Một bệ phóng hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa Yars của Nga diễn hành qua Quảng trường Đỏ trong cuộc diễu binh Ngày Chiến Thắng ở trung tâm Moscow hôm 09/05/2022. (Ảnh: Kirill Kudryavtsev/AFP qua Getty Images)
Cần phải xem xét cực kỳ nghiêm túc khả năng ông Vladimir Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Nếu mọi thứ trở nên tồi tệ, thì chúng ta sẽ nhìn lại khoảng thời gian này như một thời điểm giống với đầu tháng 07/1914.
Vào thời điểm đó, nền văn minh Âu Châu có vẻ an toàn, thịnh vượng, và đang trên đà phát triển.
Một vài tuần ngắn ngủi sau đó, sự biến loạn của Đệ nhất Thế chiến bắt đầu. Về hậu quả của nó thì, nền văn minh Âu Châu bị phá huỷ hoàn toàn, và các Đế chế Nga, Áo-Hung, Đức, và Ottoman không còn nữa. Tổn thất nhân mạng trong Đệ nhất Thế chiến lớn đến mức các xã hội Anh và Pháp không bao giờ lấy lại được nhuệ khí và sự tự tin của họ. Sự tàn phá ở Nga lớn đến mức trở thành tiền đề cho cuộc Cách mạng Bolshevik và chế độ độc tài kéo dài 74 năm của chủ nghĩa cộng sản. Hậu quả vẫn còn vang vọng cho đến ngày nay ở nước Nga của ông Putin.
Đôi khi thật khó, gần như là không thể, ở trong một môi trường hòa bình, thịnh vượng để hình dung ra sự tàn bạo và đau thương của một cuộc chiến tranh thảm khốc. Mọi người dân Mỹ, những người còn đang nghi ngờ về khả năng có thể xảy ra chiến tranh hạt nhân là đáng sợ như thế nào, nên đọc cuốn “Ngày mai!” (“Tomorrow!”) của ông Philip Wylie. Được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1954, đây là câu chuyện về tổn thất về người khi một loại vũ khí hạt nhân phát nổ tại một thành phố miền trung tây nước Mỹ. Nó thật sống động và kinh hoàng.
Lần đầu tiên tôi đọc cuốn tiểu thuyết lạ thường của ông Wylie là khi bố tôi đóng quân ở Fort Riley. Dễ dàng để tưởng tượng rằng ông Wylie đang mô tả sự tiêu tan của các thành phố Kansas, cách chúng tôi 132 dặm về phía đông. Rốt cuộc thì ông Wylie đã mô tả hai thành phố hư cấu ở miền Trung Tây nằm cạnh nhau và thành phố Kansas ở Kansas và thành phố Kansas ở Missouri kết hợp lại có lẽ là phù hợp.
Tác động về sự hủy diệt của hạt nhân và sự đau đớn cực độ của những người sống sót (điều này đã được ghi lại trong cuốn sách năm 1946 “Hiroshima” của ông John Hersey, một tác phẩm phi hư cấu kể về sáu người sống sót trong vụ Mỹ ném bom thành phố đó) đã khiến tôi không bao giờ quên được. Đó là một yếu tố quan trọng trong quyết định của tôi vào tháng 08/1958 để dành cả đời cố gắng bảo đảm sự an toàn và tự do cho nước Mỹ.
Hiện nay, chúng ta đang phải chịu nguy cơ về một cuộc chiến tranh hạt nhân nghiêm trọng hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời tôi. Bản chất khó đoán trong tính cách của ông Putin — và mức độ mà ông ấy có thể tin rằng ông ấy phải chiến thắng hoặc bị lật đổ — tạo ra sự biến động lớn. Sự thiếu hiệu quả khác thường của quân đội Nga trước những người Ukraine can đảm và việc sẵn sàng hỗ trợ Ukraine của Mỹ và các đồng minh Âu Châu của chúng ta làm gia tăng áp lực. Cuối cùng, sự vượt trội rõ ràng của vũ khí của chúng ta so với của người Nga tạo tiền đề cho sự lựa chọn vô cùng khó khăn đối với nhà độc tài Nga.
Và, vì những hy sinh khủng khiếp mà người dân Ukraine đã phải gánh chịu và sự dữ dội trong các cuộc tấn công của Nga, nên khả năng Tổng thống Volodymyr Zelensky chấp nhận một thỏa ước đình chiến được đàm phán có lẽ là không khả thi về mặt cảm tính. Miễn là phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí, đạn dược, và viện trợ tài chính, thì người dân Ukraine có thể đeo đuổi việc giành lại toàn bộ đất nước của họ.
Tuy nhiên, nếu chiến tranh tiếp tục kéo dài, thì người dân Nga sẽ trở nên ngày càng bất mãn. Số người Nga chạy trốn khỏi đất nước là một lời cảnh báo nghiêm khắc về bao nhiêu người không ủng hộ cuộc chiến của ông Putin. Việc huy động 300,000 thường dân hoặc nhiều hơn này có khả năng làm gia tăng thêm sự bất mãn. Nó cũng không có khả năng mang lại hiệu quả trên chiến trường mà ông Putin mong đợi. Những người lính quân dịch mới sẽ không có sự huấn luyện đầy đủ, thiếu trang thiết bị — và sự tin tưởng. Họ có thể hành động thậm chí còn kém cỏi hơn những người lính đã bại trận. Thương vong của Nga sẽ tăng lên, và những lần thất trận của Nga cũng có thể tăng lên.
Lúc đó (có thể là vấn đề của vài tuần hoặc vài tháng — chứ không phải vài năm) ông Putin có thể quyết định rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong khi đe dọa tấn công Âu Châu và Mỹ bằng các vũ khí hạt nhân chiến lược là một canh bạc tốt hơn việc tiếp tục thua cuộc. Ông ta cũng có thể kết luận rằng Hoa Kỳ và NATO sẽ không đáp trả các vũ khí hạt nhân được sử dụng hạn chế.
Hẳn nhiên, chính phủ ông Biden đã không tạo tiền đề cho khả năng răn đe hạt nhân — đã thất bại thảm hại ở Afghanistan và hoàn toàn hiểu sai về cuộc xung đột Nga-Ukraine. Hãy nhớ rằng: Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Đại tướng Mark Milley đã tuyên bố công khai rằng người Nga sẽ có mặt ở Kiev trong ba ngày. Để chứng minh tình báo Mỹ sai như thế nào, Hoa Kỳ đã đề nghị đưa Tổng thống Zelensky đến nơi an toàn nếu ông ấy tán thành rằng cuộc chiến đó là vô vọng. Lịch sử đã được thay đổi bởi lòng dũng cảm theo phong cách suýt soát Churchill của ông ấy.
Không có Học thuyết Biden rõ ràng nào về cách chúng ta sẽ phản ứng với việc người Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Sự mơ hồ đó (hoặc là sự mập mờ, hay bất cứ thứ gì) làm tăng khả năng ông Putin sẽ nghĩ rằng đó là một canh bạc hợp lý để tiêu diệt quân đội Ukraine bằng một ít vũ khí hạt nhân chiến thuật trong khi đe dọa tấn công các thành phố phương Tây nếu NATO phản công.
Chúng ta có thể phải đối mặt với lựa chọn chấp nhận một tiền lệ đáng sợ: Các cường quốc được trang bị hạt nhân có thể sử dụng vũ khí hạt nhân đối với các nước láng giềng của họ chỉ cần họ đe dọa leo thang xung đột và gây nguy hiểm cho các thành phố của Âu Châu và Mỹ.
Trong một thế giới mà trong đó Trung Quốc, Bắc Hàn, Ấn Độ, Pakistan, Israel, Anh, và Pháp đã có vũ khí hạt nhân — và cả Iran và Nhật Bản đều có thể có được chúng một cách nhanh chóng — thì chúng ta có nguy cơ chứng kiến cơn ác mộng của ông Wylie được phóng thích ra toàn nhân loại.
Đây là thời điểm thích hợp để cầu nguyện và suy nghĩ nghiêm túc, tỉnh táo để tìm ra đường hướng răn đe phù hợp đối với ông Putin — và tất cả các cường quốc hạt nhân.
Nếu không làm như vậy thì có thể sẽ có những hậu quả kinh hoàng.
* Ông Newt Gingrich, một thành viên Đảng Cộng Hòa, từng là Chủ tịch Hạ viện từ năm 1995 đến năm 1999 và đã ra tranh cử với tư cách là ứng cử viên tổng thống vào năm 2012.
Không có nhận xét nào