Vì không kỳ vọng gì vào các phiên chất vấn nên từ lâu tôi đã không theo dõi các phiên họp từng được chờ đợi này. Sáng nay, có người gửi cho cái link của báo điện tử VTV nói, "Dư luận đánh giá cao phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng", mới nhân tiện xem phần trả lời của Nguyễn Thanh Nghị, tự nhiên chẳng muốn làm gì.Với những câu chất vấn trực tiếp trước QH mà Nghị vẫn phải cắm mặt vào tờ giấy. Tờ giấy mà Văn phòng chuẩn bị cho Nghị lại cũng rất cẩu thả sơ sài. Những nội dung chồng lấn liên ngành, khi được mời, cả bà Thống đốc và ông Bộ trưởng Giao thông mới được bổ nhiệm vài tuần, đều trình bày lưu loát và tỏ ra am hiểu ngành xây dựng hơn cả Nghị.
Hôm qua, một vị giáo sư khả kính xem chất vấn, viết trên tường của ông rằng, trình độ như Nghị chỉ nên đi dạy, bố Nghị đôn Nghị lên như thế là hại Nghị. Sáng nay, một bà giáo sư uyên bác khác phản đối nam đồng nghiệp, vì theo bà, "nghề giáo không dễ thế... cắm mặt vào đọc giáo án chẳng may sinh viên nó hỏi không lẽ để mai thầy trả lời".
Một bộ trưởng nổi tiếng thanh liêm từng nhận xét, "Ba Dũng thông minh nhưng nó tham quá". Tôi hỏi ông, "Thưa anh, một người đã lên tới đó, đã có trong tay cả giang san mà không đủ thông minh để kiểm soát lòng tham thì sao gọi là thông minh được".
Tham tới mức đưa cả những đứa con vừa thiếu trí tuệ vừa thiếu rèn luyện lên làm quan thì không chỉ hại chúng mà còn hại dân, hại nước. Hình ảnh Nguyễn Thanh Nghị trong phiên chất vấn không chỉ cho thấy đỉnh cao sự trơ trẽn của một gia tộc mà còn là sự nhạo báng đối với dân chúng và đất nước, là sự xúc phạm cay đắng những người tử tế trong hệ thống chính trị này.
Trương Huy San
****
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, có 36 đại biểu đã chất vấn và một đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng.
Xem Nguyễn Thanh Nghị (Bộ trưởng Bộ Xây dựng) trả lời chất vấn của các vị ĐBQH hôm nay tại phiên chất vấn tại Hội trường, tôi có cảm giác dường như chúng ta đang tỏ vẻ ban ơn cho người nghèo.
Thôi thì cứ tạm thời bắt đầu từ việc chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Vậy làm sao chúng ta lại không xem xét tới “quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội” là gì để chúng ta thấy cái “tiến bộ” của nó?
“Quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội” cho rằng vì mục đích đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng tăng của nhân dân lao động, do đó phải bằng cách không ngừng phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động xã hội trên cơ sở kết hợp phát triển lực lượng sản xuất với thiết lập và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa… (tóm tắt ý chính với mục đích của bài viết này). Lưu ý: Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980 đều ghi nhận quy luật này.
Bởi thế trước kia chúng ta công hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất và kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân.
Đói nghèo khủng khiếp. Và vì vậy nền kinh tế kế hoạch “chết thảm”. Chúng ta đổ tội cho “duy ý chí”.
Chúng ta buộc phải xây dựng nền kinh tế thị trường và gắn thêm vào đó cái đuôi là “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Thế nhưng nền kinh tế thị trường lại dựa trên nền tảng tư hữu về tài sản và tự do ý chí, tự do cạnh tranh.
Vậy cái “định hướng xã hội chủ nghĩa” hay cái tính chất xã hội chủ nghĩa còn lại là gì trong nền kinh tế mà chúng ta đang xây dựng?
Xét từ quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội như trên đã nói, thì có lẽ cái gọi “xã hội chủ nghĩa” còn lại chỉ có thể là “mục đích đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng tăng của nhân dân lao động”.
Vì vậy xem nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân được đáp ứng như thế nào để có thể nói rằng chúng ta làm tốt hay làm chưa tốt trong việc xây dựng đất nước.
Nhu cầu cốt yếu nhất của con người là ăn, mặc, ở (theo triết học Mác).
Việt Nam có câu “Có an cư thì mới lạc nghiệp”. Vậy người dân không có chỗ ở thì liệu mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” có đạt được không? Chắc chắn là không!
Hiến pháp 1980 của chúng ta, để có được tuyên bố “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” tại Điều 19, phải có cam kết bảo đảm cho công dân quyền có nhà ở (Điều 62), bảo đảm cho kinh tế tập thể phát triển (Điều 23)…
Về nguyên lý, không có chuyện tịch thu ruộng đất của người lao động. Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước Nga cũng “để người nông dân tự suy nghĩ trên luống cày của mình”, chứ không ép buộc họ vào nông trang tập thể (về mặt tuyên bố).
Điều đó có nghĩa là Nhà nước xã hội chủ nghĩa phải đánh đổi việc bảo đảm đời sống thiết yếu cho công dân để lấy chế độ “sở hữu toàn dân về đất đai”.
Nay thừa hưởng chế độ “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, trong khi Hiến pháp 2013 không cam kết bảo đảm quyền có nhà ở của công dân, nhưng tại Điều 59, khoản 3 có cam kết “Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở”.
Vậy mà chính sách nhà ở xã hội, nhà ở của người có thu nhập thấp, nhà ở công nhân cứ lúng túng như gà mắc tóc vài chục năm nay, không đạt được kết quả gì đáng kể.
Để giải quyết được vấn đề nhà ở xã hội, ít nhất phải trả lời được hai câu hỏi: (1) Làm thế nào để phát triển được nhà ở xã hội? và (2) Những ai được ưu tiên trong chính sách nhà ở xã hội và bảo vệ sự ưu tiên này như thế nào?
Cả hai câu hỏi này liên quan tới rất nhiều bộ, ngành, các địa phương, kể cả hệ thống tư pháp. Chẳng hạn: Khi có sự lạm dụng mua được nhà ở xã hội giá rẻ, sau đó bán đi hoặc cho thuê để kiếm lời, thì chế tài vô hiệu hợp đồng phải được áp dụng; Muốn phát triển nhà ở xã hội nhanh cần có khu vực tư nhân tham gia, vậy phải có chính sách ràng buộc đối với thương nhân kinh doanh bất động sản…
Vì vậy để thi hành Hiến pháp 2013, chúng ta phải có một chương trình quốc gia về nhà ở xã hội và ngay lập tức sửa đổi, bổ sung nhiều luật có liên quan.
Nghe Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói về đề án xây dựng 01 triệu nhà ở xã hội tới năm 2030 mà không rõ triết lý làm cho dân những tưởng mình được ban ơn, lại còn lúng túng chẳng biết bắt đầu từ đâu, chẳng rõ chính sách và giải pháp, thì làm sao chấp nhận được?
Ngô Huy Cương
Không có nhận xét nào