Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Cuộc chiến Nga-Ukraine và sự lấn lướt của Trung Quốc đã gây căng thẳng trước hội nghị thượng đỉnh.
Một thiên đường với những cây cọ và dứa, nắng, cát và sự thanh bình là những gì bạn nghĩ đến khi nói về Bali.
Nhưng tuần này, hòn đảo của Indonesia sẽ tổ chức cái có thể là phiên bản căng thẳng nhất của G20, hoặc Nhóm 20 quốc gia.
Hội nghị thượng đỉnh hàng năm - bao gồm 19 nền kinh tế tiên tiến và mới nổi và EU - được thành lập sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1999. Và nó tự coi mình là một câu lạc bộ của các siêu cường quản lý các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Và lần này, có rất nhiều điều để khối này thảo luận - cuộc chiến Nga-Ukraine, căng thẳng Mỹ-Trung, lạm phát tăng vọt, mối đe dọa suy thoái toàn cầu, mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Hàn, và có lẽ đáng báo động nhất, trái đất nóng lên nhanh chóng.
Với tất cả những điều này, nước chủ nhà và Tổng thống Indonesia Joko Widodo hy vọng sẽ đóng vai trò là người cầm chịch. Ông ấy có thể làm được không?
Thời đại sống nguy hiểm
Khi phát biểu trước cuộc họp G20, ông Widodo có vẻ lạc quan về những gì được mô tả là G20 tinh tế và căng thẳng nhất về mặt ngoại giao từ trước đến nay.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau vào thứ Hai - và cuộc đụng độ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến ông Widodo lo lắng.
Chụp lại hình ảnh,
"Không thể có hòa bình nếu không có đối thoại", Joko Widodo - người thường được biết đến với cái tên Jokowi nói
"Không thể có hòa bình nếu không có đối thoại", ông nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn độc quyền tại dinh tổng thống ở Jakarta.
"Nếu Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden có thể gặp gỡ và nói chuyện, điều đó sẽ rất tốt cho thế giới, đặc biệt là nếu họ có thể đi đến một thỏa thuận về cách giúp thế giới phục hồi."
Giống như nhiều nước châu Á, Indonesia đã được hưởng lợi từ nhiều thập kỷ tự do thương mại và chủ nghĩa đa phương. Mỹ luôn là đối tác chiến lược toàn cầu quan trọng nhất của Indonesia, nhưng trong thập kỷ qua, Trung Quốc liên tục được xếp hạng là một trong hai nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của nước này.
Điều đó khiến việc định hướng mối quan hệ giữa hai gã khổng lồ trở nên khó khăn.
Một kỷ nguyên mà Trung Quốc và Mỹ không hòa hợp là một kỷ nguyên nguy hiểm hơn nhiều so với kỷ nguyên mà Indonesia và các quốc gia châu Á khác đã quen với.
Giới quan sát cho rằng, căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh làm tăng nguy cơ xung đột ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, cũng có những lo ngại về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, ở Ukraine hoặc trên bán đảo Triều Tiên, nơi Bình Nhưỡng đã bắn số lượng tên lửa kỷ lục trong năm nay.
Ông Widodo, còn được gọi là Jokowi, nói: "Việc sử dụng vũ khí hạt nhân vì bất kỳ lý do gì, đều không thể được dung thứ. Tiềm năng sử dụng hạt nhân ngày càng tăng là ... rất nguy hiểm cho hòa bình và ổn định thế giới."
Để các nước cùng thảo luận
Một vấn đề quan trọng đối với cá nhân ông Jokowi là an ninh lương thực - đặc biệt là khi cuộc chiến ở Ukraine, theo quan điểm của ông, là nguyên nhân khiến giá cả tăng cao, điều ảnh hưởng trực tiếp đến 275 triệu dân Indonesia.
Ông lịch sự gọi cuộc xâm lược Ukraine của Nga là một "cơn đau đầu", một điều đang "chiếm lấy tâm trí ông".
Đảm bảo việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc ổn định và nhất quán là một trong những lý do tại sao - trước cuộc họp - ông đã đi khắp thế giới, gặp gỡ các Tổng thống Vladimir Putin và Volodymyr Zelensky để thuyết phục họ đến dự cuộc họp.
ông đã hy vọng họ có thể bàn thảo. "Tôi nghĩ sẽ thật tuyệt nếu họ [Tổng thống Vladimir Putin và Volodymyr Zelensky] có thể ngồi cùng bàn - để giải quyết các vấn đề tồn tại, bởi vì các vấn đề mà chúng ta đang giải quyết hiện nay nằm trên mọi mặt trận," ông Widodo nói.
Ông Putin sẽ không đến, các nhà ngoại giao Nga cho biết, nhưng ông Zelensky có thể tham dự trực tuyến.
Vũ điệu thiên nga của Jokowi
G20 là bữa tiệc sắp ra mắt của Indonesia cũng như là vũ điệu thiên nga của ông Widodo - ông đang ở giai đoạn cuối của nhiệm kỳ tổng thống và vào năm 2024, ông sẽ phải từ chức sau hai nhiệm kỳ cầm quyền.
Lần đầu tiên tôi gặp ông vào năm 2012, với tư cách là thống đốc Jakarta khi đó, ông khi ấy trẻ hơn và có lý tưởng hơn. Được coi là "người ngoài cuộc" đầu tiên trở thành tổng thống trong lịch sử Indonesia, ông được bầu với tư cách là người của nhân dân, một nhà dân chủ của đảng dân chủ.
Kể từ đó, ông phải cai quản một quần đảo rộng lớn gồm 17.000 hòn đảo, một đất nước trải dài từ tây sang đông giữa London và Baghdad, với hàng trăm ngôn ngữ và sắc tộc khác nhau ở giữa.
Đó là một thách thức mà tôi đã viết trước đây và trong vài năm qua, tôi đã chứng kiến Jokowi, người của nhân dân, biến thành tổng thống Jokowi. Bây giờ là một người theo chủ nghĩa thực dụng, ông trở thành một người xây dựng liên minh; một người biết rằng anh ta phải thỏa hiệp để không chỉ tồn tại mà còn phát triển. Các nhà phê bình nói rằng ông không còn là nhà dân chủ như trước đây. Các nhóm nhân quyền và các nhà vận động môi trường đều nói rằng ông luôn đặt nền kinh tế lên trên các lợi ích dân chủ.
Mặc dù ông vẫn cực kỳ nổi tiếng theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng xếp hạng tín nhiệm của ông đã giảm gần đây, một phần là do giá cả tăng cao.
Tuy nhiên, quốc gia này đã vượt qua suy thoái kinh tế hiện tại tốt hơn các quốc gia khác, được Quỹ Tiền tệ Quốc tế mô tả là một "thành tích tốt" trong số các nền kinh tế khu vực.
Rõ ràng là ông Widodo muốn bảo tồn và phát triển di sản kinh tế mà ông để lại cho Indonesia.
"Điều chúng tôi muốn thấy vào năm 2045 là kỷ nguyên vàng của Indonesia sẽ thực sự thành hiện thực," ông nói vào cuối cuộc trò chuyện của chúng tôi. "Đến năm 2030, chúng tôi kỳ vọng Indonesia sẽ trở thành nền kinh tế số 7 thế giới."
Đó là một tham vọng cao cả, và là một tham vọng sẽ gây được tiếng vang với nhiều công dân của ông. Nhưng đó cũng là một thứ có thể nằm ngoài tầm tay của ông.
Tương lai của Indonesia phụ thuộc vào môi trường kinh tế toàn cầu ổn định - điều mà ông Widodo hy vọng sẽ đạt được gần hơn tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tuần tới.
https://www.bbc.com/vietnamese
Không có nhận xét nào