Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Văn Tuấn - Học tiếng Anh để hiểu tiếng Việt

    Không biết các bạn thì sao, chứ riêng tôi thì có khi tôi thấy học tiếng Anh rất ư là có ích để hiểu ... tiếng Việt. Học tiếng Anh giúp chúng ta hiểu những chữ hay mệnh đề như 'tác động vật lí', 'sự kiện', 'khả năng', v.v. 

    "Tác động vật lí"

    Trong thời gian gần đây, báo chí đột nhiên chế ra mệnh đề "tác động vật lí". Nào là "Bốn cảnh sát tác động vật lý học sinh một cách dã man", "Người phụ nữ dùng dép tác động vật lý vào mặt công an", là "Người đàn ông tác động vật lý vào tiếp viên hàng không", v.v. Người bình thường rất khó hiểu những câu văn này có ý nghĩa gì.  

    Trong tiếng Anh, có mệnh đề "Physical Assault" có nghĩa nôm na là sử dụng bạo lực để gây thương tích trên cơ thể của một người. Chẳng hạn như lấy nón bảo hiểm đánh vào đầu người khác là Physical Assault. Tương tự, những hành động được mô tả trong những cái tít như "Bốn cảnh sát tác động vật lý học sinh một cách dã man" hay Người phụ nữ dùng dép tác động vật lý vào mặt công an" hoàn toàn nhứt quán với định nghĩa của Physical Assault. 

    Tôi đoán rằng những nhà báo dùng chữ 'Tác động vật lí' trong văn cảnh trên là dịch từ chữ 'Physical Assault' trong tiếng Anh, nhưng tôi sợ là cách dịch/hiểu này sai và làm cho tiếng Việt khó hiểu. 

    Tại sao sai? Chúng ta biết rằng chữ Physics có nghĩa là [khoa học] vật lí học. Do đó, nhiều người nghĩ rằng Physical là một phó ngữ của Physics và có nghĩa là 'Có liên quan đến vật lí'. Cách hiểu đó không hẳn là sai, nhưng chưa đủ. Chưa đủ là vì chữ Physical trong tiếng Anh còn có nghĩa là 'có liên quan đến cơ thể'. Chẳng hạn như chữ 'Physician' trong tiếng Anh có nghĩa là thầy thuốc (bác sĩ) vì công việc của họ liên quan đến cơ thể con người, chứ chẳng dính dáng gì đến vật lí. 

    Do đó, 'Physical Assault' không có nghĩa là 'Tác động vật lí', mà theo tôi là 'Hành hung cơ thể'. Thật ra, tiếng Việt có một chữ đơn giản hơn: 'hành hung'. Hành hung là đánh người, gây tổn hại đến cơ thể và sức khoẻ của người ta. Viết và nói kiểu 'Tác động vật lý' là một loại uyển ngữ, có lẽ cố tình (?) làm nhẹ tội trạng của kẻ gây thương tích. 

    "Sự kiện"

    Có khi nào các bạn cảm thấy khó hiểu với chữ 'sự kiện'? Thử đọc câu “Bà mẹ một con Đường Yên trẻ trung, xinh đẹp như thiếu nữ đôi mươi tại sự kiện”, các bạn có tự hỏi 'sự kiện' ở đây có nghĩa là gì? Hay như khi viết về Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị, "Bà cũng nhiều lần phải hoãn, hủy sự kiện vì sức khỏe không đảm bảo", mà chẳng biết 'sự kiện' gì? 

    Hoá ra, cái gọi là 'sự kiện' đó là lễ hội. Cô Đường Yên đi dự một buổi trình diễn thời trang, bà Nữ Hoàng thì đi dự lễ hội ở bên Anh. Tại sao không dùng chữ 'trình diễn thời trang' hay 'lễ hội' cho dễ hiểu mà phải dùng đến 'sự kiện'? 

    Rất có thể là do hiểu sai tiếng Anh. Trong tiếng Anh, chữ 'Event' (dịch là 'sự kiện') được định nghĩa là một việc trọng đại đã xảy ra. Cách dịch này hoàn toàn nhứt quán với chữ 'Sự kiện' theo cách diễn giải trong Từ điển Tiếng Việt do Ban Tu Thư Khai Trí soạn: sư kiện là việc quan trọng đã xảy ra. Ví dụ như Ngày 30/4/1975 ở Việt Nam là một sự kiện quan trọng vì nó mang tính lịch sử. 

    Còn những buổi trình diễn thời gian, những buổi hoà nhạc bình thường, hay những buổi lễ tấn phong bình thường thì chẳng phải là 'sự kiện' theo cách hiểu của chữ 'Event'. 

    "Khả năng" 

    Một trong những chữ mới sau này làm tôi thấy khổ tâm nhứt là 'Khả năng'. Nó xuất hiện nhan nhản trong nước. Thử xem tivi (nếu đủ kiên nhẫn), bạn sẽ nghe câu "khả năng có mưa là rất cao". Đọc báo thì sẽ thấy những câu như "Anh ấy có khả năng mắc bệnh", và nếu mắc bệnh thì "Ảnh có khả năng chết". Khả năng mưa, khả năng mắc bệnh, khả năng chết là gì? 

    Chữ 'khả năng' này được dùng trong văn cảnh trên xuất phát từ đâu? Trước 1975, 'khả năng' có nghĩa là 'Sức có thể làm được', là 'năng lực'. Chẳng hạn như câu 'Anh ấy có khả năng kĩ thuật' dùng để chỉ một người có tay nghề kĩ thuật tốt, làm được những việc khó khăn mà người thường có thể không làm được. 

    Ấy vậy mà sau này người ta thêm nghĩa cho chữ 'khả năng' là 'cái có thể xuất hiện trong những điều kiện nhất định'. 

    Hoá ra, chữ 'khả năng' ngày nay được dịch từ chữ 'Possibility'. Mà chữ Possibility (tính từ là possible) có nghĩa tương đương với chance, likelihood, probability, v.v. nói chung có nghĩa là không chắc chắn, hay 'có thể'. 

    Tôi tự hỏi tại sao không nói "Trời có thể mưa" (mà phải õng ẹo kiểu "khả năng có mưa là rất cao")? Sao không nói "Anh ấy có nguy cơ bị thiệt mạng" cho dễ hiểu, hà cớ gì phải nói kiểu "Anh ấy có khả năng chết". 

    Chiếu theo định nghĩa 'khả năng' trong tiếng Việt (Ban Tu Tư Khai Trí) thì những người viết "khả năng có mưa" hay "Anh ấy có khả năng chết" là kém khả năng tiếng Việt vậy. 

    ***

    Như các bạn thấy, đối với những chữ mới hay nghĩa mới (chẳng biết ai chế ra), nếu không biết tiếng Anh thì rất khó hiểu. Khi đã hiểu nghĩa tiếng Anh, chúng ta cũng hiểu tại sao những ý nghĩa người ta chế ra cho tiếng Việt (như 'tác động vật lí', 'sự kiện', 'khả năng', 'điều khiển phương tiện giao thông) là không cần thiết, thậm chí sai. 

    Thành ra, tôi sợ là trong tương lai con cháu chúng ta phải học tiếng Anh để hiểu Tiếng Việt. 

    ____

    TB: Sẵn đây xin nhắc đến các bạn đã ghi danh học khoá học về công bố quốc tế và phương pháp nghiên cứu ở ĐH Tôn Đức Thắng. Thời hạn ghi danh đã gần hết, các bạn nên ghi danh tại địa chỉ sau đây: 

    https://ibep.com.vn/.../nghien-cuu-khoa-hoc-va-cong-bo...

    Khoá học này sẽ có 10 bài giảng về thiết kế nghiên cứu, với những ví dụ sẽ làm cho các bạn ngỡ ngàng. Và, phần 2 có 10 bài giảng về cách viết bài báo khoa học như sau: 

    • Cấu trúc IMRaD của một bài báo khoa học

    • Cách thiết kế bảng số liệu và biểu đồ 

    • Cách diễn dịch kết quả 

    • Nguyên tắc viết phần Bàn luận 

    • Nguyên tắc CARS viết phần Dẫn nhập 

    • Cách viết phần Phương pháp

    • Nguyên tắc viết Abstract

    • Tiếng Anh trong khoa học 

    • Tiêu chuẩn chọn tập san khoa học 

    • Cách trả lời bình duyệt

    FB Nguyễn Tuấn

    Nguyễn Tuấn 

    Còn bàn về viết, các bạn thử đọc đoạn văn sau đây: 

    “Công nghiệp văn hóa tạo ra nhiều cơ hội học tập mới cho người lao động, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ dân trí giữa các vùng miền, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân nói chung. ... Hệ thống các sản phẩm và dịch vụ văn hóa ngày càng đa dạng. Di sản văn hóa trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào phong phú cho nhiều ngành công nghiệp như âm nhạc, điện ảnh, trò chơi điện tử, từ đó giúp thiết lập lợi thế cạnh tranh, sự độc đáo và nhận diện thương hiệu cho những ngành này ở thị trường trong nước, cũng như thị trường khu vực và thế giới.”

    Các bạn hiểu tác giả nói gì (hay muốn nói gì) không? Tôi thì chịu thua. Làm khó nhau chi dữ vậy? 🙂


    Không có nhận xét nào