Trang Tử (369-286 Trước Công Nguyên)
Cuối đời nhà Chu, nước Tống, có một người họ Trang tên Chu, tự là Tử Hưu. Trang Chu làm quan dưới triều nhà Chu, nhưng vì tu luyện theo đạo tiên, nên không muốn bị câu thúc ở chốn cao sang quyền quý. Ông bỏ đi tìm cảnh thanh tịnh vô vi.
Trang Chu sang chơi nước Tề, Điền Tôn là người rất trọng học vấn, thấy Trang Chu thông minh học rộng đem lòng yêu mến, gả con gái cho Trang Chu. Điền Thị là một cô gái tuyệt thế giai nhân, Trang Chu không phải là người háo sắc song cũng yêu thương. Do đã là bậc tu hành, không thiết gì đến vinh hoa phú quý nên Trang Chu đã dẫn vợ về ngụ tại Nam Hoa Sơn thuộc địa phận Tào Châu, để sống cuộc sống an nhàn ẩn dật.
Một hôm, Trang Chu đang thơ thẩn dạo chơi chân núi bỗng gặp một thiếu phụ mặc tang phục, tay cầm quạt ngồi bên nấm mồ, quạt một ngôi mộ mới đắp, đất còn chưa ráo. Trang Chu lấy làm lạ hỏi: “Tại sao nàng lại ngồi quạt nấm mồ này làm gì?”
Thiếu phụ đáp: “Chồng thiếp chẳng may mất sớm, nắm xương tàn chôn cất nơi đây. Lúc sinh tiền đang nồng duyên hương lửa, chồng thiếp có dặn là nếu rủi ro mà chồng thiếp mầt sớm, thì hãy đợi cho nấm mồ xanh cỏ rồi hẵng tái giá. Nay chồng thiếp rủi đã mất rồi mà gió mưa tơi tả biết bao giờ nấm dất mới khô để cỏ mọc lên được. Mà ba thu đằng đẵng, đêm xuân một khắc ngàn vàng, tiện thiếp chờ sao được! Vì vậy thiếp mới quạt cho đất khô để cỏ mau mọc, chừng ấy thiếp có tái giá thì cũng khỏi phụ lòng người chín suối”.
Trang Chu nghe dứt lời, thở một hơi não ruột, trách cho lòng người sớm bạc tình và nói: “Nếu nương nương muốn cho đất khô không khó gì cả, tôi xin giúp nương nương làm việc ấy”. Trang Chu có phép tu hành, vận dụng hết năng lực, hướng vào nấm mồ quạt mấy cái nấm mồ bỗng nhiên khô ráo và cỏ xanh lấm tấm chồi. Thiếu phụ mỉm cười, quỳ gối tạ ơn Trang Chu và tặng cho Trang Chu cây quạt rồi hớn hở ra đi.
Trang Chu cầm cây quạt ngắm nghía, lòng nao nao nỗi buồn khó tả. Cho hay sự đời chỉ là một bức màn thưa, ân tình chỉ là một lớp vỏ che đậy những bản năng dục vọng kinh tởm của con người. Về nhà, Trang chu ngâm một bài thơ trước khi bước chân lên thềm:
“Nếu chẳng oan gia đâu gặp nhau
Oan gia ràng buộc được bao lâu?
Nếu hay lúc chết không tình nghĩa
Thì sống thà đừng ân ái nhau!”
Thấy chồng bước vào nhà mặt rầu rầu, miệng ngâm thơ, tay cầm quạt phe phẩy, Điền Thị ngạc nhiên hỏi chồng, Trang Chu thuật lại việc gặp thiếu phụ quạt mồ cho vợ nghe. Điền Thị nghe chồng kể đầu đuôi câu chuyện nổi giận mắng:
“Cái thứ dàn bà quỉ quái ấy, chồng chết nấm mồ còn chưa xanh cỏ đã toan bề ân ái. Lẽ ra phải bắt những loại đàn bà ấy đem thả trôi sông để cho cõi đời này khỏi nhơ uế”.
Trang Chu nghe vợ nói thế chỉ mỉm cười không đáp, buồn bã ngâm bốn câu thơ:
“Sinh tiền cá cá thuyết ái ân
Tự hậu nhân nhân dục phiến văn
Họa hổ họa bì nan họa cốt
Tri nhân tri diện bất tri tâm.”
Điền Thị nghe Trang Chu ngâm thêm mấy câu thơ lòng càng bực tức, mặt giận phừng phừng, trách chồng sao đem những hạng người đàn bà đốn mạt ấy mà so sánh với vợ mình. Trang Chu mỉm cười nói:
- Thôi đừng giận, đừng hờn làm chi, giả sử nay mai tôi bất hạnh qua đời, liệu đóa hoa hải đường kia đang độ phơi phới hương xuân có thể phong kín nhụy hương mà chờ quá hạn thiều quang chín chục được không?
Điền Thị mím môi, phì cười nói:
- Trung thần không thờ hai chúa, gái tiết trinh không lấy hai chồng. Nếu bất hạnh mà chàng có bề gì, thiếp xin cam phận chứ không bao giờ nghĩ đến chuyện trăng hoa như vậy.
Trang Chu nghe nói cười xòa tỏ ý không tin. Điền Thị tức giận chụp cây quạt xé nát từng mảnh, nói: “Để làm gì cái dồ phụ bạc thêm nhơ mắt, chỉ có lúc chàng chết đi mới rõ được hạng người đàn bà này tiết hạnh đến nhường nào”.
Chẳng bao lâu, Trang Chu lâm bệnh, mỗi ngày một trầm trọng hơn. Điền Thị suốt ngày sụt sùi bên giường bệnh. Một hôm, Trang Chu gọi vợ đến nói: “Bệnh tôi nguy ngập, không thể sống đựơc bao lâu, rất tiếc là cây quạt mồ không còn nữa để nàng quạt cho nấm mồ tôi mau xanh cỏ, để nàng sớm tái giá, khỏi mang tiếng người đời dị nghị.”
Điền Thị vừa khóc vừa nói: "Xin chàng cứ tịnh dưỡng, chớ buồn bã như thế mà tổn hại tinh thần, thiếp là người có học, biết lấy chữ “Tùng nhất nhi chung” mà giữ đạo, lẽ đâu lại làm chuyện hèn mạt. Nếu chàng không tin, thiếp xin tử tiết trước mặt chàng, để chàng thấy hết lòng chung thủy”.
Tối hôm ấy Trang Chu tắt thở. Điền Thị vật mình than khóc thảm thiết. Nàng mặc đồ tang, lo việc tẩm liệm, quàn quan tài chồng ở giữa nhà. Qua mấy ngày, Điền Thị khóc sướt mướt, bỏ ăn, bỏ ngủ.
Đến ngày thứ bảy bỗng có một chàng thư sinh, mặt như dồi phấn, môi tợ hoa son, áo tía quần đen, phong nghi tuấn tú, có dắt theo một người lão bộc vào nhà tự xưng là Vương Tôn nước Sở, ngày trước có giao ước cùng Trang Chu theo đòi học tập, nay đến nơi mới hay Trang Chu chết, nên Vương Tôn cảm nghĩ xưa vào phúng điếu.
Khi Vương Tôn khóc lạy linh cữu xong, Điền Thị mời Vương Tôn vào nhà khách để dùng trà. Thấy một ngã thư sinh trẻ đẹp như thế, Điền Thị thoắt động lòng, tuy bề ngoài giữ lễ nghĩa nhưng bên trong cũng muốn kiếm cách làm quen để tiện bề gần gũi.
Nghe vương Tôn nói muốn xin lưu lại một trăm ngày để cho trọn đạo, và cũng để mượn sách vở của Trang Chu để học đạo. Vớ được dịp may, Điền Thị tủm tỉm cười cung kính đáp: “Tình nghĩa thầy trò, xin Vương Tôn đừng nghĩ gì cả”.
Đêm đêm Điền Thị lấy cớ khóc chồng để nhìn ngắn Vương Tôn, mắt liếc lòng mơ, mối tình ngày một tha thiết, nhưng không biết làm sao vượt qua bờ sông ân ái. Một hôm, nàng đánh liều gọi người lão bộc tỏ ý muốn ông tác thành cho nàng và Vương Tôn, người lão bộc ra vẻ e ngại nói: “Điều đó chủ nhân tôi còn gì mong ước hơn, song sợ e tiếng thầy trò thiên hạ dị nghị.”
Điền Thị đáp: “Vương Tôn trước kia có lời nguyện ước, nhưng chưa học với chồng tôi ngày nào, thì sao gọi là nghĩa thầy trò. Vậy ông là lão bộc trung thành, tôi nhờ ông giúp đỡ, nếu việc thành tôi sẽ trọng thưởng”.
Người lão bộc tỏ ý thuận tình rồi bước đi. Một ngày trôi qua, thời khắc đối với Điền Thị như dài đằng đẵng, lòng nàng rạo rực không yên. Sáng hôm sau, Điền Thị nóng ruột quá, gọi người lão bộc đến phòng hương để hỏi chuyện. Người lão bộc e ngại thưa:
- Chủ tôi nói cũng có lý, nhưng có điều thật khó khăn là chiếc quan tài còn quàn nơi giữa nhà, thây người chưa lạnh, nếu bàn tính tới chuyện hôn nhân e bất nghĩa. Điều thứ hai là Trang tiên sinh cùng phu nhân lâu nay ân ái đậm đà, tình chăn gối không gì thương tổn. Vả lại, Trang tiên sinh là một bậc tài hoa lỗi lạc, còn chủ nhân tôi học mọn tài sơ, e không xứng với phu nhân chăng. Điều thứ ba, chủ nhân tôi đến đây không mang theo tiền bạc lấy gì lo sính lễ.
Điền Thị nghe xong cười nói: “Các điều ấy không có gì quan trọng, thứ nhất đằng sau nhà tôi có một phòng trống, tôi sẽ thuê người khiêng quan tài quàn vào đó. Điều thứ hai, vong phu tôi có gì đạo đức đâu, trước kia đã hai đời vợ nhưng dạy không được nên bỏ đi. Thiên hạ đều cho là bạc bẽo, sau đó vua nước Sở hâm mộ rước về phong chức tước ra giúp nước, vong phu sợ mình không đủ tài nên từ chối, đem thân sống ẩn dật nơi thôn dã. Điều thứ ba, việc tiền bạc Vương Tôn khỏi lo. Tôi là chủ rồi còn ai mà đòi sính lễ nữa. Nếu như việc tiệc tùng thì tôi còn hơn mười lạng vàng lại không đủ chi dùng sao? Nếu Vương Tôn mà có tính chuyện trăm năm kết tóc với tôi, thì chúng ta làm một lễ mọn để động phòng hoa chúc cũng đủ rồi”.
Nói xong Điền Thị lấy vàng trao cho lão bộc đem về cho Vương Tôn và hẹn đêm hôm ấy sẽ làm lễ hợp cẩn. Tối hôm ấy, Điền Thị được tin Vương Tôn chấp nhận mọi ý kiến của nàng, nên mừng lắm, mượn người khiêng quan tài của Trang Chu ra nhà sau, rồi thay đồ tang, mặc áo gấm, quần hồng, thắt hoa kết lá trước thảo đường muôn màu sắc rực rỡ.
Sửa soạn xong, Điền Thị ngồi chờ Vương Tôn đến. Mãi đến khuya, Vương Tôn mới qua, Điền Thị lòng như lửa đốt, đôi mắt long lanh, hai má ửng hồng, nhìn Vương Tôn khôi ngô tuấn tú trong chiếc áo cẩm bào màu xanh lục. Hai người làm lễ xong, men rượu hiệp cẩn chưa trôi qua cổ, Điền Thị phát động hương tình dục, giục Vương Tôn vào phòng ngủ sớm.
Bỗng Vương Tôn mặt mày nhăn nhó, ôm bụng lăn nhào ra đất. Không rõ chuyện gì, Điền Thị đến ôm Vương Tôn vào lòng. Người lão bộc nghe tiếng rên la chạy đến, thấy vậy nói với Điền Thị: “Chủ tôi phát bệnh cũ rồi! Bệnh này không có thuốc nào chữa nổi, chỉ trừ vật ấy mà thôi”. Điền Thị lo lắng hỏi: “Vật gì thế?”. Người lão bộc nói:
- Trước kia, cứ mỗi lần phát bệnh thì vua nước sở phải giết một tù nhân, lấy bộ óc ngâm rượu cho Vương Tôn uống thì mới khỏi. Nay bệnh tái phát mà ở nơi hiu quạnh này lấy đâu ra thứ thuốc ấy, chắc là chủ nhân tôi phải chết mà thôi.
Điền Thị sốt ruột hỏi: “Thế thì óc người chết có dùng được không?” Người lão bộc nói: “Người chết chưa quá một trăm ngày cũng dùng được. Trước kia tôi có nghe nói như vậy”.
Điền Thị mừng rỡ nói: “Vong phu tôi chết chưa quá mười ngày, vậy thì ta bửa quan tài, lấy vật ấy”. Người lão bộc ra vẻ ngần ngại: “Chỉ sợ phu nhân không dám làm như vậy”.
Điền Thị bĩu môi: “Ta cùng Vương Tôn kết nghĩa đá vàng cho đến răng long đầu bạc, thân ta còn chưa tiếc, huống chi một nắm xương tàn kia mà ăn nhằm vào đâu”.
Nói xong Điền Thị gởi gắm Vương Tôn cho người lão bộc chăm sóc, một mình chạy thẳng xuống nhà dưới nơi để linh cữu của chồng, tay cầm một cái búa, tay cầm một con dao. Vừa đến nơi, Điền thị không một chút nghĩ ngợi gì cả, đưa búa bửa vào quan tài mấy cái, lấy dao nạy nắp tung ra.
Bên trong nghe có tiếng rên rỉ. Điền Thị đang kinh ngạc thì thấy Trang Chu lò mò ngồi dậy. Điền Thị thân mình run sợ rồi đứng im như trời trồng, hai tay rụng rời, lưỡi búa và con dao rơi xuống đất. Trang Chu nói:
- May phước cho tôi chưa đến nỗi tuyệt mạng, tôi chết đi đã mười ngày mà còn sống lại được, vậy thì chúng ta cùng về phòng nói chuyện cho vui.
Trang Chu đi trước Điền Thị nối gót theo sau mồ hôi toát ra như tắm, da mặt xanh nhợt như một thây ma. Nàng sợ về phòng gặp Vương Tôn và lão bộc không biết phải ăn nói làm sao với Trang Chu. May thay, lúc về đến phòng thì Vương Tôn và lão bộc biến đi đâu mất. Điền Thị vững lòng lấy hết can đảm nói:
- Từ hôm phu quân mất đến nay, suốt ngày đêm thiếp khóc lóc han thở, bỏ ăn, bỏ ngủ. Bỗng nghe trong quan tài có tiếng rên, nên thiếp lấy búa bửa ra xem chàng có sống lại không.
Trang Chu mỉm cười: “Phu nhân có lòng như vậy ta rất cảm ơn nhưng ta chết chưa quá mười ngày sao nàng lại mặc áo gấm quần hồng mà không mặc tang phục?”
Điền Thị không biết nói sao, đành làm thinh đứng trơ. Trang Chu cười và chỉ biết cười mà thôi. Chàng sai lấy rượu uống cho say mèm rồi lấy bút đề thơ:
”Từ đây nguyện dứt dây oan trái
Người yêu ta lắm… ta tê tái
Nay dầu giữ mãi nghĩa phu thê
Búa kia sẽ bửa đầu ta bể”
Điền Thị nghe xong, biết chồng mình làm phép để thử mình, xấu hổ quá thắt cổ mà chết. Trang Chu đem xác vợ bỏ vào chiếc quan tài bị phá vỡ rồi lấy một cái bồn úp lên trên. Đó là sự tích “chiếc chậu vàng” (Cổ bồn nhi ca), Trang Tử vừa gõ, vừa ca:
“Ta sống nàng khoe khoang
Có chết nguyện thủ tiết
Nhưng rồi lại thay chồng
Ngựa hồng người khác cưỡi
Nếu ta mà chết thật
Trò cười thật mỉa mai…”
Ca xong, Trang Chu đập vỡ bồn, rồi nổi lửa đốt cháy ngôi nhà. Tất cả đều cháy rụi. Từ đó, Trang Chu đi chu du trong thiên hạ, sớm chiều bạn với trăng sao, không còn muốn gần gũi thế gian nữa.
Trang Tử và “Cổ bồn nhi ca”
* Lời bàn của NNC:
Nực cười cho thế thái nhân tình. Người thiếu phụ quạt mồ rất can đảm, không chỉ can đảm đương đầu với dư luận, vượt qua hàng rào lễ nghi cực kỳ khắt khe của xã hội mà còn can đảm đối diện với chính mình, dám làm dám chịu.
Đến bà vợ của Trang Tử, mới vừa mạnh miệng phê bình thiên hạ, đến lượt mình còn hành xử xấu xa, tệ hại hơn, kể cũng đáng xấu hổ. Nhưng tiếc thay chúng ta ai cũng có chứa một “Điền thị” trong lòng. Nói người nhưng rồi cũng quên đến chính mình!
Hầu như trong chúng ta, ai cũng đã từng đóng vai kẻ xấu, chỉ khác nhau ở chỗ ít hay nhiều lần trong suốt cuộc đời. Phải chăng chúng ta chỉ sáng suốt khi dòm ngó người khác và không bao giờ chịu nhìn nhận chính mình?
Thế cho nên, con đường tìm về chân lý, tìm về lẽ phải… cũng là con đường tìm lại chính mình. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân!
http://chinhhoiuc.blogspot.com/2022/10
Không có nhận xét nào