Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngàyThứ sáu 28 tháng 10 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    SpaceX của Elon Musk hợp tác với đại gia Philippines về dịch vụ vệ tinh 

    27/10/2022 

    Reuters 

    Mạng Starlink của tỷ phú Elon Musk đang dần dần trở nên phổ biến.

    Mạng Starlink của tỷ phú Elon Musk đang dần dần trở nên phổ biến. 

    Hãng Công nghệ Thăm dò Vũ trụ, gọi tắt là SpaceX, của ông Elon Musk sắp mở rộng hoạt động sang Philippines với việc cung cấp dịch vụ băng thông rộng vệ tinh cho các doanh nghiệp và chính phủ, đối tác của ông Musk ở Philippines cho biết hôm thứ Năm 27/10.

    Hãng Data Lake, có trụ sở tại Philippines và do ông trùm Henry Sy Jr nắm sở hữu một phần, cho biết hãng này đã ký thỏa thuận trở thành đối tác đầu tiên ở Đông Nam Á của mạng Starlink thuộc SpaceX.

    "Philippines là một quần đảo và việc kết nối đất nước chúng tôi với thế giới rộng lớn hơn thường đòi hỏi cơ sở hạ tầng rất lớn", Chủ tịch Data Lake Anthony Almeda cho biết trong một tuyên bố.

    Philippines là tập hợp gồm hơn 7.600 hòn đảo, trong đó, nhiều đảo hoàn toàn biệt lập và có địa hình đồi núi, khiến việc phủ sóng băng thông rộng trở nên khó khăn đối với các công ty. Khoảng 20 cơn bão nhiệt đới cũng thường đổ bộ vào đất nước này mỗi năm, thường làm hư hại cơ sở hạ tầng và cắt đứt thông tin liên lạc giữa các đảo và các tỉnh.

    Starlink của SpaceX sử dụng mạng lưới hàng nghìn vệ tinh để cung cấp việc truy cập internet đến các vùng xa xôi hoặc khi liên lạc bị gián đoạn do thiên tai.

    Tại Philippines, chỉ 7 người trên 100 dân có đăng ký băng thông rộng cố định, là mức thấp hơn so với các nước trong cùng khu vực như Singapore, Malaysia và Thái Lan, dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy.

    Đầu tháng này, Bộ công nghệ thông tin và truyền thông của Philipppines cho biết rằng Starlink dự kiến tham gia thị trường Philippines vào năm 2023.

    (Reuters)

    Tòa Bạch Ốc tuyên bố sẽ đáp trả nếu Nga tấn công các vệ tinh của Hoa Kỳ 

    Tòa Bạch Ốc tuyên bố sẽ đáp trả nếu Nga tấn công các vệ tinh của Hoa Kỳ

    Hôm thứ Năm (27/10), Tòa Bạch Ốc cho biết bất kỳ hành động tác động nào lên cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ đều sẽ gặp phải một sự đáp trả, sau khi một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Nga nói rằng các vệ tinh thương mại của phương Tây có thể trở thành mục tiêu hợp pháp của Nga nếu chúng tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine. 

    Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết thông tin công khai cho thấy người Nga đang cố gắng theo đuổi các công nghệ chống vệ tinh. 

    Ông cũng lặp lại cáo buộc mới nhất của Nga — rằng Ukraine đang có kế hoạch sử dụng cái gọi là “bom bẩn” để phát tán khí tài hạt nhân mà Hoa Kỳ, Anh, và Pháp cho là “sai sự thật.” Nhưng ông cho biết Hoa Kỳ vẫn chưa nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự việc này nhất định sẽ xảy ra. 

    Trước đó Tổng thống Vladimir Putin cho rằng Ukraine sẽ thực hiện một cuộc tấn công như vậy để quy trách nhiệm cho Nga.

    Ông Putin đã cáo buộc phương Tây kích động cuộc chiến ở Ukraine và chơi một trò chơi “nguy hiểm, đẫm máu, và bẩn thỉu” đang gieo rắc hỗn loạn trên toàn thế giới.

    Truyền hình Nga: Moscow đang chuẩn bị tấn công hạt nhân vào Hoa Kỳ

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2022/10/nga-tan-cong-hoa-ky-700x366.jpg

    Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giám sát các cuộc tập trận với các lực lượng hạt nhân chiến lược 

    Truyền thông Mỹ Newsweek đưa tin, Hôm thứ Tư 26/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giám sát các cuộc tập trận với các lực lượng hạt nhân chiến lược của ông, sau đó truyền hình nhà nước Nga cho rằng họ đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân vào Hoa Kỳ.

    Trong một video được nhà báo Julia Davis của tờ The Daily Beast dịch sang tiếng Anh và chia sẻ trên Twitter hôm thứ Năm 27/10, người dẫn chương trình truyền hình Nga Olga Skabeyeva nói rằng Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga đã thông báo tất cả các tên lửa phóng trong cuộc tập trận đã tìm thấy mục tiêu. Chương trình truyền hình của Nga sau đó đã phát sóng các cảnh quay cho thấy các cuộc tập trận đang diễn ra.

    Chuyên gia quân sự Igor Korotchenko cho biết sau khi đoạn video trên truyền hình kết thúc: “Điều rất quan trọng là chúng ta đã chứng minh được kẻ thù chính của mình là ai và điều gì đang chờ đợi họ”.”Tín hiệu đã được gửi đi.”

    Người dẫn chương trình Skabeyeva nói: “Cho tôi một giây, chúng ta tiếp tục tránh những lời nói trực tiếp. Hôm nay, chúng ta đã thực hành tiêu diệt Hoa Kỳ và trước đây là Vương quốc Anh, đúng không?”

    Ông Korotchenko đáp: “Hoàn toàn chính xác”

    Theo Newsweek, cuộc trao đổi trên cho thấy căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây về khả năng leo thang cuộc chiến ở Ukraine thành chiến tranh hạt nhân. Mặc dù đồn đoán về việc TT Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân đã lan truyền kể từ khi ông bắt đầu cuộc chiến ở Ukraina vào cuối tháng 2, nhưng những lo ngại đã tăng lên sau khi ông tuyên bố sẵn sàng đáp trả những gì mà ông cho là “tống tiền hạt nhân” từ phương Tây

    Ở một diễn biến có liên quan, Ngũ Giác Đài ra lệnh chuyển bom hạt nhân B61-12 đến châu u để đáp trả. Theo Politico, 480 quả bom hạt nhân của Mỹ sẽ được chuyển tới châu u vào tháng 12/2022, thay thế cho loại B61 đã bị lỗi thời.

    Trần Phong 

    Meta lại sụt doanh thu, giá cổ phiếu giảm gần một phần tư

    Thứ Sáu này là tròn một năm Mark Zuckerberg đổi tên công ty ông từ Facebook thành Meta. Đầu năm nay, công ty lần đầu tiên ghi nhận sụt giảm doanh thu quý so với cùng kỳ năm ngoái và số người dùng Facebook giảm. Các nhà đầu tư từng hy vọng đó chỉ là một vấn đề tạm thời. Nhưng vào thứ Tư, Meta tiếp tục công bố doanh thu quý giảm 4% và dự đoán sẽ còn giảm trong quý tiếp theo. Giá cổ phiếu của công ty ngay lập tức giảm gần một phần tư.

    Nhưng đây chỉ là những vấn đề ngắn hạn. Zuckerberg tin rằng tương lai của Meta nằm trong metaverse, một không gian trực tuyến để làm việc, giải trí và xem quảng cáo. Meta đã chi hàng chục tỷ đô la để xây dựng nó. Nhưng tới nay chỉ có không quá 200.000 người được cho là đang dùng các ứng dụng metaverse của Meta. Một ngày nào đó, metaverse sẽ cất cánh. Câu hỏi đặt ra là liệu Meta, vốn đã mất hơn 70% giá trị thị trường trong năm nay, có còn tồn tại đến khi đó hay không.

    Cựu thủ tướng Pakistan tổ chức tuần hành quy mô lớn

    Vào thứ Sáu, Imran Khan sẽ dẫn đầu một cuộc tuần hành phản đối từ thành phố Lahore ở phía đông đến thủ đô Islamabad. Cựu thủ tướng Pakistan yêu cầu tiến hành bầu cử, dự kiến vào cuối năm sau. Ông Khan đã bị lật đổ vào đầu năm nay bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Giờ đây, ông kỳ vọng có thể dùng sức mạnh đường phố để gây áp lực buộc chính phủ phải giải tán quốc hội. Vị chính trị gia có xuất thân là cầu thủ cricket này đã thu hút người ủng hộ bằng một thuyết âm mưu cáo buộc người Mỹ muốn lật đổ ông khỏi chức vụ. Gần đây ông đã ra làm khuôn mặt đại diện trong một loạt các cuộc bầu cử phụ, thắng sáu trên bảy ghế.

    Cuộc tuần hành của ông Khan làm tăng thêm những khó khăn kinh tế và chính trị khác của Pakistan. Lũ lụt lớn trong mùa gió mùa năm nay đã gây ra thiệt hại ước tính lên tới 40 tỷ đô la. Bên cạnh đó là lạm phát cao và tình trạng thiếu hụt năng lượng, cũng như việc phải được giãn nợ 27 tỷ USD, phần lớn là từ Trung Quốc. Nếu chính phủ đàn áp cuộc tuần hành của ông Khan, nhiều bất ổn chính trị hơn nữa sẽ bùng nổ.

    Bắc Ireland sẽ tổ chức bầu cử nghị viện mới

    Bắc Ireland đã không có chính quyền khu vực kể từ tháng 2. Cả hai đảng lớn nhất trong nghị viện của họ đều có quyền phủ quyết bên còn lại. Sinn Féin, bên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 5, muốn một Ireland thống nhất. Song những người về nhì, Đảng Liên minh Dân chủ, muốn giữ Bắc Ireland ở lại Liên hiệp Anh. Vào nửa đêm ngày thứ Năm, sáu tháng kể từ cuộc bầu cử, thời hạn cho hai bên đạt thoả thuận chia sẻ quyền lực đã qua đi, từ đó kích hoạt một cuộc bầu cử mới. Nó dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 15 tháng 12.

    Cả hai đảng đều được cho là sẽ củng cố vị thế của mình trong cử tri. Bất kể bên nào thắng, các tranh chấp chính của họ – về Nghị định thư Bắc Ireland vốn tạo ra biên giới trên biển mới với Anh sau Brexit – sẽ vẫn còn đó. Để ngăn Bắc Ireland bị trì trệ trong thời gian chờ đợi bầu cử, Westminster có thể sẽ trao nhiều quyền lực hơn cho hệ thống công chức, những người đã điều hành lãnh thổ này từ khi chính phủ sụp đổ vào năm 2017. Tình hình có thể sẽ không được khắc phục một cách nhanh chóng.

    Tình hình kinh doanh khá lạc quan của ExxonMobil 

    Vào thứ Sáu ExxonMobil sẽ công bố kết quả kinh doanh quý ba. Công ty dầu mỏ lớn nhất nước Mỹ đã nói sẽ không đạt được mức lợi nhuận kỷ lục 17,9 tỷ đô la của quý trước — nhưng không thấp hơn nhiều, dù giá dầu có giảm từ mức cao kỷ lục sau khi Nga xâm lược Ukraine. Dầu thô rẻ hơn, xuất phát từ việc Nga tiếp tục xuất khẩu trong khi nền kinh tế toàn cầu chậm đi, cùng tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu thấp hơn đã làm giảm lợi nhuận của Exxon. Tuy vậy, tỷ suất lợi nhuận nói chung tăng nhờ việc bán khí đốt tự nhiên đắt đỏ, đặc biệt là cho châu Âu.

    Hiện giá khí đã giảm nhưng giá dầu lại tăng vì OPEC + giảm sản lượng. Exxon vẫn có nhiều nỗi lo, chẳng hạn như cuộc tranh cãi với bộ trưởng năng lượng Mỹ về giới hạn xuất khẩu nhiên liệu. Đầu tháng 10, công ty này đã rời Nga tay trắng sau khi tổng thống Vladimir Putin tịch thu một số tài sản của họ ở Nga. Dù thế, trong tương lai gần lợi nhuận của Exxon vẫn sẽ lạc quan nhờ khan hiếm năng lượng.

    Anh Quốc : Thủ tướng Rishi Sunak lập chính phủ mới

    Tân thủ tướng Anh, Rishi Sunak, tới trụ sở chính phủ 10 phố Downing, Luân Đôn, ngày 25/10/2022. AP - Kirsty Wigglesworth 

    Hôm qua 25/10/2022, vua Charles III đã chính thức bổ nhiệm ông Rishi Sunak làm thủ tướng Anh và yêu cầu ông thành lập chính phủ mới.  

    Từ Luân Đôn, thông tín viên Emeline Vin cho biết thêm chi tiết : 

    Rishi Sunak đã tìm cách lập một chính phủ đại diện cho mọi xu hướng trong đảng Bảo Thủ Anh Quốc. 

    Trước tiên, bà Therese Coffey và ông James Cleverly, những người trung thành với bà Liz Truss, vẫn ở lại chính phủ, tiếp tục nắm giữ bộ Môi Trường và bộ Ngoại Giao. Ông Jeremy Hunt vẫn giữ chức bộ trưởng Tài Chính – vị bộ trưởng này thân cận với Sunak, đã được cựu thủ tướng Truss mời gọi vào chính phủ để hỗ trợ bà sau khi các biện pháp kinh tế bị thất bại. Một số người ủng hộ Boris Johnson, chẳng hạn như Nadhim Zahawi, cũng được bổ nhiệm làm bộ trưởng. 

    Tân thủ tướng đương nhiên cũng bổ nhiệm những cộng sự thân cận của mình, thậm chí những đồng nghiệp cũ : phó thủ tướng thời ông Boris Johnson là ông Dominic Raab quay trở lại chính phủ, còn Grant Shapps nắm chức bộ trưởng Doanh Nghiệp. 

    Tuy nhiên cũng có hai bất ngờ lớn : bà Suella Braverman, nhân vật rất thiên hữu, quay trở lại bộ Nội Vụ. Bà mới từ chức hôm 19/10 sau khi đã dùng thư điện tử cá nhân để gửi các tài liệu mật. Còn bà Penny Mordaunt, người đã bỏ cuộc và cho phép ông Sunak trở thành thủ tướng mà không cần bầu cử, thì không được mời tham gia chính phủ. Bà từng hy vọng được bổ nhiệm nắm một bộ quan trọng. Thế nhưng, rốt cuộc, bà vẫn sẽ tiếp tục làm chủ tịch nhóm nghị sĩ đảng Bảo Thủ ở Hạ Viện. 

    Hoa Kỳ - Bầu cử: Điểm chung của các ứng cử viên là chống Trung Quốc 

    28/10/2022 

    VOA News 

    Bích chương bầu cử giữa ký tại Mỹ.

    Bích chương bầu cử giữa ký tại Mỹ. 

    Trong lúc cử tri Mỹ sẵn sàng cho cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng tới, các ứng cử viên của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang hứa hẹn có các chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc với hy vọng thu hút cử tri.

    Thái độ của người Mỹ đối với Trung Quốc ngày càng xuống dốc trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ khi bùng phát virus corona vào năm 2020. Dữ liệu mới từ Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết, năm nay, 82% người Mỹ có cái nhìn không thiện cảm với Trung Quốc, mức cao lịch sử. Năm năm trước, con số đó là khoảng phân nửa, ở mức 47%.

    Các cuộc thăm dò cho thấy những quan điểm tiêu cực đó được chia sẻ bởi Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, đó là lý do tại sao các ứng cử viên của cả hai đảng đều nói về Trung Quốc và sức mạnh kinh tế đáng gờm của Bắc Kinh.

    “Chúng ta phải thôi yếu thế trước Trung Quốc. Chúng ta phải thôi chuyển công ăn việc làm của người Mỹ cho những người ghét chúng ta”, ông J.D. Vance, ứng cử viên Đảng Cộng hòa tranh cử vào Thượng viện, người được cựu Tổng thống Donald Trump ủng hộ, nói.

    Đối thủ của ông bên Đảng Dân chủ, dân biểu đương nhiệm Tim Ryan, cũng chỉ trích như vậy.

    “Chúng ta và Trung Quốc. Trung Quốc đang sản xuất vượt quá chúng ta, và đã đến lúc chúng ta phải phản công,” ông Ryan nói. Cả hai ứng cử viên này đều ủng hộ việc duy trì mức thuế quan cao của Hoa Kỳ đối với các sản phẩm của Trung Quốc.

    Tại Pennsylvania, Phó Thống đốc Dân chủ John Fetterman nói ông sẽ “làm việc để đảm bảo rằng chúng ta không cho phép Trung Quốc vượt qua chúng ta về sáng tạo”. Đối thủ của ông bên Đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Thượng viện Hoa Kỳ, bác sĩ Mehmet Oz, đã đưa lập trường “cứng rắn với Trung Quốc” thành một trong những thông điệp chính trong chiến dịch tranh cử.

    Tại Missouri, Tổng Chưởng lý tiểu bang Eric Schmitt gọi Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng tăng về quân sự, kinh tế và sức khỏe cộng đồng.

    Đối thủ của ông tại Thượng viện Hoa Kỳ, đảng viên Dân chủ Trudy Busch Valentine, chỉ trích ông Schmitt ủng hộ luật cho phép nước ngoài sở hữu đất nông nghiệp mà theo bà đã cho phép các công ty do Trung Quốc kiểm soát mua hơn 100.000 mẫu đất Missouri.

    Tại Arizona, ứng cử viên Cộng hòa Blake Masters khẳng định rằng sinh viên Trung Quốc ở Mỹ là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

    Thượng nghị sĩ Dân chủ đương nhiệm Mark Kelly là người ủng hộ chính đối với Đạo luật Khoa học và CHIPS, một biện pháp nhằm đánh bại Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ.

    Ông Dean Chen, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Ramapo, New Jersey, nói với VOA rằng: “Trung Quốc là vấn đề hàng đầu và vấn đề trung tâm trong cuộc bầu cử này.”

    “Khi các chiến dịch trở nên phân cực và có tính cạnh tranh cao, cần phải có một vấn đề đủ nổi bật để có thể thu hút sự chú ý. Luôn dễ dàng hơn khi tìm ra kẻ thù chung bên ngoài để đoàn kết các cử tri địa phương hậu thuẫn họ,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

    Ông Frank Sesno, giáo sư truyền thông và giám đốc các sáng kiến chiến lược tại Đại học George Washington, cho biết Trung Quốc đang ngày càng được nói nhiều trong lĩnh vực an ninh quốc gia và ít thấy bị đưa vào vấn đề cơ hội kinh tế.

    “Trung Quốc ngày càng được định vị là một mối đe dọa quốc gia. Không chỉ đơn thuần là một nước cạnh tranh mà là một nước đối thủ. Tôi có thể nói rằng sự miêu tả đã tăng cường và nó dường như là một chủ đề ngày càng tăng của cả hai bên,” ông nói với VOA.

    ‘Sự đoàn kết hiếm có của lưỡng đảng’

    Theo nghiên cứu của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, một nhóm công nghiệp hỗ trợ các công ty Mỹ làm ăn tại Trung Quốc, số lượng các dự luật liên quan đến Trung Quốc được các nhà lập pháp Hoa Kỳ xem xét đã tăng đáng kể trong 5 năm qua.

    Từ năm 2001 đến năm 2017, số dự luật liên quan đến Trung Quốc được mỗi Quốc hội xem xét dao động trong khoảng 200 đến 250. Kể từ năm 2017, con số đó đã tăng vọt lên khoảng 639 dự luật trong Quốc hội vừa qua và hơn 700 dự luật trong Quốc hội lần này.

    Chính quyền ông Biden đã thông qua một số dự luật quan trọng liên quan đến Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền. Đạo luật CHIPS sẽ cung cấp 52,7 tỷ đô la đầu tư vào sản xuất và nghiên cứu phát triển chất bán dẫn trong nước để chống lại các khoản bao cấp khổng lồ của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp chip của nước này.

    Đạo luật Phòng thủ Khả năng Quan trọng Quốc gia tìm cách thiết lập một quy trình xem xét các công ty Hoa Kỳ đầu tư ra nước ngoài, nhằm ngăn chặn vốn của Hoa Kỳ chảy sang các công ty công nghệ Trung Quốc.

    Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức người Uyghur cấm các sản phẩm lao động cưỡng bức từ Tân Cương nhập cảnh Mỹ.

    Cả ba văn kiện luật này đều nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nhà lập pháp Dân chủ và Cộng hòa.

    Ông Dan Schnur, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California, Berkeley, nói: “Điều thú vị nhất về tình cảm đối với Trung Quốc trong nền chính trị của đất nước này đó là một điểm thống nhất hiếm hoi của lưỡng đảng.” Ông đã làm việc trong bốn chiến dịch tranh cử tổng thống và ba chiến dịch tranh cử thống đốc với tư cách là một trong những nhà chiến lược chính trị hàng đầu của California.

    Ông nói với VOA: “Tôi không thể nghĩ đến bất kỳ vấn đề nào khác mà hai đảng gạt bỏ sự khác biệt của họ, đặc biệt là trong một năm bầu cử.”

    Ông Schnur nói lá bài “cứng rắn với Trung Quốc” đang được đón nhận đặc biệt tích cực ở miền trung nước Mỹ, bởi vì vùng thượng Trung Tây là cơ sở của năng lực sản xuất. Nhưng trong vài thập niên qua, nhiều công việc sản xuất trong số đó đã rời khỏi Hoa Kỳ để đi đến các khu vực khác trên thế giới.

    Ông giải thích: “Khi bạn có một cử tri thuộc tầng lớp lao động không cảm thấy toàn cầu hóa này có lợi cho họ, thì ứng cử viên của một trong hai bên sẽ khá dễ dàng nỗ lực khai thác những tình cảm này.”

    Bà Anna Tucker Ashton, giám đốc phụ trách các vấn đề doanh nghiệp Trung Quốc tại Eurasia Group, đồng ý với quan điểm này.

    Bà nói với VOA: “Đó là nơi có cảm giác rõ ràng nhất rằng việc làm của Hoa Kỳ được trao cho Trung Quốc, rằng Trung Quốc đã đánh cắp việc làm của người Mỹ và việc giảm chất lượng cuộc sống nói chung trong các cộng đồng này có liên quan trực tiếp đến việc không cứng rắn với Trung Quốc.”

    Tổ chức thăm dò Pew cho biết quan điểm tiêu cực về Trung Quốc gắn liền với hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc và những lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của nước này.

    Giáo sư Sesno nói việc Bắc Kinh thay đổi các chính sách cứng rắn sẽ cải thiện các quan hệ.

    “Người Trung Quốc đang thúc đẩy điều này. Những điều đang khiến những con số đó (tỉ lệ không thiện cảm với Trung Quốc) tăng lên là chính sách của Trung Quốc đối với người Uyghur, các mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan, luận điệu dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc, nhiệm kỳ Tập Cận Bình lần thứ ba, và giọng điệu dân tộc chủ nghĩa ngày càng tăng của chính quyền Bắc Kinh,” ông nói với VOA. “Vì vậy, điều này không xảy ra tách biệt với các sự kiện khác, và nó không xảy ra đơn thuần vì chính trị Mỹ.”

    https://www.voatiengviet.com


    Không có nhận xét nào