Header Ads

  • Breaking News

    Đỗ Duy Ngọc – Nói chuyện xăng dầu

    Ai phải chịu phạt: Bộ trưởng hay dân bán xăng ‘dạo’?


    Nếu đem luật ra mà nói chuyện thì ở xứ này chưa bao giờ có luật cấm mua xăng bằng can, bình, chai lọ. Bởi xăng dầu không chỉ dành cho xe hơi hay xe gắn máy mà nó còn là nhiên liệu cho ghe, tàu, cho máy móc và những thứ cần vận hành bằng xăng dầu nữa. Nếu không cho mua xăng dầu bằng can, bình thì không lẽ đem ghe tàu , máy móc đến trực tiếp trạm xăng. Điều hành kiểu gì mà thời đại này thành phố Hồ Chí Minh và cả thủ đô Hà Nội tràn lan người bán xăng lẻ ở vỉa hè chẳng khác chi thời bao cấp. Hình ảnh cục gạch và tờ giấy cuốn cắm vào, hình ảnh những chai xăng phơi giữa đường lộ gợi cho người dân nhiều suy nghĩ về chuyện quản lý và điều phối của Bộ Công Thương và cả chính phủ nữa.

    Nhu cầu xăng dầu mỗi miền mỗi khác, vùng nào phát triển mạnh thì nhu cầu càng nhiều. Nếu dựa vào GDP thì miền Nam đóng góp 47%, miền Trung 18% và miền Bắc 35%. Căn cứ vào con số ấy miền Nam cần số lượng xăng dầu nhiều hơn miền Bắc và miền Trung. Quái lạ là khi xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của nước ta lại chọn Dung Quất, Quảng Ngãi và cái sau đó là ở Nghi Sơn, Thanh Hoá. Chơi tréo ngoe thế mà vẫn làm mới lạ. Trong khi miền Nam là nơi có các mỏ dầu khí và các cảng thuận lợi và hợp lý để xây dựng các nhà máy lọc dầu. Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn cung cấp 80% xăng dầu cho cả nước và phần còn lại là phải nhập. Vừa qua nhà máy Nghi Sơn gặp khó khăn về tài chánh nên giảm công suất chỉ còn 55%. Và thế là xảy ra việc thiếu xăng dầu cung cấp cho cả nước. Thế nhưng nhà nước ưu tiên cho miền Bắc nên miền Nam thiếu trầm trọng vì bị giảm đến 50%. Ông Bộ trưởng Công Thương lại cho rằng miền Nam thiếu nhiên liệu vì bị lệ thuộc vào nguồn xăng lậu. Nói thế mà nghe được à? Ông lại phát biểu rằng nguồn từ hai nhà máy lọc dầu trong nước (Dung Quất, Nghi Sơn) cung ứng 80% nhu cầu trong nước, tương đương 1,36 triệu m3 xăng dầu. Cộng với lượng 0,5 triệu m3 nhập khẩu trong tháng 10 từ các đầu mối kinh doanh xăng dầu. Tổng cộng nguồn cung xăng dầu trong nước ở cuối tháng 9, giữa tháng 10 khoảng 3 triệu m3 xăng dầu. Với lượng dự trữ này, ông Diên khẳng định, hoàn toàn đáp ứng nguồn cung trong nước tới gần hết tháng 11. Thế tại sao xăng lại thiếu đến độ phải hạn chế chỉ bán cho mỗi xe gắn máy 50.000 đồng và xe hơi 300.000 đồng. Nhiều trạm xăng phải đóng cửa vì không có hàng. Và xăng không thiếu mà lại xuất hiện bán xăng ở vỉa hè.

    Ông lại bảo tình trạng đóng cửa, ngưng bán xăng dầu vừa qua không xảy ra trên phạm vi cả nước mà chỉ tập trung ở TP HCM và các tỉnh phía Nam. Ngoài nguyên nhân doanh nghiệp bị lỗ, khu vực này trước đây có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả. Ô hô! Anh phụ trách Bộ Công Thương mà để cho xăng dầu lậu quyết định cả thị trường thế ư? Thế các ông ngồi đấy với đội ngũ nhân lực ăn lương từ thuế của dân để làm gì? Ông đổ thừa một cách trơ trẽn và thiếu trách nhiệm.

    Cắt giảm cung ứng 50% cho miền Nam nên xảy ra lộn xộn. Để giải quyết tình hình, các ông lại chia cho miền Nam thêm một chút thế là Hà Nội lại thiếu và lại xuất hiện bán xăng vỉa hè. Không hiểu các ông làm ăn thế nào, kế hoạch kiểu gì, tư duy còn thua mấy ông nông dân. Như thế sao mà khá được. Nói thật mất lòng chứ các ông quản lý quá tồi, quá yếu, quá tệ.

    Tìm hiểu thêm về ông Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, người ta biết ông tiến thân từ phong trào Đoàn Thanh Niên. Hèn chi.

    DODUYNGOC

    https://www.facebook.com/doduyngoc

    Đọc thêm:

    Ai phải chịu phạt: Bộ trưởng hay dân bán xăng ‘dạo’?



    Một cây xăng ở TP.HCM /AFP

    Bộ Công Thương yêu cầu xử lý hành vi bán xăng dầu qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác trên đưởng phố. Dư luận cho rằng, Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm trong việc xăng dầu được bán qua chai trên vỉa hè như vậy.

    Ngày 4/11/2022, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký và ban hành Chỉ thị 09/CT-BCT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Theo Bộ Công thương, xăng dầu là mặt hàng đặc biệt và là ngành kinh doanh có điều kiện nên việc kinh doanh xăng dầu phải tuân thủ quy định của pháp luật, phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và được cấp phép.

    Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trên các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở mọi loại hình. Nếu vi phạm sẽ xử phạt.

    Điều 35, Nghị định 99/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực dầu khí, có hiệu lực từ ngày 11/10/2020, quy định mức phạt với hành vi vi phạm quy định khác về bán lẻ xăng dầu như sau: “Phạt tiền từ ba triệu đồng đến năm triệu đồng đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang (quốc phòng, công an) thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó."

    Lỗi trước nhất thuộc về Chính phủ, cụ thể là Bộ Tài chánh và Bộ Công thương. Bộ trưởng Tài chánh và bộ trưởng Công thương cứ ‘bóng đổ thầy, thầy đổ bóng’ mà không ai chịu trách nhiệm cả. Làm bộ trưởng mà như thế! Qua việc thiếu xăng dầu này đã cho thấy tầm nhìn, năng lực quản lý, điều hành nhà nước của một số bộ trưởng là quá tệ. - ông Đinh Kim Phúc

    Nhiều người cho rằng, việc người dân trở lại thời kỳ “cây xăng cục gạch” là do người dân không thể chầu chực xếp hàng ở các cây xăng trong thời gian vừa qua. Do đó, không nên xử phạt những người bán xăng ‘dạo’ mà phải xử lý người chịu trách nhiệm cao nhất thuộc Bộ Công thương và Bộ Tài chính.

    Trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên cục trưởng cục quản lý giá, Bộ Tài chánh viết rằng: “Điều hành mỗi mặt hàng xăng dầu mà từ đầu năm đến giờ vẫn bung bét. Không có chuyên môn thì nên nghỉ để đất nước bình yên, để đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu…”

    Trao đổi với RFA với tư cách là một người dân khổ sở với việc xếp hàng mua xăng, ông Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của ông:

    “Lỗi trước nhất thuộc về Chính phủ, cụ thể là Bộ Tài chánh và Bộ Công thương. Bộ trưởng Tài chánh và bộ trưởng Công thương cứ ‘bóng đổ thầy, thầy đổ bóng’ mà không ai chịu trách nhiệm cả. Làm bộ trưởng mà như thế! Qua việc thiếu xăng dầu này đã cho thấy tầm nhìn, năng lực quản lý, điều hành nhà nước của một số bộ trưởng là quá tệ.

    Theo tôi, nếu phải xử lý hành chánh, thậm chí xử lý hình sự những người bán xăng như vậy thì trước nhất phải đuổi cổ ông Bộ trưởng công thương ra khỏi bộ máy chính phủ. Một người không xứng đáng để làm bộ trưởng. Không dám nhận sai về mình mà cứ đổ cho dân. Như thế không xứng đáng làm quan cách mạng. Đất nước này có trên bốn triệu đảng viên, sẽ có người xứng đáng hơn ông Nguyễn Hồng Diên.”


    Một cây xăng ở Hà Nội. AP

    Truyền thông trong nước cho hay, nhiều điểm bán nước, sửa xe lề đường ở TP.HCM và TP. Hà Nội bỗng trở thành điểm bán xăng tự phát với dấu hiệu để nhận biết là cái chai hoặc cục gạch mà người dân thường gọi là ‘cây xăng cục gạch”. UBND TP.Hà Nội yêu cầu các địa phương giải quyết triệt để tình trạng trên.

    Tiến sĩ kinh tế Ngô Trí Long nêu quan điểm của ông với RFA sáng 7/11:

    “Hiện nay một số nguồn cung thiếu nên họ tranh thủ bán như vậy. Nhưng đó chỉ là bán trộm chứ không phải bán phổ biến. Nhà nước dẹp ngay không cho phép bán như vậy. Bộ công thương yêu cầu bên quản lý thị trường dẹp.

    Bây giờ nói chung thì xăng cũng đủ nhưng vận chuyển không kịp thời. Hồi quý 2 giá xăng tăng rất cao nhưng lúc ấy lại nhập quá nhiều. Đến quý 3 thì giá hạ. Nhập lúc giá cao mà bán lúc giá xuống thì nó ảnh hưởng đến lợi nhuận, đến chi phí kinh doanh dẫn các doanh nghiệp lỗ nên họ hạn chế nhập. Từ đó làm cho nguồn cung mất cân đối. Bây giờ tăng công suất của hai nhà máy lọc dầu rồi thì mọi việc sẽ trở lại bình thường.

    Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về cơ cấu giá bán, thuế, chi phí kinh doanh nhưng Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm chính.”

    Tuy Bộ Công thương được coi là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc điều hành xăng dầu, nhưng những phát biểu gần đây của các quan chức thuộc bộ, sở này lại gây phản ứng trong công chúng qua một vài ví dụ: Chiều 13 tháng 10 năm 2022, khi trả lời phóng viên báo chí Nhà nước về việc các ngành chức năng nói nguồn cung xăng dầu không thiếu, nhưng các cửa hàng lại đóng cửa vì hết xăng, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nói rằng: “Có người, xe còn nửa bình xăng, vẫn chen vào đổ.”

    Hiện nay một số nguồn cung thiếu nên họ tranh thủ bán như vậy. Nhưng đó chỉ là bán trộm chứ không phải bán phổ biến. Nhà nước dẹp ngay không cho phép bán như vậy. Bộ công thương yêu cầu bên quản lý thị trường dẹp...Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về cơ cấu giá bán, thuế, chi phí kinh doanh nhưng Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm chính. - Tiến sĩ kinh tế Ngô Trí Long

    Câu nói này bị nhiều người cho là cách nói thiếu trách nhiệm, phủi trách nhiệm và đổ lỗi cho dân.

    Hay mới đây, Sở Công Thương TP.HCM đề xuất quy định cây xăng bán hàng tối thiểu 12 giờ một ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật). Đồng thời phải đảm bảo không mở cửa bán hàng trễ hơn 6h và không đóng cửa bán hàng trước 18h hàng ngày. Sở này lý giải, việc quy định chi tiết về giờ bán tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhằm dễ dàng xử lý các hành vi vi phạm nếu có.

    Trách nhiệm điều hành mặt hàng xăng dầu của Bộ Công thương bị dân chúng chỉ trích nhiều trên mạng xã hội và cả báo chí nhà nước. Mới đây, Bộ Công Thương có các công văn gửi tới một số bộ, ngành, đơn vị gồm Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, các Công ty trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đề nghị tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường.

    Trước đó, Bộ Công Thương cũng có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ tiếp cận vốn bảo lãnh và thanh khoản với một số doanh nghiệp xăng dầu.

    Không có nhận xét nào