(The Economist) – Mỹ, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic nhỏ bé là những nước giúp nhiều nhất
Ngân Bình dịch
15/10/2022
Trong tháng thứ tám của cuộc xâm lược của Nga, các thành phố của Ukraine lại bị tên lửa bắn phá. Volodymyr Zelensky, Tổng thống Ukraine, đang kêu gọi thêm vũ khí, đặc biệt là các hệ thống phòng không. Các nhà lãnh đạo phương Tây và Nhật Bản đã hứa sẽ hỗ trợ Ukraine “đến cùng”. Nhưng một số quốc gia đang làm nhiều hơn những quốc gia khác để giúp nước này tự vệ.
Theo tính toán mới nhất của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, một tổ chức nghiên cứu của Đức chuyên theo dõi hỗ trợ cho Ukraine, Mỹ đã cung cấp nhiều viện trợ quân sự và kinh tế hơn bất kỳ nước nào khác và nhiều hơn các nước châu Âu nói chung. Cũng có những khác biệt lớn ở châu Âu. Khi hỗ trợ được tính bằng tỷ trọng GDP, các quốc gia Baltic và Ba Lan là những nước giúp nhiều nhất (xem biểu đồ).
Khó có thể đưa ra một tính toán chính xác. Ví dụ, các nhà nghiên cứu phải phân biệt những cam kết chồng chéo lẫn nhau và phân biệt giữa vũ khí và ngân quỹ được cam kết và những thứ đã thực sự được chuyển giao. Họ cũng cần ước tính giá trị của những thứ lấy từ kho vũ khí hiện có.
Tuy nhiên, báo cáo được công bố vào ngày 11 tháng 10 cho thấy, từ ngày 24 tháng 1 (một tháng trước cuộc xâm lược gần đây nhất) đến ngày 3 tháng 10, Mỹ chiếm 56% tổng số cam kết. So với 40% từ các nước châu Âu nói chung. (Bao gồm các thành viên và tổ chức EU; các thành viên châu Âu khác của NATO, chẳng hạn như Anh và Na Uy; và Thụy Sĩ.) Khoảng cách là rõ ràng nhất là về hỗ trợ quân sự, hơn 2/3 trong số đó được cung cấp bởi Mỹ và khoảng một phần tư từ châu Âu.
Nền kinh tế của Mỹ lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, khi tính tỷ lệ hỗ trợ như một phần của sản lượng kinh tế, họ vẫn vượt xa các nước châu Âu. Cho đến nay, Hoa Kỳ đã cam kết 0,25% so với 0,19% GDP của Âu Châu.
Sự khác biệt ở châu Âu cũng rất rõ ràng. Latvia và Estonia đã đưa ra các cam kết tương đương khoảng 1% GDP hàng năm của họ đối với Ukraine. Các quốc gia vùng Baltic này có nền kinh tế nhỏ. Nhưng đóng góp của Ba Lan tương đương với 0,6% GDP của nước này. Theo tính toán này, ba quốc gia khác – Lithuania, Na Uy và Slovakia – đóng góp nhiều hơn Mỹ.
Với các cam kết trị giá 0,24% GDP, Anh không hoàn toàn là nhà vô địch trong việc giúp đỡ Ukraine như nước này tuyên bố. Các quốc gia lớn của châu Âu – Đức (0,17%), Ý (0,15%) và Pháp (0,15%) – có thể xem là keo kiệt.
Các nước châu Âu cho biết họ cung cấp các hình thức viện trợ quan trọng khác, đặc biệt là bằng cách chăm sóc khoảng 4,5 triệu người tị nạn đã rời khỏi Ukraine. Một lần nữa, gánh nặng chủ yếu rơi vào các quốc gia tiền tuyến. Một tính toán sơ bộ và sẵn sàng cho thấy rằng những người tị nạn cho đến nay đã khiến Ba Lan thiệt hại thêm 0,71% GDP. Người tị nạn chỉ chiếm 0,08% sản lượng kinh tế hàng năm của Đức và 0,01% của Anh.
Nhiều thập kỷ đầu tư ít vào quốc phòng dẫn đến tình trạng vũ khí của châu Âu không được dự trữ nhiều như của Mỹ. Điều đó ảnh hưởng đến số lượng vũ khí hạng nặng — xe tăng, xe bọc thép, pháo và hệ thống tên lửa đa năng — mà họ có thể gửi đi. Nhìn vào tỷ lệ lượng vũ khí các quốc gia tặng cho Ukraine, Viện Kiel thấy rằng Na Uy hào phóng nhất (họ đã cam kết khoảng 24% kho vũ khí của mình), tiếp theo là Cộng hòa Séc (17%) và Ba Lan (13%).
Tình trạng thiếu vũ khí không nên là yếu tố cản trở việc châu Âu cung cấp tiền, thứ mà Ukraine cũng cần. Các nước thiếu nhiệt tình ở châu Âu đang từ chối Ukraine phương tiện tự vệ — và châu Âu — trước Nga. Họ cũng có nguy cơ làm suy yếu khả năng sẵn sàng tiếp tục giúp đỡ của Mỹ. Mô hình của The Economist dự báo rằng đảng Cộng Hòa sẽ chiếm lại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng tới. Cánh Nước Mỹ Trên Hết của họ thù địch cách ồn ào với Ukraine. Các phe chính thống trong Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa có thể sẽ đảm bảo rằng Quốc hội tiếp tục phân bổ hàng tỷ đô la viện trợ mà Ukraine cần. Nhưng công việc của họ sẽ khó khăn hơn nhiều nếu bạn bè và đồng minh châu Âu không chia sẻ gánh nặng một cách công bằng. Xét cho cùng, an ninh của Châu Âu đang bị đe dọa nghiêm trọng nhất.
Không có nhận xét nào