Header Ads

  • Breaking News

    Chuyên gia: Việt Nam có tìm được chỗ đứng trong ngành bán dẫn?

    Chuyên gia: Việt Nam có tìm được chỗ đứng trong ngành bán dẫn?

    Một sinh viên đang nhìn kính hiển vi trong phòng nghiên cứu ở một trường đại học tại Hà Nội. /Reuters 

    Tiếp theo bài phỏng vấn trước về ngành bán dẫn trong bối cảnh chính trị toàn cầu, ở phần này, nhà nghiên cứu Hải Đăng giải thích về khả năng Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nó. 

    RFA: Xin ông vui lòng giải thích sự ra đời của thuật ngữ "friend-shoring": Nó có nghĩa là gì? Tại sao Mỹ cần làm như vậy? Theo ông chiến lược “friend-shoring” này có tiềm năng thành công hay không?

    Hải Đăng: Theo như tôi hiểu thì friend-shoring (sản xuất tại các quốc gia thân thiện) là thuật ngữ được dùng để chỉ xu hướng chuyển dịch của lĩnh vực sản xuất chế tạo trong khoảng một thập niên gần đây do Mỹ khởi xướng. 

    Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chiến lược này, nhưng trước tiên là để tối ưu hóa chi phí nhờ tận dụng ưu đãi thuế, nhân công giá rẻ, các quy định về môi trường còn chưa quá nghiêm ngặt, … trong khi những lợi thế này ở Trung Quốc (vốn là công xưởng của thế giới) đang dần mất đi (dân số già hóa, chi phí nhân công leo thang). 

    Ngoài ra, Mỹ cần chủ trương xây dựng các dây chuyền cung ứng mới đặt bên ngoài Trung Quốc để tránh những thiệt hại do chính sách đối đầu thương mại giữa hai nước – từ thuế đến công nghệ. 

    Thứ nữa, việc tránh hoặc giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc cũng là để tránh các rủi ro không thể kiểm soát, chẳng hạn những lần nhiều nhà máy phải đóng cửa do chính sách zero Covid cực đoan mà chính phủ Trung Quốc thời gian qua đã áp đặt. 

    Rất khó để dự đoán chiến lược này liệu có thành công hay không bởi vai trò công xưởng của Trung Quốc không thể chỉ trong một thời gian ngắn mà thay thế được, cho dù thị trường gia công của Ấn Độ và Đông Nam Á cũng hết sức hấp dẫn. 

    Tuy nhiên, cá nhân tôi tin rằng Mỹ vẫn chiếm lợi thế nhờ sức mạnh khoa học công nghệ vượt trội, sự thống trị của đồng USD, mạng lưới đồng minh rộng khắp cùng vai trò định hướng, dẫn dắt “cuộc chơi” toàn cầu.   

    RFA: Mỹ đang nỗ lực xây dựng “Liên minh chip 4” gồm Mỹ và ba nước công nghiệp phát triển ở châu Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Theo ông, Việt Nam có phải là một "quốc gia thân thiện" để Hoa Kỳ "friend-shoring" hay không? Liệu Mỹ có thể tin tưởng Việt Nam đến mức sẽ chuyển sang đó những công đoạn quan trọng nhất của ngành sản xuất chip?

    Hải Đăng: Tôi tin Việt Nam là một “quốc gia thân thiện” và có vị trí địa chiến lược quan trọng trong mắt Mỹ để có thể và sẽ đóng một vai trò nhất định trong chiến lược friend-shoring. 

    Trên thực tế, Việt Nam hiện đã là một trong những đối tác thương mại quan trọng (đứng đầu ASEAN về xuất khẩu vào Mỹ và trong top năm thế giới về thặng dư thương mại với Mỹ), mặc dù phần lớn miếng bánh đều nằm trong tay khối FDI và vẫn đang ở vị thế tương đối thấp trong chuỗi giá trị. 

    Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, việc leo lên nấc thang cao tới đâu là tùy thuộc vào bản lĩnh của Việt Nam chứ không thể trông chờ vào sự “ưu ái” của Mỹ. Lấy ví dụ, trong thập niên 1970 – 1980, mặc dù cùng là đồng minh thân thiết của Mỹ và với xuất phát điểm không khác nhau bao nhiêu nhưng Hàn Quốc và Đài Loan lại phát triển vượt bậc so với Philippines, Thái Lan, … Singapore và Mã Lai cũng đầu tư rất mạnh cho ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch,… song vẫn không thể cạnh tranh với Đài Loan và Hàn Quốc.          

    Do đó, Việt Nam sẽ phải quyết tâm và nỗ lực rất nhiều nếu muốn có ngày được ngồi “chung chiếu” với Liên minh chip 4 kia.  

    RFA: Ông đánh giá thế nào về năng lực giáo dục, công nghệ và thể chế ở Việt Nam? Nhìn từ phía Mỹ, với đặc điểm chính trị, kinh tế, kỹ thuật và giáo dục của Việt Nam, các công ty sản xuất chip của Mỹ nên chuyển sang đó những công đoạn nào?

    Hải Đăng: Về điểm này thì tôi khá bi quan bởi nền giáo dục Việt Nam đương đại, nhất là ở bậc đại học, đang rất lạc hậu và lạc nhịp so với thế giới (thiếu thốn đủ đường từ cơ sở vật chất cho đến nguồn lực lẫn hệ sinh thái thúc đẩy tự do sáng tạo và hiện thực hóa các ý tưởng, ...), bên cạnh sự kìm kẹp của thể chế (về mặt ý thức hệ, tư duy kinh tế lệch lạc cùng chính sách quản lý yếu kém) khiến ngành công nghệ khó cất cánh.

    Các lãnh đạo, doanh nghiệp và cả người dân Việt Nam không phải là không có ước mơ về một quốc gia  công nghệ mạnh, và sự thực là họ đang rất nỗ lực để chứng tỏ điều đó, ít nhất là về mặt truyền thông (thể hiện qua vô số phát ngôn, tuyên bố, diễn đàn, hội thảo, … nghe rất sướng tai).

    Tuy nhiên, cái thiếu và yếu nhất của Việt Nam chính là “nền tảng”. Khi chưa có nền tảng vững vàng thì đừng mong đi xa hay bứt phá. Thử lấy một ví dụ đơn giản: các fab bán dẫn tiêu thụ rất nhiều điện năng, còn Việt Nam thì hiện vẫn thiếu năng lượng,… Hay ngành sản xuất chip cũng đòi hỏi sự phát triển tương ứng của ngành công nghiệp hóa chất, vật liệu, … Những thứ này Việt Nam đã đảm bảo đáp ứng được chưa? 

    Cùng hồi tưởng lại thì ngay từ thập niên 1970 – 1980, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã từng ấp ủ ý định xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn cho Việt Nam khi đặt mua một dây chuyền sản xuất của hãng Thomson-CFS (tiền thân của tập đoàn Thales Group, Pháp), nhưng do cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ và vấn đề hậu cần lúc đó còn nhiều yếu kém, những nỗ lực của ông đã không thể mang lại kết quả như mong muốn. 

    Sau này, GS. Đặng Lương Mô (Việt kiều Nhật hồi hương, hiện sống tại Sài Gòn, nguyên Viện trưởng Viện Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ trước 1975, giáo sư Đại học Hosei và chuyên gia bán dẫn của tập đoàn Toshiba) cũng đã làm việc không ngừng nghỉ với nhiều đề xuất và dự án tâm huyết nhằm giúp ngành bán dẫn vi mạch nước nhà cất cánh, nhưng thành quả hãy còn hết sức khiêm tốn. 

    Hay kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất dẫn trên tiến trình 130nm/180nm trị giá 350 triệu USD tại Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) cũng bị ngừng lại vô thời hạn do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, … Đó quả là những chuyện đáng tiếc. 

    Nếu các công ty chip của Mỹ có chuyển giao một số công đoạn sang Việt Nam thì tôi cho đó vẫn sẽ chỉ là những thứ ở vị trí thấp hơn trong chuỗi giá trị như đóng gói, kiểm thử,… 

    Có một mảng nữa mà các kỹ sư Việt Nam có thể làm tương đối tốt là thiết kế, nhưng sự cạnh tranh là không nhỏ và cũng không dễ để chiếm lĩnh thị phần. 

    Thứ nữa, Việt Nam không nên lạc quan và kỳ vọng thái quá về việc các cường quốc bán dẫn (Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc) mang những công nghệ tiên tiến nhất sang Việt Nam vì đó là bí mật, lợi thế cạnh tranh quốc gia ... Chẳng hạn, Đài Loan có hẳn đạo luật cấm TSMC và các hãng công nghệ mang những công nghệ tiên tiến nhất sang Trung Quốc.  

    Theo nhận định của GS Đặng Lương Mô, trong cuốn “Hồi ký tuổi 80” thì với một số thành tựu nhất định của Trung tâm Thiết kế Vi mạch ICDREC do ông hậu thuẫn thành lập thì sự phát triển của lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam nhìn chung đã có kết quả tốt. Hay chí ít là Việt Nam cũng đã có năng lực nghiên cứu, thiết kế chip (tức có một nửa), chỉ còn thiếu công nghệ chế tạo. Mặc dù Việt Nam là nước có dân số lớn với nhu cầu không nhỏ về chip vi mạch, nhất là trên các sản phẩm dân dụng, nhưng nguồn cung hiện tại hầu như đã ổn định và rất khó chen chân vào, vì thế cần thận trọng khi đặt vấn đề xây dựng nhà máy sản xuất đại trà. 

    Ngày nay, để nắm bắt công nghệ chế tạo chip, người ta không còn nhất thiết phải xây dựng nhà máy (bởi ngay đến Apple hay Qualcomm đều không tự sản xuất con chip di động của mình, mà thuê TSMC làm việc đó). Vì thế Giáo sư Đặng Lương Mô gợi ý, Việt Nam nên lưu ý một hướng đi mới đang được nhiều đối tác và liên minh bán dẫn tại Nhật Bản theo đuổi, đó là công nghệ xưởng cực tiểu (minimal fab) – sử dụng phương pháp luận hoàn toàn ngược với xu hướng hiện nay, hứa hẹn mang lại năng lực sản xuất mà không cần xây dựng nhà máy hàng tỷ USD, cho phép các cơ sở nghiên cứu, trường đại học, công ty vừa và nhỏ,… hay thậm chí cá nhân cũng có thể tham gia cuộc chơi bán dẫn.         

    RFA trân trọng cảm ơn nhà nghiên cứu Hải Đăng đã chia sẻ với chúng tôi bài phỏng vấn này. 

    https://www.rfa.org


    Không có nhận xét nào