Võ Thái Hà tổng hợp
Mỹ: Người Iran ở Crimea giúp Nga dùng máy bay không người lái tấn công Ukraine
21/10/2022
Máy bay không người lái của Iran.
Washington ngày 20/10 nói họ tin rằng nhân sự trong quân đội Iran đã được triển khai ở Crimea để hỗ trợ lực lượng Nga sử dụng máy bay không người lái do Iran sản xuất để tấn công Ukraine, trong lúc phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Các máy bay không người lái đã được sử dụng để phá hủy các nhà máy điện Ukraine và các cơ sở tiện ích khác trong các cuộc không kích có vẻ như được thiết kế để gây rối loạn và mất tinh thần khi mùa đông đến gần. Người dân Ukraine bắt đầu chịu cảnh cúp điện từ ngày 20/10 khi nhà chức trách tìm cách bắt đầu sửa chữa những hư hại do Nga gây ra.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price phát biểu trong một cuộc họp báo rằng: “Các quân nhân Nga tại Crimea đã điều khiển các máy bay không người lái của Iran và sử dụng chúng để thực hiện các cuộc tấn công động năng trên khắp Ukraine, bao gồm cả các cuộc không kích nhắm vào Kyiv.”
“Chúng tôi đánh giá rằng ... các quân nhân Iran đã có mặt tại Crimea và hỗ trợ Nga trong các hoạt động này.”
Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nga không hồi đáp yêu cầu bình luận. Tehran đã phủ nhận các máy bay không người lái mà Nga sử dụng tại Ukraine không phải do Iran sản xuất.
EU nói các thành viên Liên hiệp châu Âu đã nhất trí về các biện pháp mới chống lại Iran về việc cung cấp máy bay không người lái cho Nga và Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhân vật quân sự cấp cao và một công ty mà họ cho biết có liên quan đến việc cung cấp máy bay không người lái của Iran cho Moscow.
“Sự ủng hộ của Iran đối với cuộc chiến tàn bạo và bất hợp pháp của Putin chống lại Ukraine là đáng trách”, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết trong một tuyên bố.
Một phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc nói Washington đang xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran về các máy bay không người lái và cứu xét các giải pháp phòng không cho Ukraine.
Mất điện
Người dân trên khắp Ukraine được khuyến khích sử bớt dùng điện trong lúc chính phủ thực thi các quy định hạn chế dùng điện trên toàn quốc trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 11 giờ tối.
Những hạn chế đầu tiên kiểu này kể từ cuộc xâm lược ngày 24/2 của Nga bao gồm cúp điện ở một số khu vực. Việc này diễn ra sau một loạt các cuộc tấn công của Nga mà Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết đã tấn công một phần ba tổng số nhà máy điện của Ukraine.
Khu vực phía đông bắc của Sumy không có nước trong lúc một số cửa hàng tạp hóa ở Kyiv báo cáo doanh số bán nước đóng chai tăng lên để chuẩn bị cho tình trạng thiếu nước có thể xảy ra ở đó.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố họ một lần nữa nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, một chiến lược mà họ đang đẩy mạnh.
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko nói với kênh truyền hình quốc gia rằng Nga đã thực hiện hơn 300 cuộc không kích vào các cơ sở năng lượng của Ukraine kể từ ngày 10 tháng 10. Hậu quả là, theo lời ông, chính phủ Ukraine đang tìm cách giảm 20% việc sử dụng năng lượng.
Tổng thống Ukraine ngày 19/10 cho biết các vấn đề về điện sẽ phải mất một thời gian mới giải quyết xong.
Mỹ phải sẵn sàng đối phó với việc Đài Loan bị Trung Quốc xâm lược
Ảnh minh họa : Đô đốc Michael Gilday (T) chỉ huy các hoạt động tác chiến hải quân Mỹ trong chuyến thăm New Delhi, Ấn Độ, ngày 12/10/2022. AP - Manish Swarup
« Quân đội Mỹ phải sẵn sàng đối phó với việc Trung Quốc có thể tiến hành xâm lược Đài Loan ngay trong năm nay », đó là nhận định của đô đốc Michael Gilday vào hôm qua 19/10/2022.
Tướng Michael Gilday, đứng đầu các hoạt động tác chiến của hải quân Hoa Kỳ, là quan chức cấp cao, gần đây nhất, đã bày tỏ quan ngại về việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẵn sàng chiếm Đài Loan sớm hơn dự kiến.
Theo AFP, trong một cuộc trò chuyện với một tổ chức tư vấn, Hội Đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), khi được hỏi ý kiến về phát biểu của một viên tướng Mỹ khác cho rằng Bắc Kinh sẵn sàng chiếm Đài Loan vào năm 2027, đô đốc Gilday cho rằng ngoài việc nghe những gì chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói, còn phải nhìn cách hành xử thật sự của Trung Quốc.
Tướng Gilday nói : « Những gì chúng ta thấy trong 20 năm qua là họ đã thực hiện mọi « lời hứa » của họ sớm hơn dự kiến. Vì vậy, khi chúng ta nói về năm 2027 thì theo tôi, điều đó sẽ xảy ra vào năm 2022 hoặc 2023, tôi không thể loại trừ khả năng đó ».
Quan chức: Ông Tập sẽ là ‘tội đồ’ của người Hoa nếu tấn công Đài Loan
21/10/2022
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ trở thành “tội đồ” của tất cả người Hoa nếu tấn công Đài Loan và rằng ông sẽ thất bại vì sẽ bị chế tài quốc tế và cô lập ngoại giao, quan chức an ninh hàng đầu của Đài Loan quả quyết ngày 20/10.
Trung Quốc đã gia tăng áp lực quân sự và chính trị chống lại Đài Loan dân chủ trong hai năm qua khi Bắc Kinh tìm cách khẳng định tuyên bố chủ quyền, điều mà chính phủ Đài Bắc cực lực bác bỏ.
Khai mạc đại hội Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc hôm Chủ nhật 16/10, ông Tập nói việc giải quyết vấn đề Đài Loan là tùy thuộc vào người dân Trung Quốc và Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền sử dụng vũ lực nhưng vẫn nỗ lực cho một giải pháp hòa bình.
Phát biểu với báo giới bên lề quốc hội, ông Chen Ming-tong, Cục trưởng Cục An ninh Quốc gia Đài Loan, tuyên bố ông Tập sẽ đối mặt với thảm họa nếu tiếp tục đe dọa tấn công Đài Loan.
“Không có khả năng chiến thắng trong việc sử dụng vũ lực để tấn công Đài Loan”, ông Chen nói.
Trung Quốc sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế và sự cô lập ngoại giao nếu làm như vậy, ông Chen nhấn mạnh.
Chính phủ Đài Loan nói chỉ có 23 triệu dân của hòn đảo này mới có thể quyết định tương lai của họ và vì Đài Loan chưa bao giờ bị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cai trị, các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là vô hiệu.
“Rõ ràng là hai bên nên tôn trọng lẫn nhau và phát triển riêng biệt, đó là cách sẽ mang lại hạnh phúc cho mọi người,” ông Chen nói.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã nhiều lần đề nghị nối lại các cuộc đàm phán với Trung Quốc dựa trên các nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ những điều đó và nhấn mạnh rằng trước tiên bà phải thừa nhận rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Bà Thái đang giám sát một chương trình hiện đại hóa quân sự để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc.
Anh lại đi tìm thủ tướng mới
Phố Downing lại hỗn loạn. Liz Truss, người đã từ chức thủ tướng Anh hôm thứ Năm, sẽ được nhớ đến là thủ tướng tại nhiệm ngắn nhất và kém thành công nhất lịch sử nước Anh. Sau khi thị trường trái phiếu từ chối kế hoạch ngân sách của Truss, bà đã sa thải bộ trưởng tài chính, đảo ngược lời hứa cắt giảm thuế và mất luôn quyền lực.
Đảng Bảo thủ giờ đây sẽ cấp tốc bầu lãnh đạo mới trong tuần tới. Các nghị sĩ của đảng sẽ chọn ra các ứng viên dẫn đầu – tức đạt hơn 100 phiếu — trước khi đưa hai người ra bầu phổ thông bởi tất cả các đảng viên. Các ứng viên tiềm năng bao gồm Rishi Sunak, cựu bộ trưởng tài chính; Penny Mordaunt, lãnh đạo Hạ viện; và Boris Johnson, cựu thủ tướng nhiều bê bối. Người chiến thắng sẽ là thủ tướng thứ năm của đảng kể từ năm 2010 và là thủ tướng thứ ba trong năm nay. Nhưng bất cứ ai chiến thắng cũng sẽ phải đối mặt với các vấn đề cũ: tài chính hạn chế và một đảng đầy bất ổn.
Châu Âu đẩy mạnh nhập khẩu khí đốt hóa lỏng
Trong nỗ lực tìm nguồn cung khí đốt cho mùa đông, Liên minh châu Âu đang ngày càng phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) được chở trên các tàu chở dầu siêu lạnh, thường là từ Mỹ, để thay thế khí đốt Nga. Nguồn cung này đã giúp họ lấp đầy kho chứa lên hơn 90%, vượt quá mục tiêu 80% cho ngày 1 tháng 11.
Nhưng đang có một nút cổ chai làm tắc nghẽn dòng chảy. Với việc tất cả các cơ sở tái khí hóa của châu lục đều hoạt động hết công suất, hàng chục tàu chở đang bị buộc phải chờ ngoài khơi. Nhiều tàu đang đi vòng quanh các bờ biển của Tây Ban Nha, nơi chiếm một phần ba năng lực nhập khẩu LNG của châu Âu. Song chúng có thể phải sớm đi tìm các cảng khác. Để tránh lỡ tàu, năm tới Tây Ban Nha sẽ mở lại El Musel, một cảng nhập khẩu LNG ở Vịnh Biscay đã không hoạt động suốt mười năm qua. Nhưng còn đó các nút thắt cổ chai khác: đường ống nối Iberia với Bắc Âu sẽ không thể đáp ứng được cơn đói khí đốt của Đức
Đàm phán thành lập chính phủ Ý đi đến hồi kết
Vào thứ Sáu, một phái đoàn từ liên minh cánh hữu đã chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tháng trước ở Ý sẽ đến thăm tổng thống Sergio Mattarella, qua đó khép lại các cuộc tham vấn trước khi thành lập chính phủ mới. Thông thường mỗi đảng cử phái đoàn của mình. Nhưng liên minh muốn thể hiện sự đoàn kết và sự sẵn sàng lập chính phủ dưới quyền Giorgia Meloni, lãnh đạo đảng Anh em nước Ý cực hữu.
Nhưng họ có một vấn đề: Silvio Berlusconi, lãnh đạo đảng Forza Italia. Không hài lòng với cuộc phân chia ghế trong nội các, cựu thủ tướng đã làm lớn chuyện. Trong một đoạn ghi âm bị rò rỉ hôm thứ Tư, ông dường như đã có lời lẽ bôi nhọ bà Meloni vì khoe khoang về sự thân thiết của mình với tổng thống Nga Vladimir Putin. Sau câu chuyện của Berlusconi, chắc chắn ông Mattarella sẽ muốn có câu trả lời cho một số câu hỏi hóc búa: liệu liên minh có thống nhất như tuyên bố, và liệu đảng của ông Berlusconi có nên được giao phụ trách đối ngoại.
Steve Bannon bị kết án khinh thường Quốc hội
Vào thứ Sáu, cựu cố vấn Steve Bannon của Donald Trump sẽ bị một thẩm phán ở Washington kết tội khinh thường Quốc hội. Hồi tháng 7, ông đã bị kết án hai tội nhẹ vì từ chối trình diện trước ủy ban điều tra vụ bạo loạn ngày 6 tháng 1 ở Đồi Capitol của Hạ viện. Các công tố viên yêu cầu bản án sáu tháng tù và nộp phạt 200.000 đô la. Họ viện dẫn “các hành động bôi bác, bôi nhọ, và luận điệu đe dọa” của ông đối với các thành viên ủy ban, cũng như sự thiếu ăn năn.
Luật khinh thường Quốc hội hiếm khi được thực thi. Chỉ có một người khác – cựu cố vấn Peter Navarro của ông Trump – bị truy tố vì không ra trình diện ủy ban 6 tháng 1, mặc dù một số trợ lý cấp cao hơn cũng ngó lơ trát đòi hầu tòa. Hướng dẫn của bộ tư pháp nói các quan chức chính quyền cấp cao và tổng thống không nên bị buộc ra điều trần trước Quốc hội, do đặc quyền hành pháp. Vì vậy, ông Trump khó có thể sẽ bị buộc tội nếu từ chối tuân thủ trát hầu tòa.
Cố vấn CDC Mỹ chuẩn thuận đưa vắc-xin COVID vào chương trình miễn dịch
21/10/2022
Trụ sở Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Atlanta, Georgia.
Ủy ban cố vấn về vắc- xin của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ ngày 20/10 chuẩn thuận đưa vắc- xin COVID vào lịch tiêm chủng khuyến nghị của CDC cho cả trẻ em lẫn người lớn.
Ủy ban Cố vấn về Thực hành Miễn dịch (ACIP) thuộc CDC bỏ phiếu nhất trí bổ sung vắc-xin COVID vào lịch tiêm chủng mà trong đó bao gồm khuyến nghị cho bác sĩ nên tiêm cho bệnh nhân vắc-xin nào và khi nào.
Một số thành viên ủy ban nhấn mạnh rằng họ không đề ra yêu cầu về việc ai sẽ phải tiêm.
CDC đã khuyến cáo người Mỹ trên 6 tháng tuổi nên chủng ngừa COVID-19.
Một số phụ huynh và bác sĩ chống lại quy định bắt buộc tiêm vắc-xin COVID đã bày tỏ lo ngại rằng việc bổ sung các mũi tiêm COVID vào lịch tiêm chủng khuyến nghị của CDC sẽ dẫn tới việc các trường công yêu cầu học sinh phải tiêm chủng COVID.
Bác sĩ Nirav Shah, thành viên ACIP và là Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Maine, nói: “Việc bổ sung vắc-xin COVID vào lịch miễn dịch được khuyến nghị cho trẻ em không phải là yêu cầu bắt buộc bất kỳ trẻ em nào cũng phải nhận vắc-xin này.”
Bác sĩ Shah lưu ý rằng hiện tại có các loại vắc- xin trong lịch trình, chẳng hạn như tiêm phòng cúm theo mùa mà nhiều nơi không bắt buộc có mới được đi học.
CDC nhấn mạnh rằng lịch trình miễn dịch hàng năm phản ánh các khuyến nghị đã được ACIP phê duyệt và không phản ánh các chính sách mới.
Ngày 19/10, ACIP khuyến nghị mũi tiêm COVID trở thành một phần của chương trình vắc-xin cho trẻ em của CDC, chương trình này cung cấp nhiều loại tiêm chủng miễn phí cho hàng triệu trẻ em mỗi năm.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ tới Nhật, bàn về Triều Tiên, Trung Quốc, Đài Loan
21/10/2022
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman.
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman sẽ bàn về các vụ phóng phi đạn gần đây của Triều Tiên, Trung Quốc, và căng thẳng về Đài Loan trong các cuộc họp với người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc ở Tokyo vào tuần tới, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết ngày 20/10.
Quan chức này nói với các phóng viên là chuyến đi Tokyo của bà Sherman từ ngày 24-26/10 sẽ bao gồm cuộc gặp ba bên với các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc và các cuộc gặp song phương với mỗi nước.
“Chúng tôi sẽ thảo luận về một loạt vấn đề, bao gồm nhiều vụ phóng phi đạn đạn đạo của CHDCND Triều Tiên trong năm nay, CHND Trung Hoa và cuộc chiến tàn khốc và vô cớ của Nga chống lại Ukraine”.
“Chúng tôi dự định thảo luận toàn cảnh về các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực, và Đài Loan là một phần lớn trong số đó.”
Các cuộc đàm phán với Nhật Bản cũng dự kiến sẽ bao gồm các cải cách quốc phòng của Nhật và một chiến lược an ninh quốc gia mới mà Tokyo đang thực hiện, quan chức này cho biết.
Bà Sherman đến châu Á vào thời điểm căng thẳng gia tăng về vấn đề Triều Tiên và Đài Loan.
Triều Tiên đã tiến hành một số vụ phóng phi đạn đạn đạo chưa từng có trong năm nay và Washington cùng các đồng minh tin rằng nước này cũng có thể sắp nối lại thử nghiệm bom hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ngày 17/10 cảnh báo rằng Bắc Kinh quyết tâm theo đuổi việc thống nhất với Đài Loan “với mốc thời gian nhanh hơn nhiều”, mặc dù ông không nói rõ ngày tháng.
Năm ngoái, vị tướng hàng đầu của Mỹ tuyên bố không có khả năng Trung Quốc tìm cách chiếm Đài Loan bằng quân sự trong vài năm tới và chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ vào thời điểm đó đã nói với Quốc hội rằng mối đe dọa này có thể rộ lên trong vòng sáu năm.
Tuy nhiên, người đứng đầu Hải quân Hoa Kỳ, Đô đốc Mike Gilday, Tư lệnh Hải quân, nói với Hội đồng Đại Tây Dương hôm 19/10 rằng các lực lượng Hoa Kỳ phải chuẩn bị cho khả năng Trung Quốc xâm lược sớm hơn, mà không cần dự đoán trước.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nói trước đại hội Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc hôm 16/10 rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ từ bỏ quyền sử dụng vũ lực đối với Đài Loan, mà sẽ nỗ lực cho một giải pháp hòa bình.
Giá xăng vẫn cao tại các tiểu bang dao động trong khi TT Biden xuất thêm dầu từ kho dự trữ chiến lược
Tác giả Bryan Jung
Thứ sáu, 21/10/2022
Tổng thống Joe Biden diễn thuyết tại Hagerstown, Maryland, hôm 07/10/2022. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)
Giá xăng vẫn liên tục ở mức cao trên khắp Hoa Kỳ, trong bối cảnh các cử tri ở các tiểu bang dao động ngày càng quay lưng lại với Đảng Dân Chủ do chi phí nhiên liệu tăng cao trong ba tuần trước khi diễn ra các cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.
Chi phí xăng hiện đang cao hơn ít nhất chín trong số các chu kỳ bầu cử gần đây nhất.
Trong khi đó, Tổng thống (TT) Joe Biden đã thông báo về việc xuất thêm dầu từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) đang sắp cạn kiệt, trong một nỗ lực xoa dịu sự phẫn nộ đang lan rộng vì các chi phí năng lượng tăng lên.
Giá năng lượng đã tăng vọt kể từ đầu năm 2021, và các cuộc bầu cử giữa kỳ đang được nhiều nhà phân tích xem như là một cuộc trưng cầu dân ý đối với chính phủ TT Biden.
Tình trạng tăng giá tại trạm xăng phần lớn diễn ra ở một số tiểu bang dao động nhất định, vốn có khả năng sẽ quyết định liệu Đảng Dân Chủ có tiếp tục nắm quyền ở cả hai viện Quốc hội hay không.
Ít nhất 2/5 các cuộc tranh cử cạnh tranh được liệt kê trong Báo cáo Chính trị Cook (Cook Political Report) nằm trong số các tiểu bang có giá xăng tăng đáng kể.
Bốn cuộc tranh cử vào Thượng viện diễn ra ở Georgia, Pennsylvania, Wisconsin, và Nevada được Cook đánh giá là “khó đoán.”
Theo Bloomberg, ở những tiểu bang đó, giá xăng cao hơn 55–104% so với năm 2020.
Ví dụ như tiểu bang Arizona, một trong những nơi có giá xăng trung bình cao nhất, hiện đang đối mặt với một cuộc tranh cử khá căng thẳng vào Thượng viện.
Ngoài ra, ở tiểu bang Georgia, thành viên Đảng Cộng Hòa Herschel Walker đang chạy đua với Thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ đương nhiệm Raphael Warnock. Giá xăng ở đó đã tăng cao hơn 60% so với thời điểm diễn ra cuộc bầu cử năm 2020, khiến điều này trở thành vấn đề hàng đầu đối với các cử tri ở tiểu bang đó.
Mặc dù giá xăng đã giảm 4.9% trong tháng Chín, nhưng theo các số liệu mới nhất từ Chỉ số Giá Tiêu dùng, giá xăng trung bình đã ở mức 3.836 USD/gallon hôm 20/10.
Theo Hiệp hội Xe hơi Hoa Kỳ, con số này cao hơn gần 0.20 USD so với một tháng trước, và cao hơn gần 0.80 USD so với tháng 10/2008, thời điểm bắt đầu cuộc Đại suy thoái.
Hàn Quốc, Việt Nam đồng ý nâng cấp quan hệ lên ‘Đối tác chiến lược toàn diện’
20/10/2022
Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin hội đàm với người đồng cấp Việt Nam Bùi Thanh Sơn tại Hà Nội hôm 18/10/2022. Photo Embassy of South Korea in Vietnam.
Hàn Quốc và Việt Nam vừa đồng ý nâng quan hệ song phương lên tầm “Đối tác chiến lược toàn diện” tại một cuộc họp cấp ngoại trưởng ở Hà Nội.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin có cuộc hội đàm với người đồng cấp Việt Nam Bùi Thanh Sơn tại Hà Nội hôm 18/10 và nhất trí nâng cấp mối quan hệ này, hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết.
“Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bộ trưởng bày tỏ mong muốn phát triển quan hệ hơn nữa từ quan hệ “Đối tác chiến lược” hiện nay lên tầm “Đối tác chiến lược toàn diện””, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm 18/10, theo trang Korea Joongang Daily.
Hãng tin Yonhap dẫn lời Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết việc nâng cấp này sẽ được chính thức công bố khi hai bên tổ chức hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn Quốc – Việt Nam.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị cho biết về tuyên bố của phía Hàn Quốc, nhưng chưa được phản hồi.
Trong hệ thống chính sách đối ngoại của Việt Nam, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là cấp bậc cao nhất. Chỉ có ba quốc gia khác mà Việt Nam có quan hệ đối tác ở mức độ này: Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.
Hoa Kỳ từ lâu có ý định nâng tầm quan hệ Mỹ - Việt từ mức “Đối tác toàn diện” lên “Đối tác chiến lược toàn diện”, nhưng dường như lời đề nghị này chưa được giới lãnh đạo Hà Nội đồng ý.
Mặc dù Bộ Ngoại giao Hàn Quốc không chính thức xếp hạng các mối quan hệ của họ, nhưng Hàn Quốc gọi quan hệ của họ với Mỹ, đồng minh an ninh thân cận nhất của Seoul, là một liên minh chiến lược toàn diện toàn cầu.
Như vậy, với động thái này, Việt Nam đã thực hiện một bước đi “đường vòng” mang tính đột phá: thiết lập đối tác chiến lược toàn diện với một trong những đồng minh trung thành nhất của Mỹ ở châu Á.
Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở Washington DC, Hoa Kỳ, nhận định trên Twitter rằng bước đi này của Hà Nội đã có thể hình dung là “tiến hai bước trước Hoa Kỳ”.
Vào tháng 3/2022, khi Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, hai bên bày tỏ sự ủng hộ việc tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng và công nghiệp quốc phòng; hợp tác chặt chẽ triển khai các hoạt động dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (1992 - 2022), trong đó hướng tới việc nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”.
Tại cuộc hội đàm hôm 18/10, ông Park và ông Sơn đánh giá hai nước đã có sự gia tăng ổn định trong trao đổi về lĩnh vực quốc phòng và an ninh, đồng thời nhất trí mở rộng hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực, bao gồm cả năng lực an ninh hàng hải.
“Việt Nam luôn quan tâm đến tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và mong các bên liên quan tự kiềm chế, tránh leo thang, kiên trì đối thoại, cân nhắc các mối quan tâm, lợi ích của nhau cũng như lợi ích chung của khu vực và thế giới, qua đó đóng góp vào hòa bình và ổn định ở Bán đảo Triều Tiên, khu vực và thế giới nói chung”, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết trong một thông cáo.
Chuyến thăm của ông Park đến Việt Nam từ ngày 17-18/10 là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của đại diện chính phủ Yoon Suk-yeol tới Việt Nam. Dịp này, ông Park cũng hội kiến Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
https://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-vietnam-dong-y-nang-cap-quan-he-len-doi-tac-chien-luoc-toan-dien/6797878.html
Không có nhận xét nào