Header Ads

  • Breaking News

    Lê Tây Sơn - Ai đang thắng ai trong cuộc đấu xe tăng?

     

    M1A2 Abrams SEPv3 (asc.army.mil) 

    Cuộc chiến Ukraine đã chứng minh ​​sức mạnh tàn phá của những công nghệ mới và sự thất bại thảm hại của các mẫu xe tăng cũ, khi quân đội Ukraine phá hủy gần 1,000 xe tăng T-72 và T-80 cũ kỹ của Nga. Hình ảnh xác xe bị cháy đen ngòm cho thấy các phương tiện chiến đấu bọc thép không còn là pháo đài bất khả xâm phạm như từng thống trị trong hai cuộc Đại chiến Thế giới trước. Các nhà phân tích tin rằng xe tăng thời hiện đại không chỉ là vũ khí tấn công hiệu quả mà còn đảm nhận vai trò quan trọng không kém: Hỗ trợ lực lượng bộ binh tại tiền tuyến.

    Trong tạp chí Military Review, Alec Wahlman và Đại tá Brian M. Drinkwine thuộc Viện Phân tích Quốc phòng (Institute for Defense Analyses) đã so sánh trận chiến thảm khốc năm 1993 tại thủ đô Mogadishu của Somalia với cuộc xâm lược thành công của quân đội Mỹ vào Baghdad năm 2003. Tại Baghdad, có cả xe tăng chở binh lính và thủy quân lục chiến tiến vào thành phố; trong khi ở Somalia, chỉ có trực thăng và các xe chiến thuật đi cùng bộ binh nên hậu quả là thương vong nặng nề. Wahlman và Drinkwine viết: “Thiếu sự hiện diện của xe tăng đã dẫn đến thất bại sứ mệnh tại Somalia. Ngược lại, quân Mỹ đã đánh bại nhanh chóng các lực lượng có tổ chức của Iraq ngay từ đầu “Chiến dịch Tự do Iraq” và chiếm Baghdad năm 2003 một cách dễ dàng, một phần do Iraq không có trang bị nào chống lại hiệu quả xe tăng hạng nặng cơ động cao của Mỹ trong môi trường đô thị”.

    Khi một người lính chiến đấu trên cánh đồng, dọc con đường lầy lội hoặc đi vào thị trấn, làng mạc, xe tăng sẽ cung cấp chỗ ẩn náu cần thiết. “Khi người lính cần một chiếc xe thì trước nhất phải là xe tăng” – Thiếu tá Adam Link, một cựu sĩ quan xe tăng thủy quân lục chiến nói – “Không gì có thể thay thế nó trên chiến trường!”. Sau đây là một số mẫu xe tăng hạng nặng tiên tiến, mạnh mẽ và đáng gờm nhất – theo Popular Mechanics.

    Hoa Kỳ: M1A2 Abrams SEPv3

    Năm giới thiệu 2020; tổ lái bốn người; 73.6 tấn, $6.2 triệu. 

    Ra đời từ năm 1980, dòng xe tăng M1 Abrams thiếu một số tính năng trên mẫu xe tăng của thế kỷ 21. Nhưng công nghệ “General Dynamics Land Systems” đáng tin cậy và những nâng cấp vẫn giúp nó chiếm ưu thế trong mọi cuộc đụng độ. Xe tăng Abrams đã làm tê liệt đội hình thiết giáp của Iraq trong Trận chiến 73 Easting năm 1991 (được xem là cuộc đọ sức xe tăng lớn nhất cuối cùng của thế kỷ 20). Chỉ trong 23 phút, chín xe tăng M1A1 Abrams đã tiêu diệt 50 xe tăng T-72 của Iraq và hàng chục xe bọc thép khác.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-123206113.jpg

    M1A2 SEP Abrams (ảnh: Chung Sung-Jun/Getty Images) 

    Xe tăng Abrams cũng là trợ thủ đắc lực cho bộ binh trong cuộc tấn công Baghdad năm 2003 và hỗ trợ các cuộc tuần tra ở mức độ nhỏ hơn tại Afghanistan. Mỗi phiên bản sau của M1 đều có thêm lớp giáp, với M1A2 SEPv3 xuất xưởng năm 2020 nặng hơn 13 tấn so với bản gốc. Biến thể mới nhất có “Trạm vũ khí điều khiển từ xa gắn trên tháp pháo, cấu hình thấp” (low-profile, common-remote-operated weapons station – LP CROWS) có thể quay video ban ngày và chụp ảnh nhiệt vào ban đêm, cùng chức năng theo dõi mục tiêu tự động và xác định khoảng cách bằng laser. Pháo 120mm của M1A2 SEPv3 bắn đạn đa năng tiên tiến. Đạn đủ sức phá boongke. Khi ở chế độ tấn công (airburst mode), M1A2 SEPv3 có thể tiêu diệt các đội tên lửa chống tăng dẫn đường từ khoảng cách 2,000 mét. Kể từ năm 2021, tất cả xe tăng Abrams đều có hệ thống bảo vệ (Trophy Active Protection System) tương tự xe tăng Merkava Mark IV của Israel.

    Israel: Merkava Mark IV

    Năm giới thiệu 2004; tổ lái bốn, cùng sáu “hành khách”; 71 tấn; $4.5 triệu.

    Dòng xe tăng Merkava nổi lên không lâu sau Trận chiến Yom Kippur năm 1973, được sử dụng trong Chiến tranh Lebanon năm 1982 và lăn lộn chinh chiến với nhiều cuộc giao tranh khác. Merkava Mark IV có thiết kế độc đáo, với động cơ gần phía trước xe, tạo không gian cho tối đa tám hành khách cùng tổ lái bốn người. Mặc dù đã cũ, xe tăng Israel vẫn hiện đại nhờ hệ thống bảo vệ đặc biệt (Trophy Active Protection System), được xem là lá chắn có công nghệ tốt nhất.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-2674823.jpg

    Merkava Mark IV (ảnh: IDF via Getty Images) 

    Trophy hoạt động bằng cách sử dụng các radar gắn trên xe để theo dõi và phân loại đường đạn tới. Khi xác định hỏa tiễn đối phương, xe tăng sẽ bắn các quả đạn nhỏ để phá hủy chúng. Trophy tỏ ra hiệu quả trong lần thử nghiệm chiến đấu đầu tiên vào năm 2011, khi một chiếc Merkava được trang bị hệ thống này đã vô hiệu hóa một rocket phóng từ dải Gaza. Năm 2018, Lực lượng Phòng vệ Israel công bố mẫu Merkava Mark IV Barak, loại “xe tăng thông minh” đầu tiên sử dụng cảm biến và kỹ thuật AI để thực hiện các nhiệm vụ như tránh chướng ngại vật cũng như phát hiện các mối đe dọa. Nhà sản xuất cũng đang phát triển mũ thực tế ảo “Iron View” cho phép quan sát 360 độ.

    Nhật Bản: Type 10

    Năm giới thiệu 2012; tổ lái ba; 48 tấn; $9 triệu.

    Type 10 được xem là xe tăng thế hệ thứ tư đầu tiên trên thế giới. Được phát triển bởi Viện Nghiên cứu và Phát triển Kỹ thuật của Nhật Bản trong hơn 10 năm, Type 10 nhẹ nhưng lớp giáp lẫn hỏa lực không hề giảm. Chỉ nặng 48 tấn ở cấu hình nặng nhất (M1 Abrams nặng 73 tấn), thân của Type 10 có lớp giáp gốm (ceramic armor) có thể thêm vào hoặc loại bỏ theo từng phần để mang lại khả năng bảo vệ cao ở những nơi cần thiết nhất. Vỏ xe và tháp pháo được làm bằng thép tinh thể nano đặc biệt nhẹ và chắc chắn.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-595016862.jpg

    Tăng Type-10 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (ảnh: Yuya Shino/Getty Images) 

    Pháo 120mm L/44 cực kỳ chính xác, nhờ công cụ dò tìm khoảng cách bằng laser và hệ thống điều khiển hỏa lực có thể tự động theo dõi, xác định và phân loại mục tiêu. Hệ thống treo khí nén chủ động (một công nghệ do nhà sản xuất xe hơi Citroën phát minh cho các xe thể thao của hãng) khiến xe di chuyển rất êm, giúp kíp lái dễ dàng canh tọa độ bắn. Trong một cuộc trình diễn ấn tượng được chiếu trong một video năm 2015, một sĩ quan Nhật đặt hai chiếc ly đầy rượu ngay ở đầu nòng súng chính. Khi thân chiếc Type 10 nâng lên hạ xuống (dù xe đứng yên tại một vị trí) và trong khi tháp pháo xoay gần 180 độ, hệ thống treo giảm chấn vẫn có thể giữ cho nòng súng hoàn toàn bằng phẳng và ly rượu không bị đổ.

    Đức: Leopard 2A7

    Năm giới thiệu 2014; tổ lái bốn; 71 tấn; $8.8 triệu.

    Với hơn 3,500 chiếc đang được vận hành và sử dụng bởi 19 quốc gia, Leopard là một trong những xe tăng phổ biến nhất hành tinh. Biến thể 2A7+ (được tối ưu hóa cho chiến tranh đô thị và xung đột cường độ thấp) có thêm lớp bảo vệ phía trước và lớp giáp che chắn chống lại bom vệ đường và súng phóng rocket. Leopard bắn đạn DM11 có thể được lập trình nổ phía trên mục tiêu hoặc trễ hơn một chút để tạo ra nhiều sát thương hơn.

    Hệ thống quan sát từ xa FLW 200 có thể phát hiện lính bắn tỉa. Những nâng cấp gần đây đã tạo ra sự thoải mái cho tổ lái, với hệ thống làm mát khoang trong tháp pháo và khung gầm. Các phiên bản trước đó của Leopard đã được sử dụng ở Kosovo vào năm 1999 và hỗ trợ quân đội Canada ở Afghanistan. Các phiên bản cũ hơn của Leopard 2 đã gây ấn tượng khi tác chiến ở Syria, nơi lực lượng ISIS dùng để hạ gục 10 xe tăng của quân Thổ Nhĩ Kỳ bằng tên lửa dẫn đường.

    Đức: KF51 Panther

    Năm dự kiến giới thiệu 2035; tổ lái ba; 65 tấn, chi phí sản xuất chưa xác định.

    Chiếc xe tăng mới này của gã khổng lồ vũ khí Đức Rheinmetall đang thu hút sự quan tâm lớn trong cộng đồng quốc phòng. Được đặt tên để vinh danh dòng xe tăng huyền thoại Panther, một loại xe tăng hạng trung thời Đại chiến Thế giới thứ hai, KF51 Panther sẽ thay thế Leopard 2 hiện tại của Đức và Leclerc của Pháp. Xe tăng này sử dụng đại bác khổng lồ 130mm. Được gọi là “Hệ thống súng tương lai Rheinmetall”, nó hiệu quả hơn 50% so với hệ thống pháp 120mm. Xe tăng sẽ mang “HERO 120”, tức “máy bay không người lái tự sát”. Hãng Rheinmetall cho biết họ đang phát triển một phiên bản tự hành, hoàn toàn không cần người điều khiển.

    Vương quốc Anh: Challenger 2

    Năm giới thiệu 1997; tổ lái bốn; 62.5 tấn; $4.9 triệu.

    Được đưa vào sử dụng từ năm 1998 và được nâng cấp nhiều lần kể từ đó, Challenger 2 thiếu khả năng phòng thủ phức tạp của xe tăng thế hệ thứ tư hiện đại, nhưng pháo chính 120mm được đánh giá cao về độ chính xác và tin cậy. Ngoài ra nó mang 50 viên đạn, so với 42 của M1A2 Abrams. Challenger từng tiêu diệt xe tăng Iraq ở xa 5 km và là độ xa nhất từng được ghi nhận với một khẩu pháo xe tăng. Ngoài lớp giáp gốm-composite Chobham (Chobham ceramic-composite armor), hệ thống phòng thủ của Challenger 2 còn có màn khói để che chắn, đánh lạc hướng và gây bối rối cho kẻ thù.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-1184203297.jpg

    Challenger 2 (ảnh: Finnbarr Webster/Getty Images) 

    Pháp: Leclerc Scorpion XLR

    Năm giới thiệu 2022; tổ lái ba; 63 tấn; $4 triệu.

    Xe tăng của Pháp đã được nâng cấp đáng kể trong năm nay. Phiên bản Leclerc Scorpion XLR mới có thiết bị gây nhiễu IED và GALIX, một hệ thống giúp che giấu xe bằng cách sử dụng các cảm biến thông minh để bắn mồi nhử hoặc tạo mây khói 360 độ từ 24 bệ phóng gắn trên xe. Leclerc tự hào về hiệu suất nhiên liệu vượt trội với phạm vi hoạt động hơn 340 dặm, tốt hơn 117 dặm so với Abrams. Lớp giáp nâng cấp và khung gầm giúp động cơ được bảo vệ tốt hơn trước mối đe dọa ngày càng tăng từ tên lửa chống tăng vác vai. Pháo chính 120mm Giat Industries dài 6.2 m. XLR cũng có một ụ vũ khí điều khiển từ xa gắn trên tháp pháo cho phép kíp lái bắn súng máy 7.62mm từ bên trong xe tăng.

    Nga: T-14 Armata

    Năm giới thiệu 2022; tổ lái ba; 52 tấn; $4 triệu. 

    T-14 Armata là xe tăng hiện đại nhất của Nga. Ngoài pháo nòng 2A82-1M 125mm với bộ nạp đạn tự động, Armata có một loại vũ khí phòng thủ mới: màn khói giúp vô hiệu hoá các hệ thống vũ khí dẫn đường bằng cách phản xạ nhiệt và ánh sáng. Tuy nhiên, công nghệ tiên tiến và việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng của Nga dường như đang khiến Armata sa lầy. Nga đã lên kế hoạch bắt đầu sản xuất vào năm 2020 có thể phải đến năm 2023 hoặc muộn hơn mới có thể “ra lò”.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-472439702.jpg

    T-14 Armata (ảnh: Sasha Mordovets/Getty Images) 

    Trung Quốc: Type 99A

    Năm giới thiệu 2011; tổ lái ba; 64 tấn; $2.6 triệu.

    Nhờ động cơ 1,500 mã lực và trọng lượng nhẹ, Type 99A có thể di chuyển với tốc độ gần 50 dặm/giờ. Xe có kiểu dáng tháp pháo góc cạnh và lớp giáp composite được tăng cường bởi các tấm bên hông. Hệ thống bảo vệ GL5 do Trung Quốc sản xuất có thể nhận biết tên lửa chống tăng điều khiển từ xa từ khoảng cách 100 mét và vô hiệu hóa chúng. Hệ thống liên lạc bằng laser có thể truyền các thông điệp được mã hóa đi xa 2.2 dặm và cũng giúp tổ lái phân biệt giữa quân mình và kẻ thù bằng cách phân biệt tần số vô tuyến. Với hơn 7,000 xe tăng (trong đó có 1,200 chiếc Type 99), Trung Quốc hiện chỉ đứng sau Nga về sức mạnh xe tăng.

    Hàn Quốc: K2 Black Panther

    Năm giới thiệu 2014; tổ lái ba; 61 tấn; $8.5 triệu trở lên.

    K2 Black Panther có thể là chiếc xe tăng thích ứng nhất với môi trường tác chiến từng được chế tạo. Tháp pháo kín nước và ống thở gắn trên cho phép nó chìm xuống độ sâu hơn 12 feet để vượt qua những nơi ngập nước. Hệ thống treo tiên tiến cho phép kíp lái nâng khung gầm lên đến 16 inch; đặt nó theo kiểu dáng “quỳ” hoặc “ngồi” để tăng tùy chọn trong việc nhắm mục tiêu. Hệ thống treo còn giúp khẩu pháo CN08 120mm có thể nâng lên đến 24 độ, cho phép nó nhắm tốt hơn khi muốn bắn các máy bay bay thấp, so với chỉ 20 độ của xe tăng Abrams. Mặc dù có tổng trọng lượng chỉ 55 tấn, áo giáp của xe tăng này có thể chịu được đòn đánh trực tiếp từ đạn bắn ra từ pháo 120mm của chính nó trong quá trình thử nghiệm.

    https://saigonnhonews.com


    Không có nhận xét nào