Chụp lại hình ảnh,
Tổng bí thư ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington năm 2015
GS Carl Thayer, Đại học New South Wales, Úc nói với BBC hôm 1/11 rằng nếu thông tin, hiện chưa được xác nhận, rằng Việt Nam đang vận động Hoa Kỳ cho chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden vào tháng 11 là sự thật, thì Việt Nam có thể bất ngờ trả tự do cho nhà báo Phạm Đoan Trang.
Bình luận của GS Carl Thayer được đưa ra trước Đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam lần thứ 26 diễn ra tại Hà Nội vào 2/11, đúng một ngày sau khi Tổng bí thư ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng trở về nước sau chuyến thăm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong khi Việt Nam nhấn mạnh 'Trung Quốc là ưu tiên ngoại giao hàng đầu', và ông Tập nhấn mạnh 'không để ai can thiệp' vào tiến trình phát triển của hai nước, có thể trông đợi gì ở Mỹ trong việc cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam?
BBC News Tiếng Việt phỏng vấn GS Carl Thayer về các kỳ vọng trong vấn đề nhân quyền tại Việt Nam hiện đang được dư luận quan tâm.
BBC: Chúng ta nên mong đợi điều gì từ cuộc đối thoại này, trong bối cảnh Việt Nam vừa được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc?
GS Carl Thayer: Cuộc đối thoại sẽ là một phần của các sự kiện ngoại giao theo khuôn mẫu. Cả hai bên sẽ trình bày lập trường đã có từ lâu của mình về nhiều vấn đề khác nhau. Cả hai sẽ đồng ý rằng tiếp tục đối thoại là quan trọng. Việt Nam có quan điểm dàn trải về quyền con người, bao gồm cả việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, xóa đói giảm nghèo và bình đẳng giới. Trong khi Hoa Kỳ sẽ bàn đến các vấn đề tự do tôn giáo và các quyền dân sự và chính trị.
Tham chiếu đến thỏa thuận năm 2013 về quan hệ đối tác toàn diện giữa Tổng thống Barrack Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, có thể đoán trước năm nay hai bên sẽ lưu ý quan điểm của đối phương và cứ để nó yên ở đó.
Ví dụ, thỏa thuận năm 2013 nêu rõ: "Các Tổng thống đã lưu ý đến lợi ích của một cuộc đối thoại thẳng thắn và cởi mở để tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp sự khác biệt về quyền con người." Họ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi đó đã thông báo với Tổng thống Obama về những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền con người, pháp quyền và bảo vệ quyền của các tín đồ tôn giáo… Hai bên tái khẳng định cam kết duy trì Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Tuyên ngôn thế giới về quyền con người.
BBC: Tổng bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đang thăm Bắc Kinh, và báo chí nhấn mạnh Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Điều này có tác động gì đến cách tiếp cận của Hoa Kỳ trong quan hệ với Việt Nam, đặc biệt trong vấn đề nhân quyền?
GS Carl Thayer: Ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, không nên được diễn dịch rằng Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu duy nhất.
Dựa trên sự thuận lợi về mặt địa lý, mối quan hệ thương mại và sức mạnh đang ngày càng được củng cố của Trung Quốc, việc thừa nhận Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu là dĩ nhiên mà không cần phải nói ra bằng lời.
Khi Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương đến thăm Hà Nội vào tháng 10 năm nay, ông đã thảo luận về việc mở rộng quan hệ đối tác toàn diện lên quan hệ đối tác chiến lược. Mục tiêu này khiến Mỹ vấp phải những hạn chế trong khả năng gây áp lực lên Việt Nam để buộc Hà Nội cải thiện về nhân quyền.
BBC: Ông có cho rằng nhân dịp này Hoa Kỳ sẽ gây áp lực để Việt Nam trả tự do cho một số nhà hoạt động, chẳng hạn như Phạm Đoan Trang, hoặc Nguy Thị Khanh?
GS Carl Thayer: Rất có thể Hoa Kỳ đã vận động Việt Nam trước cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 26 này để trả tự do cho một số tù nhân lương tâm bị giam giữ.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một thông cáo báo chí vào tháng Tám, trong đó lưu ý rằng "Hoa Kỳ rất quan ngại việc Việt Nam giữ nguyên bản án chín năm tù của nhà báo nổi tiếng Phạm Đoan Trang."
Nếu những thông tin, hiện chưa được xác nhận, rằng Việt Nam đang vận động Hoa Kỳ cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden vào tháng 11 là sự thật, thì Việt Nam có thể, như đã từng xảy ra trong quá khứ, bất ngờ trả tự do cho bà Trang và để bà đi lưu vong.
Chụp lại hình ảnh,
Nhà báo Phạm Đoan Trang trước phiên xử sơ thẩm năm 2021
BBC: Đối thoại này quan trọng như thế nào đối với các nhà hoạt động và xã hội dân sự ở Việt Nam?
GS Carl Thayer: Đối thoại Việt - Mỹ, cũng giống như các cuộc đối thoại nhân quyền khác giữa Việt Nam với EU và Úc, có ý nghĩa quan trọng đối với tinh thần của các nhà hoạt động dân chủ và xã hội dân sự ở Việt Nam. Các quan chức Hoa Kỳ thường gặp gỡ các đại diện xã hội dân sự vào những dịp như vậy. Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 30/10 ghi "Phái đoàn Hoa Kỳ cũng sẽ tổ chức các cuộc thảo luận với các quan chức chính phủ và các thành viên của xã hội dân sự ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội."
Nhưng có thể nghi ngờ rằng các cuộc họp như vậy sẽ chẳng đạt được bất kỳ bước tiến đáng kể nào. Việt Nam đã ngăn cản các nhà hoạt động nổi tiếng gặp Tổng thống Obama trong chuyến thăm của ông vào năm 2013. Các nhà hoạt động khác đã bị ngăn cản không được vào khuôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội vào năm đó.
BBC: Việt Nam và Hoa Kỳ đã có nhiều cuộc đối thoại về nhân quyền. Nhưng tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn không được cải thiện, nếu không muốn nói là tồi tệ hơn, theo các tổ chức nhân quyền quốc tế. Ông bình luận gì về điều này?
GS Carl Thayer: Việc đàn áp các nhà hoạt động vì dân chủ và xã hội dân sự đã trở nên tồi tệ hơn ở Việt Nam kể từ sau đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13/1/2021.
Một thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra ngày 25/8 cho biết việc Việt Nam tiếp tục giam giữ Phạm Đoan Trang "là trường hợp mới nhất trong một khuynh hướng đáng báo động về những vụ bắt bớ và tuyên án những cá nhân ở Việt Nam chỉ vì họ bày tỏ ý quan điểm của mình một cách ôn hòa. "
BBC: Sau cuộc đối thoại này, Mỹ cần có những hành động tức thời nào đối với Việt Nam?
GS Carl Thayer: Có khả năng Việt Nam sẽ công bố một số hành động chung chung trong tương lai.
Chẳng hạn, vào năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói với Tổng thống Obama "rằng Việt Nam chuẩn bị ký Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn vào cuối năm và tuyên bố rằng Việt Nam sẽ mời Báo cáo viên đặc biệt về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng vào năm 2014". Việt Nam đã tuân thủ cả hai cam kết này.
Hoa Kỳ nên gây áp lực để Việt Nam tuân thủ bất kỳ cam kết mới nào được đưa ra tại cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 26.
Chính quyền Biden tuyên bố vào ngày 30/10 rằng "thúc đẩy nhân quyền là một yếu tố thiết yếu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và là chìa khóa cho cam kết liên tục của chúng tôi với Việt Nam."
Tuy nhiên, vì Hoa Kỳ đang tìm cách nâng quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược và đưa Việt Nam tham gia vào chiến lược tạo ra một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nên trên thực tế, có những hạn chế về mức độ mà Hoa Kỳ có thể gây áp lực với Việt Nam mà không gây phản tác dụng.
Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đã hiểu rõ điều này khi ông nói với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm tuần này rằng: "Đảng Cộng sảnTrung Quốc và Việt Nam nên kiên trì hoạt động vì hạnh phúc của nhân dân và sự tiến bộ của nhân loại, thúc đẩy tiến tới hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, và không bao giờ để bất kỳ ai can thiệp vào sự tiến bộ của hai nước hoặc để bất kỳ thế lực nào làm lung lay nền tảng thể chế của chúng ta ".
Không có nhận xét nào