Header Ads

  • Breaking News

    Biến đổi khí hậu: Những điều cần biết trước Hội nghị COP27

    Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

    Nguồn: Climat : ce qu’il faut savoir avant la COP27, Le Point, ngày 01/11/2022.

    DIỄN ĐÀN. Nhà kinh tế Christian de Perthuis dựng lên một hiện trạng trước thềm hội nghị lần thứ 27 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, sẽ khai mạc tại Sharm el-Sheikh vào ngày 6 tháng 11.

    Christian de Perthuis[*] 


    Về CO2 và nitơ oxit, hai loại khí nhà kính, các trữ lượng đo được vào năm 2021 tăng, theo thứ tự, 149% và 124% so với thời kỳ tiền công nghiệp. © MARTIN BERTRAND/Hans Lucas qua AFP

    Hội nghị lần thứ 27 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu sẽ khai mạc tại Sharm el-Sheikh vào ngày 6 tháng 11. Nhiều báo cáo được công bố trước thềm hội nghị cho phép thiết lập hiện trạng mà các nhà đàm phán sẽ đối mặt khi bắt đầu các cuộc thảo luận.

    Chính sự gia tăng trữ lượng khí nhà kính (GHG) đã làm nhiệt độ thời tiết trên hành tinh nóng lên. Từ đó cho thấy tầm quan trọng của việc đạt được, càng nhanh càng tốt, sự trung hòa carbon (hay “trung hòa khí hậu”) để ổn định trữ lượng này. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), ngày 26 tháng 10, đã công bố những dữ liệu gần đây nhất về trữ lượng của ba loại khí nhà kính chính.

    Về CO2 và nitơ oxit, trữ lượng đo được vào năm 2021 tăng, theo thứ tự, 149% và 124%, so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đối với CO2, việc giảm phát thải tạm thời vào năm 2020 đã không giúp kìm hãm sự gia tăng đáng kể của trữ lượng này, vốn ở mức khoảng 2,5ppm/năm (ppm = phần triệu) vào năm 2020 và 2021.

    Cảnh báo về khí mêtan

    Bản tin của WMO, một lần nữa, cảnh báo sự gia tăng trữ lượng khí mê-tan. Trong khi trữ lượng khí mê-tan có vẻ ổn định vào đầu những năm 2000, nó đã bắt đầu tăng trở lại vào những năm 2010. Hai năm qua đánh dấu một sự gia tăng chưa từng có: “Mức tăng [khí mê-tan] được ghi nhận vào năm 2020 và 2021 (theo thứ tự là 15 và 18 ppb) là mức tăng quan trọng nhất kể từ khi bắt đầu thu thập các dữ liệu”, theo báo cáo của WMO.

    Nguyên nhân tăng tốc của lượng khí mê-tan có thể đến từ sự tác động ngược của khí hậu, nhiệt độ thời tiết nóng hơn và ẩm ướt hơn, làm tăng nhanh quá trình lên men kỵ khí ở các vùng ẩm thấp và ruộng lúa. Nếu đúng như vậy, hiện tượng này có nguy cơ sẽ tiếp tục kéo dài, trừ phi có hành động làm giảm, đáng kể hơn nữa, lượng khí thải. Đây là mục tiêu của sáng kiến Global Methane Pledge [Cam kết Mê-tan Toàn cầu] được đưa ra tại hội nghị COP Glasgow. Một điểm cần tiếp tục theo đuổi ở Sharm el-Sheikh!

    Hiện trạng các cam kết: tiến độ rất hạn chế

    Bản Tuyên bố chung của hội nghị COP Glasgow đã kêu gọi các nước gia tăng mức tham vọng [giảm khí thải] từ năm 2021 đến cuối năm 2022. Mệnh lệnh này chỉ có một tác động hạn chế, như đã chỉ ra trong báo cáo do ban thư ký của UNFCCC công bố, cập nhật về các cam kết được đệ trình vào ngày 23 tháng 9.


    Simon Stiell

    Kể từ hội nghị COP Glasgow, chỉ có một vài nước đã đánh giá lại các mục tiêu [giảm khí thải] của họ (AustraliaBrazilIndonesia và Hàn Quốc), dẫn đến việc giảm thêm khoảng 0,5 Gt lượng CO2 tương đương [CO2eq] vào năm 2030. Theo lời của Simon Stiell, thư ký điều hành mới của UNFCCC (Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu), “các nước đã đạt được một số tiến bộ trong năm nay”.

    Nói một cách chính xác hơn, nếu tất cả các đóng góp đều vô điều kiện, hay nói cách khác là nếu các nước kiên quyết thực hiện các cam kết của họ, thì lượng khí thải sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2025, để ổn định trên một mặt bằng dưới 55 Gt một chút. Khi thêm vào các mức đóng góp có điều kiện (thường là từ các nước phương Nam, yêu cầu một sự hỗ trợ từ bên ngoài), thì lượng khí thải sẽ đạt mức cao nhất vào năm 2025, đỉnh điểm phát thải. Vào năm 2030, lượng khí thải sẽ giảm xuống 51 Gt, tức là thấp hơn 3% so với mức của năm 2019.

    Các quỹ đạo này đã bị đổi hướng, một cách rõ rệt, so với các quỹ đạo xuất phát từ những đóng góp “có chủ đích” được đệ trình khi Thỏa thuận Paris được thông qua vào năm 2015. Điều đó cho thấy chúng ta còn lâu mới đạt được mức giảm 43% phát thải từ năm 2019 đến năm 2030, điều kiện bắt buộc để quay về với con đường hạn chế nhiệt độ thời tiết nóng lên ở mức 1,5°C. Điều đó sẽ khiến nhiệt độ thời tiết nóng lên ở mức từ 2,4 đến 2,6°C vào cuối thế kỷ này. Từ đó mà Simon Stiell đã kêu gọi “tăng cường các kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu và triển khai thực hiện chúng trong tám năm tới”.

    Sự không đồng nhất lớn về lượng và quỹ đạo phát thải

    Thực vậy, việc triển khai thực hiện là vấn đề mấu chốt. Chẳng hạn, bản báo cáo “Lỗ hổng phát thải” mới phát hành của UNEP (chương trình vì môi trường của Liên hợp quốc) đã phân biệt kịch bản “theo đuổi các chính sách hiện hành” dẫn đến nhiệt độ thời tiết nóng lên ở mức khoảng 2,8°C, cao hơn những kịch bản giả định áp dụng đầy đủ những đóng góp cấp quốc gia đã đệ trình lên Liên hợp quốc. Một cách ngấm ngầm, báo cáo giả định rằng không phải tất cả các đóng góp đó sẽ được thực hiện.

    Không giống như báo cáo của UNFCCC, báo cáo của UNEP trình bày chi tiết các quỹ đạo theo khu vực và theo quốc gia. Trong số các nước phát thải lớn, các nước phát triển, từ giờ, đã có những cam kết cắt giảm phát thải rõ rệt từ nay đến năm 2030. Đây không phải là trường hợp của các nước mới nổi, trong đó các mục tiêu đến năm 2030 không liên kết với mục tiêu trung hòa [carbon] được đề ra trong dài hạn.

    Đằng sau sự không đồng nhất của các quỹ đạo là sự không đồng nhất về lượng khí thải trên đầu người (xem biểu đồ ở đầu bài viết). Trung bình, theo báo cáo, lượng khí thải trên đầu người là 6,3 tCO2eq (bao gồm cả lượng khí thải gắn với việc sử dụng đất). Toàn bộ các nước phát triển, và một số nước mới nổi như Trung Quốc, Brazil và Indonesia, đều có lượng khí thải trên đầu người trên mức trung bình. Ngược lại, lượng khí thải trên đầu người ở Ấn Độ được ước tính là 2,4 tCO2eq, và 2 tCO2eq, nhiều hơn một chút ở toàn bộ các nước kém phát triển. Khoảng cách này còn cao hơn nữa, giữa nhóm 1% những hộ gia đình giàu nhất (110 tCO2eq trên đầu người, gộp cả lượng khí thải gắn với gia sản của họ) với nhóm 50% những người nghèo nhất (1,6 tCO2eq trên đầu người).

    Các con số trên là một lời nhắc về mức độ của vấn đề công bằng khí hậu, sẽ là trọng tâm các cuộc tranh luận ở Sharm el-Sheikh, những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của hiện tượng thời tiết nóng lên toàn cầu là những quốc gia đóng góp ít nhất vào việc tích tụ khí nhà kính trong bầu khí quyển.

    Sự tăng tốc của quá trình chuyển đổi năng lượng

    Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã phân tích sâu khía cạnh năng lượng của quá trình chuyển đổi, trong ấn phẩm “Triển vọng Năng lượng” mới nhất của họ.

    Kịch bản cơ sở giả định việc theo đuổi các chính sách hiện hành dẫn đến đỉnh điểm của năng lượng hóa thạch vào năm 2025, sau đó là một sự giảm chậm cho đến năm 2050, khi năng lượng hóa thạch chỉ còn chiếm 60% các nguồn được sử dụng trên thế giới (80% vào năm 2021). Quỹ đạo này trở nên khả thi nhờ động thái đầu tư vào các năng lượng tái tạo, được thúc đẩy bởi việc giảm chi phí sản xuất và chi phí trữ điện. Điều này sẽ dẫn đến nhiệt độ thời tiết nóng lên ở mức khoảng 2,5°C vào cuối thế kỷ này.

    Kịch bản “tôn trọng các cam kết về khí hậu” giả định việc triển khai hoàn toàn các cam kết đến năm 2030 và hoàn thành các cam kết trung hòa [carbon] hướng đến năm 2050 (năm 2060 ở Trung Quốc và năm 2070 ở Ấn Độ). Điều này sẽ dẫn đến một sự gia tăng các đầu tư có lợi cho năng lượng phi carbon và hiệu quả năng lượng, đặt thế giới quay lại con đường nhiệt độ thời tiết nóng lên ở mức khoảng 1,7°C vào cuối thế kỷ này. Kịch bản này giả định rằng cuộc khủng hoảng năng lượng do chiến tranh ở Ukraine, sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, đặc biệt là ở Trung Quốc và ở các nước lớn mới nổi.

    Để đạt được mức 1,5°C, cần phải lấy quỹ đạo “net zero [Không phát thải ròng]” kể từ năm 2023, hàm ý một hành động mạnh mẽ rõ ràng hơn và được phát triển sớm hơn, để hạn chế cầu cuối cùng về năng lượng và triển khai các năng lượng tái tạo, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

    Tình trạng bấp bênh năng lượng và mất an ninh lương thực

    Cuối cùng, bản báo cáo của IEA nhắc lại chi phí con người từ sự gia tăng liên hợp của giá năng lượng và các sản phẩm nông nghiệp cơ bản, do chiến tranh ở Ukraine gây ra.

    Về khả năng tiếp cận năng lượng, báo cáo ước tính có 75 triệu người có nguy cơ không tiếp cận được điện năng, do không có điều kiện tài chính, và 100 triệu người có nhiều khả năng không có các hệ thống bếp nấu hiện đại.


    Christian de Perthuis (1954-)

    Về an ninh lương thực, cuộc chiến ở Ukraine, liên hợp với sự tái diễn các cú sốc về khí hậu, sẽ làm tăng giá các loại thực phẩm cơ bản, vốn đã trở nên khó tiếp cận đối với những người nghèo nhất. Theo tổ chức FAO, số người thiếu dinh dưỡng đã tăng từ khoảng 600 triệu người vào giữa những năm 2010 lên 768 triệu người vào năm 2021. Theo Chương trình Lương thực Thế giới, con số đó có thể lên tới 828 triệu người vào năm 2022.

    Sự gia tăng kép của tình trạng bấp bênh này đặc biệt được ghi nhận ở Châu Phi, lục địa đăng cai hội nghị COP27. Bối cảnh này chỉ có thể càng thúc đẩy các cuộc tranh luận về sự bất cập của việc chuyển giao nguồn lực cho các nước kém phát triển. Nếu không đạt được tiến bộ trên mặt trận này ở Sharm el-Sheikh, thì mọi thứ sẽ trở nên viển vông khi đặt cược vào các kịch bản tăng tốc để kìm giữ nhiệt độ thời tiết nóng lên ở mức dưới 2°C.

    http://www.phantichkinhte123.com/2022/11


    Không có nhận xét nào