Khó có thể hiểu những vấn đề hiện nay nếu không biết về quá khứ.
Đọc nguyên tác gốc PDF file:
Vào tháng 8/2022, nhiều người dân khiếu kiện đất đai đã quỳ lạy Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường trước Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh. Một nhóm cảnh sát cơ động đã hộ tống viên bí thư rời khỏi trụ sở giữa tiếng kêu la thống thiết của người dân. [1]
Quang cảnh ngày hôm đó gợi nhớ đến cuộc biểu tình chống sưu thuế nổ ra ở Quảng Nam hơn một trăm năm trước. Khi ấy, quan chức triều đình dưới sự chi phối của thực dân Pháp đã cậy quyền ỷ thế để ức hiếp dân chúng, tham ô tràn lan. Người dân ban đầu chỉ van xin các quan chức giảm sưu thuế nhưng rồi vụ việc bùng phát thành một cuộc nổi dậy. Sau sự kiện này, thực dân đã đàn áp tàn nhẫn các vùng nông thôn Quảng Nam.
Lịch sử vẫn đeo bám chúng ta cho đến hôm nay. Nó chi phối cách chúng ta ứng xử với quan chức, cách chúng ta đáp trả với bất công, cách chính quyền trừng phạt người dân dám tranh đấu cho công lý, tự do. Muốn tiến lên phía trước, người ta không thể không biết mình là ai, mình có những rào cản nào. Cách tốt nhất để làm việc này là tìm hiểu về lịch sử của đất nước mà ta đang sống.
Thời thực dân Pháp cai trị Việt Nam đã để lại những chứng tích hết sức sống động. Ví dụ như tuyến đường sắt Bắc - Nam, hệ thống thư tín bắt đầu với Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, hệ thống y tế bắt đầu với bệnh viện Chợ Quán, hay việc phổ biến chữ Quốc ngữ với hệ thống trường học công lập.
Khúc ngoặt lịch sử này chỉ kéo dài trong 90 năm nhưng đã tạo nên những biến động mạnh mẽ đến xã hội Việt Nam. Khó có thể hiểu đầy đủ những vấn đề hiện nay nếu không ngược dòng thời gian trở về thời kỳ này.
Cuốn sách “Việt Nam thời Pháp đô hộ” của giáo sư Nguyễn Thế Anh có thể giúp bạn hiểu biết một cách tổng quát về giai đoạn lịch sử phức tạp đó.
Giáo sư Nguyễn Thế Anh (sinh năm 1936) là một trong những sử gia nổi bật của Việt Nam. Ông từng là Viện trưởng Viện Đại học Huế, chủ nhiệm bộ môn lịch sử tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Sau khi rời Việt Nam năm 1975, ông tiếp tục giảng dạy, nghiên cứu lịch sử tại Pháp và các nước khác. Ông từng là giáo sư Đại học Paris - Sorbonne và giám đốc nghiên cứu tại Trường Cao học thực hành Paris (EPHE).
Cuốn sách của ông sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi căn bản về thời kỳ này như người Pháp đã độc chiếm Việt Nam như thế nào, họ đã thiết lập nền cai trị hà khắc ra sao, triều đình đã bất lực như thế nào trước sự xâm lăng này, người dân đã nổi dậy và hòa nhập ra sao dưới thời kỳ thuộc địa.
Tôi tìm được trong cuốn sách nhiều lý giải thú vị cho những thắc mắc của mình.
Vào buổi đầu cai trị, các xứ đạo Thiên Chúa đã được ban cho quyền tự trị rất lớn. Ở một số giáo xứ, linh mục là người giải quyết các vấn đề về đất đai, giáo dục, thuế má. Các giám mục ở các giáo phận như Bùi Chu, Phát Diệm đã trực tiếp điều khiển công việc hành chính thế tục. Điều này có thể lý giải cho sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nhà thờ đối với giáo dân ở một số nơi hiện nay.
Cũng trong thời kỳ này, chính quyền thực dân đã bố trí số lượng công chức rất đông ở Đông Dương. Số công chức người Pháp ở Đông Dương gấp ba lần số công chức người Anh ở Ấn Độ, dù Đông Dương có dân số chỉ bằng một phần mười Ấn Độ. Các quan chức người Việt mất dần vị thế của mình. Những người muốn theo đuổi chức nghiệp buộc phải gia nhập giới quan lại truyền thống hoặc nhận các vị trí thấp kém trong chính quyền thuộc địa như tham biện, thông ngôn, lính tập, v.v.
Cuốn sách cũng đưa ra nhiều phân tích đáng chú ý liên quan đến các vấn đề đã xảy ra cách đây không lâu, hoặc còn đeo bám dai dẳng đến nay.
Chẳng hạn, tác giả Nguyễn Thế Anh cho rằng việc các dân tộc thiểu số quy phục chính quyền bảo hộ là phù hợp với khuynh hướng lịch sử của các sắc dân này, vì “không bao giờ họ chịu nhận quyền lực của người Kinh”. Đến thời Việt Nam Cộng hòa và sau năm 1975, các dân tộc thiểu số vẫn luôn xung đột với chính quyền. Cho đến nay, các khu vực đồi núi phía Bắc hay Tây Nguyên vẫn bị chính quyền giám sát rất chặt chẽ, các quyền tự do bị hạn chế.
Về vấn đề di cư, làn sóng di cư vào phía Nam vẫn tiếp tục dưới thời Pháp cai trị sau khi dân số tăng nhanh ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ gây nên tình trạng thiếu ruộng đất. Sau năm 1975, tình trạng này tiếp diễn với cùng lý do là thiếu đất đai, dẫn đến nhiều hệ lụy kinh tế - xã hội.
Dưới thời Pháp cai trị, người nông dân vẫn không thoát khỏi tình trạng mắc nợ quanh năm. Việc này xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có việc Pháp không thực thi chính sách phát triển kinh tế hợp lý, khiến đất đai tập trung vào tay địa chủ, địa chủ bóc lột tá điền. Vì làm không đủ ăn, người nông dân phải cầm cố đất đai của mình để vay nợ. Việc cho vay nặng lãi rất phổ biến dưới thời Pháp cai trị.
Tác giả cũng nhận định rằng giới công nhân người Việt vốn xuất thân từ tầng lớp nông dân. Họ vẫn gắn bó chặt chẽ với các làng mạc. Nếu xảy ra bất cứ biến động gì ở nơi làm việc thì họ đều quay về nông thôn. Tính chất này khiến giới công nhân không ổn định. Như bạn đã biết, hầu hết công nhân hiện nay vẫn xuất thân từ các vùng nông thôn. Họ cũng sẵn sàng bỏ nông thôn để đến các nhà máy và cũng sẵn sàng bỏ việc để trở về quê.
Tác phẩm còn chứa đựng nhiều vấn đề thú vị khác, tùy thuộc vào sự tò mò của bạn. Sách sẽ hay nhất khi bạn đọc với một số chủ ý nhất định.
Các nhà xuất bản hiện nay đã nhiều lần tái bản cuốn sách “Việt Nam thời Pháp đô hộ”. Bạn có thể dễ dàng tìm mua cuốn sách này.
Cách trình bày theo trình tự thời gian của cuốn sách có thể làm nản lòng những ai không đủ kiên nhẫn. Bên cạnh đó, văn phong của tác giả có thể tạo cảm giác khó đọc khi sử dụng nhiều mệnh đề trong một câu. Đây có lẽ là ảnh hưởng từ lối viết Pháp văn ở thời đại của tác giả. Nhưng bù lại, cuốn sách đã sử dụng nguồn tư liệu phong phú, sắp xếp cẩn trọng, xứng đáng là một tài liệu tham khảo hữu ích về thời Pháp đô hộ Việt Nam.
Không có nhận xét nào