Cụ thể chiến lược này ra sao thì chưa được tiết lộ.
Báo chí Việt Nam dẫn lời Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil, cho hay, “Việt Nam nằm trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sắp công bố của Canada”.
Hôm 5-11, Đài CBC của Canada dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của nước này sẽ được công bố trước khi Thủ tướng Justin Trudeau đến châu Á vào giữa tháng này. Nhà lãnh đạo Canada sẽ lần lượt đến Campuchia, Indonesia và Thái Lan để dự Hội nghị ASEAN, G20 và APEC từ ngày 12-11 tới.
Ngoại trưởng Canada, bà Melanie Joly cho biết chiến lược này sẽ được định hình một phần bởi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa kết thúc.
Canada là một trong 11 Đối tác Đối thoại của ASEAN và có đại diện ngoại giao ở tất cả 10 quốc gia thành viên cũng như tại ASEAN. Với tư cách là một hiệp hội, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Canada. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khu vực ASEAN.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia Canada dành nhiều hỗ trợ trên các lĩnh vực, như rà phá mìn, cấp học bổng và hợp tác du học. Theo thống kê, mỗi năm, có khoảng 19.000 đến 20.000 học sinh Việt Nam tới du học tại Canada và Việt Nam là quốc gia có số lượng học sinh tới Canada nhiều thứ 3 trên thế giới.
Tại Đối thoại trực tuyến ASEAN-Canada cấp Trưởng SOM thường niên lần thứ 19 hồi hạ tuần tháng 6-2022, tin tức cho biết trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế, ASEAN và Canada đã nhấn mạnh cần chung tay bảo đảm môi trường hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải tại các vùng biển trong khu vực, tạo thuận lợi cho đà phục hồi, hợp tác và phát triển.
Canada khẳng định ủng hộ vai trò và những nỗ lực của ASEAN thúc đẩy đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin tại khu vực, đồng thời nhấn mạnh ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông và những nỗ lực thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như phấn đấu xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Trước đó tuần lễ, tại Đối thoại Shangri-La 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand đã nhấn mạnh cam kết của quốc gia Bắc Mỹ này trong việc xây dựng một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở và bao trùm, trong đó có chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sắp được Ottawa công bố, nhằm định hướng Canada tham gia sâu hơn vào khu vực, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu của Canada là đa dạng hóa và tăng cường hiện diện trong các hoạt động hỗ trợ khu vực từ góc độ quốc phòng.
Tờ The Globe and Mail ngày 5-11-2022 đưa tin chính phủ Canada đang xây dựng chiến lược đầu tiên đối với toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó sẽ bao gồm thách thức từ việc đối phó Trung Quốc. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Ottawa và Bắc Kinh chứng kiến sự rạn nứt tồi tệ nhất trong nửa thế kỷ qua.
Theo tờ báo, việc gọi đây là một chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thay vì tiếp tục chỉ tập trung vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương phản ánh sự thay đổi quan trọng trong cách Canada tiếp cận châu Á và các quốc gia giáp Ấn Độ Dương, chẳng hạn Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka.
Tính đến nay, lực lượng vũ trang Canada đã đào tạo hàng ngàn binh sĩ thuộc quân đội các nước và đối tác từ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong các hoạt động hỗ trợ hòa bình, ngôn ngữ, … và để củng cố chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh của Liên hợp quốc.
Một lưu ý, trong nhiều tháng qua, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và cựu quan chức ngoại giao Canada đã thúc giục chính phủ của Thủ tướng Trudeau xác định “ai là bạn, ai là thù”, và ưu tiên của Canada ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Giới quan sát cũng từng nhận định việc Canada trì hoãn công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể là vì không muốn tạo thêm căng thẳng với Trung Quốc.
Bắc Kinh luôn tỏ ra khó chịu khi các nước phương Tây dịch chuyển sự chú ý sang khu vực này và cho rằng mục tiêu chung của các nước này là kiềm chế Trung Quốc.
Do vậy với việc báo chí Việt Nam công khai đưa tin bằng câu văn thể khẳng định “Việt Nam nằm trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sắp công bố của Canada”, cho thấy mối quan hệ “môi – răng” giữa hai nhà lãnh đạo đảng Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng giờ đây rất có thể chỉ thuần ngoại giao ‘ngoài nóng – trong lạnh’.
Không có nhận xét nào