Một số cây xăng tại một số con đường có tình trạng “hết xăng, còn dầu”, hoặc nhân viên xua tay khi khách tấp vào đổ xăng…
Nguồn cung thiếu ổn định?
Tình trạng “còn dầu hết xăng” tại một số cửa hàng xăng dầu dọc trục tuyến quốc lộ 1 đoạn qua quận Bình Tân. Cụ thể, tại cửa hàng xăng dầu Vĩ Phong (số 150 quốc lộ 1), dù không để biển hết xăng và cửa hàng luôn có 3-4 nhân viên túc trực nhưng thường xuyên lắc tay báo hết xăng.
Cây xăng 178 trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh) vẫn rào chắn, tạm dừng hoạt động nhiều ngày qua. Còn tại cây xăng ở số 705 đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) ngày 19-10, mỗi khi có khách ghé, nhân viên liền xua tay ra hiệu hết xăng hoặc chỉ khách tới cây xăng khác gần đó. Nhân viên này cho biết cửa hàng hết xăng, chỉ còn dầu và tình trạng này đã diễn ra vài ngày.
Tương tự, cửa hàng xăng dầu Petro Thạnh Lộc trên đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp) cũng treo biển “hết xăng còn dầu” và nhân viên cũng cho biết sẽ bán lại khi có xăng.
Cách đây một tuần, người dân TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng xăng dầu. 137 cửa hàng tại TP.HCM đóng cửa, nhiều cây xăng chỉ bán tối đa 30.000 đồng/xe máy và 200.000 đồng/ôtô. Hàng loạt cửa hàng tại khu vực phía Nam buộc tạm ngừng kinh doanh vì thiếu nguồn cung trầm trọng. Người dân phải xếp hàng nhiều giờ liền.
Không chỉ người dân mà doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng gặp khó trước tình hình thiếu nguồn cung, mức chiết khấu tiếp tục giảm sâu.
Góc nhìn quản lý cho thấy đang có một thực tế là trong quý 3 vừa qua, chỉ có 19 trong tổng số 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu khiến sản lượng nhập khẩu đối với xăng giảm đến 40% và giảm 35% đối với dầu DO.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp đầu mối lớn, đóng vai trò quan trọng trong cung ứng xăng dầu phía Nam như Xuyên Việt Oil, Nam Sông Hậu hay Tín Nghĩa… đã không nhập khẩu trong cả quý 3. Bên cạnh 7 doanh nghiệp đầu mối bị tước giấy phép tạm thời từ 1 – 1,5 tháng không thể nhập khẩu, các doanh nghiệp đầu mối khác cũng chẳng muốn nhập khi thị trường rớt giá liên tục.
Không thể bán lỗ mà vẫn bảo toàn vốn
Ở đây có trách nhiệm không thể thoái thác của Chính phủ – rộng hơn là với luôn cả Bộ Chính trị, đó là khi diễn biến giá xăng dầu thế giới giảm liên tục khiến doanh nghiệp biết rõ nhập về sẽ không có lời, thậm chí lỗ nặng. Với cách tính giá xăng dầu tại Việt Nam là lấy mức bình quân của 10 ngày trước đó để áp dụng cho 10 ngày sau nên khi xăng rớt giá, doanh nghiệp nhập khẩu biết chắc sẽ lỗ đậm.
Cũng chính vì phương án nhập về sẽ lỗ mà doanh nghiệp cũng khó tiếp cận nguồn tín dụng trả chậm, bởi chẳng ngân hàng nào muốn bung vốn để doanh nghiệp làm ăn nhưng biết chắc sẽ lỗ. Ngay cả doanh nghiệp nhà nước cũng đối diện với thế khó này khi một trong những nguyên tắc mấu chốt là bảo tồn vốn nhà nước, và cứ lỗ liên miên thì người đứng đầu doanh nghiệp đó cũng đối diện với những hệ lụy chưa lường hết về sau.
Về yêu cầu dự trữ xăng dầu quốc gia, thì ở Việt Nam có mức bình quân 5 năm qua khoảng hơn 370.000 m3 mỗi năm. Số lượng này tương đương 9 ngày nhập khẩu ròng, và 6,5 ngày tiêu thụ – và theo xác nhận của bộ Công Thương, là thấp so với nhu cầu thực tế.
Theo Bộ Công thương, hiện hàng dự trữ xăng dầu quốc gia vẫn được tồn trữ tại 24 kho trên cả nước của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn. Nhà nước ký hợp đồng với doanh nghiệp, trả phí theo định mức. Do điều kiện và nguồn lực đầu tư Nhà nước hạn chế, chưa có kinh phí đầu tư kho riêng. Hàng này được luân phiên đảo theo chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp, Nhà nước không trả phí.
Do đó việc dự trữ xăng dầu ‘mỏng’ dẫn tới tình huống trong nhiều giai đoạn thị trường biến động, nhu cầu tăng cao hoặc khi thế giới bất ổn về nguồn cung, còn trong nước gặp trục trặc…, điều hành xăng dầu gặp khó khăn.
Không có nhận xét nào