Header Ads

  • Breaking News

    Dính tới Vạn Thịnh Phát, Phó chủ tịch Việt+ TP.HCM cũng nhảy lầu tự tử


    Chiều 19-11-2022, ông Hứa Ngọc Thuận, tức Bảy Thuận, cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM lên sân thượng nhà riêng tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng nhảy lầu tự tử. Hàng xóm phát hiện tri hô, ông Thuận được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố, tuy nhiên ông Thuận đã tử vong trên đường đi. Cán bộ đảng viên thành Hồ một phen sững sốt, dân chúng thì bàn tán xôn xao, rất nhiều dấu hỏi được đặt ra…

    Hứa Ngọc Thuận sinh năm 1956, quê Châu Thành, Bến Tre. Nói là quê Bến Tre, nhưng gia đình ông Thuận sau năm 1975 đã bỏ quê để lên Sài Gòn kiếm sống. Từ một anh chàng lơ xe vô danh tiểu tốt, được người bà con giới thiệu và bảo lãnh, Hứa Ngọc Thuận xin vào đội xe phục vụ thành uỷ thành Hồ. Bản tính láu cá và giỏi “điếu đóm” nên được lòng các quan anh, một thời gian sau, Bảy Thuận được bố trí trở thành tài xế riêng của Uỷ viên Ban thường vụ Thành uỷ Nguyễn Võ Danh, tức Bảy Dự.

    Tại đại hội đảng bộ thành Hồ lần thứ 4, nhiệm kỳ 1986-1991, khi ông Nguyễn Võ Danh được bầu làm Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, thì tài xế Bảy Thuận cũng “lên đời” theo. Từ lái xe, Hứa Ngọc Thuận mau chóng trở thành cán bộ của Văn phòng Thành uỷ. Được theo học những lớp “tốc hành”, Bảy Thuận trang bị cho mình Cao cấp Chính trị, cử nhân kinh tế, rồi thạc sĩ kinh tế…. và leo dần lên những nấc thang quyền lực. Ông ta từng giữ các chức vụ Chánh Văn phòng Thành uỷ, Bí thư Quận uỷ Gò Vấp, Uỷ viên Ban thường vụ Thành uỷ, Trưởng Ban quản lý đầu tư xây dựng khu Nam TPHCM và chức vụ cuối cùng là Phó Chủ tịch UBND TPHCM suốt hai nhiệm kỳ, từ tháng 7- 2009 đến tháng 12- 2016.

    Ngồi ghế Phó Chủ tịch UBND TP, Bảy Thuận được giao phụ trách các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể dục thể thao, xuất bản - báo chí, y tế, quản lý dược, lao động - thương binh- xã hội, kiêm đồng chủ tịch Hội đồng đại học Thành phố. Sai phạm cá nhân trong giai đoạn này đáng kể là vào năm 2013 và quý 1 năm 2014, Hứa Ngọc Thuận với cương vị Phó chủ tịch UBND TP, đã “bật đèn xanh” cho các bệnh viện công lập không tổ chức đấu thầu để mua thuốc, chỉ đạo các cơ sở y tế mua thuốc theo hình thức gia hạn hợp đồng, mua sắm trực tiếp, áp đơn giá trúng thầu của bệnh viện Chợ Rẫy năm trước…
    Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ số 1574/KL-TTCP năm 2019, hành vi của ông Thuận vi phạm các nguyên tắc, quy định của nhà nước, đó cũng là tiếp tay cho việc VN Pharma trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện, để tuồn hàng chục loại thuốc giả vào bệnh viện. Chỉ đạo của ông Thuận cũng đã tạo điều kiện cho quan chức y tế lộng quyền và tham nhũng.

    Tuy vậy, sai phạm đáng chú ý nhất là giai đoạn Hứa Ngọc Thuận làm Trưởng Ban quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Nam TPHCM. Theo quyết định số 3798/1998/QĐ-UB-QLĐT, quyền lực của trưởng ban vô cùng lớn, tóm lược như sau:

    - Tiếp nhận hồ sơ và tổ chức thẩm định các dự án để trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đầu tư hoặc cấp phép đầu tư và triển khai các dự án đầu tư;
    - Tổ chức việc đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư;
    - Đầu mối làm thủ tục theo yêu cầu của chủ đầu tư trong việc cho thuê đất, giao đất và cấp chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;
    - Đầu mối tổ chức đấu thầu quyền sử dụng đất…

    Khu Nam Sài Gòn gồm quận 7, huyện Nhà Bè, phía nam quận 8 và phía nam huyện Bình Chánh. Khu này có diện tích lên đến 2.975 hecta, trong đó, trọng tâm khu đô thị phía Nam là quận 7 và khu đô thị cảng Hiệp Phước. Hàng trăm hecta đất của dân bị cưỡng chế thu hồi, đền bù giải toả với giá rẻ mạt, tạo nên những oan khiên ngút trời. Hàng tỷ Mỹ kim ngân sách nhà nước đổ vào đây xây dựng hạ tầng, bao nhiêu trong số đó chảy vào túi Bảy Thuận và đồng bọn thì có trời mới biết. Dân bị đuổi đi, nhường chỗ cho các đại gia bất động sản như Sunshine Group, Vạn Thịnh Phát, VinGroup, GS E&C, Phú Mỹ Hưng, Novaland… thu tóm đất đai.

    Chỉ riêng Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan đã có được:
    - Dự án Mũi Đèn Đỏ (Sài Gòn Peninsula) có diện tích gần 118 hecta
    - Dự án Bonville Land, gồm 56,3 hecta
    - Olimpia Field: 12,5 hecta
    - Sterling Residence: 26 hecta

    Để tạo vây cánh và nâng đỡ người thân tham chính, Hứa Ngọc Thuận “cõng” em ruột của mình là Hứa Ngọc Thảo vào quan trường. Hứa Ngọc Thảo ít được báo chí gọi tên, nhưng thật ra chính là cái tên gây nhức nhối, phẫn nộ đối với người dân Thủ Thiêm nói riêng và địa bàn quận 2 nói chung, bởi tội ác trời không dung đất không tha, mức độ tham lam, khát máu và tàn bạo mà Thảo đã gây ra.

    Hứa Ngọc Thảo, bào đệ hung tàn của Hứa Ngọc Thuận
    Sau khi đi nghĩa vụ quân sự từ chiến trường K trở về, Hứa Ngọc Thảo được anh trai đưa vào công tác, làm cán bộ nguồn tại phường Thảo Điền, quận 2, thành Hồ, rồi nhanh chóng leo lên Bí thư Đảng uỷ phường Thảo Điền quận 2, nhiệm kỳ tháng 4/2003 đến 4/2007. Khi Bảy Thuận ngồi ghế Trưởng Ban quản lý khu Nam, thì em trai Hứa Ngọc Thảo cũng điền tên vào Quận ủy viên, Trưởng ban Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 2. O ép dân trong đền bù, huy động công an để cưỡng chế, đánh đập, cầm tù, bức tử những ai chống đối… là ngón nghề tinh quái “một tay che Trời” của Trưởng ban Hứa Ngọc Thảo gây ra.

    Anh em Thuận - Thảo chính là những đồ đệ trung thành vô hạn của các hung thần Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua…
    Tháng 7-2011, khi Hứa Ngọc Thuận tiếp tục là Phó chủ tịch thành Hồ nhiệm kỳ hai, thì Hứa Ngọc Thảo được Lê Hoàng Quân ký Quyết định số 122/QĐ-UBND-TC bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 2. Mặc dù vơ vét không biết bao nhiêu tiền của từ mồ hôi và máu của dân, nhưng có lẽ anh em Thuận - Thảo vẫn cảm thấy chưa đủ, nên chúng vội vàng “thiết kế” cho đời con tiếp nối.
    Con trai Hứa Ngọc Thuận là Hứa Quốc Hưng, sinh năm 1982, hiện sống tại căn hộ cao cấp ở Chung cư Grandview C, đường Nguyễn Đức Cảnh, khu phố 4, phường Tân Phong, Quận 7. Hứa Quốc Hưng cũng sở hữu rất nhiều nhà đất ở Sài Gòn. Quan bố Hứa Ngọc Thuận đã đưa con trai mình du học bằng tiền thuế của dân, núp bóng đề án “Chương trình 300 Thạc sĩ - Tiến sĩ của Thành ủy” từ tháng 6-2006 đến 12-2007, cùng đợt với Lê Trương Hải Hiếu, con trai Lê Thanh Hải, Bí thư thành Hồ. Hải Hiếu học ở Mỹ, còn Quốc Hưng học Thạc sĩ Quản lý dự án ở London, Vương Quốc Anh.

    Về nước, Hưng được bố trí vào Phòng Kế hoạch Đầu tư, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, hai năm sau nhảy vọt lên Phó Giám đốc Ban Quản lý, được kết nạp vào đảng và nhanh chóng ngồi vào ghế Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Giám đốc Ban Quản lý Dự án 2, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM.

    Đầu năm 2016, trước khi nghỉ hưu, Hứa Ngọc Thuận đưa con trai vào ngồi ghế Quận ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình. Đến cuối năm 2019, Hưng được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TPHCM, Phó Trưởng Ban Quản lý, rồi Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP (tên giao dịch là Hepza). Bỗng lộc, quyền lực của Trưởng ban Hepza ghê gớm ra sao, không nói bạn đọc cũng có thể đã hình dung ra.

    Hứa Quốc Hưng sẽ còn leo cao hơn, bởi Hưng được trang bị bằng Kiến trúc sư, Thạc sĩ Quản lý dự án, cao cấp Lý luận Chính trị, chiến sĩ thi đua cấp TP và từng lọt vào danh sách ứng viên đại biểu Quốc hội khoá 15 nhưng bị “out”.

    ***
    Cuối tháng 10-2022, Bộ Công an yêu cầu Cơ quan An ninh TPHCM rà soát, xác định và cung cấp thông tin các quyền sử dụng đất của 156 bất động sản liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để làm rõ có nguồn gốc, hoặc không có nguồn gốc Nhà nước. Lúc này các cựu quan chức thành Hồ từng hà hơi, giúp sức cho Trương Mỹ Lan thu tóm bất động sản, đất vàng ở Sài Gòn bắt đầu lạnh sống lưng. Những cái tên được dư luận đồn đoán và điểm mặt gồm: Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Văn Hiếu, Võ Văn Hoan… Và tất nhiên, không thể thiếu cái tên Hứa Ngọc Thuận.

    Nhìn bản mặt thiểu não, thất thần của các quan chức thành Hồ khi ra toà, bị kết án và bị tuyên bồi thường thiệt hại đã gây ra như Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài, Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn, Tất Thành Cang… Hứa Ngọc Thuận bắt đầu cảm thấy sợ hãi, hoàn toàn không muốn đến phiên mình, nên đành chọn “lối đi riêng” khi bị đồng đảng dồn đến chân tường để thanh trừng.

    Lo sợ ngày đền tội đã đến, sẽ bị niêm phong tài sản, vợ con sẽ mất tất cả… nên Bảy Thuận đã chọn cách nhảy lầu, tự kết liễu đời mình. Chọn cái chết để giữ lại tài sản cho vợ con ông ta, thay vì bị bắt, lãnh án rồi đi tù, gia sản bị tịch thu, bao năm vơ vét, cướp của dân để rồi bị Đảng và Nhà nước cướp lại, lại còn được các quan chức lãnh đạo tới viếng đám tang với những dòng chữ "vô cùng thương tiếc", thay vì bị xem như một tên tội phạm … là lựa chọn được cho là “khôn ngoan” của Hứa Ngọc Thuận.

    Như vậy, cho đến nay, liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát đã có bốn người bỏ mạng.
    Ba người chết trước đó lần lượt là ông Nguyễn Tiến Thành, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị, kiêm tổng giám đốc công ty cổ phần Chứng Khoán Tân Việt (TVSI); bà Nguyễn Phương Hồng, thành viên Hội Đồng Quản Trị của ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn (SCB); ông Nguyễn Ngọc Dương, giám đốc công ty Sài Gòn Penninsula, và là cựu tổng giám đốc công ty Vạn Phát Hưng. Cả ba người kể trên đều là thuộc hạ thân tín của Trương Mỹ Lan. Và nay, Hứa Ngọc Thuận là quan chức cao cấp đầu tiên bị “cuốn theo chiều gió”.

    Có thể nói rằng, đảng CSVN đã đào tạo nên những cán bộ thật “trung kiên”, điển hình như Hứa Ngọc Thuận, thể hiện qua các hành động:
    - Kiên quyết đưa anh em, con cái vào quan trường để “phục vụ” nhân dân, không cần đạo đức và năng lực.
    - Kiên định nền tảng tư tưởng của đảng, thà chết chứ không để bị kỷ luật, khai trừ, vì như vậy là làm mất uy tín đảng.
    - Không để các đồng chí là đảng viên em, đảng viên vợ và đảng viên con bị liên luỵ và phải “móc hầu bao” nộp tiền được giảm tội như trường hợp cựu bí thư, chủ tịch Đồng Nai là Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái.
    Sáng 23-11-2022 diễn ra “lễ truy điệu” và đưa đi chôn đảng viên cộng sản Hứa Ngọc Thuận. Chắc chắn điếu văn mà đồng đảng dành cho họ Hứa, sẽ có đoạn “đồng chí Bảy Thuận là cán bộ kiên trung, trọn đời theo đảng, một đời vì nước vì dân…”.
    Dư luận Sài Gòn tán gẫu rằng, nếu như bà Phó Đoan trong tiểu thuyết Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng được tặng danh hiệu “Tiết hạnh khả phong”, thì tại nhà riêng của Hứa Ngọc Thuận, đảng của ông Nguyễn Phú Trọng cũng nên gắn bảng vàng “Vô sản lưu manh khả phong” cho Thuận.

    Không có nhận xét nào