắc Kinh. Ngay từ năm 2014, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã tố cáo Đơn vị 61398 của Quân đội Giải phóng Nhân dân [Trung Quốc] liên quan đến một hoạt động gián điệp trên không gian điều khiển học.
Quả thực, các vụ bắt giữ này nêu bật vai trò của hoạt động phản gián Mỹ trong cuộc chiến chống lại sự can thiệp của nước ngoài trên lãnh thổ họ. “Những hành động được công bố ngày hôm nay đã diễn ra trong bối cảnh chính quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã có những hoạt động ác ý, bao gồm hoạt động gián điệp, nỗ lực làm nhiễu loạn hệ thống tư pháp, quấy rối các cá nhân, và những nỗ lực liên tục để đánh cắp các công nghệ nhạy cảm của Hoa Kỳ”, theo tuyên bố của bà Lisa Monaco, trợ lý cho tổng chưởng lý Hoa Kỳ, vào ngày 24 tháng 10.
“NHỮNG PHI CÔNG ĐANG THIẾU ADRENALINE”
Một dấu hiệu khác cho thấy sự thay đổi thái độ của châu Âu đối với Trung Quốc, là Tòa án Nhân quyền châu Âu đã nhất trí quyết định, vào ngày 6 tháng 10, cho rằng việc dẫn độ công dân Đài Loan sang Trung quốc lục địa, sẽ khiến người đó phải đối mặt với nguy cơ bị đối xử tàn nhẫn và tra tấn. Quyết định này, theo tổ chức Safeguard Defenders, hẳn sẽ tạo ra một án lệ ở châu Âu và, từ nay, sẽ gây khó cho 46 nước thành viên châu Âu của định chế này trong việc dẫn độ một công dân Trung Quốc (hoặc tất nhiên một công dân Đài Loan) sang Trung Quốc, qua đó củng cố pháp chế hiện hành của Công ước Châu Âu về Nhân quyền, vốn hạn chế các vụ dẫn độ như thế.
Cuối cùng, cũng gần đây, Vương quốc Anh và Pháp đã phát hiện sự tồn tại một quy trình tuyển mộ các phi công máy bay chiến đấu đã nghỉ hưu của Quân đội Giải phóng Nhân dân để đào tạo các phi công Trung Quốc về các kỹ thuật chiến đấu chống lại các máy bay phương Tây của NATO. Tờ Le Figaro trích dẫn lời chứng độc quyền của một cựu phi công lực lượng không quân hải quân Pháp, gần đây được tiếp cận thông qua một công ty bí ẩn có trụ sở đặt tại Nam Phi.
“Mức lương rất hấp dẫn. Họ đang tìm những huấn luyện viên có trình độ để hướng dẫn hạ cánh trên tàu sân bay”, theo lời giải thích của một cựu phi công máy bay chiến đấu Super Étendard trên tàu sân bay Charles de Gaulle. Một hợp đồng khoảng 20.000 euro mỗi tháng, mức lương ròng chưa tính thuế, để đào tạo các huấn luyện viên người Hoa tại chỗ trong ba năm, do cơ quan của Học viện bay thử nghiệm của Nam Phi (TFASA) đề xuất. Đó là mức lương cao hơn nhiều so với mức lương hấp dẫn mà Qatar trả cho các huấn luyện viên nước ngoài của họ. “Tôi gần như muốn thử thời vận. Đây không phải là một cơ hội phổ biến để có trong tay một máy bay chiến đấu, và ở đó tôi được trao cho cơ hội cầm lái một chiếc J-11”, người cựu phi công này nói, khi đề cập đến chiếc máy bay chiến đấu Trung Quốc được chế tạo theo mẫu chiếc Sukhoi Su-27. Người sống rày đây mai đó này đã từng là huấn luyện viên ở nhiều nước, đặc biệt ở Châu Phi. Tổ chức giấu mặt này ở Nam Phi, do người Anh điều hành, được dùng làm bình phong cho các tham vọng của lực lượng không quân Trung Quốc, nhắm vào mục tiêu là những “phi công đang thiếu adrenaline”, theo nhận định của một cựu quân nhân Pháp.
Đã có nhiều phi công máy bay chiến đấu hoạt động ở Trung Quốc trong những năm gần đây, trong đó có một cựu phi công thuộc các lực lượng chiến lược Pháp, theo tờ báo này. Các phi công Anh đã thành lập một đội ngũ lính đánh thuê quan trọng trên không, theo các ước tính của giới chuyên nghiệp. Tờ Sky News, vào ngày 18 tháng 10, tiết lộ đã có khoảng 30 cựu phi công máy bay chiến đấu hoặc máy bay trực thăng của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh trở thành huấn luyện viên ở Trung Quốc, làm dấy lên một cuộc tranh luận ở London. “Một mối đe dọa nghiêm trọng”, theo phản ứng của Bộ Quốc phòng Anh, nơi đã ra lệnh cho các cựu sĩ quan Anh phải ngừng ngay các hoạt động này, và dự tính tăng cường những điều khoản bảo mật áp đặt cho quân đội Anh.
Về phần người Pháp, họ là một mục tiêu được lựa chọn của gã khổng lồ châu Á đang trỗi dậy, vào thời điểm nước này [Trung Quốc] đang tự trang bị một hạm đội tàu sân bay, với tham vọng thách thức Hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. Chẳng hạn, Pháp có thể cung cấp một đội ngũ quý giá các cựu sĩ quan, thành thạo các kỹ thuật tinh vi của máy phóng cất cánh và hạ cánh trên các tàu sân bay khổng lồ này [của Trung Quốc]. Tàu sân bay Phúc Kiến, tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc vừa mới được công bố, sẽ được trang bị các máy phóng điện từ cất cánh và hạ cánh, một công nghệ chỉ có duy nhất Hoa Kỳ sử dụng, và sắp tới là Pháp, trong khi Anh Quốc đã chuyển đổi sang các loại máy bay cất cánh thẳng đứng Harrier từ những năm 1980.
Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) sẽ phải đào tạo thêm từ 100 đến 150 phi công thuộc lực lượng không quân hải quân trong thập kỷ tới, để đưa các nhóm tác chiến tàu sân bay vào hoạt động, bổ sung thêm cho các nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông, theo tạp chí quốc phòng Trung Quốc Ordnance Industry Science Technology. Việc sử dụng các huấn luyện viên phương Tây cho phép Trung Quốc đốt giai đoạn, vào lúc mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc “tái thống nhất” Đài Loan với đất mẹ, “bằng vũ lực” nếu cần thiết.
Thông tin về tác giả
Pierre-Antoine Donnet, cựu nhà báo của AFP, là tác giả khoảng 15 cuốn sách viết về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của châu Á. Năm 2020, người cựu phóng viên tại Bắc Kinh này đã xuất bản cuốn “Le leadership mondial en question, L’affrontement entre la Chine et les États-Unis [Đặt lại vấn đề lãnh đạo thế giới, Cuộc đụng độ giữa TQ và Hoa Kỳ]”, NXB Editions de l’Aube. Ông cũng là tác giả cuốn “Tibet mort ou vif [Tây Tạng chết hay sống]”, NXB Gallimard năm 1990 và tái bản vào năm 2019 trong một ấn bản được cập nhật và bổ sung. Cuốn sách mới nhất của ông là “Chine, le grand prédateur [Trung Quốc, nước săn mồi vĩ đại]”, NXB Éditions de l’Aube năm 2021.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Olaf Scholz en solo à Pékin en pleine défiance occidentale envers la Chine, Asialyst, ngày 04/11/2022.
http://www.phantichkinhte123.com/2022/11
Không có nhận xét nào