Võ Thái Hà tổng hợp
Tổng thống Ukraina kêu gọi quốc tế viện trợ 38 tỷ đôla để bù đắp thâm hụt ngân sách
Bà Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen (P) và thủ tướng Đức Olaf Scholz tham dự hội nghị tài trợ tái thiết Ukraina, tại Berlin, Đức, ngày 25/10/2022. AP - Christophe Gateau
Hôm qua, 25/10/2022, tại hội nghị quốc tế về tái thiết Ukraina, được tổ chức ở thủ đô Berlin của Đức, phát biểu qua video từ Kiev, tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ để bù đắp khoản thâm hụt ngân sách của Ukraina năm 2023, được dự báo sẽ lên tới 38 tỷ đôla.
Về phần thủ tướng Đức Olaf Scholz, ông kêu gọi phải giúp Ukraina tái thiết ngay từ bây giờ, và quốc tế phải có một « kế hoạch Marshall » cho Ukraina.
Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut gởi về bài tường trình:
“Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhắc lại những số tiền được nêu lên gây ấn tượng rất mạnh : Ngân Hàng Thế Giới thẩm định thiệt hại mà Ukraina gánh chịu cho tới nay lên tới 350 tỷ euro.
Trong ngắn hạn, chính quyền Kiev phải tìm nguồn tài chính cho ngân sách của mình. Phát biểu qua video, tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ 38 tỷ đôla để bù đắp thâm hụt ngân sách của Ukraina.
Bà Ursula von der Leyen đã lập lại cam kết của Liên Hiệp Châu Âu cấp cho Ukraina 1,5 tỷ đôla mỗi tháng. Liêu Âu hy vọng Hoa Kỳ sẽ có một cam kết tương tự.
Tại hội nghị, thủ tướng Ukraina cũng đã nhắc lại là nước này cần một khoản viện trợ khẩn cấp 17 tỷ đôla do mùa đông đang đến gần. Ông Denys Chmyhal gián tiếp lưu ý các nước phương Tây rằng khoản viện trợ này sẽ làm giảm bớt số người Ukraina ra nước ngoài. Thủ tướng Ukraina nói: “ Chúng tôi cần một khoản viện trợ khẩn cấp 17 tỷ đôla để bảo vệ Ukraina khỏi một thảm họa nhân đạo và để bảo vệ châu Âu khỏi một cơn sóng thần do làn sóng tị nạn gây ra.”
Lên tiếng cùng với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu hôm qua, thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi cộng đồng quốc tế có một cam kết dài hạn, nhưng đồng thời nhấn mạnh là ngay từ bây giờ phải viện trợ ồ ạt cho Kiev. Ông nói: “ Đây là một cam kết lâu dài qua nhiều thế hệ và thật sự đây là một kế hoạch Marshall cho Ukraina.”
Ông Olaf Scholz và bà Ursula von der Leyen đều nêu lên viễn cảnh Ukraina trong Liên Hiệp Châu Âu, đồng thời nhấn mạnh rằng sự ủng hộ của quốc tế phải đi cùng với những cải cách của Ukraina để chuẩn bị cho viễn cảnh đó.”
Theo thông báo của phủ thủ tướng Anh, hôm qua, tân thủ tướng Rishi Sunak đã gọi điện cho tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky để bày tỏ sự yểm trợ “không gì lay chuyển” của Luân Đôn đối với Kiev trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga. Về phần tổng thống Zelensky, trong một video, ông tỏ ý hy vọng tăng cường quan hệ giữa Ukraina và Anh Quốc, đồng thời cho biết đã mời thủ tướng Sunak đến thăm Ukraina.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc ‘‘ngầm phá hoại nền tư pháp’’ Hoa Kỳ
Bộ trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ Merrick Garland (phải) cùng với giám đốc FBI Christopher Wray, trong một cuộc họp báo công bố cáo trạng đối với một số người Trung Quốc bị tố cáo phá hoại hệ thống tư pháp, ở Washington (Hoa Kỳ), ngày 23/10/2022. © Jonathan Ernst / Reuters
Hôm qua, 24/10/2022, bộ Tư Pháp Hoa Kỳ tổ chức họp báo, lên án các nỗ lực của Trung Quốc nhằm ‘‘ngấm ngầm phá hoại hệ thống tư pháp Mỹ’’. Đích thân bộ trưởng Tư Pháp Merrick Garland thông báo việc nhiều công dân Trung Quốc bị khởi tố vì làm việc cho tình báo Trung Quốc.
Giới quan sát đặc biệt chú ý đến việc cáo buộc nói trên được đưa ra đúng hôm sau ngày Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc bế mạc, lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức đảm nhiệm vị trí đứng đầu đất nước thêm một nhiệm kỳ. Thông báo nói trên có thể coi như một thông điệp cứng rắn gửi đến Bắc Kinh.
Thông tín viên RFI Guillaume Naudin tường trình từ Washington :
‘‘Chúng tôi sẽ không dung thứ cho bất kỳ nỗ lực nào của một thế lực nước ngoài nhằm phá hoại nhà nước pháp quyền, nền tảng của chế độ dân chủ của chúng tôi’’. Bộ trưởng Tư Pháp Merrick Garland đã tỏ ra hết sức nghiêm khắc khi đích thân thông báo 13 công dân Trung Quốc bị khởi tố trong 3 vụ việc khác nhau.
Vụ đầu tiên liên quan đến điều nhiều người gọi là ‘‘Chiến dịch Săn Cáo’’, cụm từ dùng để chỉ việc chính quyền Bắc Kinh cưỡng bức người Trung Quốc sống ở nước ngoài hồi hương, với lý do chống tham nhũng. Liên quan đến vụ việc thứ hai, 4 người quốc tịch Trung Quốc bị nghi ngờ đã cố gắng tuyển dụng nhiều giáo sư của một trường đại học làm gián điệp cho Trung Quốc. Trong vụ thứ ba, có 2 người bị cáo buộc đã mưu toan, bao gồm cả việc đưa hối lộ, để lấy các thông tin về chiến lược của bộ Tư Pháp trong việc truy tố một tập đoàn viễn thông lớn của Trung Quốc, có thể là tập đoàn viễn thông Hoa Vi. Không may, tiền hối lộ đã được trao cho một điệp viên hai mang làm việc cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI.
Những quyết định trên được đưa ra vào thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ gia tăng, ngay sau khi ông Tập Cận Bình tiếp tục được khẳng định sẽ lãnh đạo Trung Quốc thêm một nhiệm kỳ thứ ba.
Theo giám đốc FBI, có mặt trong buổi thông báo, ‘‘Nếu chính quyền Trung Quốc, đảng Cộng Sản Trung Quốc tiếp tục xâm phạm pháp luật của chúng tôi, họ sẽ tiếp tục phải đối mặt với FBI’’.
Ngoại trưởng Đài Loan: TQ có thể gia tăng ‘tấn công ngoại giao’ nhằm vào quốc đảo
Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu (Reuteurs)
Ngoại trưởng Đài Loan nhận định hôm 26/10, Trung Quốc có thể sẽ gia tăng các cuộc “tấn công” ngoại giao vào Đài Loan sau Đại hội 20, bao gồm cả việc ‘giành giật’ thêm một số đồng minh ngoại giao của quốc đảo này.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kết thúc kỳ đại hội lần thứ 20 hôm 22/10, củng cố thêm nữa quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong một báo cáo trước quốc hội, Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu cho hay, ông dự đoán Bắc sẽ Kinh tăng cường “đe dọa an ninh và đàn áp ngoại giao” nhằm vào quốc đảo, mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Đài Bắc.
Ông Wu nói với các nhà lập pháp: “Trung Quốc có khả năng gia tăng các cuộc tấn công và đe dọa đối với Đài Loan, đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại giao. Đây là điều chúng tôi đang hết sức lo ngại.”
Ông Wu cho biết thêm, Đài Loan đã nhận được “tín hiệu” và thông tin tình báo từ các đồng minh ngoại giao (dù chưa thể xác minh) về việc Trung Quốc đang đẩy mạnh các nỗ lực để lôi kéo các đồng minh của hòn đảo chuyển sang ủng hộ Bắc Kinh.
Ông nhấn mạnh: “Những thách thức ngoại giao mà chúng ta đang phải đối mặt ngày càng lớn hơn. Nhìn về phía trước, tình hình của chúng tôi đang trở nên khó khăn hơn.”
Dưới nhiệm kỳ của ông Wu, có 6 quốc gia đã từ chỗ ủng hộ Đài Bắc sang công nhận chính sách của Bắc Kinh. Hiện chỉ có 14 quốc gia chính thức công nhận chính quyền của hòn đảo, hầu hết là các nước nghèo và đang phát triển ở Thái Bình Dương, Mỹ Latinh và Caribe.
Cả Bắc Kinh và Đài Bắc đều cáo buộc lẫn nhau sử dụng “ngoại giao bằng đồng đô la” để thu hút các quốc gia khác xây dựng quan hệ chính thức với họ.
Trung Quốc đã tăng cường áp lực ngoại giao và quân sự để cố gắng buộc Đài Loan chấp nhận sự cai trị của họ. Tuy nhiên, chính phủ Đài Loan khẳng định, chỉ có 23 triệu dân của hòn đảo mới có thể quyết định tương lai của họ, và vì Đài Loan chưa bao giờ bị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cai trị, do đó các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đều vô hiệu.
Minh Ngọc (Theo Reuters)
Khai mạc “Hội nghị Davos trên sa mạc”
Sáng kiến Đầu tư Tương lai, một sự kiện dành cho giới kinh doanh, nhà đầu tư và các lãnh đạo chính phủ được mệnh danh là “Davos trên sa mạc,” sẽ diễn ra cho đến thứ Năm tại Ả Rập Saudi. Với chủ đề “Đầu tư vào nhân loại: Kích hoạt một trật tự toàn cầu mới” cùng các phiên thảo luận nhỏ như “Nền kinh tế hình người,” sự kiện hứa hẹn sẽ có cùng phong cách như phiên bản Thụy Sĩ của nó. Nó chủ yếu đóng vai trò tô điểm thêm vẻ hào nhoáng cho Ả Rập Saudi và giúp giới tinh hoa của đất nước kết nối với giới chủ toàn cầu.
Mỹ đã không cử đại biểu chính phủ (với lý do không muốn, trong khi ban tổ chức nói Mỹ không được mời). Hai nước gần đây đã công khai chỉ trích nhau vì Ả Rập Saudi ủng hộ OPEC + cắt giảm sản lượng, một động thái có lợi cho Nga. Tuy nhiên, các ông chủ doanh nghiệp Mỹ như JPMorgan Chase hay Bridgewater vẫn tham dự, với mong muốn không bị lỡ cơ hội khi kinh tế Vùng Vịnh bùng nổ. Bất chấp chế độ chuyên quyền, sự giàu có của vương quốc này là không thể cưỡng lại được.
Thái Lan hợp pháp hoá phá thai trước 20 tuần tuổi
Khi một số nước thắt chặt luật phá thai, Thái Lan làm ngược lại: nới lỏng luật và trở thành một trong những quốc gia thân thiện với phá thai nhất ở Đông Nam Á. Được biết Thái Lan là một trong những quốc gia có tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên cao nhất trong số các nước thu nhập trung bình và từ lâu đã phải tìm cách đối phó với phá thai lậu. WHO ước tính rằng số ca nạo phá thai chính thức, khoảng 30.000 ca mỗi năm, chỉ bằng một phần mười con số thực.
Nhưng vào năm 2020, tòa án hiến pháp Thái Lan phán quyết rằng việc cấm phá thai vi phạm quyền bình đẳng giới tính cũng như quyền được sống và tự do. Năm ngoái, chính phủ đã tiến hành bước đầu tiên khi hợp pháp hóa phá thai trong ba tháng đầu của thai kỳ. Từ thứ Năm, phụ nữ mang thai không quá 20 tuần tuổi sẽ có thể đến khám phá thai tại 110 bệnh viện và phòng khám công trên cả nước sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ.
Quy định pháp luật về phá thai ở Đông Nam Á
Khởi đầu nhiệm kỳ không hào nhoáng của Rishi Sunak
Rishi Sunak đã trở thành thủ tướng Anh vào thứ Ba sau cuộc gặp với Vua Charles III. Ông dường như muốn mở ra một nhiệm kỳ không quá hào nhoáng và không có các ý tưởng lớn lao như những người tiền nhiệm của ông. Trong bài phát biểu tại Phố Downing, ông Sunak nói ưu tiên của ông là khôi phục sự ổn định của nước Anh trước “một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc.” Ông hứa sẽ “sửa chữa” những “sai lầm” của Liz Truss, người tiền nhiệm với kế hoạch ngân sách đã khiến thị trường bán tháo trái phiếu và đồng bảng Anh.
Nội các của ông đầy các cựu bộ trưởng, nhiều người được giữ lại hoặc quay về các công việc trước đây của họ, bao gồm ngoại trưởng James Cleverly và bộ trưởng nội vụ Suella Braverman. Văn phòng của ông muốn các vị trí này thể hiện sự thống nhất, kinh nghiệm và tính tiếp nối. Nhưng nó cũng cho thấy – sau khi hai người tiền nhiệm của ông liên tiếp bị phế truất – ông Sunak muốn thêm bạn bớt thù.
Giai đoạn khó khăn của Deutsche Bank
Hồi tháng 4, Deutsche Bank báo cáo lợi nhuận quý cao nhất gần một thập niên sau nhiều năm vướng vào bê bối pháp lý và phải bán phá giá tài sản không mong muốn để cắt lỗ. Nhưng chỉ trong vòng 48 giờ sau đó, cảnh sát đột kích trụ sở ngân hàng ở Frankfurt để điều tra một vụ rửa tiền khác. Thứ Tư này là ngày công bố kết quả tiếp theo của DB. Nhờ lãi suất tăng, hãng dự kiến sẽ ghi nhận quý thứ chín liên tiếp có lãi.
Nhưng bấy nhiêu là không đủ để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư (cảnh sát lại đột kích vào tháng 5, và một lần nữa vào tuần trước liên quan đến một vụ gian lận thuế). Giá cổ phiếu của ngân hàng hiện dao động thấp hơn khoảng 1/5 so với một năm trước. Ngoài ra còn có những khó khăn khác: hồi tháng 7, DB đã từ bỏ mục tiêu cắt giảm chi phí với lý do “không lường trước được” chi phí của chiến tranh Ukraine và các chi phí kiện tụng. Quý vừa qua có lẽ cũng không quá lạc quan.
Hoa Kỳ tiêu diệt hai kẻ khủng bố al-Shabaab trong cuộc không kích ở Somalia
Các phần tử Al-Shabaab được nhìn thấy đang đi dọc một con đường mòn ở Somalia. (Ảnh: AP)
Fox News ngày 26/10 đưa tin, Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ đã thực hiện một cuộc không kích hôm Chủ nhật nhằm vào các phần tử khủng bố al-Shabaab với sự phối hợp của chính phủ Somali.
Ngũ Giác Đài cho biết, hai trong số những kẻ khủng bố đã bị tiêu diệt. Nhóm này đang tấn công lực lượng Quân đội Quốc gia Somali gần Buulobarde, một thành phố cách Mogadishu khoảng 135 dặm về phía bắc.
Không có thương vong dân sự nào được báo cáo, theo đánh giá ban đầu của Bộ Tư lệnh Châu Phi của Hoa Kỳ.
Cuộc không kích lần này diễn ra khoảng ba tuần sau khi quân đội Mỹ tiến hành một cuộc không kích ở Somalia nhằm tiêu diệt Abdullahi Nadir, một lãnh đạo cao nhất của “mạng lưới al-Qaeda hoạt động mạnh mẽ nhất trên thế giới.”
“Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ, cùng với các đối tác, tiếp tục hành động để ngăn chặn nhóm khủng bố độc hại này lên kế hoạch và tiến hành các cuộc tấn công vào dân thường”, Ngũ Giác Đài cho biết trong một tuyên bố.
Đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 5 thủ lĩnh al-Shabaab được cho là chịu trách nhiệm về các vụ tấn công khủng bố ở Somalia và các nước châu Phi lân cận.
Tổng thống Biden đã tái khai triển vài trăm binh sĩ đặc nhiệm tới Somalia vào tháng 5 sau khi cựu Tổng thống Trump rút quân vào tháng 12 năm 2020.
Căng thẳng Bắc Hàn: Vì sao Kim Jong-un muốn leo thang?
Các giai đoạn căng thẳng với Bắc Hàn trồi rồi ngụp, nhưng tình hình trên bán đảo Triều Tiên lúc này là bất ổn nhất trong vòng 5 năm và có vẻ sẽ còn tồi tệ hơn nữa.
Trong tháng qua, Bắc Hàn đã bắn một tên lửa vào Nhật Bản, khiến người dân phải tìm nơi trú ẩn - một hành động thù địch và đầy khiêu khích. Bắc Hàn cũng đã phóng một số tên lửa đạn đạo khác, điều chiến đấu cơ đến gần biên giới với Hàn Quốc và bắn hàng trăm quả đạn pháo xuống biển, rơi xuống vùng đệm quân sự do Hàn Quốc và Bắc Hàn tạo ra vào năm 2018 để giữ hòa bình. Về mặt kỹ thuật, hai nước vẫn còn trong chiến tranh.
Hôm thứ Hai, một tàu buôn của Bắc Hàn đã vượt qua biên giới trên biển của hai nước, khiến cả hai bên nổ súng cảnh cáo. Hàn Quốc nói rằng vụ xâm nhập này là có chủ đích.
Vậy, Kim Jong-un có dự tính gì? Có ba lý do làm cho Bắc Hàn hướng tới việc phóng tên lửa - để thử nghiệm và cải tiến công nghệ vũ khí, để gửi thông điệp chính trị đến thế giới (chủ yếu là Mỹ), và gây ấn tượng với người dân trong nước cũng như củng cố lòng trung thành với chế độ.
Khó mà giải mã được Bình Nhưỡng nhằm vào mục đích nào trong số trên, nhưng lần này ông Kim đã tỏ ra rành mạch.
Truyền thông nhà nước đã nhiều lần đưa tin rằng, các cuộc tập trận và phóng thử gần đây là nhằm đáp trả các cuộc tập trận quân sự do Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tiến hành. Bắc Hàn đã đổ lỗi cho những địch thủ của mình về việc leo thang căng thẳng và nói rằng các vụ phóng tên lửa là một lời cảnh báo rõ ràng để họ dừng lại.
Washington, Seoul và Tokyo đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn, riêng lẻ và cùng nhau, trong suốt hai tháng qua, để chỉ ra bộ ba đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công hạt nhân của Bắc Hàn. Có một chút hồ nghi là điều này có chọc ông Kim hay không, người vốn đã luôn coi các cuộc tập trận như vậy là các nước thù địch đang diễn tập cho việc xâm lược. Lý do Bắc Hàn bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân ngay từ đầu là để chống lại việc bị xâm lược.
Nhưng có một lý do ít hiển lộ hơn khiến ông Kim gia tăng áp lực lúc này. Ông ta có thể đang chuẩn bị nguyên cớ cho một vụ thử còn khiêu khích hơn - cho nổ vũ khí hạt nhân lần đầu tiên sau 5 năm, hoặc thậm chí là một cuộc tấn công quy mô nhỏ vào Hàn Quốc.
Không có nhận xét nào