Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ năm 13 tháng 10 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ nhắm vào Nga, Trung 

    13/10/2022 

    Reuters 

    Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan

    Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan 

    Tòa Bạch Ốc ngày 12/10 trình làng chiến lược an ninh quốc gia mà qua đó tìm cách kiềm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khi tái khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác với đồng minh để giải quyết các thách thức mà các nước dân chủ đối mặt.

    Văn kiện dài 48 trang, vốn bị trì hoãn do cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine, không có chuyển đổi nào quan trọng trong quan điểm cũng như không đề ra nguyên tắc mới quan trọng nào về chính sách đối ngoại. Thay vào đó, văn kiện nêu bật lập trường rằng sự lãnh đạo của Mỹ là then chốt để vượt qua các mối đe dọa toàn cầu như biến đổi khí hậu và sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài.

    Theo bản chiến lược này, thậm chí sau cuộc xâm lược của Nga, Trung Quốc vẫn là thách thức tai hại nhất đối với trật tự toàn cầu và Mỹ phải thắng thế trong cuộc đua võ trang kinh tế nếu muốn duy trì tầm ảnh hưởng của mình trên toàn cầu.

    Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nói Washington phải xử lý mối quan hệ với Trung Quốc trong lúc đối mặt với các khó khăn xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu, bất an lương thực, bệnh tật, khủng bố, chuyển đổi năng lượng, và lạm phát.

    Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington không hồi đáp yêu cầu bình luận.

    Phần đề cập tới Triều Tiên trong bản chiến lược này cho thấy những giải pháp hạn chế của Mỹ trong việc khống chế chương trình hạt nhân và phi đạn của Bình Nhưỡng.

    Chính quyền Biden lẽ ra đã phải gửi bản chiến lược sang Quốc hội khi đưa ra ngân sách đề nghị hồi tháng Ba.

    Cố vấn an ninh quốc gia Sullivan cho hay cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm trì hoãn việc này nhưng không ‘thay đổi căn bản’ cách tiếp cận trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden.

    Tuy nhiên, ông cho biết: “Tôi tin rằng bản chiến lược thể hiện sống động các yếu tố then chốt trong cách tiếp cận của chúng tôi, đó là sự nhấn mạnh về các đồng minh, tầm quan trọng của việc củng cố thế giới dân chủ, sát cánh với các nền dân chủ đồng đội và vì các giá trị dân chủ.”

    Pháp tuyên bố sẽ cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/10/phao-binh-cua-phap-700x480.jpg

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố hôm 12/10 vừa qua rằng nước này sẽ cung cấp hệ thống phòng không và radar cho Ukraine trong những tuần tới, theo hãng tin Reuters. hệ thống phòng không Lựu pháo Caesar. (Ảnh: Flying Camera/Shutterstock)

    Cụ thể, Tổng thống Macron cho biết rằng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang bước vào giai đoạn chưa từng có. Một làn sóng không kích vào các thành phố của Ukraine trong tuần này đã làm gia tăng rủi ro, khiến Kyiv yêu cầu các bên ủng hộ cung cấp thêm vũ khí, bao gồm hệ thống phòng không.

    Tổng thống Macron cho biết hệ thống radar và tên lửa phòng không sẽ được chuyển giao trong những tuần tới nhằm bảo vệ Ukraine trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái. Dẫu vậy, nhà lãnh đạo này không tiết lộ chi tiết loại tên lửa phòng không nào cũng như số lượng vũ khí sẽ được chuyển cho Ukraine.

    Không chỉ hệ thống phòng không, Pháp xác nhận đã thống nhất với Đan Mạch chuyển 6 khẩu pháo tự hành Caesar đã đặt của nước này sang cho Ukraine. Chi tiết giao dịch vẫn chưa được công bố.

    Trước đây Paris từng cung cấp tên lửa phòng không vác vai Mistral cho Ukraine. Một nguồn tin biết về vấn đề này tiết lộ rất có thể Pháp sẽ cung cấp tên lửa phòng không tầm ngắn Crotale, được sử dụng để đánh chặn tên lửa và máy bay tầm thấp.

    Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Ukraine đã đăng một đoạn video lên mạng xã hội vào ngày 12/10, trong đó thúc giục Pháp thể hiện sự ủng hộ của nước này thông qua động thái cung cấp vũ khí sau nhiều lần chỉ trích Paris làm chưa đủ.

    Trước đó một ngày, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết họ đang tăng cường hỗ trợ sườn phía đông của NATO bằng việc điều động thêm xe tăng đến Romania, máy bay chiến đấu Rafale đến Litva và lực lượng bộ binh tới Estonia.

    Phan Anh

    Bắc Triều Tiên bắn 2 "tên lửa hành trình chiến lược tầm xa"

    13/10/2022

    Một vụ thử tên lửa tại một địa điểm không được tiết lộ ở Bắc Triều Tiên, được chụp trong khoảng từ ngày 25/9 đến ngày 9/10. Ảnh do chính quyền Bắc Triều Tiên cung cấp ngày 10/10/2022. AP 

    Hãng thông tấn chính thức Bắc Triều Tiên KCNA, được AFP trích dẫn, hôm nay, 13/10/2022, loan tin Bình Nhưỡng vừa bắn thử hai "tên lửa hành trình chiến lược tầm xa" trước sự chứng kiến của lãnh đạo Kim Jong-un. KCNA cho biết thêm rằng các tên lửa đó được thiết kế để mang vũ khí hạt nhân chiến thuật. 

    Hai tên lửa hành trình, di chuyển ở độ cao thấp hơn so với tên lửa đạn đạo, đã bay được 2.000 km trên vùng Hoàng Hải trước khi tới mục tiêu.

    Trong những tuần gần đây, đích thân ông Kim Jong-un đã giám sát một loạt vụ phóng tên lửa đạn đạo, được Bình Nhưỡng mô tả là các cuộc tập trận ''hạt nhân chiến thuật'' mô phỏng việc phá hủy các sân bay và cơ sở quân sự ở Hàn Quốc.

    Theo KCNA, ông Kim Jong-un đã bày tỏ "sự hài lòng" trước kết quả của các vụ thử và cho biết lực lượng tác chiến hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã "hoàn toàn sẵn sàng cho một cuộc chiến thực sự" và nói rằng các vụ thử tên lửa này là một lời "cảnh cáo" đối với các nước thù địch.

    Trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ - Triều gặp bế tắc từ lâu và cuộc xung đột ở Ukraina khiến Liên Hiệp Quốc không thể thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Bình Nhưỡng, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã gia tăng nỗ lực phát triển và thử nghiệm kho vũ khí hạt nhân của nước này.

    Cả Seoul và Washington đều đã cảnh báo từ nhiều tháng qua về nguy cơ Bình Nhưỡng sắp tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7.

    Mỹ xem xét cấm hoàn toàn việc nhập khẩu nhôm từ Nga

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/10/nhom-cua-nga.jpg

    Hôm 12/10 vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đang xem xét áp đặt lệnh cấm hoàn toàn việc nhập khẩu nhôm từ Nga, theo tờ Reuters.

    Cụ thể, hãng tin Reuters đã dẫn các nguồn thạo tin cho hay rằng Nhà Trắng đang cân nhắc một lệnh cấm hoàn toàn, tăng thuế quan lên mức trừng phạt để có thể áp đặt lệnh cấm có hiệu quả, hoặc trừng phạt công ty sản xuất kim loại của Nga, United Co Rusal International PJSC, nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc.

    Nhà Trắng đã kiềm chế việc áp đặt biện trừng phạt cấm nhập khẩu nhôm của Nga khi nước này bắt đầu tiến hành cuộc tấn công nhắm vào Ukraine do lo ngại điều này có thể làm gián đoạn hoạt động cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, hiện có ít hơn các sản phẩm nhôm của Nga để Mỹ và các đồng minh của Ukraine có thể áp đặt lệnh cấm và cuộc thảo luận của Nhà Trắng về lệnh cấm đã diễn ra trong nhiều tuần qua.

    Ở một diễn biến khác, sau khi Nga tiến hành không kích các thành phố của Ukraine nhằm trả đũa vụ nổ trên cầu Crimea, phía Mỹ đã đẩy nhanh chuyển giao vũ khí cho Ukraine, theo hãng tin CNN.

    Mỹ đang tăng tốc vận chuyển 2 hệ thống phòng không tiên tiến cho Ukraine trong bối cảnh Tổng thống Volodymyr Zelenskiy yêu cầu phương Tây tăng cường việc cung cấp vũ khí tân tiến hơn để đối phó với Nga.

    Lầu Năm Góc cho biết trong một tuyên bố rằng tập đoàn Raytheon của Mỹ sẽ đẩy nhanh tiến độ lắp ráp các đơn vị Hệ thống Tên lửa Đất đối không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS) bằng cách sử dụng các bộ phận hiện có thay vì chế tạo mới. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang ký hợp đồng để sản xuất nhiều bộ phận khác trong khuôn khổ Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine.

    Lầu Năm Góc cho hay trong một tuyên bố đưa ra hôm 11/10 vừa qua: “Chúng tôi đang sử dụng một số công cụ để chuyển tiền và hoàn thành quá trình ký hợp đồng một cách nhanh chóng. Chúng tôi tập trung vào tốc độ và đây là một ví dụ về khả năng làm việc nhanh chóng với ngành này để đẩy nhanh quá trình giao vũ khí”.

    Phan Anh 

    Chuyên gia: Moscow chịu áp lực nặng nề, Belarus có khả năng tham chiến

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/10/belarus-co-kha-nang-tham-chien.jpg

    TT Belarus có nhiều động thái quân sự gây chú ý trong tuần này gần biên giới với Ukraine. (Ảnh minh họa: Sasa Dzambic Photography/Shutterstock) 

    Gần đây Belarus đã có nhiều hoạt động quân sự thu hút sự lo ngại của Ukraine và phương Tây như một dấu hiệu cho thấy Tổng thống (TT) Alexander Lukashenko có thể sử dụng quân đội Belarus để hỗ trợ chiến tranh tại quốc gia láng giềng. Vào tháng 2, khi Nga xâm lược Ukraine đã sử dụng Belarus như một hướng tấn công trên bộ.

    Theo đó, ông Lukashenko đã ra lệnh cho quân đội triển khai với các lực lượng Nga gần biên giới Ukraine và Bộ Quốc phòng của ông cho biết các cuộc tập trận “sẵn sàng chiến đấu” đang được tiến hành.

    Hôm thứ Ba, Bộ Nội vụ đã tổ chức các cuộc tập trận để loại bỏ “các nhóm phá hoại” gần Yelsk, chỉ cách biên giới với Ukraine 20km.

    TT Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã yêu cầu liên minh các nước thuộc khối G7 (G7) đặt một phái bộ quan sát viên quốc tế gần biên giới, trong khi Pháp cảnh báo Belarus rằng họ có thể phải đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt của phương Tây hơn nếu họ tăng cường sự tham gia của mình vào chiến trường Ukraine.

    Belarus cho phép Nga được sử dụng lãnh thổ làm bệ phóng cho cuộc xâm lược Ukraine vào hôm 24/2, nhưng đã không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến.

    Các nhà phân tích cho rằng ông Lukashenko sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu ông tham gia cuộc chiến, vào thời điểm này Moscow đang quay cuồng với một loạt thất bại và phải đối mặt với những lời chỉ trích công khai chưa từng có về những lần thua trận của các tướng lĩnh.

    Nhưng phương Tây hoài nghi rằng sự can thiệp của Belarus sẽ tạo ra nhiều khác biệt. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, các lực lượng vũ trang của nó chỉ có tổng cộng 48.000 nhân viên, và đã không chiến đấu trong một cuộc chiến tranh trong hơn 30 năm độc lập kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

    “Đó không hẳn là một lực lượng vũ trang đã được thử nghiệm chiến đấu”, Samir Puri, tác giả cuốn sách “Con đường chiến tranh của Nga với Ukraine” cho biết.

    Tuy nhiên, ông nói rằng nguy cơ can thiệp của Belarus có thể buộc Ukraine phải tăng cường an ninh ở phía Bắc đất nước, kéo các lực lượng ra khỏi tiền tuyến với Nga ở phía Nam và phía Đông.

    Việc ông Zelenskyy kêu gọi các nhà quan sát nước ngoài là một dấu hiệu cho thấy Ukraine coi trọng rủi ro nhưng nó có thể không khả thi về mặt ngoại giao, ông Puri nói.

    Không rõ ai sẽ cung cấp một lực lượng như vậy, vì Moscow sẽ phủ quyết bất kỳ vai trò nào của Liên Hợp Quốc và các nhà quan sát NATO hoặc EU có thể bị lôi kéo vào các cuộc đụng độ với các lực lượng Nga.

    Bộ Quốc phòng Belarus đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Hôm thứ Ba, họ cho biết việc triển khai với quân đội Nga là một biện pháp phòng thủ “nhằm đáp trả đầy đủ các hành động gần biên giới của chúng tôi”.

    Belarus có chung biên giới với 3 thành viên của khối NATO, một yếu tố cũng có thể là một phần trong tính toán của TT Putin khi ông tìm cách lôi kéo đồng minh của mình vào cuộc chiến.

    Nhất Tín, theo Channelnewsasia


    Lạm phát chỉ giảm nhẹ ở Mỹ

    Dữ liệu lạm phát mới nhất của Mỹ, được công bố vào thứ Năm, dự kiến cho thấy giá cả chỉ tăng khoảng 0,2% trong tháng 9 so với tháng 8. Nhưng vấn đề là đà lạm phát cốt lõi vẫn còn quá mạnh. Lạm phát cơ bản (trừ chi phí thực phẩm và năng lượng) có thể đã tăng khoảng 0,5% theo tháng.

    Với lạm phát cơ bản tiếp tục cao, các nhà đầu tư đều chắc chắn Cục Dự trữ Liên bang sẽ lại tăng lãi suất vào tháng tới và có lẽ là thêm một lần nữa cho tới cuối năm. Tốc độ tăng lãi suất đang đè nặng lên thị trường trái phiếu và cổ phiếu toàn cầu, khiến một số người kêu gọi Fed nhẹ tay. Nhưng trừ khi lạm phát hạ nhiệt, các thống đốc Fed sẽ không đổi ý.

    Thị trường trái phiếu Anh hỗn loạn 

    Hậu quả tai hại của kế hoạch tài khóa được chính phủ Anh công bố hôm 23 tháng 9 tiếp tục quét qua thị trường. Ngân hàng Anh đã phải can thiệp bằng biện pháp mua khẩn cấp nhằm ngăn các quỹ hưu trí bán tháo trái phiếu. Vào thứ Tư, ngân hàng khẳng định sẽ kết thúc chương trình vào thứ Sáu – nhưng chỉ sau khi sự hoài nghi của thị trường làm đồng bảng Anh tụt giá.

    Nhưng sau đó thì sao? Khả năng đáng ngại là tình trạng mua bán hỗn loạn sẽ tiếp tục. Thống đốc ngân hàng Andrew Bailey nói với các quỹ hưu trí vào thứ Ba rằng họ phải “đảm bảo” khả năng phục hồi tài chính của mình trước thời hạn trên. Tuy nhiên, thị trường dường như kỳ vọng ngân hàng sẽ can thiệp nếu tình trạng hỗn loạn quay trở lại. Vấn đề cơ bản là thị trường không chắc chắn về khả năng chính phủ Anh có thể đảm bảo đủ ngân sách cho chương trình cắt giảm thuế. Cho đến khi điều đó được xử lý, mọi thứ sẽ không ổn định trở lại.

    Quốc hội Ý đau đầu chọn các chủ tịch mới

    Vào thứ Năm, quốc hội mới của Ý sẽ họp phiên đầu tiên sau tổng tuyển cử tháng trước. Ở cả hai viện là một liên minh cánh hữu với đa số vững chắc. Cụ thể, đảng Anh em nước Ý (FdI), Liên đoàn phương Bắc và đảng Forza Italia của Silvio Berlusconi cùng giành được nhiều hơn 74 ghế so với phe đối lập trong Hạ viện 400 ghế, và 30 ghế nhiều hơn trong Thượng viện 200 ghế. Giorgia Meloni của FdI cực hữu gần như chắc chắn trở thành thủ tướng trước cuối tháng. Nhưng nhiệm vụ đầu tiên của các nhà lập pháp là chọn chủ tịch cho cả hai viện.

    Quyết định ai làm chủ tịch Thượng viện đặc biệt nhạy cảm, vì người này sẽ kế nhiệm tổng thống 81 tuổi, Sergio Mattarella, nếu ông qua đời hoặc mất khả năng giữ chức vụ. Cả hai nhân vật dẫn đầu đều vướng nhiều tranh cãi. Ignazio La Russa của FdI từng nói đùa trong đại dịch rằng người Ý nên sử dụng cách chào theo kiểu phát xít để tránh bắt tay nhau; trong khi Roberto Calderoli của Liên đoàn từng so sánh một bộ trưởng da đen với một con đười ươi.

    Cuộc điều tra vụ 6/1 ở Hạ viện Mỹ đi đến hồi kết 

    Ủy ban quốc hội Mỹ điều tra vụ tấn công Điện Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021 sẽ tổ chức phiên điều trần cuối cùng vào thứ Năm. Sự kiện này sẽ tóm tắt toàn bộ các chứng cứ cho thấy Donald Trump đã không ngăn những người ủng hộ ông tràn vào tòa nhà quốc hội để lật ngược kết quả bầu cử. Ủy ban dự kiến đưa ra báo cáo cuối cùng trước khi Quốc Hội khóa tiếp theo nhậm chức vào tháng 1. Nếu đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát sau cuộc bầu cử tháng 11, họ có thể sẽ cho ngừng công việc chưa hoàn thành của ủy ban và phản công bằng cách đổ lỗi cho đảng Dân chủ về những thất bại về tình báo và an ninh trong ngày diễn ra sự việc.

    Không rõ các nhà điều tra thu thập được bao nhiêu bằng chứng về tội hình sự. Bộ Tư pháp, nơi đưa ra quyết định độc lập về các cáo buộc hình sự, đã thu giữ điện thoại của một số người được ủy ban xác định. Nhưng phạm vi điều tra vẫn chưa rõ ràng. Ông Trump, người không lạ gì với các vấn đề pháp lý, hầu như không hề bối rối.

    Đường ống dẫn dầu Druzhba dài nhất thế giới qua Ba Lan bị rò rỉ

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/10/skynews-druzhba-oil-pipeline_5928534.jpg

    Đường ống dẫn dầu Druzhba dài nhất thế giới (Ảnh: Janos Kummer / Getty Images) 

    Đường ống dẫn dầu Druzhba dài nhất thế giới đã bị rò rỉ tại một số khu vực của Ba Lan. Các nhà chức trách Warsaw (thủ đô của Ba Lan) cho biết họ tin rằng đây là một sự cố, hiện đã bắt đầu sửa chữa và ngừng một số nguồn cung cấp dầu cho Đức.

    Reuters đưa tin, Chính phủ Đức cho biết các lô hàng dầu đến Đức đã giảm sau khi một phần đường ống Druzhba của Nga tới châu Âu bị rò rỉ ở Ba Lan. Các nhà chức trách ở Warsaw cho biết đây có thể là một sự cố chứ không phải do phá hoại.

    Tối ngày 11/10, công ty điều hành đường ống dẫn dầu PERN của Ba Lan ra thông báo cho biết đã xảy ra sự cố rò rỉ đường ống dẫn dầu từ đường ống Druzhba sang Đức, và đoạn đường ống này đã bị đóng cửa. “Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân sự cố, một số tuyến ống bị ảnh hưởng đã lập tức ngừng cung cấp dầu; tuyến ống số 2 đang hoạt động bình thường.”

    Ngày 12/10, người phát ngôn của Bộ Kinh tế Đức ra tuyên bố: “Đức vẫn còn một số nguồn cung cấp dầu, là các nhà máy lọc dầu của thành phố Schwedt thuộc bang Brandenburg và thành phố Leuna ở bang Sachsen-Anhalt đều có thể nhận dầu từ đường ống Druzhba.” Hy vọng Ba Lan sẽ cung cấp thông tin chi tiết về nguyên nhân rò rỉ đường ống dẫn dầu Druzhba, và việc sửa chữa đường ống trong thời gian sớm nhất.

    Nhà máy lọc dầu Schwedt của Đức, bên phụ thuộc nhiều vào đường ống Druzhba và cung cấp 90% nhiên liệu cho Berlin. Bộ Kinh tế và cơ quan quản lý liên bang của nước này hiện chưa bình luận.

    Trong một cuộc phỏng vấn ngày 12/10, ông Mateusz Berger, quan chức cấp cao phụ trách cơ sở hạ tầng năng lượng của Ba Lan, cho biết sự cố rò rỉ tại đường ống Druzhba có khả năng là do “thiệt hại ngẫu nhiên”. Trả lời về khả năng cố ý phá hoại đường ống dẫn dầu, ông cho biết không có bằng chứng nào về khả năng đó xảy ra ở giai đoạn này.

    Ông Mateusz Berger cho biết vụ rò rỉ đường ống dẫn dầu nằm cách thành phố Płock (miền trung Ba Lan) 70 km về phía tây, nơi công ty bán lẻ và lọc dầu PKN Orlen sở hữu nhà máy lọc dầu lớn nhất Ba Lan. Việc sửa chữa hệ thống đường ống có thể sẽ “không mất nhiều thời gian.”

    Transneft, công ty vận chuyển đường ống dẫn dầu của Nga, tuyên bố rằng dầu vẫn sẽ tiếp tục được vận chuyển đến Ba Lan thông qua đường ống. Công ty PKN Orlen của Ba Lan cho biết không có sự gián đoạn nguồn cung cấp dầu từ nhà máy lọc dầu của họ ở Płock. Công ty điều hành đường ống dẫn dầu của Séc MERO cũng cho biết họ không thấy bất kỳ sự thay đổi nào về khối lượng dầu giao cho Cộng hòa Séc.

    Druzhba có nghĩa là “tình bạn” trong tiếng Nga, là một trong những đường ống dẫn dầu lớn nhất thế giới, cung cấp dầu của Nga cho hầu hết các nước Trung Âu, gồm Đức, Ba Lan, Belarus, Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc và Áo.

    Vụ rò rỉ tại đường ống dẫn dầu Druzhba ở Ba Lan diễn ra khi châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng sau khi Nga xâm lược Ukraine.

    Sự kiện này được cho là sẽ làm tăng thêm mối lo ngại về an ninh năng lượng của châu Âu, sau vụ rò rỉ đường ống khí đốt Nord Stream.

    Chính phủ Đức đã đàm phán để Kazakhstan cung cấp dầu cho Schwedt, nhưng nguồn dầu này cũng phải chảy qua đường ống Druzhba để tới Đức.

    Hồi tháng Chín, đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 và Nord Stream 2 nối giữa Nga và Đức ở Biển Baltic được phát hiện có 4 chỗ bị cố tình làm hư hỏng. Theo Reuters, các vụ rò rỉ đã làm thất thoát 800 triệu m3 khí đốt tự nhiên. Nga và các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu cáo buộc nhau phải chịu trách nhiệm.

    Bình Minh

    Chiến tranh Ukraina: Thành phố miền nam Mykolaiv bị quân Nga oanh kích dữ dội

    13/10/2022

    Một tòa chung cư sau cuộc tấn công của quân đội Nga tại Mykolaiv, Ukraina, ngày 13/10/2022. REUTERS - STRINGER 

    Ông Oleksandr Senkevich, thị trưởng Mykolaiv, miền nam Ukraina, sáng hôm nay, 13/10/2022, trên mạng Telegram thông báo thành phố này đã bị quân Nga oanh kích dữ dội trong đêm hôm qua, rạng sáng hôm nay. 

    Thị trưởng Senkevich cho biết một chung cư 5 tầng đã bị trúng tên lửa : « Hai tầng cao nhất đã hoàn toàn bị phá hủy, các tầng còn lại ngập trong các mảnh vỡ ». Lực lượng cứu hộ vẫn đang hoạt động tại đây. Chính quyền chưa công bố con số về thiệt hại nhân mạng.

    Một quan chức của phủ tổng thống Ukraina, ông Kirill Timoshenko, cũng thông báo trên Telegram là Nikopol, thành phố thuộc tỉnh miền đông Dnipropetrovsk, hôm nay một lần nữa bị quân Nga oanh kích ồ ạt gần bằng mức hôm 12/10. Các vụ oanh kích khiến một người bị thương và « gây hư hại nặng cho nhiều tòa nhà, cửa hiệu, khoa tim của bệnh viện thành phố, bảo tàng lịch sử thành phố, các cơ sở giáo dục cho trẻ em và nhiều đường dây điện ».

    Tại vùng thủ đô Kiev, một số cơ sở hạ tầng quan trọng sáng hôm nay 13/10 đã bị quân Nga tấn công bằng drone, theo thông báo của phó thư ký phủ tổng thống Ukraina, Kyrylo Tymochenko, trên mạng Telegram. Còn thống đốc vùng Kiev kêu gọi người dân ở yên tại nơi trú ẩn.

    Reuters nhắc lại, từ vài tuần nay, Ukraina cho biết bị quân Nga thường xuyên oanh kích bằng drone do Iran chế tạo. Teheran bác bỏ các buộc cung cấp drone cho Nga, còn Matxcơva thì không bình luận về thông tin này.

    NATO tăng cường phòng thủ tên lửa cho Ukraine sau các cuộc tấn công của Nga

    Yaroslav Lukov 

    BBC News

    13/10/2022

    missle

    Nguồn hình ảnh, GENERAL STAFF OF UKRAINE'S ARMED FORCES

    Chụp lại hình ảnh, 

    Quân đội Ukraine cho biết hệ thống phòng không đầu tiên trong số hệ thống phòng không mà Đức hứa hẹn đã được chuyển giao

    Các đồng minh do NATO dẫn đầu tuyên bố đã chuyển giao các vũ khí phòng không tiên tiến cho Kyiv, sau một loạt các cuộc tấn công tên lửa của Nga.

    Vũ khí mà Anh, Canada, Pháp và Hà Lan hứa hẹn bao gồm tên lửa và radar. Mỹ trước đó cũng đưa ra cam kết tương tự. Một hệ thống công nghệ cao của Đức đã có mặt ở Ukraine.

    Cam kết được đưa ra khi các đồng minh của Ukraine từ 50 quốc gia gặp nhau tại trụ sở của NATO ở Brussels.

    Kyiv ca ngợi hội nghị thượng đỉnh "mang tính lịch sử".

    Vài giờ sau, pháo kích của Nga đã bắn vào thành phố Mykolaiv ở miền nam nước này vào sáng thứ Năm (13/10), các quan chức cho biết.

    Thị trưởng thành phố Oleksandr Senkevich cho biết thành phố đã bị "pháo kích dữ dội" vào khoảng 01:00 giờ địa phương (23:00 GMT).

    "Một tòa nhà dân cư năm tầng bị đánh trúng, hai tầng trên bị phá hủy hoàn toàn, phần còn lại - nằm dưới đống đổ nát. Lực lượng cứu hộ đang làm việc tại hiện trường", ông nói.

    Đó là một tuần đặc biệt căng thẳng ở Ukraine.

    Hôm thứ Hai và thứ Ba, nước này chứng kiến một số đợt oanh tạc dữ dội nhất của Nga trong nhiều tháng khi hơn 100 tên lửa được phóng đi, đánh trúng cơ sở hạ tầng năng lượng và các mục tiêu phi quân sự khác, bao gồm cả sân chơi cho trẻ em.

    Ít nhất 19 người đã thiệt mạng trong ngày đầu tiên của các cuộc pháo kích, bao gồm cả cuộc pháo kích vào trung tâm Kyiv.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng các cuộc tấn công tên lửa là để trả đũa cho cuộc tấn công vào cây cầu quan trọng nối Nga và Crimea - bán đảo phía nam của Ukraine bị Moscow sáp nhập vào năm 2014.

    Nga cáo buộc vụ nổ hôm thứ Bảy được tổ chức bởi cơ quan tình báo Ukraine - một tuyên bố bị Kyiv cho là vô giá trị.

    Vương quốc Anh sẽ tặng các tên lửa phòng không, cũng như hàng trăm máy bay không người lái để hỗ trợ khả năng thu thập thông tin và hậu cần cho Ukraine. 

    Phát biểu sau cuộc họp tại Brussels hôm thứ Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cho biết "chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng họ [người Ukraine] có những gì cần thiết để hoạt động hiệu quả".

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Paris sẽ cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine.

    Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình France 2, ông không nói rõ hệ thống nào sẽ được gửi đi. Nhưng ông nói rằng chức năng chính sẽ là bảo vệ dân cư khỏi các máy bay không người lái.

    Hà Lan cho biết họ sẽ cung cấp các tên lửa phòng không trị giá 15 triệu euro.

    Canada cam kết cung cấp viện trợ quân sự trị giá hơn 47 triệu đô la Canada (31 triệu đô la Mỹ), bao gồm cả liên lạc vệ tinh.

    Trong khi đó, quân đội Ukraine đã thông báo vào hôm thứ Tư rằng chiếc đầu tiên trong số một số "IRIS-T SLM tối tân đã được chuyển giao từ Đức cho Ukraine". 

    Họ nói rằng hệ thống phòng không sẽ giúp bảo vệ đất nước "chống lại khủng bố".

    Tổng thống Zelensky, trong nhiều tháng, đã yêu cầu các đồng minh của Ukraine cung cấp hệ thống phòng không để tạo ra "lá chắn trên không" cho Ukraine.

    Trong bài phát biểu trên video vào cuối ngày thứ Tư, nhà lãnh đạo Ukraine nói: 

    "Sự khủng bố của Nga ngày càng trở nên táo bạo và tàn ác hơn, thì thế giới càng thấy rõ rằng việc giúp Ukraine bảo vệ bầu trời là một trong những nhiệm vụ nhân đạo quan trọng nhất đối với châu Âu trong thời đại của chúng ta."

    Nga đã nhiều lần cảnh báo các đồng minh của Ukraine không nên cung cấp vũ khí tối tân cho Kyiv, nhấn mạnh rằng điều này sẽ khiến họ tham gia vào cuộc chiến mà ông Putin phát động vào ngày 24/2.

    Phương Tây cáo buộc Moscow đe dọa hạt nhân, sau hàng loạt thất bại của quân đội Nga trên chiến trường.


    Không có nhận xét nào