Sau những phút giờ vùi đầu với trăm công nghìn việc. Chắc ai ai cũng muốn có chút ít thời gian thư thả nghỉ ngơi để xả bớt mọi điều căng thẳng.
Hy vọng bài sưu tầm về thơ nhạc này sẽ góp phần nhỏ nhoi nào đó trong việc đem lại cho bạn đọc chút ít cảm giác dìu dịu yên bình.và vơi đi những khó khăn phiền muộn trong cuộc sống hằng ngày.
1. MÙA THU YÊU ĐƯƠNG
Lam Phương có 3 người vợ và cả chục nhân tình. Với tâm hồn lãng mạn, Ông đã sáng tác hằng trăm bài ca tha thiết, vừa bi ai sầu thảm, nhớ nhung chất ngất, vừa hạnh phúc yêu đời, ngập tràn tiếng cười vui.
Từng hình bóng những người đi qua trong đời Ông để lại nhiều ca khúc tuyệt vời. Với Bạch Yến: Tình Bơ Vơ, Tình Chết Theo Mùa Đông, Tiễn Người Đi..., Minh Hiếu: Biển Tình, Biết Đến Bao Giờ, Em Là Tất Cả..., Hạnh Dung: Bọt Biển, Giọt Lệ Sầu, Thành Phố Buồn..., Cẩm Hường: Bài Tango Cho Em, Mùa Thu Yêu Đương, Thiên Đường Ái Ân...
* Theo Trần Quốc Bảo (Việt Tide, 26.9.14): "Lê Thị Cẩm Hường sinh năm 1950, kết hôn với nghệ sĩ Thành Được, sinh bé trai năm 1968. Vũ công Thùy Linh từng cho Bảo biết: "Hôm chị diễn ở Pháp cuối tháng 10.76 thì thấy một phụ nữ dáng quen quen đi vào tìm mình. Nhìn kỹ, mới nhận ra Cẩm Hường. Chị và cô ấy hết sức mừng rỡ khi gặp lại nhau. Trong ảnh chụp chung với 3 vũ công: Thùy Linh, Mỹ Vân và Mỹ Hóa, thấy Cẩm Hường sau nhiều năm vẫn còn đẹp lắm. Quả không hổ danh người đẹp của Saigon một thuở. Bảo không tin hỏi ca sĩ Diễm Hương sẽ rõ".
Khi hỏi Diễm Hương, chị cho biết: "Đúng thế, nói đến Cẩm Hường là nói đến một phụ nữ sang trọng, lịch lãm. Ngoài cái đẹp, cô còn là một trong những người mặc quần áo, đeo nữ trang có tiếng nhất thời bấy giờ".
Băng Châu cùng tuổi, cùng chung lớp trung học, cùng quê Cần Thơ. Tuy cũng là người đẹp Tây Đô từng làm ca nhạc sĩ Duy Khánh say mê, nhưng Băng Châu thú nhận mình còn thua xa Cẩm Hường. Cũng như Lam Phương, Duy Khánh có 3 đời vợ và một số nhân tình. Đáng kể nhất là với Băng Châu. Đây là lời thuật của nữ ca sĩ: "Năm 69, từ Cần Thơ lên Saigon tìm cơ hội gia nhập làng nhạc, Băng Châu gặp nhiều ca nhạc sĩ tiếng tăm của Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương, kể cả Duy Khánh.
Do không đạt thành ý nguyện, Băng Châu về lại quê nhà. Để khoảng trống vắng cho Duy Khánh. Anh đã viết bài hát Đêm Bơ Vơ:
XUÂN ơi XUÂN, XUÂN ơi XUÂN đã đi rồi
Đành lòng sao em ra đi không nói một câu
Đêm bơ vơ thương ai đêm đợi đêm chờ
Anh xa em, xa em anh nhớ từng đêm
Anh xa em như chim xa biệt cây rừng,
MAI em về, MAI về MAI nhé em !
Duy Khánh muốn gởi nỗi niềm đợi chờ, cô đơn và mong gặp lại XUÂN MAI, là tên thật của Băng Châu.
Khoảng năm 80, sau khi chia tay Túy Hồng, Lam Phương muốn quên đi nỗi buồn tình duyên tan vỡ sau 20 năm gắn bó, Ông dọn sang Paris để sống. mà Ông gọi là đi tị nạn ái tình. Làm quản lý nhà hàng Như Ánh của cô em út. Đêm về còn tổ chức ca hát cho vơi bớt nỗi nhớ cây đàn và sân khấu. Ông vui được tái ngộ nhiều bạn bè, người hâm mộ. Trong đó, đáng nói nhất là cuộc gặp gỡ định mệnh với Cẩm Hường. Thế rồi tình cảm luyến lưu, gắn bó dạt dào, họ đi đến sống chung. Những ngày tháng vui say sau thời gian dài trầm uất đau thương ở Mỹ, Lam Phương như người chết đi sống lại, yêu thương đắm đuối, sáng tác hàng chục ca khúc diễm tình hoa mộng với người bạn đời xinh đẹp. Mùa Thu Yêu Đương là một trong số đó:
Anh muốn đôi ta mãi như người tình.
Vui đời hẹn hò
Khi trên dòng suối
Khi trên đồi nguồn.
Nửa đêm thanh vắng dìu đến công viên.
Đôi trẻ lạc loài trên xác lá vàng
Mùa thu yêu đương
Đường vào Paris
Có lắm nụ hồng
Có tiếng thì thầm
Nhưng anh chẳng cần
Mình sống cho nhau.
Vượt lòng đại dương
Mình gặp lại đây sau cơn khát dài thương nhớ bao ngày
Tình yêu trong tay
Mùa thu ơi
Paris dệt mộng tình si
Khi nghe người đi vào đời
Thấy lòng như bớt đơn côi
Bờ môi em là nguồn tin yêu đắm đuối
Ngày thuyền tình về bến mới
Ta sẽ cho nhau niềm yêu tuyệt vời
Anh ước mai sau cũng như ngày đầu
Thương lời ngọt ngào
Đưa anh vượt khỏi cơn đau ngày nào
Mùa thu thay lá mùa nối tơ duyên
Anh nguyện một đời tình ta mãi là
Mùa thu yêu đương.
Ông thổ lộ: Hơn 10 năm sống với Cẩm Hường là những ngày tuyệt vời như thần tiên lên ngôi:
Từ ngày có em về
Nhà mình toàn ánh trăng thề
Dòng nhạc tình đang tắt lâu
Tuôn trào ngọt ngào như dòng suối
Nói về Cẩm Hường, Ông từng trả lời trong một lần phỏng vấn: Cổ đẹp, lại sống đôn hậu, chân thật, nghĩa tình, một nàng thơ đúng nghĩa, không hề ỷ cái nhan sắc đó để đòi hỏi nọ kia. Ngược lại, mình đang đầy mặc cảm, thất thế, mất niềm tin cả vào cái mà người đời cho mình có là tài năng, vậy mà cổ đã gầy lại mọi niềm tin cho mình, đúng là một cuộc "phục sinh".
* Theo nhacxua.com, Lam Phương từng chia sẻ:
"Dù xa cách cả 15 năm nay, nhưng hình bóng Paris vẫn còn trong tâm trí. Tôi xin cảm ơn một người đã cho tôi nhiều ước mơ để sống, và nhiều cảm hứng để viết dòng nhạc mà cuộc đời tôi khó quên. Và cảm ơn thành phố Paris đã cho tôi những đêm rất đẹp trong cuộc đời này tôi khó tìm lại được.
* Phóng viên Ngọc Lan thuật lại trong báo Người Việt Xuân Mậu Tuất: Nhạc Sĩ Lam Phương nói rằng: Đào hoa là do hoàn cảnh đưa tới.
Ông cho biết: "Cô Cẩm Hường đẹp lắm, đẹp số 1 đó, từng là hoa hậu bên Pháp mà. Chú viết cho "bà" đó mấy chục bài lận. "Từ Ngày Có Em Về", 'Anh muốn đôi ta mãi như người tình' trong bài Mùa Thu Yêu Đương đó, 'Bài Tango Cho Em', nhiều lắm".
Chú quen "bà" này mười năm ở Pháp, khi cổ đang có chồng, lúc chú từ Mỹ mới qua, gặp cái là cổ bỏ chồng luôn. Mà cổ đẹp lắm".
Người em rễ ở bên cạnh chăm sóc Lam Phương , kể thêm: "Cô Cẩm Hường đẹp lắm, nói chuyện dễ thương lắm, chỉ nụ cười thôi là thấy chết rồi. Lúc đó cô Khánh Ly qua Pháp nhìn thấy cô này, chạy về "méc" cô Túy Hồng, cô Túy Hồng mua vé máy bay qua coi mặt liền", người em rễ tiết lộ chuyện xưa.
Nghe em kể, Lam Phương vội thêm vào: "Nhưng qua làm được gì nữa, vì lỗi bả trước, không phải lỗi chú. Mà lúc đó cũng thôi rồi".
Trong suốt cuộc đời thăng trầm trôi nổi, Lam Phương có rất nhiều mối tình. Ông nói: "Đào hoa là do hoàn cảnh đưa tới thôi, chứ mình có muốn cũng không được. Trời cho mình tâm hồn như vây. Trời cho đào hoa quá và giờ cũng cho luôn chiếc xe lăn ngồi một mình".
2. MAI TÔI ĐI
Mai tôi đi chắc Paris trời mưa
Tôi chắc trời mưa mau
Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào cũng phải xa nhau...
Mai tôi đi chắc Paris sẽ buồn
Paris sẽ nhìn theo
Nhưng nhìn thì nhìn đời trăm nghìn góc phố
Con đường dài thẳng mãi có bao nhiêu
Mai tôi đi dù hôm nay đang vào thu
Giòng sông Seine đang mặc áo sương mù
Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc
Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa
Dù hôm nay giữa một ngày tháng 7
Chiếc tháp ngà đang ướt rũ mưa ngâu
Sông Seine về chân đang bước xô nhau
Sẽ vịn ai cho đều giòng nước chảy.
(Bài Paris của Nguyên Sa)
Mai tôi đi, chắc trời giăng mưa lũ
Mưa thì mưa, chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào thì cũng sẽ xa nhau
Mình cũng sẽ xa nhau
Mai tôi đi, chắc rằng sông Seine khóc
Nhưng lệ rơi sẽ khô theo tháng ngày
Cho dù cách nào thì cũng sẽ xa nhau
Mình cũng sẽ xa nhau
Mai tôi đi xin đừng nhìn theo, xin đừng đợi chờ
Đời trăm muôn góc phố con đường dài thật dài
Thẳng mãi có bao nhiêu thẳng mãi có bao nhiêu
Mai tôi đi, xin đừng gọi tên thêm nhiều muộn phiền
Dù môi kêu đắm đuối hay một trời ngậm ngùi
Cũng đành lòng xa thôi cũng đành lòng xa thôi
Mai tôi đi, chắc rằng Paris nhớ
Nhưng dù sao, nhớ nhung rồi sẽ mờ
Muôn vạn ưu sầu rồi cũng sẽ xa nhau
Mình cũng sẽ xa nhau
(Anh Bằng phổ thơ Nguyên Sa)
Paris với những kỳ quan nổi tiếng: Tháp Eiffel, Viện Bảo Tàng Louvre, Nhà Thờ Đức Bà Notre-Dame, Dòng sông Seine, Vườn Luxembourg...từ lâu đã là chốn mơ ước của biết bao nhiêu người.
Với tâm hồn thi ca dạt dào lãng mạn, sau 7 năm dùi mài kinh sử ở đó, Nguyên Sa cũng yêu mến Paris tột cùng. Chính vì vậy mà trước khi từ biệt kinh thành ánh sáng, Ông đã làm 3 thi phẩm đầy nỗi niềm lưu luyến: Tiễn Biệt, Paris và Paris Có Gì Lạ Không Em.
Bài thơ được sáng tác năm 1954, trước khi Nguyên Sa giả từ Paris về lại quê hương, nhưng không phải là Hà Nội của thời niên thiếu, mà là Saigon như hơn một triệu đồng bào bỏ nhà bỏ cửa di cư vào Nam để cùng ghé bến Saigon, tìm kiếm vùng trời tự do. Trong bối cảnh đó, Ông không khỏi ngậm ngùi, ngập tràn cảm xúc khi sắp ly biệt Paris, nơi Ông và người yêu để lại biết bao kỷ niệm đong đầy. Đây là cuộc hồi hương với ước vọng đóng góp bàn tay dựng xây đất nước, coi như nghìn trùng xa cách, chẳng mong ngày gặp lại, cho nên Ông đau đớn võ vàng, xót xa khắc khoải. Dẫu trời Paris có giăng mây xám, ai đó níu kéo Ông cố nấn ná bước chậm, nhưng rồi cũng không được gì, không thể tránh khỏi, đành lòng xa thôi. Cho dù Paris có đổ mưa ngâu, u buồn vì tạ từ xa cách, dòng sông Seine có bịn rịn chia tay, tháp Eiffel có ủ rũ tiễn đưa, thì cũng không ngăn nỗi bước chinh nhân của nhà thơ yêu nước.
* "Nguyên Sa: Lời Thơ Ý Nhạc", Vương Trùng Dương:
"Những bài thơ của Nguyên Sa thay cho dòng thư, lời tự tình của giới trẻ và sau này được phổ thành nhiều ca khúc rất quen thuộc.
Thơ Nguyên Sa ấn hành vào năm 1957, được mọi người đón nhận, như món quà trân quý cho thời kỳ chuyển hướng trong thi ca. Hồn thơ Nguyên Sa xâm nhập vào cửa sổ, sân trường, cặp sách, trang vở học trò, là nỗi niềm tâm sự, là nhịp cầu nối kết thương yêu, là lời bày tỏ chất chứa khát khao, ước vọng của trái tim đang mong mỏi về hình ảnh muốn thổ lộ tình cảm cho nhau"
* Lời nhận định của nhà báo Mặc Lâm (RFA): "Thơ Nguyên Sa nhanh chóng tràn vào từng lớp học, nơi trái tim học trò đập những nhịp điệu đầu tiên của tình yêu. Nguyên Sa yêu và chia sẻ cách yêu của mình qua kinh nghiệm một chàng trai có những thời khắc tuyệt vời tại Pháp, thủ đô của tình yêu trai gái, thủ đô của những dòng thơ trác tuyệt từng một thời là bệ phóng cho hàng trăm thi tài thế giới.
Nguyên Sa đem cái hồn phách của châu Âu về Saigon và nhanh chóng chiếm trọn sự cổ vũ nồng nhiệt của sinh viên học sinh. Ông đem ánh đèn vàng Paris nơi có những nhà ga là nguồn cảm hứng vô tận cho những cuộc chia tay. Ông mang hơi hám của sông Seine về lại Saigon, nơi mà nhiều thế hệ thanh niên chịu ảnh hưởng nền văn hóa Pháp".
* "Nguyên Sa và Tình Ca Ngô Thụy Miên", 4.98:
Tác giả Mùa Thu Cho Em viết: Những năm 60, 70, bọn trẻ chúng tôi trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, có ai không mơ một ngày được đặt chân đến Paris, được cùng người yêu dạo chơi phố phường hay lang thang bên bờ sông Seine nhớ tới một cuộc tình. Paris như nơi chốn kêu gọi tìm về nẻo ý.
Ngô Thụy Miên kể lại: Năm 74, lần đầu tiên nói chuyện với Nguyên Sa, Nhà Thơ rất giản dị, dáng dấp xuề xòa. Ông rất vui khi biết tôi phổ thơ Ông. Trong những tháng ngày đầu ở Cali, mặc dù bận rộn với đời sống mới, tôi vẫn tiếp tục sáng tác, phổ cả bài thơ Paris của Nguyên Sa. Với tôi, Paris lúc đó chính là Saigon, Saigon của những nỗi nhớ muộn màng, những mất mát khôn nguôi. Tôi mượn thơ Ông để gởi gắm tâm sự mình. Tôi biết khi tôi đi Saigon đã buồn, và Saigon đã nhìn theo.
Năm 81, sau khi về cư ngụ tại Seatle, trong nỗi nhớ những con đường, những hàng quán thân quen của Saigon ngày nào, cùng với ám ảnh thương yêu về Áo Lụa Hà Đông, về Paris của một thời, tôi đã viết bài Nắng Paris Nắng Saigon:
Tôi đi giữa Paris mà nhớ thương Saigon
Nắng Saigon hôm nao dìu bước chân em
Qua phố phường vào phố chợ thân quen
Năm 98, một người bạn gọi phone hỏi: "Ông có biết nhà thơ Nguyên Sa vừa qua đời chưa"? Nhạc Sĩ họ Ngô thẩn thờ, bàng hoàng rồi thầm nhủ với chính mình: "Thôi cái thời tuổi trẻ mộng mơ, yêu đương nồng nàn ngày nào đã thực sự không còn nữa, không còn nữa những lụa là mưa nắng Saigon, cũng không còn nữa Paris, người tình và giòng sông Seine với những vòng tay ôm, những môi hôn vội vã...Người đạo diễn đã bỏ cuộc chơi, bọn tài tử chúng tôi ở lại còn gì để bàn chuyện thu phong, còn gì để làm dáng với đời...
* Mai Thảo nhận định: Nguyên Sa hồi hương đã đi ngay vào thơ trên lối vào rực rỡ sinh động nhất của thơ lúc bấy giờ. Trong mấy chục năm rồi, cái anh chàng lệu bệu tròn hoay về từ Paris và ra sân với chúng tôi ngày nào đã là tay đua đường trường ngoại hạng: Đó là một Nguyên Sa marathon.
3. MÙA THU PARIS
Mùa thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Rưng rưng rượu đỏ tràn ly
Mùa thu đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công trường lá đổ
Ngóng em kiên khổ phút giờ
Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm
Mùa thu nơi đâu?
Người em mắt nâu
Mắt vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu
Mùa thu Paris
Tràn dâng đôi mi
Người em gác trọ
Sang anh, gót nhỏ thầm thì
Mùa thu không lời
Son nhạt đôi môi
Em buồn trở lại
Hờn quên, hối cải cuộc đời
Mùa thu ! Mùa thu
Mây trời âm u
Yêu người độ lượng
Trông em, tâm tưởng giam tù
Mùa thu !...Trời ơi ! Tình thu !
Cung Trầm Tưởng học Trường Kỹ Sư Không Quân ở Salon-de-Provenec (Pháp) từ 1952 - 57.
1962: du học Hoa Kỳ, đậu Tiến Sĩ Khí Tượng Học
Trở về Việt Nam phục vu binh chủng không quân.
Xuất bản gần 10 tác phẩm.
* "Lục Bát Cung Trầm Tưởng, một đóng góp lớn cho văn học", Du Tử Lê:
Giữa thập niên 90, những buổi ra mắt sách ở quán cà phê Tao Nhân, đường Westminster, Cali, Nhà Văn Mai Thảo đã làm một so sánh chói gắt về sự xuất hiện của tác giả thi phẩm được giới thiệu trong đêm, vốn nổi tiếng rất sớm, trong sinh hoạt văn chương miền Nam. Ông nói rằng, vào những năm cuối thập niên 50, có 2 tiếng thơ đã tạo chấn động vang dội, ngay từ những bài thơ thứ nhất.
Đa số người khi nghe Cung Trầm Tưởng liền liên tưởng tới thơ bốn, năm chữ và lục bát của họ Cung.
Đó là thời điểm Cung Trầm Tưởng "đánh cắp" tất cả mọi ngọn đèn rực rỡ nhất của tiền trường sân khấu thi ca. Mọi ngợi khen cổ võ đổ dồn về ông, như nước chảy róc rách về chỗ trũng. Cùng lúc, hiện tượng hay phong trào khát khao có một lần được thấy "mùa thu Paris" trở thành cơn sốt trên 40°C trong tâm tưởng nhiều người trẻ.
Hay nguyện ước cuối cùng trước khi nhắm mắt, không chỉ của giới trẻ, mà của rất nhiều văn nghệ sĩ thời đó là một lần được đứng dưới những ngọn đèn vàng ở ga Lyon, được thấy sông Seine (thơ Nguyên Sa), hay được đặt chân vào một quán rượu Paris khi thành đô này qua thơ của nhị vị thi sĩ trở thành niềm mơ ước khôn cùng. Paris càng quyến rũ hơn nữa khi ca khúc Tiễn Em phổ cập quần chúng:
Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly
Tiễn em về xứ mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn
Không còn gi lâu hơn
Một trăm ngày xa cách
Ga Lyon đèn vàng
Tuyết rơi buồn mênh mang
Cầm tay anh muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng
Nhưng với giới văn học miền Nam thời đó, đỉnh điểm tài hoa qua thi ca Cung Trầm Tưởng vẫn là những bài thơ lục bát.
Mai Thảo từng nói: "Anh em sáng tạo thích lục bát Cung Trầm Tưởng lắm, dù nó chỉ làm được ít bài rồi thôi. Chúng tôi thích lục bát của nó óng ả, mượt mà như nhung lụa vậy".
Quả thế, Du Tử Lê nghĩ: Lục bát Cung Trầm Tưởng đã đóng góp lớn cho văn học miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.
* "Mùa Thu Paris - Cung Trầm Tưởng và Tiễn Em - Phạm Duy",
bacsiletrungngan.wordpress.com, 7.9.13
"Ngôn ngữ trong bài thơ không phải mới lạ hay phá cách để nổi tiếng, lại được giới trẻ đón nhận thich thú vì một chi tiết trước đó chưa hề xảy ra:
- Một chàng thanh niên Việt Nam du học bên Pháp có người yêu với tóc vàng mắt xanh...Tình cảm đậm đà, sum họp lẫn cách xa. Những cuộc chia tay trên ga vắng đã thi vị hóa câu chuyện để nó trở thành mode mới trong đời sống thanh niên thời bấy giờ.
Cung Trầm Tưởng chia sẻ kinh nghiệm về làm thơ:
"Tôi làm những bài thơ về Paris đó là sự thật. Lẽ dĩ nhiên khi làm thơ thì mình cũng lý tưởng hóa nó một chút. Tất cả tóc vàng mắt xanh đều có thật. Thời đó tôi học trường Pháp cứ bị mang tiếng là Tây con. Đã thẩm nhuần ngôn ngữ và văn hóa Pháp trong người thành ra sang bên đó mình không bị lạ lẫm gì. Tôi gặp một số mối tình dù rằng không vĩnh viễn nhưng đáng giá là những kỷ niệm đầu đời".
Những sân ga nhỏ nằm trơ trọi giữa mùa đông nước Pháp đã từng chứng kiến biết bao lần chia tay trước đó, lại một lần nữa nhìn ngắm mối tình giữa chàng trai đất nước bị trị và cô gái tóc vàng, đại diện cho văn hóa và nếp sống phương Tây. Từ đây trong hơi thở rẽ chia ấy, bắt đầu một thấm đượm khác nối liền hai bờ đại dương. Ước mơ vói ra ngoài, một trằn trọc mới đối với hàng triệu thanh niên Saigon thời bấy giờ.
* "Mùa Thu và Paris", Xuân Phương, bienkhoi.com, số 40, 10.08
Hai nơi chốn mà du khách không thể bỏ qua khi tới Paris, đó là giòng sông Seine và vườn Luxembourg:
- Sông Seine: với một đoạn dài chừng 13 km chảy chầm chậm qua trung tâm Paris, giòng sông Seine như dải lụa trắng lấp lánh bạc, chia thành phố làm 2 phần: Hữu ngạn ở phía bắc là khu vực văn phòng làm việc, nhà máy, cửa hàng thời trang. Tả ngạn về phía nam, nhỏ hon, là trung tâm sinh hoạt của giới văn nghệ sĩ và sinh viên. Sông Seine như trái tim của Paris vì hầu hết các công trình kiến trúc trứ danh của thủ đô đều tập trung dọc hai bên bờ.
Sông Seine là giòng sông của đôi lứa. Những cặp tình nhân từ hằng trăm năm vẫn đến nơi đây. Mùa thu là thời gian lý tưởng để đi dạo dọc theo sông Seine, thưởng thức vẻ đẹp của mùa lá rụng.
- Vườn Luxembourg: là địa điểm thu hút sinh viên, cư dân Pháp và luôn cả du khách. Nổi tiếng của vườn là con đường chính, hai bên sừng sững những cây hạt dẻ um tùm cao vút, tàn lá che mát. Đó là con đường của các thi nhân. Dưới bóng những hàng cây này, có không biết bao nhiêu thi sĩ của nhiều thế hệ đã đến đây tản bộ tìm ý, tìm vần...
Vườn Luxembourg mùa thu đẹp hơn bao giờ hết, nắng hanh nhè nhẹ xuyên qua những tàn lá đã ngã vàng, soi bóng xuống mặt nước hồ.
Kỷ niệm khó quên của họ Cung không chỉ là những lúc ngồi quen ghế đá trong vườn Luxembourg, không có em để lạnh buốt tâm can. Mà còn là những giờ ngồi đợi em kiên nhẫn đếm từng giây từng phút. Cũng có những dịp sang phòng trọ của anh đôi gót nhỏ thầm thì hay những khi hẹn nhau nơi quán nhỏ, để màu rượu chát đỏ rưng rưng, sóng sánh tràn ly.
Chỉ lúc về đêm mới lột tả hết vẻ đẹp Paris. Thành phố bừng lên với muôn vàn đèn xe rực rỡ di chuyển trên đường. Đèn của cửa tiệm, nhà hàng sáng trưng, lung linh như muôn vì sao lấp lánh giữa bầu trời.
* "Ngộ Không: Tác Giả Tác Phẩm - Cung Trầm Tưởng", T.VẤN & Bạn Hữu, T.van.net
Cung Trầm Tưởng trả lời cuộc phỏng vấn của Viethome Magazine vào mùa Phục Sinh 2011:
Trong thời gian bị tù 10 năm vì bản thân là Trung Tá Không Quân và là nhà thơ lãng mạn của miền Nam, Cung Trầm Tưởng vẫn làm thơ phản kháng và chống phản kháng quyết liệt. Viethome hỏi nhà thơ: Thi Sĩ bất chấp hiểm nguy?
- Vâng. Sự thúc giục của nàng thơ và của lương tri đã lấn át được nỗi sơ hãi tiềm ẩn trong tôi. Nhờ vào sự bảo mật và cảnh giác tối đa của các bạn tù yêu thơ tôi và của chính bản thân mình, cọng thêm may mắn, tôi đã lọt qua được sự kiểm soát chặt chẽ của bọn cai tù cùng sự dòm ngó hiểu kỳ của lũ ăng ten. Nếu không, chắc tôi chỉ còn là một nắm xương khô nằm ở nơi đèo heo hút gió nào đó của Hoàng Liên Sơn. Hai trường hợp cưu mang thật cảm động:
• Hiền thê một bạn tù khi đến thăm chồng đã cất giấu thơ tôi trong cuốn băng vệ sinh tùy thân của chị và mang nó an toàn ra khỏi trại giam để trao lại cho vợ con tôi.
• Một bạn tù khác đã chong đèn suốt mấy đêm liền trước khi rời Việt Nam để học thuộc lòng trên 1.000 câu thơ của tôi, rồi ngồi chép lại khi tới được bến bờ tự do. Nếu không có sự giúp đỡ tự nguyện và chu đáo của bộ nhớ siêu việt ấy, tập tâm sử thi Bài Ca Níu Quan Tài của tôi đã không thể ra mắt ở hải ngoại dưới dạng vẹn toàn của nó được.
4. EM QUÊN THÁNG 8 KHÚC SCHUBERT...
Ngày em đi hứa về tháng 8
Cùng tôi thăm Nhà Hát Con Sò
Mây giăng mù mịt Harbour Bridge
Che mất lối em đã hẹn hò
Chiếc ghế hiên vườn Botanic
Hồn trơ phế tích chỗ em ngồi
Lá hoang chen chúc đường mưa tới
Trôi bềnh bồng theo bước chân tôi
Nụ môi còn đọng trong lòng đá
Là giấu riêng tôi bóng một người
Mà em quên nhớ về tháng 8
Thì buồn nào cũng giống nhau thôi
Dù em có thêm lần thất hứa
Tôi vẫn dài chân đứng đợi chờ
Nhà Hát Con Sò còn biết nhớ
Em quên tháng 8 khúc Schubert...
Theo wiki, "Dạ khúc Serenade là nhạc khúc thứ tư trong quyển 1 bộ Bài Ca Thiên Nga của nhạc sĩ thiên tài người Áo Franz Schubert để tặng sinh nhật cho một thiếu nữ mà Ông thầm yêu trộm nhớ. Ở Châu Âu ngay từ thời trung cổ các chàng trai thường tỏ tình bằng âm nhạc, ban đêm đứng dưới cửa lầu "người đẹp" tự đàn hát. Những bài nhạc lãng mạn này gọi là serenade.
Để làm cho nàng bất ngờ, Schubert nhờ người bạn thân là ca sĩ, trình bày ngay dưới cửa sổ nhà nàng. Người ta bí mật khiêng cây đàn piano vào trong vườn, tất cả đã sẵn sàng buổi biểu diễn độc đáo. Thế nhưng Schubert lại quên không đến. Trớ trêu thay, cô gái đem lòng yêu chính chàng ca sĩ chứ không dành trái tim cho Schubert.
Lời ca dịu dàng réo rắt, giúp người nghe quên hết mọi ưu phiền. "Dạ khúc" nhạc chiều với giai điệu buồn da diết đã khiến cả nhân loại thổn thức. Con người bình dị này đã miệt mài sáng tạo trong suốt cuộc đời ngắn ngủi, để lại kho tàng âm nhạc cổ điển đồ sộ cho thế giới.
Bản dịch Dạ Khúc Serenade từ lời tiếng Đức:
Đêm khuya vẳng tiếng anh hát thầm thì, dưới vòm cây tĩnh lặng. Đến đây hỡi người ! Gió đùa lá xào xạc dưới trăng; đừng sợ chi kẻ phản trắc rình rập đâu đó. Em nghe chăng tiếng họa mi vang rền. Chúng gọi em đấy, chúng chuyển lời của anh cho em, vì chúng hiểu nỗi khắc khoải con tim, nỗi đau tình si. Giọng hót vang của chúng làm mỗi trái tim nồng nàn bớt thổn thức. Người yêu hỡi, em hãy để cho tiếng chim ca trong tim...Anh đang run rẫy, bồi hồi chờ em nơi đây. Đến đây chúc mừng anh !
Phạm Duy soạn ra lời Việt:
Đợi chờ em, trong màn đêm quạnh văng
Muôn tiếng thanh âm cung đàn ngân...
Mượn làn gió, mang về bên lầu vắng...Nơi xa réo rắt câu tình ta
Hòa trong tiếng chim muông đang thầm thì...
Chim còn ríu rít đê mê
Như lời anh nói thầm thì
Và bên ấy...Vang trong đêm vọng về bao lời đắm đuối say mê
Của người tha thiết tình si
Xào xạc tiếng gió lùa trên cành lá. Gió hát như tim anh rộn vang
Thì xin làn gió nhân gởi tâm sự đến nơi xa
Em hay chăng tình ta?
Và khi vẳng nghe chim muông rộn ràng, nghe lời gió hát mênh mang
Đấy lời anh tiếng than van
Đừng e ấp, nói với nhau bao lời...Tim nồng chan chứa hân hoan
Yêu người mãi với thời gian
Lòng này muôn kiếp sẽ yêu người
Thề nguyền mãi không rời...
Nhé...khi đã yêu ai rồi yêu suốt đời...
Nơi này anh mãi mong chờ...Mong chờ em mãi, người ơi.
Qua bài thơ, thi sĩ Hư Vô như muốn mượn dạ khúc Schubert để nhắn với người tình khi nàng bỏ quên lời ước hẹn gặp lại nhau vào tháng 8 ở Nhà Hát Con Sò, chốn thiên đường cho những cặp tình nhân của vùng trời Sydney thơ mộng. Trong tận cõi tình si độ lượng khoan dung, nhà thơ vẫn hiền từ như Schubert, dùng lời lẽ năn nỉ chân thành tự con tim, không một chút oán trách giận hờn, cho dù bị lỡ làng thất hứa, chàng vẫn ngày đêm khắc khoải đợi chờ...một ngày tái ngộ.
Hư Vô là tên tuổi có tiếng tăm trong giới thi ca vùng nam bán cầu. Tuy hành nghề kiến trúc sư, nhưng Anh lại đam mê nàng thơ từ thuở mới vào Trung học. 18 tuổi đã ra mắt tập thơ đầu tại Saigon trước 1975. Sau đó còn xuất bản thi phẩm khác và đứng tên chung trong vài tuyển tập với các nhà thơ hàng đầu Úc châu.
Từng phụ trách trang thơ Báo Việt Luận suốt hơn mười năm. Sáng tắc 400 bài, trong đó được phổ nhạc gần cả 100 ca khúc qua tiếng hát của nhiều ca sĩ nổi tiếng ở hải ngoại.
Chủ Biên website Hành Trình Văn Học Nghệ Thuật với những tiết mục thơ văn chọn lọc, đáng được bạn đọc tham khảo.
5. SYDNEY VỀ ĐÊM
Sydney có dân số chừng 5 triệu rưỡi người. Là một trong những thành phố đẹp tuyệt vời và đáng sống nhất của thế giới.
Cũng như Little Saigon của Cali, Cabramatta được mệnh danh là thủ đô của người Việt tại Úc châu với hơn 4 vạn cư dân Việt Nam đang sinh sống tại đây. Chính vì vậy mà báo chị Úc còn gọi nơi này là Saigonmatta hay Vietnamatta. Thủ phủ của người Việt tị nạn này được ca ngợi về sự thành công thương mại của người Việt trong xã hội đa văn hóa Úc châu.
Tới Sydney, không thể bỏ quên Nhà Hát Con Sò (Opera House) và chiếc Cầu Cảng Sydney.
* Nhà Hát Opera Sydney là công trình nhà hát tại thành phố Sydney, với kiến trúc độc đáo hình con sò hay những cánh buồm no gió ra khơi của thuyền trưởng James Cook thuở xưa, bên trong là nhiều nhà hát và kịch nghệ. Đây là kỳ quan độc nhất vô nhị của thế giới, do kiến trúc sư Jorn Utzon thiết kể. Khánh thành năm 1973. địa điểm du lịch hàng đầu của Úc, hằng năm thu hút hơn 8 triệu khách viếng thăm.
Theo BBC (Vietnamese.com), Chủ Tịch Quỹ Nhà Hát Con Sò Kim Williams: "Ông Jorn Utzon là tài năng về kiến trúc và sáng tạo, người đã mang lại món quà tuyệt vời cho nước Úc và thế giới".
Nhà Hát Con Sò là biểu tượng của bản sắc văn hóa quốc gia, là niềm tự hào lớn lao cho tất cả người dân Úc.
Năm 2003, Utzon được giải thưởng Pritzker (Nobel của ngành kiến trúc), để tôn vinh cho công trình Nhà Hát Con Sò.
* Cầu Sydney Harbour (Cầu Cảng Sydney); bắc qua cảng Sydney. Cũng như Nhà Hát Con Sò, Cầu Cảng Sydney là hình ảnh biểu tượng cho Sydney và nước Úc, do kiến trúc vòm cao nhất thế giới, 134 m, từ đỉnh cầu xuống mực nước sông. Cầu dài 1149 m, rộng 49 m.
Du khách có thể mạo hiểm leo cầu để trải nghiệm cảm giác hồi hộp và hào hứng. Lên đến đỉnh họ có thế nhìn bao quát khung cảnh thành phố với những tòa nhà vươn cao, Nhà Hát Con Sò xinh đẹp quyến rũ, biển xanh êm ả yên bình.
Một đêm trăng thượng tuần, bầu trời Sydney tỏa sáng vằng vặc, nhiều lữ khách nhàn du quanh Darling Harbour. Dường như họ muốn tới chốn này hít thở không khí trong lành của khung cảnh ấm áp đầu mùa hạ. Gió mát rười rượi từ cửa biển thổi vào. Biết bao cặp tình nhân hay vợ chồng tay trong tay lượn lờ trên bến nước.
Những hình ảnh quyến rũ thơ mộng làm sao. Nào có thua chi chốn bồng lai tiên cảnh của Lưu Thần Nguyễn Triệu thuở xưa.
Dọc theo những con đường từ ngõ vào Harbour đến tận Nhà Hát Con Sò có nhiều dãy ghế đá công viên. Hằng chục đôi nam thanh nữ tú cận kề bên nhau tâm sự vơi đầy. Văng vẳng giọng ngâm nga tha thiết đậm đà của một người thơ với bài Sydney Về Đêm. Quanh chỗ đó, thấy nhiều viễn khách đứng lại lắng nghe. Có thể đây là lần đầu tiên họ được thưởng thức thơ về Sydney trong màn đêm thanh tịnh:
Cầu Sydney Harbour
Ngồi nghe em đọc thơ
Tưởng chừng như trẻ lại
Yêu đến độ dại khờ
Trời Sydney về đêm
Càng ngắm càng thích thêm
Đẹp cho đời tình ái
Nghe lòng thật ấm êm
Thuyền ai nhè nhẹ trôi
Xa xa mấy dãy đồi
Sao trên trời lấp lánh
Chia mừng chuyện lứa đôi
Kia Nhà Hát Con Sò
Ước gì ai dẫn cho
Hai đứa mình đến đó
Chung vui cuộc hẹn hò
Nhìn tàu chạy trên cao
Mà lòng thấy xôn xao
Những vẫy chào đưa tiễn
Cảnh ly biệt nghẹn ngào
Bao nhiêu dãy nhà lầu
Chẳng màng chuyện bể dâu
Vẫn kiêu kỳ lộng lẫy
Như tình ta thâm sâu
Lâu rồi mới lên đây
Ngồi ngắm nhìn trời mây
Nửa vầng trăng mờ ảo
Ru hồn trong đắm say
Đêm về ở Sydney
Đứng bên nhau thầm thì
Như lạc vào tiên cảnh
Đời dễ có mấy khi
Phạm Văn Duyệt
Đang say sưa với vần thơ lai láng giữa đêm trăng. Người con gái nhẹ nhàng cầm tay tình quân chỉ về hướng sân ga có chiếc tàu vừa đổ khách. Gợi nhớ cảnh đưa tiễn ở những sân ga hoang vắng quạnh hiu thuở nào. Rồi cao hứng, nàng đọc bài Những Bóng Người Trên Sân Ga. Giọng ngọt ngào trầm bỗng càng lôi cuốn thêm người thưởng ngoạn.
Những cuộc chia lìa khởi sự đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạc thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tháng ngày
Có lần tôi thấy hai cô bé
Sát má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng
Đường về nhà chị chắc xa xôi
Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu
Hai chàng tôi thấy tiễn đưa nhau
Kẻ ở trên toa kẻ dưới tàu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu
Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn đưa tay bóng chạy dài
Chị mở khăn trầu anh thắt lại
"Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi !"
Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng đổ xuống bóng sân ga
Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẽ
Một mình làm cả cuộc phân ly
Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt
Buồn ở đâu hơn ở chốn này
Tôi đã từng chờ những chuyến xe
Đã từng đưa đón kẻ đi về
Sao nhà ga ấy sân ga ấy
Chỉ để cho lòng giấu biệt ly
Nguyễn Bính
Không để trống thì giờ, chàng thanh niên kể cho người bạn đường vài chuyện buồn vui của thi nhân. Đáng thương nhất là hoàn cảnh nghèo nàn túng quẩn của Thi Sĩ Tản Đà, người một thời từng được mệnh danh là chủ súy làng thơ Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. Ông để lại câu chuyện bi hài: Phụ trách trang thơ Báo Thần Chung của Luật Sư Diệp Văn Kỳ, Nhà Thơ núi Tản sông Đà phải nộp bài mỗi tuần. Nhưng một dạo nọ, do say sưa túy lúy, Ông quên mất nhiệm vụ này. Đã quá trể, Chủ Báo cho người tới nhắc nhở thì Ông nổi nóng quát tháo: "làm thơ chứ đâu dễ như bữa củi mà đòi phải có liền".
Tới đây cũng gần 10 giờ đêm. Còn phải sánh bước chung đôi một vòng hướng về Opera House với muôn ánh đèn màu nhấp nhánh lung linh, họ đành từ giả khách thơ qua một lần tình cờ gặp gỡ. Không có đủ thời gian chuyện trò thêm về thi ca với những người hâm mộ đang ngoạn cảnh Sydney về đêm.
6. ĐÊM, NHỚ TRĂNG SAIGON
Du Tử Lê (1942 - 2019): 77 năm cuộc đời, 77 tác phẩm thuộc nhiều thể loại: thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, tùy bút, trường ca. Thành công nhất là thi ca. Một số đại học Mỹ đưa vào giảng dạy cho sinh viên. Hai nhật báo lớn ở Mỹ là New York Times và Los Angeles Times cũng từng đăng thơ ông. Khoảng 300 nhạc phẩm được phổ hay lấy ý từ thơ Du Tử Lê. Ông thường chắt lọc về từ ngữ và sử dụng những dấu chấm (.), phết (,) hay gạch chéo (/) như muốn thể hiện cách tân về thi ca. Điều này đưa thơ ông gần với giới trí thức hơn là tầng lớp bình dân.
Nhà Văn Đỗ Trường nhận xét: "thơ họ Lê hay lạm dụng thủ pháp kỹ thuật, dường như bài nào cũng chuẩn bị sẵn cho một ca khúc, thành ra không thoát khỏi sự gò ý, từ ngữ và câu thơ trở nên tối nghĩa, làm mất đi cái cảm xúc ban đầu của tác giả".
Về điểm này, trong lần phỏng vấn của nhà văn Cổ Ngư, Du Tử Lê đã trả lời:
- Cổ Ngư: Vì thấy thơ Du Tử Lê được phổ nhạc nhiều, nên không ít người đã đặt câu hỏi: khi sáng tác một bài thơ, thi sĩ có "chuẩn bị" âm, vần, nhịp điệu...để bài thơ có thể biến thành ca khúc trong tương lai không?
- Du Tử Lê: Chắc chắn là không ! Vì nếu tôi có sự chuẩn bị, tôi đã không bị giết nhiều lần như thế (ý nhà thơ muốn nói bên cạnh những nhạc sĩ giúp chắp thêm đôi cánh cho bài thơ đến với độc giả, còn có một số nhạc sĩ vô tình giết chết hồn thơ qua cung cách phố nhạc của mình).
Trong cả ngàn bài thơ của Du Tử Lê, "Đêm, Nhớ Trăng Saigon" với lời nhạc của Phạm Đình Chương là được nhắc nhở khá nhiều.
Theo họ Lê, " Trăng quê người khiến tôi nhớ và sống lại những mùa trăng quê hương. Sống lại này, ở thời điểm đó, với tôi là sống lại quá khứ, kỷ niệm, không một chút hy vọng mong mang tái diễn.
Trong năm 1978, sau khi xong việc ca 2, đêm đêm ông thường cô độc lái xe từ hãng về, ngang qua những con lộ hoang vắng, đèn đường mờ ảo, ông phải nhờ ánh trăng soi sáng cho rõ hướng đi. Bên trời viễn xứ tha hương, Du Tử Lê, và có thể nhiều người khác, chợt rùng mình khắc khoải bâng khuâng nhớ vầng trăng Saigon thuở nào, mà giờ này cảm thấy vời vợi cách xa.
Lúc đó Ông nhớ Saigon với Xa Lộ thênh thang chạy dài từ cầu Xa Cảng tới Hàng Xanh, khu Thị Nghè với mưa buồn giăng mắc, với ngôi chợ nằm cạnh bờ sông, nơi cửa ngõ đi vào Quận 1, đường Trương Minh Giảng nắng chói chang trải dài từ Trần Quý Cáp tới nhà thờ Vườn Xoài, hay những trưa hè dạo phố Tự Do đầy lá rụng. Rồi dọc Xa Lộ qua Thủ Đức ai mà không nhớ bức tượng Tiếc Thương buồn hiu đang ngồi gác súng mơ tưởng bạn bè đã biền biệt ra đi. Nhớ để rồi buồn man mác khi thành phố đổi tên. Nếu quanh quẩn một vòng chẳng còn gì hoa lệ, mà chỉ thấy "mưa sa trên màu cờ đỏ".
Thôi thì đọc bài thơ của Du Tử Lê cho quên nỗi sầu viễn xứ vậy:
Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
Tìm tôi đèn thắp hai hàng
Lạc nhau cuối phố sương quàng cổ cây
Ngỡ hồn tu xứ mưa bay
Tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa
Đêm về theo bánh xe qua
Nhớ tôi xa lộ nhớ nhà Hàng Xanh
Nhớ em kim chỉ khíu tình
Trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
Nắng Trương Minh Giảng trưa hè Tự Do
Nhớ nghĩa trang quê bạn bè
Nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường
Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ, sầu em bến nào?
7. ĐÊM NHỚ VỀ SAIGON
Trước 75, Trầm Tử Thiêng làm việc tại Cục Tâm Lý Chiến. Với bản tính không muốn nhờ vã gây rắc rối phiền hà cho người khác. Cho nên ông bị kẹt lại ở Saigon.
Theo nhà văn Vương Trùng Dương ("Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng & Những Dòng Chia Sẻ", Việt Báo, 22.7.21):
"Từ 1970, Trầm Tử Thiêng sống chung như vợ chồng với chị Đỗ Thị Tần. Đến cuối tháng 4.75, thân sinh Chị đồng ý cho anh cùng di tản qua Mỹ. Nhưng vì nhạc gia quá giàu có, vừa là giám đốc mỏ than Nông Sơn, lại kiêm chủ nhân tiệm kim hoàn. Sự cách biệt lớn lao đó làm anh tự ái thân phận nhà nghèo nên từ chối không đi theo chị. Viện lẽ còn phải ở lại chăm sóc mẹ già. Anh lặng lẽ tiễn chân chị, chịu biền biệt chia phôi. Cuộc tình của Anh rơi vào ngõ cụt, nhớ nhung dày vò, đau đớn tột cùng. Có lần anh thú nhận quá sai lầm khi để chị ra đi một mình".
Vượt biên bị bắt giam nhiều lần. Cuối cùng cũng thoát được. Tới Mỹ năm 87. Gặp lại người xưa. Oái oăm ngang trái, chị Tần đã sang ngang. Nhạc Sĩ Nhật Ngân cho biết khi thấy chị tới thăm Trầm Tử Thiêng đang ở chung nhà thuê, ông liền mau lẹ tránh đi cho hai anh chị dễ chuyện trò tâm sự sau hơn mười năm xa cách. Lúc trở về thấy hộp giấy tissue mới mở đã lưng còn một nửa. Ông liền liên tưởng chắc chị đã buồn thương nức nở cho cuộc tình ly tan như Đỗ Lễ ngày nào:
Thôi nín đi em lệ đẩm vai rồi buồn thêm nữa sao
Anh hỡi đôi mình mộng nay đã tan tình đã dở dang
Thôi khóc lâm gì đã lỡ duyên thề thương nhau làm chi...
Chua xót đắng cay cho tình đôi lứa, Trầm Tử Thiêng để lại bài hát Mười Năm Yêu Em vốn được rất nhiều người ưa thích.
Sống trên đất Mỹ, sau khi biết người tình duy nhất đã không còn chờ đợi mình, Trầm Tử Thiêng hay ngồi cô đơn suy nghĩ vẫn vơ. Nhiều đêm ông mộng mị tưởng nhớ chốn xưa, để rồi sáng tác nhạc phẩm Đêm Nhớ Về Saigon:
Đêm nhớ về Saigon
Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi
Những con đường thèm đôi chân vui, đã bao lâu chờ đợi
Đường im nghe quá khứ trong sâu
Đường chia ly vẫn ngóng tin nhau
Tình lẽ loi canh thâu
Đêm nhớ về Saigon
Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa
Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa
Ai sầu trong quán úa
Bóng mẹ hiền mờ mờ bên song
Mắt người tình một trời mênh mông
Gợi bao nhiêu cho cùng
Yêu me một khối tình quê
Yêu em từng bước tình si
Đêm đêm mộng thấy đường đi, đường về
Ta như cậu bé mồ côi
Cố vui cuộc sống nhỏ nhoi
Cố quên ngày tháng lẻ loi để lớn
Để đêm đêm nhớ về Saigon
Thấy mình vừa trở lại quê hương
Để gặp người một trời yêu thương
Cho lòng thêm chút ấm
Thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau
Nhắc chuyện người, chuyện đời thương đau
Tình chia trong đêm sầu
Nhạc Sĩ Trần Chí Phúc cho biết cảm xúc qua bài: "Đêm Nhớ Về Saigon - Những Nỗi Sầu Nghệ Thuật của Trầm Tử Thiêng", sbtn tv, 25.4.15:
"Ca khúc gợi cho người nghe nỗi nhớ Saigon, nhớ về những cơn đường, những quán nhỏ đèn vàng vắng khách trong đêm, nhớ mẹ già, người tình và thèm được ngồi cùng bạn bè tâm sự vơi đầy.
" Trong ký ức Trầm Tử Thiêng là hình ảnh thành phố Saigon đìu hiu, tang thương của những năm sau 75, những mảng màu u tối chan chứa nỗi sầu chia cách của người tị nạn bên này nhớ bên kia quê nhà. Vẫn nhớ người nhạc sĩ mái tóc bạc phơ, ngồi một mình suy tư trong quán cà phê ở Little Saigon năm nào, dáng vẻ cô đơn là nét đặc biệt của Trầm Tử Thiêng".
Nhạc Sĩ mang theo bên kia bờ đại dương những hoài niệm về một thành phố đã xa. Trong giấc mơ ông thấy mình trở lại quê hương, nơi chốn tình tự thuở nào. Nhớ Saigon, Trầm Tử Thiêng hoài niệm khung cảnh phố phường buồn bã ngay sau chuỗi ngày tang chế, ông tưởng tượng bao con đường thèm khát và mong mỏi chờ đợi những bước chân song hành hớn hở vui cười trong phút giờ đoàn viên hạnh ngộ. Dù chia ly đôi ngã, lẻ loi canh thâu nhưng lúc nào cũng mong ngóng tin nhau. Lắm lúc nghe nhạc vàng là vọng về tiếng người xưa, để rồi một mình ôm đầu gục mặt sầu trong quán vắng. Thê thiết nhất là nhớ bóng mẹ hiền bên song cửa và đôi mắt vời vợi xa xăm của người tình một thời si mê đắm đuối.
Rồi ông miên man mộng mị thấy cả đường đi lối về. Lúc ấy chắc ông đa sầu đa cảm biết dường nào.
Trong chuỗi ngày cuối đời, ông vẫn thui thủi một mình, không vợ con nơi căn gác vắng. Nhiều lúc cảm thấy buồn. Ông nói với nhạc sĩ Xuân Điềm: "Tôi bệnh lâu không ra ngoài được nên nhớ phố xá, nhớ cảnh sinh hoạt nhộn nhịp, nhớ bạn bè. Tôi thường trùm kín chăn ngồi sau xe nhờ ca sĩ Quốc Việt chở dạo một vòng phố chợ rồi về mới ngủ được".
Nhà Văn Hoàng Hải Thủy cũng rất nhớ Saigon. Ông nói:
"là Công Tử Hà Đông bên hông Hà Nội, Bắc Kỳ chính cống Bà Lang Trọc nhưng tôi yêu Saigon hơn tôi yêu Hà Nội - dù tôi có sống với Saigon lâu đến chừng nào đi nữa, khi phải xa Saigon tôi vẫn nhớ Saigon, nhớ thương vỡ tim, xé gan, cháy lòng, đứt ruột như nhớ thương người đàn bà mình yêu, người đàn bà đa tình yêu mình cực kỳ, cho mình hưởng tất cả, mình từng sống hạnh phúc bên nàng mà mình phải xa nàng".
Trong tùy bút Đêm Nhớ Về Saigon, Giáo Sư Huỳnh Công Ân (ngoquyen.org, 15.4.22) chia sẻ tâm sự:
* "Đêm nay nằm ở miền Bắc lục địa Mỹ vào tháng tư buồn lạnh lẽo, tôi thao thức nhớ về Saigon của miền Nam trước 75 chứ không phải Saigon bây giờ, vì ngày nay đã mất tên và không giống như xưa nữa:
"Saigon ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời
Saigon ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời
Giờ còn đây, những kỷ niêm sống trong tôi
Những nụ cười nát trên môi
Những giọt lệ ôi sầu đắng
Saigon ơi, nắng vẫn có còn vương trên đường
Đường ngày xưa, mưa có ướt ngập lối đường về
Rồi mùa thu, lá có còn đổ xuống công viên
Bóng gầy còn bước nghiêng nghiêng
Hay đã khóc thương cho người yêu.
(Saigon Ơi Vĩnh Biệt, Nam Lộc)
* Còn đâu những giây phút chờ đợi người yêu:
Anh hẹn em cuối tuần chờ nhau nơi cuối phố
Biết anh thích màu trời em đã bồi hồi chọn màu áo xanh
(!Bảy Ngày Đợi Mong, Trần Thiện Thanh)
* Tôi đã mất con đường tình học trò:
Trả lại em yêu, khung trời đại học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
(Phạm Duy)
* Tôi cũng mất những đêm Noel cùng người yêu đến Nhà Thờ Đức Bà chờ thánh lễ nửa đêm:
Mùa Noel đó chúng ta quen bên giáo đường
Mùa Noel đó anh dắt em vào tình yêu
(Hai Mùa Noel, Đài Phương Trang)
Giáo Sư Ân kể tiếp:
Tôi đã về lại Saigon để thăm gia đình, bạn bè, người thân nhưng không tìm được Saigon ngày xưa. Tôi ước mơ sống lại ở Saigon, Hòn Ngọc Viễn Đông trước 75.
8. SAIGON
Saigon là tựa đề bài hát của Y Vân được sáng tác năm 65 mà nhiều người vẫn hay gọi "Saigon Đẹp Lắm", được xem là ca khúc hay nhất về Saigon:
Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai
Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay
Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này
Saigon đẹp lắm Saigon ơi
Ngưa xe như nước trên đường vẫn qua mau
Người ra thăm bến câu chào nói xôn xao
Phố xá thênh thang đón chân tôi đến chung vui
Saigon đẹp lắm Saigon ơi
Lá la la lá la
Lá la la lá la
Tiếng cười cùng gió chan hòa niềm vui say sưa
Lá la la lá la
Lá la la lá la
Ôi đời đẹp quá tràn bao ý thơ
Một tình yêu mến ghi lời hát câu ca
Để lòng thương nhớ bao ngày vắng nơi xa
Sống mãi trong tôi bóng hôm nay sẽ không phai
Saigon đẹp lắm Saigon ơi Saigon ơi
Theo wiki, ca khúc này ra đời trong giai đoạn trào lưu nhạc trẻ bắt đầu du nhập vào miền Nam mạnh mẽ, với các giai điệu rộn rã của twist, cha cha cha, disco...tràn ngập khắp các vũ trường. Nhiều nhạc sĩ sáng tác một số bài hát loại này và được đón nhận nồng nhiệt, hình thành "dòng nhạc kích động", trong đó Y Vân đi tiên phong với các bài Saigon, 60 năm, 20 – 40
Nhạc phẩm Saigon có nội dung ca ngợi nếp sống và con người cùng vẻ đẹp của Saigon, với giai điệu và ca từ rất vui tươi.
RFA ghi lại cảm nhận: Tác phẩm vẻ nên những nét say sưa náo nức của người đất Bắc vừa giả từ Hà Nội với bao khói lửa chiến tranh để vào thủ đô của miền Nam nắng ấm thanh bình chan chứa tình người rộn rã nơi nơi.
Saigon là thành phố đông vui, trẻ trung, xô bồ. Người tứ xứ tụ về nên có cuộc sống hối hả, đua chen, nhộn nhịp, sôi động, không yên tĩnh cả ngày lẫn đêm, ngựa xe rộn rịp, tiếng cười nói ồn ào khắp phố thị, đời sống cuống cuồng, vội vã.
Ca khúc với giai điệu cha cha cha rộn ràng như hoạt cảnh của Saigon, âm điệu vui tươi, dễ hát dễ nghe.
Người Saigon niềm nở, phóng khoáng, độ lượng, sẵn sàng mở rộng vòng tay đón chào mọi người như năm 54 đã tiếp rước cả triệu đồng bào miền Bắc di cư.
Trong bài hát, Y Vân có nhắc cảnh "người ra thăm bến câu chào nói xôn xao". Bến đây là Bến Bạch Đằng. Trước 75, đó là con đường dọc bờ sông Saigon, đoan từ nhà máy Ba Son đến đầu đường Hàm Nghi nối với đường Bến Chương Dương. Những năm cuối 1950 đến 60 , đây là nơi hẹn hò lý tưởng của những đôi nhân tình. Khi hoàng hôn buông xuống, họ đưa nhau ra hàng quán dọc bờ sông ngồi ăn bò bía, uống nước mía hay ăn kem, vừa tâm tình, vừa ngắm dòng sông nước chảy hiền hòa. Hoặc đêm đêm tản bộ dọc theo bờ sông hóng mát, đứng bên này hướng mắt về mái nhà lồng bên kia là Thủ Thiêm, nhìn những chuyến phà chầm chậm lướt sóng đón đưa người qua lại.
Nhà Văn Phan Lạc Tiếp viết trong "Saigon Thoáng Nhớ" (dongsongcu. wordpress.com, 24.2.22):
"Sau khi Tổng Thống Diệm bị thảm sát, chính trường miền Nam ngày càng rối ren. Những trận đánh lớn quy mô diễn ra khắp nơi. Vùng quê mất an ninh, dân chúng kéo nhau về Saigon, thành phố càng thêm đông đúc xô bồ. Tiếng súng và hoả châu hàng đêm tỏa sáng quanh Thủ Đô. Mỹ bắt đầu đổ quân ồ ạt vào miền Nam, bờ sông Saigon trở nên nhộn nhịp. Các chiến hạm đủ loại mang cờ Việt Nam Cọng Hòa, Mỹ, Đại Hàn đậu đầy bến. Khu bờ sông trước cửa Bộ Tư Lệnh Hải Quân được rào lại bằng lưới thép, không còn là nơi hò hẹn của trai thanh gái lịch nữa".
Y Vân để lại chừng 200 nhạc phẩm. Trong đó có bài "60 Năm Cuộc Đời" như vận vào số mệnh của ông khi phải giả từ nhân thế đúng ngay lứa tuổi này:
Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời
Hai mươi năm đầu sung sướng không bao lâu
Hai mươi năm sau sầu vương cao vời vợi
Hai mươi năm cuối là bao
Ngoài ra, "Anh Về Thủ Đô" được Y Vân viết để chào mừng các chiến binh Cọng Hòa khi họ trở lại thành phố thân yêu:
Anh về Thủ Đô nước Nam tự do
Chút quà mừng anh chiến binh đường xa
Là muôn tiếng lòng thương yêu các anh
Đã hy sinh vì giống nòi
Anh về Thủ Đô biết bao là vui
Đã để lại đây mến thương đầy vơi
Người dân nước Việt thương yêu đón anh
Đón anh trai hùng bước qua
Ơ này anh !
Áo xanh chiến trường bạc màu
Mến anh mến từ thuở nào
Người trai tranh đấu
Ơ này anh !
Đã mang đến tình mặn mà
Mến anh những lời thật thà
Lòng dân mong chờ
Anh về Thủ Đô chúng tôi chờ mong
Mong chờ ngày mai nước non bình yên
Toàn dân nước Việt ghi ơn các anh
Các anh trai hùng nước Nam
Bên cạnh Y Vân, Nhạc Sĩ Văn Phụng và Huyền Linh cùng làm tăng thêm nét hấp dẫn của Saigon với Ghé Bến Saigon:
Cùng nhau đi tới Saigon
Cùng nhau đi tới Saigon
Thủ Đô yêu dấu nước Nam tự do
Dừng chân trên bến Cọng Hòa
Người Trung Nam Bắc một nhà
Về đây chung sống hát khúc hoan ca
Ngựa xe như nước rộn ràng
Ngập muôn sức sống tiềm tàng
Đèn đêm tung ánh sáng như hào quang
Lòng vui chân bước dật dờ
Đường đi quanh khúc Bàn Cờ
Cùng nhau vui sống ấm say tình thơ
Cùng nhau đi tới Saigon
Là nơi du khách dập dồn
Từ năm châu tới viếng thăm Thủ Đô
Dòng sông chen chúc tàu đò
Ngựa xe buôn bán hẹn hò
Người dân no ấm sống đời tự do.
Phạm Văn Duyệt
Tháng 10 năm 2022
Không có nhận xét nào