Rishi Sunak
Sự đắc cử thủ tướng của Rishi Sunak (hình) là một dấu mốc quan trọng cho trào lưu 'diversity' (tạm dịch là 'đa dạng hoá') ở các nước phương Tây. Trường hợp này làm tôi liên tưởng đến một tương lai tương tự cho thế hệ người Việt thứ hai hay thứ ba ở nước ngoài, và cơ hội nào cho người trong nước với thể chế kém dung nạp.
Hôm qua, khi ngồi họp với các đồng nghiệp bàn về cái logo cho một trung tâm nghiên cứu mới, một giáo sư buông một câu bình luận gọn lỏn: 'too white' (trắng quá).
Trong khi mọi người đang tìm hiểu anh ấy nói gì, tôi thì hiểu rất rõ ý của anh ấy. Cái logo được thiết kế tinh tế, và có hình những người già trong các nhà dưỡng lão, nhưng tất cả những người này đều là da trắng. Ý của anh giáo sư (người Úc da trắng) là cái logo này không đáp ứng tính đa dạng hoá mà chánh phủ đang kêu gọi.
Trào lưu Đa dạng hoá
Đa dạng hoá (hay diversity, hay inclusiveness) ở đây có nghĩa là ghi nhận, tôn trọng, và đánh giá đúng những đóng góp của mọi thành viên trong cộng đồng -- mà không quan tâm đến các yếu tố như sắc tộc, tôn giáo, độ tuổi, hay giới tính của họ. Đa dạng hoá, nếu làm đúng, là một động lực quan trọng giúp phát triển xã hội, bởi vì mọi người đều cảm thấy mình thuộc về cộng đồng (chứ không phải người ngoài cuộc).
Ở các nước như Mĩ, Úc, Canada, Anh, trào lưu đa dạng hoá được đặt ra từ hơn 20 năm qua. Theo đó, chánh phủ muốn có sự hiện diện bình đẳng của các thành phần trong xã hội trong tất cả các thiết chế chánh trị, xã hội, khoa học, giáo dục, và doanh nghiệp. Đa dạng hoá là một cách nói cho thế giới biết rằng 'chúng tôi là một quốc gia văn minh và dung nạp', và cái thời [ví dụ như] 'Nước Úc da trắng' đã và đang bị kết liễu.
Trong các yếu tố đa dạng hoá được thảo luận nhiều nhứt vẫn là giới tính và sắc tộc. Tại sao vậy? Tại vì sự hiện diện của nữ giới ở các thiết chế vừa kể, đặc biệt là cấp thượng tầng, vẫn còn rất khiêm tốn. Chẳng hạn như trong các đại học Go8, nữ giới chỉ chiếm 25% (con số 2021) tổng số giáo sư thực thụ. Trong tài trợ cho khoa học (là một chỉ số danh giá nhứt nhì trong đánh giá thành tích khoa học), dù đã cố gắng rất nhiều, nhưng nữ giới vẫn chỉ chiếm 30-40% số grants được tài trợ. Tình hình tệ đến nổi chánh phủ Úc quyết định kề từ năm tới, chánh phủ sẽ dành một ngân sách riêng cho các nhà khoa học nữ.
Yếu tố sắc tộc thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Thời tôi mới tới Úc (tức 40 năm trước), không có dân biểu gốc Á châu trong Quốc hội cấp liên bang hay tiểu bang. Thời đó, tôi đoán rằng người Úc da trắng nhìn chúng tôi như những kẻ tị nạn, nhân công giá rẻ như những người di dân gốc Ý và Hi Lạp trước đó. Trong thế giới khoa bảng của 30 năm trước, số giáo sư gốc Á châu trong các khoa y của đại học Úc (đặc biệt là đại học trong nhóm Go8) chỉ đếm đầu ngón tay. Ngay cả năm tôi được đề bạt chức danh giáo sư của UNSW (2008) thì con số giáo sư gốc Á của cả khoa chưa đầy con số 10. Khoảng 15 năm trước khi tôi được 'thưởng' cái NHMRC Senior Fellowship thì số người gốc Á châu lượt đó là 3! Nói như một giáo sư bên Mĩ (Marybeth Gasman, ĐH Pennsylvania): "lí do về sự
trống vắng của các giáo sư gốc da màu là vì chúng ta không muốn có họ. Chúng ta đơn giản là không muốn."
Trào lưu mới và những thay đổi tích cực
Nhưng chánh sách diversity hay đa dạng hoá đã và đang làm thay đổi tất cả. Phải nói là thay đổi rất ngoạn mục. Người Việt thế hệ 2 hay thế hệ 1.5 đã bước vào chánh trường. Năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử nước Úc, có một dân biểu liên bang gốc Việt (bà Lê Thị Trang Đài hay tên tiếng Anh là Dai Le). Cách đây vài ngày, tôi có viết về hai Thị trưởng gốc Việt nhỏ tuổi nhứt (20s) ở tiểu bang Victoria. Trong thế giới khoa bảng, số giáo sư thực thụ gốc di dân (da màu) càng ngày càng chiếm tỉ trọng cao, thậm chí rất cao (50%) trong một số chuyên ngành. Đã có khoa trưởng đại học Úc gốc Việt. Cái thời "không muốn họ" đã qua rồi.
Nhưng ngoạn mục nhứt có lẽ là trường hợp của tân thủ tướng Anh Rishi Sunak. Anh này sanh năm 1980, tức năm nay mới 42 tuổi! Thật khó tưởng tượng nổi một "Đế quốc mặt trời không bao giờ lặn", một đế quốc có thời thống trị gần 1/4 lãnh thổ trên thế giới mà có một lãnh đạo cao nhứt là người da màu. Đặc biệt hơn nữa, người này lại có nguyên quán Ấn Độ, một quốc gia mà Anh cai trị gần 200 năm (hay 89 năm?)
Thật ra, nếu chịu khó để ý, chúng ta thấy khá nhiều cái tên gốc Ấn Độ, Trung Hoa, thậm chí Ả Rập trong hệ thống công quyền và chánh trị Anh trong thời gian gần đây. Các bạn còn nhớ rằng Giáo sư Jonathan Nguyen Van Tam là cố vấn cao cấp về y tế cho Chánh phủ Anh trong trận dịch vừa qua. Ngạc nhiên -- hay đáng nể -- là phe bảo thủ lại là nhóm đi đầu trong trào lưu đa dạng hoá này, và sự đắc cử của Rishi Sunak là một minh chứng rõ nhứt.
Đọc qua lí lịch trích ngang thấy rằng anh này thuộc nhóm thượng tầng trong xã hội Anh, chứ không phải là một ca tiêu biểu. Giới báo chí Anh ước tính rằng tài sản của gia đình anh ấy hơn 1 tỉ USD, và nếu đúng thì anh ấy là một tỉ phú. Sanh ra trong một gia đình trung lưu (thân phụ là bác sĩ và thân mẫu là dược sĩ), và lấy vợ là con gái của một tỉ phú Ấn Độ, Rishi Sunak quả thật không phải là một trường hợp di dân tiêu biểu.
Thật ra, anh ấy là một người Anh gốc Ấn Độ thì đúng hơn. Từng theo học ở những thiết chế giáo dục nổi tiếng nhứt của Anh (Winchester, Oxford) và Mĩ (Stanford), và làm việc cho tập đoàn tài chánh lừng danh Goldman Sachs, anh ấy là một người Anh. Giọng nói rặc "Queen's English" càng cho thấy anh ấy là một người Anh chánh hiệu. Còn Ấn Độ thì có lẽ chỉ là cái gốc văn hoá.
Viễn ảnh cho người Việt ở hải ngoại
Nhưng sự thăng tiến của Rishi Sunak vẫn làm tôi liên tưởng đến viễn ảnh một người Việt cũng được thăng tiến như anh ấy. Hiện nay, có chừng 5 triệu người Việt ở nước ngoài, đa phần ở các nước dân chủ phương Tây (như Mĩ, Úc, Canada, Pháp, Anh). Đã có một hay 2 thế hệ người Việt ở hải ngoại. Cái lợi thế ở những nước vừa kể là chánh phủ theo đuổi một chánh sách dung nạp và đa dạng hoá, và đó là cơ hội tuyệt vời cho những di dân như người Việt chúng ta.
Không có gì là không thể. Trong những năm vào thập niên 1970 và 1980, hàng triệu 'Thuyền Nhân' tới định cư ở các nước vừa kể, đâu có ai nghĩ đến ngày con cháu mình sẽ làm 'ông này, bà kia'. Thời đó, cái ưu tiên hàng đầu là làm lại cuộc đời, ổn định cuộc sống, và có chút dư dã để gởi về quê nhà. Ấy vậy mà chỉ 40 năm sau, chúng ta đã có những dân biểu gốc Việt cấp tiểu bang và liên bang, tướng lãnh trong quân đội, luật sư cố vấn cho chánh phủ, giáo sư trong các đại học, v.v. Đa số họ thuộc thế hệ thứ hai ở hải ngoại. Tôi nghĩ với chủ trương cởi mở và đa dạng hoá ở phương Tây thì một ngày nào đó sẽ xuất hiện một lãnh tụ chánh trị gốc Việt ở Mĩ, Úc, Canada là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Có lẽ điều đáng nói (hay đáng buồn) là nhiều người Việt chỉ có thể thăng tiến ở nước ngoài, chứ không thể ở trong nước. Tôi nghĩ có nhiều lí do để giải thích cho sự 'lệch pha' đó, nhưng cái lí do lớn nhứt là ở các nước phương Tây chánh phủ theo đuổi chánh sách dung nạp và đa dạng hoá ở tất cả các thiết chế xã hội - chánh trị, còn ở Việt Nam thì quyền lực điều hành chỉ tập trung vào một nhóm người thiếu tính đại diện cho sự đa dạng của xã hội.
Sự thật này làm cho nhiều người Việt cảm thấy họ là 'người bên lề', thậm chí 'người ngoài cuộc' ngay trên quê hương mình. Đó cũng chính là lí do tại sao mỗi năm có 40-50 ngàn người Việt bỏ nước ra đi tìm cơ hội ở nước ngoài.
Nói như thế thì có lẽ vài người ở Việt Nam không đồng ý, và họ sẽ nói Quốc hội cũng có đa dạng hoá đó chứ. Đúng là Quốc hội có đa dạng hoá, và Việt Nam cũng có nhiều 'nghị quyết' về đa dạng hoá, nhưng thành thật mà nói đó chỉ là 'hoa lá cành', không phải thực chất. Vả lại, từ 'nghị quyết' đến hành động thực tế còn rất xa, và đa số chỉ là trên giấy. Ở các nước phương Tây họ không có những 'nghị quyết' trên giấy, nhưng họ có quyết chí kèm theo những biện pháp rất thực tế để cả xã hội tiến tới đa dạng hoá, và ở mức độ nào đó, họ đã thành công. Sự thành công của họ là bài học Việt Nam cần tham khảo vậy.
Không có nhận xét nào