Xuất nhập khẩu méo mặt vì tỷ giá
Từ tuần qua, giá USD bán ra tại các ngân hàng đã vượt 24.000 VND/USD. Về lý thuyết, tỷ giá tăng sẽ có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu và gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhập khẩu. Song thực tế, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu ở Việt Nam đang chịu ảnh tiêu cực vì tỷ giá tăng.
Ngay đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức +/-3% lên +/-5%. Quyết định có hiệu lực từ ngày 17/10/2022.
“Để chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương trên thế giới, ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định số 1747 quy định về tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép.
Theo đó, biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ (USD) được điều chỉnh từ ±3% lên ±5%.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường” – Trích thông cáo báo chí của Ngân hàng Nhà nước.
Theo kế hoạch của Fed đưa ra trong cuộc họp cuối tháng 9, lãi suất mục tiêu sẽ tăng mạnh lên gần mức 4,4% vào cuối năm 2022 từ mức gần 3,4% hiện nay. Điều đó sẽ thúc đẩy giá USD đi lên khi nhiều người vẫn chọn đồng bạc xanh là tài sản trú ẩn trong bối cảnh đầy biến động hiện nay.
Phản ứng với thông tin trên, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước ngày 17/10 đã tăng giá bán ngoại tệ 455 đồng/USD lên 24.380 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố cũng tăng từ 23.541 đồng/USD lên 23.586 đồng/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, giá mua – bán USD có sự biến động và chênh lệch đáng kể. Cụ thể, Vietcombank mua vào 23.950 đồng/USD, bán ra 24.230 đồng/USD không thay đổi so với mức giá mua- bán hôm trước.
Trong khi Exmbank mua vào 24.180 đồng/USD, bán ra 24.430 đồng/USD cao hơn giá bán ra của Vietcombank 200 đồng/USD. BIDV mua vào 24.180 đồng/USD nhưng bán ra 24.460 đồng/USD. Nhiều ngân hàng thương mại khác niêm yết giá mua-bán USD tương tự Eximbank và BIDV.
Giá USD tự do cũng tăng cao khi được mua vào là 24.420 đồng/USD và bán ra 24.520 đồng, cộng thêm 180 đồng so với cuối tuần qua.
Đang có cảnh báo, việc USD tăng giá sẽ dẫn tới nguy cơ dịch chuyển của dòng vốn đầu tư – tức dòng tiền sẽ rời khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Điều này từng diễn ra ở Việt Nam lúc cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998, khi dòng vốn dịch chuyển khỏi các thị trường mới nổi tạo sự bất ổn cho thị trường tài chính.
Một lưu ý khác, nếu tốc độ tăng tỷ giá VND/USD cao hơn tốc độ tăng tỷ giá ngoại tệ khác/USD, thì với các thị trường này, xuất khẩu của Việt Nam sẽ có lợi, nhập khẩu sẽ bất lợi. Nhưng nếu tốc độ tăng tỷ giá VND/USD thấp hơn tốc độ tăng tỷ giá ngoại tệ khác/USD, thì xuất khẩu sẽ bất lợi, nhập khẩu có lợi.
Với doanh nghiệp xuất khẩu nhưng vẫn nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất, tỷ giá tăng cũng gây nhiều áp lực. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho hay, tỷ giá tăng, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu không thể vui, bởi giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng mạnh khiến phần lãi chênh lệch từ tỷ giá hầu như không đáng kể.
Chưa kể, lạm phát tăng nhanh khiến người dân các quốc gia nhập khẩu thắt chặt chi tiêu, đơn hàng ngày càng ít, các nhà nhập khẩu liên tục “ép” giá. Trong khi đó, nhiều đối thủ của Việt Nam phá giá đồng tiền mạnh hơn khiến hàng Việt mất lợi thế cạnh tranh. Đây là tình trạng chung với doanh nghiệp nhiều ngành hàng xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu.
Kể cả với nhiều doanh nghiệp không sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tỷ giá tăng cũng khiến chi phí sản xuất đội lên đáng kể, đặc biệt là chi phí logistics, chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp vay nợ nước ngoài.
Không có nhận xét nào